favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Elsa Morante: Navona của tôi

30/04/2025 06:38

Thêm một tiểu luận của Elsa Morante (1962). Đây là lúc (rất hiếm hoi) ta thấy một nhà văn bảo vệ và vinh danh một quảng trường. Nhưng chuyện sẽ dễ hiểu hơn, nếu ta biết đó là một quảng trường ở Rome, và đặc biệt đó lại còn là quảng trường Navona - một nhà văn Ý gần đây tạp chí Văn Bản đã đăng có họ, Primo Levi, là tên một đài phun nước cũng ở Rome.
 

Navona của tôi

- Elsa Morante
 

Việc ở thành phố Rome không quảng trường nào khác có thể đem so sánh, điều đó đã được tuyên xưng, và là bởi một người sành sỏi quá nhiều uy quyền thành thử kể từ đó chẳng ai có thể tự cho phép mình phản đối. Thế nhưng tôi muốn góp lời của mình, rốt cuộc, nhằm lột mặt nạ sự đạo đức giả cuối cùng của thứ định kiến nhiều ngần ngừ, và tuyên bố toàn bộ sự thật: quảng trường Navona là nữ hoàng của tất tật các quảng trường, không chỉ tại thành phố Rome, mà còn là trên toàn thế giới, và chắc hẳn (tôi sẵn sàng đánh cược về điều này) trong toàn vũ trụ.

Ít nhất ở những gì liên quan đến Trái Đất, lời chứng của tôi xứng được tin vì ít Người Trái Đất nào, tôi nghĩ vậy, có thể, ngang mức với tôi, tự tán dương mình vì đã thăm và lai vãng tất tật những quảng trường đẹp trên đời. Thường thì vào ban đêm, vào lúc sắp sửa ngủ thiếp đi, tôi nhìn thấy lại phía trên tôi cái vòm tròn trang trí hình người rất khó tin của các hành trình đã qua của tôi, như một mô hình vũ trụ nhung nhúc những ngọn đèn và được điểm xuyết theo lối đa dạng các mặt trăng nhiều màu. Rất rõ, cái chuyện những mặt trăng là các quảng trường, các quảng trường của Thế Giới, hoang vu nhung nhúc lịch sử vị lai mơ mộng điên loạn. Quảng trường ở Alep và quảng trường ở Edinburg và Venice và Isfahan và Capri và Anguillara và Brasilia và Matxcơva và Sienna và Bắc Kinh... Quảng trường quảng trường đẹp... Mô hình vũ trụ kia quay, và các đề xuất của nó quyến rũ theo cách không thể nghi hoặc. Một niềm hoài nhớ nào đó lại túm lấy tôi, nhưng xét cho cùng đó lúc nào cũng là các chập chờn nhiều tính cách trăng. Trên thực tế, tất tật các mặt trăng đều nhợt nhạt đi khi mặt trời xuất hiện trở lại: quảng trường Navona!

Tôi biết rằng khúc madrigal kia sẽ khiến tôi bị quy kết, bởi nhiều độc giả Ý, như là một dạng tội quốc gia, không kém hơn so với một số epigram của Pasolini. Quả thật, danh dự của người Ý nói chung, cũng giống ở người anh hùng Achilles, có một số điểm dễ bị tổn thương nhất định. Tháp chuông, chẳng hạn, là một trong những điểm dễ bị tổn thương ấy; đó là lý do khiến một số người Ý mắc phải tinh thần tháp chuông [ý nói tinh thần địa phương quá đà], vốn dĩ là một dạng thói cuồng hành hạ. Nhưng tôi thì tôi không do dự thách thức tất tật những tinh thần tháp chuông của Ý. Bọn họ cứ việc tố cáo tôi lên các Hội đồng Kiểm duyệt, lên các Văn phòng tỉnh, lên các Sở cảnh sát; bọn họ cứ việc cấm tôi dự những cuộc tiếp tân chính thức và không được giao du với các Câu lạc bộ Quý tộc; bọn họ cứ buộc tội tôi xâm phạm; bọn họ cứ vây dồn tôi, viết cho tôi những bức thư đe dọa. Tôi chẳng sợ. Tôi sẽ đương đầu, cho tới tận sự lin-sơ, nhưng tôi sẽ nhắc đi nhắc lại cho tới cùng điệp khúc không thể bàn cãi của tôi: quảng trường Navona là vô song! Ngay cả một số quảng trường nhỏ tại Venice và kể cả quảng trường San Marco (hỡi ôi, dẫu hết sức miễn cưỡng, tôi không thể tự ngăn cản mình nhận thấy điều này), vẫn ở lại một chút đằng sau nếu đem so với nó. Quảng trường Navona rất đặc biệt! nó là tối cao!

