Ford Madox Ford: Chỉ Joseph Conrad mới làm được điều đó
Sau khi Joseph Conrad qua đời, Ford Madox Ford đã viết cả một cuốn sách để tưởng niệm (đoạn trích), nhưng lúc Joseph Conrad còn sống, Ford Madox Ford, đồng sự thân thiết và ở nhiều điểm thấu hiểu cựu hải nhân kỳ diệu ấy hơn cả, cũng từng bình luận văn chương của Joseph Conrad, và không chỉ là một lần.
Dưới đây là một bài đăng trên tờ The English Review, 10 tháng Chạp 1911, dưới tiêu đề hết sức đơn giản, “Joseph Conrad”: không chỉ là nhà văn, tác giả của vài kiệt tác (chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết Người lính tốt), Ford Madox Ford còn là một trong những nhân vật chủ chốt của báo chí văn chương nước Anh trong giai đoạn nồng nhiệt nhất của nó (quãng ngay trước đó). Tuy không mấy thành công với công chúng, tức là sách không bán chạy, Joseph Conrad lại giành được lòng kính trọng lớn nhất của các nhà văn cùng thời.
Joseph Conrad
- Ford Madox Ford
Gần đây tôi đã bị phê bình gay gắt vì viết rằng người Anh không mấy kính trọng Tư tưởng hay Văn chương. Người ta bảo tôi rằng tôi viết thì dễ nhưng chẳng chứng minh được. Than ôi, chứng minh điều đó thì dễ quá mức. Vừa rồi tôi đi qua Bỉ trên một chuyến tàu tốc hành nhằm hướng Calais. Trong hành lang tàu có một sinh vật nhỏ thó, tội nghiệp và đầy lo âu đang đứng - một ông lão người Do Thái vàng vọt, nhăn nheo, là chủ tiệm vải ở Cologne. Ông ta đang trên đường tới London để mua bít tất; bên ngoài gió giật 60 hải lý một giờ và ông sợ say khủng khiếp. Ông lo cho tính mệnh mình vì ông bị yếu tim. Tôi chẳng ưa người Do Thái, tôi ghét tất tật các chủ cửa hàng và tôi đặc biệt không thích dân Cologne. Song ông già nhỏ thó tội nghiệp này trông khốn khổ đến mức tôi buộc phải gắng sức giúp đỡ bằng cách làm sao nhãng tâm trí ông. Tôi đã huyên thuyên về những cái bít tất và chuyện liệu tờ Frankfurt Gazette có phải là chỗ tốt để đăng quảng cáo nếu người ta muốn dàn xếp một cuộc hôn nhân kiểu Israel có lợi cho con gái mình không. Và ánh mắt bi đát của ông ta vẫn không chịu đậu lại trên khuôn mặt tôi mà dường bị hút vào vùng tương lai tàn tạ:
“Sie sind auch Kaufmann? Ngài cũng là chủ cửa hàng à?” ông hỏi.
Tôi đáp lại với chút ngần ngại như khi trả lời một người chào hàng Anh, một luật sư Anh, hoặc một thợ làm bánh Anh - những người lao động chân chính và kiếm được rất nhiều tiền sạch - tôi nói:
“Nein, Ich bin Schriftsteller... người sản xuất sự viết.”
Và, ôi thật kỳ diệu, ông ta đáp, vẫn với ánh mắt bi đát:
“Schriftsteller... das ist ein edler Beruf! Nhà văn! Đó là một nghề cao quý.”
Tôi bật cười châm chọc:
“Der Herr will etlicher sagen... Ý của ông đây là một nghề khốn khổ sao... một nghề chẳng kiếm được xu nào.” Thế nhưng ông lão Do Thái nhỏ thó, tội nghiệp vẫn chĩa lên tôi cái nhìn ám ảnh:
“Nein... ein edler! Ein edler!... Một nghề cao quý! Tiền bạc thì có nghĩa lý gì cơ chứ? Nếu một đứa trong đám con gái của tôi có thể kết hôn với một nhà thơ có tài, tôi sẽ chẳng đòi hỏi bất kỳ khoản hồi môn nào.”
Và tôi thấy hổ thẹn: ông ta thực lòng tha thiết và nhún mình trước tôi. Song thử tưởng tượng một chủ tiệm vải linen người Anh đang trên đường đi mua tất với nỗi sợ chết cùng quả tim dặt dẹo lại rút ra chút thì giờ từ cơn sợ chết để bày tỏ sự sùng kính - sùng kính nghề viết mà xem. Giả sử đấy là đạo đức giả hoặc chỉ là một ý ngoan đạo thì chẳng phải vẫn thật đáng ngưỡng mộ sao khi sự giả dối hay lòng thành phát ra từ một chủ cửa hàng vải Do Thái nhỏ thó lại mang hình thức vinh danh các giá trị cao đẹp như thế?
Chính nhờ ông già Cologne - cái thành phố rặt con buôn - ủng hộ tôi như vậy, tôi bỗng nghĩ về những điều lớn lao mà người ta có thể cho phép mình suy ngẫm về Văn chương đích thực - cái gọi là “Tiếng gọi cao cả”. Và tôi bắt đầu nhớ tới Joseph Conrad, vì với tôi Văn chương và Conrad là hai từ có thể hoán đổi cho nhau.
Tôi không biết phê bình chính thống kiểu Anh sẽ phải có những gì. Tôi đoán là sẽ đả động một chút tới phong cách, chính xác hơn là tự vị - các từ lạ mà nhà văn sử dụng. Rồi thì sẽ thêm đôi lời bàn dông dài về chủ đề. Tiếp nữa là liên hệ triết lý - ồ, cứ viết ra một đống về triết lý rồi đặt cược đồng đô-la cuối cùng, như người ta vẫn nói, vào những bài học đạo đức trong sách, chỉ ra rằng người đọc nó sẽ tốt đẹp hơn và khôn ngoan hơn. Khi đã viết được một lượng bài nhất định theo mẫu đó thì ta được xem là Nhà phê bình, được một ghế trong Viện Hàn lâm Anh và có quyền bình bầu giải Nobel cho bất cứ ai ta thích. Tôi đoán chừng cách thức là vậy, nhưng chẳng có cách nào để thực sự biết cả.
Nếu được phép làm đảo lộn mọi phân loại thì tôi sẽ thử làm đúng vậy cho tác giả của Heart of Darkness. Tôi thường nghĩ Conrad là một nhà văn thời Elizabeth. Sở dĩ như vậy vì ông là người Ba Lan và người Ba Lan thường sở hữu các phẩm chất và sức mạnh từng giúp các quốc gia trở nên vĩ đại trong thế kỷ 16 và 17. Đại khái, đó là thời kỳ mà Ba Lan còn là một Đế chế uy quyền. Họ lãng mạn, họ anh hùng, họ là quý tộc - tất cả họ đều đại diện cho sự bất khả. Tầm vóc của họ khó mà kéo dài tới thời của Mr. Carnegie hay thời của những guồng quay sợi bông. Điều này giống như Rupert của vùng Rhine dẫn đầu cuộc tấn công chống lại toàn bộ lực lượng Territorials của Lord Haldane đang đào hào phòng thủ trên đồi Primrose. Chuyện ấy không còn khả thi, đúng thế, nhưng cũng vẫn chưa quá lâu từ ngày Ba Lan còn là quốc gia được cả thế giới mến mộ - toàn bộ thế giới, ngoại trừ những kẻ đang bận chia chác chiến lợi phẩm. Và nếu bạn không thể giành được gia tài từ khoản lợi tức hai phẩy ba phần tư phần trăm thì chuyện được mến mộ vì biểu lộ một tinh thần cao cả cũng là một điều rất đáng giá. Vì thế với tôi Joseph Conrad là nhân vật xuất sắc nhất trong số những ai thuộc vào thời Elizabeth.
