favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Hai chương Hotel

07/09/2024 21:10

Hai chương Hotel Savoy, nằm chính giữa cuốn sách. Một người Do Thái Nga vừa thoát cảnh tù đày đến sống ở một Hotel có vẻ đậm đặc tính cánh Châu Âu. Một cuộc đời cũ lần nữa bị lột đi. 

XI

Giờ đã là ngày thứ ba tôi ở đây, nhà ga, để đợi việc. Hẳn tôi đã có thể vào một nhà máy, nếu các công nhân không vừa đình công. Philipp Neuner chắc sẽ ngạc nhiên khi thấy giữa đám công nhân của ông ta một người hay lui tới quán bar. Những điều tương tự đối với tôi chẳng đáng gì, tôi để lại sau lưng mình nhiều năm làm việc nặng nhọc.

Người ta không cần các công nhân, trừ phi họ đã học nghề, còn tôi thì, tôi đã chẳng học gì. Tôi có thể chia cách “Kaleguropulos” và thêm vài thứ khác. Tôi còn biết bắn súng trường, tôi là một xạ thủ khá. Nếu làm ngoài đồng thì được thức ăn và chỗ ở, nhưng không tiền - và tôi buộc phải có tiền.

Ở ga tàu người ta có thể kiếm tiền. Đôi khi một người ngoại quốc đến. Anh ta tìm “một người biết ngoại ngữ” đáng tin, nhằm không để cho mình bị đám người sở tại nhiều mưu mẹo đánh lừa. Những người khuân hành lý cũng rất được tìm kiếm - ở đây không có nhiều người làm việc đó. Tôi cũng không biết, mình còn có thể làm việc gì khác. Khi người ta đã ở nhà ga, thế giới không còn xa lắm. Tại đây người ta có thể nom thấy các đường ray chạy vào vô tận. Những con người tới rồi lại đi. Có lẽ sẽ xuất hiện một người bạn hay một đồng ngũ chăng?

Đúng là có một người thật: Zwonimir Pansin, một người Croatia, thuộc cùng đại đội với tôi. Cả anh cũng từ nước Nga đến, nhưng không đi bộ, mà bằng tàu hỏa - vậy là tôi biết mọi chuyện đều ổn với Zwonimir và anh sẽ giúp tôi.

Chúng tôi chào nhau rất nồng nhiệt, Zwonimir và tôi, hai bạn chiến đấu cũ.

Zwonimir là một nhà cách mạng từ trong trứng. Trên giấy tờ quân đội của anh ghi K. C., tức là: khả nghi chính trị - chính vì thế thậm chí anh còn không lên nổi lon hạ sĩ, dẫu cho anh mang một cái mề đay lớn được trao cho anh vì lòng can đảm. Anh là một trong những người đầu tiên của đại đội tôi được nhận huân chương; Zwonimir đã muốn từ chối nó - anh nói thẳng vào mặt đại úy là anh không muốn được khen ngợi, và thấy rất bực vì sự đã ra đến thế.

Chỉ có điều, đại úy rất lấy làm kiêu hãnh về đại đội của ông ta - một tay trung hậu, hơi hời hợt, viên đại úy - và không muốn chấp nhận việc tư lệnh trung đoàn nghe nói là có nổi loạn. Do vậy trật tự được thiết lập và Zwonimir nhận lấy cái mề đay.

Tôi nhớ một số ngày - trung đoàn đang ở chỗ nghỉ - nơi Zwonimir và tôi nằm trên bãi cỏ vào buổi chiều và nhìn ra xa, về phía căng tin, trước nó binh lính đi đi lại lại, hoặc tạo thành các nhóm rải rác.

“Họ đã quen với cuộc sống này”, Zwonimir nói, “họ sẽ không bao giờ còn mua bao cao su ở một cửa hiệu tử tế nữa, tại một nơi thật là thơm, với các cô bán hàng xức nước hoa như những con điếm.”

Tôi đồng ý.

Và chúng tôi tranh luận, bảo rằng cuộc chiến này sẽ tiếp tục vĩnh viễn và rằng chúng tôi không bao giờ về nhà nữa. Zwonimir vẫn còn ông bố và hai cậu em trai.

“Cả chúng cũng sẽ phải đi lính”, Zwonimir nói. “Mười năm sắp tới sẽ chẳng có một vụ thu hoạch mùa màng ở bất cứ nước nào, trừ bên Mỹ.”