Vậy thì chúng ta hãy bắt đầu từ cái tên. Tất tật các quảng trường khác thông thường đều mượn tên từ một chủ đề khác trang trí cho chúng hoặc mang lại cho chúng một phẩm giá: như là một nhà thờ, hay một cái cây tiền sử hay một nhân vật có máu mặt quá cố. Và ở điểm này chúng giống với những phụ nữ trung hậu nói chung, những người hài lòng với hoặc thậm chí rút lấy vinh quang từ việc lấy họ của chồng mình, và quả thật người ta gọi họ đúng là các nửa. Nhưng ngược lại, quảng trường Navona không phải là một nửa, nó là cả một! Dẫu chắc chắn nó không phải là một gái già (ngược lại, sự ngồn ngộn xác thịt của nó lại chính là của một bà chủ nhà, của một Grande Minente [ý nói nhân vật xuất chúng]), nó không muốn biết gì hết, nó ấy, các tước hiệu cùng vương miện của kẻ khác, vì nó đã một mình tự biến thành nữ hoàng. Tên của mình, nó đã không lấy được từ bất kỳ uy quyền nào khác; nhưng đó là một trong các sở hữu độc quyền của nó, và nó rất coi trọng điều này. Và nó đúng, theo tôi. Quả thật, ở đâu mà tìm được cái tên tạo nhiều thiện cảm hơn, tự nhiên hơn cái tên đó đây? Navona! Cái tên ấy là một sáng chế chân thực, một cảm hứng; đó không phải là một tước hiệu gia đình, cũng không phải một cái họ, và thậm chí không phải một cái tên riêng; mà đó là cái tên, nhìn chung là một từ đáng giá với chính vật. Thế nhưng, chính vật ấy, là nó: quảng trường trung tâm của vũ trụ.

Có gì là không có trong cái tên tuyệt đỉnh đó? Có sự dồi dào, và phiêu lưu, và các tội lỗi, và các tôn giáo, và Phán xử Cuối, và Ơn Toàn Xá; có tinh thần cổ điển, cùng các chuyến du hành không gian. Có các giai nhân, có ba giới của tự nhiên. Nói ngắn gọn, có mọi thứ.

... "Thôi được rồi. Bỏ qua cái tên đi. Thêm nữa, một cái tên thì là gì đây?..."

(Đấy là giọng đầu tiên cất lên phản đối, nhưng rất dịu, rất lịch thiệp. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nó phát xuất từ Venice.)

"... Và cũng để sang một bên mọi đánh giá lịch sử, xã hội, cảm năng đi. Rất rõ là bà, Morante, bà không thuộc loại người lao vào những dông dài như thế. Nhưng vàng của San Marco, ít nhất, vàng ấy, thì bà làm gì đây? Và cái đồng hồ với những người Moor nữa? Và lũ bồ câu? Bồ câu thì ở quảng trường Navona không có."

