Proust: Về đọc
Marcel Proust, nếu nhìn sang lối nhà John Ruskin, là con người của sự đọc. Với Proust ở hình tượng độc giả, Ruskin là một dạng thánh bảo trợ: dường như Proust đọc - ít nhất là trong một quãng thời gian tuổi trẻ, giai đoạn nơi sự đọc luôn luôn quan trọng và có nhiều ý nghĩa hơn cả - với sự khích lệ vô hình của Ruskin.
Proust đọc (và dịch) Ruskin: một khoảnh khắc lớn trong lịch sử văn chương, giống Goethe dịch Cellini. Cũng chính trong hoạt động ấy, Proust viết sur la lecture, về sự đọc yêu quý.
Về đọc
- Proust
A Madame la Princesse
Alexandre de Caraman-Chimay,
dont les Notes sur Florence
auraient fait les délices de Ruskin,
je dédie respectueusement,
comme un hommage
de ma profonde admiration pour elle,
ces pages que j'ai recueillies
parce qu'elles lui ont plu.
Chắc hồi còn nhỏ không có những ngày nào chúng ta sống đầy đủ được hơn như những ngày mà chúng ta đã tưởng mình để mặc không sống qua, những ngày mà chúng ta đã đi qua cùng một cuốn sách ta rất thích. Toàn bộ những gì, dường như vậy, đổ đầy chúng đối với những người khác, mà chúng ta gạt bỏ như là một trở ngại thô thiển ngáng đường khoái lạc thần thánh: trò chơi mà vì nó một người bạn tới tìm chúng ta đúng vào đoạn hấp dẫn nhất, con ong hay tia nắng gây phiền nhiễu buộc chúng ta phải ngẩng đầu khỏi trang sách hay phải đổi chỗ, các món nhấm nháp mà người ta đã bảo chúng ta mang theo, mà chúng ta để kệ đó bên cạnh mình trên băng ghế, chẳng hề đụng vào, trong khi, phía trên đầu chúng ta, mặt trời đang giảm lực nơi bầu trời xanh, bữa tối vì nó đã phải về nhà và nơi chúng ta chỉ nghĩ độc đến việc chạy ù lên gác mà đọc nốt, ngay sau đó, cái chương đang bị ngắt ngang giữa chừng, toàn bộ những cái đó, về chúng lẽ ra sự đọc đã phải ngăn cản chúng ta tri nhận được bất kỳ điều gì khác ngoài nông nỗi không đúng lúc, ngược lại nó ghi khắc vào chúng ta một kỷ niệm êm đềm (đối với đánh giá hiện tại của chúng ta quý giá hơn nhiều so với những gì khi ấy chúng ta đã đọc với biết bao nhiêu tình yêu) tới nỗi, nếu ngày hôm nay vẫn có lúc chúng ta lật giở những quyển sách của xưa kia đó, thì đấy chỉ còn là ở tư cách quyển lịch duy nhất chúng ta đã giữ lại được từ các ngày bỏ trốn, và với hy vọng sẽ trông thấy được phản chiếu nơi những trang của chúng các ngôi nhà cùng các cái ao không còn nữa.
