favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Cioran: Bất tiện (VIII)

24/07/2024 14:54

tiếp phần trước

Về nỗi bất tiện bị sinh ra (De l'inconvénient d'être né) là cuốn sách tiếng Pháp thứ 7 của Cioran, được viết từ cuối thập niên 60 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, và gồm tổng cộng 13 chương. Sau chương III, giờ là chương thứ VIII của cuốn sách.

Đây là bước ngoặt trong suy nghĩ của Cioran - nhất là khi người ta nghĩ rằng trước đó, suốt một thời gian dài, đối tượng suy nghĩ chủ yếu của Cioran không phải sự sinh ra mà là sự tự sát - có thể coi là khởi đầu cho một "Cioran giai đoạn cuối cùng".

Bất tiện (VIII)

- Cioran 

Nếu không có ý về một vũ trụ bị hụt mất, cảnh tượng sự bất công dưới tất tật các chế độ hẳn sẽ dẫn cả một kẻ mắc chứng đờ đẫn tới cái áo sơ mi cưỡng ép dùng cho người điên.

*

Hư vô hóa mang lại một cảm giác về quyền lực và phỉnh nịnh một cái gì đó tăm tối, sơ khởi ở chúng ta. Không phải bằng cách dựng lên, mà phải bằng cách phá tan tành thì chúng ta mới có thể đoán được những niềm thỏa mãn bí mật của một vị thần. Từ đó mà có sự thu hút của hủy diệt và các ảo tưởng mà nó khơi lên nơi những kẻ cuồng dại thuộc mọi thời.

*

Thế hệ nào cũng sống trong cái tuyệt đối: nó hành xử như thể nó đã đến được đỉnh cao, nếu không thì đến điểm kết, của lịch sử.

*

Bất cứ dân tộc nào, vào một thời khắc nào đó trong sự nghiệp của mình, cũng đều nghĩ mình được lựa chọn. Chính khi ấy nó trưng ra cái tốt đẹp nhất và cái tồi tệ nhất của chính mình.

*

Việc dòng tu la Trappe sinh ra tại Pháp chứ không phải ở Ý hay Tây Ban Nha, đấy không phải một ngẫu nhĩ. Những người Tây Ban Nha và những người Ý nói không ngừng, cái đó thì đã rõ, nhưng họ không tự lắng nghe mình nói, trong khi người Pháp thì nhấm nháp sự hùng biện của mình, không bao giờ quên là mình đang nói, có ý thức về điều đó theo lối không thể mạnh mẽ hơn. Chỉ mình anh ta mới có thể coi sự im lặng như là một thử thách và một khổ hạnh.

*

Điều mà tôi thấy hỏng ở cuộc Cách Mạng lớn, ấy là mọi sự trong đó đều diễn ra trên một sàn diễn, những nhân vật chủ trò tại đó đều là các diễn viên bẩm sinh, máy chém guillotine chỉ là một décor. Lịch sử nước Pháp, trong tổng thể của nó, hiện ra như một lịch sử theo com măng, một lịch sử được diễn: ở đó mọi điều đều hoàn hảo xét từ quan điểm sân khấu. Đấy là một trình hiện, một chuỗi những hành động, các sự kiện mà người ta xem thì đúng hơn là gánh chịu, một vở diễn kéo dài mười thế kỷ. Từ đó mà có ấn tượng về phù phiếm mà ngay Khủng Bố cũng mang lại, nếu nhìn từ xa.

*

Các xã hội thịnh vượng mong manh hơn rất nhiều so với những xã hội khác, bởi vì chỉ còn lại cho chúng việc chờ đợi sụp đổ của chính chúng, vì nỗi sướng thân không phải là một lý tưởng chừng người ta đã sở hữu nó, và còn ít hơn khi nó đã ở đó từ nhiều thế hệ. Đấy là còn chưa tính đến chuyện tự nhiên đã chẳng hề gộp cái đó vào trong các tính toán của mình và hẳn nó sẽ không làm vậy mà không gặp phải hiểm nguy.

*

Nếu các quốc gia trở nên lãnh đạm cùng một lúc, hẳn sẽ không có những xung đột nữa, không còn những cuộc chiến tranh nữa, không còn những đế chế nữa. Nhưng bất hạnh muốn rằng có các dân tộc trẻ, không những thế lại còn có các thanh niên - trở ngại chính cho những giấc mơ của các nhà từ thiện: làm sao cho tất tật mọi con người đều tới được cùng mức độ của mệt mỏi hoặc uể oải...

