favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Graham Greene: Vấn đề là ở chỗ

30/04/2025 07:21

Vấn đề là ở chỗ/ The heart of the matter (1948) thuộc vào những tiểu thuyết đặc biệt nhiều tính chất tôn giáo của Greene, cùng The Power and the Glory (1940) và The End of the Affair (1951). Chuyện dựa nhiều trên kinh nghiệm của Greene thời làm tình báo cho MI6 ở Freetown, Sierra Leone hồi năm 1942. Trước đó, năm 1933, Greene đã đến Freetown một lần - chuyến đi ngẫu hứng cùng người em họ, hoàn toàn chỉ vì buồn chán - và đã có kinh nghiệm thực sự về sự ngợp cùng trận ốm thập tử nhất sinh trong rừng, gần như không có thuốc men gì ngoài muối epsom. Từ đó trở về, Greene tìm lại được hứng khởi mới sau quãng dài bế tắc và viết Journey Without Maps (1936), đồng thời chuyển từ Oxford về London, thực sự lao mình vào thế giới xuất bản.

Khi quay lại Freetown vào năm 1942, Greene điệp viên MI6 đụng phải một nhân vật khó chịu - một MI5 bí ẩn đã nằm vùng từ lâu. Kim Philby từng nói có hai điều Greene sẽ nhớ mãi về Freetown: tiếng mưa rơi trên mái tôn và người đồng cấp này: rượu chè mê mệt và có xu hướng giết người tiềm tàng, thường bộc lộ mỗi khi có thanh tra từ trụ sở London đến. 

Bản dịch thực hiện năm 2019, gần như cùng thời điểm với ở kia

 

Vấn đề là ở chỗ

- Graham Greene

Cho 
V.G., L.C.G.,

và

F.C.G.

 

Không nhân vật nào trong cuốn sách này được sáng tác dựa trên người thật. Bối cảnh địa lý của câu chuyện được lấy từ khu vực Tây Phi nơi tôi từng sống - điều này là không tránh khỏi - nhưng tôi muốn xác quyết rằng không cư dân nào, trong quá khứ hay hiện tại, của thuộc địa này xuất hiện trong cuốn sách của tôi. Đến một thuộc địa tưởng tượng cũng phải có các viên chức của nó -  chẳng hạn Chánh thanh tra cảnh sát[1] và Đổng lý thuộc địa[2]; tôi có lý do đặc biệt để không muốn các nhân vật trong sách bị đồng nhất với người thật, vì tôi hết sức biết ơn sự quan tâm ân cần và chu đáo được nhận từ Đổng lý thuộc địa, Chánh thanh tra và các viên chức ở thuộc địa nơi tôi làm việc từ năm 1942 đến năm 1943. Bài thơ trích ở trang 248 rút ra từ cuốn Thơ tuyển của Rainer Maria Rilke, do J. B. Leishman dịch (Nhà xuất bản Hogarth ấn hành năm 1941).

Le pécheur est au cœur même de chrétienté. … Nul n"est aussi compétent que le pécheur en matière de chrétienté. Nul, si ce n"est le saint.

PEGUY

Kẻ phạm tội nằm ở trung tâm Cơ đốc giáo...Không ai đủ thẩm quyền như kẻ phạm tội trong vấn đề Cơ đốc giáo. Không một ai, trừ thánh.

PEGUY

Phần 1

Chương 1

1

WILSON ngồi trên ban công cư xá Bedford, đầu gối hồng nhẵn thín chống vào lan can sắt. Hôm nay là Chủ nhật, đại giáo đường đổ chuông báo giờ kinh sáng. Bên kia đường Bond, trong các cửa sổ trường trung học, đám nữ sinh da đen mặc áo khoác thể dục nỉ xanh thẫm đang cố sức uốn sóng mớ tóc xoăn tít như điện giật - công việc vô vọng không hồi kết. Wilson vuốt bộ ria lún phún, mơ mộng, chờ gin-and-bitters[3] mang tới.

Ngồi đó, đối diện đường Bond, anh hướng mặt ra biển. Nước da bợt bạt cùng sự thờ ơ với đám nữ sinh bên kia cho thấy anh chỉ mới từ biển dạt lên cảng này. Anh như cây kim đã tã của phong vũ biểu, vẫn chỉ mãi Đẹp Trời trong khi người đồng hành của nó đã đến vùng Bão Tố. Bên dưới, các viên chức da đen đang tiến về phía nhà thờ, nhưng vợ họ, diện váy buổi chiều màu lam và đỏ cherry sặc sỡ chẳng khơi lên ở Wilson chút hứng thú nào. Ngoài anh ngồi một mình, trên ban công chỉ có một người Ấn râu rậm quấn khăn turban khi nãy đã cố gạ anh xem bói: ngày này, giờ này không dễ gặp người da trắng ngồi đây - bọn họ tụ tập hết ở bãi biển cách đó năm dặm, nhưng Wilson không có xe. Anh thấy cô đơn hồ như không chịu nổi. Hai bên ngôi trường, mái đổ dốc về phía biển, một con kền kền sà xuống làm tấm tôn lượn sóng trên đầu anh rung bần bật và kêu chan chát.

Ba sĩ quan từ tàu thương vụ trong cảng tiến vào tầm mắt, vừa từ bến bước lên. Họ lập tức bị một lũ choai choai đội mũ học sinh vây kín. Đoạn điệp khúc của chúng mơ hồ vẳng bên tai Wilson như một điệu đồng dao: Thuyền trưởng muốn jig jig,[4] chị gái tôi giáo viên xinh đẹp, thuyền trưởng muốn jig jig." Lão Ấn râu rậm nhíu mày trước những con tính phức tạp trên mặt sau chiếc phong bì - một quẻ chiêm tinh chăng, hay phí sinh hoạt? Khi Wilson ngó xuống đường lần nữa, các sĩ quan đã thoát được vòng vây và lũ quỷ đã lại bu quanh một thủy thủ đơn độc: chúng hiên ngang lôi tuột anh ta tới nhà thổ gần đồn cảnh sát như thể vào nhà trẻ.

Một thằng nhỏ da đen mang gin tới cho Wilson, anh nhấp từng ngụm chầm chậm: chẳng có gì làm ngoài việc quay về căn phòng tồi tàn oi bức và đọc một cuốn tiểu thuyết - hoặc một bài thơ. Wilson thích thơ, nhưng anh chỉ dám đắm chìm vào đó trong bí mật, như một loại ma túy. Đi đâu anh cũng mang theo cuốn Kim Khố,[5] nhưng chỉ đến đêm anh mới mang ra làm từng liều nhỏ - Longfellow,[6] Macaulay,[7] Mangan[8]: "Hãy nói đi, bởi đâu thiên tài hoài phí, Tình bạn bội phản, tình yêu dối lừa ..." Gu của anh là lãng mạn. Để trưng bày trước công chúng, anh bao giờ cũng có một quyển Wallace.[9] Anh tha thiết muốn trên bề mặt mình đừng khác gì mọi người: anh để ria mép như đeo cà vạt câu lạc bộ - đó là ước số chung lớn nhất của anh. Nhưng đôi mắt tố cáo anh - đôi mắt nâu loài chó, đôi mắt thực dân rầu rĩ, đăm đăm ngó xuống đường Bond.

"Xin lỗi," một giọng nói cất lên, "anh là Wilson phải không?"

Anh ngước lên thấy một người trung niên mặc quần đùi kaki như tất cả mọi người, khuôn mặt màu cỏ khô hốc hác.

"Vâng, tôi đây."

"Tôi ngồi cùng anh được chứ? Tên tôi là Harris."

"Hân hạnh, ông Harris."

"Anh là kế toán mới ở U.A.C.?"

"Vâng. Anhuống gì chứ?"

"Tôi dùng nước chanh ép thôi nếu anh không phiền. Buổi trưa tôi không được uống."

Người Ấn nhổm dậy khỏi bàn và tiến lại với vẻ cung kính, "Ông hẳn nhớ tôi, ông Harris. Có lẽ ông nên kể cho bạn ông về khả năng của tôi, thưa ông. Biết đâu ông ấy sẽ muốn xem các thư giới thiệu của tôi đây..." Tập phong bì bẩn thỉu không lúc nào rời tay lão. "Đều từ những nhân vật tiếng tăm trong xã hội."

"Biến đi, đồ bợm già," Harris nói.

"Sao anh biết tên tôi?" Wilson hỏi.

"Tôi thấy trên một bức điện. Tôi là nhân viên kiểm duyệt điện báo," Harris nói. "Thứ việc chết tiệt ở một chốn quỷ tha ma bắt!"

"Tôi có thể thấy ở đây, ông Harris, là vận mệnh của ông đã có biến cải lớn. Nếu ông vui lòng cùng tôi vào phòng vệ sinh một chốc..."

