Graham Greene: Trong trắng
Graham Greene viết truyện ngắn: điều này có thể gây bất ngờ cho những ai không thực sự biết về văn chương Greene (chỉ đọc The Quiet American chẳng hạn, hoặc chỉ biết những cuốn tiểu thuyết thuộc dạng The End of the Affair).
"The Innocent" (1937) là một trong số những truyện ngắn ấy.
Trong trắng
- Graham Greene
Thật sai lầm vì đã dẫn theo Lola, tôi hiểu điều đó ngay khi chúng tôi xuống tàu tại nhà ga nhỏ nông thôn ấy. Những buổi chiều tối mùa thu, người ta nhớ đến tuổi thơ của mình nhiều hơn so với mọi quãng khác trong năm, và khuôn mặt sáng bừng, như không thật của Lola, cái va li nhỏ khó lòng cho thấy là đựng đủ đồ dùng cùng quần áo ban đêm của chúng tôi, đơn giản là chẳng ăn nhập gì với nhà kho cũ đựng lúa nằm bên kia dòng kênh nhỏ, cũng như với các luồng ánh sáng hiếm hoi rải rác nơi sườn đồi và các tấm áp phích cho một bộ phim rất cũ. Nhưng nàng đã nói: "Chúng ta về nông thôn đi", và cái tên đầu tiên nảy ra trong tâm trí tôi lẽ dĩ nhiên là Bishop's Hendron. Ở đây không ai còn biết tôi nữa và tôi đã không tính trước được rằng chính tôi là người nhớ lại.
Ngay cả người khuân hành lý già cũng gợi một liên tưởng:
"Chúng ta sẽ tìm được một cái xe ở trước nhà ga," tôi nói.
Nó ở đó thật, nhưng tôi không trông thấy ngay, do bị ấn tượng mạnh trước hiện diện của hai chiếc taxi và nghĩ: "A, a, cái xứ cũ kỹ này đã hiện đại hóa!" Trời rất tối, và cơn mưa phùn mùa thu, mùi những cái lá ướt cùng nước dưới kênh đối với tôi quen thuộc một cách sâu sắc.
"Nhưng tại sao anh lại chọn chỗ này?" Lola hỏi tôi. "U ám quá."
Hẳn sẽ là vô vọng nếu tìm cách giải thích với nàng tại sao, đối với tôi khung cảnh chẳng hề u ám, và đống cát gần con kênh kia từng lúc nào cũng ở đó (tôi nhớ là ở tuổi lên ba tôi đã nghĩ đấy là cái mà người ta gọi là bờ biển). Tôi xách cái va li (nó thật nhẹ, tôi đã nói, và chỉ là một tấm hộ chiếu giả cho sự đáng kính) và thông báo là chúng tôi sẽ đi bộ. Chúng tôi đi qua cây cầu nhỏ gồ lên và bước dọc các khối nhà của thương xá. Ở tuổi lên năm, tôi đã trông thấy một người đàn ông, một người lớn, chạy vào một trong những khối nhà kia để tự sát; ông ta cầm một con dao ở tay và tất tật những người sống gần đó đuổi theo ông ta tới tận trên cầu thang.
"Chẳng bao giờ em nghĩ nông thôn trông lại như thế này," nàng nói.
Đó là một thương xá gớm ghiếc cho người nghèo, làm bằng những hộp nhỏ bằng đá xám, nhưng đối với tôi không có gì quen thuộc hơn so với cảnh tượng của nó. Vừa bước đi, tôi vừa có cảm giác mình đang nghe thấy một thứ âm nhạc quen.
Nhưng cần phải nói điều gì đó với Lola. Đâu phải lỗi của nàng nếu nàng chẳng thấy có gì chung với toàn bộ những thứ này. Chúng tôi đi ngang qua trước nhà thờ và ngôi trường, và đột nhiên đó là phố chính cũ và rộng, cùng cảm giác của mười hai năm đầu tiên đời tôi. Nếu không đến đây, hẳn tôi sẽ chẳng bao giờ biết rằng hiện diện của chúng mạnh mẽ trong tôi tới vậy, bởi những năm đó đã không cả đặc biệt sung sướng lẫn đặc biệt thảm hại: chỉ là những năm thông thường, nhưng tối hôm ấy, trong lúc hít mùi củi cháy, và cái lạnh dâng lên từ lòng đường ẩm ướt làm bằng đá sẫm, tôi nghĩ mình biết điều gì đã giữ tôi lại. Đó là mùi của sự trong trắng.