*

Người ta phải tự xếp mình vào hàng ngũ của phía những người bị áp bức trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi họ sai, dẫu thế không được quên rằng họ được làm ra từ cùng thứ bùn với những kẻ áp bức họ.

*

Điểm riêng biệt của các chế độ hấp hối là cho phép một hỗn hợp rối mù những lòng tin và học thuyết, và cùng lúc mang lại ảo tưởng rằng người ta sẽ có thể làm chậm đi đến vô chừng giờ khắc của lựa chọn...

Chính là từ đó - và chỉ từ đó - mà phái sinh sự quyến rũ của các giai đoạn tiền cách mạng.

*

Chỉ những giá trị giả mới thịnh hành, vì lẽ tất cả mọi người đều có thể hấp lấy chúng, làm giả chúng (cái giả ở độ thứ hai). Một ý thành công nhất thiết là một giả-ý.

*

Các cuộc cách mạng là cái trác tuyệt của văn chương dở.

*

Điều đáng bực trong những nỗi bất hạnh công cộng, ấy là bất kỳ ai cũng tự cho là mình đủ năng lực để nói đến nó.

*

Quyền loại bỏ đi tất tật những kẻ nào gây bực bội cho chúng ta hẳn phải nằm ở ngay đầu hiến pháp của Thành Phố lý tưởng.

*

Chắc điều duy nhất mà người ta cần dạy cho thanh niên là chẳng có gì hết, hãy nói gần như không có gì, để chờ đợi từ cuộc đời. Người ta mơ tới một Bảng lược đồ các Nỗi thất vọng nơi ghi tất tật hẩm hiu dành cho mỗi người, mà người ta sẽ dán tại các trường học.

*

Theo lời princesse Palatine, Mme de Maintenon có thói quen nhắc đi nhắc lại suốt nhiều năm trong đó, do nhà vua đã băng, bà không còn đóng vai trò nào nữa: "Từ ít lâu nay, ngự trị một tinh thần của sự chóng mặt trải rộng khắp nơi."

"Tinh thần của sự chóng mặt" này, ấy là điều mà những kẻ thua cuộc từng lúc nào cũng nhận thấy, vả lại cái đó rất đúng, và hẳn người ta có thể tái nhìn nhận lịch sử khởi đi từ cụm từ ấy.

*

Tiến Bộ là sự bất công mà mỗi thế hệ phạm về phía thế hệ đi trước nó.

*

Những kẻ no đủ tự căm ghét chính mình không phải một cách bí mật mà hết sức công khai, và mong muốn bị quét bay đi theo cách này hay cách khác. Dẫu thế nào thì bọn họ cũng thích nhất là chuyện xảy ra với sự góp sức của chính bọn họ. Đấy chính là khía cạnh kỳ khôi nhất, độc đáo nhất của một hoàn cảnh cách mạng.

*

Một dân tộc thì chỉ tiến hành một cuộc cách mạng duy nhất. Người Đức chưa từng bao giờ tái bản được chiến công của Cải Cách, hay nói đúng hơn họ đã tái bản nó nhưng không sánh ngang được với nó. Nước Pháp vẫn vĩnh viễn lệ thuộc vào 89. Cũng đúng ngang như vậy đối với nước Nga và đối với tất tật các nước, cái khuynh hướng tự đạo văn chính mình đó ở địa hạt của cách mạng, tính tổng cộng gây thật nhiều trấn an và khiến người ta buồn khổ.

*

Người La Mã thời suy đồi chỉ coi trọng sự nghỉ ngơi Hy Lạp (otium graecum), thứ mà họ từng khinh bỉ hơn cả vào thời họ còn hùng mạnh.

Sự tương đồng với những quốc gia văn minh hóa ngày nay thật rõ, đến độ hẳn sẽ thô lỗ nếu nhấn mạnh vào đó.

*

Alaric từng nói rằng một "con quỷ" thúc đẩy ông chống lại Rome.

Mọi văn minh đã hết hơi đều đợi kẻ mọi rợ của nó, và mọi kẻ mọi rợ đều đợi con quỷ của hắn.

*

Phương Tây: một sự thối rữa thơm tho, một cái xác tẩm hương.

*

Tất tật các dân tộc kia đều to lớn, vì chúng từng có những định kiến lớn. Chúng không còn các định kiến ấy nữa. Chúng vẫn còn là những quốc gia chăng? Nhiều nhất thì cũng chỉ là các đám đông rời rã.

