Mario Vargas Llosa: Cá gặp nước
Hồi ký của Mario Vargas Llosa (viết năm 1993): dưới đây là đoạn mở đầu.
Cá gặp nước
- Mario Vargas Llosa
I. Cái ông vốn dĩ là bố tôi ấy
Mẹ tôi nắm lấy cánh tay tôi kéo tôi ra khỏi văn phòng tỉnh theo cửa phụ. Chúng tôi đi tới đại lộ Eguiguren nhìn thẳng ra biển. Đó là những ngày cuối của năm 1946 hoặc những ngày đầu năm 1947, bởi tôi đã qua kỳ thi tại trường Salesian nơi tôi vừa học hết lớp năm. Mùa xuân đã đến ở Piura, với ánh sáng màu trắng của nó, sự nóng nực ngạt thở của nó.
- Con biết chuyện đó rồi, có phải không? mẹ tôi hỏi tôi, giọng bà không hề run. Có phải con đã biết rồi không?
- Biết gì cơ?
- Rằng bố con chưa chết, con biết điều đó rồi.
- Vâng, tất nhiên.
Nhưng tôi không biết điều đó, tôi chẳng hề ngờ tới chuyện này, tôi trở nên tê liệt vì kinh ngạc. Gì cơ! bố tôi vẫn còn sống? Và ông đã ở đâu trong suốt quãng thời gian nơi tôi cứ tưởng ông chết rồi? Đấy là một câu chuyện dài, nó, cho tới hôm ấy - cái ngày quan trọng nhất trong số tất tật những ngày tôi đã sống cho đến lúc ấy, thậm chí trong số những ngày tôi sẽ sống sau đó - đã được giấu nhẹm bởi mẹ tôi, ông bà tôi, bà trẻ Elvira của tôi - hay được gọi là Mamaé - các cậu của tôi, các cô của tôi, cái gia đình rộng lớn đã đi cùng tuổi thơ tôi ở Cochabamba đó, thoạt tiên, rồi, sau khi Pedro ông tôi được phong làm tỉnh trưởng tại đây, ở Piura. Một câu chuyện huyền hoặc và tầm thường, nó, tôi khám phá được điều đó ở đây ở kia bằng cách cắt cúp thực tại hoặc, do thiếu mất các ánh sáng, bằng cách chế lại nó, đã nhấn gia đình bên ngoại của tôi vào nỗi xấu hổ (thực sự thì đấy là gia đình duy nhất của tôi) và tàn phá cuộc đời của mẹ tôi, vốn dĩ gần như mới chỉ là một thiếu niên.
Một câu chuyện đã bắt đầu mười ba năm trước đó, cách đại lộ Eguiguren, sân khấu cho sự tiết lộ vĩ đại, hơn hai trăm cây số. Hồi ấy mẹ tôi mười chín tuổi. Bà đã đi khỏi Arequipa, nơi gia đình bà sống, để cùng bà tôi, Carmen, người gốc Arequipa, đến Tacna dự đám cưới của một người họ hàng, ngày 10 tháng Ba năm 1934, đúng lúc đó, tại cái nơi sẽ trở thành sân bay của thành phố nhỏ tỉnh lẻ thảm hại và rất gần đây mới có ấy một người giới thiệu cho bà nhân vật phụ trách vô tuyến điện của Panagra, về sau sẽ trở thành Panamericana: Ernesto J. Vargas. Đấy là một chàng thanh niên xinh xẻo hăm chín tuổi. Mẹ tôi yêu ông say đắm ngay từ giây phút ấy và mãi mãi. Và hẳn ông cũng yêu bà bởi, khi, sau vài tuần của kỳ nghỉ ở Tacna bà phải quay về Arequipa, ông viết cho bà nhiều bức thư, và thậm chí ông còn tới chào từ biệt vào lúc Panagra chuyển sang Ecuador. Chính trong chuyến đến thăm Arequipa ngắn ngủi đó họ đã chính thức đính hôn với nhau. Kỳ đính hôn qua thư: mãi một năm sau họ mới gặp lại, khi bố tôi, lại được Panagra thăng chức, lần này là đến Lima, xuất hiện trở lại tại Arequipa để làm đám cưới. Nó được tổ chức vào ngày 4 tháng Sáu năm 1935, ở nhà ông bà tôi, tại đại lộ Parra, nhân dịp ấy được trang trí rất đẹp, và trên bức ảnh còn lại (nhiều năm về sau tôi được xem), người ta thấy Dorita trong cái váy trắng bằng vải tuyn trong suốt có đuôi dài đằng sau, vẻ mặt không hề rạng rỡ, mà nghiêm trang, cùng một khoảng tối trong cặp mắt to sẫm màu như thể đang tra hỏi tương lai.
