favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Quy Nhơn

01/06/2024 07:30

Một text rút ra từ kia. Chào tháng Sáu. 

Quy Nhơn 

- Tử Yên 

Chúng tôi chọn sân bay Quy Nhơn là sân bay nhỏ nhất trên đời. Nó nhỏ thật, nhất là khi đã qua cửa an ninh, vào bên trong. Lúc còn ở bên ngoài, ngồi ở chỗ quán cà phê, thì chưa thấy sân bay nhỏ lắm, nhưng bên trong thì như thể là chỉ có mỗi một căn phòng. Tại quán cà phê, ngồi bàn ngay bên cạnh là một nữ vận động viên nổi tiếng, chạy rất nhanh, hình như giải vừa rồi cũng đứng bục. Nữ vận động viên cũng nhận ra tôi, nhưng làm như không biết. Vào trong, lại thấy một vận động viên nổi tiếng khác, lần này là nam, tóc dài. Tất nhiên, đây là những người nổi tiếng trong giới phong trào. Nhìn những người chuyên nghiệp, như Đỗ Quốc Luật, chạy ở các giải, đúng là thấy mọi chuyện rất khác. Nhưng chạy nhanh hay các giải thưởng chưa bao giờ là điều tôi quan tâm.

Sân bay thì nhỏ, nhưng để đến được nơi thì chúng tôi vẫn cứ phải trải qua cả một chuyến phiêu lưu. Sáng ra, nhờ tôi hẹn được với người phục vụ ở khách sạn, nhân vật hết sức sốt sắng, có xe đợi sẵn bên ngoài để đưa ra sân bay. Chỉ đi được một lát, đã thấy rất không ổn. Người tài xế, rất trẻ, chỉ nhìn qua là đã biết thuộc dạng bất cần đời, lái xe giống như đang đua F1. Vốn đã quen với đủ mọi loại tài xế trên đời, chúng tôi chỉ im lặng ngồi đằng sau, thỉnh thoảng liếc mắt xem người bên cạnh có ổn không. Chuyến đi càng đáng nhớ hơn vì người lái xe bật một bài hát, cứ bật đi bật lại suốt. Một bài hát thật khủng khiếp, nó làm cho cảm giác nôn nao vì xe lạng lách còn tăng thêm nữa. Khi đã xuống khỏi xe, vào trong sân bay, hoàn hồn trở lại sau các cơn tròng trành, anh và tôi cười rũ khi cứ chốc chốc lại nhắc lại vài câu trong bài hát vừa nghe trên xe, "cho con gánh mẹ". Người ta có thể viết những bài hát như vậy thật à?

Azzura ngồi ghế trên. Từ đầu đến cuối, trên xe, không thấy nó nói gì. Tôi cũng hơi lo lắng nhưng không hỏi nó. Khi xuống, hóa ra mặt nó cũng xanh lè, may mà không nôn. Nhưng nó đã không kêu ca gì.

Sân bay tuy nhỏ nhưng cũng có mấy cửa hàng. Ăn xong, Azzura đã tìm ra một cửa hàng bán đồ lặt vặt và đòi mua một quyển sổ. Nó sẽ vẽ vào đó, những bức tranh càng ngày càng đẹp hơn. Đối với tôi, thật bí hiểm vì Azzura có thể vẽ, và vẽ rất đẹp, trong khi tôi hoàn toàn không biết vẽ. Nó sẽ trở thành họa sĩ.

Quy Nhơn, đối với chúng tôi, lần này đã là lần thứ hai. So với lần đầu chúng tôi tới đây, đã nhiều năm về trước, chuyến này thong thả hơn nhiều, cho dù có giải chạy. Chạy chỉ mất một buổi sáng, nhưng chúng tôi ở Quy Nhơn nhiều hôm. Giống như là đi chơi, tuy gần như chẳng đi đâu. Lần trước, anh và tôi còn ra chỗ Hàn Mặc Tử. Khu tưởng niệm thì khiến chúng tôi rất vui trước dáng vẻ kitsch khắp nơi của nó, nhưng phía sau, cách một quãng, có một đoạn bãi biển rất đẹp, nhiều đá cuội to và tròn. Lần này, đúng là chẳng đi đâu hết. Nghe loáng thoáng những người đi chạy bảo sẽ đi chỗ này chỗ kia, các địa danh mà tôi không nhớ nổi, nhưng chúng tôi chỉ ở khách sạn.

Chuyến đi lần trước là một kỷ niệm của chúng tôi, nên tôi tìm cách thuê phòng ở đúng khách sạn cũ. May mà có người quen ở Quy Nhơn nên thuê được dễ dàng. Đó là một khách sạn rất lớn; khi đi lên tầng để lấy phòng, chúng tôi đều nhận ra là mọi thứ vẫn thế, nhất là thảm, rất nhiều thảm, ở các hành lang. Cảm giác đặc biệt bí bách. Chắc người ta đã phải trả nhiều tiền cho kiến trúc sư, vì dường như phòng nào ở đây cũng nằm trong góc, có một khoảng kính tròn, nhìn thẳng ra biển. Nhưng trời rất nóng, nắng to, cho nên thường thì rèm phải kéo lại.

