favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Joseph Roth: Lỡ dở

06/11/2024 06:54

David Bronsen viết và in cuốn sách tiểu sử Joseph Roth vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, tức là non nửa thế kỷ sau cái chết của một trong những nhà văn quan trọng nhất đoạn nửa đầu thế kỷ 20: Joseph Roth vừa kịp chết trước khi nazi thực sự gây các tai ương lớn chưa từng có. Những tai ương ấy, Joseph Roth là một trong những người đầu tiên dự cảm được, như ta có thể thấy trong các tiểu thuyết đầu tiên mà Roth viết.

Dưới đây là đoạn mở đầu cuốn sách của Bronsen (theo ấn bản đã sửa chữa, 1993): chương thứ nhất, "Tổ quốc đã mất".

 

Joseph Roth

- David Bronsen

Vài lời minh xác về một bức thư hư cấu và về một cuốn tiểu thuyết inédit từ khi Joseph Roth còn sống

Trong các tác phẩm posthumous của Joseph Roth, mà một số vẫn còn bị tản mát, người ta tìm được ba trang viết tay bắt đầu bằng những dòng sau đây: "Sáng nay đã nhận một bức thư của Naphtali Kroj, từ Buenos Aires. Người bạn Naphtali của tôi viết [...]." Phần tiếp theo trông như thể chép lại một bức thư dài một trang viết tay bằng nét chữ của Joseph Roth, cùng hai trang nữa, nơi Roth bình luận bức thư kia. Tác giả bức thư bàn về việc mình di cư sang một đất nước xa xôi và nhắc tới, trong lúc miêu tả kinh nghiệm mới ấy, tình hình khi đó tại tổ quốc mà ông đã bỏ lại. Các nhận xét của Roth về chủ đề này hướng đến chỗ đánh thức những kỷ niệm xa xưa của người bạn lâu năm, nhưng ngoài đó ra còn có một động lực sâu sắc hơn bởi chúng bày ra khả năng có được một chút cái nhìn hồi cố vào địa điểm gốc gác chung của cả hai. Bức thư và lời bình luận được trình bày như hai vế bổ sung lẫn nhau của một dyptique.

Trên thực tế, bức thư là do Roth viết, cũng như phần sau đi cùng với nó. Cái được coi là bức thư của Kroj hoàn toàn mang phong cách của Roth; cú pháp và cách chấm phẩy hết sức đặc trưng hé lộ tác giả của chúng.

Trong bức thư hư cấu ấy được thành tựu điều mà chính Roth đã không bao giờ thực sự làm được: chuyển từ một cuộc đời cũ sang một cuộc đời mới. Naphtali Kroj, người bạn một nửa được bịa ra, một nửa có thật, có thể khẳng định về bản thân: "Ở đây, tôi là bố của chính tôi." Ngược lại, Roth, nói dưới tên của chính mình, trong lời bình luận nhấn mạnh vào cảm giác người không có quốc tịch của mình. Chắc chắn, người bạn Naphtali Kroj của ông ở vào cùng hoàn cảnh với ông, nhưng điều này thì ông chẳng mấy lý tới. Roth có xu hướng nhìn nhận cuộc đời thật tốt đẹp - nhiều ví dụ trong lời bình luận cũng như trong bức thư cho thấy điều đó - nhưng, trong cuộc sống hằng ngày, đối với ông điều này rất thường xuyên hết sức khó. Càng cảm thấy mình rời xa khỏi tuổi thơ do các năm đã trôi qua, đối với ông tuổi thơ ấy lại càng được ghi dấu bởi dấu hiệu của sự phù du và của việc nền quân chủ Habsburg biến mất. Cảm giác về thời gian trôi, điều gây ấn tượng rất mạnh trong Hành khúc Radetzky, đã cắm những cái rễ xa nhất của nó vào địa điểm gốc gác của Roth, đâu đó ở Galicia, tại Brody, thành phố nhỏ mà ông ám chỉ, dẫu không nói tên nó ra một cách cụ thể, trong bức thư cùng lời bình luận của mình. Roth không ngừng cảm thấy nhu cầu kết hợp sự ngưỡng mộ dành cho tổ quốc đã bị nuốt chửng mất đó vào với sự mong manh nơi tuổi thơ của chính ông: "Đế chế của nhà Habsburg [...] đã chìm vào đại dương thời gian [...] với toàn bộ quyền năng các đội quân của nó [...] theo lối hoàn toàn và vĩnh viễn, giống đã biến mất đi tuổi thơ thảm hại của một thần dân bé nhỏ của một đế chế vô song. Nhưng trong kỷ niệm nơi những gì to lớn có thể trở nên nhỏ mọn và những gì khiêm nhường trở nên hùng mạnh, phần nhỏ bé của một tuổi thơ được đồng hóa với một đế chế khổng lồ [...]." Những dòng nhiều sức hé lộ này được trích từ một bài thời luận viết năm 1929. Vài năm sau, ông diễn tả cùng ấn tượng kề cận với huyền thoại ấy trong một tuyên xưng lòng tin: "Kinh nghiệm mạnh mẽ nhất của tôi là chiến tranh và sự sụp đổ của tổ quốc tôi, tổ quốc duy nhất mà tôi từng có: nền quân chủ Áo-Hung."

