Stevenson: Thư gửi
Như nhiều nhà văn khác, Stevenson nhận được các request từ những người trẻ tuổi muốn được khuyên nhủ. Và, giống nhiều người khác (chẳng hạn Rilke), Stevenson trả lời - tức là khuyên những người ấy, bằng cách đó mà tự nhập mình vào một truyền thống lâu đời: trở thành một dạng mentor cho một ai đó chắc hẳn đang mất phương hướng. Literature này (một dạng correspondence đặc thù) rất phong phú trong lịch sử, tuy chẳng ai thực sự biết cái đó có ích lợi gì hay không. Ngược lại, chắc chắn người ta rất thích đọc dạng văn chương ấy, nhất là khi nó được viết bởi các nhà văn lớn.
Thư gửi anh chàng định theo đuổi nghệ thuật (Letter to a Young Gentleman Who Proposes to Embrace the Career of Art) được Stevenson viết năm 1888, hay tìm được trong tập tiểu luận Across the Plains.
Với sự thẳng thắn tốt lành của tuổi trẻ, bạn gửi thư cho tôi hỏi về một vấn đề thực tiễn hệ trọng với chính bản thân bạn và (thậm chí có thể thấy rõ) mang ít nhiều tầm quan trọng đối với thế giới: Bạn có nên trở thành một nghệ sĩ hay không? Đó là điều bạn phải hoàn toàn tự mình quyết định; tất cả những gì tôi có thể làm là bày ra trước sự chú ý của bạn vài chất liệu cho quyết định ấy; và tôi sẽ bắt đầu, như cũng có thể sẽ kết luận, bằng việc đảm bảo với bạn rằng tất tật phụ thuộc vào thiên hướng.
Biết mình thích gì là khởi đầu của sự khôn ngoan và của tuổi già. Tuổi trẻ thì hoàn toàn là thử nghiệm. Tinh chất và cái quyến rũ của thời kỳ đầy bất an và thú vị này là sự vô tri đối với bản thân cũng như trước cuộc sống. Hai cái không biết ấy hết lần này tới lần khác chàng trai trẻ mang theo đồng thời, khi thì với cú chạm khẽ khàng nhất, khi thì với một cái ôm siết đắng cay; khi với niềm hân hoan tuyệt cùng, khi với cơn đau xé; nhưng không bao giờ với sự thờ ơ, thứ anh ta hoàn toàn xa lạ, và không bao giờ với người anh em của thờ ơ, sự hài lòng. Nếu anh ta là một thanh niên có những giác quan tinh nhạy hay một bộ não dễ dàng bị hun nóng, sự thích thú trước loạt thử nghiệm này sẽ tăng lên vượt quá mọi vui thú mà anh ta nhận được. Cái đẹp không phải là thứ anh ta yêu, niềm vui cũng không phải thứ anh ta tìm, dẫu có lẽ anh ta nghĩ thế; dự đồ và phần thưởng đích đáng của anh ta là xác minh sự tồn tại của bản thân và nếm trải sự đa dạng của phận người. Với anh ta, trước khi những bén nhạy của tính tò mò cùn đi, tất tật những gì không phải cuộc sống đích thực và cuộc truy đuổi hầm hập của kinh nghiệm đều mang bộ mặt khô khan kinh tởm hầu như không thể nhớ được vào hôm sau; hoặc giả có bất kỳ ngoại lệ nào - và ở đây số phận bước vào - thì đó là các khoảnh khắc khi, mệt bã hay phát ngấy sau những hoạt động chính của giác quan, ký ức anh ta nảy ra hình ảnh những nỗi đau và niềm vui đã kinh qua. Thế nên một người như vậy lẩn tránh những nghề khô khan, và vô tình hướng về sự nghiệp nghệ thuật chỉ bao gồm việc nếm trải và ghi nhận kinh nghiệm.
