Jason Weiss phỏng vấn E. M. Cioran
trích dịch từ Jason Weiss, Writing at Risk, Interviews in Paris with Uncommon Writers.
Jason Weiss phỏng vấn E. M. Cioran
JW: Ông đã nói rằng Sartre và những người khác, bằng việc dùng diễn ngôn kiểu Đức, đã gây hại đến ngôn ngữ triết học. Ông có thể nói thêm về điều này không?
EMC: Chà, đầu tiên tôi sẽ nói rằng khi tôi còn trẻ tôi đã bị ảnh hưởng bởi cái kiểu biệt ngữ Đức này. Tôi nghĩ rằng triết học thì không dành cho tất cả mọi người, rằng vòng đã đóng kín rồi, và bằng mọi giá người ta phải dùng những thuật ngữ phức tạp, nặng nề, học giả. Dần dà từng chút một tôi đã hiểu khía cạnh mạo danh này của ngôn ngữ triết học. Và tôi nên nói rằng nhà văn đã giúp tôi rất nhiều trong khám phá này là Valéry. Bởi vì Valéry, người không phải một triết gia nhưng đã có ảnh hưởng lên triết học, viết bằng một ngôn ngữ trong sáng, ông ấy căm thù ngôn ngữ triết học. Kiểu biệt ngữ ấy cho anh một cảm giác thượng đẳng so với mọi người. Và niềm kiêu hãnh triết học là điều tồi tệ nhất; nó dễ lây lan. Dù sao đi nữa, tôi nghĩ tầm ảnh hưởng của người Đức lên nước Pháp là một sự tai hại về mặt tổng thể. Người Pháp từ đó không thể nói cái gì theo cách đơn giản nữa.
JW: Nhưng đâu là nguyên nhân?
EMC: Tôi không biết. Hiển nhiên Sartre, bằng ảnh hưởng lớn lao của mình, đã góp phần lan rộng phong cách ấy. Và do đó nó là ảnh hưởng của Heidegger, một gã khổng lồ trong mắt người Pháp. Ví dụ, về cái chết, ông ta luôn sử dụng một ngôn ngữ phức tạp để nói về những điều đơn giản, và tôi có thể hiểu người ta có thể bị cám dỗ bởi phong cách này đến thế nào. Nhưng nguy hiểm của phong cách triết học nằm ở chỗ người ta đánh mất hoàn toàn kết nối với thực tại. Ngôn ngữ triết học chỉ dẫn tới chứng vĩ cuồng. Người ta tạo ra một thế giới ảo nơi họ là Chúa. Tôi đã rất kiêu hãnh khi còn trẻ và rất bằng lòng với cái lối ấy. Nhưng thời gian ở Pháp đã chữa cho tôi khỏi nó. Triết gia chẳng phải là nghề của tôi, tôi không hề là nhà triết học, nhưng con đường của tôi là sự đảo ngược con đường của Sartre. Đó là lý do tôi tìm đến những nhà luân lý Pháp - La Rochefoucauld, Chamfort cùng những nhân vật tương tự - những người viết cho các quý bà trong xã hội, phong cách đơn giản nhưng lại nói những điều rất sâu sắc.
JW: Có phải triết học là thứ đầu tiên ông hứng thú?
EMC: Tôi đã học độc có triết học trong quãng từ mười bảy tới hai mốt tuổi và chỉ học những hệ thống triết học lớn. Tôi đã chẳng thèm ngó đến hầu hết thơ và văn chương. Nhưng tôi đã rất hạnh phúc khi thoát khỏi trường đại học khá sớm, bởi vì theo tôi trường đại học là một bất hạnh tri thức to lớn và thậm chí là nguy hiểm.
JW: Sau đó ông có đọc Nietzsche?
EMC: Khi tôi học triết thì tôi đã không đọc Nietzsche. Tôi đọc những triết gia “nghiêm túc”. Chỉ khi tôi kết thúc sự học hành, ở cái điểm mà tôi ngừng tin vào triết học thì tôi mới bắt đầu đọc Nietzsche. Và tôi nhận ra ông ấy không phải là một triết gia, ông ấy hơn như thế: một nhân cách. Thế là tôi đọc ông ấy nhưng không theo cách hệ thống. Thỉnh thoảng tôi vẫn quay lại nhưng không thực sự còn đọc ông ấy nữa. Công trình độc đáo nhất của ông ấy theo tôi là những bức thư, bởi vì trong đó ông ấy tỏ ra thành thật, trong khi ở những công trình khác ông ấy là tù nhân cho viễn kiến của mình. Trong những bức thư người ta có thể thấy ông ấy chỉ là một kẻ tội nghiệp, chính xác là trái ngược lại tất cả những gì ông ấy đã kết luận.
JW: Ông đã viết trong Về nỗi bất tiện bị sinh ra là ông ngừng đọc ông ấy vì ông ấy “quá ngây thơ”.
EMC: Hơi quá thật, đúng vậy. Bởi toàn bộ viễn kiến đó - ý chí quyền lực và tất cả những thứ xoay quanh nó - là do chính ông ấy áp lên mình, vì ông ấy là một kẻ tàn tật đáng thương. Toàn bộ cơ sở của nó là sai lầm, không hề tồn tại. Công trình của ông ấy là một thứ hoang tưởng vĩ cuồng không sao diễn tả nổi. Khi người ta đồng thời đọc những lá thư của ông ấy, họ sẽ thấy ông ấy thật đáng thương, gây động lòng, như một nhân vật bước ra từ sách của Chekhov. Tuổi trẻ của tôi đã gắn bó với ông ấy, nhưng sau đó thì không. Tuy nhiên ông ấy là một tác giả cừ khôi, một phong cách gia tuyệt vời.
JW: Các nhà phê bình thường so sánh ông với ông ấy, họ nói rằng ông đã đi theo con đường của Nietzsche.
EMC: Không, họ lầm, tôi nghĩ vậy. Nhưng hiển nhiên là cách viết của ông ấy đã gây ấn tượng cho tôi. Ông ấy có thứ mà những người Đức khác không có, bởi vì ông ấy đọc rất nhiều nhà văn Pháp. Điều đó rất quan trọng.
JW: Ông nói rằng ông đã đọc nhiều thơ khi còn trẻ.
EMC: Đó là sau này. Anh có thể nói, nếu muốn, rằng chính sự vỡ mộng của tôi với triết học khiến tôi tìm tới văn chương. Nói thật là từ thời điểm đó tôi nhận ra Dostoevsky quan trọng hơn bất cứ triết gia nào. Và thơ lớn là một điều gì đó phi thường.
JW: Những cơn mất ngủ dữ dội đã ảnh hưởng tới ông như thế nào trong thời gian đó?
EMC: Đó là một lý do rất lớn cho sự đổ vỡ của tôi với triết học. Tôi nhận ra rằng trong những khoảnh khắc tuyệt vọng to lớn thì triết học chẳng có tác dụng gì, nó tuyệt đối chẳng đưa ra câu trả lời nào. Và bởi vậy mà tôi đến với thơ và văn chương, ở đó dĩ nhiên tôi cũng chẳng tìm thấy câu trả lời nào nhưng các trạng thái chúng đem lại thì tương tự chính mình.
JW: Những đêm mất ngủ này bắt đầu từ khi nào?
EMC: Chúng xuất hiện khi tôi còn trẻ, khoảng mười chín tuổi. Không đơn thuần là một vấn đề y học, mà sâu xa hơn thế. Đó là giai đoạn nền tảng của đời tôi, là kinh nghiệm hệ trọng nhất. Mọi thứ còn lại đều thứ cấp. Những đêm không ngủ đó mở banh mắt tôi, mọi thứ đã thay đổi với tôi vì thế.
JW: Ông còn đang chịu đựng nó?
EMC: Ít hơn nhiều. Nhưng đó là một thời kỳ khoảng sáu đến bảy năm, khi mà toàn bộ cái nhìn của tôi về thế giới thay đổi. Tôi nghĩ rằng đó là một vấn đề quan trọng. Nó xảy ra như thế này: thông thường một người lên giường và ngủ hằng đêm hầu như sẽ bắt đầu một cuộc sống mới vào ngày hôm sau. Không đơn giản chỉ là một ngày khác mà là một cuộc đời khác. Và bởi vậy, anh ta có thể gánh vác mọi thứ, anh ta có thể điều chỉnh bản thân, anh ta có hiện tại, tương lai, vân vân. Nhưng với một người không ngủ, tính từ lúc lên giường tới lúc thức dậy vào buổi sáng thì mọi thứ liên tục, không có đứt đoạn. Điều đó nghĩa là không có sự ức chế ý thức nào. Mọi thứ cứ xoay vòng quanh đó. Do đó, thay vì bắt đầu một cuộc đời mới thì tám giờ sáng hôm sau anh vẫn đang y như như tám giờ tối hôm trước. Ác mộng tiếp diễn không gián đoạn và đến sáng thì… bắt đầu gì đây? Bởi vì làm gì có gì khác đêm hôm trước. Cuộc đời mới không tồn tại. Cả ngày là khổ sở, sự liên tục của khổ sở. Chà, khi mọi người gấp gáp tiến về tương lai thì anh đứng bên ngoài. Và khi chuyện đó kéo dài nhiều tháng nhiều năm, nó sẽ tác động lên cảm giác của anh về mọi sự, cái nhìn của anh về cuộc sống, mọi thứ bị bắt buộc phải thay đổi. Anh chẳng còn nhìn thấy tương lai phía trước để mà hướng về, bởi anh không có tương lai nào. Và tôi thực sự xem nó như thứ kinh khủng nhất, đáng lo ngại nhất, nói ngắn gọn, kinh nghiệm trọng yếu nhất của đời tôi. Còn một sự thực nữa là anh chỉ cô đơn với chính mình. Giữa đêm, lúc mọi người đang ngủ, anh là người duy nhất thức. Ngay tức thì tôi chẳng phải là một phần của nhân loại, tôi sống ở một thế giới khác. Và điều đó đòi hỏi tôi một ý chí phi thường để không quỵ ngã.
JW: Quỵ ngã vào cái gì, cơn điên?
EMC: Chính xác. Cám dỗ tự sát. Theo ý kiến của tôi, hầu hết các vụ tự sát, khoảng chín mươi phần trăm là do mất ngủ. Tôi không thể chứng minh, nhưng tôi bị thuyết phục bởi điều này.
JW: Nó ảnh hưởng ông thế nào về thể chất?
EMC: Tôi đã rất căng thẳng, phát ốm và chỉ chực chờ nổ banh. Mọi thứ, bất kể là gì, lộ ra với một cường độ khác. Tôi bạo lực hơn rất nhiều, tôi cãi cọ với tất cả mọi người. Tôi không thể nâng cái gì lên. Tôi thấy mọi người đều ngu xuẩn. Chẳng ai hiểu cái tôi hiểu. Đó là cảm giác chẳng thuộc về đâu. Cũng vậy, cảm giác rằng tất tật đều là hài kịch, rằng chẳng có gì hợp lý. Tương lai vô nghĩa với tôi, hiện tại cũng vậy. Và do vậy, triết học mà nói - bởi vì mỗi người đều là một triết gia - đó là một dạng cuồng, một sự cuồng ý thức. Không phải tự-ý thức mà là ý thức. Ý thức là một bất hạnh lớn, và trong trường hợp của tôi là bất hạnh trường tồn. Thông thường nó là đối lập, ý thức là lợi thế của chúng ta. Tôi đi đến kết luận rằng không, thực tế rằng cứ ý thức mãi mà không thể quên là một tai họa lớn. Bởi vì tôi ý thức suốt hai tư tiếng một ngày. Người ta có thể ý thức hai giờ một ngày, năm phút, nhưng không phải mọi ngày, mọi đêm. Người ta ý thức theo từng khoảng, nhưng sẽ là vấn đề nếu lúc nào cũng minh mẫn.
JW: Những năm qua ông có bao giờ gặp những người mất ngủ khác, những người cũng chịu đựng như thế không?
EMC: Không tới mức đó, không. Có lẽ trong nhà thương điên thì có. Nhưng tôi đã không điên, thế mới hay. Tôi thường thích làm một việc, phải nói như vậy: đi dạo vào ban đêm. Lạ lùng là tôi cũng từng làm thế ở Paris, cho đến khoảng mười năm trước. Rất thường xuyên, giữa đêm, nếu không ngủ được, tôi dậy và đi bộ qua Paris hai ba tiếng. Giờ thì nguy hiểm quá rồi, không thể ra ngoài đi dạo lúc bốn giờ sáng như thế nữa. Hồi đó tôi thích đi khắp nơi. Tôi chờ cho đến khi người ta bắt đầu đi làm, rồi mới về nhà ngủ một chút. Nhưng lúc ấy thì tôi đã đỡ hơn rồi.
JW: Việc đó giúp ông dịu lại đôi chút.
EMC: Phải. Mà nói về chuyện đó, kỳ mất ngủ sâu ấy kết thúc ở Pháp - anh biết vì sao không? Nhờ xe đạp. Một chuyện rất lạ, tôi như người bị ảo giác vậy; tôi đến Paris được vài tháng thì một ngày, trên đại lộ Saint Michel, có người ngỏ ý bán cho tôi một cái xe đạp. Là xe đạp đua, mà lại không đắt chút nào. Tôi đồng ý và mua luôn - đối với tôi thì đó là ý trời, một vận may chưa từng có. Tôi đi quanh nước Pháp với cái xe đạp đó, tôi đã muốn biến đi vài tháng. Vì tôi đã đến đây nhờ một khoản hỗ trợ của chính phủ để làm luận án trong vài năm, từ 1937 tới chiến tranh, tới 1940. Làm luận án triết học… điều mà tôi chắc chắn không làm! Tôi đã không bao giờ tới Sorbonne, tôi đã nói dối. Nhưng nhờ có cái xe đạp đó, tôi rong ruổi hàng trăm kilômét, nhiều tháng trời, đi khắp cả vùng Pyrenees. Tôi đạp một trăm kilômét mỗi ngày. Và chính nhờ nỗ lực thể chất đó mà tôi ngủ được. Tôi nhớ là giá cả ở Pháp trước chiến tranh rất rẻ. Tôi đến một ngôi làng, tôi ăn bất cứ thứ gì tôi muốn, uống một chai rượu và ngủ trên đồng. Đó là một đời sống rất tự nhiên, mạnh khỏe. Tập thể dục từ sáng tới tối. Khi anh đạp cả trăm kilomet một ngày, không đời nào anh không ngủ được, chuyện đó không có cửa xảy ra. Vậy nên, tôi không hề được cứu nhờ thuốc men gì cả. Vì, thật không may cho tôi, tôi đã từng gặp rất nhiều bác sĩ ở cả Romania và Pháp, và họ đều kê cho tôi những loại thuốc làm rối tung dạ dày và mọi thứ, đó là một nguy hiểm lớn, thậm chỉ với cả thuốc ngủ tôi cũng chỉ ngủ được tối đa hai đến ba giờ. Và sau đó thì tôi bị đau đầu cả ngày, thật kinh khủng. Tôi đã bị nhiễm độc vì thuốc ngủ. Tôi không uống chúng nữa. Và thế là, cái xe đạp trời ban đã cứu tôi.