Ai mà không còn nhớ, như tôi, những cuộc đọc vào kỳ nghỉ ấy, mà cứ nối tiếp không thôi người ta đem đi giấu vào tất tật những giờ nào trong ngày đủ yên ả và đủ mức không thể xâm phạm nhằm có thể tạo chỗ trú ẩn cho chúng. Buổi sáng, khi từ công viên trở về, trong lúc tất cả mọi người lên đường "đi dạo một vòng", tôi hay chui vào phòng ăn nơi, cho đến giờ ăn trưa hẵng còn xa xôi, hẳn sẽ chẳng ai bước chân vào ngoài bà Félicie đã già và khá là im lìm, và nơi hẳn tôi sẽ chỉ có làm bạn đồng hành, rất biết tôn trọng sự đọc, những cái đĩa vẽ treo trên tường, quyển lịch mà tờ của ngày hôm trước vừa mới bị xé đi, cái đồng hồ treo tường cùng ngọn lửa lò sưởi, chúng nói nhưng không đòi người ta đáp lại, mà các lời lẽ êm đềm rỗng nghĩa không đến, giống lời nói của con người, thay thế nghĩa của những từ mà ta đang đọc bằng một nghĩa khác. Tôi ngồi lên một cái ghế đẩu, gần ngọn lửa củi nhỏ, về nó, trong bữa trưa, dượng tôi, vốn dậy rất sớm và thích làm vườn, hẳn sẽ nói: "Nó không gây hại gì đâu! Một chút lửa thì ai cũng chịu được; tôi xin đảm bảo với các vị là lúc sáu giờ trong vườn rau trời đã lạnh khiếp. Và cứ nghĩ chỉ tám hôm nữa là đã Phục sinh!" Trước bữa trưa, nó, hỡi ôi!, hẳn sẽ kết thúc sự đọc, người ta còn những hai tiếng liền. Thỉnh thoảng, người ta nghe thấy tiếng cái bơm từ đó nước sắp chảy ra và nó làm ta ngẩng đầu lên về phía nó và nhìn nó xuyên qua cửa sổ đóng, đằng kia, ngay gần, trên lối đi duy nhất của khu vườn, cái lối viền những bồn hoa păng xê của mình bằng các viên gạch và miếng sành hình bán nguyệt: những bông păng xê bị hái, dường như là vậy, nơi các bầu trời thật đẹp kia, những bầu trời ngũ sắc và như thể được phản chiếu của các tranh kính nhà thờ mà đôi khi người ta nom thấy giữa những mái nhà của làng, những bầu trời buồn hiện ra trước các cơn giông, hoặc là sau, quá muộn, chừng ngày đã sắp tàn. Thật không may, bà bếp lại đến từ rất sớm để dọn bát đĩa; giá như bà dọn mà không nói gì! Nhưng bà nghĩ mình phải nói: "Như thế thì không tốt cho cậu đâu; tôi kê một cái bàn ra đó cho cậu nhé?" Và chỉ để trả lời: "Không, cám ơn nhiều", đã phải dừng lại và đưa từ xa trở về cái giọng nói, nó, ở bên trong miệng, đang nhắc lại không gây âm thanh nào, lướt thật nhanh, tất tật các từ mà mắt đã đọc; phải dừng nó lại, thò nó ra ngoài và, để nói nghe cho ngoan ngoãn: "Không, cám ơn nhiều", phải trao cho nó một vẻ bề ngoài của cuộc sống thông thường, một âm điệu của lời đáp, những gì mà nó đã đánh mất. Giờ ấy trôi đi; thường thì, từ lâu trước bữa trưa, bắt đầu tới trong phòng ăn những ai, vì thấy mệt, đã cắt ngắn cuộc đi dạo, đã "đi lối Méséglise", hoặc những ai sáng đó đã không ra khỏi nhà, "vì phải viết thư". Quả là họ nói: "Tôi không muốn làm phiền cậu", nhưng ngay tức khắc họ tiến lại gần cái lò, để xem giờ, để tuyên bố rằng được ăn trưa thì sẽ tuyệt lắm. Người ta dùng một sự ngưỡng phục đặc biệt vây quanh người nào, đàn ông hay phụ nữ, đã "ở lại nhà để viết thư" và nói với người đó: "Các vị đã viết xong thư rồi đấy nhỉ" kèm một nụ cười nơi có lòng tôn trọng, bí ẩn, vẻ lả lướt cùng các nuông chiều, như thể "thư từ" kia đã vừa là một bí mật quốc gia, một đặc quyền, một sự đào hoa lẫn một suy giảm sức khỏe. Vài người, chẳng đợi gì nữa, ngồi ngay xuống từ trước bên bàn, ở chỗ của họ. Cái đó là một điều tai hại bởi nó có thể trở thành một tấm gương xấu cho những người khác mới tới, sẽ làm người ta tưởng đâu đã giữa trưa rồi, và khiến bố mẹ tôi thốt ra quá sớm cái lời định mệnh: "Nào, khép quyển sách của con lại, ta sắp ăn trưa rồi." Mọi thứ đã sẵn sàng, đồ ăn đã được đặt hết lên khăn trải bàn nơi chỉ còn thiếu mỗi cái thứ mà người ta chỉ mang đến vào cuối bữa, cái máy bằng thủy tinh nơi ông dượng người thích làm vườn và nấu bếp tự tay pha cà phê ở bàn, có hình ống và phức tạp như một dụng cụ vật lý hẳn sẽ tỏa mùi thơm và tại đó thật dễ chịu khi thấy vươn lên trong cái chuông thủy tinh sự sôi đột nhiên của nước, thứ sau đó để lại nơi các thành mờ khói một thứ tro thơm lừng và có màu nâu; và cả kem cùng dâu tây mà vẫn ông dượng ấy trộn, với những tỉ lệ lúc nào cũng giống hệt, dừng lại đúng ở cái màu hồng cần phải có với kinh nghiệm của một họa sĩ chuyên về màu và sự đoán định của một kẻ sành ăn. Tôi thấy bữa trưa sao mà dài thế! Bà trẻ tôi chỉ nhấm nháp các món để cho ý kiến, với một sự dịu dàng có thể chịu đựng, nhưng không chấp nhận, sự nói ngược lại. Đối với một cuốn tiểu thuyết, đối với các câu thơ, những thứ mà bà rất rành, bà luôn luôn, với sự khiêm cung phụ nữ, theo ý những ai nhiều năng lực hơn cả. Bà nghĩ đó là địa hạt bồng bềnh của thói thất thường nơi gu của riêng một người chẳng thể cố định được sự thật. Nhưng về những điều mà các quy tắc cùng nguyên tắc đã được mẹ bà dạy cho bà, về cách thức nấu một số món, chơi những bản xô nát của Beethoven và tiếp khách đầy khả ái, thì bà chắc chắn là mình có một ý đúng về sự hoàn hảo và thấy rõ người khác tiến lại được gần đó ít hay nhiều. Vả lại, đối với cả ba điều, sự hoàn hảo gần như cùng là một thứ: ấy là một dạng đơn giản trong các cách thức, giản dị và quyến rũ. Bà kinh hoàng đẩy ra xa việc người ta nêm gia vị vào những món tuyệt đối không đòi hỏi gia vị, việc người ta vờ vịt chơi nhạc cùng sự lạm dụng pê đan, việc khi "tiếp khách" người ta bị trật khỏi một sự tự nhiên hoàn hảo và nói quá lời về bản thân. Ngay từ miếng đầu tiên, ngay từ những nốt đầu tiên, chỉ cần trên một tờ giấy đơn giản, bà tỏ vẻ mình biết là đang gặp một bà đầu bếp giỏi, một nhạc sĩ đích thực, một phụ nữ có giáo dục. "Cô ta có thể có các ngón tay khéo hơn tôi nhiều, nhưng cô ta thiếu gu vì chơi với nhiều nhấn mạnh như vậy khúc andante hết sức đơn giản kia." "Đó có thể là một phụ nữ rất xuất sắc và đầy các phẩm chất, nhưng thật thiếu tế nhị khi nói về bản thân trong hoàn cảnh ấy." "Đó có thể là một bà đầu bếp rất thông thái, nhưng cô ta không biết làm