Roth, Mauriac, và hai chuyển động của linh hồn
“Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.”
Sáng Thế 2, 2
“Lòng chúng con bất an không ngừng, cho tới khi chúng con được nghỉ yên trong Chúa.” Đây là cách mà St. Augustine đã nói từ rất lâu, vào thời điểm viết Confessions, về một sự chuyển động trong tâm hồn không chỉ từng chi phối cả cuộc đời thánh nhân nhưng còn là chuyển động không ngừng của con người phổ quát. Con người, được đặt trong lực kéo của chiều ngang và chiều dọc thời gian, của đã và chưa, của thuộc thời gian và vượt thời gian, là một chuyển động mang tính hai chiều. Một đằng, đó là sự chuyển động hướng đến cái tốt đối với tâm hồn con người; đằng khác, đó còn là chuyển động để tránh khỏi điều xấu cho chính tâm hồn ấy. Và hai tiểu thuyết của Joseph Roth và François Mauriac - Job và Sa mạc tình yêu - chính là hai khu vực tuyệt vời để quan sát hai chuyển động của yếu tính con người.
Nhưng chuyển động ấy là gì? Con người, như là hợp thể của xác và hồn, tồn tại một thứ chuyển động: xét theo nghĩa rộng, trong đó đối tượng chuyển động bắt đầu đi từ trạng thái này đến trạng thái khác; xét theo nghĩa hẹp, trong đó đối tượng ấy thụ động chịu tác động biến đổi, cùng với những biểu hiện vật lý bên ngoài vốn chỉ mang tính phụ thuộc. Và chuyển động của linh hồn nên được hiểu như là phản ứng của linh hồn trước cái thiện và cái ác đã, đang, và sẽ xảy ra. Đây còn là sự biến đổi đến tận bản thể vì nó định hình yếu tính của con người dưới ánh sáng của hy vọng và tuyệt vọng. Nhờ hai cách nhìn chuyển động này mà ta có thể gọi tên chúng là các “passion”1.
Các passion, trong ngôn ngữ hằng ngày, chỉ thường được hiểu đơn giản theo nghĩa là các “đam mê”; nhưng còn đối với những độc giả có tinh thần nghiêm túc hơn, dục vọng khi ấy mang đậm một màu khắc kỷ. Nhưng, passio hay páthos lại là một danh từ với nhiều tầng nghĩa phong phú hơn nhiều. Vậy ta hãy cùng trở lại dòng lịch sử: khởi đầu với Homer và những cuộc phiêu lưu của các anh hùng, nó là sự “chịu đựng điều xấu”; là “chịu phạt” trong Luật của Plato. Tuy hiếm gặp, nhưng được Democritus, và Sophocles xem là “ở trong tình trạng tốt”. Trong bi kịch của Aeschylus, nó là “học qua đau khổ”. Với triết học của Plato là “sự thay đổi của trời và đất”; cùng Philo là “xung động cảm xúc xuất phát từ các giác quan”. Aristotle mô tả nó là một “cảm xúc cần được lý trí dẫn dắt” và là một phương pháp để thuyết phục người nghe. Ở một địa hạt khác, nó là “chịu sự thử thách” đối với Kinh Thánh bản LXX; cùng với sự kiện đền thờ Jerusalem bị phá hủy, văn chương Do Thái Giáo và truyền thống kinh sư đã xem đau khổ không chỉ là “hình phạt” mà còn là “phương tiện thanh tẩy và chuộc tội”. Và cuối cùng, Tân Ước đẩy thêm một bước xa hơn, páthos được xem như là “một tình trạng đau khổ vì mục đích thử thách và mang tính cứu rỗi”, đặc biệt là cuộc Chịu Nạn của Đấng Messiah đóng vai trò là trung tâm của Ki-tô giáo.
Như vậy, ở đây ta nhận thấy hai mạch ý nghĩa chính: một mạch mang nghĩa bất hạnh, thất bại, bệnh tật, nỗi đau; và một mạch khác mang nghĩa tâm trạng, cảm xúc, dục vọng, xung động. Một khi hiểu được ý nghĩa của passio trong các xã hội truyền thống, ta không chỉ làm rõ một giai đoạn trong lịch sử tư tưởng nhân loại, nhưng còn đặt cho mình một điểm xuất phát để có thể hiểu hơn về chính con người của thời chúng ta.