Câu của Goethe: "Con người không thể đi quá được các ấn tượng tuổi trẻ của mình" có thể được áp dụng đầy thuyết phục vào cho Roth, mà những ấn tượng hồi tuổi trẻ đi ngược lên về phía một cái xó hẻo lánh ở Galicia. Brody là cái "thành phố nơi người ta đã chào đời" kia, và nó "không còn tồn tại nữa". Và, trong một nghĩa hẹp, cũng chính Brody được ám chỉ trong câu sau đây: "Vì tổ quốc của tôi không còn nữa, tôi không được ở nhà mình tại bất kỳ đâu." Nơi sinh đó, mà chỉ mỗi ký ức còn lưu giữ, nằm tại biên giới xa nhất của nền quân chủ Habsburg, vốn dĩ sắp biến mất. Từ đó đến biên giới với Nga chỉ chưa đầy mười cây số, nhưng lại cách Wien, thủ đô đế chế, tận tám trăm cây số đi tàu hỏa.

Ngay từ cuối thế kỷ 18, người ta đã biết vùng Galicia rất nghèo; sự nghèo ấy còn tăng thêm lên vào cuối thế kỷ 19. Trái ngược với các vùng kề bên, với những tỉnh khác của Áo-Hung, với các lãnh thổ Ba Lan nằm dưới sự thống trị của Nga, chúng, tất tật, từng biết tới một sự mở rộng nhất định do xung lực của chủ nghĩa tư bản, Galicia gần như chẳng hề cảm thấy các hiệu ứng của nó. Sự công nghiệp hóa tại vùng ấy của Vương miện chỉ tăng ở mức một phần năm so với sự công nghiệp hóa chung của toàn đế chế. Tại Galicia, nơi mỗi năm có năm mươi lăm nghìn người chết đói, sự nghèo của dân chúng Do Thái còn trội hơn những dân chúng khác.

Do vậy không có gì đáng kinh ngạc khi, ở Brody, người ta nghe thấy người Do Thái nhắc đến những người bán hàng rong; đó là những người nghèo nhất trong số những người Do Thái nghèo - họ buôn bán mọi thứ. Cư dân nào của Brody cũng còn nhớ cả đống giai thoại về các kẻ buôn lậu. Những khi "lén lút" vượt biên giới với Nga vào mùa đông, họ để chăn lên tuyết nhằm không để lại dấu vết. Trên đường quay về - từ Radziwillow, thành phố biên giới cuối cùng của Nga, về lại Brody - ngay sau khi vượt biên giới, họ ném các hàng hóa buôn lậu của mình xuống từ tàu hỏa: thường đó là những cái chăn. Dọc theo đường sắt các tay buôn lậu khác đã sẵn sàng nhặt chúng và đưa chúng vào Brody, ngay trước mũi thuế vụ.

Nơi cần phải có sự táo bạo và khôn ngoan để xoay xở, những ai không có năng lực và những người bị bỏ mặc bị chế nhạo thậm tệ. Nhiều câu nói đùa rất thịnh hành tại Brody, cũng như ở toàn vùng Galicia, mà đối tượng là nhóm dân chúng Do Thái của thành phố ấy, được gọi là "narunim ở Brody" (bọn điên ở Brody); tương tự, người Do Thái bên Ba Lan dưới sự thống trị của Nga chế giễu "bọn hề ở Chelm". Các đùa cợt về những người ù lì, nhát chết hay hoảng sợ và đám phu đào huyệt thô lỗ được Roth rất ưa và khích lệ xu hướng đùa chơi của ông; chính vì thế ông đưa họ vào hình dung về cái tưởng tượng riêng của mình.

