Primo Levi: Lilith
Primo Levi, một trong những nhà văn Ý lớn nhất thế kỷ 20, là một biểu tượng về nạn nhân trại tập trung Nazi. Tác phẩm quan trọng nhất của Primo Levi đã được xuất bản ở Việt Nam (Có được là người), lời chứng lớn về cuộc sống kinh hoàng ở Auschwitz, được viết như một biên bản tường thuật. Đó còn là một nhà hóa học và tác giả của rất nhiều tác phẩm khác, trong đó có các truyện ngắn, chẳng hạn như "Lilith".
Lilith
- Primo Levi
Trong vòng vài phút, bầu trời tối sầm lại và mưa bắt đầu rơi. Rất sớm, mưa lớn thêm, trở thành một trận mưa rào bướng bỉnh và mặt đất trơn láng của công trường biến thành một lớp bùn ngập đến tận mắt cá chân; chẳng thể nào xúc xẻng được nữa, còn hơn thế, đứng còn không nổi. Viên Kapo hỏi ý kiến viên đốc công bên dân sự, rồi quay về phía chúng tôi: ai muốn nấp vào đâu thì nấp. Trên nền đất khắp xung quanh có nhiều ống sắt lớn, dài năm hay sáu mét và rộng một mét. Tôi chui vào một trong số chúng, và đang trên đường thì gặp Tischler, anh ta nảy ra cùng một ý giống tôi và chui vào từ đầu bên kia.
Tischler nghĩa là "thợ mộc", và về anh đấy là cái tên duy nhất mà ở đây chúng tôi biết. Cũng có Thợ Rèn, Tay Người Nga, Thằng Ngốc, hai Thợ May (lần lượt là "Thợ May" và "Thợ May khác"), Tay Người Galicia và Kều; còn tôi, từ lâu tôi đã là "Tay Người Ý", rồi vì người ta nhầm tôi với một người khác, lúc Primo khi lại là Alberto.
Như vậy Tischler chỉ là Tischler, nhưng lẽ ra không bao giờ nên bảo anh là thợ mộc, và tất tật chúng tôi đều nghi anh chẳng hề là thợ mộc một chút nào; vào thời ấy rất hay có chuyện người ta ghi danh mình là thợ cơ khí nếu là kỹ sư, hoặc thợ xếp chữ nếu là nhà báo: bằng cách đó người ta hy vọng có được một cái gì đó khá hơn một công việc tay chân, mà không làm nổi cơn hằn học của đám Nazi đối với các trí thức. Dẫu có là thế nào đi nữa, Tischler cũng đã được phân vào nhóm thợ mộc, và anh xoay xở không tồi trong cái nghề ấy. Điều hiếm hoi đối với một người Do Thái Ba Lan, anh nói được một ít tiếng Ý, được ông bố của anh dạy cho, ông từng bị lính Ý bắt làm tù binh hồi năm 1917, rồi bị nhốt tại một cái trại, đâu đó gần Torino. Phần lớn các bạn đồng hành của ông bố chết vì bệnh cúm Tây Ban Nha, và tận ngày hôm nay quả thật người ta vẫn có thể đọc được những cái tên lạ lùng của họ trên một trong các nhà hỏa táng của Nghĩa trang Chính; những cái tên Hungary, Ba Lan, Croatia, Đức; và thật là một cuộc viếng thăm khiến lòng ta thắt lại, trước ý nghĩ về tất tật các cái tên tản mát kia. Bố anh cũng bị ốm, nhưng khỏi được.