Điều này, vốn chẳng phải là một thiên hướng nghệ thuật nhiều hơn so với sự thiếu kiên nhẫn nơi các công việc lương thiện khác, thường tồn tại tách riêng một mình; và tồn tại như thế, nó nhẹ nhàng trôi đi cùng năm tháng. Thật rõ ràng, không nên coi trọng nó; đó không phải một thiên hướng, mà là một cám dỗ; và khi người cha của bạn một hôm nào đó đã hết sức quyết liệt và (theo quan điểm của tôi) rất thích đáng ngăn cản tham vọng của bạn, không phải là không có khả năng ông ấy đang nhớ lại một lối đi tương tự nào đó trong kinh nghiệm của bản thân. Vì sự cám dỗ thì có lẽ phổ biến cũng giống như thiên hướng thì hiếm. Nhưng nữa, chúng ta có các thiên hướng không hoàn chỉnh; chúng ta có những người mà tâm trí bị buộc, không phải vào bất kỳ nghệ thuật nào, mà vào ars artium [tiếng Latin: nghệ thuật của nghệ thuật] chung chung và nền tảng thông thường của mọi công việc sáng tạo; những người lúc thì đắm chìm vào hội họa, khi lại nghiên cứu đối âm, và thoắt cái đã viết ngay một bài sonnet: tất tật những việc ấy với cùng mức hứng thú, tất tật thường là với kiến thức đúng nghĩa. Và về tính khí này, khi nó đứng riêng một mình, tôi thấy khó mà biết chắc được; nhưng tôi sẽ khuyên một người như thế hãy viết, vì trong văn chương (cả một mạng lưới rộng lớn) tất cả thông tin của anh ta có thể hữu ích một ngày nào đó, và nếu anh ta cứ tiếp tục như vậy, và rốt cuộc chuyển sang phê bình, anh ta sẽ học được cách sử dụng các công cụ cần thiết. Cuối cùng chúng ta đến với những thiên hướng vừa dứt khoát lại vừa cụ thể; những người được sinh ra với tình yêu màu sắc, dục vọng hội họa, năng khiếu âm nhạc, hay nỗi thôi thúc tạo ra các từ, cũng giống như người khác sinh ra với tình yêu săn bắn, hay biển, ngựa, máy tiện. Những điều này đã được định sẵn; nếu một người yêu sự lao động của bất kỳ nghề nào, cách xa bất kỳ đòi hỏi nào về thành công hay danh tiếng, thì tức là các vị thần đã gọi anh ta. Anh ta cũng có thể có thiên hướng chung: anh ta có thể biết thưởng thức mọi loại nghệ thuật, và tôi nghĩ là anh ta thường làm vậy; nhưng dấu hiệu ơn gọi của anh ta là sự biệt đãi rất cần cù với một công việc, là niềm say mê không thể dập tắt với những thành công về mặt kỹ thuật của nó, và (có lẽ là trên hết) một sự thẳng thắn nhất định trong tâm trí để thực hiện công việc khó nhằn vặt vãnh của mình cùng sự nghiêm trang tương ứng với sự chăm nom cả một đế chế, và nghĩ rằng ngay cả những cải thiện nhỏ nhất cũng đáng để hoàn thành bằng bất kỳ giá nào của thời gian và công sức. Quyển sách, bức tượng, bản sonata, phải được thực hiện với niềm tin không lý lẽ và tinh thần không mệt mỏi của đám trẻ con khi chúng chơi. Có đáng để làm không? - khi bất kỳ nghệ sĩ nào bỗng tự hỏi mình câu hỏi ấy, câu trả lời chắc chắn là không. Chuyện ấy không xảy ra với đứa trẻ khi nó chơi trò cướp biển trên sofa phòng ăn, cũng không xảy ra với thợ săn khi anh ta truy đuổi con mồi; và sự chân thành của người này hay sự hăng hái của người kia hẳn phải được hợp nhất trong trái tim người nghệ sĩ.