Đúng thế, không có bồ câu, nhưng lại có lũ mèo tá túc ở chỗ các quán ăn và tiệm uống, và không thèm chiếu cố ủa oẳng với khách du lịch, khác với một số chim bồ câu. Và rồi, ở những gì liên quan đến vàng, Navona, vốn dĩ là bà lớn và uy nghi, biết rằng cơ thể chín muồi trong tình yêu của mình còn vàng hơn cả vàng; và bà ấy chẳng buồn mất công tự mạ vàng lên mình, cũng không kiếm cách làm người ta thích, bởi vì bà chỉ cần tồn tại thôi là đã được yêu rồi.

Và rồi, về phần những cái đồng hồ, hiện diện của các dụng cụ thuộc loại đó hẳn sẽ là một nghịch nghĩa trên quảng trường Navona, nó được đặt trong tuyệt đối của thực tại, bên ngoài chiều thời gian. Tận đến mức mà không cái gì, cho tới cả lũ ô tô bourgeois ngu muội, mà không tiến lên bước một, như thể ý thức được về sự phi lý thuộc thời gian của chúng. (Navona không cần có các con kênh cùng phá vây quanh mình, để được đám quái vật nhỏ bằng tôn ngốc nghếch kính trọng.)

"Nghe thì hay ho lắm" (giờ thì một chàng thanh niên chắc nịch ở tỉnh nói xen vào) "nhưng tinh thần hiện đại có những đòi hỏi của nó! Làm sao mà quảng trường Navona nằm được vào thời sự hiện thời đây? Ngược lại, nhìn mà xem, chẳng hạn, Times Square..."

Tôi thương cậu quá, chàng trai, vì cậu từ tỉnh lên. Và, thì, cậu bé, thứ nhất cậu phải học lấy rằng những thứ vĩnh cửu, như Navona, thì không nằm được vào, mà định chỗ. Về phần Times Square, cứ đợi thêm năm mươi năm nữa đi, cậu sẽ thấy tính thời sự hiện thời của nó kết thúc ở đâu. Trong khi, ngược lại, Navona, ở cái tuổi tôi cũng chẳng biết là bao nhiêu thế kỷ, sáng nào ngủ dậy cũng đẹp hơn.

"Miss Morante, Miss Morante" (đây thì là giọng của một nhà phê bình Mỹ, rất mơn trớn. Các bạn sẽ thấy rằng ông ta sẽ tìm cách chọc vào tham vọng cá nhân của tôi. Đúng luôn...) "... Miss Morante, bà biết tôi ngưỡng mộ Hòn đảo của Arturo đến mức nào. Nhưng về phẩm chất trác tuyệt của quảng trường Navona lừng danh, thì tôi rất tiếc phải nói là tôi không đồng ý với bà. Nói ngắn gọn, để cho gọn ghẽ vấn đề, tôi sẽ tuyên bố với bà, bằng vài lời, rằng tôi không thích Baroque."

Baroque! Dường như một số người không biết rằng các thuộc tính (như baroque, chẳng hạn, hay lãng mạn, hoặc những thứ khác nữa) đâu có tự giới hạn mình vào biểu nghĩa chật chội mà chúng đã có, trong cách dùng thực tiễn, trong các cuốn sách giáo khoa hay nghề nghiệp. Ở biểu nghĩa đầy của nó, Baroque, cũng ngang với Lãng Mạn, không bị cạn kiệt đi bên trong một giai đoạn lịch sử, mà đấy là một yếu tố thực của tự nhiên và của trí tưởng tượng, nhất thiết phải có thì cuộc sống mới đầy đủ được. Đấy là lý do khiến ai đó tuyên bố: "tôi không thích baroque" thì thật ra đồng nghĩa với việc tự tố cáo mình là một cá nhân bị thu nhỏ và bị tê cứng; không kém hơn so với nếu người đó tuyên bố, chẳng hạn, "tôi không thích phụ nữ", hay "tôi không thích tiệc tùng", hay "tôi không thích biển". Vả lại, chẳng hề là ngẫu nhiên khi ông, thưa Nhà Phê Bình, nhắc tới Hòn đảo của Arturo, lờ đi mất không nói đến một tiểu thuyết khác của cùng tác giả, còn đẹp và quan trọng hơn, tên là Dối trá và trò phù thủy. Đối với tôi năng lực trong đánh giá cuốn tiểu thuyết đó là một bài test rất chắc chắn, cho phép tôi xem một người có đầy đủ hay không. Đọc nó đi, chính ông ấy, sau đó có lẽ ông sẽ hiểu rõ các yếu tố cần thiết của thực tại Navona hẵng còn tăm tối, hay không hề biết, đối với ông. Nhưng nếu ngược lại ông cứ khẳng khăng không chịu hiểu, thì tôi thấy tiếc cho ông. Chỉ còn lại mỗi một việc cho ông để làm, đấy là buổi chiều quay về nghỉ ngơi trên quảng trường Chicago nào đó...