Đấy là một thảm họa. Sau đám cưới, ngay lập tức họ đi Lima nơi bố tôi làm kỹ thuật viên cho Panagra. Họ sống ở một ngôi nhà nhỏ phố Alfonso Ugarte, khu Miraflores. Ngay từ giây phút đầu tiên ông đã cho thấy cái mà gia đình Llosa sẽ gọi, bằng uyển ngữ, là "tính cách tệ hại". Dorita chịu phục tùng một chế độ nhà tù, bị ngăn cấm gặp bạn bè và, nhất là, bố mẹ của bà, bị buộc lúc nào cũng phải ở nhà. Bà chỉ đi ra ngoài nếu có bố tôi đi cùng, để ra rạp chiếu phim hoặc tới thăm anh trai của chồng, César, và Orieli, vợ ông, cũng sống tại Miraflores. Các xen ghen tuông nối tiếp nhau dưới bất kỳ cái cớ nào và đôi khi chẳng hề có cớ nào, thậm chí nhiều khi còn dẫn đến bạo lực.
Nhiều năm về sau, lúc tóc tôi đã bạc và đã có thể nói chuyện với bà về cuộc hôn nhân kéo dài năm năm rưỡi của bà, mẹ tôi vẫn nhắc lại lời giải thích của gia đình bà cho thất bại trong hôn nhân của mình: tính cách tệ hại của Ernesto và sự ghen tuông bệnh hoạn của ông. Và bà tự buộc tội mình vì có lẽ từng là một đứa trẻ quá được nuông chiều, có ở Arequipa một cuộc sống quá dễ dàng, quá thuận tiện, nó đã không giúp bà được chuẩn bị cho thử thách khắc nghiệt ấy: sống lần hồi qua ngày tại một thành phố khác, với một người nhiều tính cách bạo chúa như thế, khác với những người từng vây quanh bà đến như thế.