JW: Những người mất ngủ khác có nhận ra cách chữa bệnh mà ông tìm ra không?
EMC: Có. Anh thấy đấy, có cả một băng đảng những kẻ mất ngủ, cả một kiểu đoàn kết, phải, như những người cùng chứng bệnh. Chúng tôi hiểu những người khác ngay vì chúng tôi biết bi kịch đó. Bi kịch của mất ngủ là thế này: là thời gian không trôi. Anh nằm dài giữa đêm và anh không còn ở trong thời gian nữa. Nhưng anh cũng chẳng ở trong vĩnh cửu. Thời gian trôi chậm đến mức trở thành cực hình. Tất cả chúng ta, khi còn sống, đều bị kéo theo bởi thời gian vì chúng ta nằm trong nó. Nhưng khi anh thức trắng như thế, anh ở ngoài thời gian. Thời gian cứ trôi bên ngoài anh, còn anh thì không đuổi kịp nó.
JW: Trong The Fall into Time ông đã viết, “những người khác rơi vào thời gian; tôi rơi ra khỏi nó”. Có phải là do mất ngủ?
EMC: Không, nhưng nó có một hiệu ứng gián tiếp. Tôi cho rằng những trang hay nhất của tôi chính là mấy trang viết về thời gian trong cuốn sách đó. Đó là, mọi người rơi vào thời gian, và còn rơi sâu hơn cả thời gian. Tôi cảm giác đó là một trong những điểm độc đáo nhất của mình, nếu anh thích gọi thế. Bởi đó mà anh ý thức được thời gian. Thông thường thì người ta không ý thức được. Ai hành động, ai làm việc, ai dấn thân vào một điều gì đó thì không nghĩ đến thời gian - chuyện đó là vô nghĩa. Nhưng ý thức về thời gian chính là bằng chứng cho thấy anh đã bị đẩy ra ngoài nó - anh bị tống xuất. Có thể gọi đó là một kinh nghiệm triết học, hay siêu hình. Mà giờ tôi nói cho anh biết, tôi còn nhớ rõ khoảnh khắc đầu tiên trong đời mà tôi có mặc khải về thời gian. Lúc đó tôi còn nhỏ, mới năm tuổi, và tôi nhớ rất rõ, đó là một buổi chiều, trong Thế chiến thứ Nhất. Tôi thậm chí có thể nói chính xác giờ - ba giờ chiều. Tôi đã đột ngột cảm giác rằng tôi đang quan sát thời gian trôi, rằng tôi không phải một phần của nó, tôi ở bên ngoài. Và tôi cho rằng cảm tri mà tôi đã có, không kéo dài quá mười phút, là kinh nghiệm có ý thức đầu tiên của nỗi buồn chán. Buồn chán cũng là một kiểu ý thức đang thành hình về thời gian, bởi thời gian không trôi. Tôi dường như đã được định mệnh gắn vào cái ý thức đó về thời gian - chứng mất ngủ chỉ làm nó đến nhanh hơn.
JW: Vào thời điểm đó, lúc ông năm tuổi, có ai ở xung quanh không?
EMC: Không, tôi đã tuyệt đối đơn độc. Tôi đã không thể trình bày nó, hiển nhiên, nhưng tôi biết nó là như thế. Bởi tôi đã không bao giờ quên nó. Tôi nhớ nó như thể nó mới xảy ra hôm qua, dù thực ra nó cách cả một cuộc đời. Tôi cho rằng đó là lúc tôi thôi không còn con vật. Tôi đã dấn mình vào cõi con người, tôi đã bắt đầu có kinh nghiệm về việc là con người. Vì vậy tôi đã được định sẵn để mất ngủ bởi vì giấc ngủ là gì? Đó là sự trở về với vô thức, với thú tính, với tiền sinh, với lãng quên. Mất ngủ là căn bệnh tồi tệ nhất.
JW: Điều gì đã xảy ra với ông trên phương diện giấc mơ trong những cơn mất ngủ trầm trọng nhất?
EMC: Nhờ những viên thuốc ngủ mà tôi đã có thể ngủ tối đa hai đến ba tiếng, nhưng tôi đã có những ác mộng kinh hoàng, tuyệt đối kinh hoàng. Và quá mạnh đến mức tôi thức dậy tim đập thình thịch.
JW: Ông có nhận được phản hồi nào từ những gì mình viết về cảm giác bị đẩy ra ngoài thời gian không?
EMC: Có chứ. Tôi đã gặp nhiều người nhận ra chính mình trong những gì tôi nói. Họ nhận ra cảm giác đó, vì tôi nhận được rất nhiều thư. Có thể họ chưa từng diễn đạt nó ra, nhưng họ viết: “Tôi đã sống y như vậy,” họ có cùng cảm giác về tồn tại.
JW: Nhân nhắc đến chứng mất ngủ của ông, tôi để ý ông từng viết rằng mình có một tuổi thơ rất hạnh phúc.
EMC: Một tuổi thơ tuyệt vời. Tôi tin rằng việc đời tôi bất hạnh là sự trừng phạt cho việc có một tuổi thơ tuổi thơ hạnh phúc tột độ như thế. Tôi đang nói về tuổi thơ đầu đời, cho tới khoảng bảy hoặc tám tuổi, không hơn. Sau đó là thảm họa. Vì tôi được sinh ra ở một ngôi làng trên núi, rất nguyên sơ, tôi đã luôn ở ngoài trời rộng mở. Tôi đã sống như thể ở ngoài thiên nhiên hoang dã. Tôi có những ký ức tuyệt vời về thời gian đó.
JW: Và ông ở ngôi làng đó tới mấy tuổi?
EMC: Đến khi tôi lên mười. Và ở đó chúng tôi có một khu vườn ngay cạnh nghĩa trang, và điều này cũng đóng một vai trò trong cuộc đời tôi, vì tôi là bạn với người đào huyệt. Tôi đã luôn quanh quẩn ở nghĩa trang, suốt ngày tôi chỉ thấy khai quật, xương xẩu, tử thi. Với tôi chết là thứ gì đó rất hiển nhiên tới mức nó đã thực sự trở thành một phần cuộc sống hằng ngày của tôi. Tôi không đến mức hành xử như Hamlet, nhưng đúng là sau đó tôi bắt đầu bị ám ảnh với xương xẩu và cái chết. Và cái đó đã ảnh hưởng lên chứng mất ngủ của tôi. Tức là, khi một người đã có ám ảnh với cái chết, nghĩa là người đó đã có cảm tri về tính phi thực của đời sống. Quá trình là như vậy. Không phải ám ảnh với cái chết làm anh nhận ra đời sống là không thật - mà là khi anh nhận ra rằng đời sống là không thực chất, là hư vô, là ảo ảnh, thì chính lúc đó ám ảnh về cái chết mới cắm rễ.
Tôi sẽ kể với anh giai thoại đã đóng một vai trò trong cuộc đời tôi. Lúc đó tôi khoảng hai mươi hai tuổi, và một ngày nọ tôi rơi vào một trạng thái tuyệt vọng kinh khủng. Lúc đó chúng tôi sống ở Sibiu, một thành phố tỉnh lẻ nơi tôi đã trải qua cả thời niên thiếu, nơi cha tôi là linh mục của thành phố. Hôm đó chỉ có tôi và mẹ ở nhà, và khi tôi nhớ lại mọi chuyện, tôi nhớ rất chính xác, đến cả giờ - thật kỳ lạ - tôi nghĩ rằng đó là hai giờ chiều, tất cả mọi người đều biến mất. Đột nhiên, tôi rơi vào một cơn tuyệt vọng dị thường, tôi thả mình lên sofa và tự nhủ, “mình không thể chịu thêm nữa.” Và mẹ tôi bảo thế này: “nếu biết trước mày thế này, tao đã phá thai rồi.” Điều đó tạo một ấn tượng kỳ lạ nơi tôi. Nó không làm tôi tổn thương, không hề. Nhưng sau đó tôi tự nhủ, “Câu đó rất quan trọng. Mình chỉ là một tai nạn. Vậy thì, sao phải coi mọi chuyện nghiêm trọng thế?” Bởi vì thực ra làm gì có gì có là thực đâu.
JW: Điều thú vị là cha ông lại là linh mục.
EMC: Phải, nhưng câu nói đó là của mẹ tôi! Vào thời điểm đó, không có cái gọi là phá thai. Nhưng điều đó chứng minh rằng đời sống cá nhân là một tai nạn, một tình cờ và đúng là vậy đấy. Anh có thể nói: “nhưng mọi người biết điều đó.” Mọi người đều biết thế, nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi. Nhưng biết nó cả ngày lẫn đêm lại là việc khác, chính vì thế mà nó khiến người ta phát điên. Cho nên khi nói về những điều này, ta nhất định phải nói đến tần suất và cả việc nó kéo dài bao lâu. Chính cái việc cảm thấy như thế một cách liên tục mới là vấn đề.
JW: Ông đã nói một số lần, như trong Drawn and Quartered, rằng “chúng ta nên đổi tên mình sau mỗi kinh nghiệm quan trọng.”
EMC: Sau những kinh nghiệm nhất định. Chúng ta nên đổi tên ngay lập tức, nhưng sau cùng cũng thế cả. Bởi vì ta cảm thấy mình là một người khác, rằng cuối cùng mình đã chạm tới điều gì đó phi thường, mình không còn là chính mình nữa. Vậy nên phải bắt đầu một cuộc đời khác. Nhưng đó cũng chỉ là một ảo tưởng thôi. Là một ấn tượng của khoảnh khắc.
JW: Với những kinh nghiệm như vậy, ông bắt đầu đọc các nhà văn Pháp - như Baudelaire, người cũng từng viết về những trạng thái tương tự - từ khi nào?
EMC: Tôi gần như thờ phụng Baudelaire. Ông ấy là một nhà thơ lớn, nhưng Mallarmé còn lớn hơn, Rimbaud cũng vậy, họ nguyên bản hơn ông ấy. Nhưng đó là trong tình cảm sâu xa. Tôi đã viết ở đâu đó rằng có hai người viết mà tôi luôn luôn nghĩ tới nhưng không thường đọc, là Pascal và Baudelaire. Họ là những bạn đồng hành không ngơi nghỉ. Không phải vì kiêu hãnh, mà đơn giản là một sự tương hợp nội tâm - như thể thuộc về cùng một gia đình. Trong một cuốn sách về tuổi trẻ của mình, em gái Pascal, Madame Perier - anh biết rằng Pascal đã ốm đau suốt cả đời, ông ấy chết khi còn tương đối trẻ, ở tuổi ba chín - đã kể rằng anh trai mình từng nói là kể từ một hôm nào đó ở tuổi mười bảy, ông ấy không bao giờ còn biết thế nào là một ngày không đau đớn! Lúc ấy tôi đang ở một thư viện công cộng tại Romania, ở Bucharest, và khi đọc câu đó tôi xúc động đến mức muốn kêu lên thành tiếng, phải đưa tay lên miệng để kìm lại. Tôi tự nói với mình rằng đó sẽ là đời mình, đó dường như là linh cảm về tai hoạ,nhưng kể cả nếu không có điều ấy, thì Pascal và Baudelaire vẫn là hai người đã nói một cách sâu sắc nhất về cốt lõi của kinh nghiệm buồn chán. Không thể tưởng tượng được đời tôi mà không có buồn chán. Dù rằng bây giờ tôi đã đỡ chán hơn trước.
JW: Tại sao lại thế?
EMC: Vì tuổi già. Với tuổi già, mọi thứ mất đi sự mãnh liệt của chúng. Cả những gì tốt đẹp lẫn những gì tồi tệ đều trở nên sâu sắc hơn, nhưng không còn biểu lộ rõ trên bề mặt, nếu anh hiểu ý tôi.
JW: Nhưng ông không thấy có những điều lại mãnh liệt hơn khi về già sao?
EMC: Không. Người ta không trở nên tốt hơn trên bình diện đạo đức khi già đi. Cũng không khôn ngoan hơn. Trái ngược với cái mọi người thường nghĩ. Già đi không mang lại điều gì cả. Nhưng vì người ta mệt mỏi hơn, nên trông có vẻ như khôn ngoan.
JW: Trong Về nỗi bất tiện bị sinh ra ông đã viết: “những gì gì tôi biết ở tuổi sáu mươi, tôi cũng đã biết ở tuổi hai mươi. Bốn mươi năm cho một sự xác nhận nặng nhọc, thừa thãi, đằng đẵng.” Điều đó làm tôi ngạc nhiên đôi chút, có lẽ vì tôi không muốn tin vào nó.
EMC: Chẳng có tiến bộ nào trong cuộc sống. Có những thay đổi nhỏ. Như tôi đã nói, chủ yếu là về cường độ của cảm nhận.
JW: Với chứng mất ngủ, ông có dùng nó theo cách nào đó để đào sâu suy nghĩ không?
EMC: Chắc chắn rồi. Dù không thể nói rằng mọi điều tôi nghĩ ra là do mất ngủ, nhưng nếu không có nó thì mọi thứ hẳn đã thiếu đi một thứ cuồng nhiệt nào đó. Điều đó là không thể chối cãi. Chính nhờ mất ngủ mà tất cả những điều ấy mang một chiều khác.
JW: Ông có viết nhiều trong tất cả những đêm không thể chợp mắt đó không?