Nếu bạn nhận ra ở bản thân một khẩu vị dứt khoát như thế, không còn chỗ cho sự do dự: hãy đi theo khuynh hướng của mình. Và hãy lưu ý (kẻo tôi làm bạn nản lòng quá mức) rằng khuynh hướng thường không rực sáng ngay từ đầu, hay đúng hơn là không liên tục như vậy. Thói quen và thực hành mài giũa tài năng; sự nhất thiết của lao động khó nhọc trở nên bớt đáng sợ, thậm chí còn trở nên mời gọi, qua năm tháng; một sở thích nhỏ (nếu nó quả thật chân thành) hòa quyện với sự miệt mài tạo thành một dục vọng độc quyền. Đã là đủ, ngay bây giờ, nếu bạn có thể nhìn lại sau một quãng thời gian thích đáng, và thấy rằng lựa chọn nghệ thuật của bạn đã nhỉnh hơn một chút giữa vô vàn hứng thú của tuổi trẻ. Thời gian sẽ làm nốt phần còn lại, nếu sự tận tụy giúp sức, và chẳng mấy chốc suy nghĩ của bạn sẽ bị cuốn vào công việc yêu thích đó.
Nhưng ngay cả với sự tận tụy, bạn vẫn nhắc tôi nhớ đến việc, ngay cả với sự chăm chỉ đầy vui thích và không ngừng nghỉ, hàng nghìn nghệ sĩ đã lãng phí hoàn toàn cả đời họ, nếu xét về kết quả: một nghìn nghệ sĩ, và không có lấy một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng phần lớn nhân loại không có khả năng làm ra bất cứ thứ gì có thể chấp nhận được, nghệ thuật nằm trong số còn lại. Một nghệ sĩ vô giá trị chưa chắc đã là một thợ làm bánh hoàn toàn vô dụng. Và nghệ sĩ, ngay cả khi anh ta không làm công chúng thích thú, vẫn tự tiêu khiển cho bản thân mình; vì vậy sẽ luôn luôn có một người hạnh phúc hơn vì sự canh thức của mình. Đây là mặt thiết thực của nghệ thuật: pháo đài bất khả xâm phạm của nó dành cho người thực hành đích thực. Lợi nhuận trực tiếp - thù lao cho công việc ấy - rất nhỏ, nhưng lợi nhuận gián tiếp - thù lao của cuộc sống - thì lớn vô kể. Không có công việc nào khác mang lại cho con người miếng cơm manh áo hằng ngày với những điều kiện vui vẻ như vậy. Người lính và nhà thám hiểm có những khoảnh khắc phấn khích đáng giá hơn, nhưng chúng được mua bằng những gian khổ tàn khốc và những giai đoạn tẻ ngắt khiến ngôn ngữ khánh kiệt. Trong cuộc sống của nghệ sĩ chẳng giờ nào là không có niềm vui. Hãy xem một nhà văn, đây là loại sự nghiệp tôi hiểu rõ nhất; và quả thật anh ta làm việc với một chất liệu nổi loạn, như thế hành động viết bị gò bó và làm mệt nhọc cho cả con mắt và tính khí; nhưng hãy để ý đến nghiên cứu của anh ta, khi chủ đề quây lấy anh ta và chẳng thiếu các từ - theo một chuỗi liên tục những thành công nhỏ thời gian trôi qua; với một cảm giác đầy quyền uy như thể đang dịch chuyển những ngọn núi, anh ta sắp xếp những nhân vật nhỏ bé của mình; với vô vàn vui sướng, của cả tai và mắt, anh ta thấy cấu trúc từ hư không của mình lớn lên trên giấy; và cách mà anh ta lao động trong một nghề thủ công nơi toàn bộ chất liệu cuộc đời anh ta đều phải cống nạp, một nghề mở ra cánh cửa cho tất tật mọi sở thích, tình yêu, căm thù, và niềm tin của anh ta, bởi thế những gì anh ta viết chỉ là điều anh ta nóng lòng được thốt ra. Anh ta có thể đã tận hưởng rất nhiều thứ trong sân chơi bi thảm, rộng lớn này của thế giới; nhưng anh ta sẽ tận hưởng điều gì trọn vẹn hơn một buổi sáng làm việc thành công? Cứ cho là nó được trả công bèo bọt: nó được trả công đã là điều kỳ diệu lắm rồi. Những người khác phải trả giá, và trả giá đắt, cho những vui thú ít đáng khát khao hơn.
