favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Joseph Conrad: Gaspar Ruiz (tiếp nữa)

29/07/2024 14:11

tiếp từ kia, mùa hè mãi vẫn chưa kết thúc

Gaspar Ruiz (phẩn 3)

- Joseph Conrad

Điều làm chúng ta ngạc nhiên là hình thức, chứ không phải nội dung. Các tục ngữ là nghệ thuật - nghệ thuật rẻ tiền. Chúng rất thường khi không đúng; trừ phi quả thật tình cờ chỉ là những lời nói vô vị, ví như câu, “Nửa ổ bánh mì còn hơn không,” hoặc giả “Về nhì thì vẫn là thua”. Một số tục ngữ đơn giản là khờ khạo, số khác trái đạo đức. Câu tục ngữ xuất phát từ trái tim ngây thơ của nhân dân Nga vĩ đại, “Con người nổ súng, nhưng Chúa hướng viên đạn”, nó hung bạo một cách mộ đạo, và mâu thuẫn gay gắt với quan niệm đã được chấp nhận về Chúa nhân từ. Việc hướng viên đạn, ví dụ vậy, trúng tim một người cha quả thật sẽ mâu thuẫn với Đấng Bảo Vệ người nghèo, người ngây thơ và bất lực.

Gaspar Ruiz không có con, anh không có vợ, anh chưa bao giờ yêu. Anh hầu như chưa bao giờ nói chuyện với phụ nữ, ngoài mẹ và bà da đen già nua trong nhà, mà làn da nhăn nheo có màu than cháy dở, và thân hình gầy gò gập đôi lại vì tuổi tác. Nếu một số viên đạn từ những khẩu súng hỏa mai đó, được bắn cách mười lăm bước chân, đặc biệt hướng vào trái tim Gaspar Ruiz, thì tất tật đều trật khỏi số phận của chúng. Tuy nhiên, có một viên được hướng trúng một mẩu tai nhỏ của anh, và một viên khác làm văng một miếng thịt ra khỏi vai anh.

Mặt trời đỏ không một gợn mây đang lặn xuống đại dương tím trừng trừng nảy lửa nhìn Cordillera1 như bức tường hùng vĩ, nhân chứng xứng đáng của cảnh hoàng hôn lộng lẫy. Nhưng không thể hiểu nổi vì sao mặt trời lại nên thấy đám người như kiến bận rộn với các thử thách giết người vô lý và vô nghĩa và chết vì những lý do mà, ngoài việc nói chung là trẻ con ra, còn không được hiểu hoàn toàn. Tuy nhiên, nó đã chiếu sáng lưng của đội hành hình và mặt của những kẻ bị kết án. Một số người trong bọn họ quỳ gối, những người khác vẫn đứng, một ít người quay đầu khỏi các nòng súng hỏa mai đã được nâng lên. Gaspar Ruiz, đứng thẳng, lực lưỡng nhất, ngước cái đầu to tóc rối bù của anh lên. Mặt trời thấp làm anh hơi chói mắt, và anh tự xem là mình đã chết.

Anh gục xuống ngay lần bắn đầu tiên. Anh gục xuống vì nghĩ mình đã chết. Anh nặng nề ngã xuống đất. Sự va chạm của cú ngã làm anh ngạc nhiên. “Hình như mình chưa chết,” anh thầm nghĩ, lúc nghe thấy tiếng đội hành hình nghe lệnh nạp lại đạn. Chính khi ấy lần đầu tiên anh đã chớm nở hy vọng trốn thoát. Anh cứ nằm im dang tay chân dưới trọng lượng của hai cái xác nằm chéo nhau trên lưng mình.

Khi đám lính bắn loạt đạn thứ ba vào đống xác vẫn còn khẽ động đậy, thì mặt trời đã khuất dạng, và hầu như ngay sau đó với sự sầm tối lại của đại dương ánh chạng vạng rơi xuống những bờ biển của nước Cộng Hòa trẻ trung. Trên bóng tối của vùng đất thấp các đỉnh tuyết phủ của Cordillera vẫn sáng và đỏ thẫm hồi lâu. Đám lính trước khi trở về pháo đài đã ngồi xuống hút thuốc.

Tên trung sĩ với thanh gươm trần trên tay một mình đi tản bộ dọc đống xác chết. Hắn là một người nhân đạo, nên đi tìm bất cứ động đậy hay co giật nào của tay chân trong cái ý kiến đầy lòng thương xót là đâm đầu nhọn của lưỡi gươm vào bất cứ cái xác nào còn cho thấy một dấu hiệu của sự sống dù là nhỏ nhất. Nhưng không có cái xác nào cho hắn cơ hội được phô diễn ý định từ thiện. Không một bắp thịt co giật giữa họ, thậm chí cả những cơ bắp cuồn cuộn của Gaspar Ruiz, người, đầm đìa máu của những cái xác kề cận và giả vờ chết, cố gắng để có vẻ còn không có sự sống hơn cả những xác khác.

