favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024

Joseph Conrad: Tôn ông Roman

05/10/2024 17:12

Joseph Conrad có rất nhiều kỷ niệm với Ba Lan quê hương, nhưng lại vô cùng hiếm khi lấy chủ đề Ba Lan để viết các tác phẩm văn chương. “Prince Roman” là lúc Joseph Conrad làm việc ấy

“Tôn ông Roman” là một trong những truyện cuối cùng của Joseph Conrad: ở đoạn cuối ấy, có thể thấy rõ, thông qua việc đọc các tác phẩm, rằng Joseph Conrad muốn nhìn vào (và ca ngợi) những gì thuộc vào các phẩm chất anh hùng và hiệp sĩ - điều này có nhiều liên quan đến hoàn cảnh, khi cuộc Thế chiến thứ nhất mới kết thúc chưa lâu trước đó.

Truyện dưới đây cũng gắn với kinh nghiệm thực của Joseph Conrad; thêm nữa, chủ đề của nó cho thấy nhà văn nhìn lại quá khứ đau thương của đất nước Ba Lan, vốn dĩ không xa lạ, vì trong quá khứ đó, chính ông bố của Joseph Conrad, một nhà cách mạng, cũng từng dự phần.

 

Tôn ông Roman

Joseph Conrad

“Những chuyện xảy ra từ bảy chục năm trước thực là xa lắm rồi, khó mà lôi vào một cuộc chuyện trò thế này cho khéo được. Ừ thì năm 18311 cũng là một cái mốc lịch sử với chúng ta, một trong những năm tai ương, trước sự công phẫn lẳng lặng và đồng cảm hùng hồn của thế giới chúng ta thêm một lần lầm bầm ‘Vae Victis’ và buồn bã ngẫm về cái giá phải trả. Nói thế không phải chúng ta có bao giờ giỏi tính toán khi lên voi lẫn lúc xuống chó. Cái đó chúng ta chẳng bao giờ học được, trước nỗi bực dọc ghê gớm của kẻ thù chúng ta, những kẻ đã đặt cho ta cái biệt hiệu ngu lâu dốt bền...”

Người đang nói có quốc tính Ba Lan, cái quốc tính đã không còn sống nữa mà chỉ tồn tại thôi, vẫn dai dẳng suy nghĩ, hít thở, nói năng, hy vọng và đau khổ trong nấm mồ được rào lại bởi hàng triệu lưỡi lê và niêm phong ba lượt bằng dấu chì của ba đế quốc.

Chúng tôi đang trò chuyện về tầng lớp quý tộc. Làm sao một đề tài ngày nay đã xuống giá như vậy lại xuất hiện ở đây cho được? Đã vài năm trôi qua rồi, ký ức cũng bắt đầu mờ nhạt. Nhưng tôi nhớ rằng người ta thực tế không xem nó như một nguyên liệu trong nồi lẩu xã giao; và tôi rất tin rằng chúng tôi đã đi tới cái đề tài ấy sau khi trao đổi vài ý về chủ nghĩa ái quốc - một tình cảm cũng đã có phần mất giá bởi các nhà nhân văn vốn tế nhị của chúng ta cho nó là tàn tích của thời man di. Nhưng người họa sĩ Florence vĩ đại nhắm mắt lìa đời vẫn nghĩ về thành phố của mình, hay Thánh Francis đã nguyện cầu cho thành Assisi bằng chút hơi tàn, họ đều không phải man dân. Linh hồn phải vĩ đại ở một mức nhất định thì mới hiểu đúng được lòng ái quốc - bằng không thì sự chân thành trong cảm xúc sẽ không bao giờ chạm đến thứ tinh tế thô lậu của tư tưởng hiện đại, vốn không thể hiểu được sự giản dị uy nghi của một tình cảm phát xuất từ bản thể của vạn vật con người.

Giới quý tộc mà chúng tôi đang nói đến ở đây là những gia tộc thế phiệt xếp hàng cao quý nhất ở châu Âu, không biến chất, không dễ dãi, cái tầng lớp độc tôn nhất chuyên biệt nhất trong các tầng lớp, mà ngay cả tham vọng cũng không nằm trong số những động lực thường thấy thôi thúc hành động và chi phối hạnh kiểm.

Quyền lãnh đạo không cần bàn cãi đã không còn thuộc về giới ấy, chúng tôi thấy rằng sự giàu có của họ, cái chủ nghĩa thế giới của họ sinh ra từ những liên minh thông gia rộng rãi, địa vị cao quý của họ, ở đó những cái thu được thì ít mà những cái dễ mất thì nhiều, chắc chắn đã khiến vị thế của họ gặp khó trong những thời kỳ bạo động chính trị hoặc đảo lộn xã hội. Không còn sinh ra làm kẻ lãnh đạo nữa - đấy lại là cốt lõi của quý tộc - họ khó mà làm được gì khác ngoài việc xa lánh những chuyển động lớn của dục tình quần chúng.

Chúng tôi đã rút ra cái kết luận này khi đưa ra nhận xét về những sự kiện trong quá khứ xa xôi và nhắc lại cái mốc 1831. Người kia nói tiếp như sau:

“Tôi không định bảo mình quen biết Tôn ông Roman ở cái thời xa xôi ấy. Ừ thì tôi cũng bắt đầu thấy mình cổ lỗ rồi, nhưng cổ lỗ đến thế thì không. Thực ra Tôn ông Roman kết hôn vào đúng năm bố tôi ra đời. Tức là năm 1828; thế kỷ mười chín vẫn còn non trẻ, ông hoàng ấy thậm chí còn trẻ hơn cả thế kỷ ấy nữa, nhưng tôi không biết chính xác là hơn bao nhiêu. Dẫu sao ngài ấy vẫn tính là kết hôn sớm. Nhìn ngả nào thì cũng thấy đấy là một thông gia lý tưởng. Người vợ thì trẻ đẹp, đã mồ côi, người kế thừa của một dòng tộc lớn cùng kho của lớn. Tôn ông lúc ấy là một sĩ quan thuộc đội Cấm Vệ, lại tỏ ra khác biệt với anh em đồng bạn nhờ một vẻ kín đáo và trầm ngâm trong tính nết, đã sa thẳng lưới tình với sắc đẹp của nàng, vẻ quyến dụ của nàng, và những phẩm chất đứng đắn nơi tâm trí và trái tim nàng. Tôn ông là một chàng trai trẻ; nhưng ánh nhìn, rồi tư thái, tóm lại cả con người đều toát ra lòng hiến dâng tuyệt đối cho người phụ nữ định mệnh, một lòng tận tụy được nàng đáp lại theo lối ngay thật và quyến rũ.

Ngọn lửa của dục tình trẻ trung thuần khiết này hứa hẹn cháy mãi; suốt một mùa nó đã sưởi ấm bầu không khí cằn cỗi yếm thế của thế giới St. Petersburg. Sa hoàng Nicholas, ông của Sa hoàng hiện tại, qua đời vì Cuộc chiến Krym, có lẽ là Hoàng đế chuyên quyền cuối cùng còn giữ niềm tin mang màu sắc thần bí vào sứ mệnh Thiêng liêng của ngài, đã tỏ ra quan tâm đến đôi tình nhân mới cưới này. Đúng là Nicholas để mắt canh chừng mọi động tĩnh của các quý tộc Ba Lan thanh thế nhất. Những người trẻ có lối sống phù hợp với địa vị của mình hiển nhiên sẽ gắn bó với nhau; giới thượng lưu bởi thích thú trước sự chân thành của một tình cảm chuyển động bình lặng giữa bao nhiêu vẻ giả tạo của sự náo động bồn chồn và cả thèm chóng chán của nó, đã dõi theo họ với một niềm say sưa nhân từ và một sự dịu dàng vui thú.

Đám cưới của họ trở thành một sự kiện thượng lưu đình đám vào năm 1828 ở thủ đô. Đúng bốn mươi năm sau đó, tôi đang ở trong ngôi nhà nông thôn của chú tôi ở miền Nam.

Lúc ấy mùa đông đang ở điểm lạnh nhất. Bãi cỏ lớn trước nhà nhẵn tinh như đồng tuyết trên núi cao, nó lấp lánh trắng lóa và nhẹ bẫng dưới ánh mặt trời như thể có người rắc bột kim cương lên, thoải dần xuống cái hồ - một khoảnh nước đóng băng dài khúc khuỷu màu xanh xám nom còn chắc chắn hơn cả mặt đất. Một mặt trời sáng lạnh sà thấp ngay trên một đường chân trời nhấp nhô tạo bởi những nếp tuyết khổng lồ ở đó những ngôi làng của nông dân Ukraina nằm khuất tầm mắt giống như những cụm thuyền náu mình trong những khoảng rỗng nơi biển cả cuồn cuộn. Mọi thứ đều thực tĩnh lặng.