EMC: Có, nhưng cũng không quá nhiều. Anh biết đấy, tôi viết rất ít, tôi chưa bao giờ xem viết lách là một nghề. Tôi không phải nhà văn. Tôi chỉ viết những cuốn sách nhỏ, chẳng là gì cả, không thể gọi là một tác nghiệp. Tôi không làm gì trong đời. Tôi chỉ có một năm hành nghề - làm giáo viên trung học ở Romania. Nhưng từ đó trở đi, tôi chưa bao giờ hành nghề gì nữa. Tôi chỉ sống như thế, như một sinh viên dài hạn hay gì đó. Và điều đó, tôi cho là thành công lớn nhất của đời mình. Đời tôi không phải thất bại, bởi tôi đã thành công trong việc không làm gì cả.
JW: Và điều đó thật khó.
EMC: Cực kỳ khó, nhưng tôi coi đó là một thành công cừ khôi. Tôi tự hào về nó.Tôi luôn tìm được cách xoay xở, tôi đã có trợ cấp, những thứ như thế.
JW: Nhưng sách của ông đã thu hút được rất nhiều chú ý, đúng không?
EMC: Họ chỉ nói về những quyển sách của tôi trong ba năm gần đây, thật đấy. Nói đơn giản thì, họ đã nói về tôi trong vài tháng vào năm 1950, về Tàn hủy yếu lược và sau đó, trong vòng ba mươi năm thì hầu như không còn nói gì nữa. Thực sự, tôi đã không được biết đến, một vài người trong giới văn chương biết tôi. Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ vài năm trước với những ấn bản bìa mềm.
JW: Đúng, ông đã kể rằng khi Các tam đoạn luận của cay đắng được xuất bản dưới dạng bìa mềm, đó là một thành công lớn.
EMC: Chính là cuốn đó. Hơn hai mươi năm trời mà chỉ bán được có hai nghìn bản. Vậy nên, tôi thấy mình thật may mắn khi đã có thể sống gần ba mươi năm trong một kiểu lãng quên. Theo tôi, bi kịch của một nhà văn là nổi tiếng khi còn trẻ - điều đó cực kỳ tai hại. Nó làm mọi thứ trở nên gượng ép, vì hầu hết các nhà văn, khi được biết đến từ sớm, sẽ bắt đầu viết cho công chúng. Mà theo tôi, một cuốn sách phải được viết ra mà không nghĩ đến người khác. Anh không nên viết cho ai cả - chỉ viết cho chính mình. Và không bao giờ nên viết một cuốn sách chỉ vì muốn viết một cuốn sách. Bởi điều đó là vô nghĩa, chỉ là một cuốn sách, không hơn. Tất cả những gì tôi từng viết đều được viết để thoát khỏi cảm giác bị đè nén, nghẹt thở. Không phải do cảm hứng, như người ta hay nói. Mà là một cách để được giải thoát, để có thể thở.
JW: Vậy thì quan hệ của ông với hành vi viết là gì? Hành động suy nghĩ, theo đuổi những ý này khác là một chuyện, nhưng việc viết ra vẫn là một cái gì đó khác.
EMC: Đúng vậy. Nhưng anh thấy đó, với tôi, còn một khía cạnh khác nữa trong toàn bộ chuyện này, vì tôi đã chuyển ngôn ngữ. Và đó là một sự kiện rất quan trọng trong đời tôi. Bởi tôi bắt đầu viết bằng tiếng Pháp năm ba mươi sáu tuổi. Người ta có thể đổi ngôn ngữ ở tuổi mười lăm hay hai mươi…
JW: Ông bắt đầu học tiếng Pháp từ khi nào?
EMC: Tôi không học. Ở Romania, ai cũng biết chút tiếng Pháp - không phải do học hành gì cả. Có người biết tiếng Pháp cực kỳ giỏi, nhưng tôi thì không, vì tôi sinh ra ở Áo-Hung. Cha mẹ tôi không biết một chữ tiếng Pháp nào, họ nói tiếng Romania và tiếng Hungary. Gia đình tôi hoàn toàn không có chút nền tảng văn hóa Pháp nào cả. Nhưng ở Bucharest, tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ hai trong giới trí thức. Ai cũng biết tiếng Pháp, ai cũng đọc. Mà tôi thì nói tiếng Pháp rất kém, điều đó làm tôi thấy rất tủi thân. Những người cùng trang lứa với tôi thì biết tiếng Pháp khá giỏi, đặc biệt là giới trưởng giả, tất nhiên. Tôi thì đọc tiếng Pháp, dĩ nhiên, nhưng không nói được. Rồi tôi đến Pháp năm 1937, lúc ấy tôi hai mươi sáu tuổi, và thay vì bắt đầu viết bằng tiếng Pháp, tôi vẫn viết bằng tiếng Romania cho đến năm 1947, nhưng không xuất bản gì cả. Tôi viết rất nhiều thứ. Rồi năm 1947, tôi ở một ngôi làng tại Normandy, và lúc ấy tôi đang dịch Mallarmé sang tiếng Romania. Bỗng nhiên tôi thấy chuyện này thật vô nghĩa. Tôi đang ở Pháp, mà tôi đâu phải thi sĩ, lại dịch rất tệ - tại sao tôi lại làm chuyện này? Tôi không muốn quay về nước mình. Và đó là một kiểu mặc khải. Tôi nói với mình: “Mày phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ.”
Tôi quay lại Paris với ý định viết bằng tiếng Pháp và bắt tay ngay vào việc. Nhưng hóa ra nó khó hơn nhiều so với tôi tưởng. Thực sự rất khó. Tôi nghĩ mình cứ thế mà viết thôi. Tôi viết khoảng một trăm, một trăm năm mươi trang gì đó rồi đưa cho một người bạn xem. Anh ta nói: “Không ổn, anh phải làm lại từ đầu.” Tôi tức điên lên, nhưng chính điều đó khiến tôi nghiêm túc hơn. Và tôi lao vào tiếng Pháp như một kẻ điên - xung quanh ngập từ điển, sách vở các loại. Tôi đã làm việc cực kỳ khổ nhọc. Cuốn sách đầu tiên tôi viết lại tới bốn lần. Rồi đến khi viết cuốn tiếp theo sau đó, tôi không viết nổi nữa. Vì tôi thấy ghê tởm từ ngữ. Viết để làm gì? Các tam đoạn luận của cay đắng chỉ là những mẩu vụn lặt vặt, những đoạn rời rạc. Ấy thế mà giờ đó lại là cuốn sách của tôi được đọc nhiều nhất ở Pháp.
JW: Quyển sách đầu tiên có thay đổi nhiều không, sau khi nó được viết lại bốn lần?
EMC: Có, về văn cách, rất nhiều. Thật ra, trong sâu xa, tôi muốn trả thù tất cả những người Romania biết tiếng Pháp kia, dù điều đó không phải là một động cơ có ý thức. Đồng thời, tôi cũng mang mặc cảm là người ngoại quốc.
JW: Ông có quen nhiều người trong những năm đầu tiên ở Paris không?
EMC: Không. Và đặc biệt không với giới tri thức. Tôi không quen một nhà văn nào, tôi không qua lại với họ. Tôi ngại và tôi hoàn toàn vô danh. Tôi biết rất nhiều người tị nạn đến Paris nhưng không phải người Pháp. Tôi quen những người không trong giới văn chương nhưng thú vị hơn nhiều. Vài năm trước có một người Romania đến Paris và nói rằng anh ta muốn gặp gỡ vài nhà văn. Tôi nói “Anh không nên qua lại với hội nhà văn. Khi anh từ nước ngoài đến thì nên nói chuyện với lái xe taxi hoặc đĩ điếm hơn là nói chuyện với nhà văn.” Anh ta nổi điên và bắt đầu lăng mạ tôi. Anh ta đã không hiểu ý tôi.
JW: Trong sách của ông, có những đoạn ông tỏ ra rất đồng cảm với những kẻ vô công rồi nghề - như thể họ mới là người có thái độ đúng đắn với cuộc đời.
EMC: Nhưng đó là do tôi từng có một người bạn từng là kẻ ăn bám, rất thú vị. Anh ta đã chơi nhạc cụ ở hàng đống quán cafe, rồi đi loanh quanh chìa nón xin tiền. Tôi từng gặp anh ta bốn hoặc năm lần mỗi năm, hoặc anh ta đến thăm tôi. Chính anh ta là người đã mở mắt cho tôi về cuộc đời của những kẻ lang thang, bởi đó là cuộc đời anh ta đã sống. Chà, anh ta không phải một anh chàng tội nghiệp, anh ta có nhận được ít tiền từ chơi nhạc. Nhưng anh ta là một người nghĩ về mọi thứ, và mọi thứ anh ta nói với tôi đều tuyệt vời. Một cuộc sống rất nguyên bản. Anh có biết một ngày nọ anh ta đã làm gì không? Anh ta đi đến Champs-Elysées, tới quán cafe to đó, quán Fouquet’s, lấy kèn clarinet ra chơi, nhưng không ai cho đồng nào. Thế là anh nói, “Vì các vị nghèo quá nên tôi sẽ giúp các vị”, và rồi anh ta đặt tiền lên từng bàn một. Bởi vậy, họ đã gọi cảnh sát. Lúc đó anh ta đang đi dép lê, và anh ta đã để lại đôi dép ở đó rồi đi qua vỉa hè bên kia. Ở đó, anh ta lại làm một việc thật lạ thường. Có một cô gái trẻ rất thanh lịch đi ngang, anh nói với cô ấy, “Cảnh sát vừa làm phiền tôi, mà tôi để lại đôi dép bên kia đường. Cô có thể giúp tôi đi lấy về không?” Và cô ấy đã đi lấy thật. Anh ta hay làm những chuyện như thế. Tôi có kể về anh ta trong cuốn sách gần đây nhất, Drawn and Quartered.
JW: Cũng vì lý do này, dường như không thể tránh việc so sánh ông với Beckett hay Susan Sontag.
EMC: Tôi rất thích Beckett, ông ấy làm người ta mê mẩn, rất tinh tế. Tôi biết ông ấy rất rõ, dù rằng chúng tôi đã không gặp nhau một thời gian dài. Tôi đã viết một tiểu luận về ông ấy. Nhưng đúng, tôi nghĩ có những sự giống nhau nhất định.
JW: Vậy chỉ sau khi ông xuất bản vài cuốn sách thì ông mới biết đến các nhà văn nhiều hơn?
EMC: Đúng. Nhưng nhà văn duy nhất tôi vẫn gặp, thật sự, là Michaux. Tôi đã dừng việc giao du với văn giới. Nhưng đã từng có thời kỳ tôi có một đời sống xã hội thật sự, và bởi những lý do rất đặc biệt. Đó là thời điểm tôi rất thích chè chén, whisky các thứ, và lúc đó tôi rất nghèo. Tôi đã được những quý bà giàu có chuyên tổ chức các bữa tiệc mời. Tôi có thể uống và ăn, tôi được mời đến các bữa tối, tôi đi ba lần một tuần tới những địa điểm khác nhau. Tôi nhận lời tới hầu hết các bữa tối, bởi tôi bị phụ thuộc vào điều đó. Và vì thế, tôi thường ở tại một salon nơi tôi gặp nhiều người, nhưng điều đó cách đây đã lâu, những năm 1950. Tôi không thể tới dự các bữa tiệc nữa, tuyệt đối không thể. Và sau đó, tôi không còn chè chén nữa.
JW: Tôi từng đọc, “những năm này không cafe, không rượu, không thuốc lá,” ông đã viết như vậy. Có phải là do sức khỏe của ông?
EMC: Đúng, sức khỏe. Tôi phải chọn. Tôi từng uống cà phê suốt ngày - buổi sáng có khi đến bảy tách. Thế nên, hoặc cái này, hoặc cái kia. Nhưng thuốc lá là thứ khó bỏ nhất. Tôi nghiện nặng. Tôi mất đến năm năm mới bỏ được thuốc. Mỗi lần thử bỏ, tôi đều tuyệt vọng, tôi khóc, tôi nói: “Tôi là kẻ hèn mạt nhất trong loài người.” Đó là một cuộc chiến phi thường. Nửa đêm tôi ném thuốc ra ngoài cửa sổ, rồi sáng hôm sau việc đầu tiên tôi làm là đi mua một bao khác. Một vở hài kịch kéo dài năm năm trời. Khi bỏ được thuốc, tôi cảm thấy như mất đi linh hồn. Tôi đưa ra quyết định đó như một vấn đề danh dự: “Ngay cả nếu tôi không viết thêm một dòng nào nữa, tôi cũng sẽ bỏ thuốc. Thuốc lá gắn bó tuyệt đối với đời sống tôi. Tôi không thể gọi điện mà không có điếu thuốc. Không thể trả lời một bức thư. Không thể nhìn một phong cảnh. Không thể sống mà không có nó.
JW: Tôi hy vọng sau đó ông cảm thấy tốt hơn.
EMC: Đúng. Khi tôi trầm cảm, tôi nói với bản thân rằng, “Mày đã chế ngự thuốc lá thành công.” Đó là một cuộc đấu sinh tử. Và điều đó luôn khiến tôi nhớ đến một chuyện mà Dostoyevsky từng kể. Ở Siberia, có một kẻ vô chính phủ bị kết án mười tám năm tù. Một hôm, họ cắt nguồn thuốc lá của hắn. Ngay lập tức hắn viết bản tuyên bố từ bỏ mọi tư tưởng, mọi lý tưởng, quỳ gối dâng tất cả dưới chân Sa hoàng. Khi tôi đọc chuyện đó hồi trẻ, tôi không hiểu. Và tôi nhớ nơi tôi hút điếu thuốc cuối cùng của mình, chừng mười bốn năm trước. Gần Barcelona. Ấy là bảy giờ sáng, trời lạnh, cuối tháng chín, và có một thằng ngốc người Đức lặn xuống nước rồi bắt đầu bơi. Tôi nghĩ, “Nếu tên người Đức này có thể làm thế ở tuổi hắn, tôi sẽ chứng minh rằng tôi cũng có thể.” Thế là tôi cứ thế mà nhảy xuống và tối hôm đó tôi bị cúm.
JW: Lần đầu tiên chúng ta gặp, ông đã nói rằng sự giáo dục của một nhà văn phải luôn dang dở.