Anh nằm úp mặt. Tên trung sĩ nhận ra anh qua vóc người, và vì bản thân là kẻ rất nhỏ bé, nên hắn nhìn cái cơ thể quy phục đầy sức mạnh đó với ánh mắt ghen tị và khinh bỉ. Hắn vẫn luôn luôn không thích chính người lính này. Xúc động vì một mối căm thù đen tối, hắn chém một đường dài ngang cổ Gaspar Ruiz, với ý nghĩ mơ hồ là để chắc chắn rằng người đàn ông khỏe mạnh đó đã chết, làm như một thể chất đầy sức mạnh thì có thể cưỡng lại được những viên đạn hơn vậy. Vì tên trung sĩ không hề nghi ngờ rằng Gaspar Ruiz đã bị bắn thủng nhiều chỗ. Rồi hắn đi tiếp, và ngay sau đó hành quân đi với lính của hắn, bỏ những cái xác lại cho quạ và kền kền chăm nom.

Gaspar Ruiz đã kiềm chế một tiếng hét, dẫu cho anh thấy dường như đầu mình đã bị chém bay; và khi trời tối, sau khi hất những xác chết đi, mà trọng lượng đè lên anh, anh bò đi trên chỗ bằng phẳng đó bằng hai bàn tay và hai đầu gối. Sau khi uống nhiều nước, như một con thú bị thương, tại một dòng suối nông, anh lấy lại tư thế đứng thẳng, và lảo đảo đi tiếp, đầu nhẹ bỗng và không đích đến, tựa hồ lạc giữa những vì sao của một đêm trong trẻo. Một ngôi nhà nhỏ dường như mọc lên từ dưới đất ở trước mặt anh. Anh loạng choạng đi qua hiên và lấy nắm tay gõ cửa. Không có một tia sáng nào. Gaspar Ruiz có thể nghĩ rằng cư dân đã chạy trốn khỏi nó, như khỏi nhiều ngôi nhà khác trong vùng này, nếu không có tiếng gào lên chửi bới trả lời tiếng đấm cửa của anh. Trong tình trạng hơi sốt và yếu lả của mình, anh thấy những tiếng hét lên tức giận đó dường như là một phần của ảo ảnh thuộc về cảm giác giống như trong mơ huyền bí về việc bị kết tội chết bất ngờ, về việc chịu đựng cơn khát, về những loạt đạn bắn cách mười lăm bước chân, về việc đầu anh suýt bị chém bay. “Mở cửa ra!” anh kêu lên. “Mở ra nhân danh Chúa!”

Một giọng nói cáu tiết từ bên trong chế nhạo anh: “Vào đi, vào đi. Ngôi nhà này là của mày đấy. Toàn bộ mảnh đất này là của mày đấy. Vào mà lấy đi.

“Vì tình yêu của Chúa,” Gaspar Ruiz rì rầm.

“Không phải toàn bộ đất đai đều là của bọn yêu nước chúng mày hay sao?” giọng nói ở bên kia cánh cửa tiếp tục hét lên. “Mày không phải là một người yêu nước hay sao?”

Gaspar Ruiz không biết. “Tôi là một người bị thương,” anh hờ hững nói.

Bên trong trở nên im lặng như tờ. Gaspar Ruiz mất hy vọng được cho vào, và nằm dưới mái hiên ngay ngoài cửa. Anh hoàn toàn không quan tâm đến việc chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Toàn bộ ý thức của anh dường như chỉ tập trung vào cổ, chỗ anh cảm thấy đau dữ dội. Anh thật lòng lãnh đạm với số phận của anh.

Ngày đang rạng khi anh thức dậy khỏi giấc ngủ lơ mơ hâm hấp sốt; cánh cửa anh gõ ban tối bây giờ đã mở rộng, và một cô gái, tự giúp mình vững vàng bằng hai cánh tay dang ra, chồm qua ngưỡng cửa. Nằm ngửa, anh chằm chằm nhìn lên cô. Mặt cô xanh xao và đôi mắt cô rất sẫm màu; mái tóc cô xõa xuống đen như mun trên cặp má trắng trẻo; đôi môi cô đầy và đỏ. Bên kia cô anh thấy một cái đầu khác với mái tóc bạc dài, và một bộ mặt già nua gầy gò với hai bàn tay lo ngại nắm chặt lại ở dưới cằm.

VI

“Tôi biết mặt những người đó,” Tướng Santierra nói với khách của ông tại bàn ăn. “Ý tôi là những người đã che chở cho Gaspar Ruiz. Người cha là một người Tây Ban Nha già. Một người có tài sản, bị phá sản vì cách mạng. Điền trang, nhà trong thị trấn, tiền bạc của ông ta, mọi thứ ông ta có trên đời đều bị tịch thu bởi lời tuyên bố, vì ông ta là một kẻ thù gay gắt của nền độc lập của chúng tôi. Từ một vị trí đầy phẩm giá và ảnh hưởng trong Hội Đồng Phó Vương, ông ta trở nên còn ít quan trọng hơn cả chính những nô lệ da đen của ông ta, được giải phóng nhờ cuộc cách mạng vinh quang của chúng tôi. Ông ta thậm chí không có đủ tiền để chạy khỏi đất nước, như những người Tây Ban Nha khác tìm cách chạy. Có thể là, sau khi đi lang thang trong tình cảnh bị phá sản và không nhà, không có gánh nặng nào ngoài chính mạng sống của mình, nó đã được lòng nhân từ của Chính Phủ Lâm Thời tha cho, ông ta chỉ tình cờ vào sống dưới mái nhà lợp xập xệ đó. Đó là một địa điểm cô liêu. Dường như đến một con chó thậm chí cũng không thuộc về nơi này. Nhưng dù mái nhà có các lỗ thủng, cứ như đã bị một hai viên đạn súng thần công bắn trúng, thì cửa chớp gỗ vẫn dày và lúc nào cũng đóng im ỉm.

