favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Thu 2024
Next

Henry James: Câu chuyện về một kiệt tác

22/10/2024 05:38

Tiếp tục chương trình Henry James (kỳ gần nhất ở kia) với một truyện ngắn thuộc thời kỳ đầu, "Câu chuyện về một kiệt tác" đăng trên hai số của tờ The Galaxy, vào tháng Hai năm 1868. Giờ đây, khi đã dựng tương đối đầy đủ các phần, đã có thể có một cái nhìn tổng quan vào tiến hóa - những tiếp nối, hoàn thiện, nhưng nhất là những đảo ngược, bỏ đi - của văn chương ấy.

(một tiến hóa khác)

 

CÂU CHUYỆN VỀ MỘT KIỆT TÁC

- Henry James

I

Không lâu hơn mùa hè năm ngoái, trong sáu tuần ở Newport, John Lennox đã đính hôn với cô Marian Everett đến từ New York. Ngài Lennox là một người goá vợ, sở hữu khối tài sản lớn, không con cái. Anh ba mươi lăm tuổi, có vẻ ngoài khá nổi bật, phong thái lịch lãm, kiến thức uyên bác, lối sống không có gì để chê cùng tính khí đã được tôi luyện qua một cuộc hôn nhân ngắn ngủi đầy sóng gió. Vì thế, xét về mọi mặt, người ta đều cho rằng cô Everett có một cuộc hôn nhân rất tốt và không hề thua thiệt trong vụ này.

Và cũng cần nói thêm rằng cô Everett, tương xứng, là một tiểu thư rất được săn đón – cô Everett xinh đẹp, người ta thường gọi cô như thế, nhằm phân biệt cô với vài người chị em họ kém sắc hơn, những người mà cô buộc phải dành thời gian ở bên để giữ phép lịch sự bởi cô không có mẹ hay chị em gái – và có thể đoán rằng điều này khiến cô hài lòng hơn là những cô gái trẻ tốt đẹp kia.

Thật ra, Marian Everett chẳng có một xu dính túi, nhưng cô được trời phú cho mọi nét duyên làm nên sức hút nơi một người phụ nữ. Cô, không thể phủ nhận, là cô gái quyến rũ nhất trong vòng giao thiệp của mình. Ngay cả một số phụ nữ lớn tuổi, từng trải, và vì đã có chồng nên được tự do hơn, cũng không bì được với sức hút mà cô có. Dù cố gắng học theo các nét thanh nhã xã giao từ những người chị có đầy đủ tự do, cô Everett vẫn hoàn toàn giữ vững phẩm giá và không đi chệch khỏi chuẩn mực của một thiếu nữ đoan trang. Cô thể hiện lòng tôn sùng gần như mộ đạo đối với gu thẩm mỹ  tinh tế, và cô nhìn sự ồn ào của nhiều bạn bè xung quanh với ánh mắt khiếp hãi. Không chỉ là cô gái thú vị nhất New York, cô còn là người không thể nào chê trách. Vẻ đẹp của Everett, có lẽ, sẽ gây tranh cãi, song chắc chắn không thể bị phủ nhận. Cô hơi thấp hơn so với chiều cao trung bình, với thân hình đầy đặn và tròn trịa; tuy nhiên, bất chấp vóc dáng đầy đặn dễ thương đó, các bước đi của cô lại vô cùng thanh thoát và linh hoạt. Bề ngoài, cô là một cô gái tóc vàng chính hiệu – tóc màu vàng ấm, đôi má ửng hồng như hoa mùa hạ, và nắng hè dường như đan vào mái tóc màu nâu hạt dẻ của cô. Các đường nét trên khuôn mặt cô không theo mẫu hình cổ điển, nhưng biểu cảm của chúng lại vô cùng dễ chịu. Trán cô thấp và rộng, mũi nhỏ, và miệng cô –những kẻ ghen ghét sẽ gọi là miệng rộng. Song chắc chắn cái miệng ấy có khả năng chưng ra vô vàn nụ cười, và khi cô mở miệng hát (tiếng hát ngọt ngào vô cùng), nó còn có thể phát ra một tràng âm thanh phong phú. Khuôn mặt cô có lẽ hơi tròn và vai có lẽ hơi cao nhưng, như tôi đã nói, tổng thể lại không có gì để phàn nàn. Tôi có thể chỉ ra hàng chục điểm thiếu hài hoà trong các đường nét trên khuôn mặt và hình thể cô, song hoàn toàn chẳng làm giảm đi ấn tượng mà chúng tạo ra. Có điều gì đó rất bất lịch sự và, thật sự, thiếu triết lý, khi cứ cố xác minh hoặc bác bỏ vẻ đẹp của một người phụ nữ qua từng chi tiết, và một người đàn ông chỉ nhận được những gì xứng đáng khi hiểu rằng, chính xác thì, việc tập hợp các đặc điểm khác nhau không tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Hãy dạt sang một bên, thưa các quý ông, để cô tự thể hiện. Ngoài vẻ đẹp ra, cô Everett còn toả sáng bởi tính cách tốt đẹp cùng cảm năng nhanh nhạy. Cô không bao giờ nói những lời gay gắt, cũng chẳng phẫn nộ với chúng; nhưng ngược lại, cô cũng rất ưa sự thông minh sắc sảo và thậm chí còn cố gắng trau dồi điều đó. Điều đáng quý nhất nơi cô nằm ở việc cô không bao giờ giả bộ hay đòi hỏi. Cũng như vẻ đẹp của cô không có chút nào là giả tạo, sự sắc sảo của cô không có chút nào là học thức rởm và sự hoà nhã của cô không có chút nào là sướt mướt. Vẻ đẹp thì mang lại cảm giác tươi mới, còn các phẩm chất kia lại cho thấy tất thảy bonhommie1.

John Lennox thấy cô, rồi yêu cô và cầu hôn cô. Khi chấp nhận lời cầu hôn này, cô Everett đã có được – trong mắt mọi người, lợi thế duy nhất mà cô thiếu – một vị thế ổn định và vững chắc. Bạn bè của cô không khỏi hài lòng khi so sánh tương lai tươi sáng và sung túc ấy của cô với quá khứ từng khá bấp bênh. Lennox, dù thế nào, vẫn nhận được lời chúc mừng từ các bên, nhưng không bao giờ nhiều hơn sự tin tưởng và trông đợi của mình. Còn cô Everett thì không phải trải qua thử thách quá khắt khe, mặc dù cô cũng hay được những người quen đạo mạo nhắc nhở rằng cô nên hàm ơn sự lựa chọn của ngài Lennox. Trước những lời ấy, Marian chỉ lắng nghe với vẻ khiêm tốn đầy nhẫn nại, làm cô càng thêm duyên dáng. Dường như vì anh, cô có thể chấp nhận cả những thứ nhàm chán như vậy.

Trong vòng hai tuần sau khi lễ đính hôn được công bố, cả hai trở lại New York. Lennox sống ở một căn nhà riêng, mà giờ đây anh phải bận rộn tân trang vì đám cưới đã được ấn định vào cuối tháng Mười. Cô Everett thì sống ở phòng trọ cùng với cha, một ông lão già khọm suốt ngày chà xát đôi bàn tay nhàn rỗi của mình trong nỗi ngày đêm mong mỏi hôn lễ của con gái.

John Lennox, vốn là một người đa tài, thích đọc sách, thích âm nhạc, thích giao du và không ngại tham gia vào các vấn đề chính trị, đã trải qua những tuần đầu thu với tâm trạng bồn chồn lo lắng. Khi một người đàn ông bước vào tuổi trung niên, anh ta hẳn thấy khó khăn để khoác lên mình trạng thái đính hôn một cách thanh lịch và duyên dáng. Anh ta sẽ thấy khó khi thực hiện một cách nhanh nhẹn những petits soins2 đi kèm với cương vị này. Đối với những người từng biết anh, có nét gì đó nghiêm túc đến thảm thương trong sự quan tâm của Lennox. Một phần ba thời gian, anh dành để lang thang tìm kiếm khắp Broadway, và cứ khoảng sáu lần một tuần lại trở về, tay xách đủ loại trang sức cùng các thứ đồ nhỏ xinh, song lần nào anh cũng thấy thật trẻ con và thô thiển nếu đem chúng tặng cho người yêu của mình. Một phần ba thời gian khác, anh dành ở phòng khách của ông Everett, suốt thời gian đó Marian không tiếp ai. Thời gian còn lại, anh bảo một người bạn, “Chúa mới biết làm gì.” Cái câu ấy dữ dội hơn nhiều so với những gì bạn anh mong đợi, bởi Lennox vốn không phải người nói năng khinh suất và cũng không dễ bộc phát cảm xúc. Rõ ràng anh đang yêu say đắm; hoặc chí ít cũng đang mất kiểm soát vì tình.

“Khi ở bên cô ấy mọi thứ đều ổn,” anh tiếp tục, “nhưng khi xa cô ấy, tôi có cảm giác như mình bị văng khỏi thế giới của những người đang sống.”

“Thôi nào, cậu phải kiên nhẫn chứ,” người bạn đáp, “cậu vẫn còn phải đối diện với nhiều thử thách khác nữa cơ mà.”

Lennox im lặng, gương mặt ủ rũ quá mức chịu đựng của người bạn.

 “Mong là không có khó khăn gì đặc biệt chứ?” người bạn lên tiếng, cố gắng khơi chuyện để Lennox trút bớt gánh nặng lòng.

“Đôi khi tôi sợ… tôi sợ cô ấy không thật sự yêu tôi.”

“Ừ thì, chút nghi ngờ tí ti cũng chẳng gây hại gì. Thế còn tốt hơn việc chắc chắn quá rồi đâm ra mê muội. Chỉ cần cậu chắc chắn rằng cậu yêu cô ấy là được.”

“Đúng vậy,” Lennox đáp, nghiêm nghị, “đấy mới là điều quan trọng nhất.”

Một sáng nọ, khi không thể tập trung vào đống sách vở và tài liệu, anh bỗng nảy ra ý tưởng giết thời gian trong vòng một tiếng.

Tại Newport, anh đã làm quen với một nghệ sĩ trẻ tên là Gilbert, người mà anh rất ưng tài năng cùng lối trò chuyện. Người hoạ sĩ trẻ, khi rời Newport, dự định sẽ tới Adirondacks và trở lại New York vào ngày đầu tiên của tháng Mười; anh đã khẩn khoản mời bạn mình ghé chơi sau đó.

Chính vào buổi sáng mà tôi nhắc đến kia, Lennox chợt nghĩ Gilbert hẳn đã trở lại thành phố và đang ngóng chuyến thăm của mình. Thế là anh lập tức đến studio của Gilbert.

Danh thiếp của Gilbert treo trên cửa, nhưng, khi bước vào phòng, Lennox thấy bên trong có người lạ – một chàng trai trẻ mặc đồ thợ vẽ, đang cắm cúi trước tấm panen lớn. Anh hay tin từ chàng trai rằng anh ta đang tạm thời chia sẻ không gian studio cùng Gilbert, và rằng Gilbert đã ra ngoài được một lát. Lennox vì thế đợi bạn mình quay về. Anh bắt chuyện với chàng trai trẻ và nhận thấy anh ta rất thông minh, đồng thời vì có vẻ là chỗ thân tình của Gilbert nên anh nhìn chàng trai với chút quan tâm. Chàng trai chưa đầy ba mươi, cao lớn vạm vỡ, có gương mặt mạnh mẽ, vui tươi, giàu cảm xúc cùng bộ râu dày màu nâu đỏ. Lennox bị ấn tượng bởi gương mặt ấy, nó vừa thể hiện sự khôn ngoan sâu sắc của con người, vừa phản ánh một bản tính hoạ sĩ.

“Một người có khuôn mặt như thế,” anh tự nhủ, “hẳn phải có các tác phẩm rất đáng ngắm nhìn.”

Vì vậy anh hỏi chàng trai xem liệu anh có thể xem các bức tranh của anh ta không. Chàng trai nhanh chóng đồng ý, và Lennox tiến tới chỗ bức vẽ.

Bức vẽ tái hiện nửa thân trên của một người phụ nữ, trong lớp trang phục cùng biểu cảm mơ hồ đến mức Lennox không thể xác định đây là một bức chân dung hay là một tác phẩm tưởng tượng: một phụ nữ trẻ với mái tóc sáng màu, vận một chiếc váy thời trung cổ sang trọng, và trông như một quý cô thời Phục hưng. Đường nét của nàng nổi bật trên nền thảm tối màu, tay khoanh hờ, đầu ngẩng cao và đôi mắt nhìn thẳng như thể đang tiến lại gần người thưởng thức – “Dans un flôt de velours trainant ses petits pieds3.”