*

Người da trắng càng lúc càng xứng hơn với cái tên mặt nhợt mà những người Anh điêng châu Mỹ đặt cho họ.

*

Ở châu Âu, hạnh phúc kết thúc ở Wien. Quá đó thì, lời nguyền chồng lên lời nguyền, xưa nay vẫn vậy.

*

Người La Mã, người Thổ và người Anh đã có thể dựng nên những đế chế lâu dài vì, vốn dĩ trơ ì trước mọi học thuyết, họ đã không áp đặt học thuyết nào cho các quốc gia lệ thuộc. Hẳn họ đã không thể thực thi một bá quyền dài tới vậy nếu mắc phải thói tật Messiah nào đó. Là những kẻ áp bức không được hy vọng, các nhà quản trị và ký sinh trùng, lãnh chúa chẳng hề có lòng tin, họ từng có nghệ thuật phối hợp uy quyền và sự thờ ơ, sự hà khắc và mặc kệ. Chính nghệ thuật đó, bí mật của ông chủ đúng nghĩa, là thứ đã thiếu mất với những người Tây Ban Nha xưa kia, như hẳn nó cũng thiếu ở những kẻ chinh phục thời chúng ta.

*

Chừng nào một quốc gia lưu giữ ý thức về sự vượt trội của mình, nó hung dữ, và được kính trọng; - ngay khi đánh mất ý thức đó đi, nó liền trở nên con người, và chẳng đáng gì nữa.

*

Những lúc tôi nổi xung chống lại thời đại, nhằm tự làm cho mình bình tâm, chỉ cần tôi nghĩ đến những gì sẽ xảy ra, tới lòng ghen hồi cố của những người đi tiếp sau chúng ta, là đủ. Ở một số khía cạnh, chúng ta thuộc về nhân loại cũ, cái nhân loại hẵng còn có thể nuối tiếc thiên đường. Nhưng những người tới sau chúng ta thậm chí sẽ không có nguồn của nỗi tiếc nuối đó, họ sẽ không biết cho đến tận ý về nó, cho đến tận cái từ ấy!

*

Viễn kiến về tương lai của tôi chính xác đến nỗi, nếu có những đứa con, tôi sẽ bóp cổ chúng ngay tắp lự.

*

Chừng người ta nghĩ tới các phòng khách Berlin, vào thời lãng mạn, tới vai trò mà một Henriette Herz hay một Rahel Levin đóng tại đó, tới tình bạn từng nối Rahel Levin với thái tử Louis-Ferdinand, và khi sau đó người ta tự nhủ rằng nếu sống vào thế kỷ này hẳn họ đã tiêu đời trong phòng hơi ngạt nào đó, người ta không thể nào tự ngăn mình coi lòng tin vào tiến bộ như là thứ mê tín giả dối nhất và ngẫn nhất.

*

Hésiode là người đầu tiên dựng ra một triết học về lịch sử. Cũng chính ông là người đã lăng xê ý về suy tàn. Vậy thì, ánh sáng nào đây còn chưa được rọi lên triển hạn lịch sử! Nếu, ở trung tâm các nguồn gốc, chính giữa thế giới hậu Homère, ông cho rằng loài người đang ở vào thời kỳ của sắt, thì ông sẽ nói gì đây vài thế kỷ sau đó? ông sẽ nói gì, ngày hôm nay?

Trừ vào những giai đoạn bị xỉn tối bởi thói phù phiếm hay phi lai, con người từng luôn luôn nghĩ rằng anh ta đã đến ngưỡng của điều tồi tệ nhất. Vốn biết những gì mà anh ta biết, nhờ phép mầu nào mà anh ta đã có thể không ngừng biến đổi những ham muốn cùng những nỗi kinh hoàng của mình?

*

Khi, ngay sau cuộc chiến tranh 14, người ta đưa điện về ngôi làng quê của tôi, ấy là một sự thì thào chung, rồi tịch liêu câm lặng. Nhưng lúc người ta lắp điện trong các nhà thờ (có ba nhà thờ), ai cũng tin chắc rằng Phản-Ki-tô đã đến và, cùng hắn, kết cục của thời gian.

Những người nông dân vùng Carpate ấy đã thấy rất đúng, đã nhìn xa. Họ, vốn dĩ bước ra từ tiền sử, đã biết, ngay từ thời đó, những gì mà những người văn minh hóa chỉ mới biết từ ít lâu nay.