Nhưng thất bại trong hôn nhân đó không thể quy cho cả lòng ghen lẫn tính cách tệ hại của bố tôi, mà phải cho căn bệnh quốc gia, thông qua phép tu từ hoán xưng, căn bệnh tác động lên tất tật các tầng lớp và gia đình của đất nước và để lại khắp nơi một thứ hôi tanh tẩm độc cuộc sống người Peru: mối hận thù cùng mặc cảm xã hội. Bởi Ernesto J. Vargas, mặc cho nước da trắng, cặp mắt sáng và dáng dấp đẹp, thuộc - hoặc lúc nào cũng cảm thấy mình thuộc về, điều này cũng đồng nghĩa với như trên - về một gia đình thấp hơn gia đình vợ ông về phương diện xã hội. Các cuộc phiêu lưu, các câu chuyện tồi tệ cùng nhiều trò quỷ quái của Marcelino, ông nội tôi, đã làm gia đình Vargas nghèo đi và bị hạ thấp xuống tới cái đoạn mập mờ nơi những người bourgeois trộn lẫn vào với cái mà người tầng lớp cao gọi là tiện dân, và nơi những người Peru cứ tưởng mình da trắng bắt đầu cảm thấy mình là cholo, tức là lai, nói cách khác là nghèo và bị khinh bỉ. Trong xã hội Peru, vốn dĩ hết sức phức tạp, và có lẽ ở tất tật các xã hội bao gồm nhiều dòng giống và các bất bình đẳng rất mạnh, da trắng và cholo là những từ biểu nghĩa nhiều hơn dòng giống hay chủng tộc: chúng định vị con người về mặt xã hội và kinh tế, và chính các thành tố ấy, rất thường xuyên, là những thứ xác định giai cấp xã hội, vốn dĩ mềm dẻo và hay thay đổi, quy thuận trước hoàn cảnh cùng các bấp bênh của những số phận riêng. Người ta luôn luôn là kẻ da trắng hay cholo của một ai đó, bởi người ta luôn luôn ở vào chỗ tốt hơn hay tệ hơn những kẻ khác; người ta ít nhiều nghèo hoặc quan trọng hơn; người ta có các đường nét ít nhiều phương Tây, lai, Anh điêng, châu Phi hoặc châu Á hơn so với những kẻ khác; toàn bộ cách gọi đơn giản quá mức đó, thứ xác định một phần lớn các số phận cá nhân, được giữ vững nhờ vào cả một đống định kiến cùng thù hận - sự coi thường, khinh bỉ, ghen tị, căm hận, ngưỡng mộ, ganh đua - những thứ thường tạo dựng, vượt quá các ý luận hay thang bậc giá trị, lời giải thích sâu sắc cho các xung đột và các nỗi tức tối của cuộc sống tại Peru. Thật là một sai lầm nghiêm trọng, khi nói đến định kiến, về chủng tộc hay xã hội, mà lại đi nghĩ rằng chúng chỉ vận hành theo chiều từ trên xuống dưới; song song với nỗi khinh bỉ mà người da trắng bày tỏ về phía cholo, người Anh điêng và người da đen, cũng có sự căm hận của cholo đối với người da trắng, Anh điêng và người da đen, và của cả ba người kia đối với tất tật những người khác; đấy là các tình cảm, xung động hay dục vọng rình sẵn đằng sau những cạnh tranh chính trị, ý luận, nghề nghiệp, văn hóa và cá nhân, và chúng vận hành theo một quá trình mà thậm chí người ta không thể gọi là đạo đức giả, bởi hiếm khi nào nó có ý thức. Phần lớn thời gian, nó sinh ra từ một cái tôi bị che giấu và bị mù trước lý trí, nó được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ và khởi sự bước đi ngay từ tiếng khóc và các ấp úng đầu tiên của người Peru.
Có khả năng đấy là trường hợp của bố tôi. Còn hơn tính cách tệ hại hay lòng ghen của ông, ông làm hỏng cuộc đời mình với mẹ tôi vì ông có cảm giác, vốn dĩ chưa bao giờ bị chối bỏ, rằng bà thuộc về một thế giới với những cái họ vang rền - những gia đình ở Arequipa kiêu căng với tổ tiên Tây Ban Nha của họ, với các cung cách đẹp đẽ của họ, với sự nói năng hay ho của họ - tức là một thế giới vượt trội so với thế giới của gia đình ông, bị nghèo đi và lụn bại do chính trị.