“Tôi thường đi ngang qua lối mòn trước rancho khốn khổ đó. Tôi cưỡi ngựa từ pháo đài đến thị trấn hầu như mỗi tối, để thở dài trước ô cửa sổ của một tiểu thư bấy giờ tôi đang yêu. Khi người ta còn trẻ, các vị hiểu đấy... Các vị có thể chắc chắn nàng là người rất yêu nước. Caballeros2, tin tôi hay không thì tùy, nhưng hồi đó cảm giác chính trị mạnh mẽ đến mức tôi không tin tôi có thể bị mê hoặc bởi những vẻ mê hoặc của một người phụ nữ có những quan điểm Bảo Hoàng...”

Những tiếng rì rầm hoài nghi thích thú quanh khắp bàn ăn ngắt lời ông Tướng; và ông nghiêm trang vuốt bộ râu bạc của ông trong khi chúng lắng xuống.

“Senores,” ông phản đối, “một phụ nữ Bảo Hoàng hẳn sẽ là một con quái vật đối với trái tim nồng nhiệt của chúng tôi. Tôi kể cho các vị nghe chuyện này để không bị nghi ngờ là có chút tình ý nào với con gái của lão Bảo Hoàng già ấy. Thêm nữa, như các vị biết đấy, tình cảm của tôi đặt ở nơi khác. Nhưng tôi không thể không để ý đến cô ta vào những dịp hiếm hoi khi cô ta đứng trên hiên với cánh cửa trước mở.

“Quý vị phải biết là lão Bảo Hoàng già này điên rồ hết sức. Những sự không may về chính trị, cảnh sa sút và phá sản hoàn toàn của lão đã làm lão quẫn trí. Để tỏ lòng khinh bỉ việc những người yêu nước chúng tôi có thể làm, lão giả vờ cười cảnh bị giam cầm, sự tịch thu đất đai, việc đốt các ngôi nhà của lão, và cảnh khốn khổ mà lão và vợ con đã bị đẩy vào. Thói quen cười nhạo này lớn dần lên trong lão, đến mức lão bắt đầu cười và hét lên ngay khi thấy bất cứ người lạ mặt nào. Đó là hình hài sự điên rồ của lão.

“Tôi, dĩ nhiên, coi nhẹ sự ồn ào của lão điên đó với cảm giác trịch thượng mà thành công của chính nghĩa của chúng tôi đã truyền vào những người châu Mỹ chúng tôi. Tôi cho rằng tôi thực sự xem thường lão vì lão là một người Castile3 già, một kẻ được sinh ra ở Tây Ban Nha, và là một tên Bảo Hoàng. Đó chắc chắn không phải là những lý do để khinh bỉ một người đàn ông; nhưng trong nhiều thế kỷ người được sinh ra ở Tây Ban Nha đã tỏ lòng khinh miệt người châu Mỹ chúng tôi, những người cũng có tổ tiên như chính họ, chỉ vì chúng tôi là người mà bọn họ gọi là dân thuộc địa. Chúng tôi bị hạ phẩm giá và buộc phải cảm thấy thấp kém hơn trong giao thiệp xã hội. Và bây giờ đến lượt chúng tôi. Những người yêu nước chúng tôi có nhu cầu được tỏ tình cảm lại như thế; và tôi là một người yêu nước trẻ tuổi, con trai của một người yêu nước, xem thường lão Tây Ban Nha già đó, và vì xem thường lão mà tất nhiên là tôi coi nhẹ những lời chửi bới của lão, dù chúng có khó chịu với những cảm xúc của tôi đến mức nào đi chăng nữa. Những người khác có lẽ sẽ ít nhẫn nại hơn.

“Lão sẽ bắt đầu với một tiếng ré to - ‘Tao thấy một thằng yêu nước. Lại thêm một thằng nữa!’ từ lâu trước khi tôi đến gần với ngôi nhà đó. Giọng chửi rủa điên khùng của lão, hòa với những tràng cười, có lúc rít lên chói tai có lúc nghiêm trang. Toàn bộ rất điên rồ; nhưng tôi cảm thấy phẩm giá của tôi có phận sự phải kìm cho ngựa đi chậm lại mà thậm chí không cả liếc nhìn ngôi nhà đấy như thể những tiếng la hét chửi bới của lão già trên hiên đó không hơn gì tiếng sủa của một con chó toi. Tôi cưỡi ngựa qua, giữ vẻ thờ ơ kiêu căng trên mặt.