Tiếng Ý của Tischler nghe rất vui và què cụt; xét về chính yếu nó là những mẩu nhỏ cóp nhặt từ các quyển sách in lời opera, vì bố anh từng là một người cuồng tín với bel canto. Rất thường, trong lúc làm việc, tôi từng nghe thấy anh khe khẽ hát "sconto col sangue mio" và "libiamo nei lieti calici". Tiếng mẹ đẻ của anh là Yiddish, nhưng anh cũng nói được tiếng Đức và chúng không nói chuyện với nhau không gặp phải khó khăn gì. Tôi rất yêu quý Tischler vì anh không đầu hàng trước nỗi ngây độn: anh bước đi mạnh mẽ mặc cho đôi guốc gỗ của mình; anh nói năng chăm chú và chính xác, và anh có khuôn mặt nhọn hoắt, hay cười và buồn bã cùng một lúc. Buổi tối, thỉnh thoảng, anh biểu diễn ứng tác một tiết mục bằng tiếng Yiddish, kể các câu chuyện nho nhỏ hoặc ngâm những bài thơ buồn, và những khi ấy tôi tiếc vì không hiểu những gì anh nói. Đôi khi, anh cũng hát, và lúc đó thì không ai vỗ tay, tất cả mọi người đều nhìn xuống đất, nhưng chừng anh đã hát xong, người ta bảo anh hát lại.
Cuộc gặp trong tư thế bò bốn chân kia, với dáng dấp loài chó, khiến anh vui sướng: a! giá kể như mà hôm nào trời cũng có thể mưa như thế này! Nhưng hôm ấy không phải là một ngày giống những ngày khác: mưa đã tới vì anh, vì đấy là sinh nhật anh, tròn hăm lăm tuổi. Thế nhưng, tình cờ thay, tôi cũng tròn hăm lăm tuổi đúng hôm đó: chúng tôi là anh em sinh đôi. Tischler bảo cần phải ăn mừng điều này, bởi chúng tôi có ít cơ may cùng nhau ăn mừng sinh nhật tiếp đó. Anh rút từ túi áo ra nửa quả táo, cắt lấy một miếng đưa cho tôi, và đấy là, trong vòng một năm bị nhốt, lần duy nhất tôi được ăn một thứ quả.
Chúng tôi im lìm nhai, chăm chú như với một bản giao hưởng mang vị chua khẽ quý giá. Trong lúc đó một phụ nữ đã đến trú vào ống sắt đối diện: một phụ nữ trẻ tuổi, quấn mình trong những thứ quần áo màu đen, có thể là một người Ukraine thuộc Todt. Khuôn mặt rộng bản và đỏ lựng, ánh nước mưa, cô nhìn chúng tôi, cười; sau khi luồn tay xuống dưới áo veste gãi với một sự trễ nải đầy khiêu khích, cô xõa tóc, hết sức bình thản chải nó và bắt đầu tết lại. Hồi đó, hiếm khi chúng tôi có dịp nhìn thấy một phụ nữ từ thật gần, và đấy là một kinh nghiệm êm dịu và dữ dội, làm cho người ta tan nát.
Tischler nhận ra tôi nhìn cô ta và hỏi tôi lấy vợ chưa. Chưa, tôi chưa lấy vợ; anh nhìn tôi chằm chằm với biểu hiện của sự nghiêm khắc giả đò, vẫn còn độc thân, ở tuổi của chúng tôi, ấy là một tội lỗi. Nhưng anh cũng ngoảnh đầu đi và ngắm nhìn cô gái một hồi lâu. Cô đã tết xong tóc, nằm nép vào cái ống của mình và vừa khẽ hát vừa lắc lư đầu.
- Đấy là Lilith, đột nhiên Tischler nói với tôi.
- Anh quen cô ấy à? tên cô ấy như vậy thật?
- Tôi không quen cô ta, mà tôi nhận ra cô ta.Chính là cô ta đấy, Lilith, vợ đầu của Adam. Anh không biết câu chuyện về Lilith à?
Tôi không biết, và Tischler cười, vẻ độ lượng: đã quá rõ, những người Do Thái phía Tây, tất tật đều theo phái Epucurus, các apicorsim, những kẻ thiếu lòng tin. Và anh nói tiếp:
- Nếu từng đọc kỹ Thánh Kinh, hẳn anh còn nhớ câu chuyện tạo ra phụ nữ được kể hai lần, theo hai cách khác nhau: a! nhưng tất nhiên rồi, đối với các anh, thì người ta dạy cho các anh một ít tiếng Hebrew ở tuổi mười ba, và chỉ có mỗi thế...