Ông nội tôi, Marcelino Vargas, sinh ra tại Chancay và học nghề thợ sửa radio, mà ông sẽ dạy cho bố tôi vào các quãng ngừng ngắn ngủi trong tồn tạo nhiều náo động của ông. Nhưng niềm say mê của cuộc đời ông là chính trị. Ông tiến vào Lima qua cửa ô Cocharcas cùng các guerillero của Piérola, ngày 17 tháng Ba năm 1895, khi mới là một chàng thanh niên. Và sau đó ông trung thành phục vụ cho lãnh tụ cánh tả Augusto Durán, mà ông đi theo trong các cuộc phiêu lưu chính trị, do vậy mà sống ngày qua ngày, chuyển từ chức tỉnh trưởng Huánuco sang thân phận bị trục xuất sang Ecuador; từng nhiều lần ông biết tới các nhà tù và nhiều lần trốn được. Cuộc sống náo nhiệt ấy buộc bà tôi, Zenobia Maldonado - một phụ nữ có biểu hiện rất lãnh đạm, trên những bức ảnh, về bà bố tôi xúc động bảo là bà không do dự dùng roi quật các anh em của ông và ông đến tóe máu, những lúc họ không ngoan - phải thực hiện đủ mọi loại phép mầu nhằm kiếm cái ăn cho năm đứa con của mình, mà về cơ bản bà nuôi dạy một mình (bà có tám con cả thảy, nhưng ba người chết không lâu sau khi sinh).
Chắc hẳn họ sống rất nghèo khổ, bởi bố tôi bỏ học - trường cấp hai quốc gia Guadalupe - ở tuổi mười ba để kiếm tiền trợ giúp gia đình. Ông vào làm thợ học việc cho một thợ giày người Ý, rồi, nhờ những hiểu biết sơ đẳng về điện đàm mà don Marcelino đã dạy, ông làm nhân viên kỹ thuật cho bưu điện. Năm 1925, Zenobia, bà tôi, chết, cùng năm ấy bố tôi đang ở Pisco, làm nhân viên điện tín. Một hôm, ông chung tiền với một người bạn, mua một nửa tờ vé số Lima và trúng giải độc đắc: một trăm nghìn sole! Với năm mươi nghìn mà ông nhận được, cả một gia sản vào thời đó, ông đến Buenos Aires (nó, tại Argentina giàu có hồi những năm hai mươi, đối với Mỹ Latin thì cũng tương tự Paris đối với châu Âu), nơi ông sống phung phá và mau chóng hết tiền. Tuy nhiên ông có được sự thận trọng là học thêm về điện tín tại Trans Radio và lấy được tấm bằng chuyên nghiệp. Một năm sau ông chiến thắng trong một cuộc thi tuyển, trở thành sĩ quan phụ trách radio của đội thương thuyền Argentina, và ông trải qua năm năm đi trên tất tật các biển. (Chính vào quãng thời gian này có bức ảnh chụp ông, trông rất bảnh trong bộ quân phục màu xanh lính thủy, suốt tuổi thơ tôi ở Cochabamba nó được đặt trên bàn đầu giường của tôi và, dường như vậy, tôi hôn nó lúc đi ngủ, chúc "bố bé nhỏ của con đang ở trên trời" ngủ ngon.)
Ông quay về Peru vào quãng 1932 hoặc 1933, được Panagra thuê làm nhân viên phụ trách vô tuyến điện. Trong vòng hơn một năm, ông bay trên những cái máy bay tiên phong nhỏ bé băng qua các khoảng bầu trời còn chưa được khai phá của Peru, rồi được bổ nhiệm đến sân bay Tacna, nơi diễn ra cuộc gặp vào tháng Ba năm 1934 nhờ đó tôi chào đời.