Anh rất thích nước Mỹ. Hôm nào được ăn ngon, anh nói: nước Mỹ! Một chỗ ém quân được tổ chức gọn gàng, anh nói: Nước Mỹ! Về một viên trung úy “chic”, anh nói: Nước Mỹ! Và bởi tôi bắn giỏi, anh gọi những phát bắn trúng đích của tôi là: Nước Mỹ!

Và toàn bộ những gì kéo dài, mãi mà không hết, thì anh nói: tiếp tục đi; đấy là một mệnh lệnh; những lúc nào tập luyện thể lực, người ta hay bảo: “tiếp tục đi”, “đầu vươn về phía trước, tiếp tục đi”, “sang phải, sang trái, tiếp tục đi”... Và cứ thế mãi.

Những khi ngày nào chúng tôi cũng có rau sấy, Zwonimir nói: “Dây thép gai, tiếp tục đi.” Và vì pháo lăn[1] cứ tiếp diễn suốt nhiều tuần liền, anh nói: “Pháo lăn, tiếp tục đi”; và vì luôn luôn coi tôi là một tay khá, anh bảo tôi: “Gabriel, tiếp tục đi.”

Chúng tôi ngồi ở phòng chờ dành cho khách đi hạng ba, vây bủa xung quanh là tiếng ồn ào của những kẻ say; chúng tôi nói khẽ và thế nhưng vẫn hiểu được từng từ, bởi chúng tôi nghe bằng trái tim, chứ không phải bằng tai.

Trong phòng chờ này từng có người nói rất to với tôi, và thế nhưng tôi đã không hiểu gì; đám say rượu hú hét rất lớn tiếng.

Đó là các công nhân đình công của Neuner, bọn họ tiêu biến vào rượu chè những khoản tiền trợ cấp được chia cho mình.

Trong thành phố đã có lệnh cấm rượu mạnh, ở ga tàu, người ta mang rượu đựng trong những bình cà phê cho ta. Có các nữ công nhân, các cô gái trẻ, họ say khướt, dẫu thế không gì có thể hoàn toàn làm hỏng đi tuổi trẻ của họ, rượu mạnh tấn công vào sức khỏe của họ chỉ vô vọng mà thôi. Các cậu trai trẻ rơi vào cuộc cãi vã vì một cô gái và vơ lấy dao. Thế nhưng họ không đánh chí mạng. Dân chúng chỉ nhiều sức sống, chứ không độc ác, ai đó ném một câu đùa vào giữa hai chiến thủ, và thế là tất tật liền hòa giải với nhau.

Dẫu thế nào, cũng vẫn nguy hiểm nếu ngồi ở đây lâu, người ta có thể bất thần lĩnh một cú đánh vào đầu hay một cú đạp vào ngực, hoặc giả một người đi đến và giật mũ của ta và ném ta xuống đất, bởi hắn không tìm được cái ghế trống nào.

Zwonimir và tôi ngồi ở cuối phòng, tựa lưng vào một bức tường, thành thử chúng tôi có thể nhìn trọn đám đông và thấy được kẻ nào tiến lại gần chúng tôi. Nhưng chẳng ai quấy rầy chúng tôi, ngay lúc ở quanh chúng tôi tất tật đều thân thiện. Đôi khi, một ai đó xin lửa chúng tôi, có lần bao diêm của tôi rơi xuống đất - và một chàng thanh niên nhặt nó lên.

“Cậu có muốn đi tiếp không, Zwonimir?” tôi hỏi, và kể cho anh nghe tình hình của mình.

Zwonimir không muốn đi tiếp. Anh muốn ở lại đây: anh thích cuộc đình công. “Tôi sẽ tạo ra một cuộc cách mạng tại đây”, Zwonimir nói, cũng đơn giản như khi anh nói: Tôi muốn viết một lá thư.

Tôi biết, Zwonimir là người kích động, bởi tình yêu sự bất trật tự. Anh là một tinh thần rối loạn, nhưng thành thực, và tin vào cuộc cách mạng của mình.

“Cậu có thể giúp mình chuyện này”, anh nói.

“Tôi không thể”, tôi đáp. Và tôi giải thích với Zwonimir, rằng tôi là kẻ đơn độc và không hề có ý thức cộng đồng. “Tôi là kẻ ích kỷ”, tôi nói, “một kẻ ích kỷ đích thực.”

“Sặc mùi sách vở”, Zwonimir trách. “Cái thứ ngôn ngữ sách vở đó đồi bại thật. Với ngôn ngữ thông dụng cậu hoàn toàn không thể nói gì xấu xí như thế.”

