Cioran: Bất tiện
Leopardi, Kafka, Cioran và rất sớm sẽ là Borges (hoàn toàn có thể kể thêm vào đây René Char cùng, tất nhiên, Baudelaire). Nhánh cây lặng lẽ đã trổ xuyên mái nhà.
Về nỗi bất tiện bị sinh ra (III)
- Cioran
Đột nhiên cảm thấy người ta biết nhiều như Chúa về mọi điều và cũng đột ngột giống hệt thấy cảm tri ấy biến mất.
*
Các nhà tư tưởng loạt đầu suy tư về các vật; còn những người khác, về các vấn đề. Cần phải sống đối diện với bản sinh, chứ không phải đối diện với tinh thần.
*
"Mi còn đợi gì nữa mà còn chưa nộp mạng?" - Căn bệnh nào cũng gửi đến chúng ta một mệnh lệnh ngụy trang thành tra hỏi. Chúng ta làm bộ bị điếc, mà vẫn nghĩ rằng trò đùa đã quá cũ rồi, và rằng lần sắp tới rốt cuộc sẽ phải có đủ can đảm để đầu hàng.
*
Càng đi thêm, tôi càng bớt phản ứng lại sự điên loạn. Tôi chỉ còn yêu quý, giữa các nhà tư tưởng, những ngọn núi lửa đã nguội lạnh.
*
Còn trẻ, tôi từng thấy buồn chán đến chết, nhưng tôi lại tin vào mình. Nếu không có dự cảm về cái nhân vật lu mờ mà mình sắp trở thành, thì ngược lại tôi biết rằng, dẫu chuyện gì xảy ra, Hoang Mang sẽ không để mặc tôi, rằng nó sẽ dõi lên những năm của tôi với sự chính xác cùng nhiệt hứng của Thiên Hựu.
*
Nếu có thể tự nhìn mình bằng mắt của những người khác, người ta sẽ biến mất ngay tức khắc.
*
Tôi từng nói với một người bạn Ý rằng những người Latin thì không bí mật, bởi quá mở, quá lắm mồm, rằng tôi thích các dân tộc bị tàn phá bởi sự rụt rè hơn họ, và rằng một nhà văn không biết sự rụt rè trong cuộc đời thì chẳng đáng gì trong những gì mà anh ta viết. "Đúng thế, anh ta đáp. Những lúc nào, trong các cuốn sách của chúng tôi, chúng tôi thuật lại những kinh nghiệm của mình, thì cái đó thiếu mất cường độ và các hệ quả, bởi chúng tôi đã kể chúng cả trăm lần từ trước." Và tới đó chúng tôi nói về văn chương phụ nữ, về sự thiếu vắng bí ẩn của nó tại các đất nước nơi những phòng khách cùng phòng xưng tội từng lan tràn.
*
Hẳn người ta không được, chẳng biết ai nữa từng nêu nhận xét, tự tước mất khỏi mình "khoái lạc của tình thương".
Từng bao giờ có ai biện minh cho tôn giáo theo lối tinh tế hơn chưa?
*
Ham muốn ấy, xem xét những cơn hăng của mình, thay đổi các thần tượng, cầu nguyện ở chỗ khác...
*
Nằm trên một cánh đồng, hít ngửi đất và tự nhủ rằng nó đúng là chung cục và niềm hy vọng cho các nỗi o ép của chúng ta, và rằng hẳn sẽ vô vọng, việc đi tìm một cái gì đó tốt hơn nhằm nghỉ ngơi và tan rã ra.
*
Những khi nào bận rộn, chẳng giây phút nào tôi nghĩ đến "nghĩa" của bất cứ cái gì, và còn ít hơn, điều này là đương nhiên, của những gì mà tôi đang làm. Chứng cứ cho thấy bí mật của mọi sự nằm trong thể động chứ không phải trong sự nhịn, nguyên nhân tàn độc của ý thức.
*
Vẻ bề ngoài của hội họa, của thơ, của âm nhạc, trong một thế kỷ? Chẳng ai có thể hình dung ra nó. Giống sau sự sụp đổ của Athens hay của Rome, một quãng nghỉ dài chợt đến, do sự hết hơi của các phương tiện biểu hiện, cũng như sự hết hơi của chính ý thức. Loài người, để nối lại với quá khứ, sẽ phải tự chế ra một sự ngây thơ thứ hai, mà nếu thiếu nó sẽ không bao giờ tái khởi các nghệ thuật được.
