Elsa Morante: Về sự phong tình trong văn chương
Elsa Morante là người thích viết những cuốn tiểu thuyết dài, đôi khi rất dài, nhưng cũng có lúc viết truyện ngắn, và cũng không chỉ fiction. Cùng Natalia Ginzburg, Elsa Morante là một trong hai phụ nữ có vị trí đặc biệt trong văn chương Ý thế kỷ 20; giữa hai người cũng có một mối quan hệ nhiều ý nghĩa.
Vào thời kỳ bom nguyên tử là một vấn đề gây cả sợ hãi và tranh cãi, Elsa Morante đã viết một số tiểu luận, dưới đây là một trong số đó.
Về sự phong tình trong văn chương
- Elsa Morante
Gần đây tôi đã đọc một cuốn tiểu thuyết dang dở, chưa in, và vẫn còn (nhưng tôi hy vọng là chỉ ít thời gian thôi) chưa được ai biết tới [Elsa Morante đang nói đến cuốn tiểu thuyết Ernesto của Umberto Saba - tận năm 1975 nó mới được nhà xuất bản Einaudi in, nhiều năm sau khi tác giả đã qua đời, và lúc đó Morante cũng đã ngoài sáu mươi tuổi]. Trong sự thiếu trưởng thành miên viễn của chúng ta, thứ dò dẫm tìm các con đường của nó về phía ánh sáng, đối với chúng ta một số sự đọc tương đương với những kinh nghiệm thực và như thể được trời ban: sự can thiệp bừng sáng của chúng quét bay đi xung quanh chúng ta các quái vật con nít thuộc sự mê tín chung. Chính chức năng giải phóng này, tôi nghĩa vậy, là lý do cao hơn cả của nghệ thuật.
Tác giả của bản thảo là Umberto Saba, nhà thơ, nhờ ân sủng sự hy sinh của ông, có thể ở rất gần vị trí một vị thánh. Và ông hiến mình cho công việc đó trong những ngày tuổi già của ông, đã rất gần cái chết: vào lúc kể từ nay sự hy sinh của ông đối với chính ông trở thành bi kịch, còn đối với những người khác là sự thuần khiết tuyệt đối. Người ta đã định nghĩa như vậy giá trị của những trang ấy; nhưng thật dễ dự đoán những bình luận thảm hại thông qua đó chúng sẽ được đón nhận: hiển nhiên là phải nhận, từ những đối nghịch với một thể loại thấp như thế, một xác nhận về chất lượng của chúng.
Ở trong đó được kể lại những kinh nghiệm phong tình (yêu đương) đầu tiên của một thằng bé con, vì tình cờ chúng được khai mở bởi một mối quan hệ thuộc vào số những gì - dẫu rất thực và nhiều tính chất người, lại rất chung trong tự nhiên - mà sự mê tín vứt vào cùng cái rọ cấm kỵ. Nhưng cậu bé của Saba, nhờ ân sủng được hưởng, được tiêm phòng trước một số cấm kỵ mắc vào tội biến các thực tại tự nhiên thành những quái vật phi lý và tội lỗi. Và trong khi đối với những người khác, bị các cấm kỵ truyền nhiễm, một kinh nghiệm như vậy hẳn có thể biến thành một sự xác định phi thực (thứ sẽ có thể biến họ thành những nô lệ mãi mãi của một phi thực tại), đối với cậu bé của Saba nó vẫn đúng là cái nó vốn dĩ: một cuộc gặp con người đơn giản, tự thân nó trong trắng (bởi vì cậu bé đã không bị nó làm cho băng hoại) và không tai hại. Do có được nhục cảm trong trắng cùng lòng hiếu kỳ bộc phát về cuộc sống, sau đó cậu bé lý tưởng ấy sẽ biết đến, khi đã đi qua hết kinh nghiệm đầu tiên đầy ngẫu nhĩ của mình, theo lối cũng hết sức tự nhiên, tình yêu phụ nữ, cậu sẽ có một người vợ yêu quý, v.v...
Thế nhưng, để kể một câu chuyện như thế, Saba yêu quý và sung sướng không hề viện tới những ngập ngừng mà cả tôi (quỷ tha ma bắt!) cũng đã tự bắt mình phải có nhằm tóm tắt như trên. Ông, trong sự kể của mình, không lờ đi bất cứ chi tiết nào, dẫu khó khăn và bí mật đến đâu, miễn sao ông thấy nó cần thiết; ông không gia giảm bất kỳ từ nào. Và thế nhưng, cùng những điều mà nếu một người khác nói hẳn sẽ có thể biến thành dâm bẩn, hay lố bịch, hay nhơ nhớp, khi được ông nói ra trong sự sáng sủa thực của chúng, ngược lại hóa ra lại tự nhiên, và không gây bực bội. Và làm cho thật trong suốt, lúc đã đọc xong, cảm xúc về các tình cảm, được tái dựng về sự thuần khiết nhiều suy tư của ý thức trưởng thành.
Các giải thích cho hiện tượng này có thể được thu về chỉ một lời giải thích: Saba có một sự kính trọng nền tảng đối với cuộc sống và con người: nếu không có cái đó trong nghệ thuật, cũng như trong lịch sử, thì không có cả thực tại luận lẫn tự do: mà chỉ có sự phục tùng, và tu từ học.
