Ponge bình luận Braque
Có cả một truyền thống ở các nhà thơ Pháp: bình luận hội họa, với một số điểm mốc đáng nhớ như những bài thuộc Salons của Diderot và những bài thuộc (cũng) Salons của Baudelaire. Mối quan hệ giữa các nhà thơ và các họa sĩ bao giờ cũng hết sức chặt chẽ (có thể nhớ đến Max Jacob hoặc Pierre Reverdy, chẳng hạn). André Breton cũng là một nhà thơ bình luận tranh và Francis Ponge, một người có mối quan hệ không mấy dễ dàng với Breton cùng Siêu thực, bình luận tranh (và cả tượng - như Alberto Giacometti) của nhiều người, trong đó quan trọng hơn cả là về Georges Braque, mà Ponge từng cộng tác.
Ponge, tác giả của Le Parti pris des choses, La Rage de l'expression, Xà phòng hay Proêmes, là một nhà thơ kín đáo, không bao giờ được biết rộng rãi như André Breton hay René Char, nhưng đó là người tiếp nối con đường của Stéphane Mallarmé (một con đường khó) và được coi là bậc thầy không chỉ bởi nhóm Tel Quel, nhóm văn chương từng suy tôn Ponge trong thập niên 60 của thế kỷ 20 mà còn bởi nhiều nhân vật văn chương có ý nghĩa khác, nhất là bên ngoài nước Pháp.
Các bản vẽ của Braque1
Đây là bộ sưu tập tranh Braque đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay, trong đó có thể thấy một vài tác phẩm đồ họa được tập hợp lại của họa sĩ lớn, người có những bức tranh canvas được ngưỡng mộ rộng rãi và đang được treo tại các bảo tàng lớn và các gallery hàng đầu trên thế giới.
Chỉ tới bây giờ - khi tranh của ông đã thu về cho ông danh tiếng vô song trong nhiều năm qua, nó nở rộ và tỏa sáng trên nhiều bức tường - thì một số ít những bản vẽ của ông mới bắt đầu được sưu tầm và Georges Braque đã cho phép việc sao chép và xuất bản chúng.
Điều này tự thân nó có thể cho chúng ta một ý về thái độ của Braque đối với các bản vẽ, vị trí mà ông dành cho chúng trong tác phẩm của mình, nếu từ cái nhìn đầu tiên, bản chất đích thực của những bức tranh này không hiện ra rõ ràng và đủ sức để cho thấy điều đó.
Chúng rõ ràng là các bản vẽ của một họa sĩ, lúc nào được thực hiện với con mắt hướng về một bức tranh của tương lai, hay là một bức vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Dẫu vậy, ngay cả khi người nghệ sĩ trao cho chúng địa vị không hơn những ghi chú và các bản nháp, thì chắc chắn chúng ta cần phải có trách nhiệm xem xét chúng với sự quan tâm mà các tài liệu về những điều quan trọng độc nhất xứng đáng nhận được.
Nếu đúng là vào thời của chúng ta, gu của số đông đã hạ mình xuống mức thấp nhất, tới mức gây ra cảm giác buồn nôn không thể kiềm chế và đôi khi còn hủy hoại niềm vui của việc sống, vẫn có một số người, như để bù lại, đã vươn tới đỉnh cao, bao gồm cả việc tận hưởng theo lối con người - thậm chí nhiều hơn cả sự thưởng thức chính các tác phẩm - những phẩm chất hiếm hoi và lay động mà các tác phẩm tiết lộ về người tạo ra chúng, và còn được yêu thích hơn cả các kiệt tác là những trang bản thảo, những trang công việc, ở đó ghi dấu tất tật các sống động thăng trầm trong cuộc vật lộn với thiên thần, hay nói ngắn gọn, những bản thông cáo hằng ngày của cuộc thánh chiến...
Nhìn nhận dưới góc độ đó, bộ sưu tập mà những bức tranh của một bậc thầy lừng danh được sao chép lại bằng màu không thể thỏa mãn người yêu nghệ thuật có gu. Dù có vui mừng tới đâu khi sở hữu được chúng, anh ta sẽ không bao xem qua chúng mà không mang theo một sự lo lắng hay buâng khuâng, thậm chí là một hối hận tò mò.
Đứng trước một cuốn sách như cuốn sách này, những cảm giác như vậy chắc chắn sẽ dịu đi, và có thể thậm chí sẽ biến mất hoàn toàn.
Hãy lấy ví dụ, những bản vẽ của Leonardo, hoặc Rembrandt, hoặc các bậc thầy khác trong quá khứ, và hãy xem xét khả năng xuất sắc của sự tồn tại dai dẳng bên trong toàn thể sự biểu đạt của chúng. Chúng ta không còn chút nào chắc chắn về bức tranh của những vĩ nhân này. Nhưng ta có thể vĩnh viễn chắc chắn về những bản vẽ của họ.
Vậy thì ở đây, cũng như chúng sẽ vẫn vậy, không thay đổi trong hàng thế kỷ tới, là những dấu hiệu, những dấu vết chân thực của một trong các nghệ sĩ vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Tôi muốn họ được nhìn nhận với sự quan tâm và sùng ái mà họ xứng đáng nhận được.
Chúng ta biết mình nợ Braque nhường nào và tại sao rất nhiều trí óc kiệt xuất dâng mình cho ông.