***
Tiểu thuyết hiện đại không còn được xây dựng trong các xung đột như tiểu thuyết cổ điển. Nơi thế giới cũ đang dần mất đi, những giá trị truyền thống như tôn giáo, đạo đức, công bằng, hay danh dự cũng theo đó biến mất; và nếu còn tồn tại, nó chỉ gây ra một xung động nhỏ nhoi trong tâm hồn. Joseph Roth không xây dựng các nhân vật của ông để chiến đấu, ông đặt chúng vào giữa cái ác và để chúng chịu đựng các đau khổ như là một điều tất yếu trong tồn tại con người. Chuyển động linh hồn của Mendel Singer không xuất hiện trong Job như một motif anh hùng, mà trái lại, đó là sự mục rữa dần dần của các giá trị truyền thống: niềm tin, gia đình, quê hương; còn ân sủng như một danh từ trống rỗng chỉ được đọc trong những trang giấy, rồi sau này sẽ bị người ta đốt đi. Trước thay đổi của lịch sử, Mendel Singer phải nhìn những thứ đẹp đẽ, thân thương nhất biến mất; ông không có khả năng ngăn chặn những sụp đổ, không có khả năng kiểm soát số phận của chính mình. Và để phát triển ý tưởng của St. Augustine về hy vọng2, thì tuyệt vọng, passio desperatio, là một trạng thái nơi con người mong muốn điều tốt nhưng không có niềm tin rằng mình sẽ đạt được điều tốt ấy. Con người tuyệt vọng là một con người đưa mắt nhìn tương lai, nhưng không còn thấy ánh sáng nữa.
Roth, với một giọng văn không mang tính phán xét, không cố gây thương cảm cũng không hứa hẹn, kể một câu chuyện Job khác với Kinh Thánh: đây không còn là trình thuật về một người thuần hậu trước những đau khổ và phần thưởng sẽ tới, nhưng là nhân chứng không lời trước các sự kiện liên tục xảy đến với con người. Mendel Singer không thể quay trở lại quá khứ, không thể lựa chọn cho mình một hiện tại, và không thể nhìn thấy tương lai. Ông không thể trở về thời còn trẻ, vào những ngày bắt đầu học Kinh Thánh của mình, hình dung ánh sáng trong mắt của các nhà tiên tri. Ông thụ động “như một hạt bụi nhỏ” nhìn mọi thứ và cả chính ông “bị gió cuốn đi”. Và ông tìm cách giết chết hy vọng dù chỉ “rụt rè nhú lên tận đáy trái tim mình”. Ông không đặt câu hỏi cho những đau khổ mà ông phải chịu, và ông cũng không trả lời cho những chất vấn của thế giới về niềm tin của ông.
Nếu như trong Kinh Thánh, ngôn ngữ của ông Job là lời biện hộ trước những cáo buộc từ các bạn của ông, là hành động đòi ra tòa với Chúa, là nỗ lực chứng minh sự vô tội của mình; thì trong Job của Roth, ngôn ngữ của Mendel Singer chỉ là sự im lặng và những tiếng thở dài. Ngày Sabbath khởi đầu cùng với sự im lặng, và bằng cách ấy mà Mendel sống từ Thứ Bảy này sang Thứ Bảy khác. “Mendel thường thở dài không lý do tưởng tượng được, ngay chính giữa lúc cầu nguyện, ngay chính giữa lúc đang dạy học, ngay chính giữa sự im lặng của ông.” Những gì ông muốn nói với Chúa của ông, tất cả đều đã được nói xong vào những giờ cầu nguyện hằng ngày. Với thế giới, ông chìm vào im lặng, bởi ông không có đủ khả năng cũng như không còn muốn lên án thế giới và biện hộ cho đau khổ của mình. Và ông thở dài, khi nhận thức được bất hạnh sắp ập đến trên ông. Thậm chí, tiếng thở dài ấy vẫn còn tồn tại, ngay cả khi, cuối cùng, ông đã được nhìn thấy phép mầu nơi ánh sáng “không già không trẻ” trong mắt đứa con trai. Và câu hỏi đặt ra, liệu rằng có còn đủ thời gian cho Mendel Singer để học một ngôn ngữ mới của hy vọng?