Tôi không thể trả lời được.

Tôi chỉ có một mình. Trái tim tôi đập chỉ cho tôi. Những công nhân đình công chẳng can hệ gì đến tôi. Tôi không có gì chung với đám đông cũng như với từng người riêng lẻ. Tôi là một con người lạnh. Trong chiến tranh tôi không thấy mình là một với đại đội. Tất tật chúng tôi nằm trong cùng một thứ bùn và tất tật đợi cùng một cái chết. Thế nhưng tôi đã chỉ có thể nghĩ đến cuộc đời của riêng mình và đến cái chết của riêng mình. Tôi đi qua phía trên các xác chết, và đôi khi thấy đau đớn, vì không cảm nhận được đau đớn nào.

Giờ, lời trách của Zwonimir không để cho tôi yên ổn được nữa... và tôi buộc phải nghĩ lại về sự kiệt lạnh của mình và về nỗi cô lập của mình.

“Ai cũng sống trong một cộng đồng nào đó”, Zwonimir nói.

Tôi sống trong cộng đồng nào...?

Tôi sống trong cộng đồng các cư dân của Hotel Savoy.

Đột nhiên tôi nghĩ đến Alexander Böhlaug, giờ đây cả hẳn cũng sống “trong cảnh hàng xóm khăng khít” với tôi. Tôi có gì chung với Alexander Böhlaug?

Chẳng gì hết với Böhlaug, mà là với Santschin quá cố, người đã chết ngạt trong lớp hơi nước quần áo giặt, và với Stasia, với tất tật những người sống ở tầng sáu, tầng bảy và tầng tám, những người sợ hãi trước các đợt kiểm tra của Kaleguropulos, những người đã cầm cố va li của họ và, cả đời, bị nhốt trong Hotel Savoy này.

Và tôi không có chút gì chung với Kanner và Neuner và Anselm Schwadron, với bà Kupfer và với ông cậu Phöbus Böhlaug của tôi và con trai ông, Alexander.

Hẳn rồi, tôi sống trong một cộng đồng, đau đớn của họ là đau đớn của tôi, nỗi bần cùng của họ là nỗi bần cùng của tôi.

Giờ tôi đang ở nhà ga, chờ tiền và không tìm được việc. Và tôi còn chưa trả tiền phòng, thậm chí tôi còn không có một cái va li cho Ignatz.

Thật là một may mắn lớn, cuộc gặp Zwonimir này, một tình cờ may mắn, như chỉ xảy ra trong những quyển sách.

Zwonimir có tiền và gan. Anh muốn đến ở trong phòng của tôi.

XV

Chúng tôi sống chung, trong phòng của tôi, Zwonimir ngủ trên sofa.

Tôi không bảo anh nằm giường của tôi, tôi thoải mái với nó và đã một thời gian dài thèm một chiếc giường. Ở nhà bố mẹ tôi, tại Leopoldstadt, đôi khi đồ ăn chỉ có ít, nhưng lúc nào cũng có một cái giường thật êm. Ngược lại, cả đời Zwonimir từng ngủ trên những ghế băng cứng, “trên gỗ sồi thật”, anh đùa, anh không chịu nổi sự ấm nóng của giường và mơ thấy ác mộng trên các chỗ nằm êm ái.

Thân người anh rắn chắc, anh đi ngủ muộn và thức dậy cùng gió sớm. Dòng máu nông dân chảy tràn trong cơ thể anh, anh không có cái đồng hồ đeo tay nào nhưng luôn luôn biết đích xác giờ, cảm thấy từ trước mưa và nắng, ngửi được những đám cháy từ xa và hay có các giấc mơ báo trước.

Một hôm, anh mơ bố anh bị chôn; anh dậy và khóc, và tôi chẳng biết phải làm gì với với cái anh chàng cao lớn khóc lóc kia.

Một lần khác anh thấy con bò của mình chết, anh kể cho tôi và tỏ ra thờ ơ. Chúng tôi đi loanh quanh cả ngày, Zwonimir dò la ở chỗ các công nhân của Neuner, về những người cầm đầu cuộc đình công, anh cho bọn trẻ con tiền, hét lên với các phụ nữ và ra lệnh cho họ đến tìm chồng của họ ở phòng chờ. Tôi ngưỡng mộ những tài năng của Zwonimir. Anh nói ngôn ngữ của vùng này không giỏi, nói bằng động tác mặt và tay nhiều hơn bằng miệng, thế nhưng tất tật đều hiểu anh mỹ mãn, bởi anh nói năng đơn giản như dân chúng và chửi thề bằng tiếng mẹ đẻ của anh. Thế nhưng một chửi thề thật hung thì ai ở đây cũng hiểu.

