favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Madame de Sévigné: Thư (tiếp)

05/10/2024 17:33

Tiếp tục những bức thư của Madame de Sévigné, mà cách đây không lâu, Văn Bản đã đăng một số. Và nghĩa là cũng tiếp tục chủ đề correspondence.

 

Buổi tối

Ta vừa nhận đây thư con gửi từ Nogent. Thư được trao từ tay một anh chàng tử tế lắm, ta hỏi anh hết nhẽ, nhưng thư con đáng giá hơn mọi điều có thể nói ra. Con gái ơi, con đúng thật là người đầu tiên khiến ta cười đấy, sau khi đã làm ta khóc ròng biết bao nhiêu. Chuyện con nhờ ông Busche thật độc đáo, nó được gọi là các nét phóng trong lối hùng biện; vậy nên ta đã cười, thú thật với con, và ta hẳn đã lấy làm thẹn nếu như tám ngày nay ngoài khóc ra ta còn làm gì khác. Chao ôi! Ta có gặp ngoài phố nhà ông Busche ấy, đang dắt ngựa của con tới, ta đã dừng chân ông lại và khóc nức nở mà hỏi tên ông; ông nói cho ta; ta vừa sụt sịt vừa bảo ông: “Ông Busche ơi, tôi xin trao gửi con tôi cho ông đấy, xin đừng làm con tôi bị xóc ngã; và khi đã đưa con tôi đến Lyon an lành rồi, xin ông hãy về cho tôi biết tin; tôi sẽ xin gửi ông chút tiền uống nước.” Ta nhất định sẽ làm vậy: điều con vừa báo cho ta hay về ông ấy càng làm tăng thêm lòng kính trọng ta sẵn dành cho ông. Nhưng con không khỏe phải không, con bị mất ngủ phải không? Sô cô la sẽ giúp con lại sức; nhưng mà con lại không có bình pha, ta đã nghĩ đến chuyện ấy cả ngàn lần; con sẽ làm thế nào đây?

Hỡi ôi! Con hiền ơi, nghĩ ta bận lòng vì con còn nhiều hơn con lo cho ta là con không nhầm đâu, cho dù con dường như lo cho ta nhiều lắm. Nếu có nhìn thấy ta, con sẽ thấy ta tìm những người muốn nghe ta nói chuyện ấy; nếu nghe được ta, con sẽ nghe thấy ta nói về chuyện ấy. Kể một việc này ra thôi chắc cũng đủ, rằng ta tới thăm cha Gueton cả tiếng đồng hồ chỉ để nói mỗi chuyện đường đi lối lại ở Lyon. Ta vẫn chưa gặp ai trong số những người muốn giúp ta khuây khỏa, như họ nói; bởi, nói riêng, thế là họ định ngăn ta nghĩ đến con, mà điều ấy làm ta khó chịu lắm. Tạm biệt con hiền vô cùng yêu dấu của ta, hãy tiếp tục viết cho ta, hãy tiếp tục yêu ta. Với ta, thiên thần của ta ơi, ta là của con hết. Deville bé bỏng ơi, Golier thương ơi [hai người hầu của bà Grignan], xin chào. Ta chăm sóc con của con hết mức. Ta chưa nhận được thư anh Grignan, mà ta thì vẫn viết cho anh.

 

Paris, thứ Sáu ngày 20 tháng Hai [1671]

Thú thật với con là ta mong tin con quá; hãy nghĩ xem, con hiền thương ơi, ta chẳng có tin gì của con cả, kể từ la Palice [gần Lyon. ND]. Ta không hay biết gì về hành trình còn lại tới Lyon cũng như chặng đường tới Provence của con: tóm lại là, ta vò xé chính mình; ta nóng ruột không sao nghỉ ngơi cho nổi. Ta yên chí là sẽ có thư đến; ta chắc chắn con đã viết cho ta, vậy mà đợi mãi chẳng thấy thư đâu: cần phải tự vỗ về an ủi, và tìm vui bằng cách viết cho con.