*

Chính từ định kiến của tôi chống lại mọi điều gì kết thúc tốt đẹp mà sở thích đọc lịch sử đã đến với tôi.

Các ý thì chẳng ăn nhập gì với sự hấp hối; chúng chết đi, dĩ nhiên, nhưng không hề biết là mình chết, trong khi một sự kiện chỉ tồn tại để hướng về kết cục của nó. Lý do đầy đủ để người ta thích sự kề cận của các sử gia hơn sự kề cận của các triết gia.

*

Trong kỳ đi sứ lừng danh của mình tại Rome, vào thế kỷ 2 trước kỷ nguyên của chúng ta, Carnéade đã tận dụng việc này để, vào ngày đầu tiên, nói tốt đẹp về ý về công lý, hôm sau thì chống lại. Ngay từ khoảnh khắc ấy, triết học, cho tới lúc đó vốn không tồn tại ở đất nước có các phong hóa lành mạnh đó, đã khởi sự thực thi ở đó những tàn phá của nó. Vậy thì triết học là gì? Con sâu trong quả...

Caton Ngự sử, người từng dự vào các màn biểu diễn biện chứng của nhân vật Hy Lạp kia, đã thấy kinh hãi và đòi Nghị Viện thỏa mãn mong muốn của phái đoàn từ Athens càng sớm càng tốt, bởi ông đánh giá hiện diện của họ là tai hại và thậm chí nguy hiểm. Tuổi trẻ La Mã không được giao du với những tinh thần giỏi gây bại hoại như vậy.

Trên bình diện luân lý, Carnéade và những người đồng hành cũng đáng ngại y như những người Carthage trên bình diện quân sự. Các quốc gia đang lên e sợ hơn hết sự vắng mặt của những định kiến và cấm đoán, sự trơ trẽn về trí năng, thứ làm nên sự thu hút của những văn minh đang kết thúc.

*

Vì đã thành công trong tất tật các công việc của mình, Héraclès bị trừng phạt. Cũng thế, vì quá sung sướng, Troie phải gục.

Nghĩ tới viễn kiến chung ấy nơi các nhà bi kịch, người ta, dẫu không muốn, bị đưa đến chỗ nghĩ rằng thế giới gọi là tự do, đầy tràn tất tật các cơ may, không thể tránh khỏi sẽ biết đến số phần của Ilion, bởi sự ghen tuông của những vị thần sống sót sau khi họ biến mất đi.

*

"Người Pháp không muốn làm việc nữa, tất tật họ đều muốn viết", bà gác cổng của tôi từng nói với tôi, vốn dĩ bà không biết là hôm đó bà đang lên án các văn minh cũ.

*

Một xã hội bị kết án khi nó không còn sức để bướng bỉnh chật hẹp nữa. Làm thế nào, với một tinh thần rộng mở, quá mở, mà nó có thể tự đảm bảo cho mình thoát khỏi các quá đà, vốn dĩ là những nguy cơ chết người của tự do?

*

Các tranh cãi về ý luận chỉ đạt đến được đỉnh điểm tại những nước nơi người ta từng đánh nhau vì các từ, nơi người ta từng giết nhau vì chúng..., tại các đất nước, nhìn chung, đã biết tới những cuộc chiến tranh tôn giáo.

*

Một dân tộc đã vét kiệt sứ mệnh của mình thì cũng giống một tác giả tự nhắc lại mình, không, một tác giả chẳng còn gì để nói nữa. Bởi tự nhắc lại, cái đó chứng tỏ người ta còn tin vào bản thân, và vào những gì mà người ta đã ủng hộ. Nhưng một quốc gia đã kết thúc thậm chí còn không có sức để lải nhải các châm ngôn trước kia của nó, thứ từng đảm bảo cho nó sự nổi trội cùng sự chói lọi của nó.

*

Tiếng Pháp đã trở thành một ngôn ngữ tỉnh lẻ. Những người bản địa quá quen với nó. Chỉ kẻ kiều dân không thể nguôi ngoai vì đó. Chỉ mình anh ta mới để tang cho Sắc Thái...

*

Người phiên dịch cho các sứ thần mà Xerxès phái đến để đòi những người Athens đất và nước, Thémistocle, thông qua một nghị định được tất tật tán thành, kết án tử hình anh ta, "vì đã cả gan dùng ngôn ngữ Hy Lạp để diễn tả các mệnh lệnh của một kẻ mọi rợ".