Các mối bận tâm của ông xoay quanh cái chết, số mệnh, một lực bí ẩn và uy mãnh, cùng biển cả tàn bạo, những khu rừng tăm tối thuộc các thế giới xa lạ hoặc những khu rừng u ám hơn nằm bên trong trái tim đồng loại chúng ta. Sẽ chẳng cần kinh ngạc nếu bắt gặp vũ điệu của người điên trong một câu chuyện của ông như trong Duchess of Malfi của Webster; hay khi nghe thấy tiếng gõ cổng như trong Macbeth; hoặc khi chứng kiến tất tật các vụ giết người trong Spanish Tragedy; cũng như trước nỗi thống khổ thổn thức của Celestina; rồi cả sự xảo trá rách rưới của Lazarillo de Tormes. Thậm chí ông còn có thể viết ra những dòng như: “Nhánh cây đáng lẽ vươn thẳng giờ đã bị chặt và nhành nguyệt quế từng xanh đã bị thiêu cùng người học giả này.” Hay ông viết: “Cái chết chẳng qua là giấc ngủ dài, là sự ngơi nghỉ sau mọi đố kỵ, điều mà chúng ta ai chẳng đeo đuổi.” Và nhất là: “Đó chỉ là việc từ bỏ một cuộc chơi chắc chắn lĩnh phần thua.” Bạn có thể tưởng tượng một trong những tù trưởng Ả Rập của ông, hoặc Marlow - lão già oai hùng của biển, thậm chí cả người giáo viên kiêm vai kể chuyện trong Under Western Eyes nhìn chằm chằm vào khuôn mặt một phụ nữ - kẻ gây ra biết bao rắc rối tại một xó xỉnh nào đó của thế giới - và trầm ngâm nói: “Đó có phải khuôn mặt đã hạ thủy cả ngàn con tàu và đốt rụi các ngôi làng lợp cọ ở Parabang?” Thật sự gần như chẳng có thứ gì được viết bởi Marlowe, Massinger, Webster, Kyd hay Heywood không thể tìm được chỗ trong tác phẩm của ông.
Dĩ nhiên tôi muốn nói về mặt cảm giác, mà tôi gọi là màu sắc. Khi nghĩ về các sáng tác của những nhà văn thời Elizabeth, ngoại trừ Shakespeare, ta dường chỉ thấy bóng tối, bóng tối của những khu rừng soi bằng ánh đuốc. Bóng tối đã biến mất khỏi đời sống và văn chương hiện đại theo một cách kỳ lạ nào đó. Chúng ta không bao giờ còn thấy nó, bóng tối đen đặc đúng nghĩa có khả năng xâm lấn vào phổi, vào tim, và thậm chí vào dòng máu đang lưu thông. Tương tự, chúng ta cũng chẳng bao giờ nghĩ về cái chết, về sự suy tàn, về sự ô nhục, về tinh thần hiệp sĩ, hay về việc bất chấp theo đuổi một lý tưởng mà chỉ còn một tấm ván mỏng ngăn giữa ta với biển sâu không đáy. Ta không còn nghĩ về chúng, hoặc thảng hoặc nếu có, cũng chỉ trong khoảnh khắc rất mong manh. Thế rồi ta lại bật đèn điện và hướng sự chú ý vào các tờ báo buổi tối.
Những thứ ấy - bóng tối, cái chết, danh dự, và tinh thần hiệp sĩ không nao núng - luôn luôn là mối bận tâm thường trực của Conrad. Ở khía cạnh danh dự, ông khác với các nhà văn thời Elizabeth, nhưng họ cũng từng bị cuốn hút bởi tất tật những điều nguyên thủy khác mà chúng ta giờ đã quên, khi đã trở nên tử tế hơn. Quả thật rất kỳ lạ khi sự tử tế hiền hòa chiếm ít chỗ đến thế trong sáng tác của cả Conrad lẫn các nhà văn thời Elizabeth. Dĩ nhiên ta có Woman Killed with Kindness nhưng đó là kiểu tử tế tàn nhẫn, thay vì dùng kiếm để xử tội người vợ mắc tội thì để cô ta chết rũ trong tuyệt vọng và bệnh tật. Và tất nhiên sự tử tế cũng được thể hiện trong Lord Jim, cuốn sách - hơn bất kỳ cuốn nào khác - mang đến cho độc giả Anh một bài học đạo đức sống động. Nhưng ngay cả ở đây, sự tử tế cũng chỉ có ở các ông già từng trải và buồn rầu như Marlow hay Stein dành cho một chàng trai trẻ thất bại. Đó là điều họ có thể hiểu, điều họ có thể cảm nhận. Còn những mặt khác, chỉ ngự trị một sự nhẫn tâm tuyệt vọng không khoan nhượng.
Chỉ cần nhớ tới cuộc đào tẩu giả mạo của Razumov khỏi tay cảnh sát, bạn sẽ hiểu ngay tôi muốn nói gì. Razumov cấu kết với - hoặc có thể nói rằng anh ta bị ám ảnh bởi - cảnh sát mật Nga. Anh ta cần chiếm được lòng tin của các nhà cách mạng, nên, để thêm phần chân thực, như để quảng bá cho cuộc đào thoát của mình, anh ta đến gặp một cậu trai liều lĩnh và bày tỏ mong muốn vay tiền để trang trải chi phí trốn chạy. Cậu trai không có tiền; cậu phải trộm của cha để có được số tiền đó. Và cậu đã làm như vậy. Sau đó cậu giao số tiền cho Razumov:
Razumov gật đầu từ chỗ chiếc ghế dài và ngắm nhìn vẻ nghiêm túc của chàng trai não thỏ kia với niềm khoái trá ác ý.
“Tôi đã hy sinh chút ít,” Kostia điên rồ thở dài, “và tôi phải cảm ơn anh, Kyrilo Sidorovitch, vì đã cho tôi cơ hội.”
“Cậu đã phải trả giá gì sao?”
“Đúng vậy, có chứ. Anh thấy đấy, ông già đáng mến ấy thực sự rất yêu tôi. Ông già sẽ tổn thương.”
“Và cậu tin tất tật những gì họ nói với cậu về tương lai mới và ý chí thiêng liêng của dân chúng à?”
“Tin hoàn toàn! Tôi sẵn lòng dâng cả mạng sống... Chỉ có điều anh thấy đấy, tôi như con lợn trước máng ăn. Tôi vô dụng. Đấy là bản tính của tôi.”
Razumov đang mải suy nghĩ, quên bẵng mất sự hiện diện của cậu trai kia, cho đến khi giọng nói khẩn thiết thúc giục anh bỏ chạy ngay lập tức của cậu ta khiến anh giật mình khó chịu.
“Được rồi. Vậy... tạm biệt.”
Đó là tất tật những gì Razumov nói. Anh ta quên mất sự tồn tại của chàng trai trẻ dù chính anh là người đã khiến cậu phải trộm từ cha mình để làm hình ảnh cho cuộc đào thoát mà anh ta muốn phô trương trước các nhà cách mạng.
Khi bình minh vừa ló dạng, Razumov, vẫn ngồi im trong một toa tàu nóng bức, ngột ngạt... lặng lẽ đứng dậy, hạ kính xuống vài inch và ném ra cánh đồng tuyết mênh mông gói giấy nhỏ màu nâu.
Đấy là số tiền đi trộm mà có. Anh ta quá coi trọng danh dự nên không thể dùng số tiền này. Anh không thể làm điều đó.
Và chính sự tàn nhẫn vượt ngoài tưởng tượng của một người đàn ông mù quáng theo đuổi danh dự đã mất lại khiến Razumov trở nên cao quý đến thế. Sự tàn nhẫn ấy đẩy anh vào căn phòng, đối diện với em gái của kẻ mà anh đã phản bội đến chết - người phụ nữ với đôi mắt tràn đầy niềm tin, người yêu anh và cũng được anh yêu. Anh đã rất ngắn gọn với cô, hết mức có thể:
“Mọi chuyện kết thúc ở đây... ngay tại chỗ này.” Anh ấn mạnh một ngón tay buộc tội lên ngực mình, rồi đứng hoàn toàn bất động.