*
Tại một trong những nhà nguyện của cái nhà thờ xấu điên đảo kia, người ta thấy Đức Mẹ Đồng Trinh đứng đó với Con Trai phía bên trên quả đất. Một giáo phái đầy gây hấn từng phá nát và chinh phục một đế chế và thừa kế từ đó các tì vết, khởi đầu bằng sự hùng vĩ.
*
Trong Zohar viết, "Khi con người xuất hiện ngay tức thì những bông hoa hiện ra".
Tôi lại nghĩ đúng hơn thì chúng đã ở đó trước anh ta nhiều, và rằng sự đến của anh ta nhấn tất tật chúng chìm vào một nỗi sửng sốt từ đó chúng vẫn chưa hồi phục nổi.
*
Không thể nào đọc một dòng của Kleist mà không nghĩ ông đã tự sát. Cứ như thể cú tự sát của ông đã đi trước tác phẩm của ông.
*
Ở phương Đông, các nhà tư tưởng phương Tây kỳ lạ nhất, lạ thường nhất, hẳn sẽ chẳng bao giờ được coi là nghiêm túc, do những mâu thuẫn của họ. Đối với chúng ta, nằm chính tại đó nguyên nhân cho mối quan tâm mà chúng ta dành cho họ. Chúng ta không yêu quý một suy nghĩ, mà là các trắc trở, tiểu sử của một suy nghĩ, các bất tương thích cùng những lầm lạc nằm ở đó, nhìn chung là các tinh thần nào, vì không biết làm sao để thông hòa với những người khác và càng ít hơn với chính mình, chơi gian cả bằng thói thất thường lẫn bằng định mệnh. Dấu vết nổi bật của họ? Một chút vờ vịt trong cái bi kịch, một tí trò chơi cho đến tận trong cái không thể chữa trị...
*
Nếu, trong Fondations của mình, Thérèse d'Avila dừng lại thật lâu ở nỗi sầu muộn, thì đấy là vì bà thấy nó là không thể chữa khỏi. Các bác sĩ, bà nói, chẳng thể làm được gì, và mẹ nhất của một tu viện kín, khi có những bệnh nhân thuộc dạng này, chỉ có độc một cầu viện: truyền cho họ nỗi e sợ uy quyền, đe dọa họa, làm họ sợ. Phương pháp mà nữ thánh tuyên vẫn cứ là phương pháp tốt hơn cả: đối diện với một "người trầm uất", người ta cảm thấy rõ, sẽ chỉ hiệu quả những cú đá, những cái tát, một cuộc tẩn thật mạnh tay. Và vả lại đấy cũng là điều mà "kẻ trầm uất" kia tự làm chừng anh ta quyết định chấm dứt: anh ta dùng các phương tiện lớn.
*
Trong tương quan với bất kỳ thể động nào của sống, tinh thần đóng vai trò của kẻ phá rối cuộc vui.
*
Các yếu tố, mệt vì cứ lải nhải mãi một chủ đề mòn xơ, chán ngán với những kết hợp của chúng, lúc nào cũng vẫn thế, không cả biến đổi lẫn bất ngờ, người ta hoàn toàn có thể tưởng tượng ra chúng đi tìm trò giải trí nào đó: hẳn cuộc đời chỉ là một trữ tình ngoại đề, một giai thoại...
*
Toàn bộ những gì được làm đối với tôi đều có vẻ nguy hại và, trong trường hợp tốt nhất, vô tích sự. Cùng lắm thì, tôi có thể náo động chứ không thể hành động. Tôi hiểu rõ, quá rõ, câu của Wordsworth về Coleridge: Eternal activity without action.
*
Mọi lần nào tôi thấy một cái gì đó vẫn còn khả dĩ, thì tôi có cảm giác mình đã bị bỏ bùa.
*
Lời thú tội thành thực duy nhất là lời thú tội mà chúng ta nói lối gián tiếp - bằng cách nói về những người khác.
*
Chúng ta không chọn lấy một lòng tin vì nó đúng (tất tật chúng đều đúng), mà vì một lực tối tăm đẩy chúng ta vào đó. Chỉ cần lực này rời khỏi chúng ta, ngay tức khắc sẽ là sự hóa đá cùng sụp đổ, cuộc đối diện với những gì còn lại từ chính chúng ta.