Con bé bỏng của ta, con sẽ biết rằng hôm kia, thứ Tư, từ nhà cậu Coulanges về sau khi bọn ta sửa soạn thư và bưu kiện gửi vào ngày định k, ta đi ngủ. Chuyện chẳng có gì khác thường cả, nhưng cái khác thường là ở chỗ, lúc ba giờ sáng ta nghe hô trộm, hô cháy; và những tiếng kêu ấy gần ta quá, lại ngày càng dồn dập, nên ta chắc nó ở ngay đây thôi; ta còn tưởng đâu nghe người ta nói về cháu ngoại của ta; ta đinh ninh nó bị cháy rồi: ta choàng dậy trong nỗi hoảng sợ ấy, không đèn đóm, run đến nỗi gần như đứng không vững. Ta chạy sang phòng con thì mọi thứ vẫn bình yên; nhưng ta thấy nhà Guitaud cháy ngùn ngụt; nhà bà Vauvineux thì lửa trùm lên: dưới sân và nhất là phía nhà ông Guitaud sáng rực đến kinh hoàng: nghe đủ cả những tiếng kêu, tiếng náo loạn, tiếng xà và rầm nhà sập xuống kinh hồn. Ta cho mở cửa và phái người ra cứu giúp: ông Guitaud gửi ta một cái tráp đựng những món đồ quý giá nhất; ta cho vào buồng giấy, rồi ta muốn ra phố, để mà há hốc miệng y như những người khác: ta thấy ông bà Guitaud gần như ở trần, ngài đại sứ Venise, đám gia nhân của ngài, đứa bé nhà Vauvineux đang ngủ được người ta bồng qua nhà đại sứ, nhiều bàn ghế, bát đĩa cũng được cứu đưa sang nhà ngài ấy. Bà Vauvineux cho chuyển hết đồ đạc ra: với ta thì nhà ta như ốc đảo vậy nhưng ta thấy thương cảm các láng giềng khốn khổ của ta quá đỗi. Anh em bà Guêton đưa được những lời khuyên rất hay; chúng ta đều rụng rời hết cả: lửa bùng dữ quá nên không ai dám lại gần và chỉ có thể hy vọng lò lửa tắt đi cùng lúc ngôi nhà của ông Guitaud khốn khổ tàn lụi. Ông thật tội quá; ông muốn đi cứu mẹ đang bị kẹt trong đám cháy ở tầng bốn; nhưng bà nhà cứ bám rịt lấy ông, hung bạo giữ ông lại; ông kẹt giữa lòng đau đớn không cứu mẹ và nỗi lo làm bà nhà bị thương; cuối cùng ông nhờ ta giữ bà vợ cho và ta làm theo: ông đã thấy mẹ băng qua ngọn lửa, và rồi bà được cứu. Ông còn muốn đi lấy ra một số giấy tờ nữa nhưng không sao tới gần chỗ để được; cuối cùng ông quay lại chỗ chúng ta, ở con phố ta đặt bà nhà ngồi xuống: các thầy tu, đầy lòng bác ái và khéo léo, làm tốt lắm nên lửa đã được dập tắt. Người ta hắt nước vào tàn đám cháy, và cuối cùng

Thiếu chiến binh thì tàn trận. 

[Le combat finit faute de combattants. Le Cid, Corneille]

tức là sau khi tầng hai và tầng ba bên trên tiền sảnh, buồng con và buồng giấy bên hông phải phòng khách đã cháy rụi hoàn toàn. Những gì còn sót lại của căn nhà được gọi là may mắn, mặc dù tổn hại cho ông Guitaud là trên mười ngàn êquy; bởi người ta tính cất lại nhà, trước đây được sơn và mạ vàng. Có nhiều bức tranh đẹp lắm của ông Le Blanc chủ nhà; còn có thêm nhiều bàn, gương, tranh tiểu họa, đồ gỗ, tranh thảm nữa. Họ xót lắm những lá thư; ta đoán là thư của Thân vương. Trong lúc ấy, đến quãng năm giờ sáng, cần phải nghĩ đến bà Guitaud; ta mời bà qua nghỉ trên giường ta; nhưng bà được đưa về nhà bà Guêton, bởi bà Guêton có nhiều phòng đầy đủ đồ đạc. Chúng ta chích máu cho bà rồi phái người đi tìm Boucher: ông ấy lo là xáo động như thế có thể làm bà hạ sinh trong vòng chín ngày kế đó, mà điều ấy thì có thể lắm. Vậy là bà ấy ở nhà bà Guêton khốn khổ rồi; mọi người tới thăm bà, còn ta thì tiếp tục chăm sóc bà, bởi bắt đầu tốt quá rồi nên ta phải làm nốt cho xong.