Các narunim của Brody chiếm một vị trí đáng ghen tị trong một cuốn tiểu thuyết mà Roth định viết và đã hình dung ra vài chương, nhưng còn chưa bao giờ viết ra. Manga Bell, người bạn đời lâu năm của ông, kể rằng Roth đã chưa bao giờ viết cuốn tiểu thuyết hay nhất của mình. Hẳn nó sẽ mang tên Endbeenen (Dâu tây) và lấy bối cảnh là nơi sinh của ông tại Galicia, dưới hình thức các trường đoạn được tập hợp lại theo lối khá lỏng; nhờ sự xây dựng, cách sắp xếp các chủ đề, các nhân vật cùng sự hài hước, rất có vẻ cuốn tiểu thuyết đó thuộc về văn chương Yiddish. Bức thư của Naphtaki Kroj và các bức vẽ phác bầu không khí xuất hiện trong lời bình luận đi kèm với nó thuộc vào số những văn bản đã được viết và được lưu giữ của cuốn tiểu thuyết ấy.

Roth rất thích nhận mình là người Wien và Áo; ông không nói gì tới Brody trong các tuyên bố của mình. Khi, trong đoạn ngay cuối lời bình luận của ông, ông nói đến "tổ quốc", thì tổ quốc đó lại không được xác định danh tính. Trong Hành khúc Radetzky, nơi ông miêu tả rất tỉ mỉ nơi sinh của mình như là thành phố đồn trú cuối cùng của thiếu úy Karl-Joseph von Trotta trước khi rời khỏi quân đội, cái tên của địa điểm cũng không được nêu; ngược lại, trong Das falsche Gewicht, nó trở thành "Szwaby". Nhưng cái xó hẻo lánh ấy, nằm ở biên giới phía Đông của đế chế Habsburg, đối với Roth vẫn cứ là một nguồn cảm hứng không bao giờ cạn. Nhiều con người, nhiều yếu tố đặc trưng hóa cho các con người mà ông dùng để đặt những nhân vật cho các tiểu thuyết của mình: Hotel Savoy, Tarabas, Der Leviathan, Die Buste des Keisers, JobHành khúc Radetzky tương ứng với các cuộc gặp xảy ra tại "tổ quốc" của ông. Nhiều cá nhân và địa điểm xuất hiện trong những truyện ngắn cùng tiểu thuyết của ông trùng hợp với các nhận xét phát sinh từ tuổi trẻ của ông. Galicia, với hỗn hợp các chủng tộc của nó, Do Thái, Ba Lan, người Ruthenia và Đức, đối với ông đồng nghĩa với sự phong phú về dân chúng và sự dồi dào của những khác biệt văn hóa. Và ý niệm tổ quốc, mong manh thế nhưng lại gây nhiều say mê, mà ông đã tự thu về mình ở đó đối với ông, ngay từ hồi còn trẻ, đã thấm đậm vị của suy sụp, chua cay nhưng dịu ngọt.

Thật kỳ lạ, chính ở tư cách người Do Thái phía Đông mà Roth, khi bình luận bức thư của Naphtali Kroj, quay ngược lại rất bất ngờ: quả thật, ông chuyển từ sự miêu tả đầy đùa nghịch và say mê các đồng bào của mình sang nỗi buồn nhuốm sầu muộn nảy sinh từ sự mất đi đầy đau đớn của quan hệ cụ thể: "Vì tổ quốc của tôi không còn nữa, tôi không được ở nhà mình tại bất kỳ đâu." Quan hệ ấy, mà thường xuyên hơn cả ông chỉ nói tới theo lối lấp lửng, nhấn mạnh vào việc mình không thuộc về vùng Galicia, hoặc giả ông tuyệt đối không nhắc đến, cứ không ngừng ám ảnh ông.

Cao Việt Dũng dịch

rằng từ “tổ quốc” trộn lẫn với từ “số phận”

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công