tiếp tục correspondence ở kia,
cũng song song với correspondence & căn phòng trên Văn Bản
Rất lâu về trước, khi lần đầu tiên đọc Marcel Proust tôi đã bị ngợp bởi những gì ngôn ngữ có thể làm được, và như thế đương nhiên không thể thấy gì rõ ràng, cuộc đọc giống như một cú va chạm mạnh, từng câu từng đoạn không cho phép lướt qua dễ dàng mà không bắt tôi làm một cuộc sắp xếp câu từ theo đúng nghĩa đen để có thể hiểu được. Tôi chỉ có thể dự cảm được đây là một thứ hoàn toàn khác với những gì đã từng đọc trước đây, kể cả cách diễn đạt cũng như những ý mà từ trang sách phát ra, và vì đó là một cuốn sách thật dày với khổ sách to khủng khiếp thành thử tôi sợ mình quên mất những ngỡ ngàng vào thời khắc tuyệt diệu này, cùng lúc (có lẽ cũng vì thế) nảy ra ý nghĩ rằng biết đâu lần đọc lại những mù mờ ấy có thể sáng sủa thêm. Tôi không do dự mà làm một hành động, mà tôi ngầm hiểu là một điều xấu xa vì có lần nghe một người bạn lớn tiếng chỉ trích những ai cầm sách lên rồi đặt xuống không mấy nhẹ nhàng ngay ngắn, đó là gập lại ở góc trên những trang nào mà ngay lúc ấy tôi cảm thấy quan trọng và dù đọc đi đọc lại vẫn không cách nào hiểu được nghĩa, rồi nhanh chóng thấy cũng phải thực hiện cùng cách với những trang tôi quá yêu mến sợ rằng mình quên mất. Chẳng mấy chốc tôi phải quản lý chúng, những chỗ gập ấy, vì sự thể là trang sách quá lớn nên đôi khi trong một trang có hơn một sự việc mà con mắt quáng gà chỉ lờ mờ dự cảm được, tôi phải gập cả mép trên và mép dưới; nhưng như vậy vẫn chưa thỏa đáng, chẳng nhẽ những đoạn và câu ấy, những sự việc hay mô tả ấy có cùng một mức đáng lưu ý hay sao, tôi-quáng mắt lúc ấy ngại ngần cho sự bỏ lỡ của tôi-sau này, vậy là có những chỗ gập hai nếp, có một vài chỗ tôi lại cật lực gập làm sao dày hơn để cho tôi-sau này khi nhìn vào, tôi-lúc ấy nghĩ, không thể bỏ qua mà nhất định phải lật ngay đến nó. Kết quả là quyển sách của tôi trở nên thảm thương hơn bất kỳ quyển sách nào khác, về sự tàn phá này tôi không cảm thấy được ngay lập tức bởi những bừng sốt kia vẫn dai dẳng. Thậm chí đến cả lần đọc, sau đó một thời gian, quyển Marcel Proust thứ hai, thói quen ấy không những chưa hiện nguyên hình mà còn được thực hiện với sự quản lý lớp lang nhiều tự chủ hơn. Chỉ đến khi kết thúc quyển ấy rồi và quay lại với quyển đầu, đọc đến những trang đánh dấu trước tiên, những tuyệt vời hứa hẹn trong trang sách quá khứ chẳng thấy đâu, và tuy có được bù lại bởi những trang khác thì cũng chỉ làm tôi khó chịu thêm bởi lẽ tôi-quáng gà hôm trước làm sao mà lại quáng gà như thế, và không chỉ những trang mà cả trường đoạn bắt đầu hiện lên rõ hơn bởi lúc này không còn bị thôi thúc bởi việc đi tìm kết cục của chúng. Dần dà những cột mốc ấy hiện rõ vẻ nhếch nhác, và ngoài bực dọc thì tôi còn sợ rằng sẽ bị dẫn đi lạc bởi chúng. Những mốc định vị, cũng như những con số trên mặt đồng hồ, làm cho con đường mất đi toàn bộ những bất ngờ hứa hẹn mở ra sau khúc cua và thời gian không còn độ co giãn vốn dĩ. Cho đến khoảng một phần tư quyển sách, không thể chịu đựng được nữa, như một người đang trong cơn xúc cảm quá đỗi tình cờ quay qua một bên ngỡ ngàng gặp bản mặt rúm ró của chính mình, tôi hạ quyết tâm gỡ ra cho bằng hết những trang sách đã đánh dấu. Sau đó tôi cật lực, một cách vô vọng như người ta nói thật khó để bắt mình cố quên đi, giữ sao cho mỗi lần lật sang trang mới mắt không bắt gặp góc trang sách bị hủy hoại thảm thương, nhỡ đâu đó là một cột mốc giả.
