François Mauriac: Lời tựa cho Sa mạc tình yêu
25 năm sau khi cho in Sa mạc tình yêu, Mauriac mới viết lời tựa cho cuốn sách. Cách làm này khiến nhà văn có không ít điều để nói về tác phẩm của mình.
Trong số tất tật các tiểu thuyết của tôi, Sa mạc tình yêu là quyển mà tôi thấy khó đánh giá nhất, cứ như thể nó là tác phẩm của người khác, bởi lẽ, tôi yêu nó vì nhiều lý do không liên quan đến văn chương. Chắc chắn không phải nhờ được nhận giải thưởng lớn về tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp mà nó mang một vẻ uy thế trong mắt tôi. Song, tôi nhận thấy rằng sau giải thưởng ấy, vài thành viên trong gia đình tôi khởi sự tin rằng có khi tôi sẽ làm nên cái mà họ gọi là một sự nghiệp vẻ vang. “Anh nghĩ là mình sẽ thành công chứ?” Đây là câu trả lời dứt khoát đầu tiên của tôi cho sự tra hỏi của những gia đình kỳ vọng rằng thành công trong giới hàn lâm sẽ xác nhận tài năng văn chương của con cháu họ.
Tôi không thể đọc lại Sa mạc tình yêu mà không nhớ đến lời nhận xét của hai nhà phê bình cùng thế hệ với tôi mà tôi tin tưởng nhất: Charles Du Bos và Jacques Rivière. Charles đã viết trên La Nouvelle Revue Française một bài bình luận đầy sắc sảo, trong đó ông định nghĩa cái mà ông gọi là “nhịp” của tôi. Tôi vẫn giữ trong số các kỷ vật của mình một bức thư dở dang của Jacques Rivière, lúc đó đã mắc căn bệnh sắp sửa mang ông đi. Tôi tin chắc rằng Sa mạc tình yêu là quyển tiểu thuyết cuối cùng ông đọc và yêu thích, đến độ bị nó dằn vặt, bởi vì đấy là hướng mà chính ông cũng muốn theo đuổi. Nếu còn sống, Rivière hẳn sẽ chóng nhận thấy tài năng của ông có bản tính khác với tôi; hẳn ông cũng sẽ dần dần từ bỏ cuốn sách của tôi, như ông vẫn thường từ bỏ tất cả các tác phẩm mà ông từng gắn bó:
“Lần này thì anh thực sự làm được rồi, ông viết cho tôi. Tôi có một chút rùng mình ở đoạn đầu của phần thứ tư (cuộc trò chuyện giữa Raymond và Maria ở quán bar). Tôi tưởng nó sẽ trở thành một chuỗi các hồi tưởng buồn bã về quá khứ. Nhưng không hề! Những cảnh tiếp theo phát triển rất xuất sắc và cảnh cuối giữa cha và con thật đáng ngưỡng mộ. Đây là một tiểu thuyết, một tiểu thuyết thật. Còn tôi, người có nghề, có lẽ là có khiếu, để nhìn thấu tinh thần của người sáng tạo, tôi thấy rõ trong đó mọi thứ của anh, tất cả những mảnh linh hồn mà anh đã bỏ lại. Nhưng bởi vì đấy là công việc của tôi. Tác phẩm, thực tế đã hoàn toàn tách khỏi anh, và sống một cuộc đời riêng. Các nhân vật của anh đều được xây dựng tới từng chi tiết. Không còn bất kỳ dấu vết nào của những lúc trí tưởng tượng thiếu hoạt động đôi khi xảy ra ở các tác phẩm trước và là những phần chết, hay nói đúng hơn là phần của tác giả, nơi chỉ có tác giả chủ động. Trong Sa mạc tình yêu, hành động thực sự là của các nhân vật; và anh đã đủ kiên nhẫn để cho mỗi người tự họ bộc lộ hoàn thành các hành động, suy nghĩ của mình. Tác phẩm cũng có một cấu trúc rất đáng chú ý; tôi muốn nói rằng các sự kiện được sử dụng vô cùng hiệu quả... Đời sống của các nhân vật phát triển theo cách vừa riêng biệt, vừa liên hệ với nhau rất hoàn hào; ở đó có sự tác động lẫn nhau cần thiết để trở thành tiểu thuyết, vậy mà ta vẫn thấy mỗi người sống trong sa mạc của riêng mình. Tôi không biết làm sao anh làm được điều này, nhưng đây là một thành công đáng kể.”
Nhưng còn tôi, tôi phải đánh giá cuốn sách này thế nào? Tôi viết nó ở tuổi bốn mươi, ở vùng đồi cát Saint-Symphorien, nơi con trai tôi, Claude, cần tôi ở bên trong thời gian dưỡng bệnh. Mẹ tôi lúc đó vẫn còn sống, nhưng bà đã gần cuối đời. Với một cơn phát cuồng đến sáng suốt, tôi đã hình dung trước cái nỗi kinh hoàng khi về già và khi yêu ở nhân vật bác sĩ Courrèges. Nhưng sự già có thể đến với mọi lứa tuổi: trong gia đình Courrèges, sự già nua của người cha cũng chẳng tệ hơn đứa con trai mới lớn, Raymond. Thứ oán giận mà đời sống gia đình đã tích tụ nơi tôi (và nay thì chẳng còn nữa), thứ oán giận được trút ra trong Người vợ cô đơn [Thérèse Desqueyroux] và Búi rắn độc [Noeud de vipères], đã được thể hiện nơi đây nhưng với giọng điệu nhẹ nhàng hơn, nếu tôi có thể nói vậy. Sự cô đơn và không thể giao tiếp giữa những con người bị ràng buộc với nhau vì huyết thống hoặc vì sự may rủi của hôn nhân, với tôi, chính là điểm hay nhất của cuốn sách này, cùng bầu không khí giông bão ở Talence và các vùng thôn dã buồn tẻ, đầy bụi bao quanh Bordeaux, và những chuyến tàu điện ngoại ô về đó Léon-Paul Fargue từng viết rằng: “chúng lắc lư rung tán lá - những dây cương giấc ngủ trong các vũng nước mưa...”