"A! đủ rồi! đủ rồi! đủ rồi!"

(Đây chắc chắn là giọng Milano. Tôi đã trông đợi sẵn mà, nhưng tôi sẽ đương đầu với cú va chạm, ngay cả nếu toàn bộ Tài Chính Lớn ùa đến hỗ trợ; và ngay cả nếu người ta triệu lời chứng từ Stendhal, vị thánh bảo trợ của tôi.

"Đủ rồi! Đủ rồi! Ở đây người ta đang gián tiếp muốn nhục mạ quảng trường Duomo. Chúng tôi sẽ không hạ mình đi tranh cãi với cô về kiến trúc và điêu khắc đâu: đó là những chủ đề mà có vẻ như cô không được chuẩn bị để bàn tới; cũng như về một số công trạng dân sự và xã hội thấy rõ là cô nhạo báng. Nhưng, dẫu chỉ là một cái này: các mũi tên gô-tic? Tôi xin cô thứ lỗi nhưng Quảng Trường của cô có bao nhiêu mũi tên nào? Và Madonnina [bức tượng Đức Mẹ tại quảng trường Duomo ở Milan], cô đã nghĩ đến nó chưa? Đấy là còn chưa nhắc gì tới các biển hiệu của Motta, chúng nối, trong một sự tổng hợp rất thích hợp, Gô-tic Ngọn Lửa vào với công nghiệp hiện đại ga tô."

Chắc chắn rồi. Navona không trưng ra ngần ấy mũi tên, cái đó đúng; nhưng có cột tháp, nó đứng thẳng chỉ nhờ vào năng lượng riêng của mình, thách thức các luật của tĩnh học, điều này thì quá nổi tiếng rồi. Madonnina vắng mặt mất, tôi không chối điều này. Tuy nhiên, để đại diện cho hình ảnh ấy, có nữ thánh Đồng Trinh Agnès: nhân vật, với cổ tay đẹp của mình đặt lên ngực, ở vào thế cân bằng trên đỉnh về phía phải của mặt tiền, chỉ một mình, không có bất kỳ bức tượng nào khác đi kèm (như một sự đối xứng thông thường hẳn đòi hỏi) trên cạnh trái tương ứng. Đấy là cách thức sự quyến rũ của nghệ thuật, không kém hơn so với sự quyến rũ của cuộc đời, sẵn lòng buông mình vào cái thất thường, vào tự do và vào nỗi hờ hững! Quả thật, chẳng kiệt tác nào của tạc tượng mà người ta đi muốn đặt lên trên đó nhằm tôn trọng sự đối xứng, có thể bù trừ được cho sự thanh lịch bí hiểm của nỗi trống rỗng kia: trông dường thật nhiều cảm hứng mà nó đứng đó, đầy sẵn sàng, để các tâm hồn sung sướng đậu được lên đó trong các khoảnh khắc vô lo nghĩ của chúng.

