Về Törless
Những nỗi hoảng hốt của cậu học sinh Torless là cuốn sách đầu tay của Robert Musil, được xuất bản lần đầu năm 1906. Cùng thời với Törless, hai tiểu thuyết ngắn khác cùng viết về các băn khoăn đầu đời của thanh thiếu niên có thể kể đến Le Grand Meaulnes của Alain-Fournier (1913) và Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ của James Joyce (1916). Đây là những tác phẩm tiêu biểu đầu thế kỷ 20, không chỉ khắc họa được một dấu mốc quan trọng trong lịch sử, mà chúng còn được dành cho một đối tượng hết sức đặc biệt: adolescent. Chúng viết về sự trưởng thành, về những bước ngoặt trong nhận thức, nỗ lực lý giải bản thân và thế giới, suy tư về danh tính và bản tính con người, và về những ham muốn được phơi bày hoặc bị kìm nén. Những tác phẩm này đều chăm chú nhìn vào những năm đầu của thế kỷ 20 như thể muốn bóc trần hết những sự thật gai góc trước đó mới chỉ được nhắc đến rất ít trong văn chương. Và riêng trong tiểu thuyết Những nỗi hoảng hốt của cậu học sinh Törless, đằng sau những phơi bày về căn tính con người, sự cứu rỗi chưa bao giờ là điều Musil hứa hẹn với độc giả của mình.
Dù không phải là một cuốn sách về tôn giáo, thế giới trong truyện của Musil và thế giới nội tâm của Törless dễ khiến người ta liên tưởng tới đoạn mở đầu của Book of Genesis khi tất cả đều là hư vô và trống rỗng, bóng tối bao phủ vực sâu. Thế giới trong trường nội trú của Törless hiện đại nhưng tăm tối, những chuyến xe lửa, sự nghiêm ngặt của kỷ luật quân đội, và những thí nghiệm tiêu khiển của nhóm học sinh nội trú mà đối tượng là các cá thể đồng loại khác. Phải nói thêm rằng, chính cha đẻ của cuốn tiểu thuyết là người hiểu rõ hơn ai hết bối cảnh mà ông tạo ra, bởi Musil đã từng là một học sinh nội trú trong năm năm từ khi lên 12 tới lúc khi 17 tuổi. Ông được gia đình cho theo học tại trường nội trú (tên ngôi trường chưa bao giờ được nhắc tới ở trong truyện) rèn luyện những thanh thiếu niên với một mục đích duy nhất là trở thành những người phục vụ cho quân đội của đế quốc Áo-Hung. Quãng thời gian này ảnh hưởng sâu sắc tới Musil, ông chán ghét và từ bỏ môi trường quân đội ngay khi có cơ hội. Thời kỳ Đế quốc Áo-Hung cũng là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử châu Âu, đặc biệt là vùng Trung và Đông Âu. Thời kỳ quân chủ kép này (Austria-Hungary Dual Monarchy) là bước chuyển mình để tiếp tục nắm giữ quyền lực của nhà Habsburg - vương triều giàu có và quyền lực bậc nhất lục địa kể từ 1526 tới 1918 và đã hình thành nên đấu trường chính trị trải dài từ phía Nam Sicily tới phía Bắc Silesia, từ Bồ Đào nha và Tây Ban Nha phía Tây tới phía Đông Galicia.