Còn về nhân vật Maria Cross, người phụ nữ được bao nuôi, tôi xem nàng như một phác thảo cho hình tượng mà tôi mang trong lòng và sau này sẽ trở thành Thérèse Desqueyroux. Cũng như Thérèse được sinh ra từ hình ảnh tôi giữ trong đầu về một người vợ đầu độc chồng mà tôi từng thấy lướt qua trên ghế bị cáo ở Tòa án Bordeaux, thì Maria Cross hoàn toàn bước ra từ những giấc mơ thời thiếu niên của tôi, khi tôi nhìn thấy, trong một cỗ xe bốn bánh sang trọng, người phụ nữ tên J. S. mà người ta đồn được chú của một bạn học tôi bao nuôi: “Mấy người đàn bà như thế, thật là...”, mẹ tôi từng nói vậy.
Người vợ cô đơn, cùng với Búi rắn độc là hai tác phẩm được đón nhận nhiều nhất của tôi. Tôi đã trở lại với hình tượng ám ảnh ấy trong hai truyện ngắn và trong Cuối đêm [La Fin de la nuit]. Noi gương nhà xuất bản Anh của tôi, chúng tôi cũng đã tập hợp ở đây tất cả những gì liên quan đến Thérèse. Nhưng rõ ràng là nếu như Thérèse, trong tác phẩm đầu tiên mang tên nàng, đã tự áp đặt mình lên tôi, thì trong Cuối đêm tôi mới là người tự áp đặt lên nàng; và không phải ngẫu nhiên mà Jean-Paul Sartre đã chọn chính tác phẩm này để chỉ trích tôi mạnh mẽ nhất - cuốn sách nơi tôi để bản thân bị quyến rũ bởi một nhân vật mà lẽ ra tôi không cần phải nói gì thêm. Đã thế, tôi còn viết một lời tựa theo kiểu “nhân dịp đặc biệt” cho Cuối đêm, lời tựa mà tôi đã loại bỏ ở đây (nó đã gây hại cho tôi đủ rồi!), một lời tựa dành cho một linh mục hay tu sĩ nào đó, cũng như cho những độc giả Công giáo của tôi: tôi đã ngây ngô xin lỗi vì không cho Thérèse trở lại với đức tin trên giường bệnh, và vì không tìm được cho nàng một linh mục thích hợp. Nỗi sợ gây tai tiếng, mong muốn làm yên lòng những người đồng đạo Công giáo đang theo dõi tôi, và cả mong muốn xoa dịu lương tâm tôi đã nhiều lần đẩy tôi vào những tuyên bố và giải thích vụng về mà giờ đây tôi cũng thấy ngạc nhiên. Năm nay (1950) vẫn còn một nữ giáo sư và nhà phê bình đã dựng nên cả một hệ thống lý luận về nhu cầu biện minh mà bà tưởng thấy ở tôi. Nhưng bà không nhận ra rằng những lời tựa, lời bình, lời thú nhận và chú giải ấy chỉ là các văn bản theo hoàn cảnh: bị giới Công giáo tấn công dữ dội suốt gần hai mươi năm bởi mọi linh mục kiểu abbé Bethléem khắp nơi trên thế giới, tôi đã phải biện hộ cho mình với sự cố chấp và ngoan cố, thứ, trên phương diện văn học đã tạo ra biết bao hiểu lầm.
Trở lại với Thérèse, nàng tồn tại, đó là sự thật. Nàng đã ám ảnh không chỉ riêng tôi. Tôi không hối hận vì đã mơ tưởng về nàng trong Cuối đêm, nhưng nàng đã hiện hữu trước Cuối đêm, và tác phẩm ấy không thêm điều gì vào bản tính của cô: chính là người phụ nữ mà tôi đã để lại trên một vỉa hè ở Paris trong những trang cuối của Người vợ cô đơn. Nhưng thôi, đủ rồi, tôi đã bàn về nhân vật ấy quá nhiều. Tuy vậy, nàng vẫn sống mạnh mẽ hơn bất kỳ nữ nhân vật nào khác của tôi - chắc chắn là không phải chính tôi, trừ khi theo nghĩa mà Flaubert nói: “Bà Bovary, chính là tôi” - trái ngược với tôi ở nhiều điểm, nhưng lại được tạo nên từ toàn bộ những gì mà tôi đã phải vượt qua, tránh né, hoặc giả vờ như không thấy trong chính mình.
F. M.
Paris, tháng Bảy năm 1950
Khương Anh dịch