favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Xuân 2025
Next

Chesterton: Một bản tình ca về đầm lầy

05/05/2025 09:39

Trong sách vở, đầm lầy thường được miêu tả là một nơi hoang vu và vô sắc, những cánh đồng bạt ngàn đất sét hoặc cây lách, một ngút mắt tận cùng những xám xịt và buồn tẻ. Nhưng đây rõ ràng là một sự bất công thi vị, hệt như bao định kiến văn chương khác. Sự đơn điệu không thuộc về nơi chốn; nó là thuộc tính của con người, dù là trong cảm nhận của nó hay sự áp đặt của nó. Cảnh tượng thì không thể buồn chán; chỉ có kẻ ngắm cảnh mới có thể buồn chán. Việc đầm lầy có đơn điệu hay không là vấn đề về gu thẩm mỹ, tức cá tính, nhưng xét trên bình diện khoa học, chúng không hề đơn sắc. Những đỉnh núi cao (tôi nghe nói) thì phủ rặt một màu trắng muốt; sâu cùng hang động (tôi cũng nghe nói) chỉ toàn một màu đen ngòm. Biển có thể trở xám hay xanh hàng tuần liền; sa mạc (theo tôi biết) thì chỉ tuyền một màu cát. Bắc Cực (nếu tìm được) sẽ trắng xóa với những vết nứt xanh; và Vũ Trụ Vô Biên (nếu ta ra được ngoài đó) hẳn sẽ đen sầm với các chấm sáng li ti. Nếu những nơi này bị coi là đơn sắc thì tôi có thể hiểu được; nhưng trái lại, người ta luôn luôn miêu tả những nơi trên như cái kính vạn hoa của vũ trụ, chứa đầy những màu sắc đan xen, hòa trộn. Thế mà, chính cái nơi bạn có thể thực sự tìm thấy những sắc màu rực rỡ của một vườn tuy líp hay trên cửa kính màu, chính là những vũng đất trũng lầy lội ấy, vẫn bị người ta gọi là ảm đạm. Thực tế, những vườn tuy líp tráng lệ nhất đã nở rộ ở đất nước Hà Lan, một đầm lầy khổng lồ. Chẳng nơi nào ở châu Âu có tính chất nhiệt đới rõ rệt như đầm lầy. Vả, tôi chợt nghĩ ra, cũng hiếm nơi có tính chất đầm lầy dễ chịu như miền nhiệt đới. Dù sao đi nữa, những vùng đất úng ở Anh luôn luôn ngập tràn cỏ dại sặc sỡ hay nấm lạ rực rỡ; đôi khi chúng lộng lẫy như cảnh biến hóa trên sân khấu, nhưng cũng mong manh, thoáng chốc y hệt. Giữa khung cảnh huy hoàng ấy, bạn có thể dễ dàng xuyên qua tấm phông nền chỉ bằng một sải chân. Bạn có thể bị lún tới tận nách, nhưng sẽ là một cú lún giữa muôn hoa vây bọc. Tôi không phủ nhận mình thuộc kiểu người dễ bị lún - thân thể thôi, tinh thần thì không. Gần đây, ở miền Tây nước Anh, tôi tìm được một đầm lầy phì nhiêu đầy hứa hẹn. Nếu bước vào đó, tôi chắc chắn sẽ mất dạng luôn; đến độ hàng thiên niên kỷ sau, hóa thạch được bảo tồn nguyên vẹn của một tay nhà báo béo ị ở Fleet Street sẽ được người ta tìm thấy trong một cục đất sét nén chặt. Tôi chỉ mong lúc ấy tôi ở trong tư thế tràn đầy sinh lực, thậm chí hân hoan. Nhưng chi tiết cuối sau đây mới là quan trọng nhất: khi tưởng tượng mình lún đến ngập cổ trong thứ trông như một cánh đồng xanh mướt vững chãi, tôi chợt nhớ rằng chuyên tương tự hẳn đã xảy ra với những tên cướp biển đầy lý thú cách đây cả ngàn năm.

