Ruskin: Bản tính Gothic
Khi John Ruskin nhìn vào kiến trúc Gothic, thì đó không chỉ là một hình thức kiến trúc, mà là cả một chuyển động xã hội. Những nhìn nhận của John Ruskin về phân công lao động, về hình thức của biểu đạt trong kiến trúc, một khi người ta cho rằng nó đã xa rời thực tế thời hiện đại thế nào, người ta cũng đồng thời phải thừa nhận sự biểu đạt của con người đã tha hóa đến mức nào.
Mầm mống sự thay đổi chóng mặt của thế kỷ 20, khi mà con người dần làm quen với những gì vô lý, những can thiệp của chuyển động lớn vào số phận mỗi cá nhân, đã được báo trước từ thế kỷ 19 bởi John Ruskin. Từ những phân tích về kiến trúc và xã hội của John Ruskin, vốn ngưỡng mộ Thomas Carlyle và Viollet le Duc, cả một chuyển động được hình thành, một tinh thần kháng cự lại công nghiệp hóa và sự phân công lao động: chuyển động của Arts and Crafts, mà một trong những yếu nhân là William Morris.
BẢN TÍNH GOTHIC
John Ruskin, The Stones of Venice
Volume II, Chapter 6
I. Nếu độc giả xem lại phần chia chủ đề trong chương đầu của tập đầu thì sẽ thấy rằng giờ đây chúng ta sắp bước vào việc khảo sát một trường phái kiến trúc Venice, vốn tạo thành một bước trung gian giữa hình thức Byzantine và Gothic; tuy nhiên, tôi nhận thấy ta có thể thuận tiện xem xét trường phái này trong mối liên hệ với Gothic. Để có thể nhận ra chiều hướng của từng bước biến đổi này, ngay từ đầu sẽ là khôn ngoan nếu gắng sức hình thành một vài ý chung về kết quả cuối cùng của nó. Chúng ta đã biết kiến trúc Byzantine, tức điểm xuất phát của sự biến đổi này, là như thế nào; nhưng chúng ta nên biết đôi chút về kiến trúc Gothic mà quá trình ấy dẫn đến. Tôi sẽ cố gắng cung cấp cho người đọc trong chương này một khái niệm rộng và rõ về bản tính đúng của kiến trúc Gothic đúng như tên gọi của nó, không chỉ riêng kiến trúc Gothic ở Venice, mà còn là kiến trúc Gothic phổ quát: một trong những phần thú vị nhất của cuộc khảo cứu tiếp theo của chúng ta sẽ là tìm hiểu xem kiến trúc Venice đã vươn tới mức nào so với hình thức Gothic phổ quát hay hoàn chỉnh, và như thế nào mà nó đã không đạt đến mức ấy, và ở mức nào nó còn thiếu hụt hoặc đã phát triển những hình thức ngoại lai và độc lập.
II. Khó khăn lớn trong việc này phát sinh từ thực tế là mỗi tòa công trình thời kỳ Gothic đều khác nhau ở một số khía cạnh quan trọng so với những công trình khác, và nhiều công trình bao gồm các đặc điểm mà nếu xuất hiện ở nơi khác sẽ không hề được xem là Gothic; bởi vậy tất cả những gì chúng ta có thể dựa vào để lập luận chỉ là, nếu tôi được phép diễn đạt như vậy, mức độ tính Gothic được thể hiện ít hơn hay nhiều hơn trong mỗi công trình được xem xét. Và tính Gothic này – đặc điểm mà, tùy thuộc vào việc nó được tìm thấy nhiều hay ít trong một công trình, khiến công trình đó mang tính Gothic nhiều hay ít – chính là thứ tôi muốn xác định rõ bản tính, và khi làm vậy tôi cảm thấy cũng gặp phải nỗi khó khăn giống như một người phải giải thích, chẳng hạn, bản tính của màu đỏ, mà không có một vật thực sự đỏ nào để chỉ vào, chỉ có những vật cam và tím. Cứ cho là anh ta có một mẩu thạch nam và một lá sồi rụng để làm việc đó. Anh ta có thể nói, màu sắc đã được pha trộn với màu vàng trong lá sồi này, với màu xanh trong mẩu thạch nam này chính là màu đỏ nếu bạn tách được chúng ra; tuy vậy, sẽ rất khó để làm cho cái trừu tượng trở nên hoàn toàn dễ hiểu: và làm cho bản tính trừu tượng của đặc tính Gothic trở nên dễ hiểu còn khó khăn hơn thế nhiều, bởi vì bản thân đặc tính ấy được tạo thành từ nhiều khái niệm trộn lẫn và chỉ có thể tồn tại trong sự kết hợp của chúng. Như thế nghĩa là, các cung nhọn không tạo nên Gothic, các mái vòm cũng không, trụ bay cũng không, các mẩu điêu khắc kỳ dị cũng không; nhưng tất tật hay một vài trong số ấy, và nhiều thứ khác đi cùng với chúng, khi chúng được kết hợp lại với nhau để mang lại sự sống thì tạo nên Gothic.
III. Cũng cần lưu ý rằng, trong định nghĩa được đề xuất, tôi chỉ cố gắng phân tích ý niệm mà tôi cho là đã tồn tại trong tâm trí độc giả. Chúng ta đều có một ý niệm nào đó, mà hầu hết chúng ta rất chắc chắn, về nghĩa của từ Gothic; tôi biết nhiều người có ý này trong đầu nhưng không thể cắt nghĩa: nghĩa là họ đại khái hiểu rằng Tu viện Westminster thì Gothic, St. Paul thì không và St. Peter cũng không, tuy nhiên, họ không có ý niệm rõ ràng về những gì họ nhận ra ở cái này hoặc không thấy ở cái kia, chẳng hạn một ý cho phép họ nói rằng công trình ở Westminster hay Strasburg thì đẹp và thuần khiết so với những công trình khác thuộc loại ấy, càng không thể nói chắc chắn những công trình mơ hồ, khó phân loại như điện St. James hay lâu đài Windsor có bao nhiêu yếu tố Gothic đúng trong đó và thiếu bao nhiêu. Tôi tin rằng cuộc điều tra này thú vị và bổ ích, và rằng sẽ có điều gì đó thú vị khác thường khi lần theo hình ảnh xám xịt, tối tăm, nhiều đỉnh nhọn của tinh thần Gothic bên trong chúng ta và nhận ra quan hệ giữa nó và trái tim hướng về phương Bắc của chúng ta. Và nếu như, tại bất kỳ thời điểm nào của việc xem xét, tôi can thiệp vào bất kỳ khái niệm đã hình thành trước đó nơi độc giả và sử dụng thuật ngữ Gothic theo nghĩa họ không muốn gán cho nó thì tôi không yêu cầu độc giả phải chấp nhận mà chỉ cần xem xét và hiểu cách diễn giải của tôi như là điều cần thiết để hiểu được những gì tiếp theo trong phần còn lại của tác phẩm.
IV. Vậy thì, đặc điểm Gothic chịu sự phân tích của chúng ta, cũng giống như khoáng vật thô chịu sự phân tích của nhà hóa học, pha lẫn nhiều chất lạ khác, bản thân nó có lẽ không đạt được trạng thái thuần khiết ở bất kỳ đâu, hoặc nếu có thể đạt đến trạng thái thuần khiết thì cũng chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng vẫn là một thứ có bản tính xác định và riêng biệt, mặc cho vẻ ngoài lẫn lộn hoặc không thể tách rời. Giờ hãy quan sát: nhà hóa học định nghĩa khoáng vật của mình bằng hai loại đặc tính riêng biệt: một là đặc tính bên ngoài, dạng tinh thể, độ cứng, độ bóng vân vân…; hai là đặc tính bên trong, tỷ lệ và bản tính của các nguyên tử cấu thành. Cũng theo cách tương tự, chúng ta sẽ thấy rằng kiến trúc Gothic có hình thức bề ngoài và các yếu tố bên trong. Các yếu tố ấy là các khuynh hướng tinh thần của người xây dựng, được thể hiện rõ rệt ở đó; chẳng hạn vẻ kỳ lạ, tình yêu với tính đa dạng, tình yêu sự phong phú, và những điều tương tự. Các hình thức bên ngoài là các cung nhọn, các mái vòm… Và nếu các yếu tố và hình thức ấy không cùng xuất hiện, chúng ta không thể gọi đó là Gothic. Chỉ có mỗi Hình thức thì chưa đủ, nếu không có năng lực và sự sống. Chỉ có Năng lực thì chưa đủ, nếu không có hình thức. Bởi vậy chúng ta phải tìm hiểu từng đặc điểm này theo trình tự, trước tiên phải xác định đâu là Biểu đạt Tinh thần, và tiếp theo, đâu là Hình thức Vật chất của kiến trúc Gothic đúng như tên gọi ấy.
Thứ nhất, Năng lực hay Biểu đạt Tinh thần. Chúng ta phải tìm ra đặc điểm nào mà các nhà xây dựng Gothic yêu quý hoặc được thể hiện lối bản năng trong công việc của họ, phân biệt họ với tất cả những nhà xây dựng khác?
V. Chúng ta hãy quay lại với hóa học, và lưu ý rằng, khi định nghĩa khoáng vật theo các thành phần cấu tạo, không phải cái này hay cái kia trong số chúng tạo nên khoáng vật mà là sự kết hợp tất cả: chẳng hạn, không phải bởi than củi, không phải bởi oxy, cũng không phải bởi vôi, mà bởi sự kết hợp của cả ba theo tỷ lệ nhất định; tất cả chúng đều được tìm thấy trong những thứ rất khác với phấn, và không có gì giống như phấn được tìm thấy trong than hay oxy, nhưng chúng lại là thiết yếu cho sự tồn tại của nó. Bởi nhiều đặc điểm tinh thần khác nhau mà tạo nên linh hồn của Gothic. Không phải cái này hay cái kia tạo ra nó mà là sự kết hợp của chúng ở mức nhất định. Mỗi thứ trong số ấy được tìm thấy trong những kiến trúc khác Gothic, nhưng Gothic không thể tồn tại ở nơi không tìm thấy chúng, hoặc ít nhất ở nơi mà chúng không được cung cấp. Chỉ có một khác biệt lớn giữa thành phần các khoáng vật và sự cấu thành phong cách kiến trúc, đó là nếu chúng ta loại bỏ một trong những thành phần của đá, hình thức của nó sẽ hoàn toàn thay đổi và sự tồn tại của nó theo nghĩa một loại khoáng vật sẽ bị phá hủy; nhưng nếu chúng ta loại bỏ một trong các yếu tố tinh thần khỏi phong cách Gothic, nó chỉ kém Gothic hơn một chút, và sự kết hợp của hai hoặc ba yếu tố là đủ để mang lại một phẩm chất Gothic nhất định, và còn tăng cường độ khi chúng ta thêm vào các yếu tố khác, hay giảm đi khi loại bỏ.
VI. Tôi tin rằng đặc trưng hay phẩm chất của Gothic là các yếu tố sau, xếp theo thứ tự quan trọng:
1 Sự man rợ.
2 Tính thất thường.
3 Tính tự nhiên.
4 Vẻ kỳ lạ.
5 Sự cứng nhắc.
6 Sự thừa thãi.
Những đặc điểm này được dùng để mô tả tòa công trình; đối với người xây dựng, chúng sẽ được thể hiện như sau: 1. Sự man rợ, hay là sự thô lỗ. 2. Tình yêu dành cho Thay đổi. 3. Tình yêu cái Tự nhiên. 4. Tưởng tượng bị xáo trộn. 5. Tính ngoan cố. 6. Tính hào phóng. Và tôi cần nhắc lại, việc loại bỏ bất kỳ một hay hai yếu tố nào trong số đó sẽ không ngay lập tức tiêu hủy tính chất Gothic của tòa nhà, nhưng loại bỏ phần lớn thì chắc chắn. Tôi sẽ tiến hành xem xét chúng theo thứ tự.