món beefteck kèm táo." Beefteck kèm táo! cái món của đua tranh hoàn hảo, rất khó do chính sự đơn giản của nó, một dạng Sonate pathétique của bếp núc, tương đương ở phương diện ăn uống với, trong cuộc sống xã hội, chuyến viếng thăm của bà lớn đến hỏi ta thông tin về một tay gia nhân và, trong một chuyện đơn giản tới vậy, có thể tỏ ra có vô cùng nhiều tế nhị và giáo dục, hoặc thiếu mất những cái đó. Ông tôi nhiều tự ái đến mức hẳn ông muốn tất tật các món đều phải thành công hết cả, và hiểu biết về nấu ăn kém tới nỗi chẳng bao giờ biết được những khi chúng hỏng. Ông rất muốn chấp nhận rằng thỉnh thoảng chúng hỏng, vả lại chỉ rất hiếm lúc thôi, nhưng chỉ là vì một hiệu ứng ngẫu nhiên thuần túy. Các phê phán luôn luôn có động lực của bà trẻ tôi, khi ngược lại hàm ý rằng bà bếp đã không biết nấu món nào đó, không thể tránh việc có vẻ đặc biệt thiếu độ lượng đối với ông tôi. Thường thì, để tránh những cuộc tranh luận với ông, bà trẻ tôi, sau khi đã nếm náp tí chút, không nói ý kiến của mình, điều này, vả lại, ngay tức thì làm chúng tôi biết ý kiến ấy không thuận. Bà im lặng, nhưng chúng tôi đọc được trong cặp mắt dịu êm của bà một sự bất tán thành không thể lay chuyển và đầy suy tư, nó có năng lực khiến ông tôi nổi cơn tức tối. Ông mỉa mai xin bà cho ý kiến, sốt ruột trước sự im lặng của bà, dồn ép bà bằng các câu hỏi, hăng lên, nhưng người ta cảm thấy bà thà bị đưa đi làm cuộc hành hạ ghê gớm chứ không chịu nói ra lòng tin của ông tôi: rằng món tráng miệng không quá ngọt.
Sau bữa trưa, sự đọc của tôi được tái khởi ngay lập tức; nhất là nếu ngày hơi nóng, người ta "rút lui về phòng", điều này cho phép tôi, bằng cái cầu thang nhỏ với các bậc sát nhau, ngay lập tức về phòng tôi, nằm trên tầng duy nhất, thấp đến mức những cửa sổ bệ thấp kia người ta chỉ cần một cú nhảy của trẻ con là đã ra được ngoài phố. Tôi đi ra đóng cửa sổ mà chẳng bao giờ thoát được lời chào của ông bán vũ khí ở nhà đối diện, ông, lấy cớ hạ các ô văng của mình xuống, ngày nào, sau bữa trưa, cũng ra trước cửa nhà hút thuốc và chào những người đi ngang qua, đôi khi họ dừng lại để nói chuyện. Các lý thuyết của William Morris, vốn dĩ hết sức hay được áp dụng bởi Maple cùng những chuyên gia trang trí Anh, phán rằng một căn phòng chỉ đẹp với điều kiện chỉ chứa các vật nào hữu ích với chúng ta và mọi vật hữu ích, dẫu ấy là một cây đinh, đều không được giấu đi, mà phải lộ rõ ra. Phía bên trên cái giường gắn nhiều thanh đồng và hoàn toàn để mở toang, trên những bức tường trần trụi của các căn phòng hợp vệ sinh đó, cần treo vài bức tranh chép những kiệt tác. Nếu chiểu theo những nguyên tắc của cảm năng ấy thì phòng của tôi chẳng hề đẹp, bởi nó đầy những thứ không dùng làm gì và đầy e thẹn che giấu đi, cho tới tận chỗ khiến cho việc sử dụng trở nên khó cực điểm, các vật dùng được cho việc gì đó. Nhưng chính từ những vật không ở đó vì sự tiện lợi của tôi, mà dường đã đến do chúng