EMC: À đúng. Một nhà văn không được biết mọi thứ quá sâu. Nếu anh ta nói về thứ gì, anh ta không nên biết mọi thứ về nó, chỉ những thứ tương hợp với khí chất của anh ta. Anh ta không nên khách quan. Người ta có thể đào sâu vào một chủ đề, nhưng theo một phương diện nhất định, đừng cố bao phủ mọi thứ. Với một nhà văn đại học là cái chết.
JW: Vậy còn việc ông sử dụng hình thức châm ngôn thì sao? Nó bắt nguồn từ đâu?
EMC: Tôi không chắc lắm. Tôi nghĩ đấy có lẽ là một hiện tượng của sự lười biếng. Anh biết đấy, rất rất thường xuyên châm ngôn là câu cuối của một trang. Châm ngôn là những kết luận, phần triển khai bị lược bỏ, đó là những gì sót lại. Nó là một thể loại đáng ngờ, rất Pháp. Người Đức, chẳng hạn, chỉ có Lichtenberg và Nietzsche, mà Nietzsche thì lấy cảm hứng từ Chamfort và các nhà luân lý Pháp. Với tôi, chủ yếu là vì tôi không thích phát triển ý tưởng.
JW: Nhưng điều gì đã khiến ông quyết định sử dụng châm ngôn cho một vài cuốn nhất định và không phải những cuốn khác? Cuốn thứ hai của ông, Các tam đoạn luận của cay đắng, toàn là châm ngôn, trong khi cuốn đầu tiên lại không như thế; trong vòng hai mươi năm sau ông hầu như không dùng chúng trong sách của mình, và sau đó Về nỗi bất tiện bị sinh ra lại toàn cách ngôn, cũng nhiều như Drawn and Quartered.
EMC: Chà, giờ tôi chỉ viết thể loại này thôi, bởi việc giải thích làm tôi chán ngán khủng khiếp. Đó là lý do vì sao tôi nói: mỗi lần tôi viết châm ngôn, là tôi đã rơi trở lại vào trạng thái mỏi mệt - viết để làm gì nữa cơ chứ? Và thế là cách ngôn bị khinh rẻ bởi những con người “nghiêm nghị”, các giáo sư thì coi thường nó.
JW: Bởi các giáo sư không thể làm gì với một người dùng cách ngôn.
EMC: Tuyệt đối không. Khi họ đọc một quyển sách toàn cách ngôn, họ kêu lên, “Ây, nhìn những gì gã này nói trong mười trang trước, giờ gã lại đang nói ngược lại. Gã không nghiêm túc.” Tôi có thể đặt hai cách ngôn mâu thuẫn ngay cạnh nhau. Những cách ngôn cũng là những chân lý khoảnh khắc. Chúng không phải là sắc lệnh, tuyên ngôn. Và tôi có thể nói với anh, gần như với mọi câu, tôi biết rõ vì sao mình đã viết nó, và vào lúc nào. Nó đã luôn luôn được khơi mào bởi một cuộc gặp, một biến cố, một cơn nóng giận, nhưng tất cả đều có nguyên do. Hoàn toàn không phải thứ vô cớ.
JW: Với một cuốn sách như Các tam đoạn luận của cay đắng, ông có chọn những cách ngôn nào được đưa vào mỗi tiết đoạn không?
EMC: Tôi có sắp xếp chúng thành chương mục, đại khái vậy. Chúng không được viết một cách hệ thống đâu. Nhưng cuối cùng, tất cả tự nó sẽ tạo thành một kiểu thống nhất, bởi đó là cùng một cái nhìn về thế giới.
JW: Bởi vì tôi thấy mỗi cuốn sách của ông đều có một nhan đề rất phù hợp.
EMC: Phải, đều có lý cả. Với Về nỗi bất tiện được sinh ra, thực ra tôi từng muốn viết một cuốn sách hoàn chỉnh xoay quanh ý đó. Nhưng không thể. Điều đó là thật. Dù sao, đó vẫn là điểm khởi phát.
JW: Ông có thói quen hay điều kiện gì đặc biệt khi viết không?
EMC: Tôi chưa bao giờ viết được trong trạng thái bình thường. Ngay cả những điều rất tầm thường, tôi cũng không thể nói: “Giờ mình muốn viết.” Tôi luôn cần phải ở trong trạng thái buồn bã hoặc tức giận, phẫn nộ hay ghê tởm, nhưng không bao giờ là trạng thái bình thường. Tốt nhất là trạng thái gần như trầm cảm. Phải có gì đó không ổn. Bởi tôi thấy rằng khi một người trong trạng thái trung tính thì sao phải viết? Sao phải tuyên bố thứ nọ thứ kia? Thế nên, có lẽ đúng như người ta từng nói, trong những gì tôi viết có phần nào bệnh hoạn. Và đúng thật, tôi để ý thấy những người phản ứng mạnh mẽ nhất với tác phẩm của tôi thường là những người thần kinh bất ổn, những kẻ nửa điên, những người hành động theo dục vọng.
JW: Ông có ý tưởng cho những cuốn sách của mình trước khi ông viết chúng không?
EMC: Hầu hết những cuốn sách được viết ngẫu hứng. Hai cuốn duy nhất tôi có ý tưởng trước là The Fall into Time và History and Utopia, vì chúng có sự thống nhất với nhau.
JW: Ông đã nhận được những kiểu phản hồi nào từ độc giả?
EMC: Tôi có thể cho anh vài ví dụ, thứ mà tôi gọi là những cuộc gặp kì dị, những người mà tôi chỉ gặp một lần. Khi tôi xuất bản cuốn đầu tiên, Tàn hủy yếu lược, nó đã nhận được một phản ứng rất nhiệt thành, tôi đã nhận được rất nhiều thư từ. Nhưng bức thư kỳ lạ nhất là từ một cô gái tuổi khoảng đôi mươi. Lúc đó tôi sống ở một khách sạn trên đường Monsieur Le Prince, tôi mở bức thư, nó làm tôi phát điên. Tôi hoàn toàn vô danh và đột nhiên tôi nhận được thứ này, nói rằng “Cuốn sách này là do tôi viết, không phải ông. Nó là cuốn sách của chúng ta,” v.v... Thế là tôi nói với mình: “Nếu viết văn là thế này, thì tôi sẽ không viết nữa.” Vì tôi sẽ chẳng bao giờ tìm cách trở thành như vậy. Viết để làm gì nữa? Tôi không biết phải làm sao, vì cô ấy viết: “Nếu ông muốn gặp tôi, tôi sẽ đến Paris vào lễ Phục Sinh.” Cuối cùng tôi bảo cô ta rằng chúng ta có thể gặp, tôi nói, “Tôi rất ấn tượng với bức thư của cô. Nói tôi biết cô là ai.” Bởi vậy, cô ta đã kể cho tôi một câu chuyện sửng sốt, tôi có thể thuật lại nó vì tôi không nhắc đến tên cô ta và giờ cô ta cũng đã già hơn nhiều. Cô ta nói, “Thật ra đời tôi chẳng có gì đáng kể, chỉ là tôi đã từng sống với anh trai mình như vợ chồng suốt sáu tháng.” Anh trai cô biết tôi sắp gặp cô và không muốn chuyện đó xảy ra. Dù sao thì tôi nghĩ mối quan hệ ấy lúc đó chắc cũng đã chấm dứt. Nhưng tôi nhận ra là không đáng để gặp lại một cô gái như thế nữa, chẳng còn ý nghĩa gì cả. Dù vậy, câu chuyện ấy thật sự khiến tôi bị ám ảnh.
Được rồi, câu chuyện thứ hai. Trong hai năm tôi đã nhận được nhiều thư từ một người phụ nữ, một người thực sự điên. Một kiểu điên pha trộn giữa loạn trí và thông minh. Chuyện xảy ra khoảng ba năm trước. Cô ta cứ khăng khăng đòi gặp tôi. Tôi bảo không muốn gặp. Rồi một ngày, khoảng hai năm trước, tôi đang rất chán nản. Một buổi chiều giữa mùa hè. Tôi vô cùng tuyệt vọng, cảm thấy mình chẳng là gì cả. Tôi nói: “Mình muốn gặp ai đó có thiện cảm với mình.” Một người thích mình. Tôi đã nhận thư của người phụ nữ này hơn một năm mà hầu như không trả lời. Thế là tôi gọi điện - khoảng sáu, bảy giờ tối - cô ta nhấc máy. Tôi nói: “Nghe này, tôi muốn gặp cô.” Cô nói: “Ngay lập tức. Tôi sống ở ngoại ô, sẽ bắt taxi đến nhà ông trong một tiếng.” Giọng cô ấy rất dễ nghe, rất êm. Đến tám giờ, tôi đã ăn mặc chỉnh tề, thắt cà vạt. Tôi mở cửa - và lập tức phá lên cười. Đó là một quái vật! Một bà lão bảy mươi lăm, gần tám mươi tuổi, nhỏ thó, vặn vẹo, mà khủng khiếp lắm! Không thể tưởng tượng nổi. Tôi thốt lên: “Ha!” Tôi không thể kìm được. Tôi đã cà vạt chỉnh tế. Mà tôi biết làm gì bây giờ? Vì thật sự là, tôi đã mời bà ta đến ăn tối. Tôi nghĩ: “Không thể nào đưa người phụ nữ này đến nhà hàng được.”
JW: Vậy ông đã làm gì?
EMC: Tôi đã mời bà ta vào, “Bà ngồi đi.” Tôi đã nghĩ, “mình không thể nói về bữa tối lúc này.” Điều đó là không thể, không có thứ gì trong nhà lúc đó. Nên tôi đã nói với bà ta, “Nhưng bà là ai?” Giá mà tôi có máy ghi âm! Tôi ngồi đó, hầu như chẳng nói gì. Bà ta kể cho tôi về cuộc đời bà ta. Bà ta kể cho tôi mọi thứ, với những chi tiết có lúc khiến anh muốn mửa. Bà ta kể cho tôi mình thế nào khi bà ta còn là một cô gái trẻ, bà ta đã đến một nhà thờ để xưng tội, và linh mục đã nói với bà, “Nhưng thưa cô, đây không phải là nơi cô nên đến. Cô nên đến Saint Anne’s.” Đó là trại thương điên. Và chính bà ta đã kể cho tôi điều đó. Bà ta từng giàu có, sở hữu vài căn nhà ở Paris. Và bà ta đã đọc khá nhiều. Bà ta thuộc lòng những cuốn sách của tôi, bà ta cứ liên tục trích dẫn các đoạn. Đến nửa đêm tôi quyết định bốn tiếng giải trí là đủ rồi, và tôi chào bà ta ở cửa.
JW: Nhưng rõ ràng ông vẫn xem trọng những cuộc gặp duy nhất như thế. Còn những lần khác nữa không?
EMC: Có. Vài năm trước, một người bạn tôi nói rằng anh ấy gặp một kỹ sư hai mươi lăm tuổi rất muốn gặp tôi. Cuối cùng, tôi đồng ý, chúng tôi đi dạo quanh vườn Luxembourg gần đó. Hôm đó là một buổi tối mùa hè. Chúng tôi trò chuyện vu vơ, về văn chương, đại loại thế. Rồi cuối cùng anh ta nói: “Ông biết vì sao tôi muốn gặp ông không? Vì tôi đọc sách ông và thấy ông quan tâm đến tự sát. Tôi muốn kể ông nghe chuyện của tôi.” Và anh ta kể rằng anh có một công việc tốt, thu nhập cao. Anh nói: “Hai ba năm nay tôi bắt đầu bị ám ảnh bởi ý nghĩ tự sát. Tôi đang ở độ tuổi sung mãn, nhưng ý nghĩ ấy cứ bám riết, không sao dứt ra được.” Chúng tôi đã về tự sát trong ba tiếng, lượn quanh vườn Luxembourg. Tôi giải thích cho anh ta tôi đã từng - tôi vẫn đang - bị nó ám ảnh ra sao, tôi xem tự sát như giải pháp duy nhất nhưng, tôi bảo anh ta, lý thuyết của tôi là thế này: rằng tự sát là ý duy nhất cho phép con người sống. Chính ý nghĩ rằng tôi có thể rời khỏi thế giới này bất cứ lúc nào—điều đó khiến cuộc sống chịu đựng được. Thay vì bị hủy hoại bởi nó. Nên trong vòng ba tiếng chúng tôi đã thảo luận về mọi khía cạnh của vấn đề, và sau đó tôi đề xuất rằng chúng tôi không nên gặp lại nữa, vì sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả.
JW: Trong một cuộc gặp như thế, ông có cảm giác rằng mình đã cứu cuộc đời anh ta chút ít không?
EMC: Có, chút ít. Điều đó đã xảy đến với tôi vài lần, hầu như là những phụ nữ trẻ. Tôi đã luôn luôn ngăn họ tự sát. Tôi đã luôn luôn cố nói với họ rằng, bởi cô có thể giết mình bất cứ lúc nào, cô nên trì hoãn nó. Nhưng cô không nên bỏ rơi cái ý ấy.
JW: Nhưng ông có cảm thấy mình có chút trách nhiệm với những người như vậy không?
EMC: Có, tôi không thể né tránh điều đó. Bởi lý thuyết về tự sát của tôi là rằng người ta không nên tự giết chính mình, người ta nên dùng chính cái ý ấy để chịu đựng cuộc đời. Vậy nên đó là một điều khác hẳn. Nhưng người ta đã chỉ trích tôi, nói rằng “ông ta lập luận cho tự sát mà lại không tự sát.” Nhưng tôi chưa bao giờ lập luận như thế. Tôi chỉ nói rằng chúng ta chỉ còn duy nhất một lối thoát trong đời sống, và sự an ủi duy nhất là ta có thể từ bỏ cuộc đời này bất cứ khi nào ta muốn. Vậy nên đó là một ý tích cực. Kitô giáo có lỗi vì đã phát động một cuộc chiến chống lại cái ý ấy. Người ta nên nói với nhau: “Nếu đời sống không chịu nổi, hãy tự nhủ rằng: ‘Ừ, mình có thể rút lui bất cứ lúc nào.’” Con người nên sống dựa trên ý niệm tự sát đó. Trong Các tam đoạn luận của cay đắng tôi có viết một câu: “Nếu không có ý niệm về tự sát, tôi đã tự sát ngay từ đầu.”