*
"Điều riêng có của mọi hình thức hoàn hảo là tinh thần từ chúng toát ra theo cách thức tức thì và trực tiếp, trong khi hình thức tồi tệ thì cầm tù nó, giống một tấm gương chất lượng xấu chẳng nhắc gì khác cho chúng ta ngoài chính nó."
Bằng cách ca ngợi - một ngợi ca hết sức ít tính cách Đức - sự trong suốt, Kleist đã không đặc biệt nghĩ tới triết học, dẫu thế nào thì ông cũng không nhằm vào nó; điều này không ngăn cản, việc đây là phê phán tốt nhất mà người ta từng có đối với biệt ngữ triết học, thứ ngôn ngữ giả hiệu, nó, vì muốn phản chiếu các ý, chỉ làm được mỗi một điều là làm nổi bật lên theo lối tai hại cho chúng, làm chúng biến dạng đi và làm mờ tối chúng, và tự phô bày chính nó. Thông qua một trong những soán đoạt gây khổ não hơn cả, từ đã trở thành vơ đét trong một địa hạt nơi lẽ ra nó phải lẩn hẳn đi.
*
"Ô Satan, Ông Chủ của tôi, tôi xin trao mình cho ngài mãi mãi!" - Tôi tiếc làm sao vì đã không nhớ được tên của nữ tu sĩ, người, sau khi viết điều này bằng một cái đinh với máu của mình, hẳn xứng được đứng trong một tuyển tập về cầu nguyện và sự súc tích!
*
Ý thức thì còn hơn nhiều so với cái dằm, nó là con dao găm cắm vào da thịt.
*
Có sự hung dữ trong tất tật các trạng thái, chỉ trừ trong niềm vui. Từ Schadenfreude, niềm vui quỷ quái, là một nghịch nghĩa. Làm điều ác là một khoái lạc, chứ không phải một niềm vui. Niềm vui, chiến thắng đúng nghĩa duy nhất trên đời, thuần khiết ở trong yếu tính của nó, như vậy nó là không thể bị quy về khoái lạc, lúc nào cũng khả nghi cả ở chính nó lẫn trong những biểu hiện của nó.
*
Một tồn tại thường trực được hiển dung bởi thất bại.
*
Nhà thông thái là kẻ nhất trí với mọi sự, vì ông ta không tự đồng hóa với bất kỳ cái gì. Một kẻ cơ hội không ham muốn.
*
Tôi chỉ biết độc một viễn kiến của thơ hoàn toàn thỏa đáng: đấy là viễn kiến của Emily Dickinson khi bà nói rằng trước hiện diện của một bài thơ đúng nghĩa bà rơi vào một cơn lạnh lớn tới nỗi bà có cảm giác không ngọn lửa nào sẽ còn có thể sưởi ấm cho mình được nữa.
*
Nhầm lẫn lớn của tự nhiên là đã không biết chỉ chăm chú vào độc một giới. Ở bên cạnh thực vật, mọi thứ đều có vẻ không thích hợp, chỏng chơ. Lẽ ra mặt trời đã phải dỗi với sự lên ngôi của con côn trùng đầu tiên, và dọn nhà đi lúc con chimpanzé lù lù xuất hiện.
*
Lúc già đi, người ta càng lúc càng hay bới lục trong quá khứ của chính mình, mà không phải các "vấn đề", chắc hẳn đấy là vì lay động các kỷ niệm thì dễ hơn so với các ý.
*
Những kẻ cuối cùng mà chúng ta tha thứ cho sự thiếu trung thành đối với chúng ta là những người mà chúng ta đã làm cho phải thất vọng.
*
Những gì các kẻ khác làm, chúng ta luôn luôn có cảm giác hẳn mình có thể làm tốt hơn. Thật không may vì chúng ta không có cùng tình cảm ấy về phía những gì chính chúng ta làm.
*
"Ta đã là Nhà Tiên tri, Mahomet báo cho chúng ta biết, hồi Adam hẵng còn ở giữa nước và đất sét."
... Chừng người ta không có lòng kiêu ngạo về việc dựng ra một tôn giáo - hay ít nhất cũng làm lụn bại một tôn giáo - thì làm sao mà người ta lại cả gan lộ mình ra trong ánh sáng ban ngày?
