favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Bỉ tính của Michaux

25/05/2024 07:15

"Bỉ tính của Michaux" (Belgitude de Michaux) được lấy từ tập tiểu luận Le Studio de l'inutilité của Simon Leys, 2014 (năm Simon Leys tức Pierre Ryckmans qua đời) - in lần đầu năm 2012.

Simon Leys rất quen thuộc với những ai quan tâm đến thế giới của các "sinologue", tức là các chuyên gia Trung Quốc của phương Tây. Simon Leys (cái họ Leys được lấy theo tên một nhân vật của Victor Segalen, một người rất biết về Trung Quốc hồi đầu thế kỷ 20) từng dịch Luận ngữ sang tiếng Pháp và tiếng Anh, cũng như tác phẩm phê bình hội họa của Khổ Qua Hòa thượng (Thạch Đào). Từng sống nhiều năm tại châu Á, về sau Simon Leys sống hẳn ở Úc, dạy học tại đó; Simon Leys cũng là người dịch (từ tiếng Anh sang tiếng Pháp) cuốn sách nửa tiểu thuyết nửa hồi ký Two Years Before the Mast của Richard Henry Dana, tác phẩm báo trước những cuốn tiểu thuyết lớn về biển của Herman Melville.

Đấy là vì biển cũng nằm trong số các mối quan tâm cả đời của Simon Leys (ngoài ra, đó còn là một người rất say mê George Orwell, nhưng lại rất ác cảm với Roland Barthes): Simon Leys đi biển và nghiên cứu rất sâu - có thể nói là biết từng ngõ ngách, đặc biệt trong thế giới tiếng Pháp - văn chương về biển.

Cũng là người Bỉ như Henri Michaux, Simon Leys-Pierre Ryckmans rất hay nhắc đến người đồng hương danh tiếng. Không phải lúc nào sự nhắc đến ấy cũng thể hiện niềm ngưỡng mộ, tuy quả thật Simon Leys vô cùng ngưỡng mộ Michaux.

 

Bỉ tính của Michaux

- Simon Leys

Georges Perros, vốn dĩ từng là một độc giả nhạy cảm tuyệt vời [...] có lần bảo tôi: "Ngay cả khi người ta chẳng biết gì về tiểu sử Henri Michaux, thì nếu đọc kỹ ông ấy, thế nào người ta quyết cũng phải thấy ông ấy là người Bỉ."

Michel Butor

Cái nhu cầu đi thật sâu xuống ấy, sự khăng khăng ấy [của Michaux] không phải là một cái gì đó Pháp. Lợi thế và bất lợi của việc sinh ra tại Bruxelles. [chú thích của Simon Leys: "Hãy ghi nhận rằng thật ra Michaux không sinh ra tại Bruxelles, mà ở Namur. (Vậy thì càng ghê gớm hơn nhiều!)"]

Cioran

 

 

Ở Bỉ

Tôi gập

Tôi chảy

Tôi dựa lên những cú đánh người ta giáng xuống tôi

[...]

Còn mi, kẻ trong khốn cùng có sự dồi dào

Còn mi,

Nhờ sự khát của mi, ít ra mi là mặt trời

Con chim cắt của sự yêu của mi, thống trị đi!

Henri Michaux, Thử thách, trục quỷ

 

Những nghệ sĩ nào hài lòng với việc phát triển các thiên bẩm của họ rốt cuộc chẳng đi đến được gì nhiều nhặn. Những ai thực sự để lại dấu vết là các kẻ có sức lực cùng lòng can đảm mà khám phá và khai thác những sự thiếu của họ. Ngay từ đầu, Michaux đã có trực giác về điều này: "Tôi sinh ra đã bị thủng", và ông biết cách, theo lối đầy thiên tài, rút được nhiều thứ từ đó. "Tôi có bảy hay tám giác quan. Một trong số chúng: giác quan về sự hụt [...] Có các căn bệnh, nếu người ta chữa khỏi chúng, thì con người chẳng còn gì nữa." Cũng cần phải nhìn nhận cẩn thận những cẩn trọng của ông: "Lúc nào cũng phải có dự trữ về thiếu thích ứng." Nhưng về khía cạnh ấy, tức là sự sinh ra, thì ông được trang bị rất cẩn thận.