VII. 1. Sự Man rợ. Tôi không chắc từ “Gothic” lần đầu được áp dụng cho kiến trúc phương Bắc là khi nào, nhưng tôi cho rằng, bất kể là thời điểm nào đi nữa, nó có dụng ý chỉ trích và thể hiện bản tính man rợ của các dân tộc mà kiến trúc ấy xuất hiện. Nó không bao giờ ám chỉ rằng chúng thực sự có nguồn gốc Gothic, càng không phải là kiến trúc của chúng ban đầu được phát minh bởi người Goth; nhưng nó ngụ ý rằng chúng và các tòa nhà kia cùng thể hiện một mức độ nghiêm khắc và thô, điều vốn trái ngược với tính cách các quốc gia phương Nam và phương Đông, dường giống như một suy nghĩ thường hằng về sự tương phản giữa người Goth và người La Mã trong lần chạm trán đầu tiên của họ. Và khi người La Mã tàn tạ kia, trong sự bất lực tột cùng bởi sự xa hoa của anh ta, cùng với sự xấc xược nơi tội lỗi của anh ta, trở thành hình mẫu để bắt chước của châu Âu văn minh, vào cuối cái được gọi là Thời kỳ Tối, từ Gothic đã trở thành một thuật ngữ hoàn toàn khinh miệt, chẳng phải là không pha lẫn sự ghê tởm. Xuất phát từ sự khinh miệt ấy thông qua nỗ lực của các nhà khảo cổ học và các kiến trúc sư thế kỷ này, kiến trúc Gothic đã được bào chữa thích đáng và có lẽ vài người trong chúng ta, trong sự ngưỡng mộ của chúng ta với khoa học vĩ đại về cấu trúc của nó và tính thiêng trong biểu đạt của nó, có thể muốn rằng thuật ngữ chỉ trích cổ xưa ấy nên được bỏ đi, và một thứ gì đó khác, đáng tôn kính hơn, phải được thế vào. Chẳng có cơ hội, bởi không cần thiết của một sự thay thế như vậy. Về việc tính từ này đã được sử dụng cách khinh miệt thì đó là một cách dùng sai; nhưng không có sự chỉ trích nào trong từ này, hiểu theo nghĩa thật công bằng; ngược lại, có một sự sâu sắc, mà bản năng của nhân loại hầu đã nhận ra trong vô thức. Đúng, rất đúng, và đúng theo cách sâu sắc rằng kiến trúc phương Bắc thật thô và vụng; nhưng không phải vì vậy mà chúng ta lên án hay khinh thường. Hoàn toàn ngược lại: tôi tin rằng chính trong bản tính này, nó xứng đáng với lòng tôn kính sâu sắc của chúng ta.
VIII. Các bản đồ thế giới được vẽ ra bởi khoa học hiện đại đã ném vào một không gian hẹp sự biểu đạt một khối khổng lồ kiến thức, nhưng tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ một sự diễn đạt bằng hình ảnh nào đủ để cho phép người xem hình dung ra tương phản về đặc tính vật chất vốn tồn tại giữa các nước phương Bắc và phương Nam. Chúng ta biết những khác biệt về chi tiết, nhưng chúng ta không có cái nhìn bao quát và thấu đáo cho phép chúng ta có thể cảm nhận chúng trọn vẹn. Chúng ta biết rằng cây long đởm mọc ở dãy Alpes, và cây ô liu mọc ở dãy Apennine; nhưng chúng ta không đủ khả năng tự mình hình dung ra bức tranh khảm sặc sỡ của bề mặt thế giới mà một con chim nhìn thấy trong lúc di cư, sự khác biệt giữa vùng của long đởm và ô liu mà cò và én nhìn thấy từ xa, khi chúng nương theo gió sirocco. Chúng ta hãy thử, trong một chốc, nâng mình lên ngang tầm bay của chúng và tưởng tượng Địa Trung Hải bên dưới chúng ta như một hồ nước không bằng phẳng, và tất cả các mũi đất cổ xưa của nó đang ngủ dưới ánh mặt trời: đây đó một vạch sấm dữ tợn, một vệt bão xám xịt, vút qua cánh đồng rực cháy; và đây đó một cuộn cố định khói núi lửa trắng, bao quanh bởi những quầng tro, nhưng chiếm phần lớn là sự thanh bình tuyệt đối của ánh sáng, Syria và Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha, nằm đó như những vỉa hè vàng thả vào màu xanh biển, rượt đuổi, ta thấy khi đã sà xuống gần hơn, theo u bướu dữ dội những đồi núi và lóe sáng dịu dàng những khu vườn bậc thang, và những bông hoa ngào ngạt trầm hương, xen lẫn giữa những khối nguyệt quế, cam, và um tùm lá cọ, làm dịu đi bằng bóng đổ xanh xám của chúng những phiến cẩm thạch cháy rực, những rìa đá porphyry dốc trên cát sáng lóa. Rồi thì tiến xa hơn lên phía bắc, cho đến khi chúng ta thấy sắc màu phương đông dần chuyển thành một vành mênh mông màu lục của mưa, nơi những đồng cỏ Thụy Sĩ, những thung bạch dương Pháp, và những rừng rậm tối sẫm của dòng Danube và Carpathian trải dài từ cửa sông Loire đến cửa sông Volga, nhìn qua khe hở những cuộn xoáy mây giông và màn mỏng sương mù bốc lên nơi các con suối, trải dài dọc theo các đồng cỏ: sau đó, dấn xa hơn lên phương bắc, để thấy mặt đất trồi lên những khối đá chì và những bãi phủ đầy thạch nam, bao quanh bởi vùng hoang vu màu tím u ám một vành những rừng cây và đồng cỏ, và xẻ vụn thành những hòn đảo ghê rợn chẳng theo quy tắc nào giữa các vùng biển bắc, bị bão vùi dập, và lạnh cóng bởi băng trôi, bị dày vò bởi những lực dữ tợn mà thủy triều đối đầu gây ra, cho đến khi gốc rễ những những khu rừng cuối cùng trốc sạch đổ nhào giữa các khe núi, và cơn đói ngấu của gió bắc cạp trơ trọi các đỉnh đồi; và, cuối cùng, bức tường băng, kiên cố như sắt, quánh đặc, trông như xác chết, từ cảnh nhập nhoạng vùng cực nhe răng trắng nhởn về phía ta. Và, khi đã lướt qua trong tâm tưởng sự thay đổi các vùng đa sắc của mặt đất với toàn bộ sự bao la vật chất của nó, chúng ta hãy sà xuống gần hơn và quan sát sự thay đổi song song của chuỗi động vật sống; vô số các sinh vật thoăn thoắt và rực rỡ liếc nhìn không trung và biển hoặc dẫm chân trên cát phương nam; ngựa vằn sọc và báo đốm, những con rắn lấp loáng, đám chim trưng diện đỏ tươi và tím. Chúng ta hãy đối chiếu sự tinh tế và rực rỡ của màu sắc và chuyển động nhanh nhẹn của chúng, với sức mạnh bị đóng băng cứng đờ, lớp phủ xù xì và bộ lông sẫm tối của các bộ lạc phương bắc; đối chiếu ngựa Ả Rập với ngựa Shetland, cọp và báo với sói và gấu, linh dương với hươu sừng tấm, chim thiên đường với chim ưng biển, và rồi bằng lòng thừa nhận những quy luật lớn mà trái đất và tất tật những gì nó sinh ra bị thống trị trong suốt sự tồn tại của chúng. Chúng ta đừng lên án, mà hãy vui mừng trước sự biểu đạt của con người về sự thanh thản của anh ta trong những định chế của vùng đất đã sinh ra anh ta. Chúng ta hãy quan sát anh ta với lòng tôn kính khi anh ta đặt cạnh nhau những viên ngọc đang cháy và làm nhẵn với nét chạm mềm mại những cột trụ thạch anh để phản xạ ánh mặt trời không ngơi nghỉ và vươn thẳng lên một bầu trời không mây: nhưng cũng không kém phần tôn kính chúng ta đứng bên cạnh khi anh ta, với sức mạnh thô bạo và những cú tới tấp, nhồi một sinh khí chưa thuần hóa vào những tảng đá mà anh ta đã giật toác ra từ giữa bãi hoang rêu phủ và dựng lên giữa bầu khí tối tăm hàng dãy trụ cột sắt và tường lởm chởm, thấm đẫm công việc với một trí tưởng tượng hoang dã và bất kham như biển phương bắc; những tác phẩm mang hình hài vụng về và gờ cạnh cứng nhắc, nhưng tràn sức sống loài sói, dữ tợn như những cơn gió đang giật tung, thất thường như đám mây đang phủ bóng lên chúng.
Tôi nhắc lại, chẳng có sự hạ thấp, chẳng có lời quở trách nào ở đây, mà tất tật tràn đầy phẩm giá và danh dự; và chúng ta sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng khi từ chối công nhận tính thiết yếu của kiến trúc hiện đang tồn tại phương Bắc, cũng như tính chất đáng thèm muốn trong những gì nó có thể mang, sự hoang dã của tư tưởng và sự thô ráp của công việc; cái nhìn vào tình anh em miền núi giữa thánh đường và núi Alp này, sự tráng lệ của sức mạnh mãnh liệt này, được thể hiện còn mạnh hơn nữa bởi những cú chạm của ngón tay cóng lạnh vì gió, và con mắt mờ đi vì sương đồng hoang, hay tối sầm vì mưa đá; lời bày tỏ này về tinh thần mạnh mẽ của những người không thể thu lượm những hoa trái dư thừa của đất, cũng không tắm mình trong mơ mộng nhân từ của nắng, mà phải xẻ đá kiếm ăn, xẻ rừng tìm lửa, và thể hiện, ngay cả trong những gì họ làm vì niềm vui của mình, những thói quen cứng đờ của cánh tay và trái tim đã hình thành trong khi họ vung rìu hoặc nhấn luống cày.
IX. Tuy vậy, nếu như tính man rợ của kiến trúc Gothic, chỉ đơn thuần là một biểu hiện cho cội nguồn của nó giữa các dân tộc phương Bắc, có thể được xem, theo một cách nào đó, là một đặc điểm cao quý, thì nó vẫn sở hữu một sự cao quý còn hơn thế nữa khi được xem như một dấu chỉ, không phải của khí hậu, mà là của nguyên tắc tôn giáo.
Trong các đoạn 13 và 14 của Chương XXI trong tập thứ nhất của tác phẩm này, ta nhận thấy rằng các hệ thống họa tiết trang trí kiến trúc có thể được chia thành ba loại: 1. Những trang trí nô lệ, ở đó việc thực hiện hay khả năng của người thợ cấp dưới hoàn toàn bị chi phối bởi sự hiểu biết của người cấp cao hơn; 2. Những trang trí theo thể tạng, ở đó việc thực hiện của người thợ cấp dưới, đến một mức nhất định, được giải phóng và độc lập, có ý chí riêng, nhưng vẫn phải thừa nhận cấp thấp của mình và tuân theo các quyền lực cao hơn; và 3. Những trang trí cách mạng, trong đó không có sự thi hành thứ cấp nào phải thừa nhận. Ở đây tôi phải giải thích bản tính sự phân chia này một cách chi tiết hơn.