JW: Ngay cả trong những trước tác gần đây nhất ông cũng viết về tự sát. Trong “Tares” (Những khiếm khuyết), tuyển châm ngôn được xuất bản trên tạp chí La Délirante, ông đã nói rằng ý về tự sát đối với ông là tự nhiên và lành mạnh vì ông đã sống cùng nó gần như cả đời, nhưng thứ không lành mạnh với ông là “cơn thèm khát tồn tại mãnh liệt, một khiếm khuyết nghiêm trọng, một khiếm khuyết đúng nghĩa, khiếm khuyết của tôi.”
EMC: Vâng, đó là một kiểu thú nhận, bởi tôi đã luôn ghi nhớ những gì Baudelaire nói, “niềm ngây ngất và nỗi kinh hoàng của đời sống.” Với tôi, mọi thứ tôi đã kinh nghiệm trong cuộc đời đều được gói gọn trong câu ấy.
JW: Nhưng ông đã nghĩ đến chuyện tự sát từ khi còn rất trẻ. Điều gì khiến ông quyết định tiếp tục sống tiếp?
EMC: Vì tôi đã xem sống như một sự trì hoãn việc tự sát. Tôi đã tưởng tôi sẽ không sống quá ba mươi. Nhưng đó không phải sự hèn nhát, tôi đã luôn luôn trì hoãn việc tự sát của mình, anh hiểu chứ. Tôi khai thác ý tưởng này, tôi là ký sinh trùng trên nó. Nhưng cùng lúc cơn thèm sống cũng rất mạnh mẽ trong tôi.
JW: Tôi tự hỏi liệu có những người mà nơi họ ông có thể thấy cơn tự sát sắp đến không. Chẳng hạn tôi nghĩ đến Paul Celan, người mà ông biết khá rõ.
EMC: Không, tôi không thể thấy điều đó ở anh ta. Anh biết đấy, anh ta đã dịch cuốn sách đầu tiên của tôi sang tiếng Đức. Khi anh ta đến Paris, ngay từ đầu, tôi đã hay gặp anh ta, anh ta sống gần đó trên phố rue des Ecoles. Nhưng sau đó chúng tôi ít gặp nhau hơn, anh ta đã chuyển đi. Với anh ta đó là một cơn bệnh nghiệm trọng, thứ đẩy anh ta tới kết cục của mình. Tại thời điểm tôi gặp anh ta tôi đã không bao giờ tưởng tượng được anh ta sẽ tự kết liễu mình. Ngoại trừ đôi lúc anh ta rất bạo lực, anh ta chịu đựng những khổ ải của cuộc đời một cách tệ hại. Ở Đức, ngay từ đầu, người ta không biết anh ta có phải một nhà thơ lớn hay không, chỉ một sự công kích nhỏ nhất cũng khiến anh ta lâm bệnh. Anh ta chấp mọi thứ trong tâm. Anh ta đau đớn vì một sự nhạy cảm bất thường, và đó là thứ làm ca của anh ta trầm trọng. Tôi tin rằng anh ta thực sự đã tự kết liễu mình vì không còn khả năng nào khác. Đấy không phải một tai nạn. Đấy là điều không thể tránh khỏi. Một thứ khiến tôi vô cùng xúc động, mười một giờ đêm nọ, trời đang mưa lâm râm, tôi đang đứng với một chàng trai trẻ, chúng tôi đang trò chuyện bên kia vườn Luxembourg. Lúc ấy là tháng Mười Một, đường phố hoàn toàn vắng. Và tôi thấy một người đang đi về phía chúng tôi, mắt cúi xuống, vừa đi vừa làm cử chỉ, tự nói với mình. Đó là Paul Celan. Và khi tôi thấy anh ta, tôi giật mình, hoảng sợ. Tôi dừng lại và quan sát anh ta, anh ta thậm chí còn không thấy tôi. Anh ta không thấy ai cả, cứ tự nói chuyện với chính mình. Và điều đó làm tim tôi vụn vỡ bởi vì tôi hiểu rằng, anh ta không hề ổn. Anh ta là người bị tổn thương sâu sắc. Anh ta quá đau khổ để mà tìm chỗ ẩn náu trong hoài nghi.
JW: Ông, mặt khác, lại luôn luôn là người hoài nghi.
EMC: Hoài nghi đóng một vai trò to lớn trong đời tôi. Nó mang tính trị liệu, một liều giảm đau. Về khí chất thì tôi không phải một người hoài nghi, nếu anh hiểu ý tôi, bởi vì tôi khá cuồng nhiệt. Có lẽ tôi là một người hoài nghi giả hiệu. Tôi sẽ kể cho anh một câu chuyện không thể tin, có chút ngớ ngẩn của người Đức. Một ngày họ gọi tôi từ Munich, vài năm trước, “Thưa ông, chúng tôi đã mời một số học giả tới một hội nghị về tương lai của nhân loại. Có những nhà vật lý học, những triết gia và vân vân, nhưng chúng tôi cần một nhà hoài nghi và chúng tôi không tìm thấy ai. Ông có hứng tham gia không?” Tôi đã từ chối, tôi không phải một nhà hoài nghi phụng sự cho thế giới phương Tây. Nhưng tôi thấy điều đó thật lạ lùng, gọi điện thoại, như người ta gọi một bác sĩ, một chuyên gia. Tôi có thể ghi đó là nghề nghiệp của mình: Nhà hoài nghi. Dù sao thì tôi cũng không hoài nghi mọi lúc.
JW: Ông bắt đầu đọc Jonathan Swift từ khi nào?
EMC: Sau khi tôi tới Pháp. Tôi đã vô cùng có hứng với Swift, tôi đã đọc mọi thứ về ông ấy mà tôi có thể tìm được. Ông ấy đã mê hoặc tôi. Có thời kỳ ông rất quan trọng đối với tôi. Dù sao đi nữa tôi có thể nói rằng cả đời mình tôi đã đọc rất nhiều, chính xác thì bởi tôi là một kẻ vô công rồi nghề. Người Pháp gọi đó là nhàn rỗi, kẻ không lao động. Nhưng thay vào đó tôi đọc. Nên tôi coi như mình đã luôn hoàn thành nghĩa vụ. Nhưng tôi đọc cũng là để không phải nghĩ, để trốn. Để không phải là tôi. Và cũng vậy, tôi đã luôn luôn cố tìm những nhược điểm của người khác, những khiếm khuyết.
JW: Rất nhiều lần trong sách của mình ông đã bày tỏ niềm hứng thú với tiểu sử.
EMC: Đúng thế. Trên hết, tôi thích xem con người kết thúc như thế nào. Khi đọc tiểu sử của một ai đó, bất kỳ ai - ta sẽ thấy họ bắt đầu với những ảo tưởng nào. Và điều thú vị là quan sát những ảo tưởng ấy lần lượt sụp đổ ra sao.
JW: Khi còn trẻ ông cũng rất hứng thú với Shakespeare.
EMC: Tôi có một câu chuyện vô cùng điên rồ về điều đó. Như tôi đã kể, tôi đã chỉ làm một nghề trong một năm cuộc đời, tôi từng là giáo viên môn triết tại một trường phổ thông khi tôi hai lăm tuổi. Đó là thời kỳ khi tôi đang trải qua một kiểu khủng hoảng tôn giáo không dẫn đến đâu. Tôi đã đọc rất nhiều nhà thần bí, nhưng tôi cũng đọc rất nhiều Shakespeare. Điều đó thật kỳ cục vì họ chẳng có điểm gì chung. Tôi đã quá say mê Shakespeare đến nỗi tôi nghĩ rằng tất cả những người còn lại đều là những kẻ ngốc. Và bởi thế tôi đã đưa ra quyết định của mình, tôi nói, “Mình sẽ không nói chuyện với bất cứ ai trừ Shakespeare.” Điều đó dẫn đến một hệ quả rắc rối, vì đó là một thành phố tỉnh lẻ. Một lần tôi đang ở trong một quán cafe thường lui tới, và ai đó cũng là giáo viên cùng trường tới rồi hỏi, “Tôi có thể ngồi cùng bàn anh không?” Tôi nói, “Được. Nhưng anh là ai?” dù tôi biết anh ta. Anh ta nói, “Ý anh là gì? Anh biết tôi mà! Tôi là giáo viên thể dục ở trường.” Tôi nói, “À? Thế anh không phải Shakespeare?” “Ý anh là sao, dĩ nhiên tôi không phải Shakespeare. Không thể hiểu nổi!” “Nghiêm túc à? Anh không phải Shakespeare? Thế thì đi chỗ khác đi!” Rồi anh ta tức tốc đến trường và tuyến bố rằng tôi hoá điên rồi.
JW: Nhưng ông hoàn toàn ý thức được việc mình đang làm.
EMC: Tất nhiên. Chắc chắn rồi. Nếu không thì sẽ rất nghiêm trọng, tôi sẽ bị nhốt lại. Không, không, tôi hoàn toàn nhận thức được. Đó là một quyết định ngu xuẩn và tôi đã mang nó theo. Nó kéo dài trong hai hay ba ngày, thế là quá đủ. Nhưng tôi cũng muốn chứng tỏ Shakespeare là ai đối với tôi, tôi có sự ngưỡng mộ như thế với ông ấy. Tôi nghĩ nếu tôi có phẩm chất thiên tài, tác phẩm mà tôi muốn viết sẽ là Macbeth.
JW: Ông đọc những nhà thơ nào? Có phải chủ yếu là những nhà thơ Anh?
EMC: Với tôi, người Anh là những nhà thơ vĩ đại nhất. Ở Mỹ thì có Emily Dickinson - một nhà thơ rất lớn. Trong thời chiến ở đây, tôi đã dành một niềm đam mê cho Shelley, cho con người ông ấy, tôi đã đọc ông ấy rất nhiều. Một cách tự nhiên, tôi đọc Keats, một nhà thơ lớn. Cũng có cả Blake. Và cả những nhà thơ ít tên tuổi hơn. Nhưng những nhà thơ "kém" ở Anh thì ở một nền văn hóa khác đã có thể là những thi sĩ lớn rồi. Theo ý của tôi, người Anh không có triết học, không có siêu hình học, bởi vì thơ của họ thay thế cho siêu hình học. Họ nói mọi thứ trong thơ. Sau đó tôi cũng rất quan tâm đến các nhà thơ “nhỏ” của thập niên 1890, như Ernest Dowson và một số người khác.
JW: Tình cảnh của ông thời Chiếm đóng ra sao?
EMC: Rất tệ, vì tôi đã bị gọi nhập ngũ vào quân đội Romania và tôi đã từ chối. Họ triệu tôi lên đại sứ quán và nói: “Nếu anh không về Romania, anh sẽ bị áp giải bởi lính Đức.” Tôi nói: “Nếu các người làm thế, tôi sẽ tự sát.” Lúc đó Romania theo phe Đức chống lại Nga. Tôi nói: “Tôi không muốn làm lính.” Có một gã đã khiến tôi phát điên, hắn ta là một tùy viên quân sự, trông như một nhân vật bước ra từ Dostoyevsky. Hắn ta triệu tập tôi và bảo, “Anh sẽ bị đưa đi dưới sự áp giải của lính Đức!” Tôi đáp, “Ông là một đại tá. Ông tới đó, không phải tôi. Tôi không thể nâng nổi một khẩu súng trường. Cuộc chiến này đã thua rồi, ông đâu cần đến tôi.” Hắn ta làm tôi phát ốm, hắn liên tục đe dọa tôi bằng những lệnh triệu tập cho tới khi chiến tranh kết thúc. Và rồi tôi khám phá ra một điều thú vị. Ai đó bảo tôi, “Một người bạn của anh đã đề xuất đưa anh đến mặt trận Nga.” Bởi vì anh ta ghen tị với tôi. Anh ta là một trí thức đang làm tiến sĩ ở Sorbonne, và anh ta là người đã có mọi thứ! Tôi đã xem anh ta như một người bạn. Và rồi người bạn thân nhất của anh ta đến kể cho tôi. Cuộc đời là thế mà. Tình cảm nền tảng của con người là đố kỵ. Đặc biệt là những người gần anh nhất. Anh thấy đấy, toàn bộ lịch sử nhân loại thực sự đều có trong Kinh thánh, trong sự sa ngã khỏi thiên đàng và rồi hai anh em, Cain và Abel. Tất cả đều ở đó. Nên mọi thành công đều tự động nhận được sự ghen tị từ những người quen anh. Người ta nhận thấy sự đố kỵ ngay, nó biểu lộ như sự ngưỡng mộ, mắt sáng quắc lên.
JW: Những kinh nghiệm trong thời chiến có được đưa vào cuốn sách đầu tay của ông không?
EMC: Ồ, có chứ, không thể tránh được, rất nhiều là khác. Cuốn sách bắt đầu bằng lời tố cáo chủ nghĩa cuồng tín. Trước chiến tranh, tôi không bận tâm về lịch sử. Hiện tượng lịch sử chỉ có thể hiểu được nếu ta chấp nhận ý niệm về tội tổ tông. Tôi không phải người có đức tin, tôi không có niềm tin tôn giáo, nhưng tôi chấp nhận một số cách giải thích mang tính tôn giáo về thế giới. Lịch sử chỉ có thể được diễn giải nếu ta thừa nhận rằng con người đã bị đánh dấu bởi cái ác từ khởi thủy. Con người bị kết án, bị nguyền rủa. Cuốn sách sâu sắc nhất từng được viết là cuốn đầu tiên của Cựu Ước—Sáng Thế Ký. Tất cả đều đã được nói ra ở đó. Toàn bộ viễn cảnh của vận mệnh nhân loại, của con người. Sự thật rằng Chúa sợ con người, đó là điều rất kỳ quái. Ông ấy nhận ra rằng gã này nguy hiểm, rằng con người là quái vật, và lịch sử đã chứng minh điều đó. Con người là một thực thể biệt lập, cực kỳ tài năng, nhưng tai hại. Có một điều kinh ngạc trong Koran, rằng khi con người xuất hiện trên mặt đất, một con cá trồi lên khỏi mặt nước và một con kền kền sà xuống từ bầu trời, cả hai nói: “Nguy hiểm đã đến.” Và con cá lặn sâu xuống đáy nước, còn con kền kền bay vút lên trời. Con người thật ghê tởm. Lịch sử cùng lúc thật quỷ quyệt lẫn bi thảm, toàn bộ lịch sử thế giới. Tất nhiên, chúng ta biết những biến cố mà ta đã sống qua. Nhưng chỉ cần nhìn vào những gì đã và đang xảy ra cho đến tận bây giờ. Đó là lý do tôi phản đối các ý luận: chúng hoặc quá ngu xuẩn, hoặc quá rộng lượng. Bởi những ý luận xây dựng lịch sử, song lịch sử lại không thể được xây dựng, nó tồn tại đó. Tất cả những khái niệm đạo đức này không có thực tính trong lịch sử.