Giờ tôi cũng không hiểu làm thế nào mình lại thoát ra khỏi phòng học lúc mười một giờ sáng. Lúc ấy tôi là một thằng bé tám tuổi, đứa em họ tôi bé hơn tôi vài tháng, mặc dù được thừa hưởng cái tính nóng, nhưng lại ít máu phiêu lưu hơn tôi. Thành thử tôi trốn đi một mình; chẳng mấy tôi thấy mình đứng trong một đại phòng lớn lát đá được sưởi ấm bởi những lò sưởi khổng lồ làm bằng gạch trắng, một nơi dễ chịu hơn nhiều cái phòng học lúc nào cũng lạnh ngắt, có lẽ là vì lý do vệ sinh.

Đám trẻ chúng tôi biết nhà có khách. Người ấy đến đêm qua, ngay trước khi chúng tôi bị xua lên giường. Chúng tôi luồn lách qua những người lớn cầm gậy lùa để tới áp mũi vào những ô cửa sổ tối đen; nhưng không kịp nhìn thấy người đó nữa. Chúng tôi chỉ thấy trong luồng ánh sáng hung hung, một chiếc xe trượt tuyết thắng sáu ngựa, tạo thành một khối đen thẫm trên nền tuyết, đang đi tới chuồng ngựa, đằng trước là một người cưỡi ngựa cầm một cái gậy dài ở đầu là khung sắt trong có cục vải tẩm nhựa đang cháy phừng phừng đu đưa ở cốt yên. Hai thằng bé coi ngựa được sai đi từ buổi chiều, men theo những vệt đường trên tuyết để đi đón người khách kia lúc chạng vạng và soi đường cho người ấy bằng mấy ngọn đuốc đi đường. Anh phải nhớ là thời đấy còn chưa có nổi một dặm đường sắt ở các tỉnh miền Nam chúng tôi. Con em họ tôi và tôi không biết gì về tàu hỏa và đầu máy, ngoại trừ những gì có trong sách tranh. Đấy là những thứ mơ hồ, thực quá xa xôi, chẳng có gì đặc biệt thú vị trừ phi ta là người trưởng thành muốn du lịch nước ngoài.

Hình dung của chúng tôi về các ông hoàng thì có lẽ rõ hơn được đôi chút, nhưng chủ yếu vẫn là từ văn chương, và nó có một vẻ huyền ảo phản chiếu từ ánh sáng của những truyện cổ tích ở đó các hoàng tử lúc nào cũng trẻ trung, quyến rũ, quả cảm và tốt số. Nhưng cũng như bất cứ đứa trẻ nào khác, chúng tôi vẫn có thể vạch một ranh giới rõ ràng giữa cái thực và cái lý tưởng. Chúng tôi biết rằng các ông hoàng là những nhân vật lớn trong lịch sử. Sự thể này cũng phảng phất chút huyền hoặc. Nhưng điều thôi thúc chúng tôi thận trọng dò lối trong nhà như một người tù vượt ngục lại là cái hy vọng gặp được một người bạn đặc biệt của tôi, là ông quản lâm, thường giờ này sẽ tới báo cáo công việc, và qua ông tôi mong mỏi muốn nhận tin tức về một con sói. Anh biết đấy, ở một vùng có sói, hầu như mùa đông nào cũng có một con nổi bật hẳn lên nhờ những hành động táo tợn của nó, nhờ cái phẩm chất sói hoàn toàn hơn những con khác - kiểu kiểu vậy. Tôi muốn được nghe một câu chuyện ly kỳ về cái con sói đó - có lẽ là câu chuyện hồi hộp về cái chết của nó...

Nhưng trong phòng lớn chẳng có ai.

Khi niềm hy vọng bị khước từ, tôi đột ngột thấy ngã lòng quá. Không thể đắc thắng chuồn về phòng mình được, tôi lờ phờ đi vào phòng chơi bi-a nơi chắc chắn chẳng có cái gì cho tôi. Ở đó cũng chẳng có ai, tôi cảm thấy lẻ loi hoang mang quá dưới trần cao của căn phòng, một mình tôi với cái bàn chơi bi-a Anh khổng lồ mà trong vẻ im lặng thẳng băng nó phản đối sự xâm nhập của tôi.

Khi tôi nghĩ hay là tháo lui, thì tôi nghe tiếng bước chân ở phòng giải trí liền kề; và tôi chưa kịp lẩn đi thì chú tôi và người khách đã xuất hiện ở ngưỡng cửa. Bị bắt gặp rồi mà vẫn cứ lẩn đi thì sẽ là cực kỳ vô lễ, thành thử tôi đứng đó vậy. Chú tôi tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi; người khách nhìn ngang thì thấy là một người gầy gò, vóc người tầm thước, mặc chiếc áo khoác dài đen cài cúc và đứng rất thẳng trong một tư thế hơi cứng giống như lính vậy. Từ các nếp gấp của một chiếc khăn cổ lanh trắng mềm ló ra hai đầu cổ áo khép sát vào hai bên má đã cạo nhẵn. Một vài lọn tóc bạc mảnh được chải mướt qua đỉnh đầu đã hói. Gương mặt ngài hẳn hồi trẻ phải đẹp lắm, và giờ khi đã già vẫn giữ lại được sự giản dị hài hòa của các đường nét. Điều khiến tôi kinh ngạc là vẻ nhợt nhạt như mặt người chết. Tôi thấy ngài hẳn là phải già lắm. Một nụ cười mơ hồ, một thay đổi thoáng qua nơi cặp môi mỏng của ngài phản chiếu vẻ bối rối đỏ mặt của tôi; và tôi bỗng thấy hứng thú vô cùng khi thấy ngài thò tay vào túi áo ngực bên trong. Ngài rút từ đó một cái bút chì, một tập giấy gỡ ra được, rồi ngài đưa chúng cho chú tôi với một cái cúi mình hầu không thể nhận ra.

Tôi thì kinh ngạc lắm, nhưng chú tôi cầm lấy chúng như thể đây là việc rất thông thường. Chú viết gì đó, rồi người kia liếc nhìn và khẽ gật đầu. Một bàn tay mảnh khảnh nhăn nheo - bàn tay còn già hơn gương mặt - vỗ má tôi rồi khẽ đặt lên đầu tôi. Một giọng không vang, một giọng vô sắc chẳng kém gì gương mặt, phát ra từ đôi môi hõm xuống của ông, còn đôi mắt đen và tĩnh thì nhìn xuống tôi đầy ân cần.

‘Cậu bé bẽn lẽn này bao tuổi rồi?’

Tôi chưa kịp trả lời thì chú tôi đã viết tuổi tôi lên tập giấy. Tôi ấn tượng sâu sắc. Cái nghi lễ gì đây? Có phải bậc đại nhân này cao quý quá, không thể trực tiếp nói với ngài ấy? Ngài lại liếc vào tập giấy, rồi lại gật đầu, và lần nữa tôi lại nghe thấy cái giọng đều đều như máy: ‘Cậu bé giống ông nó lắm.’

Tôi vẫn nhớ ông tôi. Ông mới mất cách đây ít lâu. Ông cũng già lắm. Tôi bỗng thấy chuyện hết sức tự nhiên thôi nếu hai con người già lão đáng kính này lại quen biết nhau ở cái thời xa xăm mờ mịt trước khi tôi ra đời. Nhưng rõ ràng chú tôi không biết chuyện này. Thành thử giọng nói đều đều kia phải giải thích: ‘Phải, phải rồi. Đồng đội hồi 31. Ông ấy nằm trong số những người biết ta. Ngày xưa, anh bạn ạ, ngày xưa...’

Ông khoát một cử chỉ như thể xua đi một bóng ma dai dẳng. Giờ thì cả hai đều nhìn xuống tôi. Tôi không biết họ có mong đợi điều gì ở tôi không. Trước đôi mắt tròn xoe dò hỏi của tôi, chú tôi liền bảo: ‘Ngài ấy không nghe được nữa.’ Và giọng nói xa lạ không sắc thái kia cất lên: ‘Đưa tay cho ta nào.’