Buổi tối, chúng tôi đi ra cánh đồng, tại đó Zwonimir ngồi lên một tảng đá, đưa hai tay lên che mặt và nức nở như một cậu bé.

“Sao cậu lại khóc, Zwonimir?”

“Vì con bò”, Zwonimir đáp.

“Thế nhưng điều đó cậu đã biết cả ngày rồi. Sao giờ cậu mới khóc?”

“Vì ban ngày tôi không có thời gian.”

Và điều đó, Zwonimir nói hết sức nghiêm túc, anh khóc thêm phải mười lăm phút nữa, rồi đứng dậy. Đột nhiên anh phá lên cười, bởi anh thấy có một cột đường được mặc quần áo như một con bù nhìn nhỏ.

“Đám người này lười quá, không đặt nổi lũ bù nhìn tử tế vào giữa. Cột đường thì không phải là bù nhìn!! Cứ thử chỉ cho tôi một con chim sẻ sợ một cái cột đường ăn mặc giả trang đi!”

“Zwonimir”, tôi khẩn thiết, “chúng ta đi thôi! Về nhà đi, bố cậu còn sống, thế nhưng có lẽ ông ấy sắp chết, nếu cậu không về và... rồi cậu sẽ không mơ thấy ác mộng nữa. Và tôi cũng muốn đi tiếp.”

“Chúng ta ở lại đây thêm một chút đã”, Zwonimir nói, và tôi biết, anh sẽ không bị lay chuyển.

Anh rất thích ở Hotel Savoy. Đây là lần đầu tiên Zwonimir sống trong một khách sạn lớn. Anh hoàn toàn không lấy làm lạ về Ignatz, lão trông thang máy. Tôi kể cho Zwonimir rằng, tại các khách sạn khác, những thằng bé con mặt búng ra sữa phục vụ thang máy. Zwonimir cho rằng, chắc chắn là hợp lẽ hơn khi giao việc trông coi cái máy đó - nó xứng với nước Mỹ! - cho một người đàn ông có kinh nghiệm. Vả lại, đối với anh, cả hai đều kỳ quái, cái thang máy và Ignatz. Anh thích đi bộ hơn.

Tôi lưu ý Zwonimir về những cái đồng hồ treo tường, về việc chúng chỉ giờ khác nhau.

Zwonimir nói, thế thì có thể không hay lắm. Nhưng cũng cần có chút đa dạng. Tôi chỉ cho anh xem tầng tám với làn hơi nước của phòng giặt và kể cho anh về Santschin cùng con lừa đứng cạnh ngôi mộ. Câu chuyện này, anh thích nó nhất, Santschin không làm anh thấy thương chút nào, về con lừa thì anh cười, vào ban đêm, lúc cởi quần áo.

Tôi cũng giới thiệu anh với Abel Glanz và Hirsch Fisch.

Zwonimir mua của Fisch ba vé số và còn muốn mua thêm, anh hứa sẽ chia cho Fisch một phần ba giải thưởng. Chúng tôi đi cùng Abel Glanz vào ngõ Do Thái, Abel có các cuộc đổi chác hời và hỏi chúng tôi có đồng Mark Đức không. Zwonimir có đồng Mark Đức. “Mười hai một phần tư nhé”, Abel nói. “Ai mua đấy?” Zwonimir hỏi, vẻ lõi đời khiến tôi kinh ngạc. “Kanner!” Glanz đáp.

“Ngài dẫn gã Kanner đó đến đây!” Zwonimir nói.

Glanz muốn kiếm tiền và chạy bổ đến Kanner.

Chúng tôi đợi. Nửa tiếng sau đó ông ta tới và hẹn chúng tôi ở quán bar vào buổi tối.

Tối đến, chúng tôi tới quán bar, Zwonimir mặc áo bờ lu lính kiểu Nga, đi ủng đóng đinh.

Zwonimir véo vào bắp tay bà Jetti Kupfer, bà hét lên một tiếng đầy thích thú, một vị khách như thế từ lâu bà chưa có. Zwonimir bảo pha rượu, vỗ vào vai Ignatz, lão trông thang máy sụp người khuỵu đầu gối xuống. Zwonimir trêu mấy cô gái, lớn giọng hỏi tên các vị khách, gọi chủ nhà máy Neuner bằng tên không danh hiệu “quý ngài” và hỏi Glanz:

“Thằng khốn Kanner trốn đâu thế?”