“Lẽ dĩ nhiên vậy thì rất cao quý; nhưng hẳn tôi sẽ làm tốt hơn nếu đã giữ cho đôi mắt mình mở. Một quân nhân trong thời chiến không bao giờ nên tự xem mình là không còn bổn phận; và đặc biệt là như thế nếu đó là chiến tranh cách mạng, khi kẻ thù không phải ở ngoài cửa, mà ở trong chính nhà mình. Vào những khoảng thời gian như thế sức nóng của các niềm tin chắc nhiệt thành, sau khi biến thành lòng căm thù, giật đi những sự kiềm chế của danh dự và tính người khỏi nhiều người đàn ông và tính tế nhị và nỗi sợ hãi khỏi một số người phụ nữ. Những người phụ nữ này, một khi đã vứt bỏ tính e lệ và dè dặt của giới tính, trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều người khổng lồ có vũ khí bởi trí thông minh hoạt bát và lòng oán hận dữ dội không biết xót thương.”

Ông Tướng cao giọng hẳn lên, nhưng bàn tay to của ông vuốt bộ râu bạc hai lần vẻ bình tĩnh đáng tôn kính. “Si4, senores! Phụ nữ sẵn sàng bay lên những đỉnh cao của lòng tận tụy mà đàn ông chúng ta không thể bay lên nổi, hay chìm xuống những lòng sâu của sự mất phẩm giá làm kinh ngạc các thành kiến đàn ông của chúng ta. Tôi đang nói về những phụ nữ ngoại lệ, các vị hiểu đấy…”

Đến đây một trong những vị khách nhận xét rằng mình chưa bao giờ gặp người phụ nữ nào không thể trở nên khá ngoại lệ dưới những hoàn cảnh tác động mạnh đến cảm xúc của cô ta. “Thái độ kẻ cả coi thường mà họ có với chúng ta đó,” anh ta kết luận, “giúp họ trở nên một nửa nhân loại lý thú hơn.”

Ông Tướng, nghiêm nghị chịu đựng sự ngắt lời trên, lịch sự gật đầu đồng ý. “Si. Si. Dưới những hoàn cảnh... Đúng thế. Thỉnh thoảng họ có thể làm vô số việc ác một cách rất bất ngờ. Vì ai có thể tưởng tượng nổi việc thấy một cô gái trẻ, con gái của một người Bảo Hoàng đã phá sản chỉ giữ được mạng sống nhờ lòng khinh bỉ của kẻ thù, lại có đủ sức mạnh mang cái chết và sự tàn phá đến hai tỉnh đang thịnh vượng và gây ra rất nhiều lo lắng cho các lãnh tụ cách mạng chính trong giờ khắc thành công của cách mạng kia chứ!” Ông dừng lời để sự ngạc nhiên vì chuyện này xâm nhập vào tâm trí chúng tôi.

“Cái chết và sự tàn phá ư,” ai đó lấy làm lạ nói rì rầm: “lạ thật!”

Ông Tướng già liếc mắt về hướng phát ra những lời rì rầm trên và nói tiếp. “Phải. Đó là, tai họa... chiến tranh. Nhưng với tôi, người đã gặp và nói chuyện với cô ta, thì những phương tiện nhờ chúng cô ta đã đạt được sức mạnh tàn phá biên giới phía Nam của chúng tôi dường như lại càng đáng kinh ngạc hơn. Điều đặc biệt đó để lại nơi tâm trí tôi một nỗi kinh ngạc đáng sợ mà nhiều kinh nghiệm về cuộc đời hơn, hơn năm mươi năm, đã không giảm bớt được gì.” Ông nhìn quanh để chắc chắn về sự chú ý của chúng tôi, và, bằng giọng đã thay đổi: “tôi là, như các vị biết đấy, một người cộng hòa, con trai của một Nhà Giải Phóng,” ông tuyên bố. “Bà mẹ vô song của tôi, cầu Chúa cho linh hồn bà được yên nghỉ, là một phụ nữ Pháp, con gái của một người cộng hòa hăng hái. Khi còn trẻ tôi đã chiến đấu cho tự do; tôi vẫn luôn luôn tin vào sự bình đẳng của con người; và về tình anh em của họ, nó, với tâm trí tôi, thậm chí còn chắc chắn hơn. Hãy nhìn lòng oán thù dữ dội họ phô bày trong các khác biệt của họ. Và trên đời các vị biết gì dữ dội gay gắt hơn những trận cãi nhau giữa những người anh em?”

Sự vắng mặt toàn toàn của thái độ hoài nghi cay độc ngăn chặn xu hướng mỉm cười trước quan điểm về tình anh em của con người trên. Trái ngược lại, có trong giọng nói ấy cái âm u sầu tự nhiên với một người đàn ông nhân đạo sâu sắc ở trong tim, người, vì bổn phận, niềm tin chắc và sự cần thiết, đã có một vai trò trong các cảnh bạo lực không thương xót.

Ông Tướng đã thấy nhiều cảnh xung đột anh em giết nhau. “Chắc chắn. Không còn nghi ngờ gì nữa về tình anh em của họ,” ông khăng khăng. Tất cả mọi người đều là anh em, và vì thế mà biết hầu như quá nhiều về nhau. Nhưng” - và đến đây trên khuôn mặt tộc trưởng già, với mái tóc trắng phau, đôi mắt đen khôi hài nhấp nháy - “nếu tất cả chúng ta đều là anh em, thì tất cả phụ nữ lại không phải là chị em của chúng ta.”