Biết rõ những ngón tay mình dính mực, tôi bẽn lẽn chìa bàn tay ra. Tôi chưa từng gặp người điếc bao giờ, nên lúc này tôi hoảng lắm. Ngài nắm chặt nó rồi vỗ một cái chót lên đầu tôi.

Chú tôi nói với tôi giọng nghiêm trang: ‘Cháu vừa bắt tay với Tôn ông Roman S------. Sau này lớn lên đừng quên điều đó.’

Giọng chú làm tôi ấn tượng lắm. Tôi cũng biết chút ít lịch sử, đủ để mơ hồ biết rằng các ông hoàng S------ thuộc vào số những Tôn ông tối cao của Ruthenia trước khi lãnh thổ Ruthenia sáp nhập vào vương quốc Ba Lan, khi đó họ trở thành những nhân vật quyền lực ở Ba Lan, vào khoảng đầu thế kỷ 15. Nhưng thứ khiến tôi bận tâm nhất lại là hóa ra vẻ huyền hoặc của truyện cổ tích lại không hề tồn tại. Thật là một cú sốc khi gặp một ông hoàng điếc, hói, hom hem, già khú đế. Tôi chưa bao giờ nghĩ cái người đường bệ và đáng thất vọng này lại từng có lúc trẻ trung, giàu có, đẹp đẽ; tôi không thể biết rằng ngài từng sung sướng trong niềm hạnh phúc của một cuộc hôn nhân lý tưởng hợp nhất hai trái tim trẻ trung, hai cái tên vĩ đại và hai gia sản mênh mông; hạnh phúc với một niềm hạnh phúc dường như sẽ kéo dài mãi mãi, như trong những truyện cổ tích...

Nhưng nó không kéo dài mãi mãi. Định mệnh của nó là chỉ được tồn tại ngắn ngủi, ngay cả khi tính bằng ngày sống mà con người được trao cho trên mặt đất nầy, ở đó hạnh phúc mãi mãi chỉ có thể tìm thấy trong phần kết của những truyện cổ tích. Họ sinh được một cô con gái, và chẳng bao lâu sau sức khỏe của người vợ bắt đầu sa sút. Một độ cô chịu đựng với một lòng can đảm vui tươi, bởi cảm thấy giờ đây sự tồn tại của cô là thiết yếu cho hạnh phúc của hai sinh mệnh. Nhưng khi người chồng, hoàn toàn hoảng hốt trước những thay đổi nhanh chóng nơi sắc diện cô, đã xin nghỉ phép vô thời hạn rồi đưa vợ mình từ đô thành về nhà cha mẹ ở nông thôn.

Tôn ông già và vợ mình hoảng sợ cực độ trước tình trạng người con dâu yêu quý của họ. Người ta lập tức chuẩn bị cho một chuyến đi ra nước ngoài. Nhưng có vẻ lúc đó đã là quá muộn; bản thân người bệnh cũng phản đối kế hoạch bằng một thái độ ương bướng dịu dàng. Gầy guộc xanh xao trên chiếc ghế vịn lớn, nơi cơn bệnh thần kinh âm ỉ và ẩn khuất khiến cô có vẻ nhỏ bé hơn, mong manh hơn mỗi ngày nhưng không xóa đi nụ cười trên mắt hay vẻ duyên dáng yêu kiều nơi gương mặt héo hon, cô bấu víu vào quê hương, muốn được hít thở không khí quê nhà. Không nơi nào khác khả dĩ giúp cô sớm hồi phục như ở đây, mà cũng không nơi nào cô được chết một cách thư thái, như ở đây.

Cô chết trước khi đứa con gái nhỏ kịp lên hai tuổi. Nỗi xót thương của người chồng thật khủng khiếp, cha mẹ ngài hoảng hốt vì ngài tuyệt đối im lặng và không rỏ một giọt nước mắt. Sau đám ma, khi đám đông nông dân đầu trần tụ tập quanh nhà nguyện riêng đã tản đi, Tôn ông vẫy tay xua bạn bè thân quyến đi để ở lại một mình nhìn những thợ nề đóng lại hầm mộ dòng tộc. Khi viên đá cuối cùng được đặt vào chỗ của nó, ngài thốt ra một tiếng rên, âm thanh đau đớn đầu tiên ngài phát ra suốt nhiều ngày trời, rồi cúi đầu bước đi và đóng cửa giam mình trong tư phòng.

Cha mẹ ngài lo ngài phát điên. Vẻ ngoài bình lặng của ngài làm họ thất kinh. Họ không còn biết trông cậy vào đâu ngoài chính cái thanh xuân đã khiến nỗi tuyệt vọng của ngài dữ dội đến thế, cô lập đến thế. Tôn ông John bồn chồn lo lắng, lặp đi lặp lại: ‘Phải làm cách nào giải khuây cho Roman đáng thương. Nó còn trẻ quá.’ Nhưng họ không tìm được cái gì khả dĩ khuấy động ngài. Và bà mẹ chỉ biết chùi nước mắt và thầm ước người con vẫn còn nhỏ tuổi mà tới khóc trên gối bà.

Dần dà Tôn ông Roman cũng cố gắng hòa nhập lại với gia đình. Nhưng hình như trái tim và tâm trí ngài đã bị chôn luôn trong hầm mộ gia tộc cùng với vợ đã khuất. Ngài bắt đầu cầm súng lang thang trong rừng, được một người cai rừng kín đáo theo sát rồi buổi tối trở về báo cáo rằng ‘Đức ngài suốt cả ngày không nổ súng lấy một lần.’ Thỉnh thoảng, lúc đi bộ tới chuồng ngựa vào buổi sáng, bằng giọng nén lại, ngài sẽ hạ lệnh cho người ta thắng một con ngựa, rồi ngài thay bốt đợi đến khi người ta dắt ngựa đến, rồi không một lời ngài trèo lên ngựa và đi nước kiệu ra khỏi cổng thành. Ngài sẽ đi cả ngày. Người ta thấy ngài trên đường, mặt trắng bệch, không nhìn sang hai bên, chỉ ngồi thẳng đờ trên yên ngựa giống như một kỵ sĩ bằng đá cưỡi trên con ngựa sống.

Những nông dân làm lụng trên cánh đồng, những cánh đồng mênh mông không rào, trông chừng ngài từ đằng xa; thỉnh thoảng một bà già cám cảnh nào đó đứng nơi ngưỡng cửa một gian nhà mái rạ thấp tè đã xúc động đến độ làm dấu thánh lên không trung sau lưng ngài; như thể ngài là một trong số họ, một kẻ dân thường phải chịu một tai ách đau đớn.

Ngài cưỡi ngựa nhìn thẳng tới trước, chẳng nhìn ai, như thế mặt đất vắng tanh, toàn nhân loại đã bị chôn vào cái nấm mồ mở ra đột ngột giữa đường đời và nuốt chửng hạnh phúc của ngài. Con người với những buồn vui lao nhọc và lòng dục của họ còn nghĩa lý gì với ngài, khi mà vợ ngài, người là tất cả thế giới của ngài, đã bị tước đi tất cả những thứ kia từ sớm đến thế?

Họ không tồn tại; hẳn ngài đã cảm thấy mình hoàn toàn cô độc và lẻ loi chẳng kém một người vật vã trong cơn ác mộng tàn khốc, nếu như không có cái miền quê nơi ngài được sinh ra và trải qua những năm tháng thơ ấu hạnh phúc. Ngài biết nơi này rõ lắm - mỗi gò cao có cây trên đỉnh giữa những cánh đồng được cày xới, mỗi thung nhỏ ẩn náu một ngôi làng. Những con suối có đập chắn tạo thành một chuỗi hồ nằm giữa những bãi cỏ xanh. Xa hơn về phía Bắc cánh rừng Lithuania mênh mông quay mặt về phía mặt trời chỉ cao hơn một hàng dậu; về phía Nam là con đường dẫn tới những đồng bằng, những khoảng đất nâu mênh mông chạm đến trời xanh.

Cái khung cảnh thân thuộc này gắn với những tháng ngày không suy tư không phiền não, cái vùng đất ngài không cần nhìn vẫn có thể cảm thấy sự mê hồn của nó, nơi đây xoa dịu nỗi đau của ngài, tựa như người bạn cố tri ngồi im lặng dẫu chẳng được để tâm bên một người đang trải qua quãng đời tăm tối.