"Đây là một quán trọ tốt," tôi bảo Lola, "và, em sẽ thấy, không có gì bắt chúng ta phải thức khuya. Chúng ta sẽ ăn tối, uống một cái gì đó rồi đi ngủ."
Nhưng điều tệ hại nhất nằm ở chỗ tôi không thể tự ngăn mình thấy tiếc vì không được một mình. Sau những năm dài, đây là lần đầu tiên tôi quay trở lại. Tôi đã không nhận thấy sự chính xác nơi tất tật các kỷ niệm của tôi. Những chi tiết mà tôi đã hoàn toàn quên, như đống cát kia, quay trở lại với một cái gì đó đẫm niềm hoài nhớ và thật thống thiết. Lẽ ra tôi đã có thể tìm được nhiều niềm vui vào tối hôm đó, một niềm vui sầu muộn và nhiều tính cách mùa thu, đi lang thang trong thành phố nhỏ, để tìm lại các manh mối, các sợi chỉ dẫn đường hòng đưa tôi trở lại quãng ấy của cuộc đời nơi, dẫu hết sức bất hạnh, chúng tôi có các niềm hy vọng. Hẳn sẽ không còn giống hệt nữa nếu tôi quay lại một ngày khác, bởi kể từ nay ở đây sẽ lảng vảng kỷ niệm về Lola và Lola thì chẳng đại diện cho cái gì. Hôm trước chúng tôi đã tình cờ gặp nhau ở một quán bar và thích nhau. Lola rất tuyệt, tôi không biết bất kỳ ai khiến tôi thấy sẵn lòng qua đêm cùng hơn, nhưng nàng thật lệch tông giữa những kỷ niệm này. Lẽ ra chúng tôi phải đi Maidenhead. Đó cũng là nông thôn.
Quán trọ không nằm chính xác tại cái nơi tôi còn nhớ. Tôi tìm thấy lại tòa thị chính, nhưng người ta đã xây một rạp chiếu phim mới với một vòm tròn kiểu Moor và một quán cà phê, và có một cái ga ra còn chưa nằm đó vào thời của tôi. Tôi cũng đã quên mất rằng nếu rẽ trái ta sẽ đến một đoạn dốc đứng hai bên có rất nhiều villa.
"Anh không nghĩ con đường này tồn tại vào thời của anh," tôi nói.
"Vào thời của anh?"
"Anh đã sinh ra ở đây. Anh chưa nói với em điều đó à?"
"Chắc việc dẫn em đến đây làm anh phấn khích lắm. Em cho là anh từng hay nghĩ tới những đêm như đêm nay hồi vẫn còn là một thằng nhóc."
"Phải," tôi đáp, bởi đó không phải là lỗi của nàng.
Nàng rất tuyệt. Tôi thích mùi nước hoa của nàng. Nàng chọn loại son môi rất hợp. Chuyến đi chơi này khiến tôi tốn kém rất nhiều: năm bảng cho Lola, tất tật các hóa đơn, rồi vé tàu, đồ ăn đồ uống... nhưng hẳn chẳng ở đâu khác trên đời tôi có thể coi đấy là tiền được tiêu một cách thích hợp.
Tôi nán lại bên dưới con đường ấy. Một cái gì đó náo động lên trong tâm trí tôi, nhưng tôi nghĩ rằng hẳn mình sẽ không bao giờ nhớ được ra đó là gì, nếu một đám trẻ con không đi xuống dốc vào đúng lúc ấy; chúng đi đến trong làn ánh sáng lạnh giá của các cột đèn và những cái giọng lanh lảnh của chúng, chua loét, vang lên trong khi hơi thở của chúng bốc thành hơi nước chừng chúng đi ngang qua bên dưới những cái đèn. Đứa nào cũng có một cái túi bằng vải bạt và trên một số cái thêu chữ cái đầu của tên. Chúng mặc quần áo diện ngày Chủ nhật và trông có vẻ gượng gạo. Lũ con gái đi cùng nhau, tạo thành một nhóm đặc kín, đầy vẻ phòng thủ, gợi lên ở tôi một hình ảnh về những đôi giày đánh véc-ni, ruy băng buộc tóc, cùng âm thanh mảnh và yên ả của một cây đàn piano. Đột nhiên mọi chuyện quay trở về với tôi: những đứa trẻ này đi ra, giống xưa kia tôi cũng thế, từ một buổi học khiêu vũ, được tổ chức ở lưng chừng dốc trong một cái nhà nhỏ vuông vắn, ở đầu một lối đi toàn đỗ quyên. Hơn bao giờ hết tôi mong sao Lola đang ở xa đây, càng lúc nàng càng giống một vết bẩn. Và tôi nghĩ: thiếu mất một điều gì đó trong tổng thể này, và một nỗi đau đớn sượng đục cháy lên ở tận đáy não tôi.