"Xéo ngay, Gunga Din."[10]

"Sao phải vào phòng vệ sinh?" Wilson hỏi.

"Lão ta luôn xem bói ở đó. Có lẽ đó là căn phòng riêng tư duy nhất có thể vào được. Chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc hỏi tại sao."

"Ở đây lâu chưa?"

"Mười tám tháng khốn kiếp."

"Vậy là sắp về nhà rồi?"

Harris đưa mắt vượt lên trên dãy mái thiếc, đăm đăm nhìn ra cảng. Anh nói, "Tàu thuyền lạo nhạo lung tung phèng. Nhưng một khi tôi về được nhà, anh sẽ không bao giờ còn thấy tôi ở đây đâu." Anh nhấp ly chanh ép, hạ giọng hằn học, "Tôi ghét nơi này. Tôi ghét người ở đây. Tôi ghét lũ da đen khốn kiếp. Nhưng không được gọi chúng như vậy, anh biết đấy."

"Mấy thằng nhỏ[11] của tôi có vẻ ổn."

"Những thằng nhỏ của mình thì lúc nào cũng ổn. Đó là da đen xịn - nhưng lũ này, nhìn chúng xem, cái tên khoác khăn choàng lông dưới kia. Chúng thậm chí còn chẳng phải da đen xịn. Toàn bọn Tây Ấn, chúng thống trị bờ biển này. Làm nhân viên cửa hàng, làm trong hội đồng thành phố, làm thẩm phán, luật sư - Chúa ơi. Ở xứ Bảo hộ thì không sao. Tôi chẳng có ác cảm gì với da đen xịn. Chúa tạo ra chúng ta có màu này màu khác. Nhưng những kẻ này - Lạy Chúa! Chính phủ sợ chúng. Cảnh sát sợ chúng. Nhìn xuống đi," Harris nói, "Scobie đấy."

Một con kền kền đập cánh và cựa mình trên mái tôn, Wilson ngó về phía Scobie. Anh chỉ thờ ơ đưa mắt theo hướng trỏ của người lạ, chẳng thấy có gì đáng chú ý ở người đàn ông tóc muối tiêu thấp bé đang đi bộ một mình trên đường Bond. Anh chưa thể biết rằng đây là một trong những khoảnh khắc một người sẽ không bao giờ quên: một vết sẹo nhỏ hằn lên ký ức, một vết thương nhói lên bất cứ khi nào một số thứ kết hợp với nhau - vị gin buổi trưa, hương hoa dưới ban công, tiếng chan chát trên mái tôn lượn sóng, một con chim xấu xí đập cánh từ chỗ này qua chỗ nọ.

"Ông ta yêu chúng lắm," Harris nói, "ông ta còn ngủ với chúng mà."

"Đó là đồng phục cảnh sát à?"

"Ừ. Lực lượng cảnh sát vĩ đại của chúng ta. Đã mất rồi có bao giờ còn tìm lại được[12] - anh hẳn biết bài thơ đó."

"Tôi không đọc thơ," Wilson nói. Mắt anh dõi theo Scobie trên con đường ngập nắng. Scobie dừng lại, nói vài lời với một người đàn ông da đen đội mũ Panama trắng: một cảnh sát da đen đi qua, giơ tay chào thuần thục. Scobie tiếp tục đi.

"Có lẽ cũng ăn tiền của người Syria nữa, nếu sự thật phơi bày."

"Người Syria?"

"Nơi này là Tháp Babel nguyên thủy," Harris nói. "Người Tây Ấn, người châu Phi, người da đỏ xịn, người Syria, người Anh, người Scotland làm việc ở Nha Công chính, linh mục Ireland, linh mục Pháp, linh mục Alsatia.

"Người Syria làm gì ở đây?"

"Làm tiền. Bọn họ điều khiển toàn bộ các cửa hàng ở nội địa và hầu hết cửa hàng ở đây. Buôn cả kim cương nữa."

"Chắc nhiều kim cương."

"Bọn Đức trả hậu lắm."

"Ông ấy không có vợ ở đây sao?"

"Ai cơ? À, Scobie. Có chứ. Có lẽ nếu có bà vợ như thế thì tôi cũng sẽ ngủ với bọn da đen. Anh sẽ gặp bà ta sớm thôi. Bà ta là trí thức thành phố, thích thơ ca nghệ thuật. Còn mở cả triển lãm nghệ thuật cho thủy thủ bị đắm tàu. Anh biết cái kiểu đó mà - phi công viết thơ xa xứ, thợ đốt lò vẽ tranh màu nước, học sinh trường đạo làm tác phẩm khắc nung. Scobie già khốn khổ. Một ly gin nữa nhé",

"Tôi không từ chối đâu," Wilson đáp.

2

Rẽ lên đường James, Scobie đi qua trụ sở Thực dân ti. Với những ban công dài dằng dặc, tòa nhà này lúc nào cũng làm ông nghĩ tới bệnh viện. Suốt mười lăm năm ông đã thấy người bệnh đến đây hết lượt này đến lượt khác; định kỳ mỗi mười tám tháng, một số được trả về nhà, da dẻ võ vàng, thần kinh loạn, và lại có những kẻ khác thế chỗ - các Đổng lý thuộc địa, các Giám đốc Nha Canh nông, các Giám đốc Nha Tài chính và Giám đốc Nha Công chính. Ông đã theo dõi biểu đồ nhiệt độ từng người - cơn bùng phát đầu tiên của nỗi buồn bực không lý do, cơn rượu chè trầm uất, cơn trượng nghĩa đột ngột sau một năm ngoan ngoãn nghe lời. Các công chức da đen đi đi lại lại trên hành lang, mang thái độ của bác sĩ phục vụ bên giường, vui vẻ nhã nhặn chịu đựng mọi lời chửi rủa. Bệnh nhân luôn đúng.

Góc bên kia, trước cây bông già, nơi những thực dân đầu tiên cập bờ biển dữ dằn này, sừng sững tòa án và đồn cảnh sát, một công trình bằng đá kỳ vĩ, như màn giễu võ giương oai của kẻ yếu. Bên trong bộ khung khổng lồ ấy, con người lập cập trong hành lang như hạnh nhân khô. Chẳng ai có thể đủ sức nắm trọn ý nghĩa một công trình cường điệu nhường ấy. Nhưng ý nghĩa ấy cũng chỉ sâu một căn phòng. Trong lối đi hẹp và tối phía sau, trong phòng thẩm vấn và các phòng giam, Scobie luôn cảm nhận được mùi sự đê tiện và bất công con người - mùi sở thú, mùn cưa, phân, ammoniac, mùi thiếu tự do. Ở đây có người kỳ cọ ngày ngày nhưng làm sao khử cái mùi đó được. Tù nhân và cảnh sát mang nó trên mình như khói thuốc lá ám vào quần áo.

Scobie leo những bậc cao, rẽ phải dọc hành lang rợp bóng bên ngoài để về văn phòng: một bàn, hai ghế ăn, một tủ búp phê, đám còng tay gỉ sét treo trên đinh như một cái mũ cũ, tủ đựng hồ sơ: với người lạ, căn phòng có vẻ trần trụi và khó ở, nhưng với Scobie, đây là nhà. Người khác xây dựng cảm giác nhà thông qua sự tích lũy dần dần - một bức tranh mới, sách ngày một nhiều lên, một cái chặn giấy hình thù kỳ quái, một cái gạt tàn đã quên vì sao mua trong một kỳ nghỉ cũng quên mất khi nào; Scobie thì xây nhà thông qua thải loại. Lúc bắt đầu mười lăm năm trước, ông có hơn thế này nhiều. Một tấm ảnh vợ, những gối nệm bọc da sáng màu mua ở chợ, một cái ghế bành, một tấm bản đồ cảng in màu cỡ lớn trên tường. Những người trẻ hơn đã mượn mất tấm bản đồ: nó chẳng ích gì với ông nữa; con mắt bên trong đã thu lấy toàn bộ đường bờ biển của thuộc địa này: khu vực tuần tra của ông trải dài từ vịnh Kufa đến Medley. Về phần gối nệm và ghế bành, ông đã sớm nhận ra rằng ở chốn nực nội bí khí này, những ve vuốt kiểu ấy chỉ tổ nực thêm. Mọi tiếp xúc và ôm ấp đều làm cơ thể đổ mồ hôi. Sự hiện diện của vợ cũng làm cho bức ảnh không còn cần thiết. Bà đã đến đây với ông từ năm bắt đầu chiến tranh kỳ quặc[13] và giờ thì không đi được: sự nguy hiểm của các tấn công tàu ngầm làm bà phải chịu đóng đinh chẳng khác nào đám còng tay. Vả lại bức ảnh đó chụp cũng lâu lắm rôi, giờ ông chẳng còn thiết nhớ về gương mặt khi ấy còn chưa thành hình, biểu cảm dịu dàng bình thản ngây ngô, đôi môi hé mở ngoan ngoãn nặn ra nụ cười mà người chụp yêu cầu. Mười lăm năm trời đã định hình gương mặt, làm phai lạt dịu dàng, và ông không lúc nào quên trách nhiệm của mình trong đó. Ông là người đưa lối: chính ông lựa chọn những kinh nghiệm hình thành nên bà. Ông khuôn định gương mặt bà.