Một dân tộc chỉ có được một hành động như thế ở đỉnh cao sự nghiệp của nó. Nó ở vào sự suy đồi đầy đủ, nó nằm ngoài chu trình ngay khi không còn tin vào ngôn ngữ của mình nữa, ngay khi nó ngừng nghĩ rằng đấy là hình thức tối cao của biểu đạt, chính ngôn ngữ.

*

Một triết gia hồi thế kỷ trước từng ủng hộ, hết sức ngây thơ, rằng La Rochefoucauld đúng cho quá khứ, nhưng hẳn ông sẽ bị phế bởi tương lai. Ý về tiến bộ làm trí năng bị mất danh dự.

*

Con người càng tiến lên, anh ta càng bớt đủ sức giải quyết những vấn đề của mình, và chừng, đã hoàn toàn mù quáng, anh ta tin chắc rằng mình sắp xong được việc, chính vào lúc đó cái khó tin vụt tới.

*

Hẳn tôi sẽ loay hoay, cùng lắm, cho Tận Thế, nhưng cho một cuộc cách mạng thì... Hợp tác với một kết cục hoặc với một sáng thế, với một tai ương tối hậu hay ban đầu, được, nhưng không phải với một thay đổi về phía một cái tốt đẹp hơn hay về phía một cái tồi tệ hơn nào đó.

*

Chỉ còn có các tín sự kẻ nào chưa từng đào sâu gì hết.

*

Xét về lâu dài, sự khoan dung sản sinh nhiều tệ hại hơn so với bất khoan dung. - Nếu sự vị này là chính xác, nó tạo dựng lời buộc tội nghiêm trọng nhất mà người ta có thể có nhằm chống lại con người.

*

Ngay khi các con thú không còn cần phải sợ nhau nữa, chúng liền rơi vào sự ngây độn và có cái dáng vẻ bị o ép kia mà người ta thấy ở chúng tại những vườn bách thú. Các cá nhân và các dân tộc hẳn cũng bày ra cùng cảnh tượng, nếu một ngày kia họ đi tới chỗ sống trong hòa hợp, không còn run lên công khai hoặc trong giấu giếm nữa.

*

Với độ lùi, chẳng gì còn tốt nữa, hay xấu. Sử gia nào lôi thôi với chuyện đánh giá quá khứ thật ra đang làm nhà báo trong một thế kỷ khác.

*

Hai trăm năm nữa (bởi vì cần phải cụ thể!), những người sống sót từ các dân tộc quá may mắn sẽ bị dồn hết vào các khu bảo tồn, và người ta sẽ đến xem họ, chiêm ngưỡng họ một cách kinh tởm, xót thương hoặc sửng sốt, và cả với một sự ngưỡng mộ ma mãnh nữa.

*

Lũ khỉ sống thành đàn vứt bỏ, dường như vậy, những con nào trong số chúng theo cách nào đó từng qua lại với đám con người. Một chi tiết như thế, sao mà người ta tiếc vì một Swift đã không biết đến nó!

*

Cần phải phỉ nhổ thế kỷ của mình hay tất tật các thế kỷ?

Người ta có tưởng tượng nổi một Thích Ca rời khỏi thế giới do những người cùng thời của mình chăng?

*

Loài người thích các vị cứu tinh đến vậy, cái đám cuồng loạn cứ trơ trẽn đi tin vào bản thân mình, là vì nó hình dung rằng bọn họ tin vào nó.

*

Sức mạnh của vị nguyên thủ quốc gia kia là nhiều huyễn tưởng và vô sỉ. Một kẻ hay mơ không đắn đo.

*

Những tội ác tồi tệ hơn cả bị phạm bởi lòng hào hứng, trạng thái bệnh hoạn, vốn dĩ phải chịu trách nhiệm cho gần như tất tật các bất hạnh công cộng và riêng tư.

*

Tương lai, cứ đi mà xem, nếu các vị thích cái đó. Tôi thì thích hơn việc trụ vào hiện tại không thể tin nổi cùng quá khứ không thể tin nổi. Tôi để lại cho các vị việc được đương đầu với chính Cái Không Thể Tin Nổi.

*

- Ông chống lại toàn bộ những gì người ta đã làm từ cuộc chiến tranh vừa rồi, cái bà rất thạo tin ấy nói với tôi.

- Bà nhầm ngày tháng rồi. Tôi chống lại toàn bộ những gì người ta đã làm kể từ Adam.