Bởi, để khởi đầu, Michaux là người Bỉ. Không chỉ ông là người Bỉ, mà ông lại còn (như ta vừa nêu nhận xét ở trên) là người Namur - tỉnh của một tỉnh. (Người Pháp kể các câu chuyện Bỉ; còn người Bỉ thì lại kể các câu chuyện Namur.) Jorge Luis Borges, chính ông vốn dĩ được đặt vào vị trí rất tốt để xem xét chuẩn xác vấn đề (bởi Buenos Aires không thật là cái rốn của hành tinh chúng ta), đã nhấn mạnh (chính là khi nói tới Michaux) toàn bộ lợi thế mà người ta có thể rút ra từ một nguồn gốc bên lề xét về mặt văn hóa: "Một nhà văn sinh ra tại một đất nước lớn mắc phải nguy cơ sẽ tiền giả định rằng văn hóa của tổ quốc anh ta là đủ cho anh ta. Hết sức nghịch lý, chính anh ta, do vậy, mới là kẻ hướng đến chỗ trở nên người tỉnh lẻ." [chú thích của Simon Leys: "Cioran, người từng có cảm tình ở mức sâu sắc với cả Michaux lẫn Borges, đã viết về Borges, trong ánh sáng kinh nghiệm của chính ông: "Khi tôi ở tuổi hai mươi, vùng Balkan đã chẳng thể mang lại cho tôi thêm gì nữa. Sinh ra tại một không gian “văn hóa” nhỏ bé, tầm phơ thì phải chịu tấn kịch ấy, nhưng cũng là lợi thế ấy. Kẻ khác trở thành vị thần của tôi. Từ đó mà nảy sinh niềm khao khát được phiêu bạt qua những văn chương và triết lý, xồ vào để ăn thịt chúng với một sự dữ dội bệnh hoạn. Những gì diễn ra ở Đông Âu nhất thiết cũng phải diễn ra ở các nước Mỹ Latinh, và tôi đã nhận ra rằng những đại diện của nó chất chứa được lắm thông tin, “hiểu biết” hơn cực kỳ nhiều so với người phương Tây, những kẻ tỉnh lẻ hết thuốc chữa. Cả ở Pháp lẫn ở Anh tôi đều chẳng thấy có một ai mang một sự tò mò sánh được với sự tò mò ở Borges, một sự tò mò bị đẩy đến nỗi cuồng ám, đến mức tội lỗi, đúng là tôi nói tội lỗi đấy, bởi vì, trong lĩnh vực nghệ thuật và suy tư, mọi thứ gì không biến thành sự phun trào hơi có chút tính chất biến thái đều là hời hợt tất, hời hợt, thế cho nên là không thực... Borges, người được tiền định, buộc phải đi tới cái phổ quát, buộc phải hướng tâm trí đi theo tất cả mọi phía, dẫu cho chỉ là để thoát khỏi sự ngột ngạt do đất nước Argentina gây ra. Chính khối hư vô Nam Mỹ đã biến các nhà văn của cả một châu lục trở nên rộng mở hơn, sống động hơn và đa dạng hơn nếu so với người Tây Âu, vốn dĩ bị tê liệt vì các truyền thống của mình, chẳng đủ khả năng vọt ra ngoài khối lở loét đầy chói lọi của họ."]

Xét sâu xa, Bỉ tính, ấy là ý thức mờ mịt kia về một sự thiếu hụt. Trước hết, có sự thiếu một ngôn ngữ. Trong cách dùng tiếng Pháp của mình, người Bỉ bị cắn xé bởi những thiếu chắc chắn. Một số người loạng choạng trên các đường mòn Wallonie, những người khác thì lội bì bõm trong một đầm lầy của những lối nói năng Flamand. Bị rối trí, đầy lo lắng, khi thì họ khập khiễng chân bên này, lúc lại chân bên kia. Nhưng đối với Michaux, phế tật còn thắt chặt hơn: vốn sinh ra ở tận heo hút của Wallonie, rồi còn bé tí đã bị nhốt chặt vào một trường nội trú hoàn toàn Flamand, ông làm được một điều thật dị thường: bắt đầu tồn tại của mình bằng việc chịu đựng cùng một lúc HAI tật phế. [chú thích của Simon Leys: "Với Jacques Brosse, người bảo ông mình đã dễ dàng viết bản báo cáo một thí nghiệm tâm lý học, Michaux đốp lại, đầy đố kỵ: "A! các anh thì dĩ nhiên rồi, đâu có phải là cùng một điều; các anh viết bằng tiếng mẹ đẻ của các anh! - Dẫu sao thì anh cũng sẽ không nói với tôi là người ta không nói tiếng Pháp tại Namur đấy chứ? - Ở đó người ta không nói tiếng Pháp, mà là tiếng Wallon!" Rồi tại trường nội trú ở Campine kia nơi người ta đã nhốt ông vào khi ông mới 7 tuổi, "vây quanh là lũ trẻ con nhà nông dân thối hoăng" và tàn bạo, chỉ nói độc thổ ngữ của chúng, "tiếng Flamand đã trở thành ngôn ngữ thứ hai của tôi, mà tôi nói như nói tiếng Pháp, nếu chẳng phải là còn giỏi hơn." Và ông tâm sự trong một cuộc trò chuyện: "Anh có biết rằng, trong tuổi niên thiếu của tôi, từng có một khoảnh khắc tôi nghĩ mình sẽ viết bằng tiếng Flamand đấy!" Chính khi đọc Guido Gezelle ông đã có khải ngộ về thơ đầu tiên: "Gezelle từng là nhân vật rất oách. Nhưng tôi đã ngay lập tức cảm thấy mình sẽ không bao giờ sánh ngang được với ông ấy." Quả thật cần phải nói rằng ông linh mục kiêm nhà thơ vùng Tây Flandres đã tạo ra được trong biệt ngữ tối tăm của mình một thứ âm nhạc ngôn từ trác tuyệt - đối với bất kỳ ai từng có kinh nghiệm về cái đó lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, những câu thơ ấy sẽ vĩnh viễn được khắc vào ký ức."]