Ông ngồi xuống chiếc bàn trần trụi và gần như ngay lập tức hạ sĩ người Mende đã nghiêm gót giày trên ngưỡng cửa. "Thưa ngài?"

"Chuyện gì?"

"Chánh thanh tra muốn gặp ngài."

"Danh sách phạm tội có gì không?"

"Hai người da đen đánh nhau trong chợ, thưa ngài."

"Đánh ghen à?"

"Vâng, thưa ngài."

"Còn gì không?"

Cô Wilberforce muốn gặp ngài, Tôi nói với cô ta ngài đi nhà thờ rồi, bảo cô ta quay lại sau, nhưng cô ta vẫn ngồi lì ra. Cô ta nói sẽ không nhúc nhích."

"Cô Wilberforce nào vậy, hạ sĩ?"

"Tôi không biết, thưa ngài. Cô ta từ Sharp Town đến đây."

"Thôi được, tôi sẽ gặp cô ta sau Chánh thanh tra. Nhưng nhớ là không ai nữa đâu đấy."

"Vâng, thưa ngài."

Trên đường đến phòng Chánh thanh tra, Scobie thấy cô gái ngồi một mình trên chiếc ghế dài dựa vào tường: ông không nhìn thêm lần nào: chỉ kịp bắt lấy ấn tượng mơ hồ về một khuôn mặt châu Phi đen trẻ trung, một váy dài sáng màu, rồi cô biến hẳn khỏi tâm trí và ông tự hỏi mình nên nói gì với Chánh thanh tra. Cả tuần nay ông đã nghĩ về chuyện đó.

"Ngồi xuống đi, Scobie." Chánh thanh tra năm mươi ba tuổi, đã được xem là già - ở đây người ta tính tuổi dựa trên thâm niên công tác ở thuộc địa. Chánh thanh tra, với hai mươi hai năm phục vụ, là bậc lão làng nhất ở đây, còn Toàn quyền sáu mươi tuổi vẫn chỉ là hạng chíp hôi so với bất kỳ Khu trưởng[14] nào đã có năm năm kinh nghiệm.

"Tôi chuẩn bị về hưu, Scobie," Chánh thanh tra nói, "sau nhiệm kỳ này."

"Tôi biết."

"Có lẽ ai cũng biết."

"Tôi đã nghe mọi người bàn tán."

"Nhưng ông là người thứ hai tôi báo tin đấy. Người ta có nói ai kế nhiệm tôi không?"

Scobie nói, "Họ biết ai sẽ không."

"Thực sự quá bất công," Chánh thanh tra nói. "Tôi đã cố hết sức nhưng không thể làm gì hơn, Scobie ạ. Ông đúng là có bản lĩnh gây thù chuốc oán. Hệt như Aristides[15] Công Chính."

"Tôi không nghĩ mình công chính đến vậy đâu."

"Vấn đề là, ông muốn thế nào? Họ sẽ phái một tay tên Baker từ Gambia đến. Hắn trẻ hơn ông. Ông muốn từ chức, nghỉ hưu, hay thuyên chuyển, Scobie?"

"Tôi muốn ở lại," Scobie nói,

"Vợ ông sẽ không thích thế đâu"

"Tôi đã ở đây quá lâu để có thể đi đâu." Ông thầm nghĩ, Louise tội nghiệp, nếu mình để cô ấy quyết định thì giờ hai người sẽ ở đâu? Và ông lập tức thừa nhận rằng họ sẽ không ở đây - sẽ ở một nơi nào đó tốt hơn nhiều, khí hậu tốt hơn, lương bổng tốt hơn, vị trí tốt hơn. Bà hẳn sẽ nắm lấy mọi cơ hội thăng tiến: sẽ lẹ làng leo từng bậc thang, thoát hẳn lũ rắn rết. Mình đã chôn cô ấy xuống đây, ông nghĩ, dự cảm tội lỗi kỳ quái như thường lệ dâng lên, cứ như ông phải chịu trách nhiệm về một điều gì đó trong tương lai mà chính ông cũng không thấy trước được. Ông bật đáp, "Ông biết tôi thích nơi này mà."

"Tôi tin là ông thích. Tôi cũng tự hỏi vì sao."

"Vì nó đẹp khi trời tối," Scobie mơ hồ nói.

"Ông có biết chuyện mới nhất người ta tung ra để buộc tội ông ở Thực dân ti là gì không?"

"Chắc là nói tôi ăn tiền người Syria?"

"Chưa đến mức ấy. Đó sẽ là nấc tiếp theo. Không, họ bảo ông ngủ với gái đen. Ông biết thế nào mà, Scobie, chắc ông đã đùa cợt với vợ ai. Họ cảm thấy bị sỉ nhục."

"Có lẽ tôi nên ngủ với một ả da đen thật. Như thế họ sẽ chảng phải nghĩ ra thêm điều gì nữa."

"Người tiền nhiệm ông qua đêm với hàng tá," Chánh thanh tra nói, "nhưng chẳng ai ý kiến gì. Tất nhiên người ta nghĩ ra chuyện khác buộc tội ông ta. Họ tố ông ta lén lút uống rượu. Như thế, bản thân họ thấy thoải mái hơn khi uống rượu công khai. Một bầy bẩn tưởi, Scobie ạ."

"Phụ tá chính đổng lý thuộc địa cũng không đến nỗi."

"Không, ông ta thì ổn," Chánh thanh tra bật cười. "Ông tệ thật, Scobie ạ. Scobie Công Chính."

Scobie về theo lối cũ; cô gái ngồi trong nhập nhoạng. Cô đi chân trần: hai bàn chân đứng cạnh nhau như như mẫu đúc trong bảo tàng: chúng không thuộc về chiếc váy bông sáng màu duyên dáng.

"Cô Wilberforce?" Scobie hỏi.

"Vâng, thưa ngài."

"Cô không sống ở đây đúng không?"

"Không! Tôi ở Sharp Town, thưa ngài."

"Được, vào đi." Ông dẫn cô vào phòng làm việc và ngồi xuống bàn. Trên bàn không có bút chì, ông mở ngăn kéo. Ở đây và chỉ ở đây mới có đồ tích trữ: thư từ, mấy cục tẩy, một chuỗi tràng hạt vỡ - không bút chì." Có vấn đề gì vậy, cô Wilberforce?" Mắt ông đụng phải tấm ảnh bữa tiệc ở bãi biển Medley: vợ ông, vợ Đổng lý thuộc địa và Giám đốc Nha Học chính đang nâng một thứ gì trông như con cá chết - chính là vợ Giám đốc Nha Tài chính. Da thịt trắng lốp lềnh phềnh khiến họ trông như một hội bạch tạng, miệng cười há hoác.

Cô gái nói, "Bà chủ nhà trọ của tôi - đêm qua bà ta đột nhập nhà tôi. Trời tối, bà ta vào kéo đổ hết các vách ngăn và ăn trộm cái rương cùng toàn bộ đồ đạc của tôi trong đó."

 "Cô có nhiều người thuê trọ không?"

 "Chỉ có ba người thôi, thưa ngài."

Ông đã biết quá rõ chuyện này: người ta bỏ năm shilling mỗi tuần thuê căn nhà gỗ một gian, dựng lên vài vách ngăn mỏng rồi cho thuê lại với giá nửa crown[16] một “phòng”  - một kiểu ở tập thể liền kề. Mỗi “phòng” được trang bị một rương có ít đồ sứ và thủy tinh, hoặc chủ thảy cho, hoặc ăn cắp của chủ, một cái giường làm từ thùng đựng đồ cũ, một đèn bão. Thủy tinh làm những chiếc đèn này không bền, thành thử những ngọn lửa nhỏ hớ hênh có thể bắt vào dầu hỏa tràn bất cứ lúc nào, chúng liếm vào những tấm vách gỗ dán và gây vô số hỏa hoạn. Có lúc bà chủ nhà sẽ xông vào, kéo đổ hết những tấm vách nguy hiểm, và có lúc bà ta sẽ ăn cắp đèn của khách trọ. Rồi những gợn lăn tăn của vụ trộm ban đầu sẽ lan thành những vòng sóng trộm đèn ngày càng rộng, cho tới khi chúng lan tới khu Châu Âu và trở thành chủ đề ở câu lạc bộ. "Có tiền cũng chẳng giữ nổi cái đèn."

"Bà chủ nhà của cô," Scobie nghiêm giọng bảo cô gái, "bà ấy nói cô gây quá nhiều phiền phức: quá nhiều khách trọ: quá nhiều đèn."