Con sẽ hỏi ta căn nhà đã bốc cháy ra làm sao; chẳng ai biết gì cả, trong nhà không thấy có chỗ nào cho lửa bùng lên; nhưng nếu cười được trong những hoàn cảnh đáng buồn như thế, thì có thể dựng những bức chân dung nào về tình trạng của tất cả chúng ta khi ấy nhỉ? Ông Guitaud gần như ở trần, chỉ mặc sơmi và quần đùi; bà Guitaud không mặc quần dài và để tuột đâu mất một chiếc dép đi trong nhà; bà Vauvineux không mang váy ngủ mà chỉ mặc độc mỗi váy lót; tất cả đám người hầu, xóm giềng đều đội mũ ngủ: ngài đại sứ mặc áo ngủ và đội tóc giả, và vẫn giữ được sự nghiêm trang cao quý. Nhưng thư k của ngài thì mới thật là k diệu: người ta vẫn nói về lồng ngực Hercule! Thực sự, lồng ngực này là thứ khác hẳn; người ta nhìn thấy hết toàn bộ: nó trắng bóc, màu mỡ, múp míp, và nhất là không mặc lớp áo nào, bởi dải dây buộc chắc đã tuột mất trong cuộc chiến. Những tin tức buồn lòng về khu phố chúng ta đấy. Ta nhờ ông quản gia Deville tối tối đi kiểm tra một vòng để đảm bảo là lửa đã tắt hẳn ở khắp mọi nơi; muốn tránh tai ách như thế thì cẩn thận mấy cũng không thừa. Con hiền ơi, ta mong là nước đã giúp con thấy dễ chịu; nói cho gọn thì ta mong mọi điều tốt đẹp cho con và cầu Chúa tránh cho con khỏi mọi tai ương.

[...]

 

Paris, thứ Tư ngày 16 tháng Ba [1672]

Con nói về việc lên đường của ta: chà, con thương ơi! Ta đang héo mòn trong niềm hy vọng đáng yêu ấy. Chẳng có gì ngăn ta cả, ngoài dì [Henriette] của ta [Henriette de La Trousse. ND], đang chết dần vì đau và vì bệnh phù thũng. Dì làm tim ta tan vỡ bởi tình trạng của dì và bởi những điều trìu mến và khôn khéo dì nói ra. Sự cứng cỏi nơi dì, đức kiên nhẫn và nhẫn nhịn nơi dì, tất thảy đều đáng ngưỡng mộ. Ông Hacqueville và ta theo dõi cơn đau của dì hằng ngày: ông nhìn thấu tim ta và nỗi đau của ta khi không được tự do ngay lúc này đây. Ta lựa theo những lời khuyên nhủ của ông mà cư xử; chúng ta sẽ xem tình hình từ nay đến lễ Phục sinh thế nào. Nếu đau nặng hơn, như từ lúc ta ở đây, dì sẽ qua đời trong vòng tay chúng ta; còn nếu các cơn đau của dì phần nào dịu bớt và dì đi vào đường sống lay lắt, thì ta sẽ lên đường lúc nào cậu Coulanges [em ruột bà Henriette. ND.] quay lại. Cha tu viện trưởng tội nghiệp của chúng ta cũng tuyệt vọng giống ta; như vậy chúng ta sẽ xem qua tháng Tư sự đau đớn quá đỗi này chuyển biến ra sao. Trong đầu ta chỉ còn điều này nữa thôi: không thể nào con lại mong gặp ta nhiều hơn ta thèm được ôm hôn con; hãy giảm bớt tham vọng của con đi và chớ tưởng có bao giờ bì được với ta về mặt này.

[...]