Đó là cách gọn nhất mà anh ta có thể dùng để nói với cô gái rằng mình chính là kẻ phản bội. Razumov, trong nỗi ám ảnh phải giành lại danh dự đã mất, thậm chí không thể vì người phụ nữ với đôi mắt chất chứa niềm tin mà cố gắng chuẩn bị bước đệm tâm lý cho cô trước khi tiết lộ sự thật. Sau đó anh ta tới gặp những người cách mạng trong hội đồng, tự tố cáo mình là gián điệp của cảnh sát, lãnh hình phạt khủng khiếp và cuối cùng linh hồn anh được thanh thản.
Chính ở điểm này mà Conrad tự phân biệt mình với những người thời Elizabeth, bởi họ không bao giờ có thể đạt đến mức độ tinh tế như vậy. Họ có thể hình dung ra một Judas, thậm chí là sự hối hận của một kẻ như Iscariot. Họ chắc chắn đã có ý niệm về một sự báo thù của đấng quan phòng. Song họ không thể đặt danh dự lên cao đến mức ấy. Và đây là lời nhận xét của người phụ nữ cách mạng thông thái về trường hợp Razumov:
“Cuộc đời ai mà chẳng có những khoảnh khắc tăm tối. Một ý nghĩ sai lầm len vào tâm trí rồi từ đó nỗi sợ nảy sinh... sợ chính mình, sợ cho mình. Hoặc có khi là một can đảm giả tạo... ai mà biết được? Thôi, cứ gọi là gì tùy ý; nhưng hãy nói cho tôi biết có mấy người dám tự giao mình cho hủy hoại thay vì tiếp tục sống, âm thầm khinh bỉ bản thân? Có mấy người như thế?... Và hãy chú ý điểm này... anh ta an toàn khi làm điều đó. Chính lúc anh ta tin rằng mình đã an toàn và, hơn thế nữa... hơn rất nhiều... khi anh ta bắt đầu nhận ra tình yêu của cô gái đáng ngưỡng mộ ấy, thì anh ta cũng nhận ra rằng những than van cay nghiệt nhất, những sản phẩm của thù hận và kiêu hãnh của chính anh, không bao giờ có thể lấp được sự ô nhục của cuộc sống mà anh đang đối mặt. Phải có bản lĩnh mới nhìn ra được thế.”
Tất nhiên công việc vất vả này, mối bận tâm với cái ý về danh dự này hoàn toàn lạ, quá lạ đến mức rõ ràng nó chỉ có thể đến với tác giả qua dòng máu ngoại quốc. Đó là cá nhân tính hoàn toàn thuộc về tầng lớp quý tộc. Đó là bản tính của người Ba Lan - những người quý tộc và hết sức cá nhân; đó cũng là lý do vì sao đất nước họ bị tàn phá và áp chế trong thời của các công ty cổ phần và dân chủ.
Bởi danh dự ám lấy toàn bộ nhân vật, nên vấn đề hầu như không bao giờ được xem là chuyện chính trị, công chính - hoặc có lẽ chính xác hơn là tâm hồn của họ không có chỗ cho cái nhìn ấy. Lord Jim, tất nhiên, đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi bỏ rơi con tàu chứa đầy những người hành hương Islam; nhưng trong suốt quãng đời còn lại, điều ám ảnh nhân vật không phải là ý nghĩ về hàng ngàn người da nâu chết đuối, mà là danh dự của chính mình. Captain Whalley đánh mất danh dự, và cái bị giày vò là tâm hồn riêng của ông. Falk, kẻ ăn thịt người, cũng vậy - và Razumov cũng thế, thậm chí ở một mức độ tưởng tượng phi thường. Vấn đề của Razumov hầu như không thể được tháo gỡ bởi bất kỳ ai ngoại trừ những người cực kỳ trung thành với phe phái của mình và, ngay cả họ cũng khó lòng làm được. Giả sử bạn là một người bảo thủ cứng rắn hạng nhất; giả sử rằng đảng của bạn đang cai trị đất nước với sự khắc nghiệt và đàn áp chưa từng có. Một buổi tối khi trở về nhà, bạn bắt gặp ông Lloyd George, người đã nhầm bạn là nhà tư tưởng cấp tiến, và ông ta thông báo rằng mình vừa sát hại ông Balfour, rồi yêu cầu bạn giúp ông ta trốn thoát. Bạn sẽ làm gì? Tôi đoán bạn sẽ tìm một phương cách thỏa hiệp nào đó - cho ông ta mười phút để trốn trước khi báo cảnh sát. Đấy là kiểu danh dự thô mộc của người đi săn dành cơ hội cho con mồi trước khi hạ gục nó, nhưng với một người có ý thức danh dự sắc bén thì cách giải quyết này thật khó mà thỏa đáng.
Vấn đề của Razumov còn hãi hơn nhiều. Tôi đã làm dịu bớt phần nào vì nghĩ đến cảm xúc của độc giả khi yêu cầu họ đặt mình vào hoàn cảnh của Razumov. Và Razumov chưa từng đi săn cáo. Nhưng dù sao, đó chính là bài học đạo đức không ngừng được lặp lại trong mọi tác phẩm của Joseph Conrad - sống thành thực với cảm nhận về danh sự cá nhân. Danh dự của tôi không phải của anh, anh có thể làm những việc mà tôi chỉ nghĩ đến đã buồn nôn mà vẫn thấy không thẹn với lòng, anh có thể tán thưởng những cuốn sách dở. Danh dự của anh cũng chẳng phải của tôi, hôm nọ tôi đã bắn chết con cáo và tôi chẳng gợn chút nào dù con cáo ấy đang ở giữa vườn nho chứ không phải trong chuồng gà của người Anh nào đó. Tuy nhiên, điều đó chính là cốt lõi trong sáng tác của Conrad: cứ tuân theo quy tắc danh dự của riêng mình đi và rất có thể anh sẽ chết đói. Song anh sẽ không bao giờ phải thú nhận với người phụ nữ anh yêu rằng anh đã làm hoen ố lý tưởng của nàng - anh sẽ không bao giờ khiến người phụ nữ anh yêu đau đớn khi phải ở bên giường lâm chung của anh trong ô nhục, anh cũng sẽ không bao giờ khiến cô ấy phải chịu đựng nỗi thống khổ lớn hơn gấp bội khi phải chờ anh tiến vào cái chết để làm thỏa mãn cơn báo thù của đấng quan phòng đang trông chừng danh dự anh.
Số mệnh! Người phụ nữ ta yêu! Những chiếc giường lâm chung và cái chết! Nghe cổ điển lạ thường! Và thật kỳ lạ làm sao - lý thuyết của Conrad về thần bí và sự tôn kính danh dự cá nhân của một con người, bởi như ta thấy trong trường hợp Razumov, danh dự của kẻ bất hạnh ấy đã chao đảo mà chẳng hề có sự tham gia của ý chí. Anh ta đã làm hết sức để cứu người Cách mạng, và dù chúng ta có không ưa gì những người Cách mạng hay kẻ sát nhân, tôi nghĩ thế giới sẽ thật tồi tệ nếu phần lớn chúng ta không làm điều tương tự. Nhưng cứu Haldin là không thể, không thể nào! Người đáng lẽ sẽ chở anh ta đi bằng xe trượt thì lại đang say. Vì thế, toàn bộ những gì Razumov làm là cúi đầu trước cái mà anh ta cho là một số mệnh uy nghi và bất khả thấu triệt. Thế rồi số mệnh uy nghi và khó dò ấy đeo đuổi anh đến tận cùng hành trình, biến anh ta thành một kẻ khốn khổ nháo nhác bỏ chạy trong đêm, dưới quầng sáng lác đác của những ngọn đuốc, quờ tay giấu mặt, ngoảnh đi để tránh đòn roi từ những Nữ thần Báo thù đang truy đuổi.