*

Hitler, không phải nghi ngờ gì, là nhân vật hắc ám nhất của lịch sử. Và cũng thống thiết nhất. Hắn đã hiện thực hóa được điều ngược lại, hết sức chính xác, với những gì hắn muốn, hắn đã phá hủy lý tưởng của mình, từng điểm một. Chính vì thế mà hắn là một quái vật riêng rẽ, tức là hai lần quái vật, bởi chính sự thống thiết của hắn thật gớm ghiếc.

*

Tất tật các sự kiện lớn đều từng được kích hoạt bởi những kẻ điên, bởi những kẻ điên... tầm thường. Chuyện sẽ là như vậy, chúng ta hãy chắc chắn về điều này, với chính "kết cục của thế giới".

*

Zohar dạy rằng tất tật những kẻ làm điều xấu trên mặt đất đều không đáng giá gì hơn ở trên trời, rằng bọn họ sốt ruột được rời khỏi đó và rằng, gieo mình xuống lối vào vực thẳm, bọn họ đã "tiến trước thời gian bọn họ sẽ xuống thế giới này".

Người ta dễ dàng thấy rõ những gì là sâu sắc trong viễn kiến ấy về tồn tại từ trước của các linh hồn và nó hữu dụng đến đâu khi chuyện là giải thích sự chắc chắn cùng chiến thắng của "những kẻ độc ác", sự vững chắc cùng năng lực của bọn họ. Vì đã chuẩn bị đòn đánh của mình từ lâu, không đáng ngạc nhiên khi bọn họ chia nhau trái đất: bọn họ đã chinh phục nó từ trước khi ở đó..., quả thật là, từ thiên thu vĩnh cửu.

*

Cái phân biệt nhà tiên tri đích thực với những người khác, ấy là người đó ở nguồn gốc của các chuyển động cùng các học thuyết loại trừ lẫn nhau và đánh lẫn nhau.

*

Tại một thành phố lớn, cũng như ở một thôn, điều mà người ta vẫn thích hơn cả là dự phần vào sự sụp đổ của một trong các đồng loại của mình.

*

Nỗi thèm tàn phá neo đậu sâu trong chúng ta tới nỗi chẳng ai đẩy nó đi được. Nó thuộc vào cấu tạo của mỗi người, vì đáy của bản sinh chắc chắn là có tính cách quỷ.

Nhà thông thái là một kẻ tàn phá êm dịu, né mình đi. Những người khác thì là các kẻ tàn phá đương nhiệm.

*

Bất hạnh là một trạng thái thụ động, phải gánh lấy, trong khi lời nguyền đặt giả định về một lựa chọn ngược, tức một ý về sứ mệnh, về lực bên trong, thứ không được ngụ ý trong bất hạnh. Một cá nhân - hay một dân tộc - bị nguyền rủa nhất thiết có một đẳng cấp khác so với một cá nhân - hay một dân tộc - bất hạnh.

*

Lịch sử, nói cho thật đúng, không tự lặp lại, nhưng, giống những ảo tưởng mà con người có khả năng có được thì bị giới hạn về số lượng, chúng luôn luôn quay trở lại dưới một ngụy trang khác, bằng cách ấy mang đến cho một trò mèo đã cũ mốc một dáng vẻ mới mẻ cùng một lớp véc-ni bi kịch.

*

Tôi đọc các trang về Jovinien, thánh Basile và vài người khác. Xung đột, vào những thế kỷ đầu tiên, giữa chính thống và tà giáo, có vẻ không ngớ ngẩn hơn xung đột mà các ý luận hiện đại đã khiến chúng ta quen. Những phương thức của cãi cọ, các dục vọng hoạt tác, những sự điên cùng những lố bịch, gần như giống hệt. Ở cả hai trường hợp, mọi điều xoay xung quanh cái phi thực và cái không thể kiểm tra, chúng tạo thành chính chỗ chứa cho những giáo điều cả tôn giáo lẫn chính trị. Lịch sử hẳn chỉ dung thứ được nếu người ta thoát được khỏi cả những cái này lẫn những cái kia. Quả đúng rằng khi đó hẳn nó sẽ ngừng luôn, vì sự tốt đẹp lớn nhất của tất tật, cả những ai phải gánh chịu nó lẫn những kẻ tạo ra nó.

*

Điều làm cho sự tàn phá trở nên khả nghi, ấy là sự dễ dàng của nó. Bất kỳ kẻ nào cũng có thể rất giỏi cái trò đó. Nhưng nếu tàn phá là dễ, thì tự tàn phá kém dễ hơn. Sự vượt trội của kẻ bị đọa so với tên kích động hoặc kẻ vô chính phủ.