Con thương của ta, con hỏi ta có còn yêu cuộc sống nữa chăng. Thú thật với con là ta thấy ở đó những nỗi cay đắng xót xa; nhưng cái chết thì ta còn ghê tởm hơn: ta có cảm giác sao mà bất hạnh khi phải kết cục mọi điều bằng cái chết, cho nên nếu được thoái lui thì ta sẽ chẳng đòi hỏi gì hơn. Ta thấy mình bị vướng kẹt trong cái mối giao kèo này: ta được đưa vào đời, chẳng cần ta thuận lòng; ta buộc phải bước ra khỏi đó, và đó là điều giáng ta chí tử; ta phải ra như thế nào đây? Qua đằng ngả nào? Bằng cửa nào? Bao giờ? Trong trạng thái ra sao? Ta có phải chịu ngàn vạn cơn đau làm ta chết đi trong tuyệt vọng hay không? Ta có bị đột quỵ? Ta có chết vì tai nạn? Ta sẽ như thế nào với Thượng Đế? Ta sẽ phải trình điều gì với người? Ta có quay về với người vì sợ, vì cần không? Ta chẳng có cảm xúc nào ngoài nỗi sợ ư? Ta có thể hy vọng điều gì không? Ta có xứng với thiên đường? Ta có đáng xuống địa ngục? Có lựa chọn nào khác hay không? Thật phiền quá đi mà! Có gì điên cho bằng đặt cược sự cứu rỗi mình vào bấp bênh; nhưng cũng đâu có gì tự nhiên như thế, và cuộc đời ngớ ngẩn của ta là thứ dễ hiểu nhất ở trên đời. Ta đắm chìm trong những suy nghĩ ấy, và thấy cái chết sao mà kinh khủng, nên ta lại càng căm hờn cuộc sống, bởi nó dẫn ta về phía cái chết và bởi những cái gai bên trong nó. Con sẽ bảo vậy là ta cứ muốn sống mãi. Không phải đâu nhé; nhưng nếu được hỏi ý kiến, ta sẽ mong chết đi trong vòng tay vú nuôi của ta: điều đó sẽ tránh cho ta bao điều phiền toái và sẽ chắc chắn và dễ dàng đưa ta lên trời; nhưng nói chuyện khác thôi.

Ta thất vọng vì con đã đi xem Bajazet là do người khác chứ không do ta. [...] Con đánh giá đúng và hay lắm, và con chắc cũng sẽ thấy ta có cùng ý kiến với con. Ta muốn gửi cô đào La Champmeslé cho con đặng sưởi ấm cái vở kịch ấy lên. Nhân vật Bajazet lạnh lùng quá; mô tả phong tục của người Thổ cũng kém; muốn cưới hỏi họ đâu có làm tới chừng ấy kiểu cách; điểm mở nút được chuẩn bị không tốt: chẳng thấy lý do cho cái lò sát sinh ấy. Tuy có nhiều điều dễ chịu đấy, mà không điều gì là tuyệt m, không điều gì nâng bổng ta lên, không trường thoại làm ta run rẩy như của Corneille. Con của ta ơi, mình đừng so sánh Racine với ông ấy, mà hãy cảm nhận sự khác biệt. Có những chỗ lạnh và yếu, và ông ta sẽ không bao giờ vượt qua được vở Alexandre và vở Andromaque. Bajazet ở tầm dưới, trong mắt nhiều người, và trong mắt ta, nếu ta được cho ý kiến. Racine dựng nhiều hài kịch cho cô đào La Champmeslé rồi, chúng đích thị không phải dành cho nhiều thế kỷ nữa. Đến bao giờ ông ta hết trẻ, và hết cả si tình nữa, thì sẽ chẳng còn lại gì nữa đâu. Vậy nên, Corneille người bạn già của chúng ta muôn năm! Mình hãy tha thứ cho các vần thơ cay độc của ông ấy, những vần thơ tôn lên những vẻ đẹp thần tiên và tuyệt diệu làm chúng ta ngây ngất: đó là những nét phóng bậc thầy vô song. Despréaux còn ngợi ca nhiều hơn ta nữa kìa; nói ngắn gọn thì đó là có gu, con hãy giữ lấy nó!

[...]

