favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Italo Calvino: Pavese và các hiến sinh người

23/11/2024 20:27

Tiểu luận của Calvino, được viết nhân dịp ở Pháp in bản dịch Vầng trăng và ngọn lửa của Pavese, về sau được đưa vào tập Tại sao đọc cổ điển? (bài cuối cùng của Perché leggere i classici)

La luna e il falò được viết xong và in chỉ một thời gian ngắn trước khi Cesare Pavese tự sát: đây là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Pavese. Trước đó vài năm, Pavese là người in tiểu thuyết đầu tay của Calvino.

Còn rất trẻ, Calvino vào làm cho nhà xuất bản Einaudi ở Torino: Pavese là một trong những trụ cột ở đây (tuy Pavese là người gốc Piemonte). Trong nhật ký Nghề sống (mà Calvino chính là người biên tập, cho ấn bản đầu tiên, năm 1952) có đoạn Pavese kể chuyện mình cho đồng nghiệp mới (và trẻ tuổi) Italo Calvino vài lời khuyên như thế nào.

Hoàn toàn có thể nghĩ, nếu không có Calvino, tên tuổi và tác phẩm của Pavese không thể lừng lẫy như chúng ta đã biết. Trong nhiều năm dài, Calvino hết sức tận tâm trong các công việc liên quan: biên tập tác phẩm, bình luận văn chương Pavese, v.v... Dường như Calvino tự thấy mình, ít nhất ở một số phương diện, là người tiếp nối Pavese.

Trước đó, như có thể thấy trong Nghề sống, ở không ít khía cạnh Pavese tự ướm mình vào một nhân vật văn chương trước đó: Giacomo Leopardi.

 

Pavese và các hiến sinh người

- Italo Calvino

Tất tật các tiểu thuyết của Pavese đều xoay quanh một chủ đề bị giấu đi, xung quanh một điều không được nói ra, ấy là điều mà ông thực sự muốn nói và điều đó chỉ có thể được nói bằng cách bị im đi. Được tạo ra, xung quanh đó, một tổng thể các dấu hiệu hiển hiện, các lời lẽ được phát ngôn: những dấu hiệu ấy, đến lượt chúng, lại có một mặt bí mật (một biểu nghĩa đa trị hay không thể thông giao) quan trọng hơn so với mặt hiển lộ, nhưng biểu nghĩa đích thực của chúng nằm trong quan hệ nối chúng vào với điều không được nói.

Vầng trăng và ngọn lửa là cuốn tiểu thuyết của Pavese nơi có nhiều dấu hiệu biểu trưng, mô típ tự truyện, phát biểu trang trọng hơn cả. Và thậm chí là quá nhiều: như thể, phát xuất từ cách kể đặc trưng của Pavese, nhiều tảng lờ và đầy e dè, đột nhiên được bày ra sự phóng tay kia của thông giao và trình hiện, nó cho phép câu chuyện biến thành tiểu thuyết. Nhưng tham vọng đúng nghĩa của Pavese không nằm ở thành công về phương diện tiểu thuyết đó: toàn bộ những gì ông nói với chúng ta đổ dồn hết về chỉ một hướng, những hình ảnh cùng tương đồng cứ thế xoáy quanh chỉ độc một mối bận tâm nhiều ám ảnh: các hiến sinh người.

Điều này không hề nhỏ. Nối dân tộc học và huyền thoại Hy Lạp-La Mã vào tự truyện thuộc tồn tại của ông và vào xây dựng văn chương của ông, đó từng là chương trình thường hằng của Pavese. Ở nền tảng sự chú ý mà ông dành cho những cuốn sách của các nhà dân tộc học có các gợi ý của một sự đọc hồi trẻ: Cành vàng của Frazer, một tác phẩm từng rất nền móng đối với Freud, đối với Lawrence, đối với Eliot. Cành vàng là một dạng cuộc đi vòng quanh thế giới tìm nguồn gốc những hiến sinh người cùng các bữa tiệc lửa. Những chủ đề ấy sẽ quay trở lại trong các gợi nhớ huyền thoại trong Các đối thoại với Leucò, mà những trang về các nghi thức nông nghiệp và về những cái chết theo nghi thức đã chuẩn bị sẵn cho Vầng trăng và ngọn lửa. Với cuốn tiểu thuyết ấy, sự khai phá của Pavese được hoàn thành: được viết từ tháng Chín tới tháng Chạp năm 1949, nó được in vào tháng Tư năm 1950, bốn tháng trước khi tác giả tự sát, sau khi đã gợi lại trong một bức thư những hiến sinh người của người Aztèque.