Hoàn cảnh bắt đầu mang dáng dấp mà tôi rất thích: dáng dấp của trò chơi, của tranh cãi giữa người có lòng tin và kẻ hoài nghi, theo định nghĩa là vô tri, và là kẻ bị đối tượng làm cho phải "nghiến răng" vì chứng minh là bị nhầm lẫn. Tôi sẵn sàng chơi, và đáp lại với sự hỗn xược cần có:
- Đúng, có hai câu chuyện, nhưng chuyện thứ hai chỉ là lời bình luận cho chuyện thứ nhất.
- Sai. Đó là diễn giải của những ai chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài. Nhưng nếu đọc đúng cách, và suy nghĩ về những gì mình đọc, anh sẽ nhận thấy rằng trong câu chuyện thứ nhất chỉ viết: "Chúa đã tạo ra đàn ông và phụ nữ"; điều đó muốn nói Người đã tạo ra họ bình đẳng với nhau, với cùng thứ bụi đất. Trong khi ở trang tiếp theo, người ta đọc thấy Chúa khởi sự bằng cách tạo ra Adam, rồi, do nghĩ thật không tốt nếu người đàn ông chỉ có một mình, lấy một xương sườn từ Adam và từ xương sườn đó tạo ra một phụ nữ; hay nói đúng hơn, một Männin, một đàn ông giống cái, một giống cái của đàn ông. Anh thấy rõ là ở đây thì chẳng hề có chút bình đẳng nào. Ừ thì, có những người nghĩ không phải chỉ là hai câu chuyện, mà còn là hai phụ nữ khác nhau, và người đầu tiên không phải Eva, tức là xương sườn của người đàn ông, mà là Lilith. Chỉ có điều, câu chuyện về Eva được viết ra và tất cả mọi người đều biết nó, trong khi câu chuyện về Lilith, thì người ta chỉ kể thôi, thành thử ít người biết. Câu chuyện, hay nói đúng hơn, các câu chuyện, vì có nhiều... Tôi sẽ kể cho anh một số trong đó, vì hôm nay là sinh nhật của chúng ta và trời đang mưa, và vì hôm nay đến lượt tôi làm người kể chuyện và tin: kẻ hoài nghi, hôm nay, là anh.
"Câu chuyện thứ nhất, ấy là Đức Chúa không chỉ làm ra họ giống hệt nhau, mà còn nhúng vào đất sét một hình thức duy nhất, nói chính xác hơn là một Golem, một hình thức không hình thức. Đó là một tạo vật có hai lưng, người đàn ông và người phụ nữ đã hội vào với nhau; rồi Người tách họ ra làm hai, nhưng họ sốt ruột được hội vào với nhau tiếp, và thế là Adam ngay tức khắc đòi Lilith nằm ra đất. Nhưng Lilith không muốn: tại sao tôi lại phải nằm dưới? chẳng phải chúng ta bình đẳng với nhau, hai nửa của cùng một thứ bột, hay sao? Adam tìm cách cưỡng ép, nhưng vì họ có cùng sức lực, anh không làm nổi việc đó và rốt cuộc nhờ đến Chúa: đấy cũng là một đàn ông, và hẳn Người sẽ ủng hộ anh. Và quả thật Chúa ủng hộ anh, nhưng Lilith nổi loạn: hoặc có cùng các quyền, hoặc chẳng gì hết; và vì hai đàn ông cứ khăng khăng, nàng liền báng bổ tên của Đức Chúa, bị biến thành quỷ cái và lao bắn lên không như một mũi tên để xuống đáy biển sống. Thậm chí có những người bảo mình còn biết nhiều hơn về chuyện này, và kể rằng Lilith ở hết sức chính xác dưới đáy Biển Đỏ, nhưng đêm nào nàng cũng bay đi vòng quanh thế giới rộng lớn, cào vào ô kính cửa sổ những ngôi nhà có trẻ sơ sinh và tìm cách bóp chúng ngạt thở. Cần phải hết sức cảnh giác: nếu nàng mà vào, người ta sẽ dùng một cái lót cốc lộn ngược bắt lấy nàng, và thế là nàng không làm điều xấu được nữa.