Tất nhiên, ông đã mau chóng trút bỏ tiếng Wallon, và hoàn toàn quên mất tiếng Flamand của tuổi thơ, nhưng từ đó dẫu sao thì vẫn còn lại cho ông điều sau đây, vốn dĩ cốt yếu và là thứ in một hương vị nổi bật vào từ ngữ của ông: "Không phải lúc nào tôi cũng nghĩ trực tiếp bằng tiếng Pháp." Thêm nữa hoàn cảnh này đã khiến ông trở nên đặc biệt nhạy cảm với mối quan hệ nhiều nghi kỵ, vụng về và do dự mà các đồng bào của ông có với ngôn ngữ. Ở một trong những văn bản ngay đầu tiên của mình, ông đã quan sát thấy rằng tại Bỉ "câu chửi thông dụng hơn cả, stoeffer, có thể dịch ra thành: kẻ khoa trương, làm dáng. Người Bỉ sợ sự khoe mẽ [...], nhất là sự khoe mẽ các từ nói ra hoặc viết ra. Từ đó mà có âm sắc của anh ta, cái lối nói tiếng Pháp lừng danh kia. Bí mật nằm ở chỗ: người Bỉ nghĩ rằng các từ thì khoa trương. Anh ta nhào nặn và bóp ngạt chúng trong chừng mực mà anh ta có thể, trong chừng mực chúng đã trở nên vô hại, hiền lành. Nói năng phải được thực hiện, anh ta nghĩ, giống mở ví tiền ra, tức là phải giấu đi những tờ mệnh giá một nghìn, hay giống tín hiệu báo động khi xảy ra tai nạn - anh ta lại còn vừa nói vừa làm rất nhiều điệu bộ, các điệu bộ này làm cho khỏi phải nói từ ra."

Rồi có sự thiếu không gian. "Cái đất nước đáng buồn và quá đông dân này... một vùng nông thôn đầy đất sét kêu nhóp nhép dưới chân, mảnh đất cho ếch nhái... không rỗng không. Cái gì trống không ở đất nước này? Thọc tay xuống bất kỳ đâu, người ta cũng lôi lên được củ cải hoặc khoai tây, hay cải đỏ, hay cải xanh; thứ để nhét dạ; để cho lũ gia súc và cho toàn bộ cái dòng giống chuyên ăn tinh bột kia, bao nhiêu cũng được, toàn bọn nặng ịch ra. Vài dòng sông bẩn, chậm, tơi tả và không biết phải đi đâu. Đi đi nào, đống quan tài! [...] Một vùng nông thôn gồm các ngọn núi nhỏ để dạo chơi; những đoàn lũ bất tận leo lên, đi xuống, nối thành dây, tạo thành vòng trôn ốc; kiến, lũ kiến của cái đất nước cần cù đó, cần cù cho lắm..."