muốn, đối với tôi phòng của tôi có được vẻ đẹp của nó. Đám vải trướng cửa thật cao màu trắng kia làm ánh mắt không thấy được cái giường đặt như thể ở đáy một ngôi đền; đống lỏng chỏng vải mác-xơ-lin phủ chân, tấm chăn ngắn in hoa, ga trải giường thêu, vỏ gối vải sa, bên dưới đó ánh sáng ban ngày biến mất, giống một ban thờ vào tháng của Marie dưới các tràng hoa kết cùng hoa đơn, mà, tối đến, để đi nằm, tôi cẩn thận đặt lên một cái phô tơi nơi chúng thuận tình ở qua đêm; bên cạnh giường, tam vị thủy tinh với các hình họa màu xanh, lọ đường tương tự và chai nước (lúc nào cũng cạn kể từ hôm sau ngày tôi đến theo lệnh của dì tôi, vì e tôi làm "vung vãi ra"), những dạng dụng cụ thờ cúng - cũng gần thánh thiêng như thứ nước hoa cam quý giá để gần chúng trong một cái bình thủy tinh - mà hẳn tôi sẽ không nghĩ mình được phép làm ô uế hay thậm chí chỉ có thể dùng cho mục đích cá nhân hơn so với nếu chúng là những bình đựng bánh thánh bệ vệ, mà tôi ngắm nghía thật lâu trước khi cởi quần áo, trong nỗi sợ làm rơi do một cử động bất cẩn; các ngôi sao được móc trổ kia, chúng quàng lên lưng những cái phô tơi một cái áo khoác đầy hoa hồng trắng hẳn chẳng phải là không có gai, bởi vì, mỗi lần nào đọc xong và muốn đứng dậy, tôi đều nhận thấy là mình bị mắc vào chúng; cái chuông thủy tinh kia, bên dưới đó, được cô lập khỏi các tiếp xúc thô lậu, đồng hồ treo tường tha hồ mà ba hoa đầy thân tình với những vỏ sò từ xa tới và với một bông hoa nhiều tình cảm đã cũ, nhưng nó nặng đến mức, chừng cái đồng hồ ngừng chạy, chẳng ai, ngoại trừ thợ đồng hồ, đủ mức thiếu thận trọng mà đi lên dây cho nó; cái khăn trải mạng ren trắng kia, được ném như một mảnh phủ ban thờ lên tủ com mốt trang trí bằng hai cái bình, một có hình ảnh Đức Chúa, cái còn lại hình cành cây ban phước, làm cho nó thật giống Bàn Thánh (mà một kệ cầu nguyện, được đặt ở đó vào mọi ngày, khi người ta đã "dọn phòng xong", hoàn chỉnh việc gợi ý), nhưng các khoảng hổng lớn luôn luôn bị mắc vào khe ngăn kéo chặn lại hoàn toàn trò chơi của nó tới nỗi chẳng bao giờ tôi có thể lấy một cái khăn mùi soa mà không cùng lúc làm rơi hình ảnh Đức Chúa, những cái bình thiêng, cành cây ban phước, mà chính tôi không lảo đảo khi chộp lấy kệ cầu nguyện; rốt cuộc, sự đặt chồng lên nhau nhân ba của những tấm ri đô bằng vải mỏng kia, của những tấm ri đô mút-xơ-lin và những tấm ri đô to hơn bằng vải bazin, lúc nào cũng tươi cười trong màu trắng hoa tử yên thường được nắng chiếu của chúng, nhưng trong sâu xa gây nhiều bực bội trong sự vụng về và bướng bỉnh của chúng, cứ chơi nghịch quanh các thanh gỗ song song của chúng và trộn lộn vào với nhau, tất tật mắc vào cửa sổ ngay khi tôi muốn mở hay đóng nó, vì thêm một tấm luôn luôn sẵn sàng, nếu tôi gỡ được tấm đầu tiên, ngay tức thì tới chiếm chỗ của tấm kia tại các chỗ nối bị chúng bịt kín mất cũng theo lối hoàn hảo hệt như nếu có một bụi tử yên thật, hoặc những tổ của những con chim