 

Montélimar, thứ Năm ngày 5 tháng Mười [1673]

Đây là một ngày kinh khủng [Sévigné rời Grignan lên đường về Paris buổi sáng cùng ngày, sau chuyến thăm con lần đầu, từ tháng Bảy 1672 đến tháng Mười 1973. Đây là cuộc chia tay thứ hai của hai mẹ con. ND], con thương của ta; thú thật với con là ta chịu không nổi. Ta từ giã con trong một tình trạng càng làm tăng thêm nỗi đau khổ của ta. Ta nghĩ đến mọi bước chân con đi và mọi bước chân ta, cứ mãi đi theo cách ấy mình sẽ chẳng bao giờ gặp được nhau. Tim ta ngơi nghỉ lúc ở bên con: trạng thái tự nhiên của nó là đấy, trạng thái duy nhất làm nó vui. Chuyện diễn ra sáng nay gây đau đớn cho ta, xé lòng ta, vì những lý do mà triết lý của con biết rõ: ta đã cảm thấy các lý do ấy và sẽ còn cảm thấy lâu nữa. Tim ta và trí tưởng ta tràn đầy con; nghĩ đến con là ta không sao cầm được nước mắt, mà ta thì còn nghĩ mãi: cho nên tình trạng của ta là không sao chịu nổi; vì nó cực độ, ta mong nó đừng kéo dài trong sự hung tàn này. Ta tìm con mãi, và ta thấy ta nhớ hết mọi điều, bởi ta nhớ con. Mắt ta, gặp con nhiều đến thế mười bốn tháng nay, không thấy con đâu nữa. Khoảng thời gian êm ái đã qua làm cho quãng thời gian này trở nên đau đớn, cho đến khi nào ta hơi quen đi được, nhưng mãi mãi sẽ chẳng bao giờ quen đủ để không khao khát đoàn tụ với con, ôm hôn con. Ta chẳng nên hy vong ở tương lai điều tốt đẹp hơn quá khứ. Ta biết sự vắng mặt của con làm ta sầu muộn nhường nào, ta sẽ càng đáng xót thương hơn bởi đã bất cẩn tạo cho mình cái thói quen cần được nhìn thấy con. Hình như lúc đi ta chưa ôm hôn con cho đủ: có gì mà ta phải giữ gìn như thế? Ta chưa nói với con cho đủ rằng ta thỏa lòng với tình âu yếm của con nhường nào; ta chưa gửi gắm con nơi anh Grignan cho đủ; ta chưa cảm tạ anh về tất cả các phép lịch sự và tấm chân tình anh dành cho ta; do bao điều như thế ta sẽ phải đợi hậu quả về mọi mặt: có những điều anh quan tâm nhiều hơn ta, cho dù ta chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Chưa gì ta đã cồn cào vì tò mò muốn biết; ta chỉ còn mong điều an ủi duy nhất là thư con, những lá thư sẽ vẫn làm ta xao xuyến. Nói ngắn gọn, con gái ta ơi, ta chỉ sống vì con mà thôi. Cầu Thượng đế ban cho ta đặc ân có ngày ta yêu người như yêu con. Ta nghĩ đến mấy nhóc cháu ta, ta được nhào trộn với nhà Grignan; ai ta cũng quyến luyến. Chưa bao giờ có chuyến đi nào buồn thảm như chuyến này của chúng ta; chúng ta chẳng ai nói lấy một lời.

Tạm biệt, con thương của ta, hãy yêu ta mãi mãi: than ôi, giờ mình lại trở về trong thư. Hãy gửi tới ngài Tổng giám mục lòng tôn trọng thắm thiết của ta, và hãy ôm hôn ngài Phó giám mục; ta trao gửi con cho ông ấy. Chúng ta lại ăn tối bằng đồ của con. Ông Saint-Geniez tới an ủi ta kìa. Con gái ơi, hãy xót thương lấy ta vì ta đã rời xa con.

Hồ Thanh Vân dịch

correspondence

Paul Celan và Ingeborg Bachmann

Lukács về Kierkegaard

Sự viết thì như một con dao

Mấy bức thư

Bazin nhìn Bunuel

Nhịp

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công