Những hiệu quế
160 trang
14 x 20,5 cm
Ngày 11 tháng Mười một năm 1918, vào đúng 11 giờ sáng, một cách biểu tượng, Thế chiến thứ nhất đã kết thúc. Trong khu rừng Compiègne không xa Paris năm ấy, trên một toa tàu, đình chiến đã được ký kết. Nhưng người ta còn chưa biết, đây mới chỉ là màn dạo đầu cho sự suy sụp còn lớn hơn nhiều, ở một tầm vóc không thể tưởng tượng nổi, của cả một thế giới.
Tháng Sáu năm 1940, cũng chính tại khu rừng Compiègne, hơn thế nữa, trên chính toa tàu lịch sử năm xưa, một điều khác được quyết định: thời kỳ Chiếm đóng của Nazi lên một phần lớn lãnh thổ nước Pháp. Thế chiến thứ hai chính thức bùng nổ. Chỉ trong vòng mấy năm, Ba Lan trở thành sân khấu cho những cuộc tàn sát khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Từ bao nhiêu thảm thương của lịch sử vang lên tiếng nói của hai nhà văn: Bruno Schulz và Witold Gombrowicz, hai con người có liên quan đến nhau (vài tác phẩm thời kỳ đầu của Gombrowicz do Schulz vẽ minh họa) nhưng có hai cách thức trải qua thảm cảnh Ba Lan hoàn toàn khác nhau.
Schulz là một người tỉnh lẻ, sống ở nơi mang cái tên vô cùng khó nhớ, Drohobycz. Đó là một nhân vật vĩ đại, rất kỳ lạ, và làm cho Drohobycz trở thành một địa danh văn chương không thể quên. Những hiệu quế, giống gần như mọi tác phẩm văn chương còn lại của Schulz, không hoàn toàn là một cuốn sách có chủ ý. Schulz viết về cuộc sống của mình, miêu tả nơi mình sống, cho vài người bạn. Nhưng những gì viết ở đây độc đáo đến khó hình dung, một nơi heo hút bỗng mang một linh hồn sống động, vô cùng hấp dẫn, một sự hấp dẫn quái đản.
Schulz ngập ngừng rất lâu rồi mới cho xuất bản sách, ngay lập tức thành công vang dội. Đúng lúc đó thì quân Nazi tiến vào Ba Lan. Giờ đây chỉ còn lại rất ít văn chương của Schulz, nhất là những gì ông viết từ đầu thập niên 40, cũng chỉ còn lại không nhiều tranh (đó cũng là một họa sĩ), nhưng ở cả hai địa hạt, Schulz đều là bậc thầy không thể chối cãi cho các thế hệ nghệ sĩ Ba Lan về sau.
Schulz không bị cư xử quá tàn tệ mặc dù Drohobycz trở thành ghetto. Nhờ có tài vẽ, ông được một viên sĩ quan SS bảo trợ, nhưng cũng chính vì thế mà Schulz bỏ mạng: xích mích xảy ra giữa viên sĩ quan SS này và một viên sĩ quan SS khác, để trả thù, viên sĩ quan kia cho người bắn chết Schulz vào năm 1942.
Witold Gombrowicz có một số phận khác hẳn. Khi Gombrowicz còn nhỏ, gia đình ông (giàu có) chuyển lên sống ở Warszawa. Gombrowicz cũng từng sang Paris từ rất sớm và có một khối lượng sáng tác vô cùng đồ sộ.
Schulz và Gombrowicz làm thay đổi hẳn văn chương Ba Lan: Schulz bởi sự quái đản, fantastic còn Gombrowicz thì bởi sự phê phán nghiệt ngã tính bi lụy của Ba Lan.
Nhưng Schulz và Gombrowicz còn đặc biệt quan trọng ở chỗ họ là những người tiếp nối Kafka. Schulz chính là người dịch Vụ án sang tiếng Ba Lan năm 1936, là người đưa Kafka vào Ba Lan. Những hiệu quế làm ta nghĩ ngay đến Kafka và hình ảnh người cha ở văn chương của Schulz cũng mãnh liệt, đáng ngại và gây hoang mang như ở Kafka. Ferdydurke của Gombrowicz thì là Kafka nhưng vui hơn, và với rất nhiều nỗi lo lắng cho sự thiếu trưởng thành.
Những hiệu quế thuộc series Điên rực rỡ, tập hợp những cú đẩy ngôn ngữ đến giới hạn, tạo ra một thực tại khác bằng tưởng tượng.
Bruno Schulz, Những hiệu quế (Xuân Trường dịch)
Baudelaire, Le Spleen de Paris (tái bản) (Cao Việt Dũng dịch)
Thomas Bernhard, Cháu trai Wittgenstein (Phan Nhu dịch)
Maupassant, Đốc tờ Héraclius Gloss (Toàn Anh dịch)
Gertrude Stein, Ba truyện đời (Hoàng Trang dịch)
cùng Robert Walser - Linda Lê - Leopardi and more
Độc giả có thể đặt bộ sách cùng tiểu luận liên quan trên tạp chí Văn Bản tại đây. Một món quà rất xứng đáng để đi cùng nó là booklet hor-commerce "Thư viện bùng cháy" (René Char), rút ra từ tập La Parole en archipel.