favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
formaTION 4: Nối
Next

Nối là chuỗi thảo luận dài mười tuần, do FORMApubli và Hanoi Grapevine đồng tổ chức, với mục tiêu nối việc đọc - viết với phê bình nghệ thuật, nhằm giúp nghệ sĩ và công chúng chủ động hơn trong việc xây dựng concept và mở rộng hiểu biết về lịch sử & lý thuyết thực hành. Workshop gồm bảy module, mỗi module dài 1-2 buổi, khai thác một nhân vật trung tâm của các hiện tượng sáng tác - phê bình quan trọng, đi sâu vào các khía cạnh của một nhân vật rồi mở ra các nhân vật khác. Các module hợp thành một chỉnh thể bao quát các giai đoạn lịch sử & khu vực địa lý của lịch sử nghệ thuật - văn chương hiện đại. 

 

CHƯƠNG TRÌNH

Module 1: Baudelaire, phê bình và lịch sử 

Tại sao bắt đầu với Baudelaire?

Thứ nhất, phê bình của ông rộng khắp, không chỉ văn chương mà cả âm nhạc và hội họa. Được đăng trên báo, theo sát nhịp đi của thời đại, đó là một thứ phê bình vừa có tính chiến đấu (như trong trường hợp phiên tòa xử Flaubert) vừa có tính phát hiện: ông tìm ra được trong tác phẩm và toàn bộ triết lý sáng tác của Constantin Guys yếu tính của thời mình, mà ông gọi là tính hiện đại: “cái trung chuyển, cái thoáng qua, cái ngẫu nhĩ”, nơi sự trác tuyệt và rùng rợn, vĩ đại và vớ vẩn gặp nhau trong xoáy lốc khôn cùng.

Không chỉ đi cùng nhịp với chuyển động lịch sử, phê bình ấy còn được dựng trên một độ dày lịch sử lớn. Cái nhìn về hội họa đương thời của Baudelaire được đặt trong đối sánh với thế hệ ngay trước đó - thế hệ của Cách Mạng, của Sáng (Enlightenment), của con người vươn mình đến kích cỡ thần. Ở thời đại kỹ thuật của Baudelaire, thiên tài lại biểu hiện khác hẳn, gần như đối lập: không phải ánh sáng mà là bóng tối, là cực âm. Thiên tài là kẻ chỉ chăm chăm lẩn vào đám đông, làm tấm gương phản chiếu những chuyển động thoáng qua của nó. Biện chứng lịch sử của nghệ thuật nằm trong chính đối lập ấy.

Bản thân Baudelaire cũng là một nghệ sĩ tạo ra được một hình thức văn chương mới, gọi là prose poem (thơ bằng văn xuôi, cf. Le Spleen de Paris). Khác hẳn phê bình của các giáo sư đại học hay “chuyên gia” thuần túy, phê bình hội họa của Baudelaire là phê bình của một nghệ sĩ với ý thức cao độ về công chúng và những thử thách cùng lý tưởng của công việc sáng tạo, một người thực hành nghệ thuật ngôn từ nhận được gợi ý lớn lao từ thực hành nghệ thuật hình và họa của thời mình.  

Là một nghệ sĩ, một nhà phê bình, một nhân vật đầy tính biểu tượng của thời đại, chính Baudelaire sẽ trở thành đối tượng cho một phê bình đồ sộ và độc đáo hướng vào hai vấn đề lớn: (1) quan hệ giữa sống và nghệ thuật và (2) quan hệ giữa sáng tác và phê bình. Tiểu luận của Paul Valery đặt nghệ thuật và phê bình của Baudelaire vào trung tâm của cuộc cách mạng tinh thần thế kỷ XIX, bắt đầu từ Pháp và tạo được vọng âm rộng khắp, đặc biệt là ở Mỹ, Tân Thế Giới.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, quay lại với Baudelaire là tìm về một lịch sử của phê bình và một phê bình đậm đặc tính lịch sử. Lịch sử vừa củng cố bộ khung khái niệm cho phê bình vừa làm hiện ra tính cấp thiết của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật.

