favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Ailleurs

08/06/2024 05:51

Như vậy là tiếp tục ở kia, và nối với kia. Simon Leys bình luận Henri Michaux dễ khiến liên tưởng đến Linda Lê bình luận Thomas Bernhard, nhất là những phần nói đến sự đi và sự tự thanh tẩy [cf. tập tiểu luận mang tên Par ailleurs (exils), viết trong khuôn khổ một fellowship do quỹ Cioran tài trợ]. Điều này xét cho cùng cũng không quá khó hiểu, bởi Bernhard, Michaux hay cả Gombrowicz - mặc cho những khác biệt - có một tương đồng lớn: đó là những nhà văn hiếm hoi thực sự giúp ta hiểu một đất nước, chính vì sự khó ở triền miên với tính cách chung của đất nước ấy. Michaux với Bỉ thì cũng tương đương Bernhard với Áo hay Gombrowicz với Ba Lan. Nhưng ailleurs của Michaux vẫn khác: trung tâm của nó là một con ruồi. 

 

Ailleurs 

- Simon Leys

Tác giả từng rất thường sống ailleurs [ở nơi khác] [...] Anh ta từng thấy ở đó [nơi khác] thoải mái hơn so với ở châu Âu. Vậy đã là một điều gì đó. Đôi khi, anh ta từng thiếu điều thì bị thuần hóa tại đó [nơi khác]. Không thực sự. Các đất nước, hẳn người ta sẽ chẳng bao giờ nghi ngại chúng cho đủ được.

Henri Michaux, Ailleurs (Tựa)

Ngay từ đầu, đi xa hiện ra như là hoạt động cốt yếu của Michaux. Người ta đã có thể nói rằng các căn bệnh là những chuyến đi xa của người nghèo; sẽ còn đúng hơn tới mức nào nếu bảo các căn bệnh là những chuyến đi xa đầu tiên và phi thường hơn cả của bọn trẻ con. Rất sớm, Michaux đã có phần ở trong đó, và cả đời mình, vả lại ông tiếp tục rút được từ đó cảm hứng. Bên cạnh kinh nghiệm về bệnh tật, ông cũng khởi sự cuộc khám phá thực vật và côn trùng học trong khu vườn gia đình - màn dạo đầu cho những cuộc khám phá ở tuổi trẻ và tuổi trưởng thành. Ông quan sát các trận chiến của kiến, ông giao du mật thiết với cây cối ("ở tuổi lên 8, tôi vẫn còn mơ mình được thuận hòa như là cây"). Lũ côn trùng, nhuyễn thể cùng các động vật không xương sống, thêm nữa, sẽ không ngừng cuốn hút ông: "Ở tuổi 34, mãi đến tuổi 34, tôi mới phát hiện được con mực. Tôi nhận lấy nó, và tôi đã nghĩ mình hiểu được, sau hàng giờ và hàng giờ ngây ra xem, là chúng cũng nhận lấy tôi".

Hình thức sơ đẳng nhất của sự tôn trọng người khác, ấy là sự chú ý mà người ta dành cho kẻ đó. Michaux không thấy tại sao sự chú ý đó lại phải bị giới hạn vào chỉ các con người: "Về các động vật chúng ta lao vào một tâm lý học đám đông. Bọn chim sẻ, bọn chuột. Nhưng con chim sẻ này, con chuột ấy, tên nó là gì?" Ông mang, trong các tương quan của mình với đám cây, tới toàn bộ sự xuyên thấu về tâm lý cùng sự lịch thiệp mà ông biểu lộ với đồng loại của ông (nhưng vậy thì những kẻ nào thực sự là đồng loại của ông?) - hãy đọc lại câu chuyện về những cuộc gặp của ông với các cây tre, cây đa, cây baobab... Hết sức tự nhiên, chẳng hề có cả nỗ lực lẫn giả đò, ông có thể chọn lấy quan điểm của một con cừu hoặc một con hổ - thậm chí còn tự đặt mình vào bên trong lớp da của một con rận: "Không có chứng cứ cho thấy con rận sống trên người chuột e sợ mèo." Chuỗi thú vật của Michaux không có hình dạng người - đúng hơn thì chính những con côn trùng của ông mới đề xuất với chúng ta một môn côn trùng học về con người: "Bọn côn trùng văn minh không hiểu rằng con người không tiết dịch ra quần của hắn. Những côn trùng khác không thấy có gì ngoạn mục ở chuyện ấy." Ecuador (cuốn sách vẫn còn mang tính cách thử nghiệm ở một số khía cạnh, nhưng đã lớn lao) đã cung cấp một chứng minh đầu tiên cho phương pháp của nhà thơ - phương pháp được tóm tắt rất chuẩn xác bằng hai câu của lời viết trên bìa sau rất kỳ khôi: "Tác Giả không nói một lời nào về kênh đào Panama, và xảy đến với anh ta cái chuyện, anh ta nhắc đến một con ruồi."

Người ta tìm được ở Plume một phản chiếu đầy sức hé lộ về kinh nghiệm đi xa của ông. Plume không ngừng đi, nhưng anh ta không được thiên phú cho hoạt động đó: anh ta chỉ biết toàn các điều rủi, anh ta thường trực gặp phải những hắt hủi, tai nạn, anh ta trở thành nạn nhân cho các hiểu nhầm, các cuộc phiêu lưu tồi tệ, anh ta gánh lấy những nỗi nhục nhã cùng các thử thách lúc lố bịch, khi hắc ám. "Plume không thể nói rằng người ta coi trọng anh ta quá mức khi đi xa. Một số kẻ bước qua người anh ta chẳng chút đoái hoài, những người khác thản nhiên chùi tay vào cái veston của anh ta. Rốt cuộc thì anh ta cũng quen đi. Anh ta thích đi xa theo lối khiêm tốn hơn [...] Anh ta chẳng nói gì, anh ta không phàn nàn. Anh ta nghĩ đến những kẻ bất hạnh hoàn toàn không thể đi xa, trong khi anh ta, anh ta đi xa, anh ta liên tục được đi xa."