Một chiều nọ, Tôn ông sau khi quay đầu ngựa đặng về nhà liền nhìn thấy một đám mây bụi đen đặc là đà vắt chéo che mất một phần phong cảnh. Ngài cưỡi ngựa lên một gò đất nhỏ mà nhìn. Đám mây kia đây đó lóe lên ánh kim khí, có thể thấy nó được tạo nên bởi những hình thù chuyển động về sau lộ ra là một hàng dài xe thồ nông dân chở đầy binh lính di chuyển chậm rãi hàng hai được lính Cô dắc cưỡi ngựa hộ tống.

Thật giống như một con bò sát khổng lồ bò trên những cánh đồng; cái đầu của nó vục xuống một hố trũng nào đấy khuất tầm mắt, còn đuôi nó thì cứ quằn quại và ngắn lại dần như thể con quái vật ấy đang chầm chậm ăn thẳng vào tâm của vùng đất.

Tôn ông đánh ngựa chạy qua một ngôi làng nằm sát bên đường đi của đám mây. Nhà trọ ven đường cùng chuồng ngựa, chuồng bò và kho rơm dưới một cái mái lợp rạ khổng lồ trông tựa như một người khổng lồ vẹo vọ tả tơi lưng gù, nằm uể oải giữa những lều lán nông dân. Chủ nhà trọ, một người Do Thái đường hoàng bệ vệ, mặc chiếc áo choàng xa tanh đen chạm gót chân có đai đỏ thắt lưng, lúc này đứng ở cửa mà vuốt bộ râu dài màu bạc.

Ông ta nhìn Tôn ông đi tới, liền nghiêm trang gập người từ thắt lưng mà cúi chào, không mong được đáp lại bởi ông cũng biết rằng vị lãnh chúa trẻ tuổi chẳng để mắt đến bất cứ cái gì hay ai trong cơn đau buồn nầy. Vậy nên ông choáng lắm khi Tôn ông dựng ngựa và hỏi:

‘Yankel, chuyện gì thế này?’

‘Thưa Ngài, đấy là lực lượng bộ binh đang được gấp rút huy động xuống phía Nam.’

Ông ta liếc ngang liếc dọc vẻ thận trọng, nhưng bởi không có ai gần đó ngoài mấy đứa trẻ đang chơi đùa trong đám bụi trên phố, ông cụ tiến tới gần chỗ bàn đạp.

‘Đức ngài không biết hay sao? Chiến tranh đã bắt đầu miền dưới đó rồi. Tất cả địa chủ lớn nhỏ đều đã cầm vũ khí, thậm chí cả dân đen cũng nổi loạn. Mới ngày hôm qua một thợ làm yên cương từ Grodek (đấy là một thương trấn nhỏ liền kề) đi qua đây cùng hai thợ học việc để sung quân. Anh ta thậm chí còn để lại cái xe bò cho con nữa. Con đã chỉ đường cho anh ta đi qua vùng này. Đức ngài cũng biết là dân ta đi lại cũng nhiều, chuyện gì xảy ra đều thấy cả, cũng như nắm rõ hết đường đi lối lại.’

Ông lão cố kìm vẻ khích động, bởi Yankel, chủ nhà trọ và cũng là chủ của tất cả cối xay trên đất này, là một người Ba Lan ái quốc. Rồi hạ giọng hơn nữa, ông lão nói tiếp:

‘Cái hồi người Pháp và tất cả những dân nước khác đi qua đây theo chân Napoléon, con đã kết hôn rồi. Chậc chậc! Thật là một vụ mùa bội thu cái chết, nu! Biết đâu lần này Chúa sẽ cứu xét.’

Tôn ông gật đầu. ‘Biết đâu đấy’ - rồi lại chìm vào im lặng suy nghĩ trong lúc con ngựa đưa ngài về nhà.

Tối hôm ấy ngài viết một lá thư, rồi sáng sớm hôm sau thì cho người cưỡi ngựa mang thư đến thư trạm. Suốt ngày hôm ấy ngài trút bỏ vẻ lầm lì khiến cho gia đình ngài sung sướng lắm, rồi ngài trò chuyện với cha mình về những sự biến gần đây - cuộc nổi loạn ở Vacsava, việc Đại Công tước Constantine rút chạy, những thắng lợi mong manh đầu tiên của quân đội Ba Lan (thời đó vẫn còn cái gọi là quân đội Ba Lan); các tỉnh nổi dậy. Tôn ông John cảm thấy xúc động và bất an, đã đứng trên quan điểm thuần quý tộc, tỏ ra ngờ vực việc phong trào này xuất phát từ quần chúng, lấy làm tiếc về những khuynh hướng dân chủ của nó, và không tin rằng nó sẽ thành công. Ngài tỏ vẻ buồn bã, bên trong thì xúc động.

‘Ta đang xem xét chuyện này hết sức điềm tĩnh. Có những nguyên tắc muôn thuở của pháp luật và trật tự đã bị xâm phạm trong cái hành động táo tợn theo đuổi những ảo tưởng lật đổ này. Mặc dù đúng là những thôi thúc ái quốc nơi con tim...’

Tôn ông Roman lắng nghe với một thái độ trầm ngâm. Ngài tận dụng những khoảng dừng để nhỏ nhẹ bảo rằng sáng nay ngài đã gửi thư tới St. Petersburg để xin rút khỏi đội Cấm Vệ.

Ông hoàng già im lặng. Ngài nghĩ đáng lẽ người con phải hỏi ý mình. Con trai ngài cũng là một sĩ quan quân nhu của Sa hoàng và ngài biết rằng Sa hoàng sẽ không bao giờ quên cái vết nhơ này ở một quý tộc Ba Lan. Bằng một giọng bất bình ngài chỉ cho con trai mình thấy rằng hiện tại ngài đang được nghỉ phép vô kỳ hạn. Khôn ngoan bây giờ là phải biết kín tiếng. Ở triều đình người ta khôn khéo lắm, sẽ không cho đòi tái ngũ một quý tộc như ngài đâu. Hoặc cùng lắm thì cũng là được yêu cầu đi biệt phái xa - đi Caucasus chẳng hạn - lánh xa cuộc bạo động bất hạnh đã sai từ nguyên tắc và bởi vậy định mệnh của nó là phải thất bại.

‘Sớm thôi con sẽ thấy mình không còn chút hào hứng nào với đời sống, lại không công việc gì cả. Mà con thì lại cần có gì đó mà bận rộn, con đáng thương. Ta e con đã hành động hấp tấp rồi.’

Tôn ông Roman lẩm bẩm.

‘Con nghĩ như thế tốt hơn.’

Cha ngài dao động, dẫu vẫn giữ ánh mắt vững vàng.

‘Chà - biết đâu đấy! Nhưng là một sĩ quan hậu cần của Hoàng đế, lại được hoàng tộc sủng ái...’

‘Khi gia tộc của chúng ta đã lừng lẫy thì những người đó còn chưa ai biết mặt,’ ông hoàng trẻ nói với thái độ khinh thường.

Đấy là một câu thấu vào tâm can ông hoàng già.

‘Ừ - có lẽ như vậy tốt hơn,’ rốt cục ngài chịu trận.

Hai cha con trìu mến chia tay nhau đêm đó. Ngày hôm sau Tôn ông Roman dường như quay trở lại cái vực thẳm thờ ơ. Ngài cưỡi ngựa ra ngoài như thường lệ. Ngài nhớ rằng ngày hôm trước ngài đã thấy một đoàn xe chở lính tựa như con bò sát, tua tủa lưỡi lê, bò trên mặt vùng đất thuộc về ngài. Người phụ nữ ngài yêu cũng là của ngài. Tử thần đã cướp mất nàng khỏi tay ngài. Mất mát của ngài là một cú sốc tinh thần. Nó đã mở trái tim ngài với một nỗi khốn khổ ghê gớm hơn, mở tâm trí ngài với một suy tư mênh mông hơn, mở mắt ngài với tất cả quá khứ, với sự tồn tại của một thứ tình yêu khác đầy đau đớn nhưng cũng cấp thiết một cách bí ẩn chẳng kém gì cái tình yêu đã mất, nơi ngài ký thác hạnh phúc của mình.

Đêm đó ngài đi nghỉ sớm hơn lệ thường và rung chuông gọi người hầu riêng.

‘Mi đi tới phòng thầy Quản ngựa xem còn sáng đèn không. Nếu còn thức thì bảo hắn đến gặp ta.’

Trong khi gã hầu y lệnh, Tôn ông xé vội mấy tờ giấy, khóa các ngăn kéo bàn lại, rồi treo một cái mề đay trong có chép hình vợ ngài lên cổ thả xuống trước ngực.