Thực hành nghệ thuật không chỉ mang lại cho bạn niềm vui; nó còn mang lại một sự rèn luyện đáng ngưỡng mộ. Bởi nghệ sĩ làm việc hoàn toàn dựa trên danh dự. Công chúng biết rất ít hoặc không hề biết về những giá trị mà để truy lùng bạn buộc phải bỏ ra những nỗ lực ghê gớm. Giá trị của việc phác thảo, giá trị của sức lực trực tiếp, giá trị của một việc vặt vãnh được hoàn thành nào đó mà một người có tính khí kiểu nghệ sĩ dễ dàng đạt được - những thứ họ nhận ra, những thứ họ coi trọng. Nhưng đối với những cái đẹp tinh hơn về trình độ và sự hoàn thiện, mà nghệ sĩ nhiệt thành khao khát và bởi vậy cảm nhận được thật bén nhạy, những thứ mà (theo lời mãnh liệt của Balzac) anh ta phải lao động “như người thợ mỏ bị chôn vùi trong một trận lở đất”, thứ mà, ngày này qua ngày khác, anh ta đúc lại rồi chỉnh sửa rồi loại bỏ - hầu hết công chúng mù tịt. Đối với những nỗi đau đã qua đó, giả như bạn đạt đến đỉnh cao nhất của giá trị, hậu thế có thể sẽ công bằng; cứ cho là, rất có thể, bạn gục ngã khi chỉ còn cách đỉnh cao nhất ấy độ dày một sợi tóc, cứ yên tâm rằng sẽ chẳng bao giờ có ai trông thấy. Dưới bóng của ý nghĩ lạ lùng này, cô độc trong phòng làm việc, nghệ sĩ phải duy trì sự kiên định với lý tưởng của mình từ ngày này qua ngày khác. Chính điều này làm cho cuộc sống của anh ta trở nên cao quý; chính điều này mà việc thực hành nghề thủ công của anh ta củng cố và nuôi dưỡng tính cách anh ta; chính vì điều này mà ngay cả vẻ mặt nghiêm nghị của hoàng đế vĩ đại cũng hướng về những môn đệ của Apollo (dù chỉ trong một khoảnh khắc) với vẻ tán thành, và giọng nói dịu dàng nghiêm khắc ấy ra lệnh cho nghệ sĩ phải yêu lấy nghệ thuật của mình.
Và ở đây cần phải có hai lời cảnh báo. Trước tiên, nếu muốn tiếp tục kiểm soát được bản thân, bạn phải cảnh giác trước những dấu hiệu đầu tiên của thói lười biếng. Sự theo đuổi lý tưởng lối trung thực này chỉ có thể được hỗ trợ bằng nỗ lực liên tục; tiêu chuẩn thì dễ dàng bị hạ thấp, nghệ sĩ nào bảo rằng “Sẽ ổn cả thôi” chắc hẳn đang trên đà đi xuống; đôi khi chỉ cần ba hay bốn thế phẩm dễ dãi (đặc biệt là vào sai thời điểm) để làm sai lệch một tài năng, và khi thực hành nghề báo người ta có nguy cơ trở nên gắn bó với sự hoàn thiện hời hợt. Đây là mối nguy ở một bên; nhưng ở bên kia cũng không kém. Ý thức về việc người nghệ sĩ là (và phải là) một quy tắc với chính bản thân mình, làm trụy lạc những tài năng nhỏ. Nhận thức về những công trạng bí hiểm rất khó đạt được, tạo ra hoặc nuốt chửng các công thức nghệ thuật, hay có lẽ say đắm tài năng đặc biệt nào đó của riêng mình, rất nhiều nghệ sĩ quên mất mục đích của mọi nghệ thuật: gây thích thú. Rõ ràng là vô cùng hấp hẫn khi tuyên bố chống lại đám tư sản ngu dốt; nhưng không nên quên rằng, chính anh ta là người trả tiền cho chúng ta, và đó là vì (chắc chắn ở trên bề mặt) những gì mà anh ta muốn được thưởng lãm. Ở đây, nếu xem xét kỹ, cũng có một vấn đề về sự trung thực siêu việt. Trao cho công chúng những gì họ không muốn, nhưng vẫn mong được trả công: chúng ta có một sự vờ vịt lạ lùng ở đó, và chẳng phải là hiếm, đặc biệt là với các họa sĩ. Nhiệm vụ đầu tiên trong đời của một người đàn ông là trả tiền cho đường đi của mình; khi đã hoàn thành điều đó, anh ta có thể lao vào bất kỳ sự lập dị nào anh ta thích; nhưng chắc chắn là không thể như vậy mãi cho đến lúc ấy. Cho đến lúc ấy, anh ta phải hết lòng chiều chuộng những nhà tư sản mang hầu bao. Và nếu trong quá trình thỏa hiệp này anh ta bóp méo tài năng của mình, nó không bao giờ có thể là một tài năng mạnh, và anh ta sẽ bảo tồn được một thứ còn tốt hơn tài năng - tính cách. Hoặc nếu anh ta có một tâm trí độc lập đến mức không thể khuất phục trước điều bắt buộc này, vẫn còn một lối mở ra: anh ta có thể từ bỏ nghệ thuật, và theo đuổi một lối sống mạnh mẽ hơn.