"Không, thưa ngài. Không phải chuyện đèn."

"Vậy thì chuyện đánh ghen à? Cô ả hư đốn này?"

"Không, thưa ngài."

"Sao cô lại đến đây? Sao không trình hạ sĩ Laminah ở Sharp Town?"

"Ông ấy là anh em với bà chủ nhà."

"Thế sao? Cùng cha cùng mẹ?"

"Không, thưa ngài. Cùng cha thôi."

Cuộc nói chuyện diễn ra như một nghi lễ giữa linh mục và người phụ lễ. Ông biết chính xác chuyện gì sẽ xảy ra khi người của mình đến điều tra vụ việc. Bà chủ nhà sẽ nói đã bảo người thuê gỡ vách ngăn xuống, và khi nói không nghe thì bà phải tự làm. Bà ta sẽ chối bay là từng bao giờ có một rương đồ sứ. Viên hạ sĩ sẽ xác nhận điều đó. Và viên hạ sĩ này hóa ra cũng chẳng phải anh em với bà chủ, quan hệ giữa họ không rõ ràng - có lẽ chẳng tốt đẹp gì. Những khoản hối lộ - đã được gọi bằng cái tên trân trọng là “quà” - sẽ chuyền qua chuyền lại, cơn bão phẫn nộ ban đầu nghe có vẻ rất thành thực sẽ dịu đi, các vách ngăn sẽ lại được dựng lên, sẽ chẳng ai nghe thêm gì về cái rương đã mất, và vài cảnh sát sẽ có thêm một hai shilling đút túi. Thời gian đầu Scobie còn hừng hực điều tra; hết lần này đến lần khác ông thấy mình đứng về một phía, bảo vệ những người ông tin là khách thuê nhà nghèo khổ vô tội, chống lại chủ nhà giàu hút máu. Nhưng ông sớm nhận ra rằng phân biệt có tội và vô tội cũng khó như phân biệt giàu - nghèo, bởi hai bên gắn không thể tách rời. Khách thuê bị đối xử bất công hóa ra cũng là nhà tư bản giàu có, thu lời mỗi căn năm shilling một tuần, chưa kể ở không mất tiền. Kể từ đó, ông đã cố gắng dẹp những vụ như thế từ trong trứng: ông thuyết phục người thưa kiện, chỉ ra rằng điều tra cũng chẳng ích gì, mà chắc chắn chỉ tốn thời gian tiền bạc; đôi khi ông còn từ chối điều tra. Hậu quả của sự cự tuyệt này là những hòn đá ném vào cửa sổ ô tô, lốp xe bị rạch nát, biệt danh Ác Nhân bám chặt lấy ông suốt một nhiệm kỳ dài buồn thảm - trong khí hậu nóng nực ẩm thấp này, nó khiến ông lo phiền đến vô lý - chuyện chẳng thể nào coi nhẹ. Ông đã bắt đầu muốn có được lòng tin và sự yêu quý của những người này. Cũng năm ấy, ông mắc sốt tiểu đen tưởng đã phải thôi việc hẳn.

Cô gái kiên nhẫn đợi quyết định của ông. Những người này có thể kiên nhẫn vô hạn khi được yêu cầu kiên nhẫn - cũng như sự nôn nóng của họ chẳng thèm biết giới hạn lễ độ nào nếu nó mang lại cho họ chút gì. Họ có thể ngồi im cả ngày ở sân sau nhà một người da trắng để xin một điều anh ta không có khả năng cho, nhưng họ sẽ la hét, đánh đấm, thóa mạ nhau trong cửa hàng để giành được phục vụ trước. Ông nghĩ: cô ta mới đẹp làm sao. Nghĩ cũng lạ, mười lăm năm trước ông hẳn sẽ chẳng buồn để tâm đến vẻ đẹp này - bầu ngực cao nhỏ nhắn, cổ tay thanh mảnh, bờ mông vểnh trẻ trung, ông sẽ chẳng thể phân biệt cô với những kẻ khác - chỉ thấy thêm một người da đen nữa. Ngày ấy ông vẫn cho vợ mình là đẹp. Nước da trắng chưa làm ông nghĩ tới bệnh bạch tạng. Louise tội nghiệp. Ông nói, "Giao cô cho hạ sĩ đang trực ở bàn."

"Cảm ơn ngài."

"Không cần cảm ơn." Ông mỉm cười. "Cố mà nói thật với cậu ta nhé."

Ông nhìn cô bước khỏi phòng làm việc tối tăm như nhìn theo mười lăm năm hoài phí.

3

Scobie đã bị hớt tay trên trong cuộc chiến giành nhà không hồi kết. Kỳ nghỉ phép trước, ông để mất căn bungalow ở Cape Station, khu châu Âu chính, vào tay một thanh tra vệ sinh cao cấp tên Fellowes; trở về, ông phát hiện mình bị đày tới một ngôi nhà hai tầng ban đầu được xây cho một thương nhân Syria trên vùng trũng phía dưới - miếng đất khi trước là đầm lầy và sẽ lại thành đầm lầy ngay khi trời đổ mưa. Từ cửa sổ, vượt lên dãy nhà của người Creole,[17] ông nhìn thẳng ra biển; bên kia đường, xe cam nhông đang lùi đỗ, nổ máy ầm ào trong khu tập trung xe quân sự, lũ kền kền nhẩn nha đi lại như gà tây trên bãi rác của trung đoàn. Trên rặng đồi thấp phía sau, các bungalow của Cape Station thấp thoáng giữa những tầng mây là là; ở đó phải thắp đèn cả ngày trong tủ búp phê, ủng thì chưa gì đã mốc - nhưng dẫu sao đó cũng là dạng nhà cho những người có vị trí như ông. Phụ nữ sống dựa nhiều vào lòng kiêu hãnh, kiêu hãnh vì bản thân họ, chồng họ, điều kiện sống của họ. Ông thấy họ dường như ít khi kiêu hãnh vì những điều vô hình.

"Louise," ông gọi, "Louise." Chẳng có lý do gì phải gọi: nếu bà không có trong phòng khách thì sẽ là phòng ngủ (nhà bếp chỉ là một cái lán trong sân đối diện cửa sau), nhưng ông đã quen gọi to tên bà, thói quen hình thành từ những ngày yêu đương và khắc khoải. Càng ít cần Louise, ông càng ý thức rõ trách nhiệm của mình với hạnh phúc của bà. Khi gọi tên bà, ông như Canute gào lên,[18] cố sức chặn cơn sóng đang ập tới - cơn sóng của sầu muộn và chán ngán nơi bà.

Ngày trước bà còn đáp lại, nhưng không như ông, bà không phải là một tạo vật gắn chặt vào thói quen - cũng ít giả dối hơn, đôi khi ông tự nhủ. Lòng tốt và sự thương hại chẳng có sức mạnh gì đối với bà; bà sẽ không bao giờ giả vờ một cảm xúc bà không có, và như một con vật, bà bất thần buông mình cho cơn bệnh thoáng qua, để rồi hồi lại cũng đột ngột y như vậy. Khi ông tìm thấy bà trong phòng ngủ, dưới lớp màn chống muỗi, bà làm ông nghĩ đến một con chó hay con mèo, rã rời xẹp lép, tóc bết rối, mắt nhắm nghiền. Ông đứng bất động như một gián điệp trên đất lạ, và quả thật giờ ông đang ở nơi đất lạ. Nếu đối với ông, nhà nghĩa là cắt giảm mọi thứ về mức tối thiểu thiết thân và bất biến thì đối với bà, nhà là tích trữ. Bàn trang điểm chen chúc những ảnh và chai lọ - ảnh ông hồi trẻ trong đồng phục sĩ quan của cuộc chiến trước, trông đã xa xôi dị thường, vợ ông Chánh án mà có lúc bà xem là bạn, đứa con duy nhất của họ, qua đời trong một ngôi trường ở Anh ba năm trước - khuôn mặt nhỏ thành kính của cô bé chín tuổi mặc chiếc váy muslin trắng trong lễ ban thánh thể đầu tiên, vô số ảnh Louise, chụp cùng các nữ y tá, trong bữa tiệc của đô đốc ở bãi biển Medley, trên một truông ở Yorkshire cùng Teddy Bromley và vợ. Cứ như thể bà đang tích lũy bằng chứng rằng mình cũng có bạn bè như ai. Ông quan sát bà qua tấm màn muslin. Khuôn mặt ngả màu ngà vì atabrine:[19] mái tóc từng vàng ngọt mật ong giờ bết sẫm vì mồ hôi. Từng có những thời điểm bà xấu xí khi ông còn yêu bà, khi lòng thương hại và trách nhiệm còn đạt tới độ mãnh liệt của dục vọng. Lòng thương hại bảo ông đi đi: đừng đánh thức kẻ thù khủng khiếp nhất của mình, để yên cho Louise ngủ. Ông nhón chân ra, bước xuống cầu thang. (Thành phố toàn bungalow này chẳng tìm đâu được cầu thang trong nhà ngoại trừ ở Dinh toàn quyền, và bà đã cố biến nơi này thành một chốn kiêu hãnh, nào thảm, nào tranh treo tường.) Trong phòng khách có giá đầy sách của bà, thảm trải sàn, mặt nạ bản địa Nigeria và một lô ảnh nữa. Sách phải được lau hằng ngày để khử ẩm, và bà không thành công lắm trong việc ngụy trang bằng rèm hoa chạn thức ăn bốn chân phải dìm trong những chậu nước nhỏ tráng men để ngăn kiến. Thằng nhỏ đang bày bữa trưa cho một người.