Bởi lẽ, tình cờ thay, vùng đầm lầy phẳng phiu nơi tôi suýt chìm nghỉm chính là vùng đất quanh Đảo Athelney - bấy giờ không còn nằm giữa biển như xưa mà nằm giữa một cánh đồng. Nhưng trên ngọn đồi dựng đứng kia vẫn còn một bia đá tạc: nơi đây từng là pháo đài trên đảo cuối cùng của Vua Alfred bên dòng Parrett, nơi ông chống trả quân xâm lược ngoại bang trong cuộc chiến thiếu điều đã đẩy nền văn minh của chúng ta về lại thời kỳ đồ đá như quần đảo Solomon. Tại đây, ông cố thủ ở hòn đảo mang tên Athelney, như sau này ông đã cố gắng hết sức để bảo vệ hòn đảo mang tên nước Anh. Bởi vị anh hùng dân tộc ấy luôn luôn bảo vệ một hòn đảo, thứ bị giam hãm và bao vây, ông như Hector của Troy1. Và bởi, dù ai đó có nhân đạo và vĩ đại đến mức nào đi chăng nữa, tuyệt đích của họ chỉ có thể gói gọn trong việc bảo vệ hòn đảo tí hon mang tên Trái Đất này.

Đường đến đảo Athelney là một lối đi tuềnh toàng dài miên man như sợi dây trắng vô tận giăng ngang đầm lầy, hai bên đường lè tè những thân cây lùn tịt, cái vẻ đần độn của chúng có có gì đó rất ma mị. Đi một quãng, chẳng hiểu sao, có một trạm thu phí chặn tôi lại, đòi ba xu. Có lẽ nơi này thuộc khu di tích méo mó từ thời Trung cổ đêm trường cũng nên. Biết đâu Alfred, với kiến thức uyên thâm về ngành khoa học văn minh so sánh đã tính toán kẹt sỉ tới tận nửa xu của bọn Đan Mạch cũng nên. Có thể lũ man tộc đôi khi mang theo hai xu, đôi khi hai xu rưỡi, sau khi cướp phá được vài thành phố thì lên được hai xu và ba phần tư - nhưng chẳng bao giờ đủ ba xu. Tôi không biết cái trạm ấy có ngăn được quân man rợ hay không nhưng nó chỉ chặn tôi được một lúc. Mò mẫm khắp người, tôi lôi ra được ba xu đã gỉ rồi tiếp tục hành trình dọc con đường vừa đơn điệu lạ lùng, vừa mê hoặc lạ kỳ. Cảm giác rằng nơi đây xứng đáng là chốn vị vua Cơ Đốc nọ đã chọn để làm nơi ẩn náu khỏi quân ngoại giao không phải vu vơ suy diễn. Dù đầm lầy lúc nào cũng tênh hênh, nó đồng thời ẩn chứa những bí ẩn khơi dậy tò mò. Đầm lầy, cũng giống như sa mạc, đều là những thứ rộng lớn nhưng dễ bị quên lãng. Vùng bình nguyên này dường như sợ bị dòm ngó theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: cây cối lùn tịt dúm dó, cả đồng bằng nằm sấp sát rạt dưới mặt đất như tránh đạn pháo. Con đường nhỏ kéo ra tít tắp, nhưng cứ như thể nó đang bò đi tới bằng tứ chi. Mọi thứ ở cái vùng quái đản này đều cúi rạp xuống đất như thể đang tránh cơn mưa tên bắn của dân Đan Mạch đang ào ạt rơi. Thực ra, quanh đây cũng có đồi cao vừa, nhưng những vũng lầy và bãi bồi sông Parret cũ tách biệt như một vùng biển kín nằm bí mật giữa lòng đất, và giữa chúng, bia đá Athelney sừng sững, cô độc giống hệt Alfred năm xưa. Khắp vùng đất nằm rạp như đang trườn bò đó, bỗng ánh lên vẻ huy hoàng của vùng đất thấp úng nước: cỏ xanh mướt như bộ lông của một loài chim vũ trụ, hoa thắp đỏ rực như lên lửa trại, còn cỏ dại thì đẹp hơn tất thảy loài hoa. Cúi xuống vuốt ve ngọn cỏ, ta có thể cảm giác được trái đất này là một sinh vật hiền thuận có tri giác.