Khi Lennox ngắm gương mặt nàng, anh cảm thấy dường như có nét tương đồng ngầm với một gương mặt mà anh rất quen – gương mặt của Marian Everett. Dĩ nhiên, anh rất muốn biết sự tương đồng ấy là tình cờ hay cố ý.

“Tôi cho rằng đây là một bức chân dung,” anh nói với người hoạ sĩ, “một bức chân dung có tính cách.”

“Không,” người hoạ sĩ trả lời, “đây chỉ là một sự tổng hợp lại: một chút từ chỗ này và một chút từ chỗ khác. Bức tranh đã ở bên tôi suốt hai ba năm qua, như một chỗ chứa các ý thừa. Nó đã kinh qua rất nhiều lý thuyết và thử nghiệm. Nhưng có vẻ nó đã sống sót sau tất cả. Tôi đoán nó hẳn có một sức sống nhất định.”

“Anh có gọi nó bằng cái tên nào không?”

“Tôi gọi tên nó theo ý mà tôi từng đọc… một bài thơ của Browning, “Nữ công tước cuối cùng của tôi”. Anh có biết không?

“Hoàn hảo.”

“Tôi không rõ liệu đó có phải nỗ lực biểu hiện ấn tượng của nhà thơ về một  chân dung có thật hay không. Nhưng sao tôi phải quan tâm chứ? Tôi chỉ cố tái hiện cảm nhận của riêng mình về bài thơ, một bài thơ luôn có sức hút mạnh mẽ đối với trí tưởng tượng của tôi. Tôi chẳng biết liệu nó có giống với cảm nhận của anh hay cảm nhận của hầu hết độc giả khác hay không. Tôi cũng chẳng đóng đinh cái tên này; người sở hữu bức tranh có thể  tuỳ ý trao tên mới cho nó.”

Càng nhìn bức tranh lâu Lennox càng thích nó, và dường như sự tương đồng giữa biểu cảm của người phụ nữ trong tranh với hình ảnh mà anh đã hình dung về nữ anh hùng trong những dòng thơ của Browning càng trở nên sâu sắc. Anh cũng cảm thấy sự tương đồng giữa gương mặt của Marian và gương mặt người phụ nữ trong tranh không hề là ngẫu nhiên. Anh nghĩ tới tuyệt tác của nhà thơ vĩ đại cùng ý nghĩa tinh tế của nó, cũng như việc diện mạo của người phụ nữ anh yêu được chọn làm đại diện hoàn hảo nhất để thể hiện ý nghĩa ấy.

Anh quay mặt đi, mắt rưng rưng. “Nếu tôi sở hữu bức tranh này,” cuối cùng anh nói, đáp lại lời người hoạ sĩ, “tôi thèm được gọi bức tranh theo tên của một người mà nó gợi cho tôi nhớ đến nhiều nhất.”

“Ồ?” Baxter nói; và rồi, sau khoảng ngừng, “một người ở New York à?”

Một tuần trước, theo ý của người yêu, cô Everett đã cùng anh đến tiệm chụp ảnh và chụp hàng chục tấm ảnh với các kiểu tạo dáng khác nhau. Bản xem trước được gửi về nhà để Marian chọn. Cô lựa ra khoảng sáu tấm – thực chất Lennox lựa giúp cô – và anh đã bỏ chúng vào túi với dự định sẽ ghé tiệm để đặt in.

“Tôi thấy có nét tương đồng,” anh nói, “giữa Nữ công tước của anh và cô gái trẻ này.”

Người hoạ sĩ nhìn tấm ảnh. “Nếu tôi đoán không lầm,” anh ta nói, sau quãng ngừng, “cô gái trẻ này chính là cô Everett.”

Lennox gật đầu xác nhận.

Người hoạ sĩ còn im lặng thêm một lúc, chăm chú ngắm tấm ảnh với vẻ hứng thú; song, Lennox nhận thấy, anh ta không hề đối chiếu nó với bức tranh của mình.

“Nữ công tước của tôi hẳn có vài điểm giống với cô Everett, nhưng tôi không hẳn cố ý,” anh ta nói. “Tôi bắt đầu vẽ bức tranh trước khi tôi gặp cô Everett. Cô ấy, như anh thấy – hoặc như anh biết – có một khuôn mặt rất duyên dáng, và trong vài tuần ngắn ngủi được gặp cô, tôi vẫn tiếp tục thực hiện bức tranh của mình. Anh biết đấy, cách mà hoạ sĩ làm việc – cách mà mọi nghệ sĩ làm việc: họ tuyên bố quyền sở hữu của mình ở bất cứ nơi nào họ tìm thấy nguồn cảm hứng. Những gì tôi tìm thấy nơi diện mạo của cô Everett phù hợp với mục đích của mình, tôi không ngần ngại đưa nó vào tranh; đặc biệt khi gương mặt ấy là sự hiện thực hoá hoàn hảo những gì tôi vốn loay hoay tìm kiếm. Nữ công tước là một người Ý, theo tôi hình dung; và nàng có mái tóc vàng. Làn da của cô Everett có sắc ấm và độ dày đặc trưng của người miền Nam, cùng với các đường nét khuôn mặt nở và đầy thường gặp ở phụ nữ Ý. Anh thấy đó, sự tương đồng chủ yếu nằm ở dáng vẻ hơn là biểu cảm. Dù vậy, tôi rất tiếc nếu bản sao này lại vô tình hé lộ nguyên mẫu.”

“Tôi không chắc,” Lennox nói, “liệu có ai khác ngoài tôi nhận ra điều ấy không. Tôi vinh hạnh,” anh nói thêm, sau quãng ngập ngừng, “được đính hôn với cô Everett. Vậy nên, thứ lỗi cho tôi hỏi liệu anh có định bán bức tranh này không?”

“Bức tranh được bán rồi, cho một quý cô,” người họa sĩ đáp lại với nụ cười, “một quý cô độc thân, rất hâm mộ Browning.”

Lúc này Gilbert quay lại. Hai người bạn chào nhau, rồi người hoạ sĩ kia lui vào xưởng vẽ gần đó. Sau một hồi trò chuyện về những gì đã xảy ra với mỗi người kể từ lần gặp cuối, Lennox nhắc đến người họa sĩ đã vẽ chân dung Nữ công tước cùng tài năng đáng kinh ngạc của anh ta, anh tỏ ra ngạc nhiên vì trước đây chưa từng nghe danh người họa sĩ này, và cũng không hiểu tại sao Gilbert lại chưa từng nhắc đến nhân vật ấy.

“Cậu ấy tên là Baxter – Stephen Baxter,” Gilbert nói, “cho đến khi cậu ấy trở về từ châu Âu hai tuần trước, tôi cũng chẳng biết gì nhiều về cậu ấy hơn cậu. Đấy là một trường hợp tiến bộ đáng kinh ngạc. Tôi gặp cậu ấy ở Paris vào năm 1862; khi đó  hoàn toàn chẳng làm nên trò trống gì. Vậy mà chỉ trong một khoảng thời gian, cậu ấy đã học hỏi và tạo ra được các tác phẩm như cậu thấy bây giờ. Khi đến New York, cậu ấy không tìm được xưởng vẽ đủ lớn để làm việc. Còn tôi, với những bức phác thảo nhỏ, chỉ cần một góc là đủ, nên tôi ngỏ ý mời cậu ấy dùng ba góc còn lại cho đến lúc tìm được chỗ ưng ý hơn. Khi cậu ấy bắt đầu mở những bức tranh của mình ra, tôi mới ngỡ ngàng rằng mình đã vô tình tiếp đón một thiên tài.”

Gilbert sau đó liền mở cho Lennox xem một loạt các bức chân dung mà Baxter vẽ, cả chân dung nam và nữ. Mỗi tác phẩm càng củng cố thêm ấn tượng của Lennox về tài năng của người hoạ sĩ. Anh quay lại nhìn bức tranh trên giá vẽ. Marian Everett hiện ra trong tiếng gọi thầm lặng nơi anh, đôi mắt cô dịu dàng và đượm nỗi u hoài sâu lắng.

“Cậu ta có thể nói gì tùy thích,” Lennox nghĩ, “nhưng sự tương đồng, ít nhiều nằm ở biểu cảm. Gilbert,” anh nói thêm, muốn kiểm chứng mức độ tương đồng ấy, “bức tranh có gợi cho cậu nhớ đến ai không?”

“Tôi biết,” Gilbert đáp, “bức tranh gợi cho cậu nhớ đến ai mà.”

“Cậu công nhận không?” 

“Họ đều đẹp và đều có mái tóc màu nâu hạt dẻ. Đó là tất cả những gì tôi thấy.”

Lennox cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Anh khó tránh khỏi cảm giác khó ở – cảm giác ấy hoàn toàn không mâu thuẫn với niềm tự hào và thoả mãn ban đầu – khi nghĩ về việc những nét quyến rũ độc đáo của Marian đã thu hút sự chú ý của một ai khác ngoài mình. Anh nhẹ lòng vì có thể kết luận rằng người họa sĩ chỉ bị ấn tượng bởi phần nông nhất nơi diện mạo của cô, và chính trí tưởng tượng mới bổ khuyết nốt phần còn lại. Anh chợt nảy ra một ý, khi đi bộ về nhà, là nhờ chàng hoạ sĩ trẻ tài năng vẽ chân dung Everett, hẳn sẽ là cách bày tỏ xứng đáng với vẻ đẹp của cô. Mối quan hệ giữa họ cho đến nay vẫn chỉ là một chuyện tình cảm thuần khiết, và anh đã rất cẩn trọng để không có vẻ như kẻ tầm thường, chỉ biết mang đến những thứ xa xỉ và tiêu khiển. Thực tế, cho đến lúc này, trong mắt vợ tương lai anh vẫn chỉ là một người đàn ông bình thường, chứ chưa phải triệu phú. Anh đã cùng cô cưỡi ngựa, đã tặng cô hoa, và đã cùng cô đi nghe opera. Song anh chưa từng tặng cô những viên kẹo đường, cũng chưa từng đánh cược với cô, hay tặng cô trang sức. Các cô bạn của cô Everett phê bình việc đến tận bây giờ anh vẫn chưa tặng cho cô một chiếc nhẫn đính hôn, dù là nhẫn ngọc trai hay kim cương. Marian, tuy nhiên, khá hài lòng. Cô, bản chất, là một nghệ sĩ tuyệt vời trong sự mise en scène4 cảm xúc, và bản năng cô mách bảo sự tiết chế không hoa mỹ này chỉ là biểu hiện trái ngược của một sự phong phú hôn nhân. Trong nỗ lực đảm bảo rằng mối quan hệ giữa anh và cô Everett không bị nhuốm màu bởi hoàn cảnh tài sản của bất kỳ bên nào, Lennox hiểu rất rõ bản năng của mình. Anh hiểu rằng một ngày nào đó anh sẽ cảm thấy thôi thúc mãnh liệt và không thể cưỡng lại việc tặng cho người yêu một món quà thể hiện tình cảm của anh một cách sáng rõ và đầy tính nghệ thuật, và món quà của anh sẽ càng có giá trị hơn khi nó là độc nhất vô nhị. Giờ đây, anh cảm thấy thời cơ đã đến. Có món quà nào tinh tế hơn việc mang đến cho người vợ cơ hội, bằng sự kiên nhẫn và thiện chí của mình, giúp chồng sở hữu một bức chân dung hoàn hảo của gương mặt cô?

Tối hôm đó, Lennox dùng bữa tối với cha vợ tương lai, theo thói quen mỗi tuần một lần.

“Marian,” anh nói, trong bữa tối, “sáng nay anh đã gặp một người bạn cũ của em.”

“Ồ,” Marian đáp, “là ai thế?” 

“Cậu Baxter, họa sĩ.”        

Marian hơi biến sắc; thực ra, đấy là phản ứng tự nhiên của sự kinh ngạc thành thực.

Sự kinh ngạc của cô, tuy vậy, không đến nỗi quá lớn, vì cô bảo rằng đã biết tin anh ta trở về Mỹ trên một tờ báo và cũng biết việc Lennox giao du với các nghệ sĩ. “Em hy vọng cậu ấy vẫn ổn,” cô nói thêm, “và thuận buồm xuôi gió.”

“Con quen biết quý ông này ở đâu vậy, con yêu?” ông Everett hỏi. 

“Con gặp cậu ấy ở châu Âu hai năm trước…lần đầu ở Thuỵ Sĩ vào mùa hè, rồi sau đó ở Paris. Cậu ấy là họ hàng xa của bà Denbigh.” Bà Denbigh là người mà Marian đã sống cùng trong một năm ở châu Âu – một góa phụ giàu có, không con cái, lại là bạn cũ của mẹ cô. “Cậu ấy còn tiếp tục vẽ không anh?”

“Có vẻ là vẫn, và cậu ta vẽ rất đẹp. Cậu ta có hai hoặc ba bức chân dung vô cùng xuất sắc như những gì người ta có thể mong đợi. Hơn nữa, cậu ta còn có một bức tranh làm anh nhớ đến em.” 