Và rồi, về phần công nghiệp ga tô, ông còn chưa bao giờ, ông, thưa Ông Người Milano, đi qua quảng trường Navona, vào dịp Lễ Hiện Thân, cái đêm Befana lừng danh đâu, phải không? Người ta không chỉ tìm được ở đó hàng trăm cái pizza cùng panettone (nhân đây, có vẻ như là đích thân Befana đã trao cho người nào đó mà bà rất thích những cái panettone được làm theo lối sở tại, nhiều tính cách Navona hơn - tức là ngon lành hơn - và cho nhiều pistachio cùng nho Damas hơn) mà cũng thấy ở đó cả nu ga, kẹo bông kéo tay, ngay trước mặt người mua. Ngược lại, tôi thích hơn việc lướt qua hội trợ đồ chơi truyền thuyết, kể từ nay bị làm cho mất danh dự bởi hiện diện, ngay cả ở đây, của đống con rối ti vi đáng kinh tởm từ nay gây bệnh cho cả nước Ý và với đó ngày nay công nghiệp quốc gia thực thi sự băng hoại đám trẻ vị thành niên đích thực... Nhưng Navona, trong sức khỏe tuyệt vời của nó, thật may sao tiêu hóa được hết, đồng hóa được hết, quét sạch được hết.

"Này, đừng nghĩ là có thể dùng các cuốn tiểu thuyết làm chúng tôi mụ mị được nhé!" (đây là giọng Florence). "Thay vì đó, Bà Tiểu Thuyết Gia, chúng ta hãy thanh toán một chút với Nghệ Thuật. Bà thực sự nghĩ rằng những cái tượng to tướng ở Navona vượt được các bức tượng trên những quảng trường của chúng tôi trong một cuộc thi sắc đẹp đấy à?"

Cái ý mới kỳ làm sao! chắc chắn là không rồi. Nhưng Navona - tôi hy vọng đã chứng minh được điều này một lần xong luôn - là một trong những tạo vật kỳ diệu kia, chúng luôn luôn là các tạo vật đẹp nhất, cho dù không sở hữu bảy điểm hoàn hảo. Những quảng trường của các vị, quả đúng thế, đẹp đến nỗi đi vào đó cần phải chuẩn bị trước, thật trịnh trọng, giống khi người ta bước vào nhà thờ hay viện bảo tàng. Nhìn chung, chúng quá đẹp thành thử người ta chẳng dám chỉ tới đó để uống một tách cà phê. Navona, ngược lại, thì như một ngôi nhà nơi người ta lấy lại hơi và nghỉ mệt; sung sướng vì lại được ở đó, trong vẻ đẹp của nó, nhưng nếu muốn thì cứ tha hồ mà nghĩ đến một điều khác, giống những lúc người ta ở với gia đình

"Thế tức là bạn đã quên mất các vòm tròn màu turquoise của tôi, và lũ cừu gặm cỏ ở đây ngay giữa cái quảng trường đẹp...?" (Isfahan đang nói đấy, định dùng thứ hương xa cỏ lạ phương Đông để quyến rũ tôi.)

Navona không có các vòm tròn turquoise, thì nhất trí; nhưng nó có những cây leo màu lục cùng các bông hoa thò ra khỏi những hàng hiên. Và nếu ở đó người ta khó lòng bắt gặp lũ cừu, thì đảm bảo người ta gặp được tất tật lũ chó hoang phiêu lưu ma cà bông đúng nghĩa, các anh hùng của vùng vành đai: chúng đến với chúng tôi từ khắp Rome, để ngủ trưa và nhảy nhót, mà không bị luật lệ nguyền rủa và bị người ta đá chân xua ra ngoài, giống trên những quảng trường yêu quý đối với Mahomet của các vị. Quả thật Navona là một nữ hoàng đích thực, đón tiếp theo cùng cách chó cùng mèo, Do Thái cùng Ki-tô hữu, các quý ông to béo cùng đám người bần cùng lê lết. Navona là một nữ thánh.