Tài liệu 

Module 2: Gertrude Stein: ngôn ngữ tái sinh

Gertrude Stein luôn luôn xuất hiện ở trung tâm của những trường phái nổi bật nhất đầu thế kỷ XX. Là tác giả Ba truyện đời, cuốn sách tiên phong của trường phái Lập thể (Cubism) trong văn chương, bà đã đem đến một thứ ngôn ngữ mới mẻ, xóa bỏ mọi giới hạn giữa văn viết, văn nói, và ngôn ngữ âm nhạc. Thử nghiệm với một vật liệu vô cùng chặt chẽ là ngôn ngữ Anh, Stein mạnh tay xóa bỏ dấu câu, biến việc đọc thành một kinh nghiệm gây chóng mặt: người đọc phải vận toàn bộ hiểu biết ngữ pháp và logic tình huống của mình để điền các dấu câu vắng mặt và qua đó đối mặt với các định kiến ẩn sâu trong việc đọc của mình - một hiện tượng được gọi là the Stein experience (kinh nghiệm Stein).

Kinh nghiệm Stein dọn đường cho một hình dung nghệ thuật mới, gọi là “hiện đại.” Nghệ thuật không còn là sự tái hiện cái đẹp như một kiểu ru ngủ con người. Nghệ thuật phải chạm đến, phải phơi bày những khía cạnh khó chịu nhất, tầm thường nhất của đời sống, để đi tìm thứ mà Tristan Tzara trong dada manifesto gọi là “novelty”: “A work of art should not be beauty in itself, for beauty is dead; it should be neither gay nor sad, neither light nor dark to rejoice or torture the individual by serving him the cakes of sacred aureoles or the sweets of a vaulted race through the atmospheres.” Với Stein, câu chữ được gột rửa và tái sinh, dọn đường cho hàng loạt phong trào mới thành hình: dada, Lập thể, Siêu Thực, vv - gần như tất cả đều mang dấu ấn của Stein.

Ở Stein, không có ranh giới giữa các hình thức khác nhau, cũng như không có ranh giới giữa sáng tác và phê bình. Tất cả đều là viết, và viết là cuộc đi trên sợi dây chăng trên vực thẳm: lúc nào cũng có nguy cơ ngã nhào xuống dưới. Đó là một trong các nhân vật (rất hiếm) không viết theo những thể loại có sẵn, mà tạo ra thể loại. Kể cả khi phải dùng một thể loại cũ (autobiography) thì Stein cũng biến nó thành một thí nghiệm chưa từng có, một cuộc phùng giữa vô vàn hình thức tưởng chẳng bao giờ có thể gặp nhau. Bản thân Stein, một người Mỹ sống ở Châu Âu, đúng thời điểm biến động lớn của cả chính trị & nghệ thuật, cũng là một người sống giữa nhiều thế giới, tạo ra cuộc gặp giữa các thế giới ấy để làm sinh ra một điều gì mới hẳn. Đó là sứ mệnh của nghệ thuật: đi vào cái bất khả tri để tìm ra, tạo ra cái mới. 

Tài liệu

  • Gertrude Stein, Ba truyện đời: cuốn sách đầu tay, tiên phong của trường phái Lập thể (Cubism) trong văn chương
  • Trích đoạn Autobiography of Alice Toklas 
  • Vở Four Saints In Three Acts, từ đó có thể thấy vai trò của Stein với kịch avant-garde

Module 3: Katherine Mansfield và hai tờ tạp chí  

John Middleton Murry là người định Nhịp, Michael Sadleir cho nó lực khởi phát, nhưng Katherine Mansfield, người giữa chừng bị cuốn vào nó, nhờ nó mà thành hình, mà tìm ra giọng của mình, mới là người khiến cho Nhịp có dáng vẻ của một điều kỳ diệu.

Vậy là sau Baudelaire và Gertrude Stein, chuỗi formaTION Nhìn lại lịch sử phê bình đã đến với nhân vật thứ ba: Katherine Mansfield. Trong cuộc gặp tối thứ sáu tuần này, chúng ta sẽ cùng tìm lại câu chuyện của “Rhythm/ Nhịp” và các tờ tạp chí avant-garde giai đoạn ấy - câu chuyện của một thế hệ nghệ sĩ trẻ kiên quyết đòi phá các hình thức cũ, tung mình vô độ vào thí nghiệm cả trong nghệ thuật và đời sống để tìm ra dấu ấn riêng. Nhưng đó cũng là lứa nghệ sĩ rất biết cách nuôi nấng huyễn tưởng của công chúng về mình, nhóm họp quanh các salon (mà salon quan trọng bậc nhất là của Gertrude Stein), để nâng đỡ tinh thần nhau cũng không kém để đôn thêm hào quang chung, với ý thức sắc bén, đôi khi không khỏi chua chát và cay độc về cơ chế của sự tự quảng cáo. Câu chuyện ấy có không ít điểm tương đồng với cuộc đi tìm những chân trời khác, lập dựng những không gian khác của thời chúng ta.