Người ta nghe tiếng một trong những vị khách trẻ tuổi thì thào bộc lộ lòng thỏa mãn trước sự thật trên. Nhưng ông Tướng tiếp tục, bằng giọng nghiêm chỉnh thận trọng: “Họ quá khác biệt! Câu chuyện ông vua chọn một hầu gái ăn mày làm người ngự cùng trên ngai vàng có thể khá hay khi đàn ông chúng ta tự nhìn chính mình và tình yêu. Nhưng tình cảm với phụ nữ và tình yêu họ của chúng ta thì không thể chịu nổi chuyện một cô gái trẻ, nổi tiếng vì sắc đẹp kiêu kỳ và, chỉ một thời gian ngắn trước đó, còn là người được tất cả mọi người ngưỡng mộ tại những cuộc khiêu vũ tại cung điện của Phó Vương, mà nắm bàn tay một guasso, một nông dân bình thường. Đó là sự điên rồ. Tuy vậy chuyện ấy đã xảy ra. Nhưng phải nói là trong trường hợp của cô ta đó là sự điên rồ của lòng ghét bỏ - chứ không phải của tình yêu.”

Sau khi nêu lên cái cớ này trong một tinh thần của công lý hiệp sĩ, ông Tướng im lặng một lát. “Tôi cưỡi ngựa đi ngang qua ngôi nhà đó hầu như hằng ngày,” ông kể tiếp, “và đây là chuyện đã xảy ra trong nhà. Nhưng làm sao nó xảy ra thì không tâm trí con người nào có thể hình dung nổi. Cô ta hẳn đã vô cùng tuyệt vọng, và Gaspar Ruiz là một gã dễ bảo. Anh ta đã là một người lính ngoan ngoãn. Sức mạnh của anh như tảng đá khổng lồ nằm trên mặt đất, sẵn sàng lăn đi nếu có một bàn tay bẩy lên.

“Rõ ràng là anh đã kể câu chuyện của anh cho người đã cho anh sự che chở mà anh cần nghe. Và anh cần sự phụ giúp ghê gớm. Vết thương không nguy hiểm, nhưng cuộc sống của anh đã bị cướp mất. Lão Bảo Hoàng già lại điên loạn cười, hai người phụ nữ sắp xếp một chỗ trốn cho người bị thương tại một trong những túp lều giữa những cây ăn quả đằng sau ngôi nhà. Cái nơi khốn khổ đó, có nhiều nước trong trẻo trong khi anh sốt, cùng đôi ba lời thương hại, là toàn bộ những gì họ có thể mang lại. Tôi cho rằng anh đã có một phần thức ăn. Nhưng nó bé nhỏ; một nắm ngô nướng, có lẽ một đĩa đậu, hay một miếng bánh mì với ít quả sung. Những người kiêu hãnh và từng một thời giàu có đó đã nghèo khổ đến nước ấy rồi kia đấy.”

VII

Tướng Santierra đã phỏng đoán đúng. Đó là bản tính chính xác của sự phụ giúp mà Gaspar Ruiz, người con trai nông dân của các nông dân, đã nhận được từ gia đình Bảo Hoàng có người con gái đã mở cánh cửa - của nơi ẩn náu khốn khổ đó ra cho tình trạng vô cùng thê thảm của anh. Thái độ kiên quyết u ám của cô đã khuất phục được tính điên rồ của cha và sự hoang mang run rẩy của mẹ.

Cô hỏi người lạ mặt trên bậc tam cấp lên cửa, “Ai đã làm anh bị thương?”

“Những người lính, senora5,” Gaspar Ruiz trả lời, bằng giọng yếu ớt.

“Những người lính yêu nước ư?”

“Si.”

“Tại sao?”

“Đào ngũ,” anh vừa hổn hển vừa tựa vào bức tường dưới ánh soi mói trong đôi mắt đen của cô. “Tôi đã bị bỏ mặc cho chết ở đó.”

Cô đưa anh xuyên qua ngôi nhà ra một túp lều nhỏ bằng đất sét và lau sậy, lạc trong bãi cỏ cao của vườn cây ăn quả rậm rạp. Anh nằm lún người trên một đống rơm ngô trong một góc, thốt ra một tiếng thở thật dài.

“Sẽ không có ai tìm anh ở đây,” cô nói, vừa nhìn xuống anh. “Không có ai đến gần chúng tôi. Cả chúng tôi cũng bị bỏ mặc cho chết - ở đây.”

Anh bứt rứt cựa mình trên đống rơm bẩn thỉu, và chỗ đau trên cổ khiến anh rên rỉ thảm thiết.

“Một ngày nào đó mình sẽ cho Estaban thấy mình vẫn còn sống,” anh lầm bầm.