Đây là một giải chạy road, chứ không phải trail, như tôi vẫn hay dự. Tôi chỉ đăng ký cự ly 21km cho nhàn. Một thành phố như Quy Nhơn mà tổ chức giải chạy thì đó đúng là một sự kiện. Taxi mà chúng tôi đi hôm đầu tiên, ngồi trên xe chúng tôi được bác tài xế giới thiệu giải chạy rất kỹ lưỡng, đủ hết thông số, bao nhiêu vận động viên tham gia, đường chạy như thế nào. Công tác tuyên truyền được tiến hành quá tốt. Lúc đến nơi, từ sân bay đến khách sạn, thì chúng tôi quá đói. Hỏi nhân viên, được chỉ cho quán bánh canh ở phố Hai Bà Trưng, chúng tôi ra đó luôn, về sau còn quay lại nữa. Mấy hôm ở đấy, anh mò ra được một quán bánh xèo, chúng tôi cũng đến ăn vài lần. Cũng đi ăn cả cơm tấm, thêm một suất mang về cho Azzura ở lại khách sạn. Nói chung, mấy ngày liền thảnh thơi. Có người gửi cho tôi một đống bánh, tôi mang ra bãi biển, chúng tôi vừa ngồi ăn vừa trông chừng Azzura chơi đằng xa. Từ khách sạn đi ra, tôi phải hỏi đường, và có ấn tượng rất lớn với một anh nhân viên trông coi bãi biển, ngồi trên cái chòi cao: anh ta trả lời tôi rất tận tình, nhưng tôi không hiểu được lời nào, giọng Bình Định thật dữ. Cũng may là đã có điện thoại. Đài truyền hình thành phố đến tận khách sạn phỏng vấn tôi, tôi ngồi luôn dưới sảnh, rất rộng, để trả lời.

Có vẻ như ở Quy Nhơn mọi thứ vẫn thế. Giờ, thật khó tìm được chỗ nào vẫn giữ được nguyên vẹn một dáng vẻ nào đó. Đây là nơi người ta có thể ở được lâu. Nhưng dường như xe taxi ở đây không còn toàn xe Fortuner như trước nữa, dẫu vẫn rất nhiều xe Fortuner. Trong chuyến đi trước, chúng tôi rất nhớ những cái xe Fortuner, chạy trên các con đường dọc bờ biển, chẳng bao giờ bật máy lạnh.

Ở Quy Nhơn, nắng xối xả như mọi nơi ở miền Trung, nhưng vẫn có cảm giác không quá nóng, thậm chí còn dễ chịu.

Đường chạy của giải, tôi chỉ nhớ nhất cái tên Thị Nại. Anh nói với tôi về những cuộc đánh nhau hồi Quang Trung. Vì trời nóng, ban tổ chức còn có phun nước phục vụ vận động viên. Tôi vẫn thích chạy trail, thêm nữa chạy chậm như tôi, chạy road thì đúng là sẽ bị thấy ngay là chạy kém. Nhưng từ lâu tôi đã không còn nằm ở tốp cuối cùng tại các giải chạy nữa. Lần này, đúng là tôi chỉ chạy cho xong, để còn về khách sạn. Có một chuyến đi như thế này thật sung sướng. Không làm gì nữa, chỉ nằm trong phòng ngủ, đến giờ thì đi đâu đó ăn. Đồ ăn đủ loại, rất nhiều. Hôm cuối cùng, vì thấy cũng cần theo đúng thông lệ của những chuyến đi ra biển, chúng tôi quyết định đi ăn hải sản. Nhưng bữa ăn không được thành công lắm, với Azzura. Vả lại, đã qua rồi thời ăn uống thả phanh, cái gì cũng ăn, và ăn rất nhiều.

Hôm gần về, anh rủ tôi đi mua sách. Anh phát hiện được một hiệu sách cũ. Không ngờ ở đây cũng có hiệu sách, đi qua mấy lần trông có vẻ cũng không hề tệ. Hiệu sách nằm trên phố Tăng Bạt Hổ. Tôi ngồi trong một góc, tha hồ chọn sách. Cuối cùng tôi lấy được một đống lớn.

Nhưng câu chuyện trở nên thực sự hay khi một ông già, chắc hẳn là người chủ cũ của hiệu sách, có thể là bố hay ông của người bán sách hiện nay, bỗng thấy có khách như chúng tôi, xuất hiện và hỏi chúng tôi có muốn mua những quyển rất quý và hiếm không. Đó là một ông già nhỏ xíu, chắc hẳn từng có một thời khuấy trời đạp đất, không hiểu từ góc nào xuất hiện. Anh đồng ý ngay với lời đề nghị của ông. Thế là, chúng tôi amazed khi thấy ông lôi ra hai cái túi to, chắc là bình thường cất kỹ lắm, bên trong đựng sách chật ních. Bắt đầu màn sở trường của anh: anh xem sách và phá vỡ hết mọi kỳ vọng của ông già: những quyển ông chắc mẩm bán được thì anh gạt sang một bên, chỉ mua mấy quyển khiến ông già tỏ ra chưng hửng.

Lúc sau, trên đường về, anh vừa cười vừa bảo tôi, anh mua cả quyển đã có rồi đấy, không thì hôm nay ông già không bán được quyển nào đâu. Cho đến hiệu sách cũ trên phố Tăng Bạt Hổ ở Quy Nhơn ấy, chúng tôi đã cùng nhau tới không biết bao nhiêu hiệu sách, trong đó có những lần anh bảo tôi, em phải đi cùng anh, có em thì mới được. Có lần chúng tôi chở về nhà cả một xe ô tô chở đầy sách cũ. Chẳng có gì vui hơn những lần như thế.

một nơi có thể ở được lâu

rồi họ đi

Tags: Tử Yên
favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công