Tôi nói về một lối sống mạnh mẽ hơn, đó là điểm mà tôi phải thẳng thắn. Sống theo thú vui không phải là một khuynh hướng cao cả; nó liên quan đến sự bảo trợ, dù có che đậy thế nào; nó xếp nghệ sĩ, dẫu tham vọng thế nào, vào cùng hạng với những cô gái thích làm dáng và những cơ thủ bi-a. Người Pháp có lối nói lảng tránh đầy lãng mạn cho một nghề, và gọi người hành nghề là Con gái của Niềm vui. Nghệ sĩ cũng thuộc cùng gia đình ấy, anh ta là Con trai của Niềm vui, chọn lấy nghề nghiệp để làm hài lòng bản thân mình, kiếm sống bằng cách làm hài lòng người khác, và từ bỏ phần nào đó thuộc về phẩm cách nghiêm khắc hơn của con người. Các tạp chí mới đây vừa lên án chống lại nhà quý tộc Tennyson; và người Con trai của Niềm vui này bị khiển trách là đã hạ mình khi noi gương Lord Lawrence và Lord Cairns và Lord Clyde. Nhà thơ đã được truyền cảm hứng một cách vui vẻ hơn; theo cách khiêm tốn hơn ông chấp nhận vinh dự này; và các nhà báo nặc danh vẫn chưa (nếu tôi tin họ) khôi phục được sự ô nhục thay thế cho nghề nghiệp của họ. Khi đến lượt mình, những quý ông kia có thể tự mình đối xử công bằng hơn; và tôi sẽ rất vui khi nghĩ về điều đó; vì với con mắt man rợ của tôi, ngay cả Lord Tennyson cũng có vẻ hơi lạc lõng trong hội đồng ấy. Không nên có vinh dự nào cho nghệ sĩ; anh ta đã, trong quá trình thực thi nghệ thuật của mình, được hưởng còn nhiều hơn cả phần mình trong phần thưởng của cuộc sống; niềm vinh dự được dành cho những nghề khác, kém thú vị hơn và có lẽ hữu ích hơn.