Người đàn ông mà Tôn ông đợi thuộc về chính cái quá khứ mà cái chết của vợ ngài đã làm cho sống dậy. Người này thuộc một dòng họ tiểu quý tộc suốt nhiều thế hệ đã làm quan hầu, gia nhân, bè bạn của các Tôn ông S------. Ông ta vẫn tưởng nhớ cái thời trước khi đất nước bị chia cắt, và cũng tham gia cuộc đấu tranh hiện nay. Ông ta là một người Ba Lan điển hình của cái tầng lớp ấy, lắm tình cảm và nhiệt huyết mù quáng; lại thêm những bản năng quân nhân cùng những niềm tin chất phác; thậm chí còn giữ cả cái thói cổ hủ là đệm mấy từ Latinh khi nói. Và đôi mắt sắc sảo lối nhân hậu của ông, gương mặt hung hung, cái mày kiêu ngạo và bộ ria dày, xám rủ xuống của ông cũng rất là đặc trưng cho típ người này.

‘Này thầy Francis,’ Tôn ông nói vẻ thân mật, không mào đầu. ‘Này ông bạn già. Ta sắp lẳng lặng biến khỏi đây. Ta đến nơi có thứ ồn ào hơn nỗi đau của ta, nhưng cũng lại là thứ có giọng giống như nỗi đau kia, và nó vẫy gọi ta. Ta chỉ tâm sự với riêng lão thôi. Đến thời điểm thích hợp, lão hãy nói những gì lão cho là nên nói.’

Ông già hiểu ý chủ. Đôi bàn tay chìa ra của ông run lên dữ dội. Nhưng ngay khi lấy lại giọng mình, ông cảm ơn Chúa thành lời vì đã để ông sống đến ngày này mà thấy được con cháu thế hệ trẻ trung nhất của một dòng tộc lừng lẫy đứng lên làm một cái gương coram Gentibus2 cho tình yêu tổ quốc, cho lòng can đảm nơi sa trường. Ông tin chắc rằng Tôn ông yêu quý của ông sẽ có được một chỗ trong hội đồng và trong cuộc chiến nó xứng đáng với cái nòi cao quý của ngài; ông cũng thấy rằng in fulgore3 của hào quang dòng họ affulget patride serenitas4. Nói đến cuối ông già bật khóc rồi gục vào vòng tay Tôn ông.

Tôn ông vỗ về ông già, rồi sau khi bảo ông ngồi vào cái ghế có tay vịn và đã điềm tĩnh lại, ngài mới nói:

‘Thầy Francis ơi, xin đừng hiểu nhầm ta. Ngài biết ta yêu vợ mình nhường nào. Nỗi mất mát ấy mở mắt cho người ta về những chân lý bất khả hồ nghi. Vai lãnh đạo, hay sự vinh quang, đều không phải cái ta muốn. Ta chỉ định đi một mình, rồi hòa vào hàng ngũ vô danh mà chiến đấu. Ta sẽ trao cho đất nước của ta những gì ta có, tức là mạng sống của ta, một cách giản dị như người thợ yên cương từ Grodek đi qua đây hôm qua cùng các thợ học việc của hắn.’

Ông già rú lên khi nghe thấy vậy. Không thể nào. Ông không thể cho phép việc đó. Nhưng rồi ông cũng phải nhường bước trước lý lẽ và ý chí của Tôn ông. ‘A! Nếu ngài nói đây là chuyện cảm xúc và lương tâm - cứ coi như vậy đi. Nhưng ngài không thể đi một mình thế được. Chúa ơi! Sao con đã trở nên già cỗi vô dụng thế này. Ông Hoàng của con ơi, Cripit verba dolor5 trước cái ý nghĩ rằng con đã ngoài bảy mươi và chẳng được tích sự gì trên đời này hơn một gã què xin ăn ở cửa nhà thờ. Có vẻ tất cả những gì con làm được chỉ là ngồi ở nhà và cầu Chúa phù hộ cho đất nước và cho ngài. Nhưng còn con trai út của con, thằng Peter. Nó sẽ là người đồng hành xứng đáng với ngài. Tình cờ sao nó lại đang ở nhà với con đây. Chưa bao giờ có chuyện một Tôn ông S------ mạo hiểm tính mạng nơi sa trường mà lại không có một người đồng hành dòng họ con sát cánh chiến đấu. Ngài phải có bên mình một người biết ngài là ai, dù chỉ để cha mẹ và tùy tùng già này của người biết chuyện lành dữ xảy ra với ngài. Vậy bao giờ Đức ngài định lên đường?’

‘Một tiếng nữa,’ Tôn ông nói; ông già liền vội về nhà tìm đứa con.

Tôn ông Roman cầm lên cái can và lặng lẽ đi dọc một hành lang tối tăm trong căn nhà tịch mịch. Về sau nhũ mẫu nói lúc giật mình tỉnh dậy bà thấy ông hoàng đang nhìn con mình, một tay che cho ánh sáng khỏi chiếu vào mặt con. Ngài đứng đó nhìn con gái một chặp, rồi đặt cái can xuống sàn gác lên cái cũi, rồi hôn nhẹ lên đứa con gái nhỏ vẫn say ngủ. Ngài đi ra không một tiếng động, đem theo cả ánh sáng. Bà nhìn rõ mặt ngài lắm, nhưng không thể đọc được ý định của ngài. Gương mặt ngài tái đi, nhưng hoàn toàn bình lặng và sau khi ngài quay đi khỏi cái cũi, ngài không lần nào ngoảnh lại nữa.

Còn duy nhất một người nữa được tin cẩn ngoài ông già và Peter con trai ông, đó là Yankel người Do Thái. Khi ông hỏi Tôn ông rằng ngài muốn ông dẫn đường tới đâu, Tôn ông trả lời: ‘Tới toán quân gần nhất.’ Cháu trai của ông già Do Thái, một thanh niên lêu nghêu, đã dẫn đường cho hai người kia đi qua những lối ít người biết băng qua rừng rú đầm lầy, rồi dẫn họ tới nơi có thể thấy vài đám lửa của một phân đội nhỏ đóng trại trong một thung lũng. Vài con ngựa khuất mắt hí lên, rồi vang lên một giọng nói trong bóng tối: ‘Ai đó?’... và cậu trai Do Thái vội vã từ biệt, lấy lẽ phải sớm về nhà cho kịp lễ Sabbath.

Thế là, với thái độ khiêm nhường cùng cái nhìn giản dị của ngài về bổn phận sau khi cái chết đã lột đi tấm băng hạnh phúc chói ngời khỏi mắt ngài, Tôn ông dâng hiến cho đất nước những gì ngài có. Đồng bạn của ngài xưng danh là con trai của thầy Quản ngựa cho Hoàng tộc S------ và bảo ngài là một người họ hàng, một người cháu họ xa sống cùng vùng đó, cũng mang chung một họ. Thực ra chẳng ai hỏi han gì mấy. Họ chỉ thấy có thêm hai thanh niên rõ ràng phù hợp tham gia. Một chuyện hết sức tự nhiên.

Tôn ông Roman không lưu lại miền Nam lâu. Một ngày nọ, khi đi trinh sát cùng vài chiến hữu khác, họ bị một nhóm bộ binh Nga phục kích gần lối vào một ngôi làng. Loạt đạn đầu tiên làm nhiều người gục tức khắc, những người thoát đạn thì tản ra khắp các hướng. Quân Nga cũng không ở lại vì sợ bị đánh trả. Hồi lâu sau, những nông dân tới xem hiện trường đã lôi được Tôn ông Roman ra khi ngài bị con ngựa chết đè lên. Ngài vẫn lành lặn, nhưng người đồng hành trung thành của ngài thì không qua khỏi. Tôn ông cùng đám nông dân chôn cất anh và những tử sĩ khác.

Rồi một thân một mình, không biết phải tìm quân du kích ở đâu vì họ cũng liên tục di chuyển, ngài quyết định tham gia quân đội Ba Lan chủ lực đối đầu với người Nga ở biên giới Lithuania. Cải trang bằng đồ nông dân đề phòng gặp quân Cô dắc đi cướp, ngài lang thang chừng đôi tuần trước khi tới được một ngôi làng do một trung đoàn kỵ binh Ba Lan đóng giữ làm tiền đồn.

Ngồi trên một cái ghế, trước một cái lán nông dân thuộc loại tươm tất, là một sĩ quan có tuổi mà ngài đoán là đại tá chỉ huy. Tôn ông gặp ông với thái độ kính cẩn, kể vắn tắt chuyện của mình và đề đạt nguyện vọng sung quân; khi được đại tá hỏi tên, ông này đã quan sát ngài rất chăm chú, ngài ứng biến bằng cách nói tên người đồng hành tử trận.