“Có phải là bức “Nữ công tước cuối cùng” không?” Marian hỏi, xen chút tò mò. “Em rất muốn xem bức đó. Nếu anh thấy nó giống em, John, anh nên mua nó ngay.”

“Anh đã định mua, nhưng bức tranh được bán mất rồi. Em biết gì về nó sao?”

“Vâng, qua chính Baxter. Em đã thấy bức tranh trong giai đoạn phác thảo, lúc ấy nó chẳng có gì giống với em mường tượng. Em đã làm bà Denbigh sốc khi nói với cậu ấy rằng em mừng vì đó là bức tranh cuối cùng cậu ấy vẽ. Thực ra, nhờ bức tranh mà bọn em mới quen nhau.”

“Chứ không phải ngược lại à,” ông Everett nói một cách hài hước.

“Ngược lại là sao ạ?” Marian hỏi ngây thơ. “Lần đầu con gặp Baxter là tại một bữa tiệc ở Rome.”

“Anh tưởng em nói rằng em gặp cậu ta lần đầu ở Thuỵ Sĩ,” Lennox nói.

“Không, ở Rome đấy. Chỉ hai ngày trước khi chúng em đi. Cậu ấy được giới thiệu với em mà không biết em đang ở cùng bà Denbigh, và cũng không hề biết bà ấy đã có mặt trong thành phố. Cậu ấy rất ngại tiếp xúc với người Mỹ. Điều đầu tiên cậu ấy nói với em là trông em rất giống một bức tranh cậu ấy đang vẽ.”

“Rằng em là sự hiện thực hoá các lý tưởng của cậu ấy, vân vân.”

“Chính xác, nhưng không phải với giọng sướt mướt như thế. Em đã dẫn cậu ấy đến gặp bà Denbigh; họ phát hiện ra họ là anh chị em họ đời thứ sáu của nhau; cậu ấy đến thăm chúng em ngay ngày hôm sau và nài nỉ chúng em đến thăm xưởng vẽ của cậu ấy. Đó là một nơi tồi tàn. Em nghĩ cậu ấy rất nghèo. Ít nhất thì bà Denbigh đã đề nghị cho cậu ấy một ít tiền, và cậu ấy không ngần ngại nhận nó. Bà ấy cố gắng lựa lời rằng, nếu muốn, cậu ấy có thể vẽ cho bà một bức tranh như một cách đền đáp. Cậu ấy bảo sẽ làm thế  khi có thời gian. Sau đó, cậu ấy đến Thụy Sĩ, và mùa đông tiếp theo, chúng em gặp lại cậu ấy ở Paris.”

Nếu Lennox gợn chút hồ nghi nào về mối quan hệ giữa cô Everett và người họa sĩ, thì cách cô kể câu chuyện đã hoàn toàn xóa tan mối hồ nghi đó. Ngay lập tức, anh đề xuất rằng, không chỉ vì tài năng xuất sắc của chàng trai trẻ, mà còn bởi anh ta đã quen với gương mặt của cô, nên họ có thể mời người hoạ sĩ vẽ chân dung cho cô.

Marian đồng ý không do dự song cũng không quá hứng thú, và Lennox đề xuất mong muốn của mình với người họa sĩ. Người họa sĩ yêu cầu một hoặc hai ngày để suy nghĩ, và sau đó đã phản hồi (qua thư) rằng anh ta rất vui lòng nhận lời thực hiện công việc này.

Cô Everett đã hy vọng, từ việc kết nối lại với mối quan hệ cũ, Stephen Baxter sẽ đến thăm cô, qua sự giới thiệu của người yêu cô. Thực tế, anh ta đã đến, nhưng tới một mình, vào lúc Marian không có nhà, nên anh ta đã không quay lại lần nào nữa. Buổi gặp đầu tiên được ấn định bởi Lennox. Người hoạ sĩ vẫn chưa có xưởng riêng, Lennox nhiệt tình mời anh ta dùng tạm một căn phòng rộng rãi và sáng sủa trong nhà mình, vốn được dự định làm phòng bi-a, song vẫn chưa sửa sang. Lennox không đưa ra bất cứ yêu cầu nào về bức chân dung, anh để cho mọi người tự quyết vụ tư thế và trang phục. Anh nhận thấy người hoạ sĩ rất quen với các “điểm nổi bật” của Marian, và anh hoàn toàn tin tưởng vào gu thẩm mỹ của cô.

Cô Everett tới vào buổi sáng đã hẹn, được cha hộ tống, ông Everett – người rất tự hào khi làm mọi thứ theo đúng lễ nghi – trước hết đã tự giới thiệu bản thân với hoạ sĩ. Sau đó họa sĩ và Marian có một cuộc trao đổi xã giao ngắn gọn, rồi họ bắt tay vào việc. Cô Everett luôn tỏ ra sẵn lòng đáo ứng những mong muốn và ý thích của Baxter, nhưng đồng thời cũng không ngần ngại thể hiện rõ ràng quan điểm của mình về những gì nên làm và không nên làm.

Chàng trai trẻ không ngạc nhiên khi thấy các quan điểm rất đứng đắn cùng các mong muốn của cô hoàn toàn đúng ý anh. Anh sẽ không phải nhượng bộ trước những định kiến cứng nhắc và phi lý, cũng như không phải hy sinh những ý định tốt đẹp của mình cho thói phù phiếm thiển cận.

Việc cô Everett có phù phiếm hay không không cần bàn tới ở đây. Điều quan trọng là cô đủ thông minh để nhận ra rằng một bức tranh chỉ đạt được giá trị cao nhất nếu nó được xem là tốt từ góc nhìn của chính người họa sĩ, bởi đó là mục đích chính yếu của hội hoạ.

Tôi cũng muốn nói thêm, để ghi nhận những phẩm chất tuyệt vời của cô, rằng cô hoàn toàn hiểu rằng một bức tranh được thực hiện bởi các thôi thúc của lòng si mê sẽ có giá trị nghệ thuật lớn tới mức nào, chỉ khi đó nó mới không biến thành trò đùa hay một sự giễu nhại trước tồn tại của lòng mê ấy; và rằng bản năng cô cũng biết việc không có gì làm nguội tắt ngọn lửa sáng tạo của một nghệ sĩ nhanh hơn sự can thiệp từ những lợi ích phi lý, bất kể đó là lợi ích dành cho chính anh ta hay lợi ích dành cho người khác.

Baxter làm việc dứt khoát và nhanh gọn, chỉ sau vài giờ, anh cảm thấy mình đã dần hoàn thiện bức tranh. Ông Everett, ngồi bên cạnh, gần như sắp trơ ra; ông nghĩ mình cần có trách nhiệm khiến cho buổi vẽ trở nên thú vị hơn bằng những câu chuyện nghệ thuật tầm thường. Nhưng Marian vui vẻ đảm nhận vai đối thoại của người hoạ sĩ, giúp anh ta không bị phân tâm.

Buổi gặp tiếp theo được ấn định vào hôm sau. Marian mặc chiếc váy mà cô đã thống nhất với hoạ sĩ, và trong chiếc váy đó, lẫn trong cách cô tạo tư thế, mọi yếu tố “hoa mỹ” đều được nghiêm cẩn tiết chế. Cô đọc được trong ánh mắt Baxter rằng anh  thấy cô vô cùng lộng lẫy; cô cũng nhận ra các ngón tay của anh rất nôn nóng được vẽ. Song cô cố ý cho người gọi Lennox tới, viện cớ muốn hỏi ý anh về chiếc váy của cô. Váy của cô màu đen, và anh có thể sẽ không ưng màu ấy. Anh đến, và trong ánh mắt ấm áp của anh, cô cảm nhận một sự tán thưởng còn rõ ràng hơn cả Baxter. Anh rất hào hứng với chiếc váy đen, vì thực ra nó càng chứng thực và tôn thêm – như một sự phản đối trầm lặng song đầy từ mẫu – vẻ đẹp không tuổi của cô gái trẻ.

“Tôi mong anh sẽ tạo nên một kiệt tác,” anh nói với Baxter.

“Yên tâm đi,” người họa sĩ đáp, gõ nhẹ vào trán mình. “Trong đây cả rồi.”

Vào buổi thứ hai này, ông Everett, vốn đã kiệt sức vì cơn căng não từ hôm trước, lại được ườn mình trên chiếc ghế thoải mái, đã chìm vào giấc ngủ yên bình. Hai người kia ngồi trong im lặng, lắng nghe nhịp thở đều của ông; Marian kiên nhẫn nhìn vào bức tường đối diện, còn chàng trai trẻ thì vô thức đưa mắt qua lại giữa dáng ông và bức tranh. Cuối cùng, anh ta lùi lại vài bước để ngắm toàn bộ tác phẩm. Marian di chuyển ánh mắt, và chạm phải ánh nhìn của người hoạ sĩ.

“Thưa cô Everett,” người họa sĩ cất lời, giọng hẳn sẽ run lẩy bẩy nếu anh không cố hết sức giữ bình tĩnh.

“Vâng, thưa ngài Baxter,” cô gái trẻ đáp.

Hai người nhìn nhau thật lâu, ánh mắt đầy kiên định, cuối cùng nở một nụ cười – một nụ cười gợi nhớ đến tiếng cười nổi tiếng của hai thiên thần đứng sau ban thờ trong ngôi đền.

“Vâng, thưa cô Everett,” Baxter đáp, quay lại bức tranh, “đúng là đời.”

“Chắc là vậy,” Marian trả lời. Sau một lúc im lặng, cô tiếp: “Sao anh không đến thăm tôi?”

“Tôi đã đến, nhưng cô không có nhà.”

“Sao anh không quay lại lần nữa?”

“Thế thì có ích gì, cô Everett?”

“Vì phép lịch sự thôi. Chúng ta biết đâu đã làm lành.”

“Chúng ta có vẻ đã làm lành rồi đấy.”

“Ý tôi là “về mặt hình thức”.”

“Thật vô lý. Cô không thấy trực giác của tôi đúng đến mức nào sao? Cuộc gặp của chúng ta lẽ ra có thể dễ dàng biết bao nhiêu. Tôi cam đoan rằng bất cứ cuộc trò chuyện nào về quá khứ, kèm những lời đảm bảo hay xin lỗi qua lại, đều sẽ khiến tôi khó chịu.”

Cô Everett ngước mắt khỏi sàn nhà và nhìn thẳng vào người bạn với ánh nhìn xoáy sâu, nửa trách móc: “Vậy thì, quá khứ ấy,” cô hỏi, “thật sự khó chịu đến thế cơ à?”

Baxter nhìn cô, nửa kinh ngạc. “Trời đất!” anh thốt lên, “Đương nhiên là có rồi.” Cô Everett cụp mắt xuống và giữ im lặng.

Tôi nên tận dụng khoảnh khắc này, để nhanh chóng làm rõ cho độc giả về các sự kiện mà cuộc trò chuyện phía trên ám chỉ.

 

 

Cô Everett nhận thấy trong hoàn cảnh này, xét cho cùng, việc không tiết lộ toàn bộ câu chuyện về mối quan hệ giữa cô và Stephen Baxter cho vị hôn phu là lựa chọn khôn ngoan; và khi tôi bổ sung các sự kiện, độc giả có lẽ sẽ thông cảm với sự thận trọng của cô.