JW: Nhưng ông có vẻ cũng không phủ nhận đạo đức.
EMC: Không, tôi không phủ nhận, nhưng điều đó không liên quan gì đến lịch sử. Và thực ra, điều đặc trưng là: lịch sử chỉ kể về những quái vật. Tại sao? Bởi đạo đức là một dạng phê phán. Lấy Kitô giáo làm ví dụ: đạo đức Kitô rất đáng kính. Nhưng chính Kitô giáo cũng đã phát động những cuộc chiến chưa từng có - những cuộc thảm sát không thể tưởng tượng nổi. Những trận chiến Kitô là những trận chiến tồi tệ nhất, những trận chiến không dung thứ nhất, những trận chiến tàn ác nhất, và tất cả đều nhân danh Chúa. Vậy nên tôi đã mở đầu cuốn sách đó bằng lời tố cáo chủ nghĩa cuồng tín và điều mà tôi gọi là cám dỗ của cuồng tín. Bởi nó rất cám dỗ, đặc biệt lúc tuổi trẻ. Và một trong những lý do sâu xa khiến tôi cho rằng hoài nghi là một thái độ thật sự đáng quan tâm - và có lẽ là thái độ duy nhất hợp lý - chính là cảnh tượng của lịch sử thế giới. Kết luận duy nhất rút ra từ đó là hoài nghi, là phản-cuồng tín. Nhưng cuồng tín không phải là một tai nạn. Nó là một sự phát lộ từ con người, từ bản năng, từ ý chí, từ kiêu hãnh của con người - tất cả. Cả điều đó cũng có trong Kinh Thánh. Vì sao các thiên thần nổi loạn? Vì Lucifer tham vọng, hắn không muốn có một đấng chủ tể, một vị thần. Mà có thể nói rằng toàn bộ lịch sử thế giới chính là hắn. Anh biết đấy, trong Kitô giáo nói rằng cho đến Ngày Phán Xét, Satan là kẻ đứng đầu, kẻ thống trị mặt đất. Rằng Đức Kitô sẽ không thể làm được gì ở đây, rằng Ngài không có ảnh hưởng. Rằng Satan là vua.
JW: Ông bắt đầu có hứng với Tây Ban Nha như thế nào? Có rất nhiều lần Tây Ban Nha được nhắc đến trong sách của ông.
EMC: Hứng thú ấy khá sâu sắc. Đó là quốc gia thu hút tôi nhất ở châu Âu. Ban đầu tôi đã ứng tuyển xin trợ cấp để đến đó - tôi từng muốn học với Ortega y Gasset - trước khi tới Paris, nhưng sau đó Nội Chiến nổ ra. Nó bắt đầu như thế nào đối với tôi ư? Vì những lý do cá nhân, vì tôi đã luôn luôn bị thu hút bởi những quốc gia từng có những giấc mơ hùng vĩ và rồi thất bại. Chà, tôi coi trường hợp Tây Ban Nha là thất bại khủng khiếp nhất, thất bại lừng lẫy. Khi còn là sinh viên tôi từng đọc một cuốn sách về bản sắc dân tộc Tây Ban Nha, và rồi tôi khám phá ra một thứ thực sự làm tôi ấn tượng. Một người bạn kể cho tôi về chuyến du lịch của anh ta qua Tây Ban Nha, trong khoang hạng ba, và đột nhiên anh ta nhìn thấy một campesino, một người nông dân, đang vác một bao tải rồi quăng nó xuống đất, thốt lên: "¡Qué lejos está todo!" Mọi thứ xa vời quá! Tôi đã bị ấn tượng bởi câu này, rồi nó trở thành tiêu đề cho một chương trong cuốn sách đầu tay của tôi bằng tiếng Romania, cuốn chưa bao giờ được dịch. Dĩ nhiên tôi đã đọc tác phẩm của Unamuno, bình luận của ông ấy về Don Quixote và những thứ khác. Tôi rất ấn tượng khi biết rằng khoảng năm 1900, ông đã học tiếng Đan Mạch chỉ để đọc Kierkegaard bằng nguyên bản. Unamuno gọi Kierkegaard là “người anh em” - và tôi cũng bị Kierkegaard cuốn hút như vậy.
JW: Có yếu tố lãng mạn hay ngoại lai nào trong điều đó không? Vì dù sao thì ông cũng ở khá xa Tây Ban Nha.
EMC: Một chút, không thể tránh được. Nhưng không hẳn là vì thế, tôi nghĩ vậy. Điều thu hút tôi là cả một tâm lý học khác hẳn. Một dân tộc rất khác biệt - và ý thức được sự khác biệt của mình. Và rồi, chuyện chinh phục (la conquista), tôi đã đọc rất nhiều về sự điên rồ đó.
JW: Ông có quan tâm nhiều đến các thời kỳ trước của Tây Ban Nha, đến sự hiện diện của người Moor ở đó không?
EMC: Vô cùng nhiều. Toàn bộ nguồn gốc của cuộc xâm lược Ả Rập và mọi thứ liên quan, cũng như bi kịch của người Do Thái ở Tây Ban Nha. Ví dụ, một trong những điều khiến tôi cảm động nhất là chuyện xảy ra ở Segovia, khi người Do Thái bắt đầu rời đi, họ đến nghĩa trang để cúi mình chào từ biệt mộ phần của cha mẹ. Và rồi, các tu sĩ dòng Đa Minh bước vào nghĩa trang ấy, mang theo thập giá, hô lớn: “Hãy cải đạo!” Mọi người bật khóc - vì họ yêu Tây Ban Nha - đó là một trong những thời kỳ đẹp nhất của Do Thái giáo. Còn các tu sĩ thì mang thập giá đến, ép họ cải đạo sang Kitô giáo ngay tại mộ phần - thật đau lòng. Hơn nữa, Tây Ban Nha đã sụp đổ khi đuổi người Do Thái đi. Đấy là tự sát. Đó chính xác là điều người Đức đã làm, cái kiểu rồ dại đó. Bi kịch của người Do Thái là họ luôn bị xua đuổi khỏi những quốc gia mà họ đặc biệt gắn bó. Họ đã phải trả một cái giá quá đắt vì xem Tây Ban Nha, rồi sau đó là Đức, như quê hương. Bị trừng phạt bởi chính điều mình yêu thương, đó là bí ẩn của số phận Do Thái.
JW: Người Do Thái luôn hòa nhập ở một mức độ nào đó với nền văn hóa thống trị, họ vừa cho đi vừa nhận lại rất nhiều.
EMC: Đúng, nhưng người Do Thái tiếp thu mọi thứ sâu sắc hơn. Chẳng hạn, ở Đức, họ mang lại một sức sống mới cho mọi thứ. Họ không có sự nặng nề đặc trưng của người Đức. Họ có cùng độ sâu, nhưng kèm theo rất nhiều tinh thần và hài hước. Đó là một cuộc gặp đầy sinh khí, trong mọi lĩnh vực. Nhưng chính điều đó lại là dấu hiệu chẳng lành. Thế nhưng, bất chấp tất cả, người Do Thái vẫn có một sự lạc quan phi thường. Họ là dân tộc bi kịch duy nhất vẫn giữ được sự lạc quan.
JW: Trong Drawn and Quartered ông bảo rằng, “Một con người có lòng tự trọng là một con người không có tổ quốc.” Đâu đó ông viết, “Tôi không có quốc tịch - tình trạng khả dĩ tốt nhất cho một trí thức.” Nhưng hầu hết mọi người bảo rằng người ta nên có gốc gác, ngay cả với một nhà văn.
EMC: Với một nhà văn, có lẽ. Nhưng tôi không phải một nhà văn. Với một tiểu thuyết gia, đúng, theo nghĩa nào đó. Ngay cả với một nhà thơ cũng vậy, bởi anh ta bị cắm rễ trong ngôn ngữ của mình. Nhưng đối với tôi, việc đánh mất gốc gác gắn liền với quan niệm của tôi về một trí thức không có quê hương. Khi đến Paris, tôi đã bị mất quốc tịch. Điều thật đẹp về Paris là rằng đó là một thành phố của những kẻ mất gốc, và tôi cảm thấy cực kỳ thoải mái trong môi trường này. Tôi đã luôn căm ghét những gì mang tính tỉnh lẻ trong tri thức.
JW: Đâu là khuynh hướng văn hóa của ông khi còn ở Romania?
EMC: Người Romania, dưới đế chế Áo-Hung, là một dân tộc bị giữ trong bóng tối. Nhưng tôi không chống Hungary, trái lại, tôi rất ngưỡng mộ người Magyar. Và nếu nói về nhạc dân gian, trong khu vực đó, tôi đặc biệt yêu thích nhạc của người Di-gan Hungary, tôi thực sự thích nó. Chẳng hạn, một trong những nhà soạn nhạc mà tôi yêu mến là Brahms, vì chất Di-gan trong âm nhạc của ông.
JW: Những yếu tố dân gian, bản sắc riêng của người Romania đã ảnh hưởng đến ông như thế nào?
EMC: Điều tôi thừa hưởng từ người Romania, từ những người nông dân, chính là chủ nghĩa định mệnh. Tôi nghĩ rằng người Romania là dân tộc có tư tưởng định mệnh sâu sắc nhất trên thế giới. Tôi đã học được điều đó từ khi còn nhỏ, vì mọi người lúc nào cũng nói những câu như: “Người ta chẳng thể làm gì đâu” hay “Chỉ có số phận thôi” vân vân. Cái nhìn ấy về cuộc đời đã in dấu trong tôi, tôi không thể phủ nhận nó, một dạng triết lý của cam chịu. Và những người nông dân này gần với bi kịch Hy Lạp hơn người phương Tây, đó là cùng một cái nhìn: con người chỉ là một món đồ chơi của số phận.
JW: Trong số những người mà ông từng quen biết ở Paris có nhiều người Romania không? Tôi đặc biệt nghĩ đến các nhà văn như Ionesco và Isidore Isou.
EMC: Tôi biết Isou rất rõ, tôi thường gặp ông ta. Ông ta sống gần đây, anh ta đến vườn Luxembourg mỗi ngày. Tôi từng gặp Ionesco rất nhiều, một người bạn tốt. Ông ấy là một con người thú vị không kém gì một nhà văn. Trong đời sống, ông có khiếu hài hước tuyệt vời, và không bao giờ tẻ nhạt. Điều buồn cười là chúng tôi thân nhau ở đây hơn là khi còn ở Romania.
JW: Lúc còn ở Romania ông có biết nhiều về ông ấy không?
EMC: Chúng tôi từng cùng là sinh viên ở Bucharest, chỉ khác là ông ấy học văn chương Pháp, còn tôi học triết học. Ông ấy là một người vô cùng bất hạnh, và thành công chỉ càng làm tình trạng đó trầm trọng hơn. Chính điều đó khiến tôi thích ông ấy. Thay vì hòa giải với cuộc đời, thì từ khi nổi tiếng, ông ấy lại càng tuyệt vọng hơn. Ông từng rất nghèo ở Paris trước khi được biết đến như một nhà văn. Suốt nhiều năm, gần như ngày nào chúng tôi cũng gọi điện nói chuyện. Mà nói chuyện với ông ấy thì có thể cười chết được - ngay cả lúc ông ấy tuyệt vọng. Đó là một người luôn bị ám ảnh bởi cái chết, còn hơn cả tôi. Bởi lẽ với tôi, theo thời gian, nỗi ám suy yếu dần. Nhưng với ông ấy, điều ngược lại đã xảy ra. Không phải là ông ấy sợ chết. Mà ông ấy có một cảm thức sâu sắc về sự phù du, về những thứ chóng tàn, và tác phẩm của ông ấy chính là sự thể hiện của điều đó. Người ta thậm chí có thể nói rằng khiếu hài hước của ông ấy chính là một sự an ủi trước cái chết. Nỗi ám ảnh với cái chết ấy đẩy ông ấy đi khá xa, ông ấy đi khắp nơi. Ông ấy gần như đã đặt chân đến mọi miền thế giới. Đó là một sự trốn chạy.
JW: Có đúng là Ionesco bị ám ảnh với nước Nga?
EMC: Như tất cả những ai đến từ phương Đông.
JW: Nhưng ông viết rằng tương lai sẽ là của nước Nga.
EMC: Chỉ là tương lai gần thôi, thế thôi.
JW: Trong History and Utopia ông viết rằng tương lai của nước Nga sẽ phụ thuộc vào “cách mà nó sử dụng nguồn dự trữ phi lai của mình.”
EMC: Nghe này, tôi đã luôn bị lôi cuốn bởi văn hóa Nga. Điều đó bắt đầu từ khi tôi khoảng mười lăm tuổi. Lúc ấy cha mẹ tôi định cư ở Sibiu, cha tôi trở thành linh mục của thành phố và đồng thời là cố vấn cho một nhân vật rất quan trọng trong hàng giáo phẩm. Người này rất uyên bác, có một thư viện khổng lồ, và ông ta có mọi thứ về nước Nga. Thế nên, khi còn là thiếu niên, tôi đã có cơ hội đọc vô số tài liệu về nước Nga. Và vì tôi say mê Dostoyevsky, tôi cũng bị nước Nga cuốn hút. Đồng thời, tôi ôm ấp một niềm ngưỡng mộ cho nước Nga, và cả một nỗi sợ. Đến mức tôi cho rằng có một tính tất yếu Nga.
JW: Ở bình diện lịch sử.
EMC: Đúng. Tôi tin vào một định mệnh Nga mà chúng ta không thể tránh khỏi. Rõ ràng là tất cả các dân tộc phương Tây đã cạn kiệt ý thức về sứ mệnh của mình. Người Anh, người Pháp, người Đức - họ không còn hứng thú với việc đóng một vai trò nào nữa, họ đều hiểu rằng giờ mắc kẹt vào lịch sử cũng chẳng bõ. Mỗi dân tộc đều có một sứ mệnh để hoàn thành, và đối với họ, điều đó đã chấm dứt. Người Nga chỉ cần chờ đợi, trong khi vẫn dõi mắt về phương Tây.