Giữa những biến đổi của thời đại, Joseph Roth cho thấy các giá trị tinh thần dần dần bị cuốn trôi khỏi các nhân vật của mình, với sự bất động và vô phương chống lại các thay đổi ấy.
Nếu nhân vật của Roth như một chiếc thuyền giấy chuyển động đi từ điểm này đến điểm kia, luôn có khả năng sẽ chìm bất cứ lúc nào; thì ở một vùng quan sát khác, nhân vật trung tâm của Mauriac hiện diện trong tác phẩm như một dòng nước chảy quá mạnh, quá nhanh, tạo ra một vực nước xoáy.
***
Tình yêu - passio amor - được Mauriac xem như là một dòng nước đẹp và phản chiếu sắc trời, nhưng nó cần các nhân đức đóng vai trò làm các đập chắn3. Trong tác phẩm của mình, Mauriac đã tháo những đập nước ấy đi, và ông để cho các nhân vật chuyển động tự nhiên, để cho những dòng nước passio mặc sức chảy tùy ý, cuốn theo đất và bùn. Tuy dòng nước tình yêu luôn hiện diện sẵn bên, vậy mà con người ở thế giới tiểu thuyết của ông chưa bao giờ thấy mình được thỏa cơn khát.
Trong Sa mạc tình yêu, Maria Cross đóng vai trò là nhân vật trung tâm của quyển tiểu thuyết. Nàng là nhân vật bước ra từ trong giấc mơ thời thiếu niên của Mauriac, một bức phác thảo sau này sẽ trở thành Thérèse Desqueyroux4. Một mặt, cái tên Maria Cross không khỏi khiến độc giả liên tưởng đến lời chào của thiên thần Gabriel: “Hail Mary, full of grace.” - một lời chào đã trở thành lời kinh hằng ngày của các tín hữu. Mặt khác, thông qua nhan đề của quyển sách mà Raymond Courrèges đọc trên tàu, ta còn được gợi nhắc đến câu chuyện về chiếc đai lưng tuyệt vời mà ba nàng Graces đã tặng cho nữ thần Aphrodite, nhờ nó mà vị thần sắc đẹp lại càng thêm bất khả kháng cự. Một phụ nữ, có thể nhờ những nét cân đối của khuôn mặt cùng những tô điểm bên ngoài để trở thành một người phụ nữ đẹp; nhưng một phụ nữ với đập nước của nhân đức vâng phục, và chiếc đai lưng duyên dáng để kiểm soát các chuyển động của mình, mới là người sở hữu thứ trang sức quý giá bậc nhất để tôn vinh người đeo chúng. Và Maria Cross, như một tấm phim âm bản của Đức Nữ Đồng Trinh và vị thần quyến rũ nhất Olympus, không có tiếng chào mừng của thiên thần cũng như chẳng có chiếc đai lưng thần linh nào, chỉ có những lời phê phán và những đợt cảm xúc dâng trào. François Mauriac đã nhìn thấy sự phân biệt giữa hai loại vẻ đẹp, một vẻ đẹp tĩnh và một vẻ đẹp động; bởi đó ông không cần ra sức mô tả khuôn mặt của Maria Cross, không cần đặt vào môi nàng những từ ngữ sắc sảo hay thể hiện những ý tưởng lớn trong tư duy; nhưng chỉ cần vài nét phác thảo, những câu nói đơn giản, những tác động của nàng đối với các nhân vật xung quanh là đã đủ để khiến độc giả nhận ra nàng quyến rũ tới mức nào. Và Mauriac tận dụng nhân vật này để làm nhiệm vụ của tiểu thuyết gia: hiểu con người5 - một con người đang trong quá trình bước sang tuổi già và một con người đang trong quá trình bước sang tuổi trưởng thành.