Như cô đã kể, cô gặp chàng trai trẻ lần đầu ở Rome, và chỉ sau hai cuộc gặp  ngắn ngủi, cô đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng anh. Anh sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để được gặp lại cô Everett. Vì vậy, cuộc hội ngộ của họ ở Thụy Sĩ không hoàn toàn là ngẫu nhiên; hơn nữa, việc Baxter sắp xếp buổi gặp mặt lần này càng dễ dàng hơn khi anh có thể vin vào mối quan hệ họ hàng xa với bà Denbigh, người quen của Marian. Được bà cho phép, anh đã nhập hội, đi cùng họ, dừng khi họ dừng và không ngừng tỏ ra quan tâm, chăm sóc một cách hết sức lịch thiệp. Chưa đầy một tuần, bà Denbigh, vốn cả tin và tốt bụng, đã rất hoan hỉ khi thấy mình có một người em họ vô giá. Nhờ vào bản chất dễ tính, cộng với thói thờ ơ và ít vận động do các cơn đau kéo dài, bà trở thành nhân vật mờ nhạt trong khoảng thời gian mà hai người đồng hành của bà dành cho nhau. Những giờ phút tuyệt diệu ấy trôi qua như thế nào, không khó để hình dung. Cuộc tán tỉnh diễn ra giữa khung cảnh lãng mạn bậc nhất châu Âu, dường đã nắm nửa phần thắng. Vẻ thanh nhã của Marian càng được đôn lên bởi niềm thoả thuê mà sự nhạy bén bẩm sinh trước cái đẹp tự nhiên mang lại cho cô khi chiêm ngưỡng dãy Alps hùng vĩ. Chưa bao giờ trông cô rạng rỡ đến thế, cũng chưa bao giờ cô cảm thấy hoàn toàn tự do, cởi mở và hân hoan đến vậy. Lần đầu tiên trong đời, cô chinh phục trái tim của một người mà không hề hay biết. Cô trao trái tim mình cho những ngọn núi và hồ nước, cho tuyết trắng vĩnh cửu và những thung lũng thanh bình, song Baxter, đứng bên cạnh, đã âm thầm chộp lấy nó. Anh cảm thấy chuyến ngao du Thuỵ Sĩ mà anh ấp ủ từ lâu trở nên tuyệt vời và ý nghĩa hơn nhiều nhờ cô Everett – nhờ sự đồng cảm nữ tính trào dâng bên tai, mát lành và trong trẻo như suối nguồn giữa núi rừng. Ôi! Giá như cái nuôi dưỡng sự đồng cảm ấy không phải là những lớp tuyết vĩnh cửu! Và vẻ đẹp của cô – vẻ đẹp không ngừng toả sáng – là nguồn mê bất tận. Cô Everret thật sự hợp với không gian phòng khách, đến nỗi người ta dường như cho rằng chỉ ở đó cô mới nổi bật Nhưng thực tế, như Baxter nhận ra, cô trông vẫn đủ cuốn hút trong dáng vẻ mà các quý cô thường gọi là “thảm hại” – tức là làn da rám nắng, quần áo lấm bụi, mệt mỏi vì nóng bức, nhưng lại phấn chấn và đói bụng – để tránh mọi sự so sánh ác ý.

Cuối ba tuần, vào buổi sáng khi họ đứng bên bờ một dòng thác đổ, cao trên những khum xanh của các ngọn đồi, Baxter cảm thấy một thôi thúc thổ lộ khó cưỡng. Tiếng ầm ầm của thác nước át đi mọi âm thanh; vì thế, anh đã lấy cuốn sổ vẽ phác thảo ra và viết ba từ ngắn gọn trên một trang trắng. Anh đưa cuốn sổ cho cô. Cô đọc, sắc mặt biến chuyển đầy quyến rũ, thoáng nhìn về phía anh. Cô liền xé trang giấy:

“Đừng xé!” chàng trai trẻ kêu lên.

Cô hiểu ý anh qua cử động môi và lắc đầu mỉm cười. Tuy nhiên, cô cúi xuống, nhặt một viên đá nhỏ, bọc nó trong mảnh giấy, rồi định ném vào dòng thác.

Baxter, băn khoăn, đưa tay định giật lại. Cô chuyền sang tay kia và đưa cho anh bàn tay mà anh vừa cố chộp lấy.

Cô ném mảnh giấy đi, nhưng để anh giữ tay cô.                                                                                                

Baxter còn thời hạn một tuần, và Marian đã biến khoảng thời gian đó thành những ngày vô cùng hạnh phúc. Bà Denbigh thấy mệt; họ nghỉ chân, và không có gì ngăn cản hai người ở bên nhau. Họ đã trò chuyện rất nhiều về tương lai đằng đẵng phía trước, và khi đã rời xa khỏi âm thanh của thác nước, họ nhanh chóng đồng thuận sẽ hướng tới tương lai ấy cùng nhau.

Thật không may khi cả hai đều nghèo. Họ quyết định, trước tình cảnh ấy, sẽ không đả động tới lời hứa hẹn cho đến khi Baxter, bằng cách chăm chỉ, có thể tăng thu nhập của mình lên ít nhất bốn lần. Quyết định ấy thật tàn nhẫn, song cần thiết, và Marian không phàn nàn. Thời gian sống ở châu Âu đã làm phong phú thêm nhận thức của cô về các nhu cầu vật chất của một người phụ nữ xinh đẹp, và rất tự nhiên khi cô chẳng muốn bập vào cuộc hôn nhân với một chàng nghệ sĩ nghèo rớt sau những kinh nghiệm ấy. Sau một thời gian, Baxter lên đường đến Đức và Hà Lan, những nơi anh muốn thăm thú để học hỏi. Còn bà Denbigh cùng người đồng hành trẻ tuổi thì đến Paris để trú qua mùa đông. Đến giữa tháng Hai, Baxter, sau khi kết thúc chuyến thăm nước Đức, đã hội ngộ với họ ở Paris. Trong thời gian xa cách, anh  nhận được năm lá thư ngắn từ Marian, tràn đầy cảm xúc. Mặc dù số lượng thư không nhiều, chàng trai trẻ vẫn cảm nhận được sự ngọt ngào tinh tế, một lòng chung thủy thầm lặng nơi người yêu. Cô chào đón anh với tất cả chân thành và dịu dàng mà anh xứng đáng nhận được, cô chăm chú lắng nghe với niềm thích thú khi anh kể về những tiến triển trong sự nghiệp. Anh đã bán được ba bức vẽ phong cảnh nước Ý và thu thập được một bộ sưu tập các phác thảo vô giá. Anh đang trên đà thẳng tiến tới giàu sang và danh vọng, nên chẳng cớ gì mà họ không thể công bố chuyện đính hôn. Thế nhưng Marian lại phản đối – phản đối quyết liệt, với những lý do khá vô lý, khiến giữa họ nảy sinh một cuộc tranh cãi căng thẳng. Stephen rời đi, trong lòng đầy bực bội và hoang mang. Ngày hôm sau, khi anh đến thăm, cô báo ốm nên không thể gặp; rồi liền hai ngày tiếp theo, vẫn chẳng có cuộc gặp nào. Đến tối ngày thứ ba, sau khi tới nhà bà Denbigh mà vẫn không gặp được Marian, anh tình cờ nghe thấy tên cô được nhắc trong một bữa tiệc lớn. Người đưa chuyện là hai phụ nữ lớn tuổi. Khi dỏng tai nghe ngóng cuộc chuyện mà họ không hề có ý định giữ kín ấy, anh phát hiện ra rằng người yêu của anh đang bị tố là đã đùa cợt với tình cảm của một chàng trai trẻ bất hạnh – đứa con độc nhất của một trong hai bà. Dường như có tương đối bằng chứng để củng cố cho lời tố đó. Baxter trở về nhà, la mort dans l'àme5, và vào ngày hôm sau lại đến thăm bà Denbigh. Marian vẫn ở rịt trong phòng, song bà chủ nhà đã tiếp đón anh. Stephen rất lo lắng nhưng vẫn giữ được sự sáng suốt và bắt đầu khéo léo đặt các câu hỏi cho bà. Bà Denbigh, với sự rề rà thường thấy, hoàn toàn không nhận ra mối quan hệ thực sự giữa hai người trẻ tuổi.

“Em rất tiếc phải nói rằng,” Baxter bắt đầu, “tối qua em đã nghe người ta tố cô Everett có những hành động rất đáng buồn.”

“Ôi, trời ơi, Stephen,” người họ hàng của anh đáp, “đừng nhắc lại chuyện đó nữa. Mùa đông này, chị đã phải liên tục bênh vực và biện minh cho hành động của con bé. Thật khó khăn. Đừng bắt chị lặp lại nữa. Cậu hiểu con bé rõ như chị mà. Con bé chỉ thiếu thận trọng một chút thôi, nhưng chị biết nó hối hận rồi, và thực ra, thoát khỏi chuyện này cũng là sự tốt. Cái cậu kia hoàn toàn chẳng phải một chàng trai đáng mơ ước gì.”

“Người phụ nữ mà em nghe được chuyện này,” Stephen nói, “đã hết lời ca ngợi chàng trai đó. Dĩ nhiên, cuối cùng mới lộ ra, người phụ nữ ấy chính là mẹ của cậu ta.”

“Mẹ á? Em nhầm. Mẹ cậu ta đã mất cách đây mười năm rồi.”

Baxter khoanh tay, cảm thấy cần phải giữ vững tinh thần.

Allons6,” anh nói, “chị đang nói ai thế?”

“Thì cái cậu King chứ còn ai.”

“Trời ơi,” Stephen kêu lên. “Vậy là có tới hai người sao?”

“Gì thế, rốt cuộc em đang nói ai vậy?”

“Một cậu tên Young nào đó. Mẹ cậu ta là một quý bà lớn tuổi duyên dáng, tóc bạc xoăn ấy.” 

“Ý em là có chuyện gì giữa Marian và Frederic Young sao?”

Voila! Em chỉ muốn nhắc lại những gì mình nghe được thôi. Em cứ tưởng, chị Denbigh thân mến, chị phải là người biết rõ chứ.”

Bà Denbigh lắc đầu chán nản. “Chị thật sự không biết,” bà nói. “Chị chịu thua. Chị chẳng dám phán xét. Cách ứng xử của bọn trẻ bây giờ khác xa so với thời của chị. Chẳng hiểu chúng cố tình hay vô tình nữa.”

“Ít nhất, chị có biết việc cậu Young đã từng đến phòng khách của chị chưa?

“À, có chứ, cậu ta thường xuyên ghé thăm. Chị rất tiếc chuyện Marian trở thành chủ đề đàm tiếu. Điều đó khiến chị rất khó chịu. Nhưng một người phụ nữ ốm yếu thì biết làm gì bây giờ?” 

“Vậy,” Stephen nói, “chuyện cậu Young đã hòm hòm rồi. Thế còn cậu King.” 

“Cậu King về nhà rồi. Thật tiếc khi cậu ta rời đi.” 

“Ý chị là sao?” 

“Ôi, cậu ta đúng là ngốc. Cậu ta chẳng hiểu gì về các cô gái trẻ cả.”

“Thế á,” Stephen nói, vẻ đầy biểu cảm như các bản nhạc vẫn diễn tả, “cậu ta có thể rất thông minh mà vẫn chẳng hiểu chuyện ấy à?”

“Không phải Marian không khéo. Con bé chỉ muốn tỏ ra hoà nhã, nhưng lại đi quá giới hạn. Con bé vô tình quyến rũ người ta mà không hề hay biết. Đến khi nhận ra thì cậu ta đã bắt nó phải chịu trách nhiệm rồi.” 

“Cậu ta có đẹp trai không?” 

“Cũng tàm tạm.” 

“Còn về tiền bạc thì sao?” 

“Chị nghĩ cậu ta rất giàu.” 

“Thế còn người kia?” 

“Người nào… Marian?” 

“Không, không; cậu Young ấy.” 

“À, cũng khá đẹp trai.” 

“Và giàu?” 

“Đúng thế, chị nghĩ cậu ta cũng giàu.”

Baxter im lặng một lúc. “Và chẳng còn nghi ngờ gì nữa,” anh tiếp lời, “về việc cả hai người đó đều mê mệt?”

“Chị chỉ có thể nói về cậu King thôi.”

“Ta có hai triệu phú trẻ tuổi, đẹp trai và đang đắm say cuồng nhiệt. cô từ chối cả hai. cô chẳng màng đến ngoại hình hay sự giàu có.”

“Chị đâu có nói thế,” bà Denbigh minh mẫn đáp. “Con bé đâu chỉ quan tâm những thứ đó không. Con bé cần tài năng, và nhiều thứ khác nữa. Bây giờ, chỉ cần em giàu thôi, Stephen…” bà nói thêm một cách ngây thơ.

Baxter cầm mũ lên. “Nếu muốn cầu hôn cô Everett,” anh nói, “tuyệt nhiên không được nhắc quá nhiều đến cậu King và cậu Young.”

Hai ngày sau cuộc trò chuyện đó, anh đã trực tiếp gặp cô gái trẻ. Có thể độc giả sẽ không mấy thiện cảm bởi sự tự tin dễ lay chuyển của chàng trai trẻ, song anh thực sự không thể xem nhẹ những hé lộ có phần nông nổi ấy. Đối với anh, tình yêu là lòng si mê, trong khi đối với cô, anh buộc phải tin rằng, nó chỉ là trò giải trí. Anh là người nóng nảy; và thường đi thẳng vào vấn đề.

“Marian,” anh nói, “em đang lừa dối anh.”