*
Sự ơ hờ là thứ không học được: nó được ghi vào một nền văn minh. Người ta không hướng đến đó, mà người ta phát hiện nó bên trong mình. Đấy là điều tôi đã tự nhủ trong khi đọc thấy rằng một nhà truyền giáo, ở Nhật Bản từ mười tám năm, chỉ làm được, tổng cộng và chỉ vậy, cho sáu mươi người cải đạo, lại còn đều đã già. Rồi họ lại còn vuột thoát mất khỏi ông ta vào khoảnh khắc cuối: họ chết theo cách thức Nhật, không sám hối, không bị hành hạ, ở tư cách các hậu duệ xứng danh của tổ tiên họ, những người, để có thể đánh nhau vào quãng thời gian các cuộc tranh đấu chống Mông Cổ, đã để cho mình bị nhiễm lấy hư vô của mọi sự và hư vô của chính họ.
*
Người ta chỉ có thể trầm ngâm về vĩnh cửu khi nằm dài ra. Trong một thời kỳ đáng kể nó từng là mối lo âu chính yếu của người phương Đông: chẳng phải họ từng rất thích tư thế nằm ngang?
Ngay lúc người ta nằm ra, thời gian ngừng trôi, và ngừng tính đếm. Lịch sử là sản phẩm của một cái thứ đứng.
Ở tư cách động vật đứng thẳng, con người đã phải rơi vào thói quen nhìn ra phía trước, không chỉ trong không gian mà cả trong thời gian. Tương Lai có nguồn gốc mới thảm làm sao!
*
Mọi kẻ ghét người, dầu có thành thực đến mức nào, nhiều khi gợi nhớ nhà thơ già kia, bị đóng đinh xuống cái giường và hoàn toàn bị lãng quên, người, tức tối chống lại những kẻ cùng thời, đã ra quyết nghị rằng ông không còn muốn tiếp ai trong số đó nữa. Vợ của ông ta, do từ bi, thỉnh thoảng đến gõ cửa...
*
Một cuốn sách xong xuôi chừng người ta không thể cải thiện nó được nữa, dẫu người ta biết là nó không đủ và thiếu hoàn chỉnh. Người ta ngán ngẩm nó đến nỗi chẳng còn đủ can đảm để thêm vào đó chỉ một dấu phẩy, dẫu đấy là thứ không thể thiếu. Điều quyết định cho mức độ tựu thành của một tác phẩm hoàn toàn không phải một đòi hỏi của nghệ thuật hay của sự thật, mà ấy là nỗi mệt và, còn hơn nữa, nỗi chán ngán.
*
Trong khi một câu dẫu nhỏ đến đâu mà người ta phải viết cũng đòi hỏi một cái gì đó hao hao sáng chế, thì ngược lại chỉ cần một chút chú ý là đã đủ để bước vào một văn bản, kể cả khó. Nguệch ngoạc viết một tấm bưu thiếp là việc xích lại gần một hoạt động sáng tạo hơn so với đọc Hiện tượng luận Tinh thần.
*
Phật giáo gọi giận dữ là "vết nhơ của tinh thần"; còn đạo Mani, "rễ của cái cây chết".
Tôi biết điều đó. Nhưng biết điều đó thì được gì cho tôi đây?
*
Tôi từng hoàn toàn hờ hững với cô ta. Đột nhiên, sau ngần ấy năm, nghĩ rằng, dẫu chuyện gì xảy tới, thì tôi cũng sẽ không bao giờ gặp lại cô ta, tôi đã suýt rơi vào tình trạng không ổn. Chúng ta chỉ hiểu chết nghĩa là gì vào lúc đột nhiên nhớ đến khuôn mặt của một ai đó chẳng hề có nghĩa lý gì đối với chúng ta.
*
Nghệ thuật càng lao vào ngõ cụt, các nghệ sĩ càng đông đúc thêm lên. Sự bất thường này ngừng là một sự bất thường, nếu người ta nghĩ rằng nghệ thuật, đang trên con đường của kiệt sức, đã trở nên vừa bất khả vừa dễ.
*
Chẳng ai có trách nhiệm về cả những gì anh ta là lẫn thậm chí những gì anh ta làm. Điều này là hiển nhiên và tất cả mọi người đều ít nhiều đồng ý với nó. Thế thì tại sao lại vinh danh hay chế nhạo? Vì tồn tại thì tương đương với tiến hóa, và với việc phát ra những đánh giá, và rằng sự nhịn, chừng nó không phải hiệu ứng của lãnh đạm hay sự hèn nhát, đòi hỏi một nỗ lực mà không ai muốn cung cấp.