Chúng tôi uống vài cốc ở chỗ quầy bar, nhưng phải nửa tiếng nữa thì người ta mới có thể phục vụ chúng tôi bữa tối.
"Chắc em sẽ không thích đi vơ vẩn trong thành phố này đâu," tôi nói với Lola. "Nếu em không thấy có gì bất tiện, anh sẽ làm một vòng để xem lại một chỗ mà anh biết. Sẽ chỉ mất mười phút thôi."
Nàng không thấy có gì bất tiện. Ở quầy bar có một khách quen, trông như là một ông thầy giáo, và dường đang hết sức muốn mời nàng uống. Tôi thấy rất rõ là ông ta ghen tị với tôi vì đã từ London đến với nàng, chỉ để qua đêm.
Tôi đi ngược lên phố dốc. Tất tật những ngôi nhà đầu tiên đều rất mới. Chúng giấu đi cánh đồng, các thanh ba ri e cùng toàn bộ những gì mà tôi còn có thể nhớ. Giống như là một tấm bản đồ mà người ta để trong túi áo và nó bị ướt; lúc người ta trải nó ra, các mẩu bị dính vào với nhau và nhiều chỗ biến mất hẳn. Nhưng, ở lưng đồi có ngôi nhà, nó nằm đó cùng lối đi; có lẽ bà già ấy vẫn dạy nhảy. Trẻ con tự tạo cho mình một ý quá đà về tuổi tác. Có lẽ thời ấy bà còn chưa quá ba mươi lăm tuổi. Tôi nghe thấy tiếng đàn piano. Bà đã không thay đổi thói quen của mình. Bọn trẻ con dưới tám tuổi, từ sáu đến bảy giờ tối; bọn trẻ con từ tám đến mười ba tuổi từ bảy đến tám giờ. Tôi đẩy cửa sắt và đi vài bước. Tôi tìm cách nhớ lại.
Tôi không biết điều gì đã làm mọi thứ sống lại. Chắc hẳn chỉ là mùa thu, cái lạnh, những cái lá ướt phủ đầy giá, hơn so với cây đàn piano, nó không chơi các bản ngày xưa. Tôi nhớ đến cô bé cũng rõ như người ta nhớ ra một khuôn mặt mà không cần nhìn vào một bức ảnh. Cô hơn tôi một tuổi: hẳn cô sắp lên tám. Tôi yêu cô với một sự say mê mà kể từ bấy tôi không còn cảm thấy lại nữa, tôi nghĩ thế, đối với bất kỳ điều gì. Ít nhất thì tôi cũng chưa bao giờ phạm phải sai lầm cười cợt các tình yêu con nít. Chúng tạo ra một sự cô lập khủng khiếp và không thể tránh, bởi chúng chẳng thể nào được thỏa mãn. Tất nhiên, người ta bịa ra các câu chuyện về những ngôi nhà cháy, những trận đánh cùng các đợt xung phong không hy vọng nơi người ta sẽ có thể bày ra lòng can đảm của mình trong mắt người yêu, nhưng chẳng bao giờ người ta nghĩ tới đám cưới. Người ta biết, dẫu chẳng hề được dạy cho, rằng điều đó là không thể, nhưng không vì vậy mà bớt đau đớn, vì người ta biết điều đó. Tôi nhớ lại những cuộc tụ tập của bọn trẻ con và tất tật các ván chơi bịt mắt bắt dê nơi tôi vô vọng tìm cách bắt được cô hòng có cớ để chạm vào cô và ôm lấy cô, nhưng không bao giờ tôi bắt được cô: lúc nào cô cũng ở bên ngoài tầm với của tôi.
Thế nhưng, trong vòng hai mùa đông, một lần mỗi tuần, tôi có thể thử vận may của mình: tôi nhảy cùng cô. Điều này khiến cho càng trở nên đau đớn hơn (tiếp xúc duy nhất của chúng tôi sắp ngừng) khoảnh khắc nơi cô thông báo với tôi, ở một trong những buổi học cuối cùng của mùa đông, là sang năm cô sẽ theo các lớp của bọn lớn. Cô cũng rất thích tôi, tôi biết, nhưng chúng tôi không có khả năng diễn tả. Tôi đến những bữa tiệc kẹo bánh mừng sinh nhật cô, và cô đến những cuộc tương tự của tôi, nhưng chúng tôi không bao giờ cùng nhau đi về sau bài học nhảy. Hẳn vậy thì sẽ rất kỳ. Tôi nghĩ rằng thậm chí cái ý đó còn không nảy ra trong óc chúng tôi. Tôi phải đi cùng mấy thằng bạn tôi, lũ con trai hay trêu chọc và thích ầm ĩ, trong khi cô hòa mình vào với đàn con gái bị vây hãm, ép sát vào nhau và vừa xuống phố vừa hét lên những tiếng chói tai đầy phẫn nộ.