Marian hiểu rất rõ ý anh; cô cũng hiểu rằng mình đã chán ngấy cuộc đính hôn này, và dù hành động của cô có thể chẳng gây lỗi gì lớn lắm đối với ngài Young hay ngài King, nhưng chắc chắn lại là một sự phản bội nghiêm trọng đối với Baxter. Cô thấy dường như tai hoạ đã ập xuống và cuộc đính hôn của họ hoàn toàn tanh bành. Cô biết Stephen sẽ chẳng chấp nhận bất cứ lời biện hộ hay chối cãi nửa vời nào; còn cô thì chẳng có gì khác để nói. Dù nói trăm điều như thế cũng không thể tạo ra một lời thú tội hoàn hảo. Vì vậy, cô không cố cứu vãn cái tương lai mà cô không mấy thiết tha nữa, mà chỉ nỗ lực giữ lại phẩm giá của mình.  Phẩm giá của cô tạm thời được bảo toàn bởi sự điềm tĩnh pha chút giễu cợt vốn có. Nhưng chính vẻ thản nhiên có phần lỗ mãng ấy đã để lại trong tâm trí Stephens ấn tượng về sự vô cảm và hời hợt, điều mà, ít nhất trong mắt anh, sẽ vĩnh viễn phá hủy mọi giá trị hay uy tín thực sự cô có thể có. Cô phủ nhận mọi quyền hạn của chàng trai trẻ trong việc yêu cầu cô giải thích cũng như quyền được can thiệp vào cách cô hành xử; cô gần như dự đoán được việc anh sẽ đề nghị chấm dứt mối quan hệ đính ước giữa họ. Cô thậm chí còn từ chối cả việc lấy nước mắt ra làm lý lẽ. Trong tình cảnh đó, dĩ nhiên, cuộc gặp chẳng kéo dài được lâu.

“Anh thấy em,” Baxter nói, khi đứng ở ngưỡng cửa, “là người phụ nữ hờ hững và vô tâm nhất mà anh từng gặp.”

Anh lập tức rời Paris và đến Tây Ban Nha, nơi anh trú lại đến đầu mùa hè. Vào tháng Năm, bà Denbigh cùng protégé8 của bà đã đến Anh, nơi bà có nhiều mối quen nhờ chồng, và cũng là nơi vẻ đẹp độc đáo so với người Anh của Marian khiến cô được ngưỡng mộ vô cùng. Đến tháng Chín, họ lên tàu sang Mỹ. Như vậy, khoảng một năm rưỡi đã trôi qua kể từ lúc Baxter chia tay cô Everett cho đến khi họ gặp lại nhau ở New York.

Trong thời gian này, vết thương của chàng trai trẻ đã kịp lành. Nỗi muộn phiền của anh, dù mãnh liệt, nhưng cũng chóng qua, và khi lấy lại được sự bình thản vốn có, anh thấy nhẹ nhõm vì chỉ phải trải qua một cơn đau lòng thoáng chốc. Khi bình tâm nghiệm lại các ấn tượng về cô Everett, anh nhận ra cô khác xa với mẫu hình phụ nữ mà anh mong muốn, và thực ra cô cũng chưa bao giờ là lựa chọn thực sự của anh. “Tạ ơn Chúa,” anh tự nhủ, “kết thúc rồi. Cô ta thực sự quá hời hợt. Cô ta rỗng tuếch, tầm thường và thô thiển.” Những lời lẽ anh dành cho cô trước đây có chút gì đó vội vàng và sốt sắng, một thứ tình cảm giả tạo và không thật trong niềm si mê tự huyễn. Nửa phần là do khung cảnh, do thời tiết, do sự sắp đặt tình cờ, và trên hết, là bởi vẻ đẹp như tranh vẽ của cô gái trẻ. Đấy là chưa kể tới sự dung túng gần như vẽ đường cho hươu chạy cùng thói rề rà của bà Denbigh tội nghiệp. Và khi ở Madrid, gần như bị thôi miên bởi tranh của Velasquez, anh đã gạt phăng Everett khỏi tâm trí.  Tôi không có ý coi đánh giá của anh ta về cô Everett là kết luận cuối cùng; nhưng ít nhất đó cũng là một nhận xét thành thực. Hơn nữa, khi còn đắm chìm trong ảo tưởng tình cảm, anh đã hết lòng ca ngợi vẻ đẹp và sự duyên dáng của cô, điều ấy đã cho anh quyền – ngay khi tỉnh táo lại – thẳng thắn đánh giá các khía cạnh khô khan trong tính cách cô. Cô Everett có thể dễ dàng buộc tội anh bất công và tàn nhẫn, nhưng thực tế đứng về phía anh, rằng anh luôn coi sự thật lên trên hết. Mặt khác, Marian lại hoàn toàn dửng dưng. Lời quở trách từ Stephen về hành động cô gây ra chẳng thể lay động tâm hồn lạnh lùng và khép kín của cô dù chỉ một chút.

Độc giả giờ có thể hình dung phần nào cảm xúc của hai người bạn cũ khi họ gặp lại nhau. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng thời gian trôi qua đã làm cho những xúc cảm ấy phai lạt nhiều. Một người phụ nữ, theo tôi, không thể có một người bầu bạn nào thoải mái – không thấy khó xử cũng không gây khó xử – hơn một người tình cũ đã hết say mê; dĩ nhiên, với điều kiện, cảm xúc ấy phải thực sự tan biến, và đã có một khoảng thời gian đủ lâu kể từ khi nó kết thúc.

Marian hoàn toàn thoải mái. Cô giữ được sự bình thản – có thể gọi đấy là triết lý sống của cô – trong cuộc gặp cuối đầy đau đớn đó, nên chẳng có lý do gì để đánh mất nó lúc này. Cô không còn chút oán hận nào đối với người tình cũ. Những lời sau rốt của anh – giống như tất tật những lời khác trong mắt Marian – chỉ là façon de parter9 mà thôi. Cô Everett đã quá vui vẻ trong những ngày cuối cùng của thời con gái đến nỗi không còn gì trong quá khứ mà cô không thể tha thứ.

Cô hơi đỏ mặt trước sự nhấn mạnh trong lời nhận xét của người bạn cũ; song cô không hề bối rối. Cô nhanh chóng lấy lại vẻ vui tươi của mình. “Thực ra, ngài Baxter ạ,” cô nói, “bây giờ tôi đã cảm thấy hoàn toàn hòa hợp với thế giới; tôi nhìn mọi thứ qua lăng kính màu hồng, cả quá khứ lẫn tương lai.”

“Tôi, cũng, đang rất hòa hợp với thế giới đây,” Baxter nói, “và trái tim tôi đã hoàn toàn chấp nhận cái mà cô gọi là quá khứ. Thế nhưng, việc nghĩ đến nó vẫn làm tôi cảm thấy khó chịu.”

“Àa, vậy thì,” cô nói, giọng ngọt ngào, “Tôi e là ngài vẫn chưa thực sự chấp nhận được đâu.”

Baxter cười lớn đến nỗi cô Everett phải ngó sang cha mình. Nhưng ông Everett vẫn đang say giấc nồng. “Tôi không nghi ngờ gì,” họa sĩ nói, “việc tôi không phải một người Cơ Đốc thuần thành như cô đây. Nhưng tôi thật sự rất vui khi chúng ta gặp lại.”

“Chỉ cần anh mở lời là chúng ta lại làm bạn mà,” Marian nói.

“Thật dại khi chúng ta cứ cố trở thành cái gì đó khác.”

“Dại à, đúng thế. Nhưng cũng là một cái dại đẹp chứ.”

“À không, cô Everett ạ. Tôi là một nghệ sĩ, và tôi mới có quyền hạn với từ “đẹp”. Cô không nên cắm từ ấy vào đây. Sao lại gọi là đẹp khi nó có kết thúc xấu xí như thế cơ chứ. Mọi sự đều là giả trá.”

“Ừ…như anh muốn thôi. Anh đã làm gì từ lúc chúng ta chia tay?” 

“Đi thăm thú và làm việc. Tôi tiến bộ rất nhiều trong nghề. Ngay trước khi trở về, tôi đã đính hôn.”

“Đính hôn á?... à la bonne heure10. Cô ấy có tốt không? Có đẹp không?

“Không đẹp bằng cô.”

“Nói cách khác là tốt hơn tôi gấp bội. Tôi thật sự hy vọng là thế. Nhưng sao anh  để cô ấy lại?”

“Cô ấy đang ở cùng chị gái bị bệnh nặng, cần nguồn nước khoáng của sông Rhine. Họ muốn ở lại đó cho đến khi trời chuyển lạnh. Hai tuần nữa họ về, và chúng tôi sẽ lập tức cử hành hôn lễ.”

“Tôi thật tâm mừng cho anh,” Marian nói.

“Cho phép tôi cũng có vinh dự được chúc mừng, thưa ngài,” ông Everett lên tiếng khi vừa tỉnh giấc, theo một lối rất bản năng mỗi khi câu chuyện chuyển sang phần trang trọng.

Cô Everett chỉ dành thêm ba buổi gặp nữa với hoạ sĩ, vì phần lớn bức tranh được thực hiện nhờ việc tham khảo các tấm ảnh. Trong những lần gặp này, ông Everett vẫn có mặt và bị cơn buồn ngủ chiếm cứ khi ngồi ở vị trí dành cho mình, còn cả hai người đều đủ tinh tế để không nhắc đến mối quan hệ cũ và chỉ trò chuyện về các vấn đề ít tính cá nhân hơn.

II

Một buổi chiều nọ, khi bức tranh gần như hoàn thành, John Lennox bước vào phòng vẽ trống để xem qua tiến độ. Cả Baxter và Marian đều không muốn anh xem bức tranh ở giai đoạn đầu, vì thế đây là lần đầu tiên anh được chiêm ngưỡng nó. Nửa tiếng sau khi anh vào phòng, Baxter bước tới, không báo trước, và thấy anh đang ngồi trầm ngâm trước bức tranh. Baxter được giao cho một chìa khoá nhà để có thể chủ động ra vào làm việc bất cứ khi nào nổi hứng vẽ.

“Tôi đi ngang qua,” người hoạ sĩ nói, “và không thể cưỡng lại được ý muốn vào sửa một lỗi mà tôi mắc phải sáng nay, khi cảm giác về sự nghiêm trọng của nó vẫn còn rõ ràng trong tâm trí.”

Anh ngồi xuống làm việc, còn người kia đứng yên quan sát.

“Vậy,” cuối cùng, người họa sĩ nói, “anh thấy sao, hài lòng chứ?”

“Chưa hẳn.”

“Nói rõ những điểm anh chưa ưng đi. Anh có thể giúp tôi cải thiện đấy.”

“Cũng khó chỉ rõ là gì. Nhưng trước tiên, phải nói là tôi cực kỳ ngưỡng mộ tác phẩm của anh. Tôi chắc chắn đây là bức tranh xuất sắc nhất anh từng vẽ.”

“Tôi cũng thành thật tin là thế. Một số phần của bức tranh,” Baxter nói, “thực sự xuất chúng.”

“Điều đó là hiển nhiên. Nhưng chính những phần ấy, hay những phần khác, lại gây khó chịu. Tôi biết từ đó không giống phê bình đúng nghĩa; nhưng tôi trả tiền để được phép thẳng thắn. Chúng quá cứng, quá mạnh, và quá thật tới mức trần trụi. Ngắn gọn thì, bức tranh của anh làm tôi sợ, và nếu tôi là Marian, tôi sẽ cảm thấy dường như anh đang gây tổn thương cho tôi.”

“Tôi xin lỗi vì sự khó chịu đó; nhưng tôi muốn tất tật đều phải thật. Tôi theo đuổi hiện thực; anh hẳn cũng đã thấy.”

“Tôi đồng ý với anh; tôi không thể không ngưỡng mộ những kỹ thuật dứt khoát và rõ ràng mà anh đã áp dụng để đạt được hiện thực ấy. Song anh có thể vẫn thật mà không cần phải tàn nhẫn đến thế…không cần phải cố, như người ta thường nói, để trở nên quá thực.”

“Tôi không cho rằng mình tàn nhẫn. Tôi e rằng, thưa ngài Lennox, tôi đã không chọn đúng hướng để làm ngài hài lòng. Tôi đã quá aux sérieux11 với bức tranh này. Tôi đã cố gắng quá nhiều để hoàn thiện nó. Nhưng nếu nó không khiến ngài hài lòng, thì chắc chắn nó sẽ làm người khác hài lòng thôi.”

“Tôi chẳng nghi ngờ điều ấy. Nhưng vấn đề không phải vậy. Bức tranh này đủ tốt để có thể xuất sắc hơn rất nhiều lần.”

“Chắc chắn bức tranh còn nhiều chỗ phải cải thiện, tôi không phủ nhận; và, ở một số chi tiết, tôi biết cách làm nó tốt hơn. Song, về cơ bản, nó hoàn chỉnh rồi. Tôi sẽ cho ngài biết điều ngài chưa nói được. Tác phẩm của tôi không “cổ điển”; nói cách khác, tôi không phải là một người có thiên tài.”

“Không, tôi e là anh có đấy. Nhưng, như anh nói, tác phẩm của anh không cổ điển. Tôi vẫn giữ nguyên từ “tàn nhẫn”. Để tôi nói cho anh biết nhé? Nó quá nặng tính nghiên cứu. Anh đã khiến cô Everett trông như một người mẫu chuyên nghiệp.”