Anh chấp nhận sự phụ giúp của cô trong im lặng, và nhiều ngày đau đớn trôi qua. Những lần cô xuất hiện trong túp lều giúp anh đỡ đau và thấy các thiên thần đã đến thăm chiếc trường kỷ của mình trong những giấc mơ hâm hấp sốt; vì Gaspar Ruiz đã được hướng lối trong những sự bí ẩn của tôn giáo, và thậm chí đã được dạy đọc và viết một chút bởi ông linh mục ở làng. Anh sốt ruột đợi chờ cô, và xót xa luyến tiếc nhìn cô đi ra khỏi túp lều tối biến vào ánh nắng rạng ngời. Anh khám phá ra rằng, trong khi nằm đó, cảm thấy rất yếu, anh có thể, bằng cách nhắm mắt lại, gợi lên khuôn mặt cô với sự rõ nét đáng kể. Và khả năng được khám phá ra này tô điểm cho những giờ phút dưỡng thương dài và cô đơn của anh. Sau đó, khi đã bắt đầu lấy lại sức lực, vào lúc nhá nhem anh bò từ túp lều đến ngôi nhà và ngồi lên bậc tam cấp cửa vườn.

Người cha điên đi đi lại lại trong một trong những căn phòng, lẩm bẩm một mình với những tiếng cười ngắn đột ngột. Trong lối đi, ngồi trên một chiếc ghế đẩu, bà mẹ thở dài và than vãn. Cô con gái, trong trang phục sờn cũ thô ráp, và khuôn mặt trắng trẻo hốc hác bị che khuất một nửa bởi một chiếc áo choàng không tay thô, đứng tựa vào thanh cửa đứng. Gaspar Ruiz, hai khuỷu tay chống hai đầu gối và đầu tựa lên hai bàn tay, nhỏ giọng nói chuyện với hai người phụ nữ.

Nỗi khốn khổ chung của cảnh thiếu thốn hẳn sẽ biến thành nực cười hết sức sự tuân thủ quá mức các khác biệt xã hội. Gaspar Ruiz hiểu điều này trong sự đơn giản của anh. Từ tình trạng bị giam cầm giữa những người Bảo Hoàng anh có thể cho họ biết tin tức về những người họ biết. Anh miêu tả vẻ bề ngoài của những người kia; và khi anh thuật lại câu chuyện trận đánh trong đó anh đã bị bắt lại thì hai người phụ nữ than khóc cho cú đánh vào chính nghĩa và sự sụp đổ các hy vọng thầm kín của họ.

Gaspar Ruiz không thế này cũng không thế kia. Nhưng anh cảm thấy một lòng tận tụy to lớn dành cho cô gái trẻ. Trong nỗi khát khao muốn tỏ ra xứng đáng với sự hạ cố của cô, anh khoác lác một chút về cơ thể khỏe mạnh của mình. Anh không còn gì khác để khoác lác. Bởi vì phẩm chất đó mà đồng đội của anh đối xử với anh bằng sự tôn trọng to lớn, anh giải thích, cứ như thể anh là một trung sĩ, cả trong trại lẫn trong trận đánh.

“Tôi luôn luôn có thể lấy bao nhiêu người mình muốn để đi theo tôi đến bất cứ đâu, senorita. Tôi nên được cho làm sĩ quan, vì có thể đọc và viết.”

Đằng sau anh quý bà già lặng lẽ thỉnh thoảng lại rên rỉ thở dài; người cha mất trí lẩm bẩm một mình, đi đi lại lại trong sala; và Gaspar Ruiz chốc chốc lại ngước mắt lên nhìn con gái của những người ấy.

Anh nhìn cô với nỗi tò mò vì cô thật sống động, và cũng với cảm giác thân quen và kính sợ anh có lúc trầm tư trong nhà thờ trước những bức tượng vô tri vô giác và đầy sức mạnh của các thánh, mà sự bảo vệ được gợi lên trong nguy hiểm và khó khăn. Khó khăn của anh là rất lớn.

Anh không thể cứ trốn mãi trong vườn cây ăn quả. Anh cũng biết rất rõ rằng trước khi đi được nửa ngày đường về bất cứ hướng nào, anh sẽ bị một trong các k binh tuần tra đang lùng sục khắp vùng tóm được, và đưa đến một trại nào đó nơi quân đội yêu nước có số phận giải phóng Peru tập trung. Ở đó cuối cùng anh sẽ bị nhận ra là Gaspar Ruiz - kẻ đào ngũ sang quân Bảo Hoàng - và không còn nghi ngờ gì nữa là lần này sẽ bị bắn rất k. Dường như không có nơi nào trên thế giới cho Gaspar Ruiz vô tội ở bất cứ đâu. Và trước ý nghĩ này linh hồn đơn giản của anh đầu hàng tâm trạng u ám và nỗi oán hận đen tối như màn đêm.

Họ đã ép anh phải làm lính. Anh không ngại việc làm lính. Và anh đã là một người lính tốt cũng như đã là một người con trai tốt, vì dễ bảo và khỏe mạnh. Nhưng bây giờ không còn ích lợi gì cho cả hai. Họ đã đưa anh đi khỏi cha mẹ anh, và anh không còn có thể là một người lính – dù sao thì cũng không còn là một người lính tốt được nữa. Sẽ không ai lắng nghe những lời giải thích của anh. Ôi mới bất công làm sao! Bất công làm sao!