"Cũng có những khi nàng xâm nhập cơ thể một người đàn ông, và thế là người đàn ông trở nên bị ám; trong trường hợp ấy, phương thuốc tốt hơn cả là dẫn anh ta tới trước một viên chưởng khế hoặc một tòa án rabbi và cho viết một bản cáo trạng thật kỹ lưỡng, đúng thể thức, qua đó người kia tuyên bố mình muốn trục con quỷ cái ra. Anh cười à? Tất nhiên tôi không tin vào điều này, nhưng tôi thích kể các câu chuyện, trước đây tôi từng thích đòi người ta kể cho tôi nghe, và tôi không muốn chúng mất đi. Vả lại, tôi không đảm bảo với anh là đã không thêm thắt tí chút vào đó: tất tật những ai kể chúng đều thêm thắt tí chút... Chính bằng cách ấy mà các câu chuyện sinh ra.
Có tiếng ồn lớn vang lên, và rất sớm chúng tôi nhìn thấy đi ngang qua một cái máy kéo được trang bị bánh xích móc theo hệ thống quét tuyết. Nhưng khối bùn bị rẽ làm đôi ngay lập tức đầy trở lại khi nó đi qua: giống Adam và Lilith, tôi nghĩ. Đó là dấu hiệu tốt: giờ nghỉ sẽ còn kéo dài lâu nữa.
- Và rồi còn có câu chuyện về tinh dịch nữa. Lilith thèm khát tinh dịch của đàn ông và thường trực rình rập ở những nơi nào hay có tinh dịch: nhất là trong chăn. Toàn bộ tinh dịch không đi đến cái đích được chấp nhận duy nhất, dạ con của người vợ, nàng đều chiếm lấy: toàn bộ thứ tinh dịch mà mỗi người đàn ông từng lãng phí trong đời mình, trong mơ, do thói tật hoặc trong trò ngoại tình. Anh cứ tưởng tượng số lượng mà nàng nhận được đi: thành thử lúc nào nàng cũng mang thai và không ngừng đẻ con. Vì đấy là một quỷ cái, nàng đẻ ra lũ quỷ, nhưng chúng không gây ra các thiệt hại lớn, ngay cả khi, có khả năng là vậy, chẳng phải là chúng không muốn thế đâu. Đấy là những thứ âm hồn xấu xa, không có cơ thể: chúng làm sữa và rượu trở chua, ban đêm chạy trên tầng áp mái và làm tóc các cô gái bị rối.
"Nhưng dẫu sao thì đó cũng là những đứa con của đàn ông: những đứa con của mỗi người đàn ông, nhưng là những đứa con ngoài giá thú. Chừng bố của chúng chết đi, chúng tới dự đám tang cùng lúc với những đứa con trai hợp thức, vốn dĩ là anh em cùng cha khác mẹ với chúng. Chúng bay như lũ bướm đêm quanh các ngọn nến quàn xác, chí chóe đòi phần thừa kế. Anh cười, tất nhiên rồi, vì anh theo thuyết Epicurus và đến lượt anh cười rồi. Nhưng có lẽ rồi một ngày, anh sẽ ra khỏi đây, anh sẽ sống, và anh sẽ có dịp thấy, tại một số đám tang, ông rabbi cùng đoàn tùy tùng của mình đi vòng quanh người chết bảy lần: thì, điều đó muốn nói ông ta đang dựng một thanh ba ri e quanh người chết, để lũ con trai không cơ thể của người đó không tới hành hạ người đó được.