“Nếu đúng là thế thì tôi đã quá sai lầm rồi. Chưa bao giờ có một người mẫu nào dễ chịu và tự nhiên đến thế. Thật thích thú khi được nhìn cô ấy.”

“Chết tiệt, anh cũng đã thể hiện hết sự tự nhiên của cô ấy rồi. Thôi, tôi không biết vấn đề nằm ở đâu nữa. Tôi chịu thua.”

“Tôi nghĩ,” Baxter nói, “ngài nên giữ ý kiến của mình lại cho đến khi bức tranh hoàn thành. Yếu tố cổ điển đã có ở đây rồi, tôi chắc chắn; nhưng tôi chưa làm nổi nó lên thôi. Chờ thêm vài ngày nữa đi, nó sẽ hiện ra.”

Lennox để người họa sĩ lại một mình; anh ta cầm cọ và miệt mài vẽ cho đến khi trời tối. Chỉ khi không còn đủ ánh sáng để nhìn rõ, anh mới đặt cọ xuống. Khi anh ra về, Lennox tình cờ gặp anh ở hành lang.

Exegi monumentum12,” Baxter nói; “hoàn thành rồi. Cứ tự nhiên mà thưởng thức. Ngày mai tôi sẽ quay lại để nghe cảm nhận của anh.”

Chủ nhà, khi người kia đã rời đi, thắp sáu ngọn đèn rồi quay lại phòng để ngắm bức tranh. Bức tranh trở nên thật phi thường dưới bàn tay can thiệp của người hoạ sĩ, và có thể, như Baxter nói, yếu tố cổ điển trong tranh dường như đã tự bộc lộ, hoặc có lẽ Lennox đang ở trong tâm trạng dễ cảm nhận hơn; giờ đây, nó hiện lên trước mắt anh vừa độc đáo vừa bề thế, một chân dung thực thụ, một dụng công tái hiện khuôn mặt và đường nét con người. Đây đúng là Marian, chân thật, và Marian đang kiên nhẫn liệu chừng và quan sát. Vẻ đẹp của cô hiện diện, sự ngọt ngào, nét thanh xuân rực rỡ cùng vẻ thanh nhã thoát tục, tất tật đều được khoá lại mãi mãi, trở thành bất khả xâm phạm và bất diệt. Chẳng có gì đơn giản hơn ý tưởng và bố cục của bức tranh. Nhân vật ngồi đó một cách yên bình, hơi nhìn sang phải, đầu ngẩng cao và đôi bàn tay – đôi tay thuần khiết, không nhẫn hay vòng – thảnh thơi đặt trên đầu gối. Mái tóc vàng cuốn thành một búi nhỏ với những bím trên đỉnh đầu (theo kiểu thời thượng lúc bấy giờ), để lộ các công tua thơ trẻ của tai và má. Đôi mắt tràn ngập lòng thỏa mãn và ánh sáng, đôi môi hơi hé mở. Màu sắc bức vẽ thực tế không đa dạng, song những mảng drap tối màu lại phản chiếu ánh nắng, trong khi những vùng da hồng nhạt và phớt xanh lại thể hiện sự sống động và sức khỏe tràn trề. Tác phẩm vừa mạnh mẽ vừa đơn giản, đường nét hoàn toàn tự nhiên và không hề cứng nhắc, một sự thanh lịch tuyệt đối.

“Đây chính là những gì một nghệ sĩ phải làm,” Lennox ngẫm nghĩ. “Tất tật được hoàn thành vỏn vẹn có hai tiếng đồng hồ.”

Chắc chắn đó là Marian của anh, với toàn bộ những gì đã mê hoặc anh và vẫn tiếp tục quyến rũ anh mỗi khi anh nhìn cô: sự tự tin hấp dẫn, vẻ nhẹ nhàng tinh tế và những nét duyên dáng của phái nữ. Thế nhưng, càng ngắm, một ấn tượng đau đớn càng dâng lên trong ánh mắt anh, rồi lần lữa ở đó, và dần trở thành một sự nặng nề ghê gớm.

Lennox đã thực sự trở thành một người tình như bất cứ đàn ông nào có thể trở thành, song anh yêu bằng lòng thận trọng của mười lăm năm từng trải. Anh có cái nhìn thấu suốt và thích dùng nó. Nhiều lần, khi Marian, với đôi môi và ánh mắt hùng hồn, trút hết cả kho tàng trong tâm hồn vào lòng anh, anh đã nâng niu chúng trong tay, phủ lên chúng bằng nụ hôn và những thề ước nồng nàn; nhưng rồi anh bất chợt buông chúng ra với cơn rùng mình và thầm kêu thốt: “Nhưng hỡi ơi, trái tim đâu rồi?” Có lần, anh đã hỏi cô (dù có thể không mấy liên quan), “Marian, trái tim của em đâu?”

“Ở đâu – ý anh là sao?” Cô Everett nói.

“Anh nghĩ về em từ sáng đến tối. Anh ghép em lại và rồi tách em ra, giống như người ta thường làm trong trò chơi tạo từ từ các chữ cái cho sẵn. Nhưng lạ là luôn có một chữ cái bị thiếu. Anh không thể chạm vào trái tim em.”

“Trái tim của em, John ạ,” Marian thông minh đáp, “là cả từ. Trái tim em ở khắp mọi nơi.”

Điều này có lẽ đúng. Cô Everett đã rải đều trái tim mình ra khắp cơ thể, đến nỗi nơi vốn dành riêng cho nó lại thiếu vắng. Khi Lennox ngồi ngắm công trình tuyệt mỹ của Baxter, câu hỏi quen thuộc lại mấp mé trên môi; và nếu bức chân dung là nguồn cơn, thì chính nó lại chẳng thể trả lời – chỉ Marian mới trả lời được. Lennox cảm thấy như thể đã tồn tại một lực kỳ lạ khiến người tình của anh phải hé lộ hết những bí mật sâu kín nhất trong tâm hồn, và rồi viết chúng lên tấm toan bằng những nét vẽ chắc chắn nhưng đầy say mê. Marian rất nhẹ – sự cuốn hút nơi cô cũng nằm ở sự nhẹ đó; song có phải tâm hồn cô chỉ rặt niềm khinh bạc? Có phải cô là một người thiếu lòng tin, thiếu lương tâm? Nếu không, thì sự trống rỗng và vô hồn đáng sợ đã dập tắt ánh sáng trong đôi mắt cũng như lấy đi nụ cười trên môi cô mang ý gì? Những điều này thật khó để lảng tránh bởi ở nhiều khía cạnh, người họa sĩ đã rất công tâm. Anh ta vừa trung thực vừa thấu hiểu, hoàn toàn đồng cảm với nhân vật. Không có một chi tiết nào trên gương mặt cô gái trẻ bị xem nhẹ; mọi nét đặc trưng đều được anh ta khắc họa tinh tế và sinh động. Liệu có phải Baxter sở hữu sự thấu thị phi thường – một người quan sát siêu phàm; hay anh ta chỉ là một họa sĩ kiên nhẫn và vững vàng, tạo ra những tác phẩm vượt trên cả mức anh ta hiểu? Một họa sĩ bình thường lẽ ra chỉ cần vẽ cô Everett theo phong cách mạnh mẽ, đậm đà và khách quan như cách tác phẩm này thể hiện, mà không làm gì thêm. Nhưng rõ ràng, Baxter đã làm nhiều hơn thế. Anh ta không chỉ vẽ bằng hiểu biết, mà còn bằng tưởng tượng và cảm xúc. Anh ta gần như đã sáng tạo tác phẩm của mình, và sự sáng tạo chạm đến nguồn sự thật. Lennox không thể nào xóa bỏ những nghi ngờ trong lòng. Anh rất muốn tin rằng bức tranh không chứa đựng tưởng tượng nào khác ngoài những gì tâm trí anh tự tạo ra, và rằng vẻ ngọt ngào khó nắm bắt trong đôi mắt và đôi môi của hình ảnh kia chỉ đơn thuần là nụ cười của tuổi trẻ và thơ ngây. Anh trở nên rối bời – hoài nghi một cách vô lý và thất thường; anh tắt đèn và để bức chân dung lại trong bóng tối dịu dàng. Sau đó, một phần để bù đắp cho người yêu, và một phần khác để thoả lòng mình, anh lên gặp Marian rồi dành một giờ bên cô. Cô, ít nhất, như anh thấy, không hề do dự. Cô cho rằng bức chân dung hoàn toàn thành công và rất sẵn lòng được lưu danh hậu thế theo cách ấy. Tuy nhiên, khi Lennox bước vào, anh quay lại phòng vẽ để liếc thêm một lần nữa. Lần này, anh chỉ thắp một ngọn đèn. Trời ơi! Tệ hơn cả khi thắp chục ngọn đèn. Anh vội tắt ánh sáng đi.

Baxter đến vào ngày hôm sau, như đã hứa. Trong thời gian chờ, Lennox tội nghiệp đã có mười hai giờ đồng hồ suy ngẫm liên tục, và nét u sầu trong đôi mắt anh bây giờ rõ đến mức người họa sĩ nhận ra rằng nó không chỉ là sự công nhận đơn thuần dành cho tài năng của mình.

“Chẳng lẽ anh ta đang ghen?” Baxter thầm nghĩ. Stephen vốn chỉ định vẽ một bức chân dung đẹp, nên lương tâm anh không thể cho anh biết nguồn cơn phiền muộn của người kia. Tuy nhiên, anh bắt đầu thấy thương hại. Thực ra, ngay từ đầu, anh đã động lòng thương hại. Anh thích và kính trọng người đàn ông; anh đã coi đó là một người có lý trí và cảm xúc, và cảm thấy thật đáng tiếc khi một người như vậy – một người với những nhu cầu tinh thần mạnh mẽ – lại gắn đời mình vào Marian Everett. Nhưng rất nhanh chóng anh đi tới kết luận rằng Lennox hoàn toàn biết mình đang làm gì và không cần ai phải giải thích thêm. Anh ta kết hôn với đôi mắt tỉnh táo, đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa rủi ro và lợi ích. Mỗi người có thị hiếu riêng, và ở tuổi ba mươi lăm, John Lennox không cần ai nhắc nhở rằng cô Everett không hoàn thiện như những gì cô có thể trở thành. Baxter cho rằng người bạn này đã chủ ý chọn người vợ thứ hai chỉ cần xinh đẹp là đủ – một người có khả năng tiếp đãi khách khứa và dùng tiền của anh ta một cách hào nhoáng; anh không hề biết về sự nghiêm túc tình cảm mà người đàn ông tội nghiệp dành cho cô gái, cũng như hạnh phúc của anh gắn liền với thứ mà chàng họa sĩ sẽ gọi là ảo tưởng ra sao. Mối quan tâm duy nhất của anh là làm sao thực hiện công việc tốt nhất; và anh đã làm điều đó tốt hơn nhờ vào sự say mê từ trước với gương mặt mê hoặc của Marian. Rõ ràng anh đã truyền vào bức tranh của mình một lực đặc tả và chiều sâu hiện thực lập tức thu hút sự chú ý của  người bạn; nhưng anh làm nó hoàn toàn tự nhiên và không hề có ác tâm. Nửa phần nghệ sĩ trong con người Baxter chi phối mạnh mẽ phần còn lại của anh – nó được dung dưỡng từ những thất vọng và lớn lên bằng những niềm vui lẫn khổ đau của anh. Thực ra, điều này chỉ để nói rằng chàng trai trẻ ấy là một nghệ sĩ thực thụ. Sâu thẳm trong những góc khuất chưa được khám phá nơi tâm hồn mạnh mẽ và nhạy cảm, thiên tài của anh ta đã kết nối với trái tim và chuyển tải lên khung vải nỗi thất vọng cùng sự nhẫn nhục của nó. Kể từ sau mối quan hệ ngắn ngủi với Marian, Baxter đã gặp một cô gái trẻ mà anh cảm thấy có thể yêu và tin tưởng mãi mãi. Được tiếp thêm sức mạnh từ cảm xúc mới mẻ này, anh đã nhận ra rõ hơn những thiếu sót trong mối tình trước đây. Chính vì thế, anh đã vẽ với tất cả xúc cảm. Cô Everett chắc chắn không thể mong đợi anh làm khác. Anh chân thành nỗ lực hết mình, và niềm tin mãnh liệt đến không báo trước, khiến mọi thứ thực sự tốt hơn.

Lennox bắt đầu tò mò về mối quan hệ giữa người hoạ sĩ với vị hôn thê của mình; nhưng anh hoàn toàn không ghen. Bằng cách nào đó, anh biết mình sẽ không bao giờ ghen nữa. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về mối quan hệ trước đây của họ, anh cần phải đảm bảo không để chàng trai trẻ nghi ngờ rằng mình nhận thấy bất cứ sai sót căn bản nào trong bức chân dung.

“Có vẻ mối quen biết cũ của anh với Everett,” anh nói, thẳng thắn, “đã giúp ích cho anh rất nhiều nhỉ.”