Bối cảnh chính của cuốn tiểu thuyết về cậu bé Töless là những năm chuyển giao chính trị và thể chế mới của thời kỳ quân chủ kép ấy. Cuốn sách được đánh giá là “sự hoang mang của những tân binh phản ánh sự hỗn loạn của thể chế hai vương triều”. Trong giai đoạn này (fin de siècle) Vienna đặc biệt chứng kiến sự phát triển trong các phong trào học thuật và văn hóa nghệ thuật, từ những tên tuổi như Freud, Wittgenstein, Schönberg tới Gustav Klimt, Hugo von Hofmannsthal và Adolf Loos, mà ngay cả giới trí thức ở Paris hay London lúc bấy giờ cũng phải chú ý đến. Vienna trở thành nơi hội tụ các tinh hoa thế kỷ, như một quả núi lửa từng ngủ yên, giờ đây Vienna bùng nổ với những thành tựu cấp tiến trong văn hóa nghệ thuật, từ đả kích (Altenberg, Kraus) tới duy mỹ, từ tính dục tới chính trị, những khám phá mang tính cách mạng và cả những nỗ lực trong việc gìn giữ căn tính nước Áo, và hơn hết sự phát triển này không ngừng phá bỏ các giới hạn và thách thức xã hội trong việc định nghĩa những gì được coi là chuẩn mực chung. Không có gì là cấm kỵ và không thể trở thành một đề tài đáng nói trong không gian thảo luận của thành phố, tại thời điểm đó. Những lý thuyết mới liên tục được tìm kiếm và tạo ra, Freud với những lý thuyết về tâm phân học, Schönberg tìm ra một ngôn ngữ âm nhạc mới, Wittgenstein khai sinh một tư tưởng triết học mới. Vienna đã trở thành “the brave new world” trong những năm này và Musil là một trong những tác giả được đào tạo ra từ thế giới đó.
Musil sinh năm 1880, như đã nói ở trên, thời niên thiếu ông từng dành năm năm tại trường nội trú quân đội cho tới khi quyết định học ngành kỹ thuật, sau này khi tìm được niềm đam mê văn chương, Musil đã quyết định trở thành một nhà văn tự do. Sau khoảng thời gian viết luận, truyện ngắn và sáng tác kịch, phục vụ quân đội Áo trong thế chiến thứ nhất với vai trò hành chính là lưu trữ viên tại Ban Báo Chí Chiến Tranh - Kriegspressequartier (trong thời gian ấy Rilke cũng làm việc tại đó), Musil tập trung toàn bộ sức lực và thời gian cho magnum opus của mình, cuốn tiểu thuyết Der Mann ohne Eigenschaften (Người không phẩm chất). Trong hai cuốn tiểu thuyết lớn và tiểu thuyết đầu tay của Musil, sự tách rời, hay tha hóa (alienation) hiện hữu trong cả hai nhân vật trung tâm là Ulrich và Törless. Ulrich - nhân vật chính trong Der Mann ohne Eigenschaften tách rời khỏi thực tại, trong khi sự tách rời của Töless mang dấu ấn mạnh mẽ hơn về mặt tâm lý nhân vật.
Một sự nặng nề không kém phần căng thẳng bao trùm lên toàn bộ cuốn tiểu thuyết được bắt đầu với hình ảnh những đường ray xe lửa thẳng tắp song song, dài bất tận, không thấy điểm giao nhau. Những đường ray được tạo ra để được móc nối với nhau, giúp cho việc vận hành các cung đường trở nên đơn giản hơn; song hình ảnh Musil sử dụng gợi ra sự liên tưởng về một hành trình không hồi kết và những sự tách rời. Đoạn mở đầu đã thành công trong việc vẽ ra một bối cảnh của xã hội nơi mọi thứ ta thấy đều là cơ giới hóa, và sự vô hồn của thế giới đó khiến người ta tự hỏi, phải chăng tâm hồn của những con người nơi đây đã mục ruỗng? Và nó cũng hé lộ về một đặc tính của Törless: trạng thái tách biệt (alienation) mà cậu bé luôn trải qua. Luôn luôn có hai thế giới song song trong cuốn tiểu thuyết, và bản thân Törless cũng mang những cá tính khác biệt khi sống trong những thế giới khác nhau, khi ở trường nội trú - khi ở nhà, khi ở cùng với hai tên bạn Reiting và Beineberg - khi ở một mình. Thoạt nhìn, cậu là một học sinh tò mò và có sự quan tâm tới thế giới bên ngoài, và là một người con lễ phép. Trạng thái tách biệt xảy ra bên trong Törless khi cậu nhận ra những cảm nhận của mình về thế giới xung quanh đòi hỏi bản thân phải lý giải những xúc cảm mà cậu tiếp nhận được từ bên ngoài. Nghĩa là Törless thường xuyên có sự thôi thúc tách mình ra khỏi những kinh nghiệm mà cậu đang trải qua để trở thành một chủ thể khác, đứng song song với chủ thể đang trải nghiệm. Sự phân tách này là kết quả của những đổ vỡ xảy ra bên trong Törless xuyên suốt hành trình lớn lên ở ngôi trường nội trú quân đội, sự đổ vỡ nơi thân thể, dục vọng, đạo đức và cả trong linh hồn.