Phong tình là một lời khẳng định bộc phát của sự sống, và một yếu tố sống trong chất thuộc người; và người ta không thể đối xử với nó như chủ đề đáng khinh bỉ khi người ta tôn trọng con người trong toàn thể của anh ta. Thói xấu của một số xã hội và một số tôn giáo nằm ở chỗ đã cắt con người làm đôi, tuyên bố nó có một nửa cao quý và một nửa đáng khinh miệt; và người ta đã phải đợi tới ngay trước kỷ nguyên hạt nhân thì khoa học mới tuyên cái thực tại sau: sự cấm bức cái phong tình, cả nó nữa, cũng như sự ngủ vùi của lý trí, sản sinh ra các quái vật.
Nhưng kể từ nay người ta đã biết rõ rằng, ở bất cứ địa hạt nào, sự can thiệp của khoa học không được dùng để hủy diệt những quái vật của các văn hóa tiểu bourgeois; ngược lại, nó tự sắp xếp để trộn lộn vào với chúng thành các cuộc hôn phối xấu xa và gây trật cấp (mà các sản phẩm tối cao là, một mặt, những tổ chức hủy diệt, và mặt khác, những buổi tối dành để xem ti vi). Được nhân lên rất nhiều lần và phổ biến đến mức vô tận với các phương tiện của khoa học và công nghiệp, lũ quái vật của những cấm bức tiểu bourgeois tiếp tục điên cuồng truyền bệnh cho thế giới. Kẻ thù cuối cùng của chúng là nghệ thuật: thứ, theo chính định nghĩa, không thể đi cùng sự làm giả.
Các tầng lớp điều hành hiện nay, vốn dĩ là biểu hiện đáng buồn của văn hóa tiểu bourgeois, thực sự phá kỷ lục về sự suy yếu con người: bằng cách kết hợp cùng một lúc sự cấm bức phong tình và giấc ngủ vùi của lý trí. Và người ta hiểu là chúng mong muốn biết bao việc kiểm duyệt nghệ thuật, nhằm bảo vệ cho lũ quái vật của mình (tại một xã hội tự do thoát khỏi các cấm kỵ mê tín và những con quái vật, hẳn kiểm duyệt sẽ không có lý do để tồn tại). Trong sự thiếu vắng về nền tảng lòng tôn trọng con người của chúng, thậm chí chúng không thấy rằng kiểm duyệt, tự thân nó, nhiều tính cách dâm bẩn hơn so với bất kỳ thứ khiêu dâm nào: bởi nó làm băng hoại và trật cấp con người bằng cách từ chối cho anh ta vinh dự lớn nhất của mình, tự do lựa chọn.
Tìm cách tách phong tình khỏi nghệ thuật thì cũng vô lý y như tìm cách tách nó khỏi cuộc sống. Nhưng một số nhà văn chuyên gia về phong tình trên thực tế phụ thuộc, theo lối thuần phục, vào chính sự mê tín xã hội và tôn giáo đó, mà họ làm ra vẻ mình không thuần phục. Quả thật, đối với họ rất rõ ràng phong tình vẫn là một xì căng đan, một dạng bí mật đáng xấu hổ để trưng bày ra nhằm giải trí cho những người khác: xét cho đến cùng, một chủ đề tệ cho phong cách hài. Trong khi ngược lại phong tình của con người cũng đáng kính trọng như mọi chủ đề khác vốn dĩ cần thiết cho sự trình hiện tấn kịch thực; thêm nữa, thậm chí nó còn là động lực cho thơ bi kịch, vì vốn dĩ là yếu tố tự nhiên đầu tiên trong các quan hệ và trong tình yêu. (Và sự thẹn thùng không hề ít ăn nhập với nó, vì sự thẹn thùng ấy là một ân sủng của bản tính yêu đương, chứ không phải một nỗi hoảng hốt phi lý của bộ lạc.)
Như vậy, vào lúc sự thành thực của một Saba xen vào để gỡ phong tình khỏi các cấm kỵ phi lý, sự trưng bày thô lậu đầy bê bối của các tác giả khác, ngược lại, kết án nó phải vẫn cứ là nô lệ của những cái đó. Điều này nhìn chung cũng đồng nghĩa với sự thành thực của Saba là nghệ thuật, còn sự trưng bày thô lậu kia là sự làm giả.
Thật khác, ở trường hợp của thể loại kể chuyện này nơi sự khoa trương về phong tình muốn trở thành một phương cách đoạn tuyệt và nổi loạn chống lại sự mắc míu với một xã hội sa đọa. Phẩm chất của nó khiến nó thuộc vào những nghi thức truy hoan, chúng, trong các lễ tang, giải thoát những nguyên tắc sống chống lại sự băng hoại của chết. Và không phải nghi ngờ gì nữa, ngay cả khi tu từ học của nó thường giữ nó ở mức chưa tới được với nghệ thuật, thì chức năng của nó cũng đầy tính cách cứu rỗi đối với văn hóa ngày nay.
(1961)
Huỳnh Bất Thức dịch
Elsa Morante
Hòn đảo của Arturo (1957)
Chương 1 (Thanh Nghi)
Chương 2 (Huỳnh Bất Thức)
Chương 3 (Anh Hoa)
Aracoeli (1982)
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Elsa Morante và Alberto Moravia
Sổ xưởng
Về sự phong tình trong văn chương
một Ý
Casanova (1725 – 1798)
Leopardii (1798 – 1837)
Carlo Emilio Gadda (1893 – 1973)
Pavese (1908 – 1950)
Elsa Morante (1912 – 1985)
Natalia Ginzburg (1916 – 1991)
Angelo Maria Ripellino (1923 – 1978)
Italo Calvino (1923 – 1985)
Pietro Citati (1930 – 2022)
Claudio Magris (1939 – )
Giorgio Agamben (1942 – )
Emanuele Trevi (1964 – )