Tôi không chắc đó có phải bài học đạo đức xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Conrad hay không, nhưng đối với tôi, chúng hiện lên trước mắt sống động kỳ lạ - rằng khi danh dự riêng tư và sâu thẳm xung đột với pháp luật thì ta buộc phải phá vỡ pháp luật thôi. Vì pháp luật chỉ là sự sắp đặt mang tính quy ước về quan hệ giữa người với người. Song trái tim con người thì thấy rõ! Tôi nghĩ đấy là cái lõi của vấn đề.
Tôi nhận thấy với tư duy người Anh, một bài học đạo đức như vậy có thể gây hoảng. Chúng ta có thể phủi Razumov bằng một câu đã nhàm rằng các ca khó thường tạo các lề luật xấu. Thế nhưng tôi không chắc một bài học như vậy là hoàn toàn vô giá trị đối với đất nước này vào thời điểm hiện tại. Tôi thấy chúng ta đang quá tải luật; chúng ta phát cuồng với việc tạo thêm luật. Tới một lúc Nhà nước chẳng thể tiến xa được nữa bởi nó đâu là gì ngoài cỗ máy vụng về mù quáng, chỉ có thể đẽo gọt thô sơ các chất liệu của đời sống con người! Chúng ta mê mải tự đo đếm nhịp đập đạo đức khi ban hành các quy định nhằm hỗ trợ những người bất hạnh trong quần chúng, nhưng lại quá ít suy tư về cái gọi là tưởng tượng - cho cách chúng ta đối xử với những cá nhân mà số phận quẳng vào con đường của ta.
Nhưng suy cho cùng, tôi vẫn có thể hiểu lầm con người riêng tư của Mr. Conrad vì tôi chẳng biết ông ấy nghĩ sao về các vấn đề này. Cần phải nói ngay rằng ngoài ý thức cao về danh dự, đạo đức của tác giả Conrad hoàn toàn trong sáng và đúng mực theo chuẩn mực tốt nhất của người Anh. Ông là một nhà văn đầy tinh thần tôn giáo bởi dáng dấp một vị thần trừng phạt luôn luôn lẩn khuất và đeo đuổi đáng sợ qua từng trang viết của ông. Nếu anh phạm tội, ông nói, anh phải trả giá. Vì thế các dục vọng bất chính hay trộm cắp, sự bội tín, đều bị lĩnh phạt là cái chết - trong trường hợp của Nostromo. Tương tự, sự vi phạm quy tắc của ngành hàng hải - nguyên tắc rằng một sĩ quan phải ở lại tàu cho đến khi tất cả hành khách đã đi - dẫn đến sự trừng phạt là một cuộc đời túng quẫn, ô nhục và cuối cùng là cái chết (Lord Jim). Falk, kẻ ăn thịt người, phải lĩnh hình phạt xứng với một kẻ ăn thịt người, dù đúng là thủy thủ đoàn đã bỏ tàu của anh ta tại các vùng vĩ độ phía Nam. Làm gián điệp thì bị phạt bằng lo âu triền miên và cái chết không thể tránh (The Secret Agent - Tay điệp viên). Cũng trong tác phẩm đó, viên Thanh tra Cảnh sát - biểu tượng của sự liêm khiết và pháp luật - lại được hưởng lời ngợi khen từ cấp trên và một sự nghiệp thành công êm xuôi. Mọi thứ đều diễn ra như phải thế - và cũng đúng như cách nó vận hành ngoài đời thực. Đó là điểm tuyệt vời. Nếu có bất cứ xót thương nào cho những kẻ có tội thì không phải do tác giả viết mà chỉ là lời mà một trong các nhân vật thốt lên. Người viết chỉ dựng khuôn cho câu chuyện và dường như luôn luôn bảo đảm sự thực thi đạo đức: “Tội của ngươi chắc chắn sẽ bị vạch trần.”
Đây là một niềm tin u ám, và càng kỳ lạ hơn khi ta bắt gặp nó ở một nhà văn ở trình độ Conrad - bởi Conrad là một trong hai, hoặc ba - tôi xin nói là một trong hai hoặc ba nhà văn Anh đã kiên trì theo đuổi lý tưởng Nghệ thuật vị Nghệ thuật vốn bị nhiều người coi thường. Và dĩ nhiên khi nói kỳ lạ, tôi hoàn toàn không có ý rằng nó có gì khác thường, bởi đúng là tác phẩm nghệ thuật đích thực nào cũng hàm chứa một giá trị đạo đức sâu thẳm. Tôi cũng muốn nói thêm rằng bất cứ thứ gì không phải là tác phẩm nghệ thuật ở mức cao thì không thể có bất cứ giá trị đạo đức nào. Một tác phẩm thì không dục vọng, nó thuần là sự ghi chép, và hơn hết là biểu tượng cao nhất cho cuộc đấu tranh tồn tại của một con người. Và tất tật Luật pháp, Đạo đức suy cho cùng đều chỉ là biểu tượng cho cuộc đấu tranh để tồn tại của một mẫu hình. Luật pháp và Đạo đức của người Anh được thiết kế để duy trì mẫu hình con người Anh, đạo đức của người Trung Hoa là một nỗ lực nhằm định hình một thế giới thuận lợi cho việc duy trì mẫu Trung Hoa điển hình. Điều này đúng trong phạm vi toàn thế giới. Đạo đức là sống; tội lỗi là chết. Ngay cả những quy phạm gia đình mà một người mẹ đặt ra cho con cái cũng nhằm kéo dài sự sống của chúng, hướng đến sự bất tử mà mọi bà mẹ đều ao ước cho con mình. Và người nghệ sĩ nhìn cuộc sống và chỉ bày ra các kết quả từ cuộc nhìn dài ấy luôn luôn tạo ra cho mẫu hình của mình một bài học duy nhất - đạo đức là sống, tội lỗi là chết.
Dĩ nhiên, mẫu hình lúc nào cũng thay đổi; vũ trụ rất rộng lớn, và trong đó có chỗ cho vô số vũ trụ đạo đức khác nhau. Người Trung Hoa trong truyền thuyết giết con gái của mình, và xét đến tình trạng dân số quá tải khủng khiếp ở Trung Quốc, hành động đó có thể coi là đúng. Razumov - người có có phần Ba Lan nhiều hơn Nga - thì cực kỳ nhạy cảm về danh dự, đến mức, dù tuân theo pháp luật, lương tâm lại đọa anh ta vào một cái chết còn tệ hơn cả chết. Bởi người Ba Lan là một đất nước quý tộc và để họ tồn tại, pháp luật không thể chỉ là tất cả. Tất nhiên, nếu chúng ta có một nghệ sĩ vĩ đại ở Campden Hill, ông ta sẽ không rút ra từ cuộc sống bài học rằng danh dự là điều tối thượng, hoặc rằng nhiều phụ nữ mượn sách từ thư viện nên bị chết đuối. Nhưng ông ta sẽ - ông ta buộc phải - theo cách này hay cách khác, thể hiện quan điểm về cuộc sống sao cho tội lỗi hiện ra như cái chết và đạo đức của Campden Hill trở thành nguồn cội của Danh dự.
Vì vậy, người nghệ sĩ khắc họa cuộc sống - dù độ u ám ít nhiều tùy thuộc vào hoàn cảnh - chính là nhà đạo đức đúng nghĩa và duy nhất. Tất cả những người khác chỉ là những kẻ giảng đạo: họ nói cái họ thích, chứ không phải cái vốn là. Hãy để tôi minh họa ý này. Tôi, ngồi tại Campden Hill, nghĩ rằng không có luật lệ nào tôi sẽ không phá vỡ, nếu lòng trắc ẩn của tôi bị đánh động đủ sâu hoặc dục vọng của tôi bị khơi đủ mạnh. Đó là điều cần thiết để mẫu hình của tôi có thể tồn tại. Tôi sẽ phá vỡ bất kỳ luật nào tôi muốn - nhưng cái kết của tôi là nỗi ô nhục hoặc tủi hổ. Tôi sẽ bị giam trong những bức tường đá của nhà tù; tôi sẽ được đưa uống ca cao trong chiếc lon bẩn thỉu; phòng giam của tôi sẽ nằm cạnh một cống thoát nước; tôi sẽ bệnh và chết. Hoặc tôi sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực, lịm dần dưới cầu ga Charing Cross trong cơn ho rũ xương. Hoặc tôi sẽ chết trên giá treo cổ vì đồng lõa trong vụ vượt ngục cùng một kẻ sát nhân nào đó.