Dòng thời gian trong Sa mạc tình yêu như dòng nước xoáy ngược chiều kim đồng hồ làm hiện lên những gì từng bị cuốn vào trong nó. Raymond, lúc này một người đàn ông trung niên, nhờ sự xuất hiện của Maria Cross mà được trở về cái khoảng ngây ngất giữa ngây thơ và trưởng thành. Nàng không chỉ là thực tại trước mắt, nhưng còn là quá khứ sống động hòa lẫn với hiện tại đang xảy ra. Và khi trở lại thời gian của mười bảy năm trước, ta lại thấy Paul Courrèges, cũng chính nhờ Maria, nhận thấy tâm hồn của mình lại được trở về thời thanh xuân, được trở về khoảng thời gian của biết yêu và mơ màng. Với Paul và Raymond, nàng là hiện tại, là quá khứ, và là quá khứ của quá khứ. Những chuyển động trong linh hồn, bởi thời tiết, và tuổi tác, và thành phố Bordeaux, do đó lại càng thêm mãnh liệt.
Càng khát khao điều gì, con người càng thấy và tin vào ảo ảnh của nó. Maria Cross xuất hiện trong tác phẩm không phải là một phụ nữ yêu và được yêu, mà nàng đến như là một ảo ảnh về nguồn nước mát cho hai con người sống giữa sa mạc: Raymond và Paul Courrèges. Nàng không trực tiếp thỏa mãn dục vọng, nhưng nàng mang đến ảo tưởng cho họ, đánh thức những khao khát đã ngủ yên hoặc chưa có cơ hội phát triển. Với Paul - người đàn ông đạo mạo, người của bổn phận và nguyên tắc - tưởng rằng không gì có thể làm ông lung lay khỏi cái nền tảng chắc chắn mà ông đã xây dựng, vậy mà Maria lại là thử thách cho một con người đã sắp bước sang tuổi già như ông. Paul bắt đầu cảm thấy đạo đức là cái khuôn đã mục, con cái là khoảng cách về thế hệ, và hôn nhân là sự ràng buộc trên giấy tờ và bí tích. Nhờ Maria mà ông nhận ra mình là một người đàn ông vẫn còn khả năng yêu và mơ mộng, “nàng nhập vào cùng hàng bao mối tình của ông vào tuổi thiếu niên”, ông thấu hiểu Maria, rằng nàng khác xa với những gì thành phố Bordeaux này đồn đoán về nàng. Ông nếm náp dục vọng nơi mình, trong trí tưởng tượng mà chẳng cần hành động thực, nhờ đó dục vọng nơi ông càng thêm lớn mạnh bởi sự cộng hưởng của cái không thể chạm đến và cái khiến ông giữ được đạo hạnh cho cả ông và nàng. Và phải khi nàng ngã lầu, ông mới có cơ hội để đến bên nàng với đúng vai trò mà chuẩn mực xã hội chấp nhận.
Về phần Raymond, Maria là cánh cửa dẫn anh vào thế giới xác thịt. Raymond soi mình trong đôi mắt của Maria và nhìn thấy nơi ấy người đàn ông mà anh sẽ trở thành. Nhưng nàng không đến như một người phụ nữ đầy kinh nghiệm để “dạy” cho anh, mà là một người mẹ đau khổ nhìn thấy ở anh những nét của đứa con trai mới qua đời. Nàng muốn có những cuộc hẹn kín đáo ở nhà riêng với Raymond, nhưng đồng thời, cũng bởi lý do đó mà những điều thành phố Bordeaux nói về nàng lại trở thành đúng; Raymond nghĩ rằng nàng đang tạo điều kiện cho anh, quyến rũ anh, “mời gọi” anh vào một cuộc thám hiểm đầu đời. Sự hiểu lầm ấy đã tạo ra bi kịch: trong cuộc hẹn thứ nhì, Raymond để lộ những biểu hiện của con thú non chưa biết kiểm soát, để rồi anh phải chịu sự khinh bỉ từ Maria, thứ làm trầm trọng thêm cách mà Raymond nhìn bản thân mình. Với sự nhục nhã tận cùng và sự kết án chính mình, Raymond giờ đây xem nàng như là biểu tượng của thất bại, là vết thương không bao giờ khép miệng, khiến mọi cuộc tình sau này của anh đều là những dịp trả thù. Mười bảy năm tiếp theo mở ra, hễ bao nhiêu phụ nữ thì sẽ là bấy nhiên khuôn mặt vì anh mà đẫm nước mắt, những giọt nước mắt ấy là để trả cho nàng.