Trong Vầng trăng và ngọn lửa, nhân vật xưng "tôi" quay trở lại các ruộng nho quê hương mình sau khi đã kiếm xong gia tài ở Mỹ; cái mà anh ta đi tìm không chỉ là kỷ niệm hay việc được tiếp nhận trở lại vào một xã hội, hoặc trả thù cho nỗi bần cùng thời trẻ; anh ta còn tìm cách biết xem vì lý do gì mà một tổ quốc lại là một tổ quốc, bí mật nối các địa điểm, các cái tên và các thế hệ lại với nhau. Không hề là ngẫu nhiên khi đó là một "tôi" không có tên: ấy là một đứa trẻ nhặt được, anh ta đã được nuôi lớn bởi những người nông dân nghèo để trở thành lao động tay chân với mức lương rất thấp; và anh ta đã trở thành đàn ông bằng cách di cư sang Mỹ, nơi hiện tại có ít rễ hơn, nơi ai cũng chỉ đi ngang qua và không phải để tâm tới cái tên của mình. Giờ đây, quay trở lại cái thế giới bất động vùng nông thôn của anh ta, anh ta muốn biết chất tối hậu của các hình ảnh cấu thành nên thực tại duy nhất của anh ta.

Cái nền định mệnh luận u tối của Pavese chỉ có tính cách ý luận ở tư cách là điểm hoàn tất. Vùng chập chùng đồi núi Hạ Piemonte nơi ông sinh ra ("Langa") lừng danh không chỉ vì những thứ rượu vang và nấm truýp của nó, mà còn vì các cơn tuyệt vọng như dịch bệnh tác động vào những gia đình nông dân. Người ta có thể nói rằng chẳng tuần nào mà các tờ nhật báo của Torino không đưa tin về một nông dân treo cổ hoặc nhảy xuống giếng, hoặc giả (như ở trường đoạn trung tâm của cuốn tiểu thuyết) đốt nhà mình với, bên trong, chính người đó, lũ thú của người đó và gia đình người đó.

Chắc chắn, Pavese không chỉ tìm trong dân tộc học chìa khóa cho niềm tuyệt vọng tự hủy ấy: khung cảnh xã hội của các thung lũng nơi khu đất nhỏ lạc hậu và những tầng lớp khác nhau của nó ở đây được trình hiện với ham muốn toàn diện của một tiểu thuyết tự nhiên luận (tức là thuộc một típ văn chương mà Pavese cảm thấy quá mức đối lập với típ văn chương của ông, tới nỗi nghĩ rằng mình có thể vạch đường biên giới các lãnh thổ của nó và nhập chúng vào cho mình). Tuổi trẻ của đứa bé vô thừa nhận là tuổi trẻ của một gia nhân ở nông thôn, lối nói mà ít người Ý biết nghĩa, trừ - chúng ta hy vọng chỉ còn trong vòng thật ít thời gian nữa - những cư dân của một số vùng nghèo khổ của Piemonte: ở một mức ở bên dưới lao động tay chân được trả lương, thằng nhóc làm việc ở chỗ một gia đình chủ đất nhỏ hoặc chủ vườn rau chỉ được nuôi ăn và được ngủ trong chuồng chó hay chuồng gia súc, cộng thêm một khoản rất nhỏ theo mùa hoặc theo năm.

Nhưng sự đồng hóa vào với một kinh nghiệm khác với kinh nghiệm của chính ông đến vậy đối với Pavese chỉ là một trong nhiều ẩn dụ cho chủ đề trữ tình thống trị của ông: cảm giác bị loại trừ. Những chương đẹp nhất của cuốn sách kể về hai ngày lễ: một ngày mà đứa bé trải qua, tuyệt vọng vì phải ở lại nhà, do nó không có giày, ngày còn lại là kinh nghiệm của chàng thanh niên, anh ta phải đánh xe đưa hai cô con gái của ông chủ đi. Trọng lượng tồn tại được ăn mừng và tràn rộng trong bữa tiệc, sự làm nhục về mặt xã hội, thứ tìm cách trả thù, làm sống động những trang ấy, trong đó được hòa lẫn vào với nhau nhiều bình diện hiểu biết đa dạng trên đó Pavese tiến hành nghiên cứu của mình.