Người nghệ sĩ vô tư lự của vùng đất yên bình này sẽ nói rằng tôi đã chết như một đống đổ nát tàn tạ của một cuộc đời tội lỗi và vô đạo. Và ông ta hoàn toàn đúng. Ở Campden Hill, một vùng thanh bình và tuân thủ pháp luật, Luật pháp và Đạo đức hòa quyện đến gần như không thể phân biệt. Vì thế, người Nghệ sĩ của Kensington, W., chỉ cần khắc họa Cuộc sống. Nhưng chuyện đạo đức như thế là đủ rồi; hãy xét đến các phương pháp của Conrad. Người ta đã nói, và tôi nghĩ điều này đúng, rằng ông là vô song trong việc tạo ra bầu không khí; tôi muốn nói thêm rằng ông cũng vô song trong việc miêu tả hành động. Hãy cùng xem kết quả được tạo ra như thế nào. Có một nguyên tắc kỹ thuật xuyên suốt trong các tác phẩm của ông, nổi bật và lập tức thu hút sự chú ý. Đó là: Đừng kể: hãy tái hiện. Và một lần nữa: Đừng trình bày: hãy làm cho sống động. Tôi biết rằng đa số độc giả sẽ không hiểu rõ những lời này; tôi sẽ cố gắng giải thích thật rõ ràng. Nhiệm vụ mà một nghệ sĩ tạng Conrad tự giao cho mình là biến mỗi câu chuyện thành một kinh nghiệm đích thực cho người đọc. Đó là mối bận tâm lớn nhất của ông; chính vì điều đó mà một Đấng quan phòng uy nghiêm và khó hiểu đã đặt ông vào thế giới này. Nếu làm bất cứ điều gì khác, ông sẽ tự xúc phạm danh dự của chính mình.
Để khiến cho một câu chuyện kể về các sự kiện ấn lên người nghe một kinh nghiệm chân thực, tác giả phải làm cho các sự kiện ấy đập vào giác quan gần với cách tự nhiên làm nhất. Giả sử bạn tên là John và có một người bạn tên là James. Vì một lý do riêng nào đó, James đưa bạn vào phòng bi-a của anh ta và cố dùng súng trường bắn bạn.
Khi sự việc đó ập tới, không có gì thuộc thế giới bên ngoài trực tiếp nói rằng: “Người đàn ông đó sắp bắn tôi.” Điều xảy đến với bạn đại khái là thế này. Bạn được bạn của mình đưa vào một căn phòng. Bạn nhận ra ánh xanh lục nhạt của bàn bi-a hắt lên nhờ những ngọn đèn mờ. Bạn cảm nhận có bàn bi-a. Người bạn nói. Bạn trả lời. Bạn nghĩ về điều anh ta nói; về cách bạn sẽ trả lời. Bạn nhận thức được các vật thể khác; bạn để ý rằng vài cây cơ không được treo trên giá và rằng tỉ số của ván bi-a cuối cùng vẫn dừng ở 100-64. James lan man điều gì đó. Bạn nhận thấy anh ta đang lên giọng. Bạn đáp lại. Bạn nhận thấy chính mình đang tự nhủ: “Cần phải giữ bình tĩnh!” Bạn để ý thấy đồng hồ đã dừng ở 3 giờ 17... Cứ như thế - chẳng có gì ngoài một sự hòa trộn rối mù các chi tiết có vẻ nhỏ nhặt và hành động thực - khi nó đến.
Vấn đề đối với một nhà văn thuộc trường phái Conrad là làm sao tái hiện chuỗi sự kiện ấy chân xác đến mức đập thật mạnh vào giác quan độc giả. Nói rằng James dẫn John vào phòng bi-a chỉ là kể lại sự việc, còn tái hiện toàn bộ chuỗi hành động mới là nghệ thuật.
Tuy nhiên giải thích như vậy vẫn chưa rốt ráo vấn đề, bởi vì dĩ nhiên vẫn cần dụng tới các câu kể; nhưng nghịch lý thay, các tác giả thuộc trường phái này chẳng có gì khác ngoài câu kể. Diễn đạt chính xác hơn của nguyên tắc này (vì cụm “Đừng kể: hãy tái hiện!” chỉ là nói lóng của thuật ngữ kỹ thuật) phải là: “Đừng bình luận: chỉ kể.” Cần nhấn mạnh rằng kiểu nghệ sĩ này cần ngăn chặn sự xâm nhập cá tính của chính anh ta vào dòng chảy tác phẩm. Anh ta phải có tài thuyết phục như đang cố bắt một con ngựa trên cánh đồng. Trước mặt anh chìa ra cái rây chứa đầy hạt ngô nhưng sau lưng giấu sẵn dây cương. Câu chuyện là hạt ngô trong cái rây còn dây cương là phần bình luận của tác giả. Nếu con ngựa - độc giả chỉ nhìn thấy dây cương, tâm trí của nó sẽ lập tức phi xa khỏi câu chuyện xuống tận cuối cánh đồng.
Ví dụ sau đây sẽ làm rõ điều tôi muốn nói. Có một nhà văn vĩ đại thuộc một trường phái khác - W. M. Thackeray. Thackeray là ông hoàng của những lời bình luận. Hiệu ứng từ các tác phẩm của ông thực sự rất gây tò mò. Có một nhân vật vô song tên là Becky Sharp. Ở Brussels, Miss Sharp “tự tung tự tác”, thoát khỏi sự kiểm soát của Thackeray. Trong nhiều trang liên tiếp, tác giả chỉ để nhân vật của mình tự do hành động. Ông đang tái hiện. Chúng ta liên tục nhủ thầm: “Cô ấy mới tuyệt vời làm sao! Cô ấy mới tuyệt vời làm sao!”
Rồi đột nhiên, đúng lúc cô đang ở đỉnh cao của màn trình diễn, có một âm thanh như tiếng nổ ngược của một cái ô tô. Thackeray đã vào cuộc. Điều này hoàn toàn đúng đắn. Ông đột ngột xen vào Brussels để nói rằng ông là một quý ông rất đạo đức và không tán thành con rối của mình. Và thế là, thay vì tiếp tục thấy mái tóc đỏ của Miss Sharp, chúng ta lại thấy một quý ông cao ráo với cái đầu như bờm sư tử, mũi gãy, và nụ cười kỳ lạ. Rồi chúng ta lịch sự nhận xét: “Mr. Thackeray trí tuệ quá.”
Không cần nghi ngờ rằng đó chính là điều Thackeray mong muốn. Đó là một mục đích như bao mục đích khác; thật tuyệt khi có thể khiến hàng ngàn độc giả phải thốt lên ngưỡng mộ trí tuệ và đạo đức mẫu mực của mình, và hàng ngàn, thậm chí hàng vạn độc giả muốn một thứ như thế. Song vấn đề của Conrad khi viết Lord Jim là làm sao tái hiện hình ảnh một chàng trai tóc vàng đầy năng lực, con của một gia đình mục sư Anh, đang đứng trên cầu tàu dưới ánh nắng, mang đôi giày tennis bằng vải trắng, chờ thuyền cập bến - cùng với số phận uy nghi và khó lường.
Và suốt cả cuốn sách, không một lần nào, không một lần nào - nếu chúng ta là những độc giả không quá tinh - chúng ta thốt lên: “Mr. Conrad thật trí tuệ!” Thay vào đó, chúng ta nói: “Ôi, tội nghiệp chàng trai bất hạnh! Ôi, tội nghiệp chàng trai bất hạnh và hy vọng rằng Chúa sẽ nhân từ hơn với chúng ta, những người Anh đáng thương!”