Musil đã khắc họa những hiểm họa tiềm ẩn của một học viện quân sự trong một thế giới được cho là hiện đại, một môi trường mà khi ta quan sát kỹ hơn sẽ bộc lộ những dấu hiệu cho thấy nó là cái nôi nuôi dưỡng các mầm mống của tư tưởng phát xít. Sự đối lập giữa thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm được cô đọng trong hình ảnh căn phòng đỏ (red room), một nơi ẩn náu sâu trong gác mái của trường học, nơi ba cậu thiếu niên, bao gồm cả Törless, thí nghiệm lên người cậu bạn bất lực của mình những hành động tàn ác. Những hành động này bắt nguồn từ điều mà Musil gọi là nền tảng tăm tối trong nội tâm của con người, và điều đó mang đến một lời tiên tri u ám về tư duy toàn trị (totalitarian mentality). Trường quân sự không chỉ là một nhà tù kiểu mẫu mà còn là biểu tượng thu nhỏ của xã hội quân chủ kép. Những chuyến đi của các cậu bé tìm tới chốn cô gái điếm Slovak đã làm nổi bật định kiến chủng tộc ở rìa ngoài cùng của xã hội nước Áo, nơi mà toàn bộ hệ thống được xây dựng được dựa vào. Với Musil, cái cá nhân luôn luôn hòa quyện vào cái xã hội; sự phân biệt giai cấp tất yếu dẫn đến hiểm họa.
Có thể nói chủ đề trung tâm mà Musil khái thác bắt nguồn từ phát biểu của Ernst Mach (đây là đối tượng nghiên cứu để Musil viết luận án tiến sĩ): Cái tôi không thể được cứu rỗi (Das Ich ist unrettbar), điều này đánh dấu sự kết thúc của tâm lý học theo trường phái Descartes và khuyến khích Musil theo đuổi con đường riêng của mình, mang tính phản cá nhân chủ nghĩa. Đối với cả Mach và Musil, tâm trí con người đa dạng như chính thế giới. Vì thế sau khi những học thuyết về đạo đức của Kant không thể giúp Törless hòa giải được các xung đột giữa lý trí và cảm xúc từ kinh nghiệm cá nhân, cậu chọn đi theo các ý tưởng duy nghiệm của Mach, đánh dấu khoảnh khắc cậu không chỉ đứng xem mà bắt đầu tham gia những thí nghiệm đen tối và vô nhân tính trong căn phòng đỏ. Tất cả những tìm kiếm đó cốt chỉ để phục vụ cho ý muốn lý giải được cho chính cậu về danh tính và sự tri nhận bản thân. Khoảnh khắc Törless cố gắng nắm bắt và đặt câu hỏi về danh tính của bản thân: "Có phải là một quy luật phổ quát rằng có điều gì đó trong chúng ta mạnh mẽ hơn, lớn lao hơn, đẹp đẽ hơn, nhiều say mê hơn và tối tăm hơn chính bản thân chúng ta?" cũng chính là lúc: “cậu quan sát thấy chính mình, và tất cả những gì cậu thấy là một sự trống rỗng vô tận”. Dường như cũng chính trong khoảnh khắc này Musil nhận ra, một sự hư vô (nihilism) nằm sâu trong bản chất loài người và chính những khát khao tìm ra câu trả lời minh bạch cho danh tính và ý nghĩa tồn tại đã đưa Musil hay nhân vật Töless của ông vào cõi mờ mịt, không bao giờ có thể nắm bắt được.
Hoàng Hiền
những cuộc đọc gần đây
Roth, Mauriac, và hai chuyển động của linh hồn