Về sự trang trí Nô lệ, các trường phái chủ đạo là Hy Lạp, Nineveh và Ai Cập; nhưng sự nô lệ của họ khác nhau. Quản thợ ở Hy Lạp có kiến thức và quyền cao hơn ở Assyria hay Ai Cập. Cả anh ta lẫn những người mà anh ta làm việc cùng đều không thể chịu được sự xuất hiện của sai sót trong bất cứ việc gì; và, bởi vậy, những họa tiết mà anh ta chỉ định để người cấp dưới thực hiện chỉ bao gồm các dạng hình học đơn thuần – hình cầu, hình chóp, hay các họa tiết hoa lá hoàn toàn đối xứng, – có thể thực hiện với độ chính xác tuyệt đối theo đường nét và quy cách, và khi đã hoàn tất, chúng hoàn toàn giống như mẫu điêu khắc của chính anh ta. Ngược lại, người thợ cả ở Assyria và Ai Cập nhận thức kém hơn về hình dạng chính xác trong bất cứ việc gì, đã bằng lòng để cho mẫu điêu khắc của họ được thi hành bởi những thợ cấp dưới, nhưng hạ thấp phương pháp xử lý xuống một mức chuẩn mà mọi thợ khác đều có thể làm được, và rèn họ bằng kỷ luật hết sức nghiêm ngặt, thành thử không có khả năng họ làm tồi hơn mức tiêu chuẩn được chỉ định. Người Hy Lạp không giao cho thợ cấp dưới bất kỳ việc gì không tự thực hiện được cách hoàn hảo. Người Assyria giao cho thợ những việc mà anh ta chỉ thực hiện được lối không hoàn hảo, nhưng đặt ra tiêu chuẩn theo luật để kiểm soát những điểm không hoàn hảo ấy. Người thợ, trong cả hai hệ thống, đều là nô lệ .
X. Nhưng trong hệ thống thực hiện việc trang trí thời trung cổ, đặc biệt là đạo Cơ đốc, chế độ nô lệ này đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Cơ đốc giáo đã nhận ra, trong mọi điều nhỏ cũng như lớn, giá trị cá nhân của mỗi linh hồn. Nhưng không chỉ nhận ra giá trị ấy; nó thừa nhận sự không hoàn hảo, chỉ bằng cách ban tặng phẩm giá cho sự thừa nhận cái vô giá trị. Sự thừa nhận đối với quyền lực đã mất và bản tính sa ngã, mà người Hy Lạp hay người Nineveh cảm thấy vô cùng đau khổ, và trong chừng mực có thể đã hoàn toàn khước từ, người Cơ đốc hằng ngày và hằng giờ chiêm nghiệm về sự thật đó mà không sợ hãi, bởi cuối cùng hướng đến vinh quang lớn hơn của Chúa. Do đó, đối với mọi tinh thần mà Cơ đốc giáo triệu hồi để phục vụ, lời khuyên là: Làm những gì có thể và thú nhận thẳng thắn những gì không thể làm; đừng để nỗ lực bị rút ngắn vì sợ thất bại, cũng đừng để lời thú nhận câm lặng vì sợ xấu hổ. Và có lẽ điều đáng ngưỡng mộ nhất của các trường phái kiến trúc Gothic là chính bởi thế mà họ tiếp nhận kết quả công sức lao động của những đầu óc kém hơn; và từ những mảnh đầy khiếm khuyết này, phản ánh sự khiếm khuyết ấy trong từng nét chạm, dựng lên với lòng khoan dung một tổng thể uy nghiêm và không thể chê trách.
XI. Nhưng tinh thần người Anh hiện đại có nhiều điểm chung với người Hy Lạp: họ ham muốn vô cùng, trong mọi thứ, sự đầy đủ hoặc hoàn thiện tột bực tương ứng với bản tính của họ. Đây là một tính cách cao quý lối trừu tượng, nhưng trở nên ti tiện khi nó khiến chúng ta quên đi phẩm giá tương ứng với chính bản tính ấy, và trở nên ưa chuộng cái hoàn hảo của một bản tính kém cỏi hơn là cái khiếm khuyết nơi một bản tính cao cả, chưa kể đến việc, khi xét theo một quy tắc như vậy, tất cả những loài động vật cục cằn hẳn sẽ được ưa chuộng hơn loài người, bởi chúng hoàn hảo hơn về chức năng của chủng loài, tuy vậy chúng lại luôn bị coi là thấp kém hơn con người, và trong các tác phẩm của con người cũng vậy, những thứ hoàn hảo hơn về thể loại lại luôn kém hơn những tác phẩm, về bản tính, mang nhiều sai sót và nhược điểm hơn. Vì bản tính càng tinh tế, càng nhiều thiếu sót lộ ra thông qua sự trong suốt của nó; và quy luật của vũ trụ nằm ở chỗ những gì tốt đẹp nhất sẽ hiếm khi được nhìn thấy ở hình thức tuyệt đối của chúng. Cỏ dại mọc rất tốt và khỏe, từ năm này sang năm khác; nhưng lúa mì, theo bản tính cao quý hơn của nó, dễ nhiễm bệnh hơn. Và bởi vậy, dù trong tất cả mọi thứ chúng ta nhìn thấy hay thực hiện, chúng ta phải mong muốn sự hoàn hảo, và cố sức đạt được, chúng ta không được đặt thứ tầm thường hơn, trong trạng thái hoàn thiện hạn hẹp của nó, lên trên thứ cao quý hơn, trong tiến trình hùng mạnh của nó; không được coi trọng cái vụn vặt trơn tru hơn cái oai nghiêm sứt mẻ; không được chuộng chiến thắng tầm thường hơn thất bại danh dự; không được hạ thấp mục tiêu để có thể chắc chắn hưởng lấy sự tự mãn của thành công. Nhưng, trên hết, trong cách đối xử với tâm hồn của người khác, chúng ta phải hết sức dè chừng, mỗi khi kiểm tra, bằng yêu cầu nghiêm ngặt hoặc thận trọng chi ly, những nỗ lực có thể dẫn đến một kết quả cao quý và, hơn thế nữa, mỗi khi chúng ta từ chối ngưỡng mộ những điều xuất sắc lớn lao, chỉ bởi chúng pha trộn với những sai sót thô thiển. Giờ thì, trong bản tính và quá trình hình thành của mỗi người, dù thô sơ hay giản dị, mà chúng ta sử dụng để làm công việc chân tay, đều có một số năng lực để làm những việc tốt hơn: một số trí tưởng tượng chậm chạp, khả năng xúc cảm trì trệ, các bước suy nghĩ loạng choạng, đến cả những người tệ nhất; và trong hầu hết các trường hợp, chính chúng ta là người có lỗi khi họ chập chạp hoặc trì độn. Nhưng họ không thể được củng cố, trừ phi chúng ta bằng lòng chấp nhận họ trong sự yếu đuối của họ, và trừ phi chúng ta tôn vinh và xem trọng họ trong sự thiếu sót của họ hơn là kỹ năng thủ công tuyệt hảo. Và đây là những gì chúng ta phải làm với tất cả những người lao động của chúng ta: tìm kiếm phần thông suốt của họ và khơi lấy phần đó ra từ họ, bất kể chúng ta mất mát gì vì nó, bất kể những lỗi và khuyết điểm chúng ta buộc phải mang vì nó. Bởi điều tốt nhất trong họ không thể tự biểu hiện ra mà không đi kèm với rất nhiều lầm lỗi. Hãy hiểu thật rõ điều này. Bạn có thể dạy một người vẽ một đường thằng, và ngắt nó; gò một đường cong, rồi khắc nó; sao chép và khắc bất kỳ số lượng nét hay hình nào cho trước, với tốc độ đáng nể và độ chính xác tuyệt hảo; và bạn thấy công việc của anh ta hoàn thành theo đúng loại của nó; nhưng nếu bạn đòi anh ta nghĩ về bất kỳ hình dạng nào trong số đó, để xem liệu anh ta có tự mình tìm ra hình nào tốt hơn không, anh ta ngừng lại; việc thực hiện của anh ta trở nên do dự; anh ta nghĩ, và đặt mười ăn một là anh ta nghĩ bậy; đặt mười ăn một là anh ta sẽ sai lầm ngay từ cú chạm đầu tiên vào tác phẩm tự anh ta làm theo suy nghĩ. Nhưng bạn đã khiến anh ta trở nên như thế. Anh ta vốn dĩ trước đó chỉ là một cái máy, một công cụ sống.
XII. Và hãy lưu ý, bạn phải đưa ra lựa chọn nghiêm ngặt trong chuyện này. Bạn phải biến sinh vật kia thành một công cụ hoặc một người. Bạn không thể làm cả hai. Con người không được tạo ra để làm việc với độ chính xác của công cụ, tỉ mỉ và hoàn hảo trong mọi hành động. Nếu bạn muốn có được sự tỉ mỉ ấy từ họ và khiến ngón tay họ đo độ được như thước và cánh tay họ xoay vòng được như compa, bạn phải làm họ mất tính người. Toàn bộ năng lượng tinh thần của họ phải được dành để trở thành thước hay compa. Toàn bộ chú tâm và sức mạnh của họ phải được dành để hoàn tất những hành động vừa phải. Mắt của tâm hồn phải hướng vào ngón tay, và sức mạnh của tâm hồn phải lấp đầy tất tật dây thần kinh vô hình dẫn dắt nó, mười giờ một ngày, để nó không thể sai lệch khỏi độ chính xác sắt đá, và bởi thế tâm hồn và viễn kiến bị bào mòn, và toàn bộ con người cuối cùng cũng tiêu tan – một đống mùn cưa, xét về công việc trí tuệ của nó trên thế gian này; và chỉ được cứu bởi Trái tim, thứ không thể chuyển thành hình cây thước hoặc la bàn mà mở rộng, sau khi mười giờ qua đi, thành nhân loại bên lò sưởi. Mặt khác, nếu bạn biến một tạo vật lao động thành một người, bạn không thể tạo ra được một công cụ. Hãy cứ để anh ta bắt đầu suy nghĩ, tưởng tượng, cố làm bất cứ thứ gì đáng làm và độ chính xác như máy tiện sẽ mất đi ngay lập tức. Tất tật những gì thô lỗ, trì độn, bất lực của anh ta sẽ lộ ra ngay; xấu hổ tiếp xấu hổ, thất bại tiếp thất bại, ngập ngừng liên tục: nhưng toàn bộ sự uy nghi của anh ta cũng lộ ra; và chúng ta biết độ cao ấy chỉ khi thấy được mây phủ lên anh ta. Và, dẫu những đám mây ấy trắng hay đen, sẽ có sự chuyển hóa đằng sau và bên trong chúng.