Đó chính là thành tựu vĩ đại của dạng nghệ thuật này, và tôi thú thật rằng đây là kiểu nghệ thuật duy nhất mà tôi thực sự quan tâm. Tôi không có ý nói rằng tôi không thể đọc các loại sách khác mà vẫn thấy thú vị. Tôi có thể tìm thấy sự giải trí trong các tác phẩm của Mr. Nat Gould, hoặc bất kỳ cuốn sách nào về ngựa. Tôi cũng có thể say sưa trong những cuộc phiêu lưu của các tay săn cáo người Ai len. Tôi sẵn sàng đọc về những cuộc phiêu lưu của Mr. Sponge đến tận khuya, và một cuốn truyện trinh thám miễn là không có Sherlock Holmes trên bất kỳ chuyến tàu nào. Tuy nhiên những cuốn sách đó chỉ là những mối phiền dễ chịu - có lẽ tôi nên chừa ra Mr. Sponge. Tôi dành thời gian cho chúng giống như cách tôi, không phải là người cao siêu gì, chơi bài bridge hay bất kể trò chơi nào khác. Song nói đến Lord Jim thì - sao nhỉ, nó là một phần của tôi. Đúng vậy, nó là một phần linh hồn, một phần cuộc sống của tôi. Nó thấm vào tôi như dòng máu chảy trong huyết quản; nó mang đến cho tôi một cái nhìn kiểu Anh, dù tôi là người nước ngoài và có đủ khinh thường trí tuệ dành cho đồng bào của Tuan Jim. Nhưng nó đã giúp tôi hiểu người Anh một cách trọn vẹn, và những cái mà ta hiểu trọn vẹn thì ta sẽ yêu mến!
Đó thực sự là một thành tựu vĩ đại bởi thứ gì có khả năng hút bất kỳ tâm hồn nào đều vĩ đại, và có rất ít tâm hồn có thể cưỡng lại Lord Jim một khi đã nhận ra ý nghĩa của anh ta. Sự tự bộc lộ đầy cá nhân này không nhằm mục đích phô trương bản thân tôi. Đây là cách tốt nhất để cho thấy tác phẩm của tác giả này có thể làm được những gì, và vì tôi hoàn toàn chân thành trong từng lời mình viết, tôi hy vọng có thể tạo được ấn tượng mà tôi mong muốn. Đây là giá trị mà tác giả này mang lại cho cộng đồng, là vai trò của ông trong nền Cộng hòa, là đóng góp mà ông đã dành cho quốc gia. Và, rõ ràng là, ông đã giúp nhiều người trở thành những người Anh tốt hơn.
Bởi vì ông đã đưa chúng ta đến những bến bờ rộng lớn trên trái đất; ông đã cho chúng ta thấy biển thuộc về chúng ta và nắng lấp lánh nhảy nhót trên những con sóng nhỏ mà ta hằng khao khát. Ông đã mang đến cho chúng ta ý thức về bổn phận. Ông đã khiến chúng ta muốn nỗ lực hơn để thực hiện bổn phận của mình. Trên hết, ông đã dạy chúng ta khao khát hướng tới sự chỉn chu - chỉn chu trên boong tàu, trên tấm thảm phòng khách, và trong cả những suy nghĩ ta nuôi trong tâm trí.
Tôi nhận ra nhân vật chính vĩ đại của Thackeray, qua những lá thư giàu tưởng tượng của hôm nay, đã viết:
“Có bốn mươi lăm cách để viết nên những bài ca bộ lạc,
Và cách nào cũng đúng!”
Nhưng có hay không? Liệu có hai cách để viết The Man Who Would Be King, hay My Lord the Elephant, hoặc On the Road to Mandalay, thậm chí Stalky không? Liệu có cách nào khác để viết chúng không? Có nhiều cách khác để viết những câu chuyện khác; có nhiều cách để xử lý những chủ đề khác; nhưng một chân lý lớn rất thường bị lãng quên là chỉ có một cách để một người phụ nữ phục trang lộng lẫy nhất, giống như chỉ có một cách để mỗi chủ đề cụ thể và mỗi câu chuyện cụ thể được thể hiện ở mức tột đỉnh.
Đó là lý do tại sao ở một số quốc gia, văn chương lại gây ra náo loạn dữ dội đến vậy. Vô số người nước ngoài tìm đến vô số câu chuyện rồi cố gắng tóm lấy cách hoàn hảo duy nhất để thể hiện chúng.
Chúng ta đã thấy phương pháp của Conrad là tái hiện. Vậy còn năng lực lựa chọn, cùng những thiếu sót trong chính ưu điểm của ông thì sao? Chúng ta đều biết ông tập trung trước hết vào việc tạo dựng bầu không khí. Nhưng có thật thế không? Tôi từng biết khá rõ một nhà văn đã có cơ hội cộng tác với Conrad trong một hay hai cuốn sách, và người này thiện chí tặng tôi bản thảo của những tác phẩm ấy. Tôi chép lại hai đoạn bên dưới đây và sẽ gạch chân những phần của Conrad:
Đối với ngày hôm qua và hôm nay tôi chỉ lịch sự nói "Vaya usted con Dios". Những ngày này có ý nghĩa gì với tôi chứ? Nhưng cái ngày xa xăm của mối tình lãng mạn ấy, từ giữa những kiện hàng xanh và trắng trong kho tối tăm của Don Ramon ở Kingston, tôi nhìn thấy cánh cửa mở ra trước bóng dáng của một ông lão với gương mặt dài thượt, trắng bệch và mệt mỏi; ngày ấy tôi chắc chắn sẽ không bao giờ quên. Tôi nhớ mùi lạnh tái đặc trưng của cửa hàng vùng Tây Ấn, một thứ mùi khó mà diễn tả được của sự u tối ẩm thấp, của locos, tiêu, dầu ô liu, đường mới, và rượu rum; ánh sáng kép thủy tinh từ cặp kính lớn của Ramon; gương mặt như gỗ gụ; trong khi tiếng cộc, cộc, cộc của cây gậy vang lên trên nền lát gạch phía sau cánh cửa bên trong; tiếng lách cách của chốt cửa; một luồng ánh sáng tràn vào. Cánh cửa, bị đẩy mạnh một cách cáu kỉnh, va vào vài cái thùng.
Tôi nhớ tiếng lách cách của những chốt cửa trên cánh cửa ấy, và dáng người cao lớn xuất hiện ở đó, tay cầm một chiếc hộp đựng thuốc lá bột. Ở xứ sở của những bộ đồ trắng, hình ảnh một quý ông người Castilian cổ kính, chỉnh tề trong bộ quần áo đen thực sự đáng nhớ. Chiếc gậy đen, thứ đã tạo ra tiếng cộc, cộc, cộc , đung đưa trên một sợi dây lụa, từ bàn tay có cổ tay gầy guộc, nổi rõ những đường gân xanh, đầy nếp nhăn, nối vào phần cổ tay áo xếp nếp bằng vải lanh mịn như bọt. Tay kia tạm dừng trong động tác đưa một nhúm thuốc hít lên gần cái mũi khoằm với sống mũi căng bóng như ngà voi cũ; khuỷu tay ép chiếc mũ ba góc màu đen sát sườn; đôi chân, một gối hơi co, chân kia hơi khuỵu về phía sau - đây chính là dáng đứng của cha Seraphina.
Sau khi kiêu ngạo đẩy mạnh cánh cửa của căn phòng bên trong mở ra, ông đứng yên bất động, không có ý định bước vào, và cất tiếng gọi bằng giọng khàn khàn, già nua: “Señor Ramon, Señor Ramon!” Rồi hai lần nữa: “Seraphina, Seraphina!” trong khi quay đầu lại...