Tồn tại du mục đó không giải thoát được bố tôi khỏi các mặc cảm rối rắm cùng những hận thù nằm trong tâm lý của người Peru. Theo một cách nào đó và vì lý do phức tạp nào đó, đối với ông gia đình mẹ tôi trình hiện những gì ông chưa từng bao giờ có hoặc những gì mà gia đình ông đã mất: sự ổn định của một tổ ấm bourgeois, mạng lưới vững chắc các mối quan hệ với những gia đình khác giống thế, sự quy chiếu về một truyền thống và một con dấu xã hội nhất định. Do vậy, ông dành cho gia đình ấy một ác cảm cứ xuất hiện liên hồi dưới bất kỳ cái cớ nào và được biểu hiện, vào những lúc ông lên cơn điên giận, bởi các chửi rủa nhằm vào những người nhà Llosa. Nói cho đúng, những tình cảm ấy vào thời đó - giữa những năm ba mươi - đã chẳng mấy hữu lý, bởi gia đình Llosa, vốn từng biết đến sự dư dả cùng các tự phụ quý tộc kể từ khi người đầu tiên của dòng tộc, don Juan de la Llosa y Llaguno, trung đoàn trưởng, tới Arequipa, hồi này đã rơi hẳn vào cuộc suy đồi và chỉ còn, tính từ ông tôi, là một gia đình Arequipa thuộc tầng lớp trung lưu với nguồn thu nhập khiêm nhường. Tuy nhiên, ấy là một gia đình có chỗ đứng vững chắc trong cuộc sống xã hội và có một số quan hệ. Chính điều này, có khả năng là vậy, là thứ mà bố tôi, cái con người bị bứt rễ, không gia đình và không quá khứ đó, không thể tha thứ cho mẹ tôi. Marcelino ông tôi, sau khi doña Zenobia chết, đã choàng vương miện, trước nỗi xấu hổ lớn nhất của thân sinh tôi, lên sự nghiệp nhiều tính cách phiêu lưu của mình bằng cách bỏ đi sống cùng một phụ nữ Anh điêng điển hình tại một ngôi làng nhỏ ở miền trung dãy Andes; chính ở đó ông kết thúc cuộc đời mình, ở tuổi chín mươi và với nhiều đứa con vây quanh, ở tư cách sếp ga thuộc các tuyến nội địa. Chính những người nhà Llosa cũng không khơi lên ở ông các lăng mạ giống những lăng mạ mà don Marcelino tạo cảm hứng cho ông, những lần hiếm hoi nào ông nhắc tới bố mình. Tên của ông là điều cấm kỵ ở nhà, cũng như toàn bộ những gì gắn liền vào con người ông. (Và chắc hẳn chính vì vậy mà tôi từng luôn luôn có một cảm tình bí mật đối với ông nội tôi, mà tôi chưa từng bao giờ gặp.)
Mẹ tôi mang thai ít lâu sau đám cưới. Bà qua những tháng chửa đẻ đầu tiên một mình tại Lima, với sự bầu bạn thảng hoặc của chị dâu chồng, Orieli. Những cuộc cãi vã trong nhà liên tiếp nổ ra và cuộc sống trở nên hết sức khó khăn đối với mẹ tôi, điều này không hề vấy bẩn chút nào lên tình yêu say mê mà mẹ tôi dành cho bố tôi. Một hôm, bà ngoại Carmen thông báo, từ Arequipa, là bà sẽ tới giúp mẹ tôi vào lúc sinh. Bố tôi thì đang đi công tác sang La Paz nơi ông phụ trách việc thiết lập một chi nhánh cho Panagra. Như thể đấy là việc tự nhiên nhất trên đời, ông bảo vợ: "Tốt hơn hết em đi Arequipa để đẻ đi." Và ông thu xếp để mẹ tôi không thể ngờ được những gì mà ông đang âm mưu. Cái buổi sáng tháng Mười một năm 1935 ấy, như một ông chồng đầy yêu thương ông từ biệt người vợ đang mang thai năm tháng của mình.
Và không bao giờ nữa ông gọi điện thoại cho bà, viết thư hay có tin tức gì, cho mãi đến tận mười một năm sau đó, tức là không lâu trước buổi chiều nơi, trên đại lộ Eguiguren ở Piura, mẹ tôi nói cho tôi biết rằng bố tôi, mà cho đến khi ấy tôi cứ tưởng đã ở trên trời, vẫn ở dưới mặt đất này, hết sức khỏe khoắn.
(còn nữa)
Huỳnh Bất Thức dịch
Mario Vargas Llosa