Ở châu Âu có rất nhiều nước nhỏ: nhưng đất nước kia quả là nước duy nhất, dường như vậy, tự mãn với sự chật hẹp của nó. Nó tuyên xưng sự nhỏ của mình, nó đòi sự nhỏ ấy đầy sung sướng, nó sướng rơn với điều đó, nó giương cái đó lên như một lá cờ. Đã bao giờ ta nghe thấy những người Hà Lan, người Đan Mạch, người Bồ Đào Nha hay người Thụy Sĩ tự coi mình là "những người Hà Lan nhỏ bé", "những người Đan Mạch nhỏ bé", v.v..., hay chưa? Vả lại, đúng như nó vốn dĩ vào lúc này, nước Bỉ cảm thấy thiếu tiện nghi, nó bị khó ở - nó tự thấy hẵng còn quá to! Nó những muốn tự biến cho mình nhỏ đi, và nó sẽ làm được điều đó thôi. Các kế hoạch mới đang được nghiên cứu, chúng sẽ cho phép nó bị phân mảnh ra thêm nữa; tự cấu mình ra thành muôn vàn khúc, bị băm càng lúc càng tí ti hơn, và chúng sẽ có thể ve vẩy trong toàn bộ sự tự trị như một con giun đất bị cái mai người làm vườn chặt ngang thân.

 

Nhưng, từ khi ông sinh ra, cái o ép Michaux nhiều hơn cả, ấy là những con người: "Người Bỉ từng là những con người đầu tiên tôi có dịp được cảm thấy xấu hổ hộ."

"Dòng giống có cái mũi bóng lưỡng! dòng giống nhơ bẩn treo mình lên, lê lết, chảy, đó là dòng giống giữa đó ông sinh ra. Những người nghèo đông đảo, hay nói đúng hơn những người giàu nhỏ xíu xiu. Những người giàu [...] Dân chúng mặt phị, nhưng với hàng đống sức lực ở bên trong, nhưng biết mọc lên." Nỗi khốn khổ ở nguồn gốc ấy hết sức thiết thân: "Tôi từng luôn luôn cảm thấy mình xa lạ ở trong gia đình... Càng đi ngược xa hơn vào tuổi thơ của tôi, thì tôi lại càng thấy mạnh hơn, cái cảm giác mình là kẻ xa lạ ở nhà bố mẹ tôi."

Phạm cái tội là người lạ ở nhà mình, tuyệt đối cần phải tự phát hiện một ailleurs nhằm hợp thức hóa cho điều kiện đáng báo động đó. Nhưng chạy trốn đi đâu đây? "Cái vùng nông thôn Flamand này! Người ta chẳng thể nhìn nó mà không thấy nghi ngờ mọi sự. Các ngôi nhà thấp kia, chúng đã không cả gan mọc thêm một tầng về phía bầu trời, rồi đột nhiên phi lên không trung một tháp chuông cao, như thể chỉ có mỗi cái đó nơi con người là có thể đi lên, có được cơ may cho mình ở trên cao." Cả ông cũng từng tìm "cơ may cho mình ở trên cao": ham muốn đầu tiên của ông từng là trở thành một ông thánh. Từ ham muốn ấy, hỡi ôi! người ta quay trở về sau một quãng thời gian, nhưng chẳng bao giờ người ta được chữa khỏi từ đó, cũng như được an ủi từ đó: "Bố tôi từ chối để cho tôi gia nhập dòng Bénédictin... Giấc mơ thời niên thiếu của tôi là trở thành một vị thánh. Tôi đã từ trên cao ngã xuống - rất bết bát - chừng tôi đánh mất lòng tin vào quãng 20 tuổi... Tôi ở trong văn chương do không có gì hơn... Bị ấn tượng quá mức bởi các ông thánh nên không thể coi những người khác cùng những gì họ viết là nghiêm túc được... Cái mà tôi là, cái mà tôi làm, thuộc về tôi và tiếp tục thuộc về tôi, nhờ một cái nhìn rất chuẩn xác và chẳng hề nhờ sự khiêm tốn, như là kẻ thảm hại. Sự hiện thực hóa của gần như tất tật các kẻ khác cũng thảm hại như vậy, nếu không phải là còn tệ hơn. Thánh, ngay cả khi điểm xuất phát của ông ta là, như tôi thấy dường là thế, một nhầm lẫn [...] hoàn tất con người theo lối tuyệt vời." (Vả lại, rất lâu về sau, trong chuyến đi Ấn Độ của ông, khao khát ấy của tuổi niên thiếu, chưa bao giờ bị quên mất, sẽ mang lại cho ông một tri nhận đầy phê phán đặc biệt có sức xuyên thấu đối với một dạng thánh tính chuyên nghiệp nhất định: "Chẳng gì buồn như những điều bị hụt mất. Thái độ của những người theo đạo Hindu hiếm hơn ở mức vô tận mang dấu thần thánh. Họ có cái đó như nhà phê bình của tờ Le Temps và các ông thầy giáo dạy văn tại những trường trung học có dấu ấn của thiên tài văn chương.")

(còn nữa)

Cao Việt Dũng dịch

một người tỉnh lẻ

biển: Melville & Stevenson

đi khỏi đảo

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công