"Ô, sau mà cô cứng đầu thế hả!" (rốt cuộc, vang lên giọng nói của một người sống cùng thành phố với tôi). "Tôi thì, chẳng hạn, tôi sinh ra và lớn lên ở Rome và, trong vòng ba mươi năm cuộc đời mình, tôi chưa từng bao giờ đặt chân đến quảng trường Navona.

Bất hạnh chưa! (đấy là để khỏi nói điều gì khác). Và những người kia, ông thị trưởng, các ông phó, còn đợi gì nữa mà chưa tước quyền công dân thành phố của anh ta đi? Tôi thì, ngược lại, ngày nào, ít nhất là một tí chút, tôi cũng đến gần Navona của tôi để tự an ủi. Mùa hè, tôi đến đó để nghỉ: và ở đâu người ta tìm thấy được một chốn nghỉ ngơi giống vậy, với Bốn Dòng Dông, lũ cá voi, và những con ngựa biển, rồi thì sư tử nữa? Buổi tối, tôi tới đó dùng bữa: và người ta có thể chắc chắn được rằng chẳng vị hoàng đế nào, suốt trong lịch sử, từng có bao giờ được ăn tối trong một xa lông đẹp hơn xa lông ấy. Và rồi, thế nhưng, thường xuyên hơn cả tôi đến đó để không làm gì hết, chỉ để chắc chắn là nó vẫn tồn tại: bởi, chừng nào một Navona còn tồn tại, thì vẫn có niềm hy vọng nào đó cho thế giới này. Nếu thấy mệt, tôi có thể thậm chí còn chẳng nhìn các ngôi nhà đẹp của nó, những mặt tiền nhà thờ, các vòi phun nước; tôi chỉ cần cảm thấy chúng ở xung quanh tôi là đủ, tất tật đều nóng hổi sự sống tuyệt vời của Navona của tôi, nó, chỉ một mình, hẳn mang lại sức mạnh cho cả một dân chúng. Tôi nghe thấy tiếng nước chảy, giọng của bọn nhóc con đang chơi, và tôi nhớ, nơi tận cùng con người mình, bài thơ nổi tiếng của Sandro Penna đó:

Tôi những muốn được sống thiếp ngủ

trong tiếng lao xao êm dịu của sự sống.

[Một niềm vui sống lạ thường]

Nhưng một phần lớn người Rome chắc hẳn chưa từng bao giờ nghe thấy cái tên Sandro Penna; và họ không biết rằng mình đang có ở đây, tại Rome, nhà thơ lớn nhất trên đời, cũng như họ không biết là mình có quảng trường chính yếu của vũ trụ. Thêm nữa, nếu họ có biết điều này, thì có khả năng họ cũng chẳng thấy thế thì có gì đáng nói.

May sao, đã có tôi ở đây để bảo vệ mi, Navona của tôi; nhưng về phần những người Rome khác, đừng trông chờ gì vào họ. Hẳn có ít nhất một triệu người Rome sẵn sàng đổi mi lấy một cái xe Fiat 600, hoặc một juke-box.

Huỳnh Bất Thức dịch

Elsa Morante

Hòn đảo của Arturo (1957)
Chương 1 (Thanh Nghi)
Chương 2 (Huỳnh Bất Thức)
Chương 3 (Anh Hoa)

Navona của tôi (1962)

Aracoeli (1982)
Phần 1
Phần 2
Phần 3

Elsa Morante và Alberto Moravia
Agamben: Sổ xưởng

 

một Ý

Casanova (1725 – 1798)
Leopardii (1798 – 1837)
Umberto Saba (1883 – 1957)
Carlo Emilio Gadda (1893 – 1973)
Pavese (1908 – 1950)
Elsa Morante (1912 – 1985)
Natalia Ginzburg (1916 – 1991)
Primo Levi (1919 -1987)
Angelo Maria Ripellino (1923 – 1978)
Italo Calvino (1923 – 1985)
Pietro Citati (1930 – 2022)
Claudio Magris (1939 – )
Giorgio Agamben (1942 – )
Emanuele Trevi (1964 – )

 

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công