“Tôi nghĩ đúng là thế,” Baxter đáp. “Thật ra, ngay khi tôi bắt đầu vẽ, gương mặt cô ấy đã hiện lên trong đầu tôi như một giai điệu nửa nhớ nửa quên. Lúc đó cô ấy trông rất xinh đẹp.”

“Trẻ hơn bây giờ hai tuổi.”

“Đúng vậy, và tôi cũng trẻ hơn hai tuổi. Anh hoàn toàn đúng. Tôi đã sử dụng những ấn tượng cũ của mình.”

Baxter sẵn lòng thừa nhận, nhưng anh quyết không tiết lộ bí mật mà Marian đã cố giữ kín. Anh không bất ngờ khi cô giấu người yêu về hôn ước trước đây; anh đã đoán được từ trước. Tuy nhiên, anh tin rằng việc cố đắp điếm cho sự thiếu sót của cô là chuyện không thể chấp nhận.

Các giác quan của Lennox trở nên nhạy bén hơn nhờ nỗi đau và sự nghi ngờ, và anh không thể không nhận ra trong ánh mắt của bạn mình ý định giữ bí mật. Anh quyết tâm làm sáng tỏ điều đó.

“Tôi tò mò muốn biết,” anh nói, “có phải anh từng yêu Everett không?”

“Tôi không ngần ngại trả lời là có,” Baxter đáp, nghĩ rằng một lời thú nhận chung chung sẽ có ích hơn một lời phủ nhận cụ thể. “Tôi cũng là một trong cả ngàn người, có lẽ vậy. Hoặc chỉ là một trong trăm người. Nhưng anh thấy đấy, tôi vượt qua rồi. Tôi đã đính hôn.”                                                                                                 

Sắc mặt Lennox bừng sáng. “Chính nó,” anh nói. “Giờ tôi biết điều khiến tôi không thích bức tranh của anh rồi, là điểm nhìn. Tôi không hề ghen,” anh nói tiếp. “Thật ra, tôi sẽ thích bức tranh hơn nếu tôi ghen. Rõ ràng là anh chẳng quan tâm gì đến cô gái tội nghiệp đó. Anh đã vượt qua tình yêu của mình quá dễ dàng. Anh yêu cô ấy, nhưng cô ấy lại thờ ơ với anh, và giờ anh đang trả thù.” Trong cơn thống khổ, Lennox đã tìm đến sự tức giận vô lý như một nơi trú ẩn.

Baxter cảm thấy bối rối. “Anh sẽ phải công nhận,” anh nói với nụ cười, “rằng đây là một sự trả thù rất đẹp.” Và tất cả lòng tự trọng nghề nghiệp của anh đã được khơi dậy. “Tôi đã vẽ cho cô Everett bức chân dung đẹp nhất từng có ở Mỹ. Cô ấy cũng khá thoả mãn.”

“Àa!” Lennox giả vờ điềm tĩnh; “Marian thật là độ lượng.”

“Vậy thì,” Baxter nói, “anh còn phàn nàn điều gì? Anh đang buộc tội tôi có hành vi xúc phạm, và tôi có quyền yêu cầu anh giải thích.” Baxter cũng đang tức khí, cùng với đó là lòng tự trọng gắn với giá trị của bức tranh. “Tôi đã làm sai lệch biểu cảm của cô Everett thế nào cơ? Tôi đã miêu tả cô sai à? Bức chân dung thiếu cái gì? Nét vẽ có xấu không? Có thô tục không? Có mơ hồ không? Có khiếm nhã không?” Sự kiên nhẫn của Baxter đã cạn kiệt vào giây phút anh liệt kê những cáo buộc ấy. “Thật vớ vẩn!” anh kêu lên; “chính anh cũng biết rõ như tôi rằng nó thật sự xuất sắc.”

“Tôi đâu có ý phủ nhận. Chỉ là tôi ngạc nhiên rằng Marian lại sẵn lòng đến chỗ anh.”

Thật đáng khen cho Baxter khi anh ta vẫn kiên quyết giữ lời hứa không tiết lộ bí mật của cô gái trẻ, và thà để Lennox nghĩ rằng mình là một kẻ yêu đơn phương bị từ chối chứ không phản bội cô.

“À, như anh nói đấy,” anh kêu lên, “cô Everett đã thật độ lượng!”

Lennox thật ngốc khi coi đó là một sự thừa nhận. “Khi tôi nói, ngài Baxter,” anh nói, “rằng anh đang trả thù, tôi không có ý quy rằng anh đã làm điều đó một cách tuỳ tiện hay có chủ đích. Bạn thân mến, làm sao mà tránh được cơ chứ? Nỗi thất vọng tỷ lệ thuận với sự mất mát và phản ứng lại chính nó.”

“Vâng, nghe có vẻ hay đấy; nhưng, tôi vẫn không hiểu mình đã sai ở đâu.”

Lennox đưa mắt nhìn từ chỗ Baxter sang bức tranh, rồi lại nhìn Baxter.

“Tôi thách anh chỉ ra đấy,” Baxter nói. “Tôi chỉ bếch nguyên vẻ quyến rũ ngoài đời của cô Everett đưa vào tranh thôi mà.”

“Quỷ tha ma bắt cái sự quyến rũ ấy đi!” Lennox kêu lên. 

“Nếu ngài không phải một quý ông, ngài Lennox ạ, chàng trai trẻ tiếp tục, “và tôi thì vẫn tin ngài là một quý ông, dù ngài có nóng tính đến thế nào, thì tôi đã nghĩ rằng ngài…”

“Anh nghĩ tôi thế nào?”

“Tôi nghĩ ngài chỉ đang cố hạ bệ giá trị của bức chân dung thôi.”

Lennox tỏ thái độ. Người còn lại bật cười lớn và cuộc tranh luận kết thúc. Baxter theo phản xạ cầm cọ vẽ lên, tiến về phía bức tranh với chút ý định mơ hồ muốn tìm ra chỗ còn thiếu sót, trong khi Lennox chuẩn bị rời đi.

“Gượm đã!” người họa sĩ nói khi Lennox đang rời khỏi phòng. “Nếu bức tranh thực sự khiến ngài khó chịu, tôi sẽ xóa bỏ nó. Chỉ cần ngài nói một câu thôi,” và anh cầm lấy một cây cọ lớn đã phủ sẵn sơn đen.

Nhưng Lennox lắc đầu dứt khoát rồi đi ra ngoài. Tuy nhiên, ngay sau đó, anh quay lại. “Anh có thể xóa nó đi,” anh ấy nói. “Bức tranh này, dĩ nhiên, đã thuộc về tôi.”

Nhưng lúc này Baxter lại lắc đầu. “À! Giờ thì quá muộn rồi,” anh đáp. “Cơ hội của ngài đã qua.”

Lennox đi thẳng đến căn hộ của ông Everett. Marian đang ở trong phòng khách với một vài vị khách tới thăm vào buổi sáng, và người yêu của cô ngồi đợi cho đến khi cô tiễn được họ đi. Khi chỉ còn hai người, Marian bắt đầu giễu những vị khách và bắt chước một số thói quen của họ với vẻ duyên dáng và sinh động mà cô rất biết. Song Lennox cắt lời cô và quay về chủ đề bức chân dung. Anh ngẫm lại về những sự bất bình của mình ngày hôm trước và nhận ra mình thực lòng thích nó.

“Nhưng anh lấy làm ngạc nhiên, Marian ạ,” anh nói, “khi em chấp nhận đến gặp cậu Baxter.”

“Tại sao vậy?” Marian hỏi, vẻ đề phòng, và cô quyết định sẽ không để lộ điều gì cho đến khi biết rõ anh nắm được bao nhiêu thông tin.

“Một người tình cũ luôn là mối nguy.” 

“Người tình cũ sao?” mặt Marian đỏ lựng. Nhưng cô nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. “Cho em hỏi anh nghe cái tin thú vị đó ở đâu vậy?”

"Ồ, vô tình lọt ra thôi,” Lennox đáp.

Marian ngập ngừng một chút. Rồi mỉm cười: “Thì, do em dũng cảm thôi,” cô nói. “Em đã bỏ đi.”

“Thế mà,” Lennox tiếp tục, “em không nói với anh?” 

“Nói với anh chuyện gì cơ, John yêu quý?”

“Về khối tình con của Baxter chứ còn gì nữa. Thôi nào, đừng khiêm tốn thế.”

Khiêm tốn sao! Marian thở phào. “Ý anh là sao, anh yêu, khi bảo vợ mình đừng khiêm tốn? Xin anh đừng hỏi em về mấy chuyện si mê của ngài Baxter. Em biết gì đâu?”

“Em thực sự không biết gì sao?” 

“Ôi, anh yêu, em biết nhiều đến mức phát bực nữa kìa. Nhưng cậu ấy đã vượt qua  rồi. Giờ cậu ấy còn sắp đính hôn đấy.”

“Đính hôn rồi, nhưng chưa dứt tình hẳn. Cậu ta là người chân thành, nhưng vẫn còn vương vấn lắm. Cậu ta đã cố hết sức để không làm bức tranh trông quá lãng mạn. Cậu ta vẽ em theo hình ảnh mà cậu ta mơ tưởng – cũng chính là hình ảnh cậu ta mong mỏi ở em; và cậu ta đã thêm vào ánh mắt em chút vẻ đẹp đạo đức theo tưởng tượng của mình, suýt thì làm hỏng hết cả. Trí tưởng tượng của Baxter không quá phong phú, và vẻ mặt đó thực ra chẳng thể hiện gì ngoài sự trống rỗng. May thay, cậu ta có tài năng xuất chúng và là một họa sĩ thực thụ, nên dù không ý thức được, cậu ta vẫn tạo nên một bức chân dung tuyệt đẹp.”

John Lennox phải viện đến những lý lẽ như vậy để che lấp cảm giác thật sự của mình. Nhưng khi một người đang yêu đã bắt đầu nghi ngờ thì chẳng phải muốn là hết được . Dù anh cố gắng hết sức để tin tưởng Marian như trước, để chấp nhận cô mà không gợn chút hoài nghi hay lấn cấn, anh vẫn không sao ngăn được nỗi ngờ vực và ác cảm âm ỉ trong lòng. Phép màu đã vỡ vụn, và một khi đánh mất thì không thể lấy lại được nữa. Lennox hơi lùi lại, quan sát gương mặt buồn bã của cô gái, cân nhắc từng lời cô nói, phân tích suy nghĩ và cố đoán xem động cơ của cô là gì.

Cách hành xử của Marian trong thử thách cam go này thực kiên cường. Cô cảm nhận được một sự thay đổi vi tế trong cảm xúc của người chồng tương lai, một sự thay đổi mà, dù không rõ nguyên nhân, rõ ràng đang đe dọa tương lai của cô. Có điều gì đó đã rạn nứt giữa họ; cô dường như mất đi một nửa sức ảnh hưởng của mình. Cô lo lắng khủng khiếp, lại càng lo hơn vì sự thâm sâu vượt trội của Lennox, điều mà cô luôn đánh giá cao, giờ đây có thể đang che giấu một kế hoạch táo bạo và đáng lo ngại. Liệu anh có đang nghĩ đến việc chấm dứt mọi thứ? Liệu anh có đang định tước khỏi tay cô cái chén ngọt ngào, cay nồng, thơm ngát của việc được trở thành phu nhân một triệu phú tốt bụng? Marian thoáng nhìn về quá khứ với chút run rẩy, tự hỏi có phải anh đã phát hiện thấy vết nhơ nào chăng. Thực ra cô có thể thách anh thử tìm ra. Cô đâu có làm gì sai trái. Tiểu sử của cô chẳng có vết nhơ nào rõ rệt. Dù đúng là có hơi ố màu bởi vài vụ mờ ám đạo đức, song so với các cô gái khác, cũng đâu tệ hơn là mấy. Cô chẳng quan tâm gì ngoài niềm vui; nhưng không phải đó cũng là điều các cô gái được dạy phải hướng đến à? Xét cho cùng, cô không thể yên lòng được sao? Cô tự nhủ là mình có thể; tuy nhiên cô vẫn cảm thấy rằng nếu John quyết hủy bỏ hôn ước, anh sẽ lấy lý do ở các quan điểm cao siêu trừu tượng, chứ không phải vì cô đã mắc lỗi lầm nào đó. Chỉ đơn giản là anh không còn yêu cô nữa. Và dù cô có cố thuyết phục rằng cô sẵn sàng bỏ qua và không đòi hỏi bất cứ tình cảm nào từ anh thì cũng vô ích. Thế nhưng, mặc cho nỗi sợ, cô vẫn tiếp tục mỉm cười và mỉm cười.