Đại tá già thầm nghĩ: Người này hẳn là con trai một nông dân thuộc tầng lớp được phóng thích. Ông thích diện mạo anh ta.

‘Thế anh có biết đọc biết viết không?’ ông hỏi.

‘Cái đó tôi làm được, thưa ngài,’ Tôn ông nói.

‘Tốt lắm. Vào trong lán đi; sĩ quan phụ tá trung đội đang ở đó. Anh ta sẽ ghi danh và cho anh tuyên thệ.’

Sĩ quan phụ tá nhìn chằm chằm vào người mới đến nhưng không nói gì. Khi tất cả giấy tờ thủ tục sung quân đã xong, anh ta quay sang chỉ huy.

‘Ngài có biết đấy là ai không?’

‘Ai cơ? Cậu Peter đấy hả? Một người được việc đấy.’

‘Đấy là Tôn ông Roman S------ đấy.’

‘Vớ vẩn.’

Nhưng sĩ quan phụ tá cầm chắc mình không lầm. Anh ta đã nhìn thấy Tôn ông đôi lần chừng hai năm trước ở Hoàng cung tại Vacsava. Anh thậm chí còn nói chuyện với ngài tại một bữa tiệc cho các sĩ quan do Đại Công tước tổ chức.

‘Ngài ấy thay đổi rồi. Nom ngài ấy già đi nhiều, nhưng tôi dám chắc là cùng một người. Tôi nhớ mặt ít khi lầm lắm.’

Hai sĩ quan nhìn nhau im lặng.

‘Sớm muộn gì cũng có người nhận ra ngài ấy thôi,’ sĩ quan phụ tá lẩm bẩm. Đại úy nhún vai.

‘Nếu ngài ấy thích làm lính thì cũng chẳng phải việc của chúng ta. Mà chắc chẳng có ai nhận ra ngài ấy đâu. Tất cả sĩ quan và binh lính ở đây đều là người miền ngược Ba Lan.’

Ông ta ngẫm ngợi rất lung hồi lâu, rồi mỉm cười. ‘Ngài ấy bảo ta là biết đọc biết viết. Có cơ hội là ta sẽ cho ngài ấy lên lon trung sĩ. Như thế là vừa vặn.’

Tôn ông Roman khi làm hạ sĩ quan đã vượt quá mọi trông đợi của đại úy. Chẳng mấy chốc trung sĩ Peter đã nổi tiếng vì sự tháo vát và lòng can đảm. Đấy không phải lòng can đảm bất cần của một người tuyệt vọng; mà là lòng can đảm tự chủ, cơ chỉ, vững vàng trước mọi thách thức; một sự tận tụy mênh mông mà bình lặng, vô nhiễm trước thời gian, trước bĩ vận, trước nỗi chán nản của những cuộc rút lui liên miên, trước nỗi cay đắng của hy vọng tiêu tan và nỗi kinh hoàng mà bệnh dịch trút thêm vào những khốn nhọc chiến tranh. Chính vào cái năm này dịch tả đã lần đầu tiên xuất hiện ở châu Âu. Nó càn quét doanh trại của cả hai phe, làm hãi hùng cả những người cứng cỏi nhất bằng nỗi khiếp sợ về một cái chết bí ẩn cứ lẳng lặng rình rập giữa những chồng vũ khí và quanh những đống lửa doanh trại.

Một tiếng thét thình lình đánh thức những người lính đầy ưu phiền, và họ sẽ thấy trong ánh than hồng một người đồng chí quằn quại trên mặt đất như con giun bị một bàn chân vô hình nghiến lên. Và trước khi bình minh lên người đó đã chết cứng, lạnh ngắt rồi. Những nhóm quân nào gặp cảnh như vậy thì những người khác sẽ nhất tề đứng dậy, bỏ đống lửa trại mà chạy vào màn đêm trong nỗi hoảng sợ câm lặng. Hoặc, một đồng đội đang nói chuyện với ta trên đường hành quân, bỗng lắp bắp giữa chừng một câu, rồi trợn đôi mắt khiếp đảm, rồi ngã vật xuống mặt méo xệch môi xanh lè, làm xáo trộn hàng ngũ vì những cơn đau quặn khốn khổ. Người ta trúng cơn bệnh khi cưỡi ngựa, khi đứng gác, khi xông trận, khi mang lệnh, khi lau súng. Tôi được nghe kể là trong một tiểu đoàn được tập hợp ngay dưới làn đạn mà vẫn hết sức kiên định, sẵn sàng đột kích một ngôi làng, thì bỗng chưa đầy năm phút đã có ba người hàng đầu gục xuống vì bệnh dịch; cuộc tấn công thế là dở dang vì các toán tiên phong đều nháo nhác bỏ chạy như gió thổi tro bay

Trung sĩ Peter tuy còn trẻ tuổi nhưng đã sớm có sức ảnh hưởng lên lính của mình. Người ta bảo rằng số lính đào ngũ trong tổ đội anh phục vụ thấp hơn bất cứ tổ đội nào khác trong toàn bộ sư đoàn kỵ binh. Đấy được xem là một ví dụ thuyết phục về sự can trường lặng lẽ của một người khi đối diện với mọi loại hiểm nguy mọi nỗi khiếp đảm.

Dẫu vậy, trung sĩ Peter vẫn được mọi người yêu quý và tin tưởng. Khi cuộc chiến đến hồi kết, những tàn quân của đội quân ấy, bị dồn ép tứ phía, nay chuẩn bị vượt biên giới Phổ, trung sĩ Peter có đủ sức ảnh hưởng để tập hợp quanh mình chừng hai chục lính kỵ. Ngài dự định cùng họ lợi dụng đêm tối mà thoát khỏi cuộc vây hãm của quân địch. Ngài dẫn nhóm của mình vượt qua 200 dặm đường nhan nhản các phân đội quân Nga cùng sự đe dọa của bệnh tả. Nhưng ngài làm thế không phải để tránh bị bắt, không phải để đi trốn hay tự cứu mình. Không. Ngài dẫn họ đến một pháo đài vẫn do người Ba Lan chiếm đóng, ở đó cuộc cách mạng thất bại sẽ tổ chức cuộc chống cự cuối cùng.

Khi nhìn, ta nghĩ đấy chỉ là cuồng tín thuần túy. Nhưng con người không phải luôn luôn cuồng tín sao. Con người si mê những thánh thần hung bạo. Có một sự hung bạo trong mọi dục tình, thậm chí cả trong tình ái. Tôn giáo của niềm hy vọng bất diệt thì cũng giống như thứ tín ngưỡng điên cuồng thờ nỗi tuyệt vọng, cái chết, sự hủy diệt. Khác biệt nằm ở động cơ tinh thần sinh ra từ những nhu cầu bí mật, những khát vọng không biểu đạt ra của tín đồ. Chỉ có những kẻ phù phiếm mới thấy tất cả chỉ là hư ảo; và chỉ những kẻ nào chưa bao giờ thành thực với chính mình mới thấy tất cả chỉ là dối lừa.

Chính ở pháo đài ấy ông tôi đã chiến đấu bên cạnh trung sĩ Peter. Ông tôi cũng sống kề cận dòng họ S------ - nhưng lại không biết Tôn ông Roman, nhưng ngài thì lại biết rất rõ về ông. Một ngày nọ, khi họ ngồi trên lũy, tựa lưng vào một chiếc xe pháo, Tôn ông đã tiết lộ thân phận với ông tôi.

Ngài nhờ cậy một việc thế này, đấy là ngộ nhỡ ngài trận vong, thì hãy đưa tin ấy về cho cha mẹ ngài.

Họ nói thì thầm, những người lính khác đang nằm gần họ. Ông tôi hứa sẽ làm theo, rồi hỏi thẳng thắn - bởi ông tò mò lắm khi Tôn ông bất ngờ tiết lộ bí mật như vậy:

‘Nhưng thưa ngài, tại sao ngài lại đòi như vậy? Ngài thấy có điềm gì chẳng lành với bản thân sao?’

‘Không hề; ta đang nghĩ đến gia đình mình. Họ không biết ta đang ở đâu,’ Tôn ông Roman đáp. ‘Ta sẵn lòng làm điều tương tự cho anh, nếu anh muốn. Chắc chắn là ít nhất một nửa quân số ta sẽ tử trận trước khi kết thúc, thế thì cơ hội một trong hai người sống sót là bằng nhau giữa anh với ta.’