Và bằng giọng rì rầm đau buồn anh kể đi kể lại câu chuyện mình bị bắt rồi bị bắt lại đến lần thứ hai mươi. Đoạn, ngước mắt lên nhìn cô gái lặng lẽ trong ô cửa, “Si, senorita,” anh thở thật dài, nói, “sự bất công đã làm cho hơi thở tội nghiệp này trong thân xác tôi trở nên không đáng giá cho tôi và cho bất cứ ai khác. Và tôi không quan tâm ai lấy mất nó của tôi đi.”

Một tối nọ, khi anh trút lời than vãn của linh hồn bị thương của mình ra như thế, cô hạ cố nói rằng, nếu là một người đàn ông, cô sẽ nghĩ mọi cuộc đời nào chứa đựng một khả năng về trả thù đều đáng để sống.

Cô dường như nói một mình. Giọng cô thật nhỏ. Anh uống lấy sự hiền dịu, tựa hồ âm thanh trong mơ, với một ý thức về niềm vui sướng đặc biệt, về điều gì đó sưởi ấm ngực anh như hớp rượu vang hào phóng.

“Đúng, senorita,” anh nói, chậm chạp ngước mặt lên mặt cô: “có Estaban, kẻ rốt cuộc phải được cho thấy rằng tôi còn chưa chết.”

Tiếng lẩm bẩm của người cha điên đã dừng lại từ lâu trước đó; bà mẹ thở dài đã rút lui vào một trong những căn phòng trống. Im lặng như tờ cả ở bên trong cũng như ở bên ngoài, trong ánh trăng sáng như ban ngày trên vườn cây ăn quả hoang dã đầy những cái bóng tối đen như mực. Gaspar Ruiz thấy đôi mắt sẫm màu của Dona Erminia nhìn xuống mình.

“A! Trung sĩ,” cô khinh thị lẩm bẩm.

“Sao! Hắn đã làm tôi bị thương bằng thanh gươm của hắn,” anh phản đối, ngơ ngác trước vẻ khinh bỉ dường như bầm tím trên khuôn mặt xanh xao của cô.

Cô nghiền nát anh bằng cái liếc mắt. Phải hiểu là ý chí của cô quá mạnh đến nỗi nó làm anh hiểu được những điều không được nói ra.

“Cô kỳ vọng tôi làm gì khác?” anh kêu lên, như thể tuyệt vọng bất thình lình. “Tôi có sức mạnh để làm nhiều hơn sao? Tôi là ông tướng có một đạo quân ở sau lưng sao? - tôi thật là kẻ tội lỗi khốn khổ khi cuối cùng vẫn bị cô xem thường.”

VIII

“Senores,” ông Tướng kể với khách khứa của ông, “dẫu những ý nghĩ của tôi lúc đó là về tình yêu, và vì thế mà khiến ngây ngất, thì cảnh tượng ngôi nhà ấy vẫn luôn luôn tác động đến tôi một cách đáng ghét, đặc biệt là dưới ánh trăng, khi những cánh cửa chớp đóng và vẻ bị bỏ bê cô đơn của nó có vẻ mang điềm gở. Tôi vẫn tiếp tục dùng lối mòn đi ngựa bên cạnh khe núi, vì nó là đường tắt. Lão Bảo Hoàng điên tối nào cũng tha hồ tru tréo và cười nhạo tôi; nhưng sau một thời gian, như thể phát chán thái độ thờ ơ của tôi, lão thôi không xuất hiện trên hiên nữa. Tôi không biết họ đã thuyết phục lão đừng ra hiên nữa như thế nào. Tuy nhiên, với Gaspar Ruiz ở trong nhà thì sẽ không khó khăn trong việc ngăn cản lão bằng vũ lực. Một phần chính sách của họ trong đó là tránh bất cứ điều gì có thể chọc tức tôi. Ít nhất là tôi cho rằng vậy.

“Dẫu mê mẩn cặp mắt đẹp nhất của Chilê, sau khoảng một tuần tôi vẫn nhận thấy sự vắng mặt của lão già. Thêm ít ngày nữa trôi qua. Tôi bắt đầu nghĩ có lẽ những người Bảo Hoàng này đã chuyển đến nơi nào đó khác. Nhưng một tối, trong khi đang vội vàng đi về phía thành phố, tôi lại thấy có người ở trên hiên. Đó không phải lão điên; mà là cô gái. Cô đứng ôm một trong những cây cột gỗ, cao lớn với gương mặt trắng trẻo, đôi mắt to trũng sâu vì thiếu thốn và đau buồn. Tôi nhìn thẳng vào cô, và cô đáp lại cái nhìn đăm đăm của tôi bằng ánh mắt lạ lùng, dò hỏi. Rồi, lúc tôi quay đầu sau khi đã cưỡi ngựa đi ngang qua, dường như cô thu can đảm để hành động, và rõ ràng là ra hiệu cho tôi hãy quay lại.