XIII. Và giờ thì, thưa độc giả, hãy nhìn quanh căn phòng của bạn, nơi bạn rất nhiều lần tự hào, bởi đồ đạc ở đó thật tốt và chắc chắn, hoa văn trang trí thật hoàn chỉnh. Hãy kiểm tra lại tất tật những gờ chỉ chuẩn xác, lớp đánh bóng tuyệt hảo, những điều chỉnh không sai sót của gỗ khô và thép luyện. Rất nhiều lần bạn đã hài lòng vì chúng và nghĩ rằng nước Anh thật vĩ đại, bởi đến cả công trình nhỏ nhất này cũng được thực hiện thật kỹ. Than ôi! Nếu đọc đúng, những sự hoàn hảo này là dấu hiệu của chế độ nô lệ ở nước Anh của chúng ta ngàn lần cay đắc nhục nhã hơn ở Châu Phi hay Hy Lạp. Con người có thể bị đánh đập, xiềng xích, hành hạ, bị buộc ách như gia súc, bị giết như ruồi mùa hè, tuy vậy theo một nghĩa nào đó, và là nghĩa tốt nhất, vẫn tự do. Nhưng để bóp nghẹt tâm hồn con người bên trong họ, để làm héo tàn và chặt thành những khúc cây mục nát các nhánh non của trí tuệ con người, để biến da thịt, sau khi bị sâu đục khoét, tức là trông thấy Chúa, thành dây da buộc máy móc – thì đó thực sự là những chủ nô; và có thể đã có nhiều tự do hơn ở Anh, dẫu những từ khẽ nhất của các lãnh chúa phong kiến ở đó đáng giá bằng mạng sống con người, và dẫu máu người nông phu tức giận rơi xuống những luống cày trên đồng ruộng, hơn là khi sự sống động nơi những đám đông con người ở đó bị gửi đi như nhiên liệu nuôi khói nhà máy, và sức lực của họ hàng ngày bị lãng phí vào vẻ tinh vi của một tấm mạng, hay được kéo chính xác ra thành một đường thẳng.
XIV. Và, mặt khác, hãy ra ngoài lần nữa để nhìn ngắm mặt tiền thánh đường, nơi bạn đã mỉm cười rất nhiều lần trước sự ngu dốt quái dị của những thợ điêu khắc ngày xưa: hãy xem xét lại những con yêu tinh xấu mù, những quái vật vô hình dạng, và những bức tượng khắc khổ, phi giải phẫu và cứng đờ; nhưng đừng chế giễu chúng, bởi chúng là dấu hiệu của cái sống và tự do của mỗi người thợ đã khắc vào đá; một sự tự do suy nghĩ, và thứ hạng trong thang bậc tồn tại, không có luật, không có đặc quyền, không tổ chức từ thiện nào bảo trợ; nhưng đó phải là mục tiêu hàng đầu của toàn bộ châu Âu ngày nay giành lại cho con cháu của nó.
XV. Đừng cho rằng tôi nói năng ngông cuồng hay khoa trương. Thực sự chính việc hạ bệ người lao động xuống thành một cái máy này, hơn bất kỳ cái xấu xa nào khác của thời đại, đang dẫn dắt quần chúng các quốc gia trên thế giới vào cuộc đấu tranh vô ích, rời rạc, phá hoại một nền tự do mà họ không thể giải thích bản tính. Tiếng kêu cứu chung của họ chống lại sự giàu có, và chống lại quý tộc, chẳng hề bởi áp lực của đói kém hay nỗi cay đắng của lòng kiêu hãnh tổn thương. Những người này đã làm rất nhiều, làm được rất nhiều trong mọi thời đại; nhưng nền tảng của xã hội chưa bao giờ lung lay như ngày nay. Không phải là người ta không được ăn uống đầy đủ, mà là họ không còn niềm vui trong công việc mà họ kiếm sống, và bởi vậy coi sự giàu có là phương tiện duy nhất để vui thú. Không phải người ta khốn khổ vì sự khinh miệt của tầng lớp thượng lưu, mà là người ta không thể chịu đựng sự khinh miệt của chính mình; bởi họ cảm thấy rằng loại lao động mà họ bị kết án ấy thực sự là một loại lao động đê hèn, và khiến họ thấp kém hơn loài người. Chưa bao giờ tầng lớp thượng lưu lại có nhiều đồng cảm hay bác ái đối với những người tầng lớp thấp như ngày nay, tuy vậy chưa bao giờ họ lại bị tầng lớp này ghét bỏ đến vậy: xưa kia, sự phân biệt giữa người cao quý và người nghèo chỉ thuần túy là bức tường được dựng lên bởi luật pháp; giờ thì đó là sự khác biệt thực sự về địa vị, một cái giốc dựng đứng giữa cao và thấp, và dưới đáy là bầu không khí của bệnh dịch. Tôi không biết liệu có khi nào bản tính của sự tự do đúng sẽ được hiểu, khi nào con người thấy rằng việc tuân lời kẻ khác, lao động vì anh ta, tôn kính anh ta hay địa vị của anh ta, thì không phải là nô lệ. Thường thì đó là loại độc lập tốt nhất – độc lập khỏi lo âu. Người bảo kẻ này đi thì hắn đi, bảo kẻ kia đến thì hắn đến, trong hầu hết các trường hợp, anh ta có nhiều ý thức về kiềm chế và khó khăn hơn kẻ vâng lời. Những chuyển động của người này bị cản trở bởi gánh nặng đè trên vai; đối với kẻ kia, bởi dây cương buộc vào hàm: không cách nào làm cho gánh nặng nhẹ bớt; nhưng chúng ta không cần phải khổ sở vì dây cương nếu ta không nhai nó. Việc tôn kính người khác, giữ bản thân và cuộc sống ta theo ý họ không phải là làm nô lệ; thường thì đó là trạng thái cao quý nhất mà một người có thể sống trên thế giới này. Thật vậy, có một sự tôn kính lệ thuộc, tức là không có lý trí hoặc ích kỷ: nhưng cũng có sự tôn kính cao quý, tức là, hợp lẽ và yêu mến; và một người thì không bao giờ cao quý bằng khi anh ta tôn kính theo chiều này; thậm chí ngay cả khi cảm xúc vượt qua ranh giới của lý trí đơn thuần, để nó trở thành yêu mến thì một người vẫn được nâng lên bởi sự tôn kính ấy. Trên thực tế, hầu hết bản tính nô lệ là tự nhiên trong anh ta – người nông dân Ireland rình chờ ông chủ của mình ngày hôm qua, với khẩu súng trường chọc xuyên qua hàng rào lởm chởm hay người hầu già trên núi, mà 200 năm trước, tại Inverkeithing, đã hy sinh mạng sống của mình và của bảy người con trai vì thủ lĩnh của ông ta? – khi người này ngã xuống lại gọi người khác đến với cái chết, “lại một người khác vì Hector!” Và bởi vậy, trong mọi thời đại và mọi dân tộc, sự tôn kính đã được thể hiện và sự hy sinh mà người ta dành cho nhau, không chỉ không phàn nàn, mà còn vui mừng; và nạn đói, hiểm nguy, binh đao, tất tật mọi xấu xa, mọi hổ thẹn, đã được chấp nhận cách tự nguyện vì mục đích của các chủ nhân và vua chúa; vì tất cả những món quà của trái tim này đã khiến trở nên cao thượng những người cho đi không kém những ai nhận được, và bản năng thúc đẩy, và Chúa tưởng thưởng cho sự hy sinh. Nhưng hãy cảm thấy tâm hồn héo mòn bên trong họ, không được biết ơn, thấy toàn bộ sự tồn tại của họ chìm nghỉm dưới vực thẳm không ai biết, khi bị tính gộp vào một đống máy móc, tính vào số những bánh răng của nó, và được cân nhắc giữa những nhát búa; bản tính này không ra lệnh, vị Chúa này không ban phước, nhân loại này không thể tồn tại lâu.
XVI. Gần đây chúng ta đã nghiên cứu rất nhiều và hoàn thiện rất nhiều phát minh vĩ đại của văn minh về sự phân công lao động; chỉ có điều chúng ta đã đặt cho nó cái tên sai. Nói cho đúng, không phải sự lao động được phân chia, mà là con người – bị chia thành những mẩu người nhỏ – vỡ thành những mảnh sống vụn; tất cả những mẩu trí tuệ nhỏ bé còn lại trong một người không đủ làm thành một cái ghim hay một cây đinh, mà tự nó cạn kiệt trong việc tạo ra một mũi ghim hay đầu đinh. Quả thực, giờ thì đúng là một việc tốt và đáng mong muốn khi làm ra nhiều mũi ghim trong một ngày; nhưng chỉ cần chúng ta thấy được những mũi ghim ấy được đánh bóng bằng loại cát pha lê nào, cát của tâm hồn người, cần phải phóng to nhiều hơn nữa trước khi có thể nhận ra bản tính của nó, chúng ta sẽ nghĩ rằng hẳn cũng có một vài mất mát ở đó. Và tiếng kêu lớn cất lên từ tất tật các thành phố sản xuất của chúng ta, ồn hơn cả tiếng nổ lò luyện của chúng, quả thực là bởi điều này – đó là chúng ta sản xuất mọi thứ ở đó ngoại trừ con người; chúng ta chần bông, tôi thép, luyện đường, nặn gốm; nhưng khai sáng, tôi luyện, rèn giũa, hay định hình một tinh thần sống duy nhất, không bao giờ nằm trong những toan tính lợi ích của chúng ta. Và tất cả những điều xấu xa mà tiếng kêu đó thúc giục vô số con người chúng ta chỉ có thể được giải quyết theo một cách: không phải bằng cách dạy dỗ hay khuyên răn, bởi dạy họ chỉ làm cho họ nhận ra sự khốn khổ của họ, và khuyên răn, nếu chúng ta không làm gì khác ngoài khuyên răn, thì chẳng khác gì chế nhạo. Chỉ có thể giải quyết bằng một sự hiểu biết đúng, đối với mọi tầng lớp, về loại lao động nào thì tốt cho con người, nâng đỡ họ và làm cho họ hạnh phúc; bằng một sự hy sinh quyết liệt những tiện nghi, vẻ đẹp, hay sự rẻ vốn chỉ đạt được bằng sự hạ thấp của người lao động; và với một đòi hỏi quyết liệt tương đương đối với những sản phẩm hay kết quả của sự lao động lành mạnh và cao quý.
XVII. Và làm thế nào, người ta sẽ hỏi vậy, những sản phẩm này được công nhận và sự đòi hỏi này được điều chỉnh? Rất dễ: bằng cách tuân thủ ba quy tắc chính đơn giản:
1. Không bao giờ khuyến khích sản xuất bất kỳ mặt hàng nào không hoàn toàn cần thiết, trong một quá trình sản xuất mà sự Phát minh không dự phần.
2. Không bao giờ yêu cầu hoàn thiện chính xác chỉ vì lợi ích của riêng nó, mà phải vì một mục đích thực tế và cao cả.
3. Không bao giờ khuyến khích bắt chước hoặc sao chép dưới bất kỳ hình thức nào, ngoại trừ mục đích để lưu giữ hồ sơ về các tác phẩm lớn.
Nguyên tắc thứ hai trên đây là nguyên tắc duy nhất phát sinh trực tiếp từ việc xem xét chủ đề hiện tại của chúng ta; nhưng tôi sẽ giải thích ngắn gọn về ý nghĩa và phạm vi của nguyên tắc đầu tiên, và để dành nguyên tắc thứ ba cho lúc khác.
1. Không bao giờ khuyến khích sản xuất bất kỳ thứ gì không cần thiết, trong một quá trình sản xuất mà sự phát minh không góp phần.