Đoạn thứ hai hoàn toàn không chứa bất kỳ miêu tả nào ngoại trừ miêu tả tâm trạng, nhưng điều đó không làm vơi bớt giá trị, bởi nó thể hiện khát khao của Conrad đối với tính chân thực, với những cụm từ sắc nét và đặc trưng, đặt ra tương phản với sự mơ hồ trong phong cách của người cộng tác cùng ông, để chúng nổi lên thật rõ ràng:
Phải mất rất lâu để nhận ra rằng có ai đó đã chết ở một nơi xa. Tôi đã làm được điều đó. Nhưng bao lâu, bao lâu mới đủ để nhận ra sự sống trong trái tim bạn đã trở về từ cõi chết? Trong nhiều năm sau đó, tôi không thể chịu đựng được việc cô ấy rời khỏi tầm mắt của mình.
Về buổi đầu gặp mặt giữa chúng tôi, toàn bộ những gì tôi nhớ là một sự lặng im hồ như do dự đầy vẻ kính sợ của những tâm hồn đã chịu quá nhiều thử thách trước sự vĩ đại của cuộc thay đổi từ bờ vực tuyệt vọng đến đỉnh vui sướng tột cùng. Cả thế giới, cả cuộc sống quanh tôi, đã thay đổi hoàn toàn: nó bao bọc lấy tôi khẽ đến mức không cảm nhận được, đột ngột đến mức không thể tin nổi, trọn vẹn đến mức cả cuộc gặp ấy chỉ như một cái ôm, dịu dàng đến mức cuối cùng tan vào cảm giác nghỉ ngơi giống như sự rơi xuống của một cái chết nhân từ và đáng hoan nghênh.
Bởi vì khổ đau là số phận của con người, nhưng không phải là thất bại tất yếu hay nỗi tuyệt vọng vô nghĩa không hồi kết - khổ đau là dấu hiệu của bản lĩnh con người, mang trong nỗi đau ấy niềm hy vọng hạnh phúc như viên ngọc được đính trên sắt...
Những lời đầu tiên của cô ấy là: “Anh đã phá vỡ giao ước của chúng ta. Anh đã bỏ đi khi em còn đang ngủ.” Chỉ có sự sâu sắc trong lời trách móc của cô mới bộc lộ được chiều sâu tình yêu của cô và cả những khổ đau cô cũng đã cam chịu để đạt đến sự hòa hợp không có điểm kết - và để tha thứ.
Nhìn lại, chúng ta thấy Lãng mạn - ảo tưởng tinh tế mà cũng chính là cuộc sống. Đó là vẻ đẹp của những năm tháng ta đã sống qua, của thời quá vãng khi ta làm điều này hay điều kia, khi ta ở nơi này hay nơi khác. Nhìn lại thật đáng kinh ngạc khi tôi, người như thế này, và cô ấy, người như thế kia, tạo dựng cuộc đời từ những điểm quá xa nhau, để rồi sau những khổ đau gánh chịu một mình và cùng nhau, kết thúc một cách bình yên tại nơi đó, trong một thế giới vững chãi - rằng cô ấy và tôi đã vượt qua biết bao nhiêu chuyện, may mắn và bất hạnh, những giờ khắc buồn bã lẫn vui tươi, tất cả đã kinh qua, lặng lẽ trôi và cuối cùng gom lại thành đống bụi nhỏ gọi là một đời người. Đó, cả nó nữa, cũng là Lãng mạn.
Tôi nhận ra hai điều chính sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng những đoạn văn này. Một là mọi từ ngữ miêu tả đều do nhà văn kia viết, trong khi mọi từ ngữ diễn tả hành động đều là của Conrad. Thực tế này rất thú vị, bởi sẽ thật phi lý nếu cho rằng nhà văn kia có năng lực miêu tả vượt trội hơn, và hẳn việc phân chia công việc như vậy chưa bao giờ được thực hiện một cách có ý thức giữa hai người.
Tôi đang suy nghĩ để tìm lời giải thích cho thực tế này, và ngay lúc đó tôi vu vơ nhìn vào câu đề từ trên trang bìa cuốn Youth, rồi đọc thấy nội dung: “... Nhưng Người lùn đáp: Không, với tôi, điều gì thuộc về con người còn quý hơn mọi của cải trên thế gian.” Và đó chính là hạnh phúc lớn lao, là may mắn lớn lao trong bản tính của tác giả này. Hầu hết chúng ta đều có thể miêu tả, một số người có thể tạo ra bầu không khí - nhưng chỉ có những nhà văn thực sự vĩ đại mới có năng lực nhập nhân vật của họ vào biển và trời, hay những ngôi nhà, vật dụng và đồ trang trí bao quanh họ. Vì đó là điều mà Conrad dường đã làm. Không phải là những gì ông thực sự làm - thực tế ông gửi qua toàn bộ biển và trời chính bản tính của những con người đang nhìn chúng.
Đối với một nhà văn miêu tả - hay đúng hơn là một nhà văn nổi tiếng nhờ tài miêu tả - Conrad thực sự miêu tả rất ít. Hãy xem đoạn này từ Youth, tác phẩm huyền diệu nhất trong toàn bộ sáng tác của ông. Người kể chuyện, sau khi mất gần cả đêm để chèo khỏi một xác tàu đắm, đã được ánh sáng đỏ dẫn đường, trong màn đêm sâu thẳm, vào một bến cảng phương Đông. Anh ta đã ngủ thiếp đi trên con thuyền ở một bến cảng vô danh:
Nhưng khi tôi mở mắt ra lần nữa, sự tĩnh lặng vẫn mênh mang như chưa từng bị phá vỡ. Tôi đang nằm trong một vũng sáng, và bầu trời chưa bao giờ có vẻ xa xôi vời vợi đến thế. Tôi mở mắt và toàn thân không nhúc nhích.
Và rồi tôi nhìn thấy những người phương Đông - họ đang nhìn tôi. Dọc suốt chiều dài của cầu tàu là một đám đông. Tôi thấy những gương mặt nâu, đồng, vàng, những đôi mắt đen, ánh sáng lóng lánh, sắc màu rực rỡ của một đám đông phương Đông. Và tất tật bọn họ đứng đó nhìn chằm chằm, không một tiếng động, không một tiếng thở dài, không một cử động. Họ nhìn xuống những chiếc thuyền, nhìn những người đàn ông đang ngủ, những người đã đến với họ từ biển khơi trong đêm đen. Không có gì chuyển động. Những tàu lá cọ im bặt trước nền trời. Không một cành cây lay dọc bờ biển, và những mái nhà nâu của các ngôi nhà ẩn mình thấp thoáng dưới tán cây xanh, qua những chiếc lá to lớn óng ánh, bất động như được rèn từ kim loại nặng. Đây chính là phương Đông của những nhà hàng hải cổ xưa, già cỗi, bí ẩn, chói lọi mà trầm mặc, sống bất biến, đầy hiểm nguy và hứa hẹn. Và họ ở đây. Tôi bỗng bật dậy. Một làn sóng chuyển động lan qua đám đông từ đầu này đến đầu kia, lan dọc qua những cái đầu, lắc lư những thân người, chạy dọc cầu tàu như gợn sóng trên mặt nước, như hơi thở của gió trên cánh đồng - rồi mọi thứ lại im ắng. Tôi vẫn còn nhìn thấy nó - đường cong rộng lớn của vịnh, những bãi cát lấp lánh, màu xanh thẳm vô tận và phong phú của cây cối, biển xanh như trong mơ, đám đông các gương mặt chăm chú, ánh rực rỡ của sắc màu sống động - mặt nước phản chiếu tất tật, đường cong của bờ biển, cầu tàu, con tàu lạ với phần đuôi cao trôi lặng lẽ, và ba chiếc thuyền với những người đàn ông mệt rã từ phương Tây đang ngủ, không hay biết gì về vùng đất, những con người, và cái nắng gay gắt. Họ ngủ, nằm vắt vẻo trên những thanh ngang, co mình trên tấm ván đáy, trong những tư thế ơ thờ như cái chết. Đầu của người thuyền trưởng già, ngả ra sau ở đuôi chiếc thuyền lớn, đã rũ xuống ngực, trông như thể ông sẽ không bao giờ tỉnh lại. Xa hơn, gương mặt của lão Mahon hướng lên trời, bộ râu dài trắng phau xõa trên ngực, như thể ông đã bị bắn gục ngay tại chỗ cầm lái. Một người đàn ông khác, cuộn mình ở mũi thuyền, ngủ với cả hai tay ôm chặt cột buồm và má tựa vào thành thuyền. Phương Đông nhìn họ, lặng lẽ không một âm thanh.