Thằng nhỏ béo lùn có khuôn mặt to bành xấu xí dễ chịu của người Temne. Hai chân trần nó đập bèn bẹt trên sàn như đôi găng tay rỗng.

"Missus[20] bị sao thế?" Scobie hỏi.

"Bụng humbug[21]," Ali đáp.

Scobie lấy cuốn ngữ pháp Mende khỏi kệ: nó bị nhét xuống giá thấp nhất để giấu trang bìa cũ bẩn. Ở các giá trên là những tập èo uột các tác giả của Louise - những nhà thơ hiện đại chẳng còn trẻ trung gì và tiểu thuyết Virginia Woolf[22]. Ông không sao tập trung được: trời quá nóng, sự vắng mặt của vợ như khiến xuất hiện trong căn phòng một kẻ bám riết không ngừng lải nhải với ông về trách nhiệm. Một cái nĩa rơi xuống sàn; Ali lén chùi vào tay áo, ông nhìn nó âu yếm. Ông và nó đã bên nhau mười lăm năm - dài hơn cuộc hôn nhân của ông một năm - ít khi người ta giữ một người hầu cận bên mình lâu đến thế. Ban đầu nó chỉ là "thằng nhỏ," rồi khi nhà còn nuôi bốn người hầu, nó thành phó quản gia và giờ là quản gia "trơn". Mỗi lần Scobie nghỉ phép về, Ali luôn đứng sẵn ở bến, đem theo ba bốn cái túi rách chờ mang hành lý. Những lần ông đi vắng, nhiều người cố kéo Ali về làm cho mình nhưng bao giờ nó cũng đợi được ông - trừ một lần phải ngồi tù. Ở đây ngồi tù chỉ là chuyện vặt không có gì phải xấu hổ, một thứ rắc rối ai cũng phải trải qua.

"Ticki," giọng rền rĩ vang lên, Scobie đứng phắt dậy. "Ticki." Ông lên lầu.

Vợ ông đã ngồi dậy trong màn chống muỗi; nhìn bà, ông thoáng nghĩ tới một khúc xương dưới lớp màng bọc thịt. Nhưng lòng thương hại đã đuổi sát gót hình ảnh độc ác ấy và xua nó đi. "Em thấy khỏe hơn chưa, em yêu?"

Louise nói, "Bà Castle vừa tới."

"Đủ để làm bất kỳ ai phát ốm," Scobie nói.

"Bà ấy nói về anh."

"Anh làm sao?" Ông trưng ra cho bà nụ cười cường điệu; cuộc đời nhiều lúc chỉ là việc cố trì hoãn bất hạnh tới lần sau. Chẳng có gì vì trì hoãn mà mất hẳn. Ông lờ mờ nghĩ có lẽ nếu trì hoãn đủ lâu, sẽ đến lúc cái chết nhấc hết gánh nặng khỏi tay ông.

"Bà ấy nói Chánh thanh tra chuẩn bị về hưu, và họ đã qua mặt anh để chọn người khác."

"Chồng bà ta nói mớ hơi nhiều rồi."

"Đúng là có chuyện này sao?"

"Ừ, anh biết vài tuần rồi. Chẳng quan trọng đâu, em yêu ạ, thật đấy."

Louise nói, "Em sẽ không bao giờ vác mặt đến câu lạc bộ được nữa."

"Không tệ thế đâu. Chuyện như vậy vẫn xảy ra, em biết mà."

"Anh sẽ từ chức chứ, Ticki?"

"Anh không nghĩ anh có thể làm vậy đâu em."

"Bà Castle ở phe ta. Bà ấy giận điên lên. Bà ấy bảo ai cũng bàn tán. Anh yêu, anh không ăn tiền của bọn Syria chứ?"

"Không em ạ."

"Em uất đến mức em đã bỏ đi trước khi kết thúc Thánh lễ. Họ đê tiện quá, Ticki. Anh không thể cứ ngậm bồ hòn được. Anh phải nghĩ cho em nữa chứ."

"Có, anh nghĩ mà. Lúc nào cũng nghĩ." Ông ngồi lên giường và luồn tay xuống dưới tấm màn, chạm vào tay bà. Những giọt mồ hôi lấm tấm ứa ra nơi tiếp xúc da. Ông nói, "Anh có nghĩ về em, em yêu. Nhưng anh đã ở đây mười lăm năm rồi. Đi bất kỳ đâu anh cũng sẽ thấy lạc lõng, kể cả nếu họ cho anh một công việc khác. Bị qua mặt không phải chuyện vẻ vang gì, em biết mà."

"Ta có thể nghỉ hưu."

"Lương hưu không đủ sống."

"Em chắc chắn em có thể viết lách kiếm ít tiền. Bà Castle nói em phải biến viết thành nghề. Với tất cả những kinh nghiệm mà em có," Louise nói, đăm đăm nhìn xuyên qua tấm màn muslin trắng, thẳng tới bàn trang điểm: ở đó, một khuôn mặt cũng choàng muslin trắng chằm chằm nhìn lại, và bà quay đi. Bà nói, "Giá ta có thể đến Nam Phi. Em không thể chịu được người ở đây."

"Chắc anh có thể sắp xếp cho em một chuyến. Đường đến đó gần đây không đắm tàu nhiều. Em cũng nên đi nghỉ."

"Từng có lúc anh cũng muốn về hưu mà. Anh còn đếm từng năm một. Anh đã lên kế hoạch - cho cả hai."

"À, ai rồi cũng khác," ông nói.

Bà cay đắng, "Lúc đó anh đã không nghĩ sẽ phải một mình ở cùng em."

Ông siết tay bà trong bàn tay đẫm mồ hôi. "Em nói linh tinh gì thế, em yêu. Em phải dậy ăn chút gì..."

"Anh có yêu ai không, Ticki, ngoài bản thân anh?"

"Không, anh chỉ yêu mình anh thôi. Cả Ali nữa. Anh quên mất Ali. Tất nhiên anh cũng yêu nó. Nhưng em thì không," ông tiếp tục lời giễu cợt máy móc đã dùng đến rã rời, vuốt tay bà, mỉm cười, xoa dịu. . .

"Còn em gái Ali?"

"Nó có em à?"

"Bọn chúng phải có chị em chứ, đúng không? Sao hôm nay anh không dự Thánh lễ?"

"Anh có ca trực sáng, em yêu. Em biết còn gì."

"Anh có thể đổi với người khác mà. Anh chẳng có mấy tín niệm, phải không Ticki?"

"Em có đủ cho cả hai rồi. Nào, dậy ăn gì đi."

"Ticki, đôi khi em nghĩ anh trở thành người Công giáo chỉ để cưới em. Chuyện đó đối với anh chẳng ý nghĩa gì, đúng không?"

"Nghe này, em yêu, em biết em cần gì không? Đầu tiên xuống lầu ăn gì đó. Rồi lái xe dọc bãi biển hít thở không khí trong lành."

"Ngày hôm nay lẽ ra đã có thể khác biết bao," bà thốt lên, trông ra khỏi màn, "nếu anh về nhà và nói, "Em yêu, anh sẽ là Chánh thanh tra."

Scobie chậm rãi nói, "Em biết đấy, em yêu, ở một nơi như thế này trong thời chiến - một cảng quan trọng - quân Pháp Vichy ở ngay bên kia biên giới - rồi nạn buôn lậu kim cương từ xứ Bảo hộ, họ cần một người trẻ hơn." Ông chẳng mảy may tin những gì mình đang nói.

"Em chưa nghĩ tới chuyện đó."

"Đó là lý do duy nhất. Em không thể trách cứ ai cả. Tại chiến tranh thôi."

"Chiến tranh làm hỏng mọi sự, phải không anh?"

"Chiến tranh trao cơ hội cho những người trẻ hơn."

"Anh, có lẽ em sẽ xuống lầu dùng ít thịt nguội"

"Vậy mới phải chứ, em yêu." Ông rút tay lại: bàn tay đẫm mồ hôi. "Anh sẽ bảo Ali."

Xuống lầu, ông nhằm cửa sau lớn giọng gọi, "Ali."