Ví dụ. Hạt thủy tinh hoàn toàn không cần thiết, và chẳng cần thiết kế hay ý định nào trong việc sản xuất chúng. Chúng được tạo thành bằng cách trước hết kéo thủy tinh thành các thanh dài; các thanh này được cắt ra theo cách thủ công thành nhiều mẩu nhỏ có kích cỡ bằng hạt cườm rồi được vo tròn trong lò. Người cắt những thanh ấy ngồi làm việc cả ngày, tay họ rung lên liên tục và được tính toán thời gian chi ly, và các hạt cườm rơi xuống dưới sự rung của họ như mưa đá. Cả họ, cũng như nhưỡng người rút thanh thủy tinh ra hoặc nung chảy các mẩu nhỏ, đều không hề có lý do để dùng đến bất kỳ khả năng nào của con người; và bởi vậy, mỗi cô gái trẻ mua những hạt cườm thủy tinh ấy đều tham gia vào hoạt động thương mại-nô lệ, và như thế còn tàn nhẫn hơn nhiều so với hoạt động mà từ lâu chúng ta muốn ngăn chặn.
Nhưng cốc và bình thủy tinh có thể trở thành đối tượng của phát minh tinh xảo; và nếu như khi mua những thứ này chúng ta trả tiền cho việc phát minh, tức là cho hình dáng đẹp, hay màu sắc, hay hình khắc, chứ không chỉ thuần túy hoàn thiện sản phẩm, thì chúng ta đang làm việc tốt cho nhân loại.
XVIII. Bởi vậy, việc cắt đá quý, trong tất cả mọi trường hợp thông thường, không đòi hỏi nhiều nỗ lực của bất kỳ khả năng tinh thần nào; một chút khéo léo và phán đoán để tránh sai sót, chỉ ở mức ấy, không có gì phải viện đến toàn bộ trí óc. Do đó mỗi người đeo trang sức đá cắt chỉ vì giá trị của chúng là một kẻ bắt nô lệ.
Nhưng công việc của thợ kim hoàn, và những thiết kế đa dạng của đồ kim hoàn và đồ tráng men, có thể trở thành đối tượng cho trí tuệ cao quý của con người. Bởi vậy, số tiền chi ra để mua một cái đĩa làm tinh xảo, bình chạm khắc tỉ mỉ, đồ trang sức chạm nổi hoặc tráng men, mang lại lợi ích cho con người và, trong những công việc như vậy, đá quý có thể được sử dụng để làm tăng vẻ lộng lẫy của nó; việc cắt chúng là cái giá phải trả để đạt được một mục đích cao quý, bởi vậy hoàn toàn được chấp nhận.
XIX. Có lẽ tôi sẽ nói thêm về luật này ở chỗ khác, còn mối quan tâm trước mắt của chúng ta chủ yếu là điều thứ hai, cụ thể, không bao giờ yêu cầu hoàn thiện chính xác, khi nó không dẫn đến một mục đích cao cả. Để tiến hành, tôi chỉ nhấn mạnh vào sự thô lỗ của Gothic, hoặc bất kỳ loại không hoàn hảo nào khác, như một điều đáng ngưỡng mộ, khi mà không thể có được phác thảo hay ý nghĩ mà không có nó. Nếu bạn muốn biết ý nghĩ của một người thô lỗ và vô học thức, bạn phải có nó theo một cách thô lỗ và vô học thức; nhưng từ một người được giáo dục, vốn có thể dễ dàng diễn đạt suy nghĩ theo lối có học thức, hãy ghi nhận biểu đạt thanh nhã và biết ơn. Chỉ cần có được ý nghĩ, và đừng bắt người nông dân im lặng chỉ bởi anh ta không thể nói được với ngữ pháp tốt, hoặc cho đến khi bạn dạy anh ta ngữ pháp. Ngữ pháp và sự thanh nhã đều tốt đẹp, chỉ cần trước hết biết chắc chắn về điều tốt hơn. Và bởi vậy trong nghệ thuật, sự hoàn thiện tinh tế là điều được mong muốn nơi những bậc thầy lớn nhất, và chúng luôn được tìm thấy nơi họ. Ở một số chỗ, Michael Angelo, Leonardo, Phidias, Perugino, Turner, tất tật đều hoàn thiện với sự chăm chút tinh tế nhất; và sự hoàn thiện họ mang lại luôn dẫn đến việc hoàn thành mục đích cao quý của họ cách trọn vẹn hơn. Nhưng những người thấp kép hơn họ không thể hoàn thiện, vì cần có kiến thức tột bực để hoàn thiện một tác phẩm trọn vẹn, và vậy thì chúng ta phải tiếp thu suy nghĩ của họ theo cách mà họ có thể truyền đạt. Vì vậy quy tắc thật đơn giản: Luôn tìm kiếm trước tiên sự sáng tạo, và sau đó, tìm cách thực hiện giúp ích cho phát minh, và để nhà phát minh có thể thực hiện mà không cần nỗ lực khổ nhọc, và chỉ vậy. Trên hết, không yêu cầu tinh chỉnh cách thực hiện khi không có suy nghĩ, vì đó là công việc của nô lệ, không thể chữa được. Chọn công việc gồ ghề thì hơn là trơn tru, chỉ như vậy mục đích thực hành mới được giải đáp, và đừng bao giờ tưởng rằng có thể hoàn tất bất cứ thứ gì bằng kiên nhẫn và giấy nhám.
XX. Tôi sẽ chỉ nêu một ví dụ, tuy nhiên nó sẽ cho độc giả thấy tôi muốn nói gì, rút từ quá trình sản xuất đã ám chỉ, đó là sản xuất thủy tinh. Thủy tinh hiện đại của chúng ta có chất trong suốt tuyệt vời, hình thức chân thực, đường cắt chính xác. Chúng ta tự hào về điều này. Nhưng chúng ta nên xấu hổ vì nó. Thủy tinh cổ của Venice thì đục, không chính xác về mọi hình dạng, và cắt rất vụng, nếu có. Và người Venice ngày xưa đã tự hào về điều đó. Bởi vì có sự khác biệt giữa thợ thủ công Anh và Venice, đó là thợ Anh chỉ nghĩ đến việc làm chính xác theo mẫu, và làm cho các đường cong chính xác hoàn hảo và các cạnh thật sắc nét, và trở thành một cỗ máy thuần túy chỉ bo đường cong và mài cạnh; trong khi đó thợ Venice cổ không quan tâm chút nào đến việc các cạnh kia có sắc hay không, nhưng họ phát minh ra một mẫu mới cho mỗi cái cốc, và không bao giờ đúc một tay cầm hay miệng cốc mà không có sự sáng tạo mới. Và bởi vậy, dù một số mẫu cốc Venice xấu và vụng về khi được làm bởi những thợ vụng và thiếu sáng tạo, những cái cốc khác lại đẹp đến mức không giá nào là quá đắt cho chúng; và chúng ta không bao giờ thấy một cái thứ hai cùng loại. Nhưng ta không thể có cả sự hoàn thiện lẫn sự đa dạng. Nếu người thợ nghĩ về các cạnh, anh ta không thể nghĩ về mẫu thiết kế; nếu anh ta nghĩ đến mẫu, anh ta không thể chăm chú vào các cạnh. Hãy chọn xem bạn sẽ trả tiền cho hình thức hay hoàn thiện, và cùng lúc hãy chọn xem bạn muốn một người thợ là một con người hay một hòn đá mài.
XXI. Nhưng, độc giả sẽ ngắt lời tôi, “nếu người thợ có thể tạo mẫu đẹp, tôi không để anh ta ở lò nung. Để anh ta làm một quý ông, có văn phòng và thiết kế cái cốc của anh ta ở đó, và tôi sẽ cho thợ xoàng thổi và cắt ra nó, và bởi vậy tôi có cả mẫu thiết kế lẫn cái cốc hoàn thiện.”
Tất tật ý tưởng giống như vậy đều dựa trên hai giả định sai lầm: thứ nhất, rằng suy nghĩ của một người có thể, hoặc nên, được thực thi bởi tay người khác; thứ hai, rằng lao động chân tay là một việc hạ cấp khi nó được điều khiển bởi trí tuệ.
Trên quy mô lớn, và trong công việc được xác định bởi quá trình và quy tắc, quả thực có thể và nhất thiết những suy nghĩ của một người nên được thực hiện bởi lao động của những người khác; theo nghĩa này tôi đã chỉ ra rằng kiến trúc tốt nhất là sự thể hiện trí tuệ người trưởng thành bằng bàn tay của trẻ thơ. Nhưng ở quy mô nhỏ hơn, và trong một thiết kế không thể định nghĩa bằng toán học, suy nghĩ của người này không bao giờ có thể được thể hiện bởi người kia: và sự khác biệt giữa tinh thần trong cú chạm của người phát minh với người người làm theo chỉ dẫn, thường cũng là toàn bộ khác biệt giữa một tác phẩm nghệ thuật lớn và xoàng. Khoảng cách giữa sự thực hiện trực tiếp và sự thực hiện gián tiếp, tôi sẽ cố gắng trình bày ở chỗ khác; mục đích của chúng ta ở đây không phải là để chỉ ra lỗi nghiêm trọng nào khác ngoài việc xem thường lao động chân tay khi được trí tuệ điều khiển; vì coi thường lao động chân tay khi được trí tuệ điều khiển cũng không kém phần nghiêm trọng hơn so với việc coi trọng nó chỉ vì bản thân nó. Ngày nay chúng ta luôn cố tách biệt hai thứ này; chúng ta muốn một người chỉ luôn suy nghĩ, và một người chỉ luôn làm việc, và chúng ta gọi người này là một quý ông, người kia là thợ; trong khi đó người thợ thường phải suy nghĩ, và người suy nghĩ thường phải làm việc, và cả hai đều là quý ông, theo nghĩa cao nhất. Như vậy, chúng ta biến cả hai thành những kẻ thô lỗ, người này ghen tị, người kia khinh thường anh em của mình; và phần lớn xã hội được tạo nên từ những nhà tư tưởng bệnh hoạn và những người lao động khốn khổ. Nhưng chỉ có lao động mới có thể làm cho tư tưởng lành mạnh, và chỉ có lao động mới có thể trở nên hạnh phúc, và hai điều này không thể tách rời mà không bị trừng phạt. Sẽ thật tuyệt nếu tất cả chúng ta đều là những thợ thủ công theo một cách nào đó, và xóa bỏ hoàn toàn sự ô nhục của lao động chân tay; vì vậy, mặc dù vẫn có sự phân biệt rõ rệt các dòng dõi quý tộc và thường dân, nhưng giữa những người ở lớp thường dân không nên có sự tách biệt rõ rệt về việc làm như giữa những người nhàn rỗi và những người làm việc, hoặc giữa những người làm công việc tự do hay bó buộc. Tất cả mọi nghề đều phải tự do, và nên ít hãnh diện hơn về đặc thù của công việc, nhưng cần hãnh diện hơn về sự xuất sắc của thành tựu. Và hơn thế nữa, trong mỗi nghề, không người chủ nào nên quá tự hào khi chỉ thực hiện phần công việc khó nhất. Họa sĩ nên tự mài màu; kiến trúc sư làm việc trong sân dinh thự với những người thợ của mình; chủ xưởng sản xuất phải là người thợ lành nghề hơn bất kỳ người nào trong xưởng; và sự khác biệt giữa người này với người khác chỉ nằm ở kinh nghiệm và kỹ năng, sự tự chủ và của cải của họ phải đạt được một cách tự nhiên và chính đáng.