Tôi run lên trong màn sương và dựng cổ áo ba đờ xuy lên. Đàn piano đang chơi một điệu nhảy rút ra từ một vở operette cũ. Tôi thấy dường mình đã băng qua một con đường thật dài để chỉ tìm thấy mỗi Lola ở cuối đường. Có một điều gì đó ở sự trong trắng mà người ta chẳng bao giờ hoàn toàn cam tâm đánh mất đi. Giờ đây, nếu một cô gái không làm cho tôi hạnh phúc, tôi chỉ việc đi mua lấy cho mình một cô khác. Vào thời đó, chiêu duy nhất của tôi là viết vài câu thật say đắm và giấu bức thư của tôi (thật ngoạn mục, toàn bộ những cái đó đang quay trở lại trong ký ức của tôi) vào một kẽ nứt mà tôi đã phát hiện ở cái cổng gỗ. Tôi đã nhắc tới cái kẽ ấy với cô gái và biết không sớm thì muộn cô sẽ thò những ngón tay vào và tìm được thông điệp của tôi. Tôi tự hỏi thông điệp đó có thể là gì. Người ta không có khả năng, tôi nghĩ, diễn đạt gì nhiều ở cái tuổi ấy, nhưng nỗi không thể đó không hàm ý người ta đau đớn theo lối ít sâu sắc hơn so với về sau này. Tôi còn nhớ là đôi khi, ngày lại ngày, tôi mò mẫm dưới đáy chỗ giấu và bức thư vẫn ở đó. Sau đó, các bài học nhảy ngừng. Chắc hẳn, mùa đông tiếp theo, tôi đã quên.
Đi qua cổng để ra ngoài trở lại, tôi muốn nhìn xem cái lỗ có còn hay chăng. Vẫn còn. Tôi thọc ngón tay vào và, trong cái chỗ ẩn náu đã bảo vệ cho nó khỏi thời tiết và các mùa ấy, vẫn còn lại một mẩu giấy. Tôi rút nó và mở ra. Rồi, tôi quẹt một que diêm, luồng sáng nhỏ ấm nóng giữa sương và đêm. Tôi lĩnh một cú sốc đúng nghĩa khi ngọn lửa nhỏ xíu của nó rọi sáng dưới mắt tôi một bức tranh hết sức bậy bạ. Không thể có nhầm lẫn nào. Những chữ viết tắt tên tôi được nằm bên dưới bức phác họa trình hiện theo cách thức không mấy chính xác và đầy con nít một người đàn ông và một người phụ nữ. Nhưng nó đánh thức nơi tôi ít kỷ niệm hơn so với làn hơi nước của những hơi thở lạnh giá, những cái túi vải thô, một cái lá cây ướt hay đống cát. Tôi không nhận ra nó. Lẽ ra đó phải là một graffiti vẽ trên tường một khu tiểu tiện bởi tay một kẻ xa lạ với các ý nghĩ đậm đặc libido. Toàn bộ những gì tôi còn nhớ từ niềm say mê đó là sự thuần khiết của nó, cường độ lớn lao của nó, nỗi đau đớn của tôi.
Thoạt tiên tôi có cảm giác mình đã bị phản bội.
- Xét cho cùng, tôi tự nhủ, ở đây Lola cũng không lệch lạc cho lắm.
Nhưng sau đó, trong đêm, lúc Lola quay khỏi tôi và ngủ thiếp đi, sự trong trắng sâu sắc của bức phác họa nhỏ khởi sự hiện ra thật rõ nét với tôi. Tôi đã tưởng mình vẽ được một cái gì đó mà biểu nghĩa là duy nhất và đẹp; mãi tận sau ba mươi năm cuộc đời thì đối với tôi cái hình ảnh đó mới có vẻ bậy bạ.
Huỳnh Bất Thức dịch
Flaubert (1821–1880)
William James (1842–1910)
Henry James (1843–1916)
Joseph Conrad (1857–1924)
E. M. Forster (1879–1970)
Graham Greene (1904–1991)
Mario Vargas Llosa (1936–2024)