*

Nếu sống vào hồi khởi đầu của Ki-tô giáo, hẳn tôi đã, tôi e là thế, chịu sự quyến rũ của nó. Tôi căm ghét tay cảm tình viên, kẻ cuồng tín giả định đó, tôi không tự tha thứ cho mình sự gia nhập cách đây hai nghìn năm ấy...

*

Bị giằng kéo giữa bạo lực và sự sáng suốt, tôi tự tạo cho mình dáng vẻ của một tên khủng bố, kẻ, đi ra khỏi nhà với ý định tấn công vào đâu đó, hẳn sẽ dừng lại trên đường để giở Sách Giảng viên hoặc Épictète ra xem.

*

Con người, nếu tin Hegel, chỉ hoàn toàn được tự do "nếu được vây xung quanh bởi một thế giới hoàn toàn do anh ta tạo ra".

Nhưng đấy chính là những gì anh ta đã làm, và anh ta chưa từng bao giờ bị trói chặt đến như vậy, nô lệ đến như hiện nay.

*

Cuộc đời hẳn sẽ chỉ trở nên có thể chịu đựng ở giữa một loài người không còn bất kỳ ảo tưởng nào dự trữ, một loài người hoàn toàn không bị lừa và sung sướng vì vậy.

*

Toàn bộ những gì mà tôi đã có thể cảm thấy và nghĩ đều được trộn vào một tập luyện phản-phi lai.

*

Con người sẽ không kéo dài lâu. Bị rình đợi bởi sự kiệt sức, anh ta sẽ phải trả giá cho sự nghiệp quá độc đáo của mình. Bởi hẳn sẽ không thể hình dung và là chống lại tự nhiên, chuyện anh ta ì ra đó thật lâu và rồi kết thúc tốt đẹp. Viễn cảnh này thật gây trầm uất, do đó chắc đúng.

*

"Bạo chúa được khai sáng": chế độ duy nhất có thể quyến rũ một tinh thần đã quay trở lại từ mọi điều, không có khả năng trở thành đồng lõa của các cuộc cách mạng, bởi vì anh ta thậm chí còn không phải là đồng lõa của lịch sử.

*

Chẳng gì nặng nề hơn so với chuyện có hai nhà tiên tri vào cùng một thời. Một trong hai phải tự xóa bỏ và biến mất, nếu người đó không muốn tự trưng bày mình cho cái lố bịch. Trừ phi cả hai đều rơi tõm vào đó, điều này hẳn là giải pháp công bằng hơn cả.

*

Tôi bị lay động, thậm chí bị đảo lộn, mỗi lần nào tôi gặp được một người trong trắng. Anh ta từ đâu đến? Anh ta tìm gì? Hiện hình của anh ta thông báo sự kiện đáng bực nào đó chăng? Đấy là một rối loạn hết sức đặc biệt mà người ta cảm thấy trước người nào đó mà hẳn người ta không thể gọi là đồng loại của mình theo bất cứ cách nào.

*

Khắp nơi nào những người văn minh từng xuất hiện lần đầu tiên, họ đều bị những người bản địa coi là các kẻ bất lương, như các vong, các hồn ma. Mà chẳng bao giờ như là những người sống!

Trực giác vô song, cái nhìn tiên tri, nếu có cái đó.

*

Nếu người nào cũng "hiểu", lịch sử đã ngừng từ lâu rồi. Nhưng xét về nền tảng, về mặt sinh học người ta không có năng lực "hiểu". Và ngay cả nếu tất tật đều hiểu, chỉ trừ một người, thì lịch sử vẫn cứ tiếp diễn mãi do người đó, do sự mù của người đó. Do chỉ một ảo tưởng!

*

X ủng hộ chuyện chúng ta đã ở cuối một "chu kỳ vũ trụ" và mọi thứ sẽ sớm rạn vỡ. Về điều này, không giây phút nào anh ta nghi ngờ.

Cùng lúc, anh ta là bố trong gia đình, và lại còn là một gia đình đông con. Với những điều chắc chắn như anh ta có thể chắc chắn, do sự lầm lạc nào mà anh ta cứ chăm chỉ ném vào một thế giới tiêu vong hết đứa con này đến đứa con khác? Nếu người ta dự đoán Kết Cục, nếu người ta chắc chắn là nó sẽ sớm đến, nếu thậm chí người ta chờ sẵn nó, thì cứ một mình mà đợi nó đi. Người ta không sinh đẻ ở Patmos.