XXII. Hẳn tôi sẽ rời xa vấn đề đang nói đến nếu tôi theo đuổi chủ đề thú vị này. Tôi tin rằng có đủ bằng chứng cho độc giả thấy rằng sự thô lỗ hay bất toàn mà thoạt tiên khiến thuật ngữ “Gothic” trở thành lời chê trách, quả thực, khi hiểu đúng, lại là một trong những đặc điểm cao quý nhất của kiến trúc Cơ đốc và không những thế còn là một đặc điểm cốt yếu. Dường như là một nghịch lý lạ lùng, dẫu sao cũng là sự thật quan trọng nhất, rằng không kiến trúc nào có thể thực sự cao quý nếu không bất toàn. Và điều này thì dễ chứng minh. Bởi kiến trúc sư, người mà chúng ta hẳn cho là có khả năng tạo ra mọi thứ cách hoàn hảo, không thể tự tay thực hiện toàn bộ, anh ta phải biến những người thợ của mình thành nô lệ theo lối Hy Lạp cổ và trình bày theo kiểu Anh và hạ mức công việc của anh ta cho bằng khả năng của nô lệ, tức là khiến nó giảm giá trị; hoặc anh ta phải thấy những người thợ kia có giá trị riêng của họ, và để họ thể hiện điểm yếu cùng với điểm mạnh của họ, điều này sẽ bao hàm sự bất toàn của Gothic, nhưng khiến cho toàn bộ công trình trở nên cao quý ngang mức trí tuệ của thời đại có thể tạo ra.
XXIII. Nhưng nguyên tắc này còn có thể mở rộng hơn. Tôi đã giới hạn việc minh họa nó trong kiến trúc, nhưng tôi không được khiến nó có vẻ chỉ đúng với mỗi kiến trúc. Cho đến giờ, tôi đã sử dụng các từ bất toàn và hoàn hảo chỉ để phân biệt giữa công việc vô cùng vụng về và công việc được thực hiện với sự chính xác và tính khoa học ở mức trung bình; và tôi đã biện hộ rằng bất kỳ mức độ vụng về nào cũng nên được chấp nhận, chỉ để trí óc của người lao động có chỗ để biểu đạt. Nhưng, nói cho chính xác, không có công việc tốt nào có thể hoàn hảo, và nhu cầu về sự hoàn hảo luôn là một dấu hiệu của sự hiểu lầm về mục đích của nghệ thuật.
XXIV. Điều này có hai lý do, cả hai đều dựa trên các quy luật trường tồn. Thứ nhất, không một vĩ nhân nào ngừng làm việc cho đến khi đạt đến điểm thất bại của mình: nghĩa là, trí óc anh ta luôn đi trước khả năng thực hiện của anh ta, và về sau sẽ thỉnh thoảng dừng bước để nương theo nó; bên cạnh đó, anh ta sẽ luôn dành cho những phần kém hơn trong công việc của mình sự chú ý kém hơn mà chúng đòi hỏi; và tùy theo sự vĩ đại của mình anh ta trở nên quá quen với cảm giác không hài lòng với những gì tốt nhất có thể làm, đến nỗi trong những khoảnh khắc mệt mỏi hay tức giận với chính mình, anh ta sẽ không quan tâm dẫu cho người xem cũng thấy không hài lòng. Tôi tin rằng chỉ có một người không thừa nhận điều cốt yếu này, và luôn cố sức để đạt đến mức hoàn hảo, Leonardo; kết quả cho nỗ lực vô ích của ông chỉ là ông sẽ mất mười năm cho một bức tranh và rồi để nó dang dở. Bởi vậy, nếu chúng ta có rất nhiều người làm việc, hoặc có ít người hơn nhưng làm việc hết sức, công việc cũng sẽ không hoàn hảo, dù đẹp đến đâu. Trong công việc của con người chẳng có gì hoàn hảo ngoài những cái xấu, theo cách xấu của riêng nó.
XXV. Lý do thứ hai là, sự bất toàn theo cách nào đó là điều cốt yếu của tất tật những gì chúng ta biết về cái sống. Đó là dấu hiệu của sự sống trong một cơ thể phàm trần, tức là của một trạng thái tiến triển và biến đổi. Không có thứ gì sống mà lại, hoặc có thể, hoàn hảo cách cứng nhắc; phần nào đó đang mục nát, phần khác lại hình thành. Hoa mao địa hoàng – một phần ba là nụ, một phần ba đã tàn, phần còn lại nở rộ – là một mẫu của sự sống trên thế giới này. Và trong tất cả mọi thứ gì sống đều có phần nào đó bất thường và khiếm khuyết không chỉ là dấu hiệu của sự sống mà còn là nguồn cho đẹp. Không khuôn mặt người nào mà hai bên giống hệt nhau, không chiếc lá nào có các thùy hoàn hảo, không cành cây nào đối xứng. Tất cả cho thấy những sai lệch bởi chúng bao hàm sự thay đổi; và xóa bỏ sự bất toàn là tiêu hủy biểu đạt, cản trở nỗ lực, làm tê liệt sức sống. Mọi thứ thực sự tốt hơn, có duyên hơn và được yêu mến hơn bởi sự bất toàn đã được chỉ định, rằng luật của cuộc sống con người có thể là Nỗ lực, và luật của sự phán xét con người, Khoan dung.
Vậy hãy chấp nhận điều này như một luật phổ quát, rằng cả kiến trúc cũng như bất kỳ công việc cao quý nào khác của con người đều không thể tốt nếu không bất toàn; và chúng ta hãy chuẩn bị cho sự thật kỳ lạ mà chúng ta sẽ nhận ra rõ ràng khi tiếp cận thời Phục hưng, rằng nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ của nghệ thuật châu Âu là yêu cầu không ngừng nghỉ về sự hoàn hảo, cũng như không thể bị làm cho câm lặng bởi sự tôn kính điều vĩ đại, hay được xoa dịu để tha thứ cho sự giản dị.
Vậy thì sự Thô lỗ hoặc Man rợ là yếu tố tinh thần đầu tiên của kiến trúc Gothic. Nó cũng là một yếu tố của những kiến trúc lành mạnh khác, như Byzantine và Romanesque; nhưng Gothic đích thực không thể tồn tại mà không có nó.
XXVI. Yếu tố tinh thần thứ hai được nêu tên là tính Thay đổi, hay là tính Đa dạng.
Tôi đã nhấn mạnh việc cho phép người thợ cấp thấp được hoạt động độc lập, chỉ đơn thuần như một nhiệm vụ với anh ta, và như một sự tôn vinh kiến trúc bằng cách làm cho công việc ấy mang nhiều tính Cơ đốc hơn. Bây giờ chúng ta cần xem xét phần thưởng có được khi thi hành nhiệm vụ này, tức là sự đa dạng bất diệt trong mỗi nét đặc trưng của tòa công trình.
Bất cứ nơi nào người thợ hoàn toàn bị nô dịch, các bộ phận của tòa công trình đương nhiên phải hoàn toàn giống hệt nhau; bởi sự tuyệt hảo trong việc thi hành của anh ta chỉ có thể đạt được bằng cách bắt anh ta làm một việc duy nhất và không giao cho anh ta bất kỳ việc gì khác. Mức mà người thợ bị hạ thấp bởi vậy chỉ cần liếc qua là thấy, quan sát xem liệu các phần khác nhau của tòa nhà có giống hệt nhau hay không; và nếu, như ở công trình của người Hy Lạp, tất cả các đầu cột giống nhau, mọi gờ lồi đều tăm tắp, thì sự hạ thấp ấy là hoàn toàn; nếu, như ở công trình của người Ai Cập hay người Nineveh, dù cách tạo ra một số hình dạng luôn giống nhau nhưng thứ tự của mẫu lại luôn thay đổi, sự hạ cấp ấy kém triệt để hơn; nếu, như ở công trình Gothic, có cả sự thay đổi liên tục về mẫu và cách thực hiện, người thợ hẳn đã được giải phóng hoàn toàn.
XXVII. Có lẽ việc người xem được lợi như thế nào qua sự tự do của lao động có thể được đặt ra ở Anh, nơi mà một trong những bản năng mạnh nhất trong hầu hết tinh thần con người là Tình yêu Trật tự vốn khiến chúng ta mong muốn các cửa sổ nhà mình phải đều như đám ngựa kéo xe, và cho phép chúng ta không ngần ngại trao niềm tin của mình cho các lý thuyết kiến trúc đã áp đặt một hình thức cho mọi thứ và nghiêm cấm các biến thể. Tôi sẽ không phủ nhận tình yêu đối với trật tự: đây là một trong các yếu tố hữu ích nhất trong tinh thần Anh; nó giúp chúng ta trong thương mại và trong mọi vấn đề thuần túy thiết thực; và ở nhiều trường hợp đó là một trong các cơ sở nền tảng của luân lý. Chỉ cần đừng cho rằng tình yêu trật tự cũng là tình yêu nghệ thuật. Quả thật trật tự, theo nghĩa cao nhất, là một trong những điều bắt buộc của nghệ thuật, giống như thời gian là một điều bắt buộc của âm nhạc; nhưng tình yêu trật tự thì chẳng can thiệp vào việc chúng ta tận hưởng kiến trúc hay hội họa, cũng như tình yêu sự đúng giờ không can thiệp vào việc đánh giá đúng một vở opera. Kinh nghiệm dạy chúng ta, tôi e, rằng những thói quen chính xác và có phương pháp trong cuộc sống thường ngày hiếm khi là đặc điểm của những người có khả năng lĩnh hội nhanh chóng hoặc sở hữu năng lực sáng tạo của nghệ thuật; tuy vậy, không có gì mâu thuẫn giữa hai bản năng này, và không có gì cản trở chúng ta duy trì thói quen kinh doanh của mình, đồng thời hoàn toàn cho phép tận hưởng những món quà cao quý nhất của Phát minh. Chúng ta đã làm vậy trong mọi nghệ thuật ngoại trừ kiến trúc, và chúng ta chỉ không làm vậy bởi vì chúng ta đã được dạy rằng như vậy là sai. Các kiến trúc sư của chúng ta nghiêm trang thông báo cho chúng ta rằng, bởi có bốn nguyên tắc số học, nên có năm cấp kiến trúc; chúng ta, với sự đơn giản của mình, cho rằng điều này nghe có vẻ nhất quán, và tin họ. Họ cũng thông báo với chúng ta rằng có một hình thức thích hợp cho đầu cột Corinthian, một thức khác cho Doric, một thức khác nữa cho Ionic. Chúng ta, khi xem xét rằng cũng có một hình thức thích hợp cho các ký tự A, B và C, cho rằng điều này cũng có vẻ nhất quán và chấp nhận đề xuất. Bởi vậy, hiểu rằng chỉ có một hình thức đúng duy nhất cho các loại đầu cột nói trên và không còn cái nào khác, và thành thực kinh hãi trước tất tật những gì không giống như thế, chúng ta cho phép kiến trúc sư cung cấp cho chúng ta những loại cột như thế, với hình thức chính xác, với một số lượng cụ thể như thế, và tương tự như vậy trong tất tật các vấn đề khác để đảm bảo rằng các hình thức hợp pháp được tuân thủ; khi đã làm như vậy, chúng ta gượng gạo yên trí rằng chúng ta ở trong căn nhà tốt.