Thời gian trôi qua, và John đồng ý giữ nguyên hôn ước. Hôn lễ của họ chỉ còn một tuần nữa… sáu ngày, năm ngày, bốn ngày. Nụ cười của cô Everett dần tự nhiên hơn. John rõ ràng đang trải qua một cuộc khủng hoảng – khủng hoảng về đạo đức và trí tuệ, điều không thể tránh khỏi đối với người như anh, và cô không liên quan gì đến việc ấy. Đêm trước hôn lễ, anh tự hỏi về cảm xúc của chính mình; và nhận ra rằng trái tim anh không còn trẻ, cũng không còn khả năng chịu đựng những cơn si mê như trước. Anh quyết định gọi mọi thứ bằng đúng tên, thừa nhận với bản thân rằng mình đang kết hôn – không phải vì tình yêu, mà vì tình bạn, và có lẽ một phần cũng vì lý do thực tế. Bởi chỉ quan tâm những gì anh cho là lý tưởng cao đẹp hơn của Marian về vấn đề hôn nhân, anh đã không tiết lộ suy nghĩ thực tế của mình cho cô. Đó là giả thuyết của Marian.

Lennox chọn ngày cưới vào thứ Năm cuối cùng của tháng Mười. Hôm thứ Sáu trước đó, khi đang đi dạo trên Broadway, anh ghé qua Goupil để kiểm tra xem khung đặt cho bức chân dung của mình đã hoàn thành chưa. Bức tranh đã được chuyển đến cửa hàng, và theo yêu cầu của Baxter cùng sự đồng thuận của Lennox, nó đã được trưng bày trong phòng triển lãm vài ngày. Lennox tới để xem nó.

Bức chân dung đặt trên giá vẽ ở cuối hành lang, phía trước là ba người xem – một quý ông và hai quý cô. Phòng còn lại thì trống không. Khi Lennox tiến lại gần, anh nhận ra quý ông đó chính là Baxter. Baxter bắt đầu giới thiệu bạn mình với hai người đi cùng, người trẻ hơn Lennox nhận ra chính là vị hôn thê của họa sĩ. Cô gái còn lại – chị của cô, là một phụ nữ trông nhợt nhạt, có vẻ không được khỏe, đã được xếp cho một chỗ ngồi riêng và không có ý định chuyện trò gì. Baxter giải thích rằng hai cô gái vừa mới tới đây từ châu Âu vào hôm qua, và việc đầu tiên anh muốn làm là giới thiệu kiệt tác của mình với họ.

“Sarah,” anh nói, “đã khen ngợi mẫu rất nhiều, khiến cho bản sao thiệt thòi biết bao.”

Sarah là một cô gái cao ráo, tóc đen, khoảng hai mươi tuổi, với các đường nét khuôn mặt không đều, đôi mắt tối màu lấp lánh và nụ cười rạng rỡ với hàm răng trắng – rõ ràng là một người ưu tú. Cô nhìn Lennox với ánh mắt chân thành và nói bằng một giọng sâu và ấm:

“Cô ấy hẳn phải rất xinh đẹp.”

“Đúng thế, cô ấy rất xinh đẹp,” Lennox đáp, ánh mắt dừng lại trên gương mặt dễ chịu của cô. “Tôi đoán hẳn cô biết cô ấy… cô ấy chắc cũng biết cô.”

“Tôi tin chắc là tôi sẽ rất thích gặp cô ấy,” Sarah nói.

“Bức tranh này cũng tuyệt vời không kém,” Lennox nói. “Ngài Baxter đây là một thiên tài lớn.”

“Tôi biết Baxter là thiên tài. Nhưng một bức tranh, dù có đẹp đến đâu, thì có giá trị gì? Suốt hai năm qua, tôi chỉ toàn thấy tranh là tranh, mà chưa được gặp một cô gái xinh đẹp nào.”

Cô gái trẻ đứng nhìn bức chân dung chăm chú với lòng ngưỡng mộ rõ rệt, trong khi Baxter trò chuyện với người phụ nữ lớn tuổi hơn, Lennox lén nhìn vị hôn thê của họa sĩ một lúc lâu. Cô gái ghé đầu mình gần sát với hình ảnh của Marian, và, trong khoảnh khắc, vẻ tươi tắn cùng sức sống mãnh liệt trên gương mặt cô dường như làm mờ đi các đường nét và màu sắc của bức tranh. Nhưng ngay giây phút tiếp theo, khi Lennox nhìn kỹ, cặp má hồng trên khuôn mặt Marian bỗng rực lên rõ nét, và đôi mắt xanh nhạt lơ đãng của cô nhìn anh với tia châm biếm quen thuộc.

Anh đột ngột xướng lên lời chào buổi sáng với những người bạn rồi đi về phía cửa. Song khi đến gần đó, anh bỗng khựng lại. Treo trên tường là bức tranh của Baxter, mang tên “Nữ Công tước cuối cùng của tôi.” Anh sững sờ. Đây có phải là khuôn mặt và đường nét mà cách đây một tháng đã khiến anh nghĩ đến người yêu của mình không? Điểm giống nhau đâu mất rồi? Nó hoàn toàn biến mất như thể chưa từng tồn tại. Hơn nữa, bức tranh này kém xa so với bức chân dung mới. Anh quay lại nhìn Baxter, nửa muốn yêu cầu một lời giải thích; hoặc ít nhất là muốn tỏ bày sự bối rối của mình. Nhưng Baxter và vị hôn thê đang cúi xuống để ngắm một bản phác thảo nhỏ gần sàn, hai mái đầu kề nhau tình tứ.

Thật khó để diễn tả một tuần lễ đã trôi qua như thế nào. Có những khi Lennox cảm thấy thà chết còn tốt hơn phải sống trong cuộc hôn nhân lạnh lùng đang tới gần, và dường như lựa chọn duy nhất chính là nhượng lại tài sản của anh cho Marian rồi kết liễu đời mình. Song cũng có khi anh hoàn toàn chấp nhận số phận. Anh chỉ cần gom góp các giấc mơ và khát khao cũ lại thành một bó, rồi bẻ gãy chúng trên đầu gối, và thế là mọi chuyện xong xuôi. Anh không thể gom góp chút hy vọng vừa phải rồi gói chúng lại bằng một dải ruy băng cưới hay sao? Tình yêu đã qua, tuổi trẻ cũng không còn; chỉ vậy thôi. Đâu cần thiết phải biến nó thành một bi kịch lớn lao. Tình yêu của anh vốn dĩ không quá mãnh liệt, và nếu nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn thì thà kết thúc từ trước hôn nhân còn hơn cứ dềnh dàng về sau. Còn hôn lễ, vẫn nên diễn ra, vì nó đâu nhất thiết phải dựa trên tình yêu. Anh không đủ nhẫn tâm để cướp đi tương lai của Marian. Nếu anh hiểu lầm và đánh giá cô quá cao thì đó là lỗi của anh, và thật bất công khi cô phải gánh chịu hậu quả. Dù cô có khiếm khuyết ra sao, chúng hoàn toàn không phải do cô cố ý, và rõ ràng đối với anh, cô luôn đầy thiện ý. Cô có thể không phải là người bạn đồng hành lý tưởng, nhưng ít nhất cô sẽ là một người vợ chung thủy.

Nhờ vào lý lẽ lạnh lùng này, Lennox đã lết được tới ngày trước hôn lễ. Trong suốt tuần trước đó, anh luôn tỏ ra dịu dàng và ân cần với cô Everett, anh cảm thấy rằng khi đánh mất tình yêu của anh, cô đã đánh mất một kho báu quý giá, và anh hứa sẽ dành cho cô sự tận tụy không bao giờ lay chuyển. Marian đã hỏi về vẻ uể oải cùng dáng điệu trầm tư của anh, và anh trả lời rằng anh không được khỏe. Vào chiều thứ Tư, anh cưỡi ngựa đi xa một chuyến. Anh trở về nhà lúc hoàng hôn và gặp người quản gia già ở sảnh.

“Bức chân dung của cô Everett, thưa ngài,” bà nói, “vừa được gửi về nhà, với bộ khung rất đẹp. Vì ngài không dặn trước nên tôi đã tự ý mang nó vào thư viện. Tôi nghĩ,” bà lão mỉm cười kính cẩn, “ngài có lẽ sẽ thích đặt nó trong phòng riêng của mình hơn.”

Lennox bước vào thư viện. Bức tranh được đặt trên sàn nhà, tựa vào một chiếc ghế bành cao, hứng ánh nắng cuối ngày từ cửa sổ. Anh đứng đó một lúc, chăm chăm nhìn nó với vẻ mặt hốc hác.

“Thôi nào!” cuối cùng anh thốt lên, “Marian có thể là những gì Chúa đã tạo ra; nhưng cái sinh vật ghê tởm này thì mình không thể yêu thương hay tôn trọng!”

Anh nhìn quanh trong cơn tuyệt vọng giận dữ, và ánh mắt dừng lại trên con dao găm dài, sắc bén, món quà từ một người bạn mua ở phương Đông, nằm trên kệ lò sưởi như một món đồ trang trí. Anh chộp lấy nó và, trong cơn hả hê man rợ, đâm thẳng vào gương mặt xinh đẹp trong bức chân dung. Anh kéo lưỡi dao xuống, rạch một đường dài trên bức tranh như thể đang phập phồng sự sống. Rồi thêm vài nhát nữa, anh điên cuồng chém nát bức tranh. Hành động đó mang lại cho anh cảm giác nhẹ nhõm vô cùng.

Tôi không cần phải nói thêm rằng ngày hôm sau Lennox đã kết hôn. Tối hôm trước, anh đã khóa cửa thư viện và giữ chìa khóa trong túi áo ghi-lê khi đứng trước ban thờ. Vì rời khỏi thành phố ngay sau buổi lễ, nên mãi đến hai tuần sau, khi anh trở về, số phận của bức tranh mới được phát hiện. Không cần thiết phải kể lại cách anh đã giải thích cho Marian và tiết lộ với Baxter ra sao. Ít nhất thì anh cũng tỏ ra bình thản. Có tin đồn rằng anh đã trả cho người họa sĩ một khoản tiền khổng lồ. Con số có lẽ bị thổi phồng, nhưng chắc chắn đó là một khoản rất hậu. Cuộc hôn nhân của anh sẽ ra sao, liệu anh có hạnh phúc không, vẫn còn quá sớm để nói. Anh mới cưới được chưa đầy ba tháng.

Thanh Nghi dịch

 

  1. Tiếng Pháp: Sự hồn hậu.
  2. Tiếng Pháp: Sự chăm sóc nhỏ nhặt.
  3. Một câu thơ trong bài thơ “Une bonne fortune” của tác giả Alfred de Musset.
  4. Tiếng Pháp: Sự bài trí, bày biện.
  5. Tiếng Pháp: Chết trong lòng.
  6. Tiếng Pháp: Thôi nào.
  7. Tiếng Pháp: Đấy.
  8. Tiếng Pháp: Người được bảo trợ.
  9. Tiếng Pháp: Một cách diễn đạt.
  10. Tiếng Pháp: Tốt quá.
  11. Tiếng Pháp: Nghiêm túc.
  12. Tiếng Latin: Tôi đã dựng nên một tượng đài. Lấy từ câu thơ của Horace: “Exegi monumentum aere perennius”.

 

Danh mục tác phẩm Henry James đã thực hiện (theo trình tự thời gian) 

Bi kịch từ lỗi, Chi Quân dịch (1864, lúc này James hai mốt tuổi) 

Richard khốn khổ, Nguyễn Hoài dịch (1867)

 Câu chuyện về một kiệt tác, Thanh Nghi dịch (1868)

De Grey: Một chuyện tình, Hoàng Trang dịch (1868)

Một ca vô cùng lạ, Thanh Nghi dịch (1868)

Bốn cuộc gặp, Công Hiện dịch (1877)

 Những người châu Âu, Phan Lương dịch (1878)

Daisy Miller & Di sản Aspern, Phan Lương & Anh Hoa dịch (1878 - 1888)

Đám cưới của Longstaff, Bùi Gia Bin dịch (1881)

Vẽ một phụ nữ, Anh Hoa dịch (1881)

Một vấn đề, Công Hiện dịch (1891)

Hình tượng trên tấm thảm, Anh Hoa dịch (1896)

Con quái vật trong rừng & Ban thờ người chết, Anh Hoa dịch (1903)

 

 James đọc

đọc Flaubert 

đọc George Eliot

đọc Turgenev

đọc Balzac

đọc phê bình

 

đọc James

Mona Ozouf

E.M.Forster

Gertrude Stein

Pietro Citati

Colm Tóibín

 

về James

Daisy (AH)

James và Stevenson (CVD)

Chuyển động của Isabel (CH)

James và Turgenev (CVD)

Sống tiếp (AH)

Một James & Một James (PL)

Tại sao Isabel khóc? (AH)

Những người châu Âu (CVD)

Henry James và sự vui lớn (PL)

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công