Nhưng Mauriac không đơn thuần mô tả nhân vật của ông thông qua các dục vọng riêng lẻ, khiến cho mọi chuyển động của họ chỉ đơn giản là xoay quanh ảnh hưởng của dục vọng. Người ta có quyền xem việc phân tích nhân vật là sự sắp xếp, tái tổ chức và đặt con người bên dưới các phạm trù là điều chính đáng, thậm chí là rất hợp lý khi trong thực tế có thể quy tụ các nhân vật trong một quỹ đạo và mọi việc trở nên vô cùng dễ dàng. Nhưng thụ tạo ấy phức tạp hơn nhiều, đó không chỉ là một người chồng người cha muốn từ bỏ mọi thứ và chạy theo ảo tưởng mình hằng khao khát; không chỉ là một người đàn ông đào hoa để trả thù một phụ nữ. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, có linh hồn, mang theo toàn bộ quá khứ, khuyết điểm và những vết thương. Mauriac viết về những con người mang đầy dục vọng, đấy không phải là để ta nhìn thấy con quái vật nằm sâu bên trong và kinh tởm nó, căm ghét nó, tránh xa nó; nhưng đó còn là một lời mời gọi compassion, để nhận thấy ở đó những yếu tố đối lập cùng tồn tại với nhau trong một bản thể con người.
“Điều cần biết là liệu rằng sa đọa có giải thoát ông khỏi dục vọng chăng; mọi điều đều phụng sự dục vọng: kiêng khem làm nó bứt rứt; thỏa mãn khiến nó sung hơn; đạo hạnh của ta giữ cho nó tỉnh, chọc tức nó; nó làm ta kinh khiếp, mê đắm; nhưng nếu ta chịu thua, thói hèn của ta chẳng bao giờ xứng tầm đòi hỏi của nó... Ôi! Đồ điên! Lý ra phải hỏi bị ung thư cha sống ra làm sao. Có gì nơi thẳm sâu một cuộc đời đức hạnh? Có những lối thoát nào? Thượng đế làm được gì?”
Bi kịch của con người nằm ở chỗ, đấy không chỉ là sự giằng co, nhưng còn là một sự không thể tiến và không thể lùi. Con người buông thả dục vọng để rồi nhận thấy rằng bản thân vẫn chưa đủ yêu thế gian để cảm thấy thỏa mãn với dục vọng và tội lỗi của nó; đồng thời tình yêu, hy vọng, và niềm tin trong họ vẫn chưa đủ lớn để những con người này có thể cất tiếng hát với các thiên thần và trở thành thánh nhân. Với họ, các nhân đức và sự vâng phục thật chán chường và gò bó, nhưng ở thế giới đang sống đây không còn đủ thoải mái để gọi là nhà của mình nữa. Con người, trên sân khấu của tồn tại, đang trong quá trình hoàn tất vai diễn của mình; và khán giả, lại là một người đang quan sát, phán xét, thậm chí im lặng trước vở kịch đang diễn ra.
Nhưng, nếu một tiểu thuyết gia chỉ tập trung vào tả thực hoặc phân tích tâm lý nhân vật, chỉ chạm vào páthos của Rhetoric thì quyển tiểu thuyết ấy sẽ là một tiểu thuyết hay, đầy thuyết phục, hoặc thậm chí là một tiểu thuyết lớn, nhưng có lẽ bấy nhiêu vẫn chưa đủ để thổi hồn cho nó và khiến nó có một đời sống riêng. Ở Job và Sa mạc tình yêu, ngoài yếu tố Kunst6, còn có một yếu tố khác luôn lơ lửng trên những mạch nước chuyển động này.
***
“Mendel dùng một ngón tay chẳng phải không đẫm tình yêu gõ nhẹ vào cái giỏ treo lơ lửng, ngay lập tức nó khởi sự đung đưa.” Phải khi gia đình Mendel đón chào thành viên mới trong nhà - cậu bé Menuchim - thì câu chuyện của Job mới thực sự bắt đầu. Tiếng khóc của cậu bé “lềnh phềnh phía bên trên các câu thiêng của Thánh Kinh” và ý thức về Menuchim, suốt những chương vắng mặt, vẫn còn tồn tại trong tâm trí độc giả cho tới những chương cuối cùng.