XXVIII. Nhưng những bản năng cao hơn của chúng ta không bị lừa. Chúng ta không hào hứng với tòa nhà được chuẩn bị cho chúng ta, giống như những gì chúng ta tìm thấy trong một cuốn sách mới hay một bức tranh mới. Chúng ta có thể tự hào về kích thước của nó, tự mãn về độ chuẩn xác của nó, và vui thích với tiện nghi của nó. Chúng ta có thể hài lòng với sự đối xứng và sự khéo léo trong một căn phòng được sắp đặt tốt, hay một chi tiết tinh xảo. Và chúng ta cho rằng đây là tất cả niềm vui mà kiến trúc dụng ý đem lại cho chúng ta. Ý tưởng đọc một tòa nhà như chúng ta đọc Milton hay Dante, và có được cùng một loại niềm vui từ những phiến đá giống như từ những khổ thơ, không bao giờ xuất hiện lấy một khắc trong tâm trí ta. Lý do thật chính đáng; Thực sự có nhịp trong các câu thơ, khá nghiêm ngặt như những đối xứng hay nhịp của kiến trúc, và lại còn đẹp hơn cả nghìn lần, nhưng còn có gì đó khác nữa ngoài nhịp. Các câu thơ không được tạo ra theo thứ tự, cũng không khớp nhau như các đầu cột; và bởi vậy chúng ta tìm thấy một niềm vui khác trong chúng ngoài cảm giác về sự hợp thức. Nhưng buộc phải có một nỗ lực mạnh của cảm năng thông thường để giũ khỏi chúng ta những gì được dạy suốt hai thế kỷ qua, và đánh thức tri giác về một sự thật cũng đơn giản và chắc chắn giống như nó mới: rằng nghệ thuật lớn, dẫu thể hiện bằng các từ, các màu, hay các tảng đá, không nói cùng một điều lặp lại hết lần này đến lần khác; rằng giá trị của kiến trúc, cũng như các nghệ thuật khác, bao gồm cả việc nói ra những điều mới và khác; rằng việc lặp lại chính nó không phải là đặc điểm của thiên tài về đá cẩm thạch cũng như thiên tài về in ấn; và rằng chúng ta có thể, chẳng vi phạm bất kỳ luật của thị hiếu tốt nào, đòi hỏi ở một kiến trúc sư, như chúng ta yêu cầu nơi một tiểu thuyết gia, rằng anh ta không chỉ phải đúng mà còn phải thú vị.
Tuy nhiên tất cả những điều này đều đúng, và thật hiển nhiên; chỉ có một điều bị giấu đi khỏi chúng ta, giống như những điều hiển nhiên khác, bởi được dạy sai. Không có thứ gì là tác phẩm nghệ thuật lớn, khi mà việc sản xuất chúng có thể đặt ra các luật và các mô hình. Chính xác là cho đến nay khi kiến trúc hoạt động dựa trên các luật đã biết, theo các mô hình cho trước, nó không phải là một nghệ thuật mà là một sản phẩm công nghiệp; và trong hai phương thức này, rõ là kém hợp lý hơn (bởi vì dễ hơn) khi sao chép các mũ cột và gờ lồi của Phidias rồi tự gọi mình là kiến trúc sư, so với việc chép lại dáng đầu và bàn tay của Titian và tự gọi mình là họa sĩ.
XXIX. Chúng ta cần hiểu ngay rằng sự thay đổi hay sự đa dạng là một điều thiết yếu với trái tim và trí óc con người nơi các tòa nhà cũng giống như trong các quyển sách; rằng chẳng có giá trị nào, dẫu đôi khi hữu ích, trong sự đơn điệu; và chúng ta không nên trông đợi có được niềm vui hoặc lợi ích nơi một kiến trúc mà mọi trang trí đều làm từ cùng một mẫu, và mọi đầu cột đều có cùng tỷ lệ, cũng như ở một vũ trụ mà mọi đám mây đều đồng dạng, tất tật cây cối đều cùng kích thước.
XXX. Và điều này chúng ta phải thừa nhận qua bằng chứng chứ không chỉ bằng lời. Tất cả niềm vui mà con người thế kỷ mười chín có được từ nghệ thuật, trong hội họa, điêu khắc, những đồ mỹ nghệ nho nhỏ, hay kiến trúc trung cổ, mà chúng ta ưa thích theo nghĩa hoa mỹ: không có niềm vui ở nơi bất kỳ tòa nhà hiện đại nào, và chúng ta thấy rằng mọi con người biết xúc cảm thì vui thích khi thoát khỏi các thành phố hiện đại để đến với cảnh thiên nhiên: bởi vậy, như tôi sẽ trình bày sau đây, rằng tình yêu đặc biệt dành cho cảnh quan vốn là điểm đặc thù của thời đại. Sẽ thật hay nếu như, trong những vấn đề khác, chúng ta sẵn sàng chấp nhận những gì chúng ta không thích, vì sự ưng thuận với luật đã được thiết lập, như chúng ta làm trong kiến trúc.
XXXI. Làm thế nào mà một luật suy đồi như thế lại được thiết lập, chúng ta sẽ thấy khi đến với mô tả về trường phái Phục Hưng: ở đây chúng ta chỉ cần lưu ý, giống như yếu tố cốt yếu thứ hai của tinh thần Gothic, rằng trường phái ấy đã phá vỡ luật kia ở bất cứ đâu nó tồn tại; nó không chỉ dám, mà còn thích thú, vi phạm mọi nguyên tắc nô lệ và phát minh ra một loạt các hình thức mà giá trị không chỉ ở chỗ chúng mới mà còn có khả năng vĩnh viễn mới. Cung nhọn không chỉ là một biến thể táo bạo từ cung bán nguyệt [pointed arch và round arch], nó còn cho phép vô số biến thể trong bản thân nó; bởi tỷ lệ của một cung nhọn có thể thay đổi đến vô cực, trong khi một cung bán nguyệt luôn luôn đồng dạng. Cột nhóm không chỉ là một biến thể táo bạo của cột đơn, mà nó còn cho phép vô số biến thể của các nhóm, và trong các tỷ lệ được gộp lại của mỗi nhóm. Việc đưa vào các mạng gân trang trí không chỉ là một thay đổi đáng kinh ngạc trong cách xử lý ánh sáng cửa sổ mà còn mở ra vô tận các thay đổi trong sự đan xen các thanh hoa văn trang trí. Bởi vậy, trong khi tất cả các kiến trúc Cơ đốc đang tồn tại tình yêu đối với sự đa dạng, trường phái Gothic đã thể hiện tình yêu đó với năng lực cao nhất; và sức ảnh hưởng của nó, bất cứ đâu nó được mở rộng, có thể đi trước và tiến xa trong đặc điểm này hơn bất kỳ trường phái nào; xu hướng áp dụng các mẫu Gothic luôn được thể hiện trước tiên qua sự bất hường lớn hơn và sự đa dạng dồi dào hơn trong các hình thức kiến trúc mà nó sắp thay thế, rất lâu trước khi xuất hiện cung nhọn hay bất kỳ dấu hiệu bề ngoài nào khác của tinh thần Gothic.
XXXII. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải cẩn thận lưu ý về khác biệt giữa một tình yêu lành mạnh và một tình yêu suy đồi dành cho thay đổi; cũng như bởi tình yêu lành mạnh với sự thay đổi mà kiến trúc Gothic phát triển, thì phần nào chính bởi tình yêu suy đồi với thay đổi mà nó bị phá hủy. Để hiểu rõ điều này, nhất thiết phải xem xét những cách khác nhau mà sự thay đổi và đơn điệu được thể hiện với chúng ta trong tự nhiên; cả hai đều có công dụng của chúng, giống như bóng tối và ánh sáng, cái này không thể được thưởng thức mà không có cái kia: sự thay đổi trở nên thú vị nhất sau một quãng đơn điệu kéo dài, giống như ánh sáng hiện ra rực rỡ nhất sau khi mắt đã nhắm lại một lúc.
XXXIII. Tôi tin rằng mối quan hệ thực sự giữa đơn điệu và thay đổi có thể được hiểu cách đơn giản nhất khi quan sát chúng trong âm nhạc. Trước tiên chúng ta có thể nhận thấy rằng có sự siêu việt và uy nghiêm trong cái đơn điệu, điều không có trong sự thay đổi nhanh chóng hoặc thường xuyên. Điều này đúng trong toàn bộ tự nhiên. Chủ yếu sự siêu việt của biển phụ thuộc vào vẻ đơn điệu của nó; cũng có vai trò tương tự nơi cảnh đồng cỏ hoang vắng hoặc cảnh núi đồi; và đặc biệt là sự siêu việt của chuyển động, như trong sự hạ xuống và nhô lên mạnh mẽ của một cây xà nhà. Cũng vậy, trong bóng tối có sự siêu việt không thể tìm thấy trong ánh sáng.
XXXIV. Một lần nữa, sự đơn điệu sau một khoảng thời gian nhất định hoặc vượt quá một mức nào đó trở nên nhàm chán hoặc không thể chịu được, và nhạc sĩ buộc phải phá vỡ nó theo một hoặc hai cách: hoặc trong khi câu hoặc đoạn nhạc được lặp lại nhiều lần, các nốt ở đó được làm phong phú và hòa âm lối đa dạng; hoặc, sau một số câu lặp lại nhất định, một câu hoàn toàn mới được giới thiệu, nó gây vui thích nhiều hay ít tùy thuộc vào độ dài của sự đơn điệu trước đó. Đương nhiên, Tự nhiên rất thường xuyên sử dụng hai lối biến đổi này. Sóng biển, về tổng quan thì giống nhau, lại khác nhau ở các đoạn và các đường cong nhỏ, thuộc loại đơn điệu thứ nhất; đồng bằng lớn, bị nứt ra bởi một tảng đá trồi lên hoặc một cụm cây, thuộc loại đơn điệu thứ hai.
XXXV. Xa hơn nữa: để tận hưởng sự thay đổi trong cả hai trường hợp, một mức kiên nhẫn nhất định được đòi hỏi nơi người nghe hoặc người xem. Trong trường hợp thứ nhất, anh ta phải bằng lòng kiên nhẫn chịu đựng sự lặp lại của các khối lớn âm thanh hay hình dạng và tìm cách nguôi ngoai với sự chú ý cẩn thận vào các chi tiết nhỏ. Trong trường hợp thứ hai, anh ta phải kiên nhẫn chịu đựng sự đơn điệu trong vài khoảnh khắc, để cảm nhận được sự tươi mới hoàn toàn của thay đổi. Điều này đúng ngay cả với đoạn nhạc ngắn nhất mà yếu tố đơn điệu được sử dụng. Trong trường hợp sự đơn điệu uy nghiêm hơn, lòng kiên nhẫn đòi hỏi phải lớn đến nỗi trở thành đau đớn – giá phải trả cho niềm vui tương lai.
XXXVI. Lại nữa: tài năng của nhà soạn nhạc không nằm trong sự đơn điệu mà trong những thay đổi: anh ta có thể thể hiện cảm xúc và gu bằng cách viện đến sự đơn điệu ở những chỗ hoặc ở những mức nhất định, nghĩa là bằng cách sử dụng nó theo nhiều cách khác nhau nhưng luôn luôn trong những sắp đặt hay phát minh mới mà trí tuệ của anh ta hiện ra, không phải trong sự đơn điệu vốn giảm bớt trí tuệ ấy.
Cuối cùng: nếu niềm vui tạo ra bởi thay đổi được lặp lại quá thường xuyên, nó không còn thú vị nữa, bởi khi đó bản thân sự thay đổi trở thành đơn điệu, và chúng ta bị thúc tìm kiếm niềm vui ở mức cực đoan hay quái dị của nó. Đây chính là tình yêu suy đồi với sự thay đổi đã nói ở trên.