*

Montaigne, một nhà thông thái, đã không có hậu duệ; Rousseau, một người hysteria, vẫn còn lay động các quốc gia.

Tôi chỉ thích những nhà tư tưởng nào đã không truyền cảm hứng cho bất cứ nhân vật chuyên diễn thuyết nào.

*

Năm 1441, vào hội nghị giám mục Florence, người ta ra nghị định rằng đám ngoại đạo, những người Do Thái, những người tà giáo cùng ly giáo sẽ không có chỗ tại "cuộc đời vĩnh cửu" và rằng tất tật, trừ phi quay mình, trước khi chết, về phía tôn giáo đích thực, đều sẽ đi thẳng tới địa ngục.

Chính vào cái thời Nhà Thờ rao giảng các sự quái lạ như thế mà nó thực sự là Nhà Thờ. Một thiết chế chỉ sống và mạnh nếu nó vứt bỏ toàn bộ những gì không phải là nó. Bất hạnh thay, chuyện cũng thế với một quốc gia hoặc một chế độ.

*

Một tinh thần nghiêm túc, trung thực, thì không hiểu gì, không thể hiểu gì, ở lịch sử. Đổi lại lịch sử có năng lực lối tuyệt diệu trong việc cung cấp các lạc thú cho một nhà thông thái cay độc.

*

Sự êm ái ngoạn mục trước ý nghĩ rằng vì là một con người, người ta được sinh ra dưới một ngôi sao xấu, và rằng toàn bộ những gì người ta đã thực hiện và toàn bộ những gì người ta sắp thực hiện sẽ được nuông chiều bởi sự thiếu may mắn.

*

Plotin từng kết bạn thân thiết với một nghị sĩ La Mã người đã thả đi các nô lệ của mình, chối bỏ những của cải của mình, ăn và ngủ ở nhà bạn bè của ông ta, vì ông ta không còn sở hữu gì nữa. Nghị sĩ ấy, từ quan điểm "chính thức", là một kẻ lầm lạc, trường hợp của ông ta hẳn có vẻ đáng lo lắng, và thêm nữa ông ta đúng là như vậy: một vị thánh tại Nghị Viện... Hiện diện của ông ta, thậm chí khả thể của ông ta, dấu hiệu mới lớn làm sao! Các đoàn lũ man rợ đã không còn xa...

*

Con người nào đã hoàn toàn chiến thắng được lòng ích kỷ, không còn giữ lại từ đó bất kỳ dấu vết nào, không thể kéo dài quá hai mươi mốt ngày, điều này được dạy tại một trường Vệ đà hiện đại.

Hẳn không luân lý gia phương Tây nào, dẫu đen tối tới đâu, cả gan nói về bản tính con người một điều cụ thể đáng hoảng sợ như thế, nhiều hé lộ như thế.

*

Người ta càng lúc càng ít gọi tên "tiến bộ" và càng ngày càng nhiều "dịch chuyển", và toàn bộ những gì người ta viện đến nhằm minh họa cho các lợi thế của nó chỉ là hết triệu chứng này đến triệu chứng khác của một thảm họa chưa từng có.

*

Người ta chỉ có thể thở - và gào lên - trong một chế độ thối rữa. Nhưng người ta chỉ hiểu ra điều này sau khi đã đóng góp cho sự phá hủy nó, và vào lúc người ta chỉ còn lại mỗi năng lực hối tiếc nó.

*

Cái mà người ta gọi là bản năng sáng tạo chỉ là một trật rìa, một biến thái của bản tính chúng ta: chúng ta đã không được sinh ra trên đời để đổi mới, để làm đảo lộn mà để tận hưởng cái dường như là bản sinh của chúng ta, để nhẹ nhàng thanh lý nó và sau đó biến mất không gây ồn ào.

*

Những người Aztèque đã đúng khi tin rằng cần phải khiến các vị thần dịu lòng, dâng cho họ hằng ngày máu người nhằm ngăn cản vũ trụ sụp xuống, rơi trở lại vào trong hỗn độn.

Từ lâu chúng ta không còn tin vào các vị thần và không còn dâng cho họ những hiến sinh nữa. Tuy nhiên thế giới vẫn ở đó. Chắc hẳn. Chỉ có điều chúng ta không còn có cơ may biết được tại sao nó lại không tan rời ngay tắp lự.

Cao Việt Dũng dịch

Cioran

Baudelaire

Kafka

Schulz

Leopardi

Borges 

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công