Các quý ông kia nhăn mặt, họ ngồi im, và Neuner không động đậy, chịu để cho mình bị gọi như thế, dẫu ông ta từng đi tình nguyện một năm trong Vệ binh Phổ và có những cái sẹo.

Anselm Schwadron và Siegmund Fink nhỏ giọng trò chuyện, và khi Kanner xuất hiện, muộn, ông không được đón tiếp bằng những tiếng hét to như ông mong đợi và xứng đáng nhận. Ông nhìn quanh, phát hiện Zwonimir; thấy Glanz vẫy, ông bước đến chỗ chúng tôi và trịnh trọng hỏi: “Ngài Pansin?”

“Xin nghe lệnh của ngài, Mister Kanner!” Zvonimir hét lên, giọng rền vang, nó khiến Kanner phải lùi lại nửa bước. “Mười hai ba phần tư!” Zwonimir lại hét.

“Đừng to tiếng thế!” Glanz thì thầm.

Nhưng Zwonimir, trong lúc tất tật nhìn về phía bàn chúng tôi, rút tiền của anh từ túi ra - cả đồng cu ron Đan Mạch anh cũng có - Chúa mới biết từ đâu ra.

Kanner cất tiền đi và tính nhẩm thật nhanh, chỉ nhằm cho xong, và trả mười hai ba phần tư.

“Thế còn tiền hoa hồng của tôi?” Glanz hỏi.

“Trả bằng rượu!” Zwonimir nói và gọi mang đến cho Glanz năm cốc rượu. Abel Glanz uống, bởi sợ, cho đến khi say bí tỉ.

Đó là một buổi tối rất vui tươi. Zwonimir đã làm hỏng tâm trạng của những vị khách quen. Ignatz điên tiết. Hai con mắt màu bia vàng của lão lóe lên. Nhưng Zwonimir làm như thể Ignatz là người bạn tốt nhất của anh, gọi lão bằng tên - “Ignatz rất thân mến!” Zwonimir nói, và Ignatz đi đến bằng bước chân khẽ khàng, giống một con mèo đực già.

Ông chủ nhà máy Neuner không thấy thích thú gì với Tonka, các cô gái khỏa thân, đầy tin tưởng, đi sang bàn chúng tôi và mổ đồ ăn trong bàn tay Zwonimir. Anh đút cho các cô ăn bánh quy, vụn bánh ngọt và để các cô nhấm vào nhiều cốc rượu khác nhau.

Trong sự lõa lồ trắng lốp của mình các cô đứng đó như những con thiên nga non.

Thật muộn, Alexander Böhlaug mới đến. Hắn ỉu xìu và phấn chấn cũng lúc, hắn đang muốn vượt qua một nỗi buồn khổ nào đó, và Zwonimir giúp hắn.

Zwonimir uống nhiều, ấy vậy nhưng anh vẫn tỉnh táo và cười cợt và giễu Alexander, cả một khoái lạc.

“Ngài có đôi ủng nhọn kìa!” Zwonimir nói, “Đưa đây, xem chúng có sắc không nào. Ngài đã mài đôi ủng ở đâu thế? Thứ vũ khí chiến tranh mới nhất. A la xô bằng mũi nhọn của các chiếc ủng Pháp!... Cà vạt của ngài đẹp hơn cả khăn phu la của bà tôi, thật như tôi là con trai của Nikita, thật như tên tôi là Zwonimir và như tôi chưa bao giờ ngủ với cô người yêu của ngài.”

Alexander làm ra vẻ không nghe thấy. Nỗi buồn khổ gặm nhấm hắn. Hắn buồn.

“Ở vị trí của cậu tôi chẳng muốn gã em họ này đâu!” Zwonimir nói.

“Người ta đâu có thể nào chọn anh em họ”, tôi đáp.

“Xin vô phép, Alexander!” Zwonimir hét lên và đứng dậy. Anh thật cao lớn, như một bức tường anh đứng trong quán bar nhỏ bé, đỏ sẫm.

Sáng hôm sau Zwonimir dậy sớm và đánh thức tôi. Anh đã mặc quần áo. Anh ném cái chăn của tôi xuống đất và thúc tôi dậy đi dạo với anh.

Lũ chim sơn ca líu lo tuyệt diệu.


favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công