"Nhưng tôi còn phải kể cho anh câu chuyện kỳ quặc hơn cả, và chẳng có gì đáng kinh ngạc khi nó kỳ quặc, vì nó được kể trong các cuốn sách thuộc Kabbalah, và các chuyên gia Kabbalah là những người chẳng sợ gì. Anh biết là Chúa đã tạo ra Adam và sau đó, nhận thấy thật không tốt khi một người đàn ông chỉ có một mình, Người đã đặt một bạn đồng hành bên anh ta. Ừ thì, các chuyên gia Kabbalah bảo cả đối với Chúa cũng thật không tốt khi chỉ có một mình, và ngay từ đầu Người đã chọn bạn đồng hành cho mình là Shekinà, tức là hiện diện của chính Người trong Thế Giới; thành thử Shekinà đã trở thành vợ của Chúa, do vậy là mẹ của tất tật các dân tộc. Khi Ngôi Đền tại Jerusalem bị người La Mã phá hủy và chúng ta bị tản mát đi và bị biến thành nô lệ, Shekinà nổi cơn giận dữ, tách khỏi Chúa và đi theo chúng ta trong cuộc lưu đày. Tôi sẽ nói với anh là cả tôi cũng có những khi nghĩ cùng điều đó: Shekinà cũng đã bị biến thành nô lệ, nàng ở đây bên chúng ta, trong cuộc lưu đày bên trong lưu đày này, trong ngôi nhà bằng bùn và đau đớn này.
"Và Chúa còn lại một mình; như chuyện xảy đến với hơn một người, Người đã không thể kháng cự lại nỗi cô đơn và cám dỗ, và người đã có một nữ tình nhân: và anh biết đấy là ai không? Là nàng, Lilith, quỷ cái, và điều này đã gây ra một xì căng đan khủng khiếp. Nói ngắn gọn, hẳn cứ như là mọi chuyện đã xảy ra giống trong một cuộc cãi cọ, khi một xâm phạm tạo ra một xâm phạm khác còn nghiêm trọng hơn, thế cho nên cuộc tranh cãi cứ kéo dài mãi không dứt và phồng tướng lên như một đợt tuyết lở. Vì anh phải biết rằng mối quan hệ chẳng hay hớm gì kia chưa kết thúc và sẽ không sớm kết thúc đâu: một mặt nó là nguyên nhân cho sự ác trên đời; mặt khác, nó lại là kết quả của cái đó. Chừng nào Chúa còn tiếp tục gây tội lỗi với Lilith, thì sẽ có máu đổ và đau đớn trên cõi đời; nhưng rồi sẽ tới một ngày một người hùng mạnh, người mà tất tật chúng ta đều chờ đợi, giết được Lilith và chấm dứt sự dâm dật của Chúa cũng như sự lưu đày của chúng ta. Phải, Tay Người Ý, lưu đày của anh và cả lưu đày của tôi, Maz'l Tov, chúc may mắn."
Tôi đã gặp may mắn, nhưng Tischler thì không. Nhưng quả thật đã xảy đến với tôi, nhiều năm sau đó, chuyện dự một đám tang diễn ra đúng như anh đã miêu tả cho tôi, với một điệu nhảy phòng vệ quanh quan tài. Và thật không thể giải thích nổi, tại sao số phận lại chọn một kẻ theo Epicurus như tôi để kết lại câu chuyện ngụ ngôn mộ đạo và gớm ghiếc này, được tạo ra từ thơ, từ sự vô tri, từ sự sắc sảo ương bướng, và từ nỗi buồn không thể chữa trị kia, thứ dâng lên trên các đống đổ nát của những văn minh đã mất.
Huỳnh Bất Thức dịch
một Ý
Casanova (1725 – 1798)
Leopardii (1798 – 1837)
Umberto Saba (1883-1957)
Carlo Emilio Gadda (1893 – 1973)
Pavese (1908 – 1950)
Elsa Morante (1912 – 1985)
Natalia Ginzburg (1916 – 1991)
Primo Levi (1919 -1987)
Angelo Maria Ripellino (1923 – 1978)
Italo Calvino (1923 – 1985)
Pietro Citati (1930 – 2022)
Claudio Magris (1939 – )
Giorgio Agamben (1942 – )
Emanuele Trevi (1964 – )