JW: Nhưng ông nghĩ rằng nước Nga sẽ chiếm lấy toàn bộ châu Âu?
EMC: Đúng, nhưng thậm chí không phải bằng chiến tranh. Bằng một dạng áp lực nào đó. Người ta cảm nhận được rằng nước Nga đang đè nặng lên châu Âu. Và người Nga đang hành xử thật ngốc nghếch, bởi vì giấc mơ Nga xưa kia là ganh đua với phương Tây, rõ ràng là để thay thế nó. Nhưng đó là khi phương Tây còn hùng mạnh. Giờ thì chẳng còn nguy cơ nào với người Nga nữa - vậy mà họ vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mơ ấy - thay vì để cho phương Tây yên. Họ sợ nước Đức - nực cười - người Đức giờ chỉ còn là một dân tộc của du lịch.
JW: Nhưng giờ đó là chuyện giữa Nga và Hoa Kỳ.
EMC: Tự nhiên thôi. Hoa Kỳ chưa cạn kiệt vai trò lịch sử của mình, nhưng đồng thời, sứ mệnh của nó xuất hiện là do bị khiêu khích từ bên ngoài, tôi tin là vậy. Nước Mỹ bị phương Tây kéo vào cuộc, vì phương Tây đã buông xuôi. Phải có ai đó thay họ đảm nhiệm vai trò ấy, và Mỹ buộc phải gánh vác bởi sự suy yếu của châu Âu. Nước Nga từ lâu đã bị cuốn theo một giấc mơ về sự thống trị toàn cầu. Và một ngày nào đó, nó sẽ vỡ tung khỏi giấc mơ ấy, hệ quả của một thảm họa không lời nào diễn tả được.
JW: Ông có ưa thích chế độ chính trị nào không?
EMC: Tôi tin rằng chế độ lý tưởng là cánh tả không có những giáo điều cứng nhắc, một cánh tả không bị sự cuồng tín chi phối.
JW: Ví dụ, ông có quan tâm không nếu những người theo chủ nghĩa xã hội thắng cử ở Tây Ban Nha?
EMC: Ở Tây Ban Nha, một chính phủ cánh tả là điều tuyệt đối cần thiết. Đối với một trí thức, rõ ràng là, ở giai đoạn lịch sử mà chúng ta đã đạt đến, lý tưởng nhất vẫn là một chính phủ cánh tả thông minh, nhưng với điều kiện là nó không mắc cạn. Tự do là một lý tưởng, nhưng ngay cả thế, tự do vẫn phải bị áp chế. Con người là một loài động vật hiểm độc và có xu hướng lạm dụng tự do, điều đó là không thể phủ nhận. Và các chính phủ xã hội chủ nghĩa không nhận ra điều đó. Tự do cần phải được kiểm soát, đáng tiếc thay, vì con người không thể tự kiềm chế được mình.
JW: Trong Tàn hủy yếu lược, ông đã định nghĩa tự do như “một nguyên tắc đạo đức của yếu tính quỷ.”
EMC: Những chính phủ tốt nhất trên thế giới đã bị hủy hoại bởi tự do không kiểm soát, vì con người luôn lạm dụng nó. Tại sao nước Anh lại là một trong số ít quốc gia có thể duy trì tự do trong một thời gian dài như vậy? Bởi họ có định kiến. Những định kiến của người Anh rất mạnh, chúng kìm dân chúng trong khuôn khổ. Những định kiến ấy có thể ngu ngốc, nhưng điều đó không quan trọng. Chúng mang lại một sự ổn định nào đó cho xã hội, chúng đề ra những giới hạn mà người ta không thể vượt qua. Vấn đề của tự do vừa mang tính triết học vừa mang tính chính trị: con vật người có thể tự do đến mức nào mà không bị diệt vong?
JW: Trong Các tam đoạn luận của cay đắng, ông cũng viết: “Lịch sử, thực chất, tương đương với một phân loại cảnh sát; bởi sử gia đang xử lý điều gì, nếu không phải quan niệm mà con người đã có về cảnh sát qua các thời đại?” Điều này giờ đây lại càng đúng hơn.
EMC: Đó là một sự thật buồn.
JW: Về Kitô giáo, khi có một người cha là linh mục Chính Thống giáo Hy Lạp, ông đã bắt đầu cảm nhận “sự ngu muội sầu thảm của Thập giá” - như ông đã viết trong Tàn hủy yếu lược - vào thời điểm nào?
EMC: Khá sớm. Khi còn trẻ, tôi cực kỳ phản Kitô giáo. Cha tôi không hề cố chấp. Ông là một người rất nhân hậu. Ông ấy quan tâm đến con người - bởi ông ấy từng muốn trở thành luật sư nhưng không thể trong Đế quốc Áo-Hung. Ông xem trọng nghề của mình; chẳng hạn, ông có thói quen đọc một lời cầu nguyện trước bữa ăn. Và mỗi lần như vậy, tôi lại lẩn đi; tôi vào nhà vệ sinh và đợi cho đến khi ông xong. Khoảng từ năm mười ba hay mười bốn tuổi, khi tôi bắt đầu đọc sách, tôi đã chống lại nó, tôi thấy nó quá ngu xuẩn. Tôi có một kiểu ghê tởm đối với nó. Sự thức tỉnh triết học của tôi là một sự thức tỉnh phản Kitô giáo. Sau đó, một điều gì đó đã xảy ra, sau đó không lâu: khoảng mười tám tuổi, tôi bắt đầu quan tâm không phải đến tự thân tôn giáo mà đến các nhà thần bí. Không phải vì đức tin tôn giáo của họ mà vì sự cực đoan, dục vọng, sự bạo liệt nội tâm của họ. Thế là tôi bắt đầu đọc các nhà thần bí vĩ đại và từ đó tôi sớm nhận ra rằng mình không thể có đức tin. Nhưng điều đó vẫn cuốn hút tôi, bởi các nhà thần bí đã sống một đời sống căng thẳng hơn những người khác. Và còn một điều nữa, một kiểu kiêu hãnh phi thường: tôi và Chúa, Chúa và tôi.
JW: Ông không bị cám dỗ để đi theo con đường của các nhà thần bí sao?
EMC: Không. Nhưng tôi có chứng mất ngủ, thứ mang lại những trạng thái xuất thần đáng kinh ngạc. Anh thấy đấy, khi anh đang chịu đựng căng thẳng thần kinh tột độ, có những thời khắc - mà Dostoyevsky đã nhắc đến trong Quỷ, với Kirilov - anh bỗng nhiên bị cuốn vào cảm giác mình thực sự là Chúa, rằng toàn bộ vũ trụ xoay quanh anh. Điều mà người ta gọi là xuất thần có nhiều dạng khác nhau, tùy theo quan niệm của anh. Tôi đã trải qua những trạng thái đó, thường gặp ở những kẻ động kinh. Tôi chưa bao giờ bị động kinh, nhưng vì sự căng thẳng thần kinh tột cùng này, tôi đã biết thế nào là xuất thần. Nó hiển lộ qua một kiểu cảm tri về ánh sáng phi thường, bên trong lẫn bên ngoài. Và chính vào thời điểm đó, tôi mới thực sự hiểu các nhà thần bí.
JW: Ông chỉ đang nói về những nhà thần bí Kitô giáo.
EMC: Đúng, tất yếu là vậy. Thánh Teresa thành Avila, Thánh Gioan Thánh Giá, tất cả họ. Mối quan tâm của tôi đối với các nhà thần bí không mang tính trừu tượng hay trí thức mà xuất phát từ chính kinh nghiệm của tôi.
JW: Nhưng ông đã xử lý mặt Kitô giáo của họ như thế nào?
EMC: Điều đó không làm tôi bận tâm vì tôi luôn cho rằng các nhà thần bí hầu như đứng ngoài Kitô giáo. Họ đều bị đàn áp vì Giáo hội xem họ là mối nguy hiểm, là dị giáo - họ thường bị tống vào tù. Thần bí là cực hạn của tôn giáo.
JW: Đó là trạng thái mà tôn giáo cung cấp một ngôn ngữ để biểu đạt.
EMC: Đúng vậy. Giáo hội không biết phải làm gì với họ. Cuối cùng thì nó chấp nhận họ, nhưng khi họ còn sống, họ luôn bị bức hại.
JW: Ông cũng từng viết trong Tàn hủy yếu lược rằng ông rất yêu quý tất cả các nữ thánh.
EMC: Đúng, và dục vọng đó cũng mang một khía cạnh bệnh. Khi đó tôi khoảng hai lăm tuổi.
JW: Nhưng tại sao ông lại ngừng yêu quý họ?
EMC: Đó giống như một cơn điên thoảng qua. Tôi đã đọc về tất cả bọn họ. Đó là một dạng dâm dục lệch lạc. Chắc chắn nó có chút gì đó bệnh hoạn.
JW: Dường như ông hiếm khi nói về chủ nghĩa vô thần?
EMC: Nhưng tôi luôn bị công kích là vô thần. Tôi là một tín đồ giả và cũng là một kẻ vô thần giả. Tôi không thể chịu đựng các tôn giáo, chúng là những thiết chế, nhưng tôn giáo thu hút tôi đơn thuần do các thần bí, những trường hợp cực hạn.
JW: Mặc dù vô thần có lẽ hơi quá chắc chắn.
EMC: Nó luôn rất đáng ngờ. Thật ngớ ngẩn khi nói rằng không có Chúa, bởi người ta đâu thể định nghĩa được khái niệm Chúa. Nhưng tôi nên giải thích vì sao tôi thường xuyên nói về Chúa - điều này đúng trong hai mươi năm trở lại đây. Mỗi người, hiển nhiên, đều từng trải qua cô độc tột cùng, nơi mà chẳng còn gì tồn tại nữa - đặc biệt là vào ban đêm, khi người ta hoàn toàn đơn độc, thế nên việc cứ phải trò chuyện với chính mình trở thành một điều khó khăn. Tôi đã định nghĩa Chúa theo cách này - một người đồng hành trong những khoảnh khắc cô độc cùng cực. Người ta nghĩ về Chúa khi không còn có thể nghĩ về bất cứ điều gì khác, về bất kỳ ai khác. Trong trường hợp của tôi, điều đó không liên quan gì đến đức tin, nó chỉ đơn thuần là một cái cớ để đối thoại. Đó là độc thoại, nhưng vì mọi thứ khác đã biến mất, nên ta va chạm với Chúa, bạn đồng hành cuối cùng trong cô độc.
JW: Dù vậy, đối với nhiều người, vấn đề về sự tất định ấy là một vấn đề lớn. Họ không thực sự tin vào Chúa, nhưng họ cũng không dám chắc rằng Chúa không tồn tại.
EMC: Sự tồn tại của Chúa thậm chí còn không làm tôi quan tâm. Chức năng của ông ấy đối với chúng ta, những người không tin, là khi một người không biết nói chuyện với ai nữa, người đó sẽ nói chuyện với ông ấy. Đó là một dạng sinh tồn.
JW: Ông đã nghiên cứu lịch sử Kitô giáo khá kỹ lưỡng, nhưng ông cũng đã nghiên cứu những tôn giáo khác rất nhiều.
EMC: Phật giáo, trên hết. Tôi đã rất quan tâm đến Phật giáo - giờ già thì ít hơn. Nhưng Phật giáo đã đóng một vai trò lớn trong đời tôi, từ khi tôi còn trẻ.
JW: Mối quan tâm đó bắt đầu khi nào?
EMC: Khi tôi hai tư hoặc hai lăm. Nếu tôi từng theo một tôn giáo nào đó tôi nghĩ đó hẳn sẽ là Phật giáo. Và trong một thời gian dài tôi thậm chí còn khoe khoang về việc là một phật tử cho tới khi tôi nhận ra việc đó thật lố bịch.
JW: Thực ra ông chưa thực hành tất cả các giới luật.
EMC: Không, anh biết đấy, Phật giáo xem cơn giận là thứ cản trở sự giải thoát nhất. Chà, tôi thì lại rất dễ cáu, nó mạnh hơn tôi, tôi sẽ nổi cơn. Còn về sự buông xả, sự tách rời - tôi hoàn toàn không đạt tới được. Thế nên tôi nhận ra rằng mình là một Phật tử rất đáng ngờ. Điều thu hút tôi ở Phật giáo là lời khẳng định rằng mọi thứ chỉ là ảo ảnh, rằng không gì là thật cả. Có lẽ tôi bị hấp dẫn bởi mặt phủ định của Phật giáo, bởi những tuyên bố của nó về cuộc sống. Nhưng không phải bởi các giải pháp. Bởi vì ngay cả khi tôi biết rằng chẳng có gì là thật, tôi vẫn phản ứng như bao người khác: tôi yêu người này, tôi ghét người kia, v.v.
JW: Chà, trong những trước tác của mình dường như ông cũng phủ nhận khả năng những người phương Tây có thể thực sự trở thành phật tử.
EMC: Chính xác. Bởi nó bất khả với hầu hết mọi người. Tính khí của tôi vẫn không đổi, tôi không được sinh ra để tự do. Điều mà mọi người không nhận ra là thích dạng trí huệ đó là một chuyện và sống theo nó lại là chuyện khác. Đó là chỗ khía cạnh thuyết định mệnh trong tôi xuất hiện, rằng chúng ta không thể thoát khỏi chính mình.
JW: Song ông vẫn thường khuyên người ta xả ly trong sách của mình.
EMC: Luôn luôn.
JW: Nhưng trong The Fall into Time ông viết, “Cách duy nhất còn lại: từ bỏ không chỉ kết quả của hành động, mà cả hành động tự nó, lấy sự phi sản xuất làm quy tắc.” Vậy thì câu hỏi cũ lại hiện lên: Vì sao vẫn viết?
EMC: Tôi cố gắng trở thành con người mà tôi lẽ ra phải là, anh hiểu không. Tôi quấn mình trong những điều đó, bởi vì suốt đời tôi luôn mang cái cảm giác về hư vô, nó cũng mang cho tôi rất nhiều điều lành. Nó đã giúp tôi chịu đựng rất nhiều điều và cũng để hiểu Phật giáo, nhưng tận đáy lòng tôi gần với một số nhà Lãng mạn hơn. Cuối cùng tôi đi đến kết luận rằng tôi không thể được cứu rỗi và rằng số phận tôi là tự hành hạ chính mình! Còn lại chỉ là dục vọng.