én nào nảy ra phăng te di định cư ở đó, thành thử thao tác ấy, vẻ ngoài hết sức đơn giản, mở hay đóng cửa sổ của tôi, tôi không bao giờ làm nổi nếu không có sự giúp đỡ của một ai đó trong nhà; tất tật những thứ đó, không chỉ chẳng thể đáp ứng nhu cầu nào của tôi, mà thậm chí còn mang tới một vướng mắc, dẫu nhỏ thôi, cho việc thỏa mãn chúng, hiển nhiên đã chẳng bao giờ được đặt tại đó để hữu dụng với ai đó, làm phòng của tôi đầy các ý nghĩ cách nào đó có tính cá nhân, với cái vẻ thiên ái kia, đã chọn sống ở đó và thích thú được ở đó, điều vẫn thường có, nơi một khoảnh rừng thưa, lũ cây cối và, bên lề các con đường hay trên các bức tường cũ, những bông hoa. Chúng làm nó trở nên đầy một cuộc sống im lìm và đa dạng, một bí ẩn nơi con người tôi vừa bị lạc mất đi lại vừa bị quyến dụ; chúng biến căn phòng này trở thành một dạng nhà nguyện nơi nắng - những khi nó băng ngang những ô vuông nhỏ màu đỏ mà dượng tôi đã đặt xen kẽ phía trên các cửa sổ - chọc vào những bức tường, sau khi đã làm ửng hồng màu tử yên của các tấm ri đô, những luồng sáng cũng lạ thường bằng như nếu nhà nguyện nhỏ được vây kín bên trong một gian giữa nhà thờ nhiều tranh kính to lớn hơn; và nơi tiếng các cái chuông vẳng tới rền thật vang do sự gần của nhà chúng tôi với nhà thờ, vả lại với đó, vào những dịp lễ lớn, các hương án được nối với chúng tôi bằng một con đường hoa, tận đến mức tôi có thể tưởng tượng là chúng đang vang tiếng ở mái nhà của chúng tôi, ngay trên cái cửa sổ từ đó tôi thường chào ông cha xứ tay cầm quyển kinh nhật tụng của ông, dì tôi từ lễ chiều quay về hay đứa trẻ phụ lễ mang cho tôi bánh mì đã được ban phước. Về phần bức ảnh Brown chụp Mùa xuân của Botticelli hay cái khuôn cho Người phụ nữ xa lạ ở viện bảo tàng Lille, chúng, treo trên những bức tường và đặt trên bệ lò sưởi các căn phòng của Maple, vốn dĩ là phần được William Morris nhân nhượng cho vẻ đẹp vô tích sự, tôi phải thú nhận rằng trong phòng tôi chúng bị thay thế bởi một dạng tranh khắc hình prince Eugène, khủng khiếp và thật đẹp trong cái áo dolman của mình, mà tôi từng rất kinh ngạc khi nom thấy vào một đêm nọ, trong tiếng ồn inh tai các đầu máy xe lửa cùng mưa băng giá, vẫn khủng khiếp và đẹp, nơi cửa một quán ăn nhà ga, nơi ngài ấy được dùng làm quảng cáo cho một loại bánh quy đặc sản. Ngày hôm nay tôi ngờ rằng ông tôi xưa kia từng nhận nó, thứ quà cáp thể hiện sự rộng rãi của một nhà sản xuất, rồi vĩnh viễn để nó vào trong phòng tôi. Nhưng hồi ấy tôi chẳng để tâm gì tới nguồn gốc của nó, nguồn gốc đó đối với tôi có vẻ nhiều tính cách lịch sử và bí hiểm và tôi không tưởng tượng được là có thể có nhiều bản của cái mà tôi coi là một con người, như một cư dân thường trực của căn phòng mà tôi chỉ chia sẻ cùng người đó và nơi năm nào tôi cũng gặp lại người đó, luôn luôn vẫn giống hệt. Giờ đây đã lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy nó, và tôi cho là mình sẽ không bao giờ thấy