Nhưng nanh ác trong những nghề làm hài lòng này thì không thể làm hài lòng. Ở những nghề thông thường, một người sẵn sàng làm một việc nhất định nào đó hay sản xuất ra một mặt hàng nhất định với một sự hoàn thành chỉ thuần túy là thông lệ, một dự đồ (chúng ta hầu như có thể cho là) khó có thể thất bại. Nhưng nghệ sĩ bước ra khỏi đám đông và đề xuất làm hài lòng: một dự đồ trơ trẽn, thứ không thể thất bại nếu không có những tình huống gớm ghiếc. Người Con gái của Niềm vui khốn khổ, mang nụ cười và bộ đồ lộng lẫy của mình hoàn toàn bị phớt lờ giữa đám đông, tạo ra một hình tượng không thể nhớ lại mà không kèm lòng thương hại xót xa. Cô ta là kiểu nghệ sĩ không thành công. Diễn viên, vũ công, và ca sĩ phải xuất hiện giống như hiện thân của cô ta, và công khai uống cạn chén đắng của thất bại. Nhưng dẫu phần còn lại trong chúng ta thoát khỏi nỗi cay đắng tột cùng của sự bêu riếu, tất tật chúng ta về bản chất đều chuốc lấy cùng một nỗi nhục nhã. Chúng ta tất thảy đều tuyên bố có thể làm vui. Và thật ít người trong chúng ta làm được! Chúng ta tất thảy đều tự hứa sẽ có thể tiếp tục làm vui. Và ngày ấy sẽ đến với mỗi người, thậm chí cả với ai được ngưỡng mộ nhất, khi nhiệt huyết đã giảm sút và sự xảo quyệt mất đi, và anh ta sẽ ngồi ngượng ngùng bên cái rạp vắng ngắt của mình. Rồi thì anh ta sẽ thấy mình bị kết án phải làm công việc mà anh ta phải xấu hổ nhận lấy tiền công. Rồi thì (như thể số phận còn chưa quá tàn khốc) anh ta phải nằm phơi mình cho sự chế nhạo của những kẻ phá hoại bằng báo chí, những kẻ kiếm được miếng bánh nhỏ đắng ngắt bằng cách lên án những thứ rác rưởi mà họ chưa đọc, và ca ngợi sự xuất sắc mà họ không thể hiểu.
Và hãy lưu ý rằng đây có vẻ như là mục đích bắt buộc ít ra đối với nhà văn. Les Blancs et les Bleus (chẳng hạn) thuộc về một thứ hạng rất khác với Le Vicomte de Braglonne [cùng là hai tiểu thuyết của Alexandre Dumas]; và nếu bất kỳ quý ông nào có thể chịu đựng được việc nhìn trộm sự trần trụi của Castle Dangerous [Walter Scott], thì tôi nghĩ tên người ấy là Ham: cứ để cho phần còn lại trong chúng ta đọc nó (không phải là không nhỏ lệ) từ các trang của Lockhart là đủ [tức Memoirs of the Life of Sir Walter Scott, Bart, của John Gibson Lockhart]. Bởi vậy lúc về già, khi mà việc sống cố định và thoải mái là rất cần thiết, nhà văn phải gác lại cả thú tiêu khiển và cần câu cơm của anh ta. Quả thật là họa sĩ, giả như anh ta thành công trong việc thu hút sự chú ý của công chúng, kiếm được rất nhiều tiền và có thể đứng vững nhờ giá vẽ của mình cho đến khi già mà không phải chịu thất bại nhục nhã. Nhà văn có nỗi bất hạnh kép là được trả công ít khi có thể làm việc, và không có khả năng làm việc khi về già. Bởi vậy, đó là một cách sống dẫn trực tiếp đến một địa vị sai lầm.