Khác với hai module trước, module lần này sẽ không phải là một buổi thuyết trình mà là một cuộc trò chuyện mở giữa manager của hai không gian: Chòi Chơi project và FORMApubli. Một ở Hà Nội, một ở Sài Gòn, một về xuất bản, một về sân khấu, nhưng mục tiêu đều là dựng ra một ngôi nhà - cho người khác và cho chính mình, để đọc, để viết, để tìm và nối những mảnh trôi dạt của một lịch sử. Câu chuyện của Katherine Mansfield - những tờ tạp chí và cả thế giới rực rỡ đã biến mất ấy - còn có thể nói gì với chúng ta hôm nay? 

Khi một điều kỳ diệu đã hiện ra, không gì còn có thể như trước nữa. Sự xuất hiện của một quả bom như Nhịp khiến các tạp chí lớn phải thực sự thay đổi hình thức. Những nhân vật trẻ tuổi bị hút vào chuyển động của nó sẽ trở thành nhân tố định hình khuôn mặt mới của thế hệ. Ở nhiều khía cạnh, tồn tại của Nhịp báp-têm cho Blast, tờ tạp chí còn ngạo ngược hơn, táo bạo hơn, ngắn ngủi hơn với chỉ một số duy nhất - ngay sau đó thì chiến tranh. Nhưng Nhịp, rồi Blast, và chiến tranh: cứ như thể có một chuyển động đẩy mọi thứ đến vực thẳm. Katherine Mansfield sẽ viết về điều đó trong một truyện ngắn của Tiệc vườn: "lên, lên mãi, lao vào ánh sáng và hơi nóng, ầm ào, ríu rít, hổn hển, như bị đẩy đi bởi một cái gì [...]  bị hút vào một quầng chói lọi - ở tận đâu?" Đó là lúc văn chương Mansfield đạt đến độ thuần khiết nhất: tái tạo được, ngay trước cái chết của mình, cả một thế giới đã mất trong những hình ảnh không thể tầm thường hơn. Đó là hồi ức về cả một thế hệ bị hút vào chuyển động vực thẳm: người anh trai yêu quý tử nạn trong chiến tranh, những người bạn và đối thủ xoay quanh Nhịp. Chẳng có gì ngoài hủy hoại và thất bại, nhưng đó là chuyện không thể khác. Chỉ điều đó mới xứng đáng với những tồn tại kỳ diệu như vậy. 

Ngoài các ý nghĩa khác, cuộc gặp lần này còn là lời chào Bliss: quyển thứ ba của Mansfield mà FORMApubli sẽ in, mảnh cuối cùng của văn chương kỳ diệu ấy trong tiếng Việt. 

formaTION “Katherine Mansfield và Nhịp” sẽ diễn ra vào tối thứ sáu tuần này, 26/7/2024, lúc 19h, tại Toong, 51 Phan Bội Châu, Hoàn Kiếm, Hà Nội và online qua Zoom.  

Tài liệu đọc trên website Văn Bản: 
1.    Anh Hoa, “Nhịp”: bối cảnh câu chuyện Katherine Mansfield và hai tờ tạp chí
2.    Katherine Mansfield, “Ngợp”: truyện ngắn chủ đề rút ra từ tập truyện cùng tên, sắp phát hành (An Thanh dịch)
3.    John Middleton Murry và Katherine Mansfield, “Nghĩa của Nhịp” (Chi Quân dịch) 
4.    Mansfield bình luận Virginia Woolf, trên báo và trong thư riêng cho Murry (Hạo Nguyệt dịch)
Theo dõi chủ đề Mansfield trên Văn Bản.

Module 4: Henry James và nghệ thuật hư cấu 

Module 5: Thực tại luận Balzac

Module 6: Bruno Schulz: văn chương thức thứ

Module 7: Giới hạn của ngôn ngữ: Bernhard và Bachmann

 

Link đăng ký tham gia & theo dõi các hoạt động của FORMA

formaTION

FormaTION 1: Quốc-ngữ 

FormaTION 2: Một căn phòng  

FormaTION 3: Chương trình Mỹ

FormaTION 4: Phê bình cũng có lịch sử?

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công