“Tôi tuân theo, senores, hầu như không suy nghĩ, tôi đã quá kinh ngạc. Tôi còn kinh ngạc hơn khi nghe điều cô nói. Cô bắt đầu bằng cách cảm ơn tôi vì chịu đựng bệnh tật của cha cô, làm tôi đến thẹn. Tôi định tỏ ra khinh miệt, chứ có phải chịu đựng đâu! Từng lời hẳn phải đốt cháy đôi môi cô, nhưng không lúc nào cô đánh mất phẩm giá hiền dịu và u buồn làm tôi vô cùng tôn trọng dù không muốn. Senores, chúng ta không phải là đối thủ của phụ nữ. Nhưng tôi hầu như không tin vào tai mình khi cô bắt đầu kể câu chuyện của cô. Thượng Đế, cô kết luận, dường như đã giữ mạng sống cho người lính bị oan đó, người bây giờ trông cậy vào danh dự hiệp sĩ và lòng thương xót của tôi cho những khổ đau mà anh phải chịu đựng.

“‘Người bị oan,’ tôi lạnh lùng nhận xét. ‘Chà, tôi cũng nghĩ vậy: và cô đang chứa chấp một kẻ thù của chính nghĩa của cô đấy.’

“‘Anh ấy là một người Cơ Đốc tội nghiệp kêu cứu ngoài cửa nhà chúng tôi nhân danh Chúa, senor,’ cô đơn giản trả lời.

Tôi bắt đầu khâm phục cô. ‘Bây giờ anh ta đang ở đâu?’ tôi nghiêm khắc hỏi.

“Nhưng cô không trả lời câu hỏi đó. Với vẻ vô cùng ranh mãnh, và một sự tế nhị hầu như xảo quyệt, cô tìm cách nhắc cho tôi nhớ lại thất bại trong việc cứu những tù binh trong phòng gác, mà không làm tổn thương lòng kiêu hãnh của tôi. Cô đã biết, dĩ nhiên, toàn bộ câu chuyện. Gaspar Ruiz, cô nói, khẩn nài tôi xin cho anh một tờ giấy thông hành an toàn từ đích thân Tướng San Martin. Anh có điều quan trọng muốn nói với Tổng Tư Lệnh.

“Por Dios, senores, cô bắt tôi phải nuốt tất cả những điều đó, giả vờ mình chỉ là cái miệng nói hộ cho người đàn ông tội nghiệp kia. Không thể chịu đựng nổi bất công thêm được nữa, anh kỳ vọng sẽ tìm thấy, cô nói, nhiều sự rộng lượng trong tôi như đã được tỏ ra với anh bởi cái gia đình Bảo Hoàng đã cho anh ẩn náu.

“Ha! Thật là tốt và cao quý khi nói với một gã trai trẻ như tôi như thế. Tôi nghĩ cô thật tuyệt. Chao ôi! cô chỉ là không thể làm xiêu lòng mà thôi.

“Cuối cùng tôi cưỡi ngựa đi rất nhiệt tình với công việc đó, mà thậm chí không yêu cầu được gặp Gaspar Ruiz, người tôi tin chắc là đang ở trong ngôi nhà.

“Nhưng sau khi bình tĩnh suy nghĩ tôi bắt đầu thấy chút khó khăn mà tôi đã không đủ tự tin vào bản thân mình để đương đầu. Không dễ tiếp cận tổng tư lệnh với một câu chuyện như thế. Tôi sợ thất bại. Cuối cùng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu đặt vấn đề này trước tướng-sư-đoàn của tôi, Robles, một người bạn của gia đình tôi, người sau đó đã bổ nhiệm tôi làm aide-de-camp6 của ông.

“Ông giật nó ra khỏi hai bàn tay tôi tức thì mà không cần bất cứ nghi lễ nào.

“‘Trong ngôi nhà đó ư! dĩ nhiên anh ta ở trong ngôi nhà đó,’ ông khinh khỉnh nói. ‘Đáng ra anh nên kiếm cầm tay mà đi vào bên trong và ra lệnh cho hắn phải đầu hàng, thay vì tán gẫu với một cô gái Bảo Hoàng ở ngoài hiên. Những người đó nên bị đuổi ra khỏi nơi ấy từ lâu rồi mới phải. Ai biết có bao nhiêu gián điệp mà họ chứa chấp ngay chính giữa các trại của chúng ta không? Một giấy thông hành an toàn từ Tổng Tư Lệnh ư! Ôi gã đó mới cả gan làm sao! Ha! ha! Đêm nay chúng ta sẽ tóm hắn, rồi sẽ được biết, không cần bất cứ giấy thông hành an toàn nào, là gã muốn nói gì, đó là điều rất chi quan trong đấy. Ha! ha! ha!’

“Tướng Robles, mong linh hồn ông được yên nghỉ, là một người đàn ông thấp, đậm, với đôi mắt tròn nhìn chòng chọc, dữ dội và vui vẻ. Ông nói thêm khi thấy tôi buồn rầu:

(còn nữa)

1 Dãy núi (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên văn) - ND.

2 Thưa các ngài (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên văn) - ND.

3 Vùng ở bên Tây Ban Nga - ND.

4 Đúng, vâng (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên văn) - ND.

5 Thưa cô (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên văn) - ND.

6 Sĩ quan cần vụ (tiếng Pháp trong nguyên văn) - ND.

Nguyễn Đặng Hồng Chương dịch

“Con thấy cô đơn. Con thiếu một người bầu bạn. Con nhớ Paul.”

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công