Tại sao chưa từng có ai viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử về Alfred và pháo đài ở Athelney của ông trong những đầm lầy của dòng Parrett? Không hoàn toàn là thứ tiểu thuyết lịch sử khô như cục gạch. Không phải là trình bày lại những sự thật và diễn biến (làm ơn đừng) hay cách ông đã tạo dựng nên Đế chế Anh, hay Hải quân Anh, hay Liên đoàn Hải Quân hay bất cứ cái gì mà người ta gán cho ông. Cũng không phải chuyện Hiệp ước Wedmore và việc nó có nên được đổi sang gọi là Hiệp định Chippenham hay không (như một sử gia lỗi lạc từng đề nghị). Đó phải là một câu chuyện phiêu lưu thuần túy dành cho những cậu bé mới lớn, về những sự thật trụi trần, hiển lộ mà diệu kỳ về một vị anh hùng vĩ đại đã bảo vệ vững vàng pháo đài của mình trên một bãi bồi tứ bề sông vây.

Dù nhìn kiểu nào đi nữa, dưới con mắt lương tâm hay sự trâng tráo của cướp biển, một hòn đảo nằm giữa sông nghe như khởi đầu của một câu chuyện phiêu lưu vĩ đại nhất hành tinh. “Robinson Crusoe” là một câu chuyện tuyệt vời, điều đó thì không cần phải bàn, nhưng hãy nghĩ xem, Robinson Crusoe sẽ cảm thấy thế nào nếu hòn đảo nội bất xuất, ngoại bất nhập của mình có thể bị người ta đứng từ Anh và Tây Ban Nha ngó sang! “Đảo Giấu Vàng” là kiệt tác của một thiên tài, nhưng kho báu nào trên đảo có thể sánh được Alfred? Và rồi, hãy xem xét những yếu tố phiêu lưu niên thiếu khác của một hòn đảo còn có tính đảo hơn vẻ ngoài của nó. Athelney được đầm lầy che chắn; biết bao tên Viking với binh phục và vũ khí nặng nề khi xưa có lẽ đã hùng hồn lao qua bãi cỏ để chỉ thấy mình chìm nghỉm giữa bao la là nước. Tôi cảm nhận được ánh hào quang vô thực tỏa ra xung quanh mình; tôi lờ mờ thấy những mảnh ghép của một bản tình ca vĩ đại sẽ chẳng bao giờ có ai viết. Tôi thấy một mũi tên bất ngờ cắm phập vào thân cây thấp tẹt. Tôi thấy một gã tóc hung vật lộn điên cuồng giữa khóm hoa vàng cao ngất của đầm lầy, vẫy vùng bương tới rồi đột ngột lún xuống quá ngực. Tôi thấy một mũi tên khác phập thẳng vào cổ họng hắn. Tôi không thấy được thêm gì nữa, bởi như trên kia tôi vừa ẩn ý, tôi là một kẻ nặng ký. Vùng đầm lầy huyền diệu này không chịu nổi tôi, và tôi chìm vào trũng sâu của nó với những tiếng la ồng ộc.

Bùi Gia Bin dịch

1 Xin cung cấp một số thông tin về nhân vật này và bối cảnh, thời đại của ông: Vào thế kỷ 9, Anh bị các đợt tấn công dữ dội của người Viking từ Đan Mạch tràn sang, bấy giờ, họ đã chiếm đóng được phần lớn lãnh thổ Anglo-Saxon, cướp bóc, phá hủy tu viện, giết hại dân thường. Năm 871, Vua Alfred lên ngôi ở xứ Wessex (thuộc miền Nam nước Anh) trong bối cảnh Viking đã kiểm soát được nhiều vùng vây quanh. 7 năm sau, năm 878, quân Viking Đan Mạch (Chesterton gọi là man tộc ngoại giáo) bất ngờ tấn công vào Wessex, đánh bật Alfred ra Athelney - một bãi bồi giữa đầm lầy Somerset (trước kia là đảo trên biển). Đây là vùng đất ngập nước hiểm trở (cứ làm ta liên tưởng tới vùng đầm Dạ Trạch vậy!), nhiều cây lách, chỉ có thể tiếp cận được một con đường mòn nhỏ. Sau vài tháng cố thủ và củng cố lực lượng bằng việc vận động dân quân địa phương, Alfred phản công và giành chiến thắng trước quân của Guthrum tại Ethandun (trận Edington).

Chesterton

Một người tên là Thứ Năm

Chesterton: Triết lý tham quan

Borges về Chesterton

Năm Chesterton ngắn

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công