Ông tôi cho ngài biết vợ con ông đang ở đâu. Từ lúc đó cho đến cuối cuộc hãm thành, hai người lúc nào cũng bên nhau. Vào cái ngày tổng công kích, ông tôi đã lĩnh một vết thương nghiêm trọng. Thành phố đã bị chiếm. Ngày hôm sau, khi bệnh viện đã đầy ứ người chết và hấp hối, khi mọi băng đạn đều đã rỗng kiệt, những kẻ giữ thành đã bắn đến viên đạn cuối cùng, thành trì mở cổng đầu hàng.

Suốt chiến dịch ấy, Tôn ông dù lần nào cũng tận tình xông pha, mà cuối cùng không một vết xước. Không ai nhận ra ngài, không ai làm bại lộ danh tính ngài. Cho tới lúc ấy, chừng nào ngài thực hiện phận sự của mình, chừng đó danh tính ngài chẳng quan trọng.

Tuy nhiên, giờ tình thế đã thay đổi. Là một cựu vệ binh, lại còn là cựu sĩ quan quân nhu của Sa hoàng, tay phiến loạn này rất có nguy cơ được nhận sự quan tâm đặc biệt của một đội xử bắn đứng cách mười bước. Suốt hơn một tháng ròng ngài ẩn mình trong đám đông tù binh khốn khổ bị nhồi nhét vào những hầm lô cốt của tòa thành, với khẩu phần vừa đủ để hồn không lìa khỏi xác, còn thì bị mặc cho chết vì vết thương, vì thiếu thốn, vì bệnh tật, trong suốt bốn mươi ngày.

Bởi pháo đài nằm ở trung tâm, vậy nên các toán quân bị bắt giữ trong đợt giải giáp vũ khí triệt để thường xuyên được gửi tới đó. Trong số những người mới tới tình cờ sao lại có một chàng trai trẻ từng giao du với Tôn ông hồi còn ngài còn đi học. Anh ta nhận ra ngài, và trong khi ngài hoảng hốt cực độ, anh ta kêu toáng lên: ‘Chúa ơi! Roman, ngài đây rồi!’

Người ta bảo rằng kẻ kia đã phải dành nhiều năm cuộc đời ăn năn hối hận vì một khắc nông nổi ấy. Chuyện đó xảy ra ở sân chính của tòa thành. Tôn ông ra dấu ngăn lại nhưng đã quá muộn. Một sĩ quan hiến binh canh ở đó đã nghe thấy tiếng la kia. Anh ta thấy việc này đáng được điều tra cho rõ ngọn ngành. Người ta không mất nhiều công sức lắm, vì khi người ta thẳng thừng hỏi tên thật của ngài, Tôn ông lập tức thừa nhận.

Tin Tôn ông S------ được tìm thấy trong số tù bình đã truyền tới St. Petersburg. Cha mẹ ngài vốn đã sống trong đau buồn, trăn trở và lo sợ. Thủ đô của Đế chế là nơi an toàn nhất cho một quý tộc có con trai mất tích bí ẩn giữa giai đoạn nổi loạn. Hai ông bà không nghe tin gì từ ngài hay về ngài suốt nhiều tháng trời. Họ thận trọng không phản đối những lời đồn thổi rằng ngài tự sát do tuyệt vọng được lan truyền trong giới những người vẫn nhớ về cặp uyên ương đáng chú ý, cái hạnh phúc yêu kiều ngay thật đã bị liễu đoạn bởi cái chết. Nhưng họ thầm mong rằng con trai họ sống sót, rằng ngài đã vượt được biên giới cùng với nhóm quân đã đầu hàng người Phổ.

Cái tin ngài bị bắt là một đòn chí mạng. Đằng thẳng ra thì không thể làm gì cho ngài nữa. Nhưng danh tiếng vĩ đại của họ, địa vị của họ, những quan hệ rộng khắp của họ trong thượng tầng đã cho phép hai ông bà bằng con đường vòng mà đào sông lấp bể, như người ta vẫn nói, đặng cứu đứa con trai thoát khỏi những ‘hậu quả của cơn mất trí’, như Tôn ông John không ngần ngại nói ra. Các nhân vật vai vế nhất được những người đứng đầu giới thượng lưu tiếp cận; người ta gặp riêng những chức sắc cao vời, lại xui những người nhiều quyền thế quan tâm đến vụ việc này. Họ tranh thủ mọi nguồn ảnh hưởng bí mật. Vài trợ lý riêng được đút lót bẫm. Tình nhân của một thượng nghị sĩ nhận được một khoản tiền đáng kể.

Nhưng như tôi đã nói, trong một trường hợp rõ rành rành như thế này, không thể trực tiếp thỉnh cầu, cũng không thể dùng đến biện pháp công khai nào cả. Tất cả những gì người ta có thể làm là, thông qua ngả kín đáo, tác động lên người đứng đầu Tòa án binh theo hướng có lợi cho kẻ bị tội. Nhân vật này có vẻ đã xuôi sau khi nhận được những gợi ý và đề nghị từ St. Petersburg, một số đến từ giới chóp bu. Sau cùng, làm một cái ơn cho những dòng quý tộc lớn như các Tôn ông S------ cũng là thứ khó mà bỏ qua nếu nhìn một cách thực tế. Ông này là người Nga, nhưng cũng là một người tử tế. Hơn nữa, thái độ thù hằn người Ba Lan lúc đó lại không phải một mục cốt yếu trong tín điều ái quốc như nó sẽ trở thành sau ba mươi năm kể từ mốc đó. Ông ta thấy có thiện chí ngay khi lần đầu nhìn chàng trai, da màu đồng, mặt gầy gò, hao mòn sau bao tháng ngày chinh chiến khắc nghiệt, bao gian khổ của cuộc công thành, bao thiếu thốn của cảnh giam cầm.

Tòa án binh có ba vị sĩ quan. Trong thành trì, họ ngồi tại một căn phòng vòm trơ trọi đằng sau một chiếc bàn đen dài. Hai đầu bàn là vài viên lục sự, và ngoài các binh cảnh dẫn Tôn ông vào, không còn ai khác.

Bên trong bốn bức tường hung hiểm ngăn cách ngài khỏi mọi thanh âm hình sắc của tự do, mọi hy vọng về tương lai, mọi ảo tưởng an ủy - một mình đối mặt với những kẻ thù được đặt lên ngôi tòa án, ai có thể nói được trong Tôn ông Roman còn bao nhiêu phần tình yêu cuộc sống? Còn bao phần cái nghĩa bổn phận mà trong cơn buồn khổ ngài đã ngộ ra? Còn bao phần cái tình yêu được thức tỉnh của ngài đối với tổ quốc? Đất nước này đòi hỏi một thứ tình yêu khác xa bất cứ quốc gia nào khác, với tình thương tang tóc mà một người hướng đến kẻ đã khuất không bị lãng quên, với ngọn lửa khôn dập của một dục tình tuyệt vọng mà chỉ một lý tưởng sống, phập phồng, ấm nóng, mới có thể thắp lên trong lồng ngực chúng ta, cho lòng kiêu hãnh, cho nỗi nhọc mệt, cho niềm hân hoan, cho sự hủy diệt của chúng ta.

Nghĩ về một sự đòi hỏi như thế ta thấy nó có cái gì gớm guốc, cho đến khi nó đứng trước mặt ta, hiện thân trong lốt một lòng thủy chung không sợ hãi không oán trách. Tới gần thời khắc trọng đại của cuộc đời, Tôn ông hẳn chỉ có cảm giác đời mình sắp kết thúc. Ngài trả lời những câu hỏi người ta đặt ra, một cách rõ ràng, chính xác - với thái độ thờ ơ hoàn toàn. Sau tất cả những ngày tháng chiến đấu đầy căng thẳng, giờ đây chỉ đi thôi cũng làm ngài mệt. Nhưng ngài giấu nỗi mệt ấy, e kẻ thù ngài sẽ ngờ rằng trong dáng điệu ấy có vẻ lãnh đạm do thối chí, hoặc sự tê bại của một tinh thần gục ngã. Những chi tiết trong hành trạng của ngài dù sao cũng không còn quan trọng; những kẻ kia không dính dáng đến những suy nghĩ của ngài. Ngài giữ một giọng nhã nhặn quá câu nệ. Ngài từ chối quyền ngồi xuống.