Một trong những đoạn bị đánh dấu ác liệt nhất, vì tôi cũng lờ mờ không hiểu như nhân vật chính, là khi tác giả trình bày văn bản tả tháp chuông khi quan sát trên một chiếc xe ngựa đang chuyển động. Tháp chuông sừng sững khẳng định dấu hiệu của Chúa trên một vùng quê, như một vật thể không di dời, không thể là gì khác nhưng cùng lúc lại hiện ra với nhiều vẻ khác nhau, và sự biến đổi kịch tính ấy hấp dẫn khôn cưỡng trước con mắt trẻ thơ, dù cậu bé không hiểu nó có nghĩa là gì. Một vật thể, nếu tạo ra đúng cách bởi những ý hướng rõ ràng và không kèm dục vọng trở nên một thứ khác, tạo ra sự an tâm lớn cho người ta mỗi khi cần phải nhìn vào một thứ gì cố định cho qua cơn váng vất. Quyển sách cũng vậy, khi người ta cần đến chỉ riêng vì sự đọc, bản thân nó là thứ trước tiên giúp người đọc vào hướng đúng của chuyển động, hay là không làm chệch hướng. Vốn là đồ vật, quyển sách không có một ngôn ngữ thứ hai, những thứ tưởng chừng vô hại nhưng dễ dàng nhân lên nếu không bị kìm hãm và đến một lúc nào đó, bị tất tật những huyễn tưởng kia bao bọc, đồ vật ấy hoàn toàn trở nên một vật ngoan ngoãn, quá con người, biết nghe lời, được đặt trang trọng trong những phòng trưng bày, những phòng tiếp khách (những người, không hề ít, đưa ra ví dụ, trong một cuộc giáo dục con trẻ đọc sách, rằng người Do Thái khi trang trí phòng khách thì trưng bày kệ sách – đại diện cho tri thức – thay vì những thứ đồ vật vô nghĩa… thì có lẽ chính người ấy, bằng cách để cho ý rơi rớt thành tiếng động, cũng đang muốn tin vào ý đó).
Thomas De Quincey từng, trong vô vàn những quan sát của mình thời trẻ khi trên đường tìm đến với chuyển động của lãng mạn, được tận mắt chứng kiến cách đối đãi với quyển sách của các nhà thơ sống ở vùng Lake. Robert Southey và William Wordsworth, hai người láng giềng vùng Lake (cách nhau đến 13 dặm nhưng đây là vùng quê heo hút) mà ngay khi chứng kiến cảnh gặp mặt De Quincey quả quyết quan hệ giữa họ không đặc biệt thân thiết và chỉ dừng lại ở mức lịch sự xã giao. Và bên cạnh việc khác nhau về quan niệm thơ ca cũng như nhiều chủ đề khác, De Quincey còn ghi nhận một hoàn cảnh còn giải thích cho sự khác biệt của hai nhà thơ này. Robert Southey, con người vô cùng nhã nhặn lịch thiệp với bạn bè tuy có bản chất của một người độc thân già, có một ngôi nhà đầy những đồ vật đẹp; và tất nhiên, ông muốn những cuốn sách của mình được giữ ở mức tương tự - được đánh sáng bóng để trưng bày; ông cũng có một thư viện riêng lộng lẫy vô cùng yêu quý, mà Coleridge gọi đó là vợ của ông ấy (Coleridge và Southey lấy hai chị em ruột và ở cùng nhà), được đặt ở căn phòng lớn nhất và dễ chịu nhất trong nhà; ông dường ở lỳ trong thư viện làm việc và có những cung cách đặc biệt tao nhã trong việc đọc sách, thứ Wordsworth cho là cầu kỳ cảnh vẻ. Điều đó hoàn toàn trái ngược với giá sách vô cùng khiêm tốn của Wordsworth, được dựng lên lối được chăng hay chớ đặt vào hốc cạnh lò sưởi trong căn nhà đơn sơ (sau này trở thành chính căn nhà của De Quincey và được nhắc tới trong Gentleman cắn thuốc phiện, kích thước được mô tả của căn phòng có lò sưởi này cũng tương đương với căn phòng tưởng tượng mà nhà văn yêu cầu họa sĩ trang trí), trên đó nhét gọn hai hay ba trăm tập sách bị cắt xén tả tơi, và mọi thứ cho thấy rằng chúng bị vần vò trong khi sử dụng chứ không hề có khả năng dùng để trưng bày.
Với sự say mê trí tuệ vô cùng mạnh mẽ, hoàn toàn khác xa với sự thô tục, Wordworth vồ lấy và quyết moi bằng được cái lõi ngay khi đối diện với một quyển sách mới. Coleridge cũng thường làm hỏng một cuốn sách, nhưng theo cách, dù khiến quyển sách không còn sử dụng được nữa, làm phòng phú thêm nó bằng rất nhiều ghi chú có giá trị, ném ra cả một kho tàng lời lẽ, một trí tuệ tổng hợp, những bình luận ở nhiều góc độ và màu sắc… Wordsworth lại hiếm khi viết lên lề, và nếu có thì cũng chỉ những lời vắn tắt chung chung hoặc kỳ quặc. Tuy vậy Wordsworth phá hủy quyển sách lối khủng khiếp hơn nhiều, De Quincey kể lại một sự việc làm mình ấn tượng ghê gớm về sự nuông chiều bản thân của nhà thơ khi chạm vào những cuốn sách. Một lần ngồi vào bàn uống trà với Wordsworth trong căn nhà được tiếp đón, De Quincey chứng kiến nhà thơ lấy xuống một quyển sách mới, và thật không may là nó chưa được rọc; tình cờ trà và bánh mì nướng được đem ra ngay lúc ấy, bánh mì nướng thì cần bơ, mà bơ thì phải có dao, con dao cũng đã làm nhiệm vụ của nó và ở trên bàn; và không hề chần chừ, Wordsworth lấy ngay con dao, còn lấm vệt bơ, rạch vào các trang sách, để lại không ít dấu vết vinh dự của con dao trên đó. Sự nôn nóng và dễ dãi thái quá này có lẽ khiến Wordworth trở thành một con quái vật trong mắt Southey, người mà thư viện yêu dấu là toàn bộ tài sản. Southey sống trong thư viện, còn Wordsworth thì sống ngoài trời, và sự khác biệt về thói quen có lẽ ít nhiều khiến Wordsworth bị xa lánh. “Đưa Wordsworth vào thư viện nhà ai đó thì cũng giống như thả một con gấu vào vườn hoa tulip,” Southey nói.
(08/12/2024)