Đoạn văn đó đã tái hiện phương Đông theo cách mà chưa nhà văn nào từng làm được, vậy mà nó lại chứa rất ít phần miêu tả đúng nghĩa. Chính con người - những con người mà số mệnh đã đưa họ đến nơi ấy - mới thực sự mang lại sắc thái cho đoạn văn, bởi vì với nhà văn, điều thuộc về con người luôn quý giá hơn tất tật các bức tranh phương Đông.
Và khả năng vĩ đại cũng như đáng khao khát này của ông không chỉ phát xuất từ một ý thức kỹ thuật. Hầu hết chúng ta - những người có chút kiến thức về kỹ thuật - đều biết rằng ta không nên đưa vào một đoạn miêu tả chỉ vì thích việc miêu tả. Điều đó ai cũng hiểu. Nhưng ánh mắt của Conrad được định hình theo lối mà ông không chú ý đến bất cứ thứ gì ngoại trừ những yếu tố thúc đẩy câu chuyện tiến về phía trước. Quay trở lại ví dụ của tôi về vụ án mạng trong phòng hút thuốc. Một nhân vật của Conrad sẽ không nhận ra rằng đồng hồ đã dừng ở 3 giờ 17 phút, hoặc những cây cơ không được đặt đúng chỗ, hoặc rằng điểm số của ván bi-a cuối cùng chưa bị xóa, trừ khi Conrad muốn nhấn mạnh điều gì đó - có thể là tính bừa bãi của kẻ sát nhân, hoặc rằng hắn đã bị ngắt quãng khi kết thúc ván bi-a bởi một tin khiến hắn quyết định bắn người bạn của mình.
Tôi hoàn toàn không nói rằng trong các tác phẩm của Conrad không có những đoạn chỉ thuần là miêu tả. Chẳng hạn, trong The End of the Tether (Cùng sào), ta sẽ tìm thấy các trang dài miêu tả về những vùng biển bị chia cắt bởi đất liền. Nhưng các miêu tả đó đều phục vụ cho mục đích của câu chuyện. Chúng làm rõ để người đọc có thể hình dung bản chất của các vùng biển nơi con tàu Sofala mang theo bi kịch của vị thuyền trưởng già, đến nỗi khi con tàu chìm, không cần phải thêm thắt bất kỳ lý giải địa hình nào nữa. Trong suốt thời gian theo dõi câu chuyện trên con tàu, người đọc luôn luôn cảm nhận được sự hiện diện của những rặng đá ngầm phía dưới. Và khi nhát dao chí mạng giáng xuống, nó dường như đã được định sẵn từ lâu. Cả diễn tiến của câu chuyện, vì thế, chỉ cần tập trung vào cảm xúc của những con người trong ấy. Và đó chính là năng lực tuyệt vời của tác giả này - ông có thể khiến một cái kết trở nên không tránh khỏi, trong mọi trường hợp dường như đó là kết cục duy nhất có thể xảy ra. Ông làm điều này bằng mọi cách - qua các giải thích về di truyền, về tính khí, về bản chất của biển và trời, qua âm thanh của một bài hát, qua những cọng rơm trên đường phố. Cảm giác về số mệnh trong tác phẩm của ông khác biệt với cách thể hiện của người Hy Lạp, nhưng cường độ thì mạnh mẽ tương đương. Có lẽ điều đó phản ánh một phần tính cách chung của người phương Đông. Số phận của người Hy Lạp được thể hiện, được bình luận, hòa vang trong các điệp khúc. Đó là một đám mây bao trùm và lấn át tất cả. Số phận trong các tác phẩm của Conrad không được hát lên bởi một Điệp Khúc Những Người Phụ Nữ Bị Giam Cầm, cũng không bởi các Bacchantes. Đó không phải là tinh thần của thời đại ông, cũng không phải của thời chúng ta.
Ngày nay, khi đủ thứ việc hay sự trùng hợp nhỏ bé buộc chúng ta phải làm điều gì đó, chúng ta không còn đổ cho Atropos đã ép chúng ta mà ta nói rằng dường như mọi điều trời định đều âm mưu khiến ta phải làm điều đó. Và việc Conrad làm cho chúng ta là thể hiện hình ảnh Ba Chị Em Số Mệnh qua những điều “trời định” đó.
Đây thực sự là một thành tựu lớn, một khai sáng lớn lo cho thời chúng ta. Tôi không có ý nói rằng Conrad là nhà văn duy nhất làm được việc này, nhưng tôi chắc chắn không có ai khác - không nơi nào ở thế giới phương Tây - dành trọn tâm huyết cho suy tư này, điều mà chắc chắn là một trong hai vấn đề quan trọng nhất của thế giới và cuộc sống.
Tôi đã nghe người ta nói rằng sách của ông quá dài; rằng sự trau chuốt của ông là quá mức. Nhưng điều đó chỉ đúng với những tâm trí quá vội vã hoặc nóng nảy không thể đồng điệu với tác giả này. Đối với tôi, tôi chỉ có thể nói rằng chưa bao giờ một tác phẩm nào của ông khiến tôi thấy nhàm chán. Tôi có thể thích chủ đề này hơn chủ đề khác, nhưng niềm hứng thú mãnh liệt khi quan sát các sự kiện, sự chắc chắn rằng mọi sự kiện - mọi từ ngữ, dù thoạt đầu có vẻ dư thừa - cuối cùng sẽ cho thấy nó cần thiết và hé mở những điều quan trọng, hứng khởi ấy chưa bao giờ rời bỏ tôi.
Và khi chúng ta cân nhắc những rào cản ngôn ngữ to lớn mà con người này đã phải đấu tranh, cùng sự tận tâm không lay chuyển mà ông đã theo đuổi những ánh sáng dẫn lối của mình - dù có yêu sách của ông hay không, chúng ta vẫn cảm thấy được an ủi. Bởi nếu thời đại của chúng ta có thể tạo nên một lương tâm lớn lao như vậy trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống, và nếu đất nước chúng ta có thể thu hút ông đến sống giữa chúng ta, thì thời đại và đất nước của chúng ta hẳn phải có điều gì đó tốt đẹp - trong những truyền thống và bài học của nó. Thực sự, khi nghĩ về việc mình đã từng trêu vui lương tâm nghệ thuật của đất nước này, tôi cảm thấy hơi hổ thẹn. Bởi vì dẫu Conrad chưa đạt được bất kỳ thành công vật chất lớn lao nào, ông cũng đã giành được một sự công nhận, thậm chí từ những người có quan điểm học thuật truyền thống, mà rất ít người vĩ đại ở thời của họ từng đạt được. Ngẫm lại, thật kỳ diệu làm sao khi một nhà văn, bắt đầu cuộc đời từ một nơi xa xôi như thế, trải qua những khổ đau, hiểm nguy và biến cố dưới biết bao gầm trời và trên biết bao đại dương, cuối cùng lại có thể đạt đến đỉnh cao ở nơi này, trong một thế giới ổn định - rằng sau những vùng biển nơi ông đã kinh qua bấy nhiêu thứ, cả may mắn lẫn bất hạnh, ông lại nhận được sự công nhận từ Nhà nước, và những tràng pháo tay đồng thời từ cả những người bảo thủ lẫn những nhà phê bình trên mảnh đất xa lạ này. Điều đó, cả nó nữa, cũng là Lãng mạn.
Thanh Nghi dịch