"Massa?"[23]

"Bày hai phần ăn. Missus đỡ rồi."

Cơn gió nhẹ đầu tiên của ngày thổi lên từ biển, len giữa những bụi cây, qua dãy nhà Creole. Một con kền kền đập cánh nặng nề nhấc mình khỏi mái tôn rồi lại sà xuống sân nhà bên. Scobie hít một hơi sâu, bồng bềnh trong cảm giác kiệt sức và chiến thắng: ông đã thuyết phục được Louise ăn chút thịt. Trách nhiệm của ông là bảo đảm hạnh phúc của những người ông yêu. Một người giờ đã an toàn, vĩnh viễn an toàn, người còn lại chuẩn bị dùng bữa.

4

Hoàng hôn. Trong năm phút, cảng trở nên tuyệt đẹp. Những đường đá ong xấu xí bùn đất ban ngày vụt biến thành dải hồng lung linh như cánh hoa. Thời khắc viên mãn. Những người mãi mãi xa cảng đôi khi cũng hoài niệm, trong một tối London ẩm ướt và xám xịt, về đóa hoa rực rỡ tàn ngay khi bừng nở kia: họ sẽ lấy làm lạ tự hỏi vì đâu mình ghét bờ biển này đến thế, và trong khoảnh khắc dài hết một ly, họ sẽ muốn trở lại đây.

Scobie đỗ chiếc Morris ở một vòng cung lớn trên dường lên dốc, ngoái đầu nhìn lại. Ông đến vừa trễ. Đóa hoa mới tàn; những tảng đá trắng viền rìa đồi sáng lên như những ngọn nến trong chạng vạng vừa ập xuống.

"Em tự hỏi liệu có ai đến không, Ticki."

"Chắc chắn rồi. Đêm thư viện mà."

"Nhanh lên, anh yêu. Trong xe nóng quá. Nếu mưa được thì tốt."

"Tốt thật không?"

"Giá chỉ mưa một hai tháng rồi thôi."

Scobie đáp lời vợ theo quán tính. Khi bà nói, ông chẳng bao giờ nghe, mặc cho dòng âm thanh đều đều chảy. Nhưng chỉ cần một nốt dằn dỗi rung lên, ông nhận ra ngay. Như một tiếp tuyến viên radio với cuốn tiểu thuyết mở trước mặt, ông có thể bỏ qua mọi thứ ngoại trừ tín hiệu tàu và SOS. Khi có tiếng bà ro ro bên tai, ông thậm chí còn có thể làm việc tốt hơn so với khi bà im lặng, miễn là màng nhĩ ông chỉ ghi nhận những âm thanh yên bình - những chuyện ngồi lê đôi mách ở câu lạc bộ, bình luận về các bài giảng của Cha Rank, cốt truyện một tiểu thuyết mới, thậm chí cả những phàn nàn về thời tiết - khi đó ông biết mọi chuyện đều ổn. Chính sự im lặng mới làm ông khựng lại - sự im lặng khiến ông phải ngước lên để thấy những giọt nước mắt chực trào đang chờ ông chú ý.

"Có tin đồn là các tủ lạnh đáng lẽ đến tuần trước bị đánh chìm cả rồi."

Trong khi bà nói, ông dự trù kế hoạch cho con tàu Bồ Đào Nha cập cảng sáng mai ngay khi chắn cảng mở. Một con tàu trung lập ghé lại hai tuần một lần, mang cho các sĩ quan cấp dưới một dịp đổi gió: vài món lạ, mấy ly rượu xịn, thậm chí cả cơ hội mua những đồ trang trí nho nhỏ trong cửa hàng trên tàu cho một cô gái. Đổi lại, họ chỉ phải giúp Cảnh sát thực địa (CSTĐ) kiểm tra hộ chiếu và khám xét cabin các nghi phạm: tất tật những việc khó chịu và phức tạp đã có CSTĐ lo, họ sục vào khoang lục soát các bao gạo tìm kim cương buôn hay chui vào căn bếp nóng ngốt, nhúng tay vào những hộp mỡ lợn, mổ bụng những con gà tây nhồi. Cố tìm vài viên kim cương trong một con tàu mười lăm nghìn tấn là chuyện hoang đường: đến trong cổ tích cũng chẳng có tên bạo chúa nào bắt cô bé chăn ngỗng thực hiện một nhiệm vụ bất khả đến thế, vậy nhưng lần nào tàu chuẩn bị cập cảng, mật mã điện báo cũng rào rào tới - "Người X người Y đi khoang hạng nhất tình nghi mang kim cương. Các thành viên sau của thủy thủ đoàn khả nghi..." Chưa từng tìm được gì. Ông nghĩ: lần này đến lượt Harris lên tàu, và Eraser có thể đi cùng cậu ta. Mình đã quá già cho những du hí này. Phải để các cậu chàng vui vẻ một chút.

"Lần trước một nửa số sách đến đây bị hỏng."

"Vậy sao?"

Dựa trên số lượng ô tô, ông nghĩ chưa nhiều người đến câu lạc bộ. Ông tắt đèn và đợi Louise nhúc nhích, nhưng bà chỉ ngồi đó, bàn tay nắm chặt hằn trong ánh sáng hắt lên từ bảng điều khiển. "Nào, em yêu, mình đến nơi rồi," ông nói với giọng hào hứng nồng nàn mà người lạ nghe thấy hẳn sẽ tưởng là dấu hiệu của một tên đần độn. Louise nói, "Anh có nghĩ là giờ này họ đều biết rồi không?"

"Biết gì?"

"Rằng anh bị qua mặt."

"Em yêu, anh tưởng chúng ta đã xong chuyện đó rồi mà. Em xem có bao nhiêu tướng lĩnh bị qua mặt từ năm 1940. Người ta chẳng để tâm tới một Phó thanh tra đâu."

Bà nói, "Nhưng họ không thích em."

Louise tội nghiệp, không được yêu quý quả là kinh khủng. Ông nhớ lại những gì chính mình trải qua ở nhiệm kỳ chân ướt chân ráo tới đây, những người da đen rạch lốp và viết những lời sỉ nhục lên xe ông. "Em yêu, em ngốc quá. Anh chưa thấy ai nhiều bạn bè như em đâu." Ông ngập ngừng tiếp tục. "Bà Halifax này, bà Castle này ..." và rồi quyết định rằng tốt hơn là không kể hết họ ra.

"Tất cả bọn họ đang đợi sẵn," bà nói, "chỉ chờ em bước vào ... Tối nay không đời nào em vào câu lạc bộ đâu. Mình về thôi anh."

"Không được rồi. Xe của bà Castle đang đến đây." Ông cố nặn ra tiếng cười. "Ta sa bẫy rồi, Louise." Ông thấy nắm tay bà lỏng dần rồi nắm lại, lớp phấn ẩm vô dụng phủ trên các khớp ngón tay như tuyết đọng. "Ôi, Ticki, Ticki," bà kêu lên, "anh sẽ không bao giờ bỏ rơi em chứ? Em chẳng còn người bạn nào - chẳng còn ai từ khi Tom Barlows đi." Ông nâng bàn tay đẫm mồ hôi lên, hôn vào lòng bàn tay: ông bị trói bởi nỗi thống thiết tỏa ra từ chính sự thảm hại của bà.

Như một cặp cảnh sát đi tuần, họ sánh vai bước vào phòng đợi, ở đó bà Halifax đang phân phát sách thư viện. Hiếm khi mọi sự quả thật khủng khiếp như ta lo tưởng: chẳng có lý do nào để tin rằng họ đã trở thành chủ đề bàn tán ở đây. "Tuyệt vời, tuyệt vời," bà Halifax gọi họ, "cuốn Clemence Dane[24] đến rồi." Ở Cape Station, bà là phụ nữ ít nanh vuốt nhất; tóc bà dài bù rối; trong những cuốn sách mượn từ thư viện, thỉnh thoảng người ta lại tìm thấy kẹp tóc ở những chỗ bà đánh dấu trang. Scobie thấy khá an toàn khi để vợ cạnh bà vì bà không phải là người ác tâm và không có khả năng ngồi lê đôi mách; trí nhớ của bà quá tệ, chẳng có gì trú lại đó được đâu: bà cứ đọc đi đọc lại một cuốn tiểu thuyết mà không biết.

Scobie tới chỗ đám đông tụ tập trên hiên. Fellowes, thanh tra vệ sinh, đang hùng hồn gì đó với Reith, Phụ tá chính Đổng lý thuộc địa và một sĩ quan hải quân tên là Brigstock. "Dẫu sao đây cũng là một câu lạc bộ," ông ta nói, "không phải phòng giải khát nhà ga." Kể từ khi Fellowes cướp ngôi nhà của ông, Scobie đã cố gắng hết sức để thích ông ta - đó là một trong những nguyên tắc mà ông đặt ra cho mình, thua không cay cú. Nhưng đôi khi ông thấy thật khó mà thích được Fellowes. Tối trời oi bức khiến ông ta trông chẳng ra sao: tóc màu gừng vừa mỏng vừa bết, ria lưa thưa vểnh ngược, mắt lồi trợn, má đỏ bừng, cà vạt Lancing sờn cũ.[25] "Hẳn rồi," Brigstock đáp, khẽ đung đưa người.