Tại sao Michaux đi xa? Chuyện nằm ở một kinh nghiệm xét về cốt yếu là nặng nề, như ẩn dụ gây lo lắng cho chuyến thám hiểm của ông vào giữa "cuộc sống mờ tối và chậm chạp" của một quả táo gợi ý: "Tôi đặt một quả táo lên cái bàn của tôi. Rồi tôi tự đặt mình vào trong quả táo ấy [...] Đã có những dò dẫm, các kinh nghiệm. Đấy là cả một câu chuyện [...] Ra đi là điều chẳng mấy thuận tiện, và giải thích nó cũng vậy. Nhưng để nói ngắn gọn, tôi có thể bảo cho anh điều đó, đau đớn là từ đúng. Chừng tôi đi vào trong quả táo, tôi bị đóng băng lại." Về phần các cuộc khám phá của ông bên Nam Mỹ, ở châu Á, chúng đã thử thách ông theo cách thức chẳng hề ẩn dụ một chút nào; ông tâm sự với một người tin cẩn: "Tôi đã tự bạo hành mình, tôi đã bắt mình bước đi, nhưng cơ thể tôi hồi ứng rất kém với những phiêu lưu." Và nữa, trong một trò chuyện khác: "Về thể chất tôi không được sinh ra cho phiêu lưu; các vết thương của tôi không đóng sẹo; đã tám lần người ta suýt cắt chân tôi và tôi hay bị lên cơn đau tim."

Trong phác họa tự truyện ngắn ngủn - nhưng rất nhiều ý nghĩa - mà ông đã viết cho một trong những người bình luận ông, ông giải thích (nói về bản thân ở ngôi số ba) những gì mà ông từng trông đợi từ các chuyến đi xa: "Anh ta đi xa contre ["contre" trái nghĩa với "pour", giới từ thường được dùng ở trường hợp này: có thể hiểu, không phải đi để đến, mà đi để không đến, đi để chống lại sự đến, hoặc đơn giản là để chống lại]. Nhằm đẩy bắn ra khỏi anh ta tổ quốc của anh ta, những sợi dây thuộc đủ mọi loại đã buộc vào anh ta, ở anh ta và dẫu cho anh ta không muốn, văn hóa Hy Lạp hay La Mã hay Giéc-manh, hoặc các thói quen Bỉ. Những chuyến đi thoát khỏi đất nước mình." Ông đi xa giống người ta tự thanh lọc: "Không phải để có được gì. Mà là đi xa để tự làm cho mình nghèo. Đấy là những gì mi cần."

Michaux không cảm thấy thoải mái khi đi, nhưng chuyến đi mang lại cho ông một sự nhẹ nhõm - bởi ông còn khó ở hơn tại nhà mình. Sự không chịu nổi, vốn dĩ bất thường đối với kẻ loanh quanh ở nhà, ít nhất hết sức tự nhiên đối với lữ khách: tại nước ngoài, sự khó ở thuộc tồn tại tìm được một cái cớ biện minh giàu sức trấn an. Hoàn cảnh này nhắc tôi nhớ tới một bài thơ của Philip Larkin, "Tầm quan trọng của nơi khác" (Larkin, thêm nữa, tuyệt đối không có gì chung với Michaux - đấy là nếu không kể thiên tài thơ và nỗi khó sống): "Bị một mình ở Ai len, như thể đấy không phải là nhà tôi/Cảm giác về xa lạ của tôi đã kiếm được một nghĩa [...]/Nhưng tôi bị tước mất đi sự biện minh lúc sống tại Anh/Nơi có những thói quen của tôi cùng những thiết chế của tôi/Mà hẳn sẽ nghiêm trọng hơn nhiều nếu chối bỏ./Ở đây, tôi chẳng có Nơi Khác nào nhằm đảm bảo cho tồn tại của mình." [chú thích của Simon Leys: "The Importance of Elsewhere": Lonely in Ireland since it was not home/Strangeness made sense [...] Living in England has no such excuse:/These are my customs and establishments/It would be much more serious to refuse./Here no elsewhere underwrites my existence.]

Độc giả nào muốn biết nhiều hơn về những chuyến đi xa có thể xem, và thu được nhiều lợi ích, nghiên cứu tiểu sử mà Jean-Pierre Martin đã viết về ông (Henri Michaux, Gallimard, 2003). Thật không may, về một vấn đề mà tôi đặc biệt quan tâm - quãng đời thủy thủ của nhà thơ - công trình rất đáng kể ấy đã để cho nỗi đói của tôi không được thỏa. Chắc chắn, không có thông tin - nhưng có phải tiểu sử gia đã đi theo tất tật các manh mối? Và những kết luận logic có được rút ra hay không?

(còn nữa)

Cao Việt Dũng dịch

Leopardi đi

Bernhard đi

Schulz đi

Mansfield đi

Michaux đi

Baudelaire đi

Melville đi

Jean-Jacques đi

Sterne đi

James đi

đi

đi đi

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công