Những gì xảy ra ở phiên thẩm tra dự bị này chỉ được tiết lộ qua viên sĩ quan chủ tọa. Theo đuổi con đường khả dĩ duy nhất trong cái án hiểm rành rành này, ngay từ đầu ông đã cố gắng gợi ý cho Tôn ông hướng bào chữa mà ông cho là thích hợp nhất. Ông bố trí những câu hỏi của mình sao cho đặt được những câu trả lời có lợi vào miệng bị cáo, gần như là gợi ý từng từ: trong trạng thái rối bời bởi nỗi đau khổ quá mức sau cái chết của người vợ trẻ, bị nỗi tuyệt vọng làm cho không kiểm soát được hành động, trong một khoảnh khắc liều lĩnh mù quáng, không hề nhận ra bản chất hết sức sai trái của hành động đấy cũng như mối nguy và mối nhục nó đem lại, ngài đã gia nhập đám dấy loạn gần nhất trong một cơn bốc đồng. Và giờ, với thái độ ăn năn...

Nhưng Tôn ông Roman im lặng. Các quan tòa nhìn ngài đầy hy vọng. Vẫn im lặng, ngài với tay chộp lấy cái bút rồi viết lên một tờ giấy để trước mặt ngài: ‘Tôi tham gia cuộc nổi dậy là vì lòng trung nghĩa.’

Ngài đẩy tờ giấy qua bàn. Chủ tọa cầm nó lên, chìa nó cho hai người ngồi trái phải xem, rồi nhìn chằm chằm vào Tôn ông Roman mà để tờ giấy tuột khỏi tay. Cảnh im lặng kéo dài mãi đến lúc ông này gọi cảnh binh để đưa người tù đi.

Tôn ông Roman đã viết ra lời chứng ấy trong thời khắc trọng đại của đời mình. Tôi có nghe rằng tất cả các Tôn ông dòng tộc S------, ở tất cả các chi ngành, đã chọn mấy từ cuối cùng: ‘Vì lòng trung nghĩa’ làm châm ngôn trên gia huy. Tôi không biết chuyện này có đúng không. Chú tôi không nói với tôi. Chú chỉ bảo, tất nhiên là nó không xuất hiện trên triện của Tôn ông Roman.

Ngài bị kết án chung thân trong hầm mỏ Siberia. Sa hoàng Nicholas, người luôn đích thân thẩm xét tất cả các án tuyên với quý tộc Ba Lan, đã viết tay bên lề như thế này: ‘Cảnh báo nghiêm khắc giới chức phải đảm bảo người tù này bị xích và phải đi bộ như tất cả các tù nhân khác cho đến hết chặng đường.’

Đấy là một án tử hình hoãn lại mà thôi. Rất ít người sống sót được quá ba năm trong cảnh bị chôn vùi dưới những hầm mỏ. Nhưng khi người ta báo cáo rằng ngài vẫn còn sống vào cuối quãng thời gian ấy, nhờ đơn thỉnh cầu của cha mẹ ngài cùng một sự khoan hồng đặc biệt, ngài được cho làm lính trơn ở Caucasus. Mọi liên lạc với ngài đều bị cấm. Ngài bị xóa mọi quyền công dân. Thực tế là ngoài việc phải chịu đau khổ ra, ngài không khác gì một người đã chết. Đứa con nhỏ mà ngài đã hôn từ biệt thật thận trọng để không đánh thức khi còn nằm cũi, giờ được thừa kế toàn bộ gia sản sau khi Tôn ông John qua đời. Nhờ cô mà khối tài sản khổng lồ ấy thoát cảnh sung công.

Phải mất hai mươi lăm năm thì Tôn ông Roman, khi đó đã bị điếc, sức khỏe sa sút, mới được phép trở về Ba Lan. Con gái ngài đã có một cuộc hôn nhân danh giá với một grand seigneur6 người Áo gốc Ba Lan, rồi chuyển từ cuộc sống giao thiệp của giới quý tộc cao quý nhất Âu châu, để sống chủ yếu ở Nice và Vienna. Ngài an cư tại một trong những điền sản của con gái, không phải nơi có tòa lâu đài nguy nga, mà là nơi có căn nhà nhỏ khiêm nhường. Ngài ít gặp con gái.

Nhưng Tôn ông Roman không ẩn dật như thể đời ngài đã xong xuôi. Hiếm có sự vụ gì, công cũng như tư, trong vùng ấy mà người ta không cậy đến lời khuyên cùng sự giúp đỡ của Tôn ông, và bao giờ người ta cũng được như ý. Có thể nói cuộc sống của ngài chẳng thuộc về ngài, mà thuộc về những người dân vùng ấy. Đặc biệt, ngài là bạn thiết của tất cả những kẻ lưu vong trở về, giúp họ bằng tiền bạc và lời khuyên, thu xếp công việc của họ, tìm cho họ kế sinh nhai.

Tôi đã nghe chú tôi kể rất nhiều chuyện về những hành động tận tụy của ngài, ở đó ngài luôn luôn được dẫn lối bởi một sự thông thái giản dị, một ý thức rất cao về danh dự, và một quan niệm thuộc loại tỉ mỉ nhất về sự trung thực bất kể công tư. Ngài vẫn là một hình tượng sống với tôi nhờ vào cuộc gặp trong phòng giải trí ấy, khi tôi, trong nỗi sốt sắng muốn nghe về một con chó sói đặc biệt hung tợn, tôi đã được tiếp xúc, dù chỉ thoáng qua, với một con người xuất chúng có khả năng xúc động sâu xa, tin tưởng kiên định, và yêu một cách nồng nhiệt.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ bàn tay xương xẩu răn reo của Tôn ông Roman siết lấy bàn tay nhỏ lấm mực của tôi, cùng cái nhìn nửa nghiêm nghị nửa thích thú của chú tôi khi thấy đứa cháu xuất hiện không đúng chỗ.

Họ đi tiếp, quên luôn đứa trẻ là tôi. Nhưng tôi không nhúc nhích; tôi nhìn theo họ, không phải thất vọng, cho bằng chưng hửng khi thấy ông hoàng này sao chẳng giống gì một hoàng tử trong truyện cổ tích. Họ đi rất chậm qua bên kia phòng. Trước khi tới được cánh cửa, Tôn ông dừng lại, và tôi nghe ngài nói - dường như giờ tôi vẫn đang nghe thấy tiếng ấy: ‘Tôi nhờ anh viết cho Vienna đề nghị nhận người đó. Đấy là một người rất xứng đáng - và lời tiến cử của anh có tính quyết định.’

Gương mặt chú tôi ngoảnh sang ngài, tỏ một vẻ kinh ngạc thành thực. Nó rành rành chẳng kém nói ra: còn lời tiến cử nào tốt hơn lời tiến cử của một người cha? Tôn ông đọc biểu cảm ấy nhanh lắm. Ngài lại nói bằng âm sắc đều đều của một người đã không còn nghe giọng chính mình nhiều năm rồi, một người mà thế giới vô thanh tựa như chốn dung thân của những sắc thái im lặng.

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những lời ấy: ‘Ta nhờ anh bởi vì, anh cũng thấy đấy, con gái và con rể ta không tin ta là một kẻ am hiểu con người. Chúng nghĩ rằng ta để bản thân bị dẫn dắt quá mức bởi tình cảm đơn thuần.’”

Nguyễn Hoài dịch

 

1 Tức Cuộc nổi dậy tháng Mười một, kéo dài từ cuối năm 1830 đến cuối năm 1831. Theo Hiệp ước Chia cắt Ba Lan giữa các đế quốc Áo, Đức, và Nga, Phần Lan từ cuối năm 1795 không còn là một thực thể chính trị độc lập, và một phần lãnh thổ bị cắt cho Nga. Cuộc nổi dậy tháng Mười một bùng nổ ở Vacsava khi các sĩ quan Ba Lan trẻ từ học viện quân đội nổi loạn chống lại Sa hoàng. Kết quả là cuộc nổi dậy bị dập tắt, phần lãnh thổ Ba Lan thuộc Nga bị mất quyền tự trị và bị sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

2 Trước quần chúng, nhân dân.

3 Nhờ vào, dưới ánh sáng.

4 Tổ quốc sẽ được thanh bình.

5 Đau đớn.

6 Đại lãnh chúa (tiếng Pháp).

Ba Lan

Hotel Savoy

Bruno Schulz

Vĩnh biệt

Nàng tình nhân hờ

Một chuyến đi

Giáo dục Châu Âu

Quartet

Một người Ba Lan

Czesław Miłosz

Nhật ký chiến tranh

Gombrowicz

Người tình Ba Lan

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công