"Chuyện gì vậy?" Scobie hỏi. Reith nói, "Ông ấy nghĩ chúng ta chưa đủ chọn lọc." Ông đáp với giọng châm biếm tự mãn của một người biết mình đã chọn lọc tuyệt đối kỹ càng; quả thật hồi còn ở xứ Bảo hộ, ông ngồi một mình một bàn không chung đụng với bất kỳ ai. Fellowes vẫn đang gay gắt, "Dẫu sao cũng phải có giới hạn," vân vê chiếc cà vạt Lancing để lấy tự tin.

"Chính thế," Brigstock hưởng ứng.

"Tôi đã biết thể nào chuyện này cũng xảy ra," Fellowes nói, "ngay khi chúng ta cho mọi sĩ quan ở đây trở thành thành viên danh dự. Sớm muộn gì họ cũng sẽ bắt đầu kéo những phần tử bất hảo tới. Chẳng phải tôi trưởng giả gì, nhưng ở một nơi thế này ta phải vạch giới hạn - vì lợi ích của phụ nữ. Ở đây không phải như ở nhà."[26]

"Nhưng là chuyện gì mới được?" Scobie lại hỏi.

"Thành viên danh dự," Fellowes nói, "không nên được phép mời khách tới. Mới hôm kia đã có một anh binh nhì lọt vào. Quân đội thích dân chủ thế nào cũng được, nhưng không được bắt chúng ta chịu phí tổn. Đó, lại thêm một chuyện: không có mấy vị khách không mời thì cũng đã chẳng đủ đồ uống cho chừng này người rồi."

"Chí lý," Brigstock kêu lên, càng lắc mình dữ dội.

"Giá tôi biết đã xảy ra chuyện gì," Scobie nói.

"Y sĩ đội 49 dắt đến một thường dân tên Wilson, và anh chàng Wilson đó muốn gia nhập câu lạc bộ. Việc này đặt mọi người vào một tình huống vô cùng khó xử."

"Anh ta có vấn đề gì sao?"

"Anh ta chỉ là nhân viên quèn của U.A.C.[27] Anh ta có thể tham gia câu lạc bộ ở Sharp Town mà. Anh ta muốn đến đây làm gì mới được?"

"Câu lạc bộ đó không hoạt động," Reith nói.

"Thế thì đó là lỗi của họ chứ, đúng không?" Nhìn qua vai viên thanh tra vệ sinh, Scobie thu lấy cảnh đêm. Đom đóm nhấp nháy không ngừng dọc rìa đồi, chỉ có thể nhận ra đèn tàu tuần tra đang đi trên vịnh nhờ sự im lìm gần như bất động của nó. "Đến giờ tắt đèn rồi,"[28] Reith nói. "Chúng ta đi vào thôi."

"Người nào là Wilson?" Scobie hỏi ông ta.

"Đằng kia. Cậu chàng khốn khổ trông cô đơn quá. Cậu ta mới đến được vài ngày."

Wilson đứng bồn chồn một mình giữa rừng ghế bành hung hiểm, vờ xem tấm bản đồ trên tường. Khuôn mặt xanh xao bóng nhẫy mồ hôi như thạch cao. Anh rõ ràng đã bị một tay lái buôn lừa bán cho bộ đồ nhiệt đới chẳng ai thèm: những sọc kẻ kỳ quặc, màu thì rợ quá. "Anh là Wilson, phải không?" Reith nói. "Hôm nay tôi thấy tên anh trong danh sách của Đổng lý thuộc địa."

"Vâng, tôi đây," Wilson đáp.

"Tôi tên là Reith. Tôi là Phụ tá chính Đổng lý thuộc địa. Đây là Scobie, Phó thanh tra."

"Sáng nay tôi thấy ngài bên ngoài cư xá Bedford," Wilson nói. Toàn bộ tư thế của anh, Scobie thấy như phát ra sự ơ hờ thiếu phòng thủ: anh đứng đó chờ người ta tỏ ra thân thiện hay thù địch - dường như không chờ mong thái độ nào hơn thái độ nào. Anh như một con chó. Chưa ai vạch lên gương mặt anh những đường nét định hình một con người.

"Làm một ly nhé, Wilson."

"Tôi không từ chối đâu, thưa ngài."

"Đây là vợ tôi," Scobie nói. "Louise, đây là ông Wilson."

"Em đã nghe nhiều về ông Wilson," Louise cứng nhắc đáp.

"Anh thấy đấy, anh nổi tiếng rồi, Wilson," Scobie nói. "Anh là người Sharp Town nhưng lại lọt được vào Câu lạc bộ Cape Station."

"Tôi đã không biết mình làm sai. Thiếu tá Cooper mời tôi."

"Chuyện này làm tôi nhớ ra," Reith nói, "là tôi hẹn với Cooper. Tôi nghĩ tôi phải xin phép." Ông ta lẩn đi.

"Cooper kể cho tôi về thư viện," Wilson nói, "tôi đã nghĩ có lẽ ..."

"Anh thích đọc sách sao?" Louise hỏi, và Scobie thở phào nhận ra rằng bà sẽ nhân từ với cậu chàng tội nghiệp. Với Louise thì lúc nào cũng như tung đồng xu, chẳng bao giờ biết chắc. Đôi khi bà có thể là kẻ trưởng giả hợm hĩnh nhất Cape Station, và ông thương hại nhận ra rằng có lẽ giờ bà tin mình không còn tư cách tỏ ra hợm hĩnh nữa. Bất kỳ khuôn mặt mới nào chưa "biết" đều được hoan nghênh.

"À," Wilson nói, bồn chồn vân vê bộ ria mỏng, "à..." Cứ như thể anh đang thu hết sức lực cho một lời thú tội trọng đại hay một lời chối tội cương quyết.

"Truyện trinh thám?" Louise hỏi.

"Tôi không chê truyện trinh thám đâu," Wilson bối rối đáp. "Một số truyện trinh thám."

"Cá nhân tôi thì," Louise nói, "tôi thích thơ."

"Thơ," Wilson nói, "vâng." Anh lưỡng lự rút tay khỏi bộ ria, và một điều gì đó trong cái nhìn biết ơn và hy vọng, cái nhìn của loài chó nơi anh khiến Scobie hạnh phúc nghĩ: mình thực sự tìm được cho cô ấy một người bạn rồi sao?

"Tôi cũng thích thơ," Wilson nói.

Scobie tiến về phía quầy bar: một lần nữa gánh nặng được cất khỏi tâm trí ông. Tối nay vậy là không hỏng: bà sẽ về nhà hạnh phúc, đi ngủ hạnh phúc. Cả đêm tâm trạng bà sẽ giữ nguyên, và hạnh phúc sẽ còn lưu lại cho tới khi ông phải đi trực. Ông có thể yên tâm ngủ được rồi...

Ông thấy một nhóm sĩ quan cấp dưới tụ tập ở quầy bar. Fraser ngồi với Tod và một tay mới đến từ Palestine có cái tên đặc sắc là Thimblerigg. Scobie ngần ngại không muốn vào. Bọn họ đang thoải mái và sẽ không muốn một sĩ quan cấp trên có mặt. "Mặt dày gớm," Tod nói. Họ có lẽ đang nhắc tới Wilson tội nghiệp. Rồi trước khi kịp quay đi, ông nghe giọng Eraser. "Anh chàng gặp sao quả tạ rồi. Nữ sĩ Louise đã tóm được anh ta." Thimblerigg bật cười hinh hích, một bong bóng gin nở trên bờ môi mọng.

Scobie gấp gáp quay lại phòng chờ. Ông đổ rạp người xuống ghế bành, thất thần một lúc. Mắt ông dần bớt loạn, nhưng mồ hôi đã túa ra, ròng vào mắt phải. Ngón tay ông đưa lên lau giần giật như người say rượu. Ông tự nhắc mình: Cẩn thận. Khí hậu này không thích hợp cho cảm xúc đâu. Đây là khí hậu cho hèn hạ, độc ác, hợm hĩnh sinh sôi, còn những điều như tình yêu hay căm hận chỉ gây loạn trí. Ông nhớ tới Bowers đã bị tống cổ về nhà vì dám đấm A.D.C.[29] của Toàn quyền ở một bữa tiệc, rồi nhà truyền giáo Makin kết cục phải vào nhà thương điên ở Chislehurst.

"Nóng phát điên," ông nói với một người nào đó chỉ thấy bóng lờ mờ bên cạnh.