Mendel Singer là một thầy giáo quèn, ông không thông thái và không hiểu biết nhiều, nhưng ông đã dạy cho bọn trẻ con tất cả những gì ông biết. Ông dạy cho chính đứa con út của mình một câu trong quyển sách bìa da đen, bảo nó lặp lại, “Thoạt kỳ thủy Chúa tạo ra trời và đất.” Ông đợi một lát, nhưng sự im lặng của đứa con bao trùm không khí. Nghệ thuật của Joseph Roth không chỉ nằm ở những gì ông viết, nhưng còn là nghệ thuật chừa chỗ cho những gì không nói thành lời. Phần hai của quyển tiểu thuyết mới thực sự là phần lumineux hơn cả, khi gia đình Mendel đã quyết định sang Mỹ định cư như một nỗ lực chạy trốn khỏi những bất hạnh ở nước Nga. Tuy nhiên, bất hạnh vẫn luôn đuổi theo và tóm lấy ông, mặc cho ông có ở bất kỳ nơi đâu; còn đứa-trẻ-không-nói, trong lòng Mendel, vẫn hiện diện đến mức ám ảnh. Vậy ta hãy đọc câu tiếp theo trong Sáng Thế: “Thần khí Chúa bay lượn trên mặt nước7.” Giữa những rối ren của thế giới mới, vẫn còn lẩn quất đâu đó làn hơi mỏng trong không khí. Vì vậy, ý tưởng về Menuchim như một cơn gió thoảng, như một ngón tay gõ nhẹ, tạo thành một gợn sóng khiến cho câu chuyện trở nên có hồn.
Cũng cùng cách ấy mà Mauriac đã mang linh hồn đến cho Sa mạc tình yêu. Mauriac xem tiểu thuyết gia là người giống Chúa nhất, bởi lẽ họ tạo ra một thế giới và các nhân vật sống động. Đồng thời, ông cũng nhận ra giới hạn của con người trước quyền năng của Đấng Sáng Tạo; vừa hài hước vừa khiêm nhường, ông đã gọi các tiểu thuyết gia là “con khỉ của Chúa8”, như để tự ý thức về vai trò của mình và không phải để thay thế Ngài. Và ở đó, trong nỗ lực tìm hiểu những tâm hồn có truyện, với những bí mật, những búi rắn độc, những vũng bùn, vẫn còn đang lơ lửng một ngón tay ân sủng trên các tiểu thuyết của ông.
***
Trong những trang cuối, ta thấy một Mendel nằm xuống, chậm rãi nhắm mắt và nghỉ ngơi, ta thấy một Raymond kẹt lại trong bóng tối và tự hỏi “cho đến khi nào đây?” Phải, cho đến khi nào? Chẳng phải cũng chính St. Augustine, lòng mang một trái tim cháy bỏng tình yêu cùng bao nhiêu dục vọng tán loạn linh hồn, một tinh thần khao khát hiểu biết với bao nhiêu lý thuyết chi phối trí khôn, đã trả lời giúp cho Raymond, cho Mendel, và cho tất cả chúng ta sao? Chính là cái ngày Sabbath, một ngày rất gần và cũng rất xa. Và như vậy chuyển động của linh hồn, vừa là một bản án vừa là một ân sủng, sẽ mãi tồn tại cùng với con người không cách nào thỏa mãn được, cho tới ngày Thứ Bảy Cuối Cùng.
Khương Anh
1 St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I-II, q. 22, a. 1.
2 St. Augustine, Enchiridion on Faith, Hope and Love (ch. VIII).
3 François Mauriac, Le Roman (ch. II).
4 Mauriac viết lời tựa (Préface) cho Le Désert de l’Amour vào năm 1950, phần này được in trong Œuvres Complètes, tome II (Bernard Grasset).
5 François Mauriac, Le Roman (ch. V).
6 Art hoặc artificiality.
7 Sáng Thế 1, 1-2.
8 François Mauriac, Le Roman (ch. I).