XXXVII. Bởi những sự thật này, chúng ta có thể thấy rằng sự đơn điệu bản thân nó là, và đáng lẽ phải là, đau đớn đối với chúng ta, giống như bóng tối; một kiến trúc hoàn toàn đơn điệu là một kiến trúc tối hoặc chết; và về phần những người yêu thích nó, có thể nói thật đúng rằng “họ yêu tối hơn sáng.” Nhưng sự đơn điệu ở một mức nào đó được sử dụng để đem lại giá trị của thay đổi, và trên hết, sự đơn điệu trong suốt ấy, giống như mảng tối của một họa sĩ lớn, cho phép mọi hình dáng được gợi lên mập mờ được nhìn thấy ở đó, là một điểm thiết yếu trong kiến trúc cũng như trong mọi sáng tạo khác; và sự nhẫn nại với cái đơn điệu thì có giá trị đối với một đầu óc khỏe mạnh cũng giống như sự nhẫn nại với mảng tối: một trí tuệ mạnh hẳn thích thú với vẻ trang nghiêm trong cơn bão hay cảnh nhập nhoạng và với ánh sáng vỡ vụn và bí ẩn lấp ló giữa chúng, thay vì chỉ toàn rực rỡ chói lọi, trong khi đó một tinh thần phù phiếm sẽ sợ tối và sợ bão; và một con người vĩ đại hẳn sẵn sàng chịu đựng vận mệnh mù mịt để đạt tới vị thế cao hơn của quyền lực hay hạnh phúc, trong khi một kẻ thấp kém sẽ không trả giá; cũng giống như vậy, một trí tuệ lớn sẽ chấp nhận, thậm chí vui thích, sự đơn điệu vốn khiến mệt nhoài một trí tuệ kém, bởi mang nhiều kiên nhẫn và sức mạnh của kỳ vọng hơn, và sẵn sàng trả giá đủ cho niềm vui lớn tương lai của sự thay đổi. Dẫu sao không phải bản tính cao quý nào cũng yêu sự đơn điệu, cũng như không thích tối hoặc đau. Nhưng nó có thể chịu được, và nhận lấy niềm vui lớn bởi lòng kiên nhẫn hay bền bỉ, một niềm vui cần thiết cho sự thịnh vượng của thế giới này; trong khi những người không chịu khuất phục trước sự đồng nhất tạm thời mà vội vã lao từ thay đổi này sang thay đổi khác, dần dần cùn đi chính bản thân sự thay đổi, mang lại bóng tối hay vẻ mệt mỏi phủ lên toàn thế giới mà khi ấy chẳng còn lối thoát.
XXXVIII. Từ những cách sử dụng tổng quát sự đa dạng trong cơ cấu tổ chức của thế giới, chúng ta có thể hiểu được ngay cách sử dụng và lạm dụng nó trong kiến trúc. Sự đa dạng của các trường phái Gothic thì lành mạnh và đẹp hơn, bởi trong nhiều trường hợp nó hoàn toàn không được nghiên cứu, và kết quả không xuất phát từ tình yêu đơn thuần đối với sự thay đổi mà từ những sự tất yếu của thực tế. Bởi vì theo một cách nhìn nào đó thì Gothic không chỉ là tốt nhất, nó còn là kiến trúc hợp lý duy nhất, bởi có thể dễ dàng trở nên vừa vặn với mọi công dụng, dù tầm thường hay cao quý. Không hề xác định độ dốc mái, chiều cao cột, độ rộng vòm, hay cách bố trí mặt bằng, nó có thể thu lại thành một tháp nhỏ, mở rộng thành một đại sảnh, cuộn lại thành một cầu thang hoặc duỗi ra thành một chóp nhọn, với sự duyên dáng không suy giảm và năng lượng không cạn kiệt; và bất cứ khi nào nó tìm thấy cơ hội để thay đổi hình dạng hoặc mục đích, nó sẽ tuân theo mà không có cảm giác mất đi cả vẻ thống nhất cũng như uy nghiêm – tinh tế và linh hoạt như một con rắn lửa, nhưng luôn chú trọng vào giọng của bùa mê. Và là một trong những phẩm chất lớn của những người xây dựng Gothic khi họ không bao giờ để những ý về vẻ đối xứng bề ngoài và tính nhất quán bên ngoài can thiệp vào mục đích sử dụng thực và giá trị của những gì họ làm. Nếu muốn một cửa sổ thì họ trổ một cửa sổ; muốn một phòng thì làm thêm một phòng; muốn một trụ đỡ thì thêm một trụ đỡ; hoàn toàn không quan tâm đến bất kỳ quy ước nào đã thiết lập cho vẻ bề ngoài, biết rằng (quả thực điều này luôn xảy ra) những sự can thiệp táo bạo như vậy vào mặt bằng theo thể thức sẽ tăng thêm thú vị cho tính đối xứng hơn là làm hại. Bởi vậy, vào thời kỳ Gothic tuyệt nhất, thà trổ một cửa sổ vô dụng ở một chỗ không trông đợi vì mục đích gây bất ngờ còn hơn cấm ngặt một cửa sổ có ích để giữ vẻ đối xứng. Mỗi kiến trúc sư được bổ nhiệm tiếp theo cho một công trình lớn đều xây dựng các phần mà họ thêm vào theo cách của họ, hoàn toàn không quan tâm đến phong cách mà người tiền nhiệm đã thực hiện; và nếu hai tháp được dựng lên lối tương xứng hai bên của mặt tiền một nhà thờ, một bên chắc chắn sẽ khác bên còn lại, và ở mỗi tháp phong cách khối chóp sẽ khác với khối đế.
XXXIX. Những biến thể rõ rệt này, tuy vậy, chỉ được cho phép như là một phần của toàn bộ hệ thống thay đổi liên tục xuyên suốt mọi bộ phận của đồ án Gothic, và thể hiện nó như một trường vô tận cho sự xem xét của người xem cũng như cho trí tưởng tượng của người xây dựng: sự thay đổi, nơi những trường phái tuyệt hảo thì tinh vi và thanh nhã, và trở nên càng thú vị hơn khi pha trộn một sự đơn điệu cao quý; trong những trường phái man rợ hơn nó lại phần nào kỳ lạ và thừa thãi; nhưng trong mọi trường phái nó đều là một điều kiện cần thiết và liên tục cho sức sống của trường phái. Sự đa dạng đôi khi nằm ở điểm này, khi lại ở điểm khác; nó có thể xuất hiện nơi các đầu cột hay các điêu khắc diềm chóp, các hốc tường hoặc hoa văn trang trí, hoặc trong tất cả, nhưng ở một hoặc vài nét đặc trưng khác nó sẽ luôn được tìm thấy. Nếu các đường diềm bất biến, bề mặt điêu khắc sẽ thay đổi; nếu các đầu cột cùng một mẫu, các mạng gân sẽ thay đổi; nếu các mạng gân đơn điệu, các đầu cột sẽ thay đổi; và ngay cả trong những trường phái Gothic tuyệt hảo, chẳng hạn thời kỳ đầu ở Anh, khi mà sự gần xấp xỉ nhau là nhỏ nhất đối với một loại đường diềm, đầu cột, và họa tiết hoa lá đã xác định, tính đa dạng lại nằm ở cách sắp xếp các khối và trong hình tượng điêu khắc.
XL. Trước khi kết thúc việc xem xét yếu tố tinh thần thứ hai của Gothic, tôi muốn nhắc đến phần mở đầu cho chương ba của Bảy tinh thần kiến trúc, trong đó có sự phân biệt giữa người thu thập và người quản lý, giữa việc tiếp nhận các nguồn vui sướng của tự nhiên và sự phát triển của sức mạnh có thẩm quyền hoặc tưởng tượng trong sự sắp đặt của chúng: vì hai yếu tố tinh thần này, không chỉ ở Gothic mà còn ở tất cả các kiến trúc tốt chúng ta đã xem xét, đều thuộc về mối tương quan ấy, và đáng ngưỡng mộ ở đó hơn bất kỳ chủ đề nghệ thuật nào khác, bất kỳ tác phẩm của con người và sự bày tỏ sức mạnh trung bình của con người nào khác. Một bức tranh hay bài thơ thường không hơn một bày tỏ yếu ớt sự ngưỡng mộ của con người đối với một thứ gì đó nằm ngoài bản thân anh ta; nhưng kiến trúc gần giống với sáng tạo của riêng anh ta hơn, xuất phát từ những bức thiết của anh ta, và diễn đạt bản tính của anh ta. Theo cách nào đó, đây cũng là tác phẩm của toàn thể chủng tộc, trong khi bức tranh hoặc bức tượng chỉ là tác phẩm của một người, mà trong hầu hết mọi trường hợp có năng khiếu cao hơn đồng bào anh ta. Và bởi vậy, chúng ta có thể mong đợi rằng hai yếu tố đầu tiên này của kiến trúc tốt hẳn biểu đạt một vài sự thật lớn thường thuộc về toàn thể chủng tộc, và nhất thiết họ phải hiểu hoặc cảm nhận được trong mọi công việc họ làm dưới ánh mặt trời. Và hãy xem chúng là gì: lời thú nhận về sự Bất toàn, và lời thú nhận về Khát khao Thay đổi. Việc xây dựng của loài chim và loài ong không cần thể hiện bất cứ điều gì giống như thế. Chúng hoàn hảo và bất biến. Nhưng chỉ vì chúng ta là thứ gì đó tốt hơn cả chim hay ong, tòa nhà của chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta không chạm đến sự hoàn hảo mà chúng ta có thể tưởng tượng và không thể nghỉ ngơi trong tình trạng mà chúng ta đã đạt được. Nếu chúng ta vờ rằng đã chạm đến được cả cái hoàn hảo lẫn thỏa mãn, chúng ta đã hạ thấp bản thân và công việc của mình. Chỉ công trình của Chúa mới có thể cho thấy điều đó, nhưng công trình của chúng ta có thể chẳng bao giờ viết câu này, “Nhìn xem, thật tuyệt.” Và, hãy quan sát lần nữa, không chỉ vì nó biến tòa nhà thành một quyển sách về kiến thức đa dạng hay một mỏ tư tưởng quý báu mà sự đa dạng là cái cốt yếu cho sự cao quý của nó. Nguyên tắc quan trọng không phải là tình yêu đối với Tri thức mà là tình yêu dành cho Thay đổi. Chính sự bồn chồn kỳ lạ của tinh thần Gothic là sự vĩ đại của nó; sự bồn chồn của tinh thần mơ, lang thang đây đó giữa các hốc tường, quýnh quáng nhấp nháy quanh các tháp nhọn và làm mòn hoặc mờ dần những ụ lồi hay bóng đổ rối rắm trên tường hay mái, nhưng vẫn không thỏa mãn, và sẽ không thỏa mãn. Người Hy Lạp có thể hài lòng với các rãnh khắc của triglyph và được yên ổn; nhưng công trình của tâm hồn Gothic thì vẫn tiếp tục chạm trổ, và công việc vất vả ấy không thể được thỏa mãn hay ngơi nghỉ, mà phải tiếp tục, không ngủ, cho đến khi tình yêu sự thay đổi của nó được xoa dịu mãi mãi trong sự thay đối phải đến với cả những người thức và những người ngủ.
Công Hiện dịch