Đối với nhà văn (dù có những ví dụ nổi tiếng về trường hợp đối nghịch) phải trông có vẻ được trả công bèo bọt. Tennyson và Montépin kiếm được rất khá; nhưng tất cả chúng ta không thể hy vọng đều được như Tennyson, và có lẽ không phải tất cả chúng ta đều muốn giống như Montépin. Nếu bạn chọn một môn nghệ thuật làm nghề, hãy loại bỏ ngay từ đầu ham muốn tiền bạc. Những gì bạn có thể mong đợi cách đường hoàng, nếu bạn có chút ít tài năng và rất chăm chỉ, là một khoảng thu nhập như một nhân viên văn phòng sẽ kiếm được với một phần mười hay có lẽ một phần hai mươi hiệu suất của thần kinh bạn. Bạn cũng không có quyền trông đợi nhiều hơn; trong khoản thù lao của cuộc sống, chứ không phải của nghề, mới có phần dành cho bạn; công việc ở đây chính là thù lao. Có thể thấy rằng tôi không mấy cảm thông với những than thở chung của lớp nghệ sĩ. Có lẽ họ không nhớ về tiền thuê người làm đồng; hay họ cho rằng không thể đặt ra sự tương ứng nào? Có lẽ họ chưa bao giờ được nhìn thấy khoản trợ cấp nghỉ hưu của một sĩ quan chiến trường; hay họ cho rằng những đóng góp của họ cho nghệ thuật làm hài lòng thì quan trọng hơn là sự phục vụ của một đại tá? Có lẽ họ quên mất Millet đã hài lòng với cuộc sống ít ỏi thế nào; hay họ cho rằng, bởi những người kia có thiên tư kém hơn mà họ được miễn khỏi việc thể hiện những đức tính ngang hàng? Nhưng có một điểm không nên nghi ngờ: nếu một người không tiết kiệm, anh ta không có phận sự trong nghệ thuật. Nếu không tiết kiệm, anh ta sẽ rẽ thẳng đến xen bi kịch cuối cùng của Lão làm trò già [Baudelaire, Le Spleen de Paris]; nếu không tiết kiệm, anh ta sẽ khó mà có thể tiếp tục thành thực. Một ngày nào đó, khi tay bán thịt gõ cửa, anh ta có thể sẽ bị cám dỗ, có thể bị buộc phải ra ngoài và bán một tác phẩm luộm thuộm. Nếu như nghĩa vụ phát sinh không phải do sự bừa bãi của anh ta, thậm chí anh ta còn bị ra lệnh; vì không từ ngữ nào có thể diễn tả được sự bức thiết mà một người đàn ông phải chu cấp cho gia đình mình, hơn là việc anh ta phải đạt được - hoặc duy trì - sự xuất chúng trong nghệ thuật. Nhưng nếu áp lực ập đến, bởi lỗi của chính mình, anh ta phải ăn cắp, và ăn cắp dưới sự ủy thác, và ăn cắp (điều tồi tệ nhất) theo cách mà chẳng có luật nào đụng đến anh ta.
Và giờ có lẽ bạn sẽ hỏi tôi, nếu nghệ sĩ mới vào nghề không nghĩ đến tiền bạc, và nếu anh ta (ngầm tỏ ra) không mong đợi bất kỳ danh hiệu nào của Quốc gia, anh ta có thể ít ra trông chờ niềm vui được nổi tiếng không? Lời ngợi khen, bạn sẽ bảo tôi, là một món ngon lành. Và trong chừng mực có thể hiểu được vẻ mặt của những nghệ sĩ khác bạn sẽ trỏ tay vào một trong những niềm vui thiết yếu và bền bỉ nhất của sự nghiệp nghệ thuật. Nhưng trong chừng mực bạn để mắt đến những ca tụng của công chúng hay sự chú ý của các tờ báo, hãy cầm chắc rằng bạn chỉ đang ấp ủ một giấc mơ. Đúng là trên một số tạp chí bí hiểm tác giả (chẳng hạn) bị phê bình thích đáng, và anh ta thường được khen ngợi nhiều hơn mức xứng đáng, đôi khi vì những phẩm chất mà anh ta vốn tự hào là đã khước từ, và đôi khi bởi những quý ông và quý bà đã từ chối đặc quyền đọc tác phẩm của anh ta. Nhưng nếu một người nhạy cảm với những khen ngợi thái quá này, chúng ta phải cho rằng anh ta cũng nhạy cảm với thứ thường đi kèm và luôn luôn theo sau - những chế giễu thái quá. Một người có thể đã làm tốt trong nhiều năm, rồi sau đó anh ta có thể thất bại; anh ta sẽ nghe được về thất bại của mình. Hoặc anh ta có thể đã làm tốt trong nhiều năm, và vẫn làm tốt, nhưng các nhà phê bình đã chán ca ngợi anh ta, hoặc có thể đã trồi lên tức thì một thần tượng mới nào đó, một thứ “bụi ám màu vàng” nào đó, mà giờ đây họ thích đem ra hiến tế hơn. Đây là mặt trái và mặt phải của thứ trống rỗng và xấu xí gọi là sự nổi tiếng. Còn có ai cho rằng nó đáng để đạt được chăng?
Công Hiện dịch