"Trông ông không ổn đâu, Scobie. Làm một ly nhé."

"Không, cảm ơn. Tôi còn phải lái xe tuần một vòng." Bên kệ sách, Louise đang hào hứng chuyện với Wilson, nhưng ông có thể cảm thấy sự ác độc và hợm hĩnh của thế giới dồn lên như bầy sói quahh bà. Họ thậm chí sẽ chẳng để yên cho cô ấy vui vẻ mà đọc, ông nghĩ, và tay ông lại bắt đầu run lên. Tiến lại gần, ông nghe bà hạ cố giọng Lady Hào Phóng,[30] "Hôm nào anh nhất định phải đến ăn tối với chúng tôi. Tôi có những cuốn hẳn anh sẽ thích."

"Tôi rất hân hạnh," Wilson đáp.

"Chỉ cần gọi điện báo trước cho chúng tôi một tiếng, có gì ăn nấy."

Scobie nghĩ: Những kẻ khác có gì mà dám cho phép mình khinh bỉ một người? Những sai lầm của bà ông biết rõ hơn ai hết. Biết bao lần ông đã co mình lại trước giọng hạ cố của bà với người lạ. Ông biết từng cách nói, từng ngữ khí sẽ đẩy họ xa bà. Đôi khi ông muốn cảnh báo bà - đừng mặc cái váy đó, đừng nói điều đó, như một người mẹ hẳn sẽ dạy con gái, nhưng ông vẫn im lặng, đau đớn biết trước rằng bà sắp mất một người bạn nữa. Kinh khủng nhất là khi ông thấy đồng nghiệp đối xử với mình ân cần hơn, như thể họ thương hại ông. Các người có quyền gì, ông muốn kêu lên, mà chế giễu cô ấy? Đây là lỗi của mình. Mình đã làm cô ấy thành ra thế này. Cô ấy trước đây đâu như vậy."  

Ông vội tiến lại chỗ họ, nói, "Em yêu, anh phải đi tuần đây."

"Đến giờ rồi sao?"

"Anh xin lỗi."

"Em sẽ ở lại, anh yêu. Bà Halifax sẽ đưa em về."

"Anh muốn em đi cùng anh."

"Gì cơ? Đi tuần ư? Lâu lắm em không đi rồi..."

"Chính vì thế anh mới muốn em đi cùng." Ông nâng bàn tay bà, hôn lên đó: đó là một lời thách thức. Ông tuyên bố với toàn câu lạc bộ rằng ông sẽ không chấp nhận sự thương hại, rằng ông yêu vợ, rằng họ hạnh phúc. Nhưng chẳng ai liên quan chứng kiến cảnh này - bà Halifax đang bận rộn với đống sách, Reith đã đi từ lâu, Brigstock đang ở quầy bar, Fellowes đang mải chuyện với bà Castle - không ai, ngoài Wilson, chứng kiến. Louise nói, "Lần sau em sẽ đi, anh yêu. Nhưng bà Halifax vừa hứa sẽ đưa Wilson về và trên đường ghé qua nhà mình. Có một cuốn sách em muốn cho cậu ấy mượn."

Scobie thấy biết ơn Wilson vô hạn. "Thế thì tốt rồi," ông nói, "rất tốt. Nhưng anh cứ chờ ở nhà tôi cho tới khi tôi quay lại nhé. Tôi sẽ đưa anh về Bedford. Tôi sẽ không về muộn đâu." Ông đặt tay lên vai Wilson và thầm cầu nguyện: Xin đừng để cô ấy quá hạ cố với cậu ta; xin đừng để cô ấy nói gì lố bịch: ít nhất hãy để cô ấy giữ được người bạn này. "Tôi sẽ không nói chúc ngủ ngon đâu," ông nói, "Tôi chờ gặp anh khi quay lại đấy."

"Ngài thật tốt."

"Anh không cần "ngài" với tôi. Anh không phải là cảnh sát, Wilson. Hãy cảm ơn những ngôi sao chiếu mệnh của anh vì điều đó."

Anh Hoa dịch

bonus

Graham Greene và Francois Mauriac

 

[1] Nguyên văn: Commissioner of Police, vị trí đứng đầu sở cảnh sát của thuộc địa, chức danh tương đương trong hệ thống Đông Dương là "Giám đốc Sở Liêm phóng."

[2] Nguyên văn: Colonial Secretary, không có chức vụ tương đương trong hệ thống thuộc địa Pháp, tuy vị trí Phó Toàn quyền có thể có quyền lực tương đương. Trong hệ thống thuộc địa Anh, đây là vị trí đứng đầu Colonial Secretariat, tức trụ sở thực dân. Bản dịch từ đây sẽ gọi Secretariat là Thực dân ti.

[3] Bitters là một loại rượu ngâm thường dùng trong pha chế cocktail, vị đắng, màu sẫm. Bản dịch sẽ giữ nguyên tên các loại rượu, đồ uống và thuốc đặc thù.

[4] Jig jig: làm tình (tiếng lóng).

[5] The Golden Treasury: Tuyển tập thơ tiếng Anh do Francis Turner Palgrave (1824-1897) biên tập, xuất bản lần đầu năm 1861.

[6] Henry Wadsworth Longfellow (1807-1882), nhà thơ Mỹ.

[7] Thomas Babington Macaulay (1800-1859): nhà sử học, nhà văn người Anh.

[8] James Clarence Mangan (1803-1849): nhà thơ Ireland. Dòng thơ được trích dẫn rút từ bài “The Nameless One” (Người không tên) của ông.

[9] Edgar Wallace (1875-1932): tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh.

[10] "Gunga Din" ban đầu là tên một bài sử thi của nhà văn Anh Kipling (1865-1936), kể về một lính thủy Ấn Độ từng phục vụ trong quân đội Anh ở Ấn. Bấy giờ ở các nước nói tiếng Anh, từ này thường được dùng để chỉ bất kỳ người phương Đông không tên nào.

[11] Người phục vụ cho người da trắng.

[12] “A lost thing will they never find.” Trích từ bài thơ “The South Country” của nhà thơ và nhà sử học người Anh Hilaire Belloc (1870-1953). Ở các chương sau này, “lost” còn được dùng với nghĩa “đọa lạc.”

[13] Tiếng Anh: “the phoney war,” tiếng Pháp: "Drôle de guerre": giai đoạn đầu chiến tranh thế giới thứ hai, kẹp giữa hai sự kiện: Đức xâm lược Ba Lan (tháng 9 năm 1939) và Đức tấn công Pháp (tháng 5 năm 1940). Giai đoạn này, Anh, Pháp và Đức đã tuyên bố chiến tranh nhưng không có hoạt động quân sự nào đáng kể.

[14] Nguyên văn: District Officer - người đứng đầu các khu trong thuộc địa.

[15] Aristides (530-468 TCN): chính trị gia và tướng lĩnh Hy Lạp.

[16] Đơn vị tiền tệ cũ của Anh: 1 crown bằng 5 shilling, 1 shilling bằng 12 pence.

[17] Con lai Âu-Phi.

[18] Canute Đại đế (995-1035), vua của Anh, Đan Mạch và Na Uy. Truyện “Vua Canute và cơn sóng” (King Canute and the Tide) được Henry of Huntingdon ghi lại vào thế kỷ 12, có thể so sánh với truyện dã tràng xe cát, đều chỉ một hành động vô vọng chống lại tự nhiên.

[19] Atabrine: một loại thuốc điều trị sốt rét.

[20] Bà chủ, sẽ giữ nguyên trong bản dịch.

[21] Humbug: một từ đặc trưng được dùng rất nhiều trong văn bản và sẽ được giữ nguyên trong bản dịch, ở đây có thể hiểu đơn giản là bụng giở chứng.

[22] Virginia Woolf (1882-1941): nữ văn sĩ người Anh.

[23] Ông, sẽ giữ nguyên trong bản dịch

[24] Bút hiệu của nữ nhà văn kiêm nhà biên kịch người Anh Winifred Ashton (1888-1965).

[25] Lancing College: một trường nội trú danh giá ở miền nam nước Anh.

[26] “Nhà” (home) ý nói metropolis: nước Anh, đối lập với “ở đây”: thuộc địa.

[27] United Africa Company (1929-1987): Công ty Liên Phi - một công ty của Anh, chủ yếu hoạt động ở Tây Phi.

[28] Giờ giới nghiêm, "couvre-feu".

[29] Aide-de-camp: sĩ quan phụ tá

[30] Lady Bountiful: một nhân vật trong vở “The Beaux "Stratagem” của kịch gia người Anh George Farquhar (1678-1707), thường được dùng với nghĩa mỉa mai hay hài hước.

 

Bên kia cầu

Trong trắng

Vấn đề là ở chỗ

Mario Vargas Llosa: Văn chương và cuộc đời

Sống tiếp

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công