lại nó nữa. Nhưng nếu một may mắn như thế xảy đến với tôi, thì tôi cho rằng hẳn nó sẽ có nhiều điều để nói với tôi hơn so với Mùa xuân của Botticelli. Tôi xin để cho những người có gu trang trí chỗ ở của họ bằng tranh chép các kiệt tác mà họ ngưỡng mộ và miễn cho ký ức của họ khỏi phải làm cái việc là lưu giữ một hình ảnh quý giá bằng cách giao phó nó cho một cái khung gỗ chạm trổ. Tôi xin để cho những người có gu biến phòng ngủ của họ thành ra chính hình ảnh về gu của họ và chỉ để vào đó những vật mà gu ấy có thể tán thành. Đối với tôi, tôi chỉ cảm thấy mình sống và nghĩ trong một căn phòng nơi mọi sự đều là sáng tạo và ngôn ngữ của các cuộc đời khác nhau một cách sâu sắc của cuộc đời tôi, mang một gu đối lập với gu của tôi, nơi tôi không tìm lại được gì thuộc vào suy nghĩ thuộc ý thức của mình, nơi trí tưởng tượng của tôi phấn hứng lên vì cảm thấy được nhấn vào giữa cái không-tôi; tôi chỉ cảm thấy sung sướng khi, lúc đặt chân - đại lộ de la Gare, nơi Bến Cảng, hoặc quảng trường Nhà Thờ - vào một trong những khách sạn ở tỉnh kia với các hành lang dài lạnh lẽo nơi gió bên ngoài vật lộn và chiến thắng những nỗ lực của máy sưởi, nơi tấm bản đồ chi tiết vẽ quận vẫn là thứ trang trí duy nhất cho các bức tường, nơi mỗi tiếng động chỉ được mỗi một việc là làm hiện ra sự im lặng bằng cách dịch chuyển nó, nơi những căn phòng giữ một mùi hương của sự lưu cữu mà gió mạnh thổi đến tắm táp, nhưng không xóa đi mất, mà các lỗ mũi hít cả trăm lần nhằm mang nó tới cho trí tưởng tượng, cái trí tưởng tượng rộn ràng lên vì đó, bắt nó phải tạo dáng y như một người mẫu nhằm tìm cách tái tạo nó bên trong mình với toàn bộ những gì mà nó chứa đựng ở phương diện các ý nghĩ cùng kỷ niệm; nơi vào buổi tối, chừng người ta mở cửa phòng ra, người ta có cảm giác mình đang xâm phạm toàn bộ cái cuộc đời vẫn còn rải rác tại đó, dạn dĩ dùng tay cầm lấy nó thì, cửa đã đóng lại, người ta bước vào thêm, cho đến cái bàn hay cửa sổ; ngồi xuống trong một dạng cận kề đầy lơi lả với nó trên cái trường kỷ được làm bởi tay người thợ thảm của huyện lỵ theo những gì ông ta tưởng là gu của Paris; chạm vào ở khắp nơi sự trần trụi của cuộc đời ấy với dự đồ làm cho chính mình bị rối trí bởi sự thân tình của chính mình, bằng cách đặt ở đây ở kia các thứ đồ, giả dạng ông chủ trong căn phòng đầy ắp tâm hồn của những người khác đó và vẫn giữ lại tận tới trong hình thức các thanh gác củi lò sưởi và họa tiết những tấm ri đô dấu ấn giấc mơ của họ, chân trần mà bước đi trên tấm thảm xa lạ của nó; thế là, cái cuộc đời bí mật kia, người ta có cảm giác mình nhốt nó lại cùng với mình chừng người ta run rẩy đi kéo then cửa lại; có cảm giác đẩy nó trước mặt mình lên giường và rốt cuộc nằm cùng nó giữa cái chăn lớn màu trắng kéo cao quá cả mặt, trong khi, ở ngay gần, nhà thờ gióng chuông cho cả thành phố điểm các giờ mất ngủ của những người hấp hối và những người đang yêu.
(còn nữa)
Cao Việt Dũng dịch