Một nhu cầu biết đã thúc đẩy nhân vật chính quay trở lại vùng đất của anh ta; và hẳn chúng ta có thể phân biệt rõ ít nhất ba bình diện trên đó sự tìm kiếm được phát triển: bình diện của ký ức, bình diện của lịch sử, bình diện của dân tộc học. Điều đặc trưng cho vị thế của Pavese nằm ở chỗ trên hai bình diện sau (lịch sử-chính trị và dân tộc học), chỉ có duy nhất một nhân vật đóng vai trò của Virgil đối với người kể chuyện. Thợ mộc Nuto, người thổi kèn clarinet trong đội kèn đồng thành phố, là nhà Mác-xít của làng, người biết các bất công của thế giới và biết rằng thế giới có thể thay đổi, nhưng cũng tiếp tục tin vào các pha của Mặt Trăng như là điều kiện cần cho những công việc nông nghiệp khác nhau và vào các đống lửa của lễ giữa hè, chúng "đánh thức đất dậy". Lịch sử cách mạng và phản-lịch sử có tính cách huyền thoại-nghi thức, trong cuốn sách này, có cùng khuôn mặt, nói bằng cùng giọng. Một cái giọng vốn dĩ chỉ là tiếng ậm ừ giữa kẽ răng: Nuto là một hình tượng mà hẳn người ta không thể tưởng tượng khép kín, rụt rè và nhiều lảng tráng hơn. Chúng ta ở vào đối cực với mọi tuyên xưng lòng tin rành mạch; toàn bộ cuốn tiểu thuyết nằm trong các nỗ lực của nhân vật chính nhằm tìm cách làm được cho miệng của Nuto nói ra vài lời. Nhưng chỉ bằng cách đó thì Pavese mới thực sự nói.

Tông giọng của Pavese những lúc ông ám chỉ đến chính trị lúc nào cũng hơi quá gắt và thẳng thừng, như thể ông đang nhún vai, giống khi mọi sự đều đã được hiểu và chẳng ích gì nếu lãng phí các lời lẽ khác. Nhưng, thật ra, chẳng có gì đã được hiểu. Điểm nối giữa "chủ nghĩa cộng sản" của ông và việc ông thu về một quá khứ tiền sử và phi thời gian của con người còn xa mới được làm sáng tỏ. Pavese từng biết rõ rằng mình đang dụng những chất liệu bị hư hại nhất với văn hóa phản động của thế kỷ chúng ta: ông biết rằng nếu có một thứ với đó người ta không đùa được, thì đó chính là lửa.

Người quay trở lại vùng đất của mình sau chiến tranh ghi nhận các hình ảnh, đi theo sợi dây vô hình của các tương đồng. Những dấu hiệu của lịch sử (các xác chết ba ti dăng và phát xít mà dòng sông thảng hoặc vẫn còn chuyên chở dưới hạ lưu) và những dấu hiệu của nghi thức (các đống lửa đốt bụi cây mà mùa hè nào người ta cũng đốt trên đỉnh những ngọn đồi) đã đánh mất biểu nghĩa của chúng trong ký ức mong manh của những người cùng thời.

Santina, cô con gái của những người chủ, xinh đẹp và thiếu thận trọng, đã gặp phải kết cục như thế nào? Có thật đó từng là một gián điệp của phát xít hay cô gái từng đứng về phe các ba ti dăng? Không ai có thể nói chắc chắn về điều này, vì cái dẫn dắt cô là một sự buông mình đầy tăm tối vào những vòng xoáy của chiến tranh. Và đi tìm mộ cô chỉ là việc vô ích: sau khi xử bắn cô, những người ba ti dăng đã lấy cành nho bọc kín lấy cô rồi châm lửa đốt cái xác. "Vào lúc giữa trưa, cô chỉ còn là tro. Năm ngoái, hẵng còn dấu vết, hẳn người ta có thể nói rằng đó là nơi từng có một đống lửa của niềm vui."

Cao Việt Dũng dịch

chỉ cần nỗi buồn, nếu đúng là

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công