*
Mọi hình thức của vội vã, ngay cả về phía cái tốt, đều để lộ một rối loạn đầu óc nào đó.
*
Những ý nghĩ ít nhơ bẩn hơn cả là những ý nghĩ hiện ra giữa các huyên náo của chúng ta, trong các quãng cách giữa những nỗi buồn chán của chúng ta, vào các khoảnh khắc xa xỉ kia mà nỗi khốn cùng của chúng ta tự tặng cho mình.
*
Các đau đớn tưởng tượng là những đau đớn thực nhất, trội hơn hẳn, bởi vì người ta có một nhu cầu thường hằng về chúng và vì người ta tạo ra chúng do không có cách nào tránh được chúng.
*
Nếu cái chính yếu của nhà thông thái là không làm gì vô tích sự, thì sẽ chẳng có ai vượt được tôi trong sự thông thái: thậm thì tôi còn không hạ mình xuống chỗ những điều hữu ích.
*
Không thể nào tưởng tượng được một con thú bị trật cấp, một hạ-thú.
*
Giá mà người ta có thể sinh ra trước con người!
*
Tôi có làm gì đi nữa thì cũng chẳng làm sao mà khinh bỉ nổi tất tật những thế kỷ kia, nơi người ta không tự dùng chính mình làm gì khác ngoài đặt ra một định nghĩa về Chúa.
*
Cách thức hiệu quả nhất để chui ra khỏi một nỗi suy sụp có lý do hoặc không bắt nguồn từ đâu, ấy là cầm lấy một quyển từ điển, tốt hơn hết là từ điển của một ngôn ngữ mà ta chẳng biết mấy, và tìm ở trong đó các từ rồi lại các từ, hết sức chú ý sao cho chúng là những từ mà ta sẽ không bao giờ dùng tới...
*
Lúc còn sống ở trước cái khủng khiếp, thì người ta tìm được những từ nhằm diễn đạt nó; ngay khi biết nó từ bên trong, thì người ta chẳng còn tìm được từ nào nữa.
*
Không có buồn khổ cực điểm.
*
Những điều không thể an ủi thuộc đủ mọi loại đi qua, nhưng nền móng từ đó chúng sinh ra thì luôn luôn còn lại, và chẳng gì có đấu lại được nó. Nó là không thể tấn công và bất di bất dịch. Nó là fatum của chúng ta.
*
Phải nhớ, cả trong cơn thịnh nộ lẫn trong sự sầu thảm, rằng tự nhiên, như Bossuet nói, sẽ không để lại chúng ta "chút vật chất ấy mà nó cho chúng ta mượn" thật lâu.
"Chút vật chất ấy" - càng nghĩ đến nó người ta càng đến được với sự bình yên thêm nữa, với một sự bình yên, thì đúng vậy, mà hẳn tốt hơn hết không bao giờ nên biết tới.
*
Nghịch lý không có chỗ trong các đám tang, cũng như, vả lại, tại các đám cưới hay các sự sinh ra. Những sự kiện u ám - hoặc grotesque - đòi hỏi sáo ngữ, vì cái khủng khiếp, cũng như cái nặng nề, chỉ hợp được với cliché.
*
Dẫu người ta có tỉnh bơ tới đâu, thì cũng không thể nào sống nếu chẳng hề có bất kỳ hy vọng nào. Lúc nào người ta cũng giữ một hy vọng, dẫu không hay biết, và hy vọng ngoài ý thức ấy bù trừ cho tất tật những hy vọng khác, hiển ngôn, mà người ta đã vứt bỏ hoặc vét kiệt.
*
Một người càng chất nặng trên mình các năm, người đó càng hay nói về sự biến mất của mình như về một sự kiện xa xôi, bất khả ở mức cao độ. Người đó đã bíu rất chặt vào sự sống, đến độ bởi vậy mà đã trở nên không còn khả năng cho cái chết.
*
Một người mù, được một lần này là người mù thật, giơ tay ra: trong tư thế của người đó, trong sự cứng nhắc của người đó, có một cái gì đó túm chặt ta, làm ta không thở được. Người đó đang chuyển sự mù của mình sang cho ta.