JW: Mặc dù, như ông từng viết, đó cũng là nghịch lý của các nhà thần bí: rằng họ vẫn viết sách.
EMC: Đúng, tại sao họ phải viết khi họ viết cho Chúa? Chúa đâu có đọc. Thế nên người ta không thể đào sâu đến tận cùng hệ quả của một thái độ, hoặc phải trở thành một tu sĩ, hoặc phải tự sát. Suy cho cùng người ta phải thừa nhận rằng cuộc đời được tạo nên từ những mâu thuẫn này, mà đó mới là điều hấp dẫn. Nếu tôi đồng nhất hoàn toàn với những điều tôi đã viết, thì có lẽ tôi đã chẳng viết gì cả. Đó là toàn bộ vấn đề. Lẽ ra tôi nên làm gì? Tôi từng muốn trở thành một hiền triết, nhưng tôi đã không làm được, thế nên tôi viết sách. Mọi thứ tôi từng làm đều là kết quả của một thất bại về mặt tinh thần. Nhưng với tôi đó không hẳn là một khái niệm tiêu cực.
JW: Trong Về nỗi bất tiện bị sinh ra, ông nói về “con người mà tôi muốn trở thành,” một cụm từ cũng xuất hiện ở những chỗ khác trong tác phẩm của ông. Nhưng đó là ai?
EMC: Anh biết đấy, thời tôi còn trẻ, tôi cực kỳ tham vọng hay đúng hơn là kiêu căng. Không thể tránh khỏi, khi trở nên sáng suốt hơn, người ta nhận ra rằng mình không xứng đáng với chính hình ảnh mà mình từng có về bản thân. Cả đời tôi đã sống cùng cảm tri về sự xứng đáng này, rằng tôi đã dừng trước ngưỡng mà lẽ ra tôi có thể đạt tới, dù ngay cả điều đó cũng chỉ là ảo tưởng. Tôi đã khổ sở vì điều đó, và sau cùng mọi thứ qua đi, và điều quan trọng là người ta có làm ra một tác phẩm hay không. Điều quan trọng, sau cùng, là nói được vài thứ đáng nói, không chỉ cho chính mình mà còn cho những người khác. Nhưng tôi nên nói điều này, rằng trong mọi thứ tôi từng viết tôi chưa từng nghĩ về những người khác. Tôi viết cho chính mình. Nhưng “con người mà tôi muốn trở thành” không phải là người mà tôi có thể trở thành. Điều mà tôi muốn là hiểu mọi sự, là hiểu, là không bị lừa. Tôi luôn sợ mình bị lừa, vì vậy tôi cố gắng không để mình bị lừa như những người khác. Đó là nỗi sợ tin vào bất cứ điều gì. Đối với tôi, mọi niềm tin đều là trò lừa bịp.
JW: Ông từng nói rằng sự nghiệp của Kitô giáo đã kết thúc. Tuy nhiên, rất nhiều giáo phái Tin lành mới vẫn tiếp tục xuất hiện, ví dụ như ở Hoa Kỳ.
EMC: Nghe này. Tôn giáo sẽ không biến mất chỉ sau một đêm. Nhưng quan điểm của tôi là: Kitô giáo như một cái xác chết vẫn đang bị kéo lê - nó không còn một sức mạnh tinh thần nào nữa. Tất nhiên, nó vẫn có thể cố gắng, nhưng Kitô giáo không thể tự làm mới mình từ bên trong nữa. Nó đã trao hết những gì nó có thể trao. Giờ đây nó chỉ là một kẻ sống sót, mà kẻ sống sót ấy có thể còn kéo dài lâu. Tuy nhiên, tôi không nghĩ nền tảng tôn giáo trong con người có thể biến mất được - vì nó là một phần trong bản tính con người.
JW: Trong những cuốn sách của mình, ông thường quay về với ý rằng chúng ta không thể khóc đủ. Điều đó bắt nguồn từ đâu?”
EMC: Từ kinh nghiệm cá nhân. Tôi đã đau khổ - như tất cả những kẻ u sầu - vì một kiểu nhu cầu được khóc mà không thể. Tôi đã kinh nghiệm điều ấy rất thường xuyên trong đời mình, bởi thứ duy nhất có thể giải phóng anh trong những trạng thái như thế là khóc, nhưng khi đó tôi lại không khóc nổi. Có thể đó là tân lãng mạn hay gì đó, nhưng nó là thực. Đó là nhu cầu khóc như một sự giải thoát. Nó cũng bắt nguồn từ cảm giác không thuộc về thế giới này. Anh bị ném vào thế giới, nhưng… rốt cuộc anh đang tìm kiếm điều gì ở đây?
JW: Ông đặt mình ở đâu trong toàn bộ phong trào hiện sinh và phi lý ở Pháp?
EMC: Như thường lệ tôi sẽ bảo tôi khá gần với nó. Đấy là một lối suy nghĩ không xa lạ với tôi. Nhưng, với Sartre tất cả những điều đó lại trở thành một kiểu triết học thời thượng, thật khó chịu. Sartre là một người cực kỳ tài năng. Ông ta quá tài năng. Tôi nghĩ rằng nếu ông ta bớt tham vọng đi thì mọi thứ hẳn đã tốt hơn nhiều. Ông ta bị mê hoặc bởi danh tiếng toàn cầu. Và thật bất hạnh cho ông ta, ông trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới từ quá sớm - gần như ngay lập tức.
JW: Ông có từng nói chuyện với ông ấy nhiều không?
EMC: Không, không. Tôi rất thường ngồi gần ông ta ở Café de Flore, suốt cả ngày. Tôi không bao giờ nói chuyện với ông ta, điều đó thật kỳ lạ. Tôi tự hỏi tại sao. Cũng không phải vì ngại ngùng, mặc dù ông ta rất nổi tiếng còn tôi thì hoàn toàn vô danh. Nhưng Flore là quán duy nhất có lò sưởi, ví dụ như vào thời điểm Giải phóng, khi trời lạnh cóng bên ngoài.
JW: Nhưng có lẽ về sau ông ấy cũng biết về những cuốn sách của ông?
EMC: Thành thật mà nói thì tôi không nghĩ vậy. Hoặc là ông ta sẽ hiểu sai chúng, tôi gần như chắc chắn. Tôi đã viết một chân dung về ông ta trong Tàn hủy yếu lược mà không nhắc đến tên ông ta, tiêu đề là 'Về một nhà doanh nghiệp tư tưởng.” Dù sao đi nữa đấy cũng là một kiểu thông cảm. Điều tôi chê trách Sartre nhất là hoàn toàn thiếu hài hước. Ông ta có một sự mỉa mai kiểu Đức, kiểu Alsatian, rất nặng nề, rất dai dẳng. Nhưng tôi không muốn nói xấu ông ta, tuyệt đối không.
JW: Giờ ta hãy chuyển sang âm nhạc. Dường như với ông âm nhạc có khả năng thay thế triết học.
EMC: Không chỉ mỗi triết đâu, mọi thứ!
JW: Trong “Tares”, ông viết: “Bên ngoài âm nhạc, mọi thứ là một sự lừa dối, ngay cả sự cô độc, ngay cả sự xuất thần. Chính là cả hai, nhưng còn hơn thế.”
EMC: Tôi sẽ nói cho anh quan điểm của tôi về âm nhạc bằng cách dùng công thức đó lần nữa. Nếu mọi thứ là lừa dối, là ảo ảnh, thì chính âm nhạc cũng là một sự lừa dối, nhưng là một sự lừa dối tráng lệ. Đó là cách tôi định nghĩa âm nhạc. Hiển nhiên, rất khó để bàn về nó. Khi anh đang nghe nó, anh có cảm giác rằng nó là cả vũ trụ, rằng mọi thứ khác đều tan biến, chỉ còn âm nhạc tồn tại. Nhưng khi bản nhạc kết thúc, khi anh ngừng nghe, anh rơi trở lại vào thời gian và tự hỏi: “Vậy rốt cuộc đó là gì? Mình vừa ở trong trạng thái nào thế?” Anh từng cảm thấy đó là tất cả, rồi tất cả vụt biến mất. Đó là lý do tại tôi nói âm nhạc là một sự lừa dối tráng lệ.
JW: Ông từng bảo rằng ông đã nghe Brahms rất nhiều, đặc biệt là các tác phẩm thính phòng của ông ấy. Ông có nghe những nhà soạn nhạc nào khác không?
EMC: Niềm say mê lớn nhất của tôi khi bắt đầu là Bach. Và điều đó dẫn đến một trải nghiệm rất đặc biệt. Cho đến năm hai mươi tuổi, tôi từng khinh thường mẹ tôi sâu sắc. Tôi nghĩ bà nông cạn, hời hợt. Rồi một ngày bà nói với tôi: “Con biết không, thứ duy nhất trên đời khiến mẹ thực sự xúc động là Bach.” Và từ khoảnh khắc ấy, tôi hoàn toàn thay đổi cái nhìn về bà. Tôi hiểu ra rằng hình ảnh mà tôi có về mẹ mình là sai lầm.
JW: Ông cũng từng viết rằng ông khinh thường kẻ nào không có gu âm nhạc.
EMC: Tôi nói với anh, tôi không bao giờ muốn gặp André Breton. Bởi Breton hoàn toàn không thể thẩm nhạc và Dostoyevsky.
JW: Đúng, ông từng viết thế mà không nhắc đến ai!
EMC: Tôi có thể chấp nhận một trong hai, nhưng cả hai thì thật không thể tha thứ. Dù ông ta có làm được gì đi nữa thì tôi cũng chẳng việc gì phải gặp một người như vậy.
JW: Ông có từng viết khi đang nghe nhạc?
EMC: Không, nhưng gần đây tôi bắt đầu như thế chút ít. Có những người, ví dụ, Lévi-Strauss, viết trong khi nghe nhạc, hầu như mọi tác phẩm của ông ấy.
JW: Ông có nghe những thời kỳ âm nhạc nhất định nào không? Ông có thích âm nhạc đương đại không?
EMC: Có, tôi đã theo dõi những buổi hòa nhạc của Domaine Musical trong vòng mười năm ở đây, do Pierre Boulez chỉ huy, trước khi ông ấy nổi tiếng. Khoảng từ năm 1955. Tôi đã rất quan tâm đến âm nhạc đương đại. Nhưng sau này tôi từ bỏ, vì những lý do rất cụ thể: tôi không muốn gặp gỡ ai nữa, tôi mệt mỏi với xã hội, với những buổi tiếp tân, và thế là tôi cũng ngừng đến các buổi hòa nhạc. Nhưng tôi rất thích âm nhạc của Schönberg và những người cùng thời với ông ấy. Tôi cũng biết đến tác phẩm của Stockhausen. Nhưng tôi không phải là chuyên gia, và tôi chưa bao giờ có hệ thống trong việc nghe nhạc. Rồi dần dần tôi quay lại với nhạc lãng mạn - như Schumann chẳng hạn.
JW: Nhưng mặt khác, ông cũng rất thường nói về sự đánh mất im lặng.
EMC: Đấy là một sự ám ảnh. Tôi nghĩ thế. Tôi xem sự biến mất của im lặng là một thứ cực kỳ nghiêm trọng. Trong vòng hai mươi lăm năm tôi đã sống trong những khách sạn ở Paris, và tiếng ồn! Tôi đã có thể giết ai đó. Tôi xem sự biến mất của im lặng như một trong những triệu chứng cho cáo chung của nhân loại.
JW: Có những cuốn sách nào của ông mà đến bây giờ vẫn gắn bó nhất với ông không?
EMC: Có, Về nỗi bất tiện bị sinh ra và Các tam đoạn luận của cay đắng, bởi chúng là các mảnh và mẩu.
JW: Trong Về nỗi bất tiện bị sinh ra ông viết, “Tôi chỉ theo đuổi một ý duy nhất đến cùng - cái ý rằng mọi thứ con người đạt được rốt cuộc sẽ chống lại hắn... Tôi đã sống với nó bằng một xác tín mãnh liệt.” Nhưng những cuốn sách của ông là những tựu thành, chúng có từng chống lại ông không?
EMC: Tôi suy nghĩ về con người nói chung trong đó, định mệnh của con người. Rằng mọi thứ chúng ta làm, cuối cùng chúng ta sẽ bị nó trừng phạt. Nếu chúng ta muốn nếm hạnh phúc thì tốt nhất là không làm gì, không thành tựu gì, sống thôi và không gì nữa. Tôi cảm thấy rằng con người không nên lao mình vào cuộc phiêu lưu kỳ diệu mang tên lịch sử. Mọi thứ hắn ta làm sẽ quay ra chống lại hắn, bởi hắn không được tạo ra để làm thứ gì đó, hắn ta được tạo ra đơn thuần để nhìn và để sống như cách mà động vật và cây cối tồn tại. Và tôi xin nói thêm rằng, con người lẽ ra không nên tồn tại, hắn ta chỉ nên là một loài như bất cứ loài nào khác và không nên tách khỏi toàn thể tạo hoá.
JW: Trong cùng cuốn đó có một dòng kết của một đoạn nào đó làm tôi khá xúc động, trong đó ông viết, “Tôi chỉ mong những ai tôi yêu thương có đủ độ lượng mà già đi.”
EMC: Điều đó xuất phát từ một người bạn cũ của tôi, người vẫn mang trong mình một sự lạc quan non trẻ và người đã trách móc tôi rằng tôi đã không phát huy hết tiềm năng của mình. Nhưng tất cả chúng ta đều thất bại trong việc hiện thực hóa trọn vẹn tiềm năng của mình, và sự thất bại này không chỉ là điều tất yếu mà còn là điều đáng mong muốn.
Cioran
Tàn hủy yếu lược (1949)
Tam đoạn luận (1952)
Một bức thư (1957-1960)
Cahiers: Một tháng (1957-1972)
Bất tiện (1960-1970)
Tập ngưỡng mộ: Cioran, Beckett, Borges (1976)
Jason Weiss phỏng vấn E. M. Cioran (1983)
Sức mạnh của sự vắng
Vui
Kafka
Cioran
Leopardi
Beckett
Baudelaire
Pessoa
Mallarmé
Valery
Michaux