*
Chúng ta chỉ tha thứ cho bọn trẻ con và cho những kẻ điên vì tỏ ra thẳng thắn với chúng ta: những người khác, nếu bọn họ táo bạo mà bắt chước các kẻ kia, không sớm thì muộn sẽ phải ăn năn vì vậy.
*
Để "hạnh phúc", hẳn thường trực cần có hiện diện trong tâm trí hình ảnh những nỗi bất hạnh mà người ta đã thoát được. Hẳn đối với ký ức đó là một cách thức tự chuộc tội, vì chỗ, do thông thường chỉ lưu giữ các bất hạnh xảy đến, nó chỉ chăm chăm phá hoại hạnh phúc và hết sức thành công trong công việc ấy.
*
Sau một đêm trắng, những người đi ngang qua trông như thể các ô tô mát. Chẳng một ai có vẻ đang thở, đang bước đi. Người nào dường cũng được gắn lò xo cho chuyển động: chẳng có gì bộc phát; những nụ cười máy móc, các động tác của đám hồn ma. Chính mi là hồn ma ấy, bằng cách nào mà mi lại thấy được ở những người khác các người sống đây?
*
Bị cạn khô - với biết bao nhiêu là cảm tri! Thứ thơ không từ miên viễn.
*
Sự mệt thuần túy, không nguyên nhân, sự mệt vụt tới như một món quà hay một tai ương: chính nhờ nó mà tôi tái nhập được cái tôi của mình, mà tôi tự biết mình là "tôi". Ngay khi nó biết mất, tôi liền chỉ còn là một đồ vật vô tri vô giác.
*
Toàn bộ những gì còn sống động trong folklore đều phát xuất từ trước Ki-tô giáo. - Cũng tương tự với toàn bộ những gì là sống động ở mỗi chúng ta.
*
Người nào e ngại cái lố bịch sẽ không bao giờ đi xa được cả trong tốt lẫn trong xấu, anh ta sẽ dừng lại ở trước các tài năng của mình, và ngay cả lúc có thiên tài, thì anh ta cũng bị đẩy vào cho sự tầm thường.
*
"Ở chính giữa những hoạt động cường độ cao nhất của mi, hãy dừng lại một khoảnh khắc để 'nhìn' tinh thần của mình", - khuyến dụ này chắc chắn không hướng tới những người nào "nhìn" tinh thần mình suốt đêm ngày, những kẻ ấy, do đó, không cần phải treo lại trong giây phút những hoạt động của mình, vì lý do tốt đẹp là bọn họ đâu có bày ra bất cứ hoạt động nào.
*
Chỉ có thời độ những gì đã được hoài thai trong nỗi cô đơn, đối diện với Chúa, dẫu người ta có đức tin hay không.
*
Niềm say mê âm nhạc, tự thân nó, đã là một thú nhận. Chúng ta biết nhiều điều về một người không quen cuồng nhiệt với âm nhạc hơn so với về một ai đó vô cảm với nó, dẫu đấy là người mà ngày nào chúng ta cũng ở bên.
*
Chẳng hề có suy tư nếu không có một xu hướng về phía sự lải nhải.
*
Chừng nào con người còn là rơ moóc mà Chúa kéo theo, thì anh ta tiến lên chậm chạp, chậm tới nỗi thậm chí anh ta còn không thấy được điều đó. Kể từ khi không còn sống trong cái bóng của ai nữa, anh ta khẩn trương lên, và thấy sầu thảm vì thế, và sẵn sàng cho đi bất cứ cái gì để tìm lại được nhịp điệu cũ.
*
Chúng ta đã đánh mất vào lúc sinh ra ngang mức với chúng ta sẽ mất đi vào lúc chết. Mọi thứ.
*
Ngấy - vừa mới đây thôi tôi thốt ra cái từ ấy, thế mà tôi đã không còn biết là để nói về điều gì nữa, vì nó có thể được áp dụng cho mọi thứ mà tôi cảm thấy và nghĩ, cho mọi thứ mà tôi yêu và ghét, cho chính nỗi ngấy.
*
Tôi chưa từng giết ai, tôi đã làm còn tốt hơn thế: tôi đã giết chết Cái Có Thể và, hoàn toàn giống Macbeth, điều mà tôi cần hơn cả là cầu nguyện, nhưng, không hơn so với ông ta, tôi không thể nói Amen.
Cao Việt Dũng dịch