Trong những năm đầu của thế kỷ này, vốn dĩ khởi đầu trong bầu không khí của sớm mai khải hoàn, hứa hẹn sẽ trở thành thế kỷ quyền lực của con người, chính Braque (cùng với Picasso) là người góp phần mạnh mẽ nhất vào sự đăng quang của một nghệ thuật mới.
Điện, xe cộ, máy bay xuất hiện cùng lúc đó. Ngôi làng nhỏ nhất có vẻ được tân trang, trang trí lại bằng tấm vải lanh mới. Ở các bộ môn nghệ thuật khác Stravinsky, Joyce, số đầu tiên của tạp chí La Nouvelle Revue Française được chào làng. Chiếc kính vạn hoa không ngừng xoay chuyển, và mỗi sự kết hợp mới đều lộng lẫy hơn cái trước. Cuộc chiến tranh 1914-1918 tự thân làm gián đoạn một quãng ngắn của tiến trình này... Parade, Ballets Russes2... Điều này tiếp tục cho đến khoảng năm 1925, khi Triển lãm Nghệ thuật Trang trí3 tại Paris thánh hóa sự chiến thắng và sự phổ biến hóa của trường phái lập thể.
Điều đã xảy ra là những trí óc sắc bén nhất của thời đại, "những tên khổng lồ, những bậc kỳ tài", tận dụng bối cảnh của buổi bình minh này để ngẫm lại triệt để vấn đề của hội họa và để tiến hành cuộc cách mạng quan trọng nhất mà hội họa đã trải kể từ thời kỳ Phục hưng. Bằng cách này, họ đã đặt nền móng cho một tu từ học và một phong cách, chúng đã có thể đơm hoa kết trái trong suốt hơn một thế kỷ.
Tuy nhiên mọi thứ đột ngột thay đổi. Hay ta nên nói, theo lối uyển ngữ, rằng kết quả của cuộc chiến có thể sẽ khiến ta vỡ mộng? Bất kể là trường hợp nào, mọi thứ đều trở nên mờ mịt, bị vi trùng, vi khuẩn xâm nhập, mọi thứ trở thành baroque4. Như thể kính vạn hoa rực rỡ mà ta vừa nói đến trước đó đột nhiên trở thành một cái kính hiển vi chĩa5 vào một đống hỗn độn văn hóa...
"Chúng ta đang sống trong thể loại thế giới gì đây!" nhà thủ lĩnh siêu thực André Breton không ngừng thốt lên bằng tông giọng độc nhất vô nhị về sự phản kháng mang vẻ bi tráng của mình. Thể loại thế giới gì ư? Tất cả sẽ sớm tìm ra thôi. Sự kinh dị của nó trở nên dễ thấy với tất cả mọi người kể từ cuộc chiến tranh ở Abyssinia6, sự kiện Guernica7, cho tới các cuộc di cư và tiêu diệt diễn ra sau đó.
Thế kỷ quyền lực của con người trở thành thế kỷ của sự tuyệt vọng. Kể từ đó, mọi người cảm thấy trong thân thể và linh hồn họ rằng chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên tàn bạo hơn bất kỳ kỷ nguyên nào, thời đại của sự man rợ khủng khiếp nhất.
Ta biết cách giải thích nào mà người ta cung cấp cho chúng ta, từ kẻ chẳng bao giờ thiếu lời giải thích, kẻ chỉ thấy qua sự bác bỏ kịch liệt nhất về trí tuệ của anh ta một dịp để càng say mê nó hơn.
Nhưng đã có những người, kể từ đó, không còn chấp nhận bất kỳ lập luận nào nữa và lên án chúng là những điều nực cười, phạm pháp, cho dù chúng xuất phát từ đâu - trừ khi từ chính bản năng sâu xa của họ, trực giác ngây thơ mà các chứng cứ ngày ngày xác nhận, và từ điều này, thực sự phải nói rằng, một mình Braque vẫn trung thành với điều đó.
Chưa bao giờ, có vẻ như, kể từ khi thế giới là thế giới, chưa bao giờ thế giới trong tâm trí một người - và chính xác là, tôi cho rằng, kể từ khi con người đã bắt đầu nhìn thế giới không gì hơn là một sân khấu cho hành động của anh ta, là thời gian và không gian cho quyền lực của anh ta - chưa bao giờ thế giới lại vận hành ít ỏi hay tệ đến thế trong tâm trí con người.
Nó chẳng hoạt động chút nào nữa, chỉ với một vài nghệ sĩ là ngoại lệ. Và nếu nó hoạt động, thì điều đó cũng chỉ bởi vì họ.
Vậy đây chính là những gì một số người cảm thấy, và từ khoảnh khắc đó cuộc sống của họ được vạch ra cho họ. Chỉ có một điều duy nhất để họ làm, một chức năng để họ thực hiện. Họ phải mở ra một cái xưởng và cho thế giới vào đó để sửa chữa, thế giới trong từng mảnh, như trạng thái nó đến với họ.
Kể từ đó, mọi kế hoạch khác đều bị xóa sổ: đó không còn là câu hỏi của biến đổi thế giới hay giải thích nó, mà chỉ đơn thuần là đặt chúng trở lại vào trật tự hoạt động, từng mảnh một, tại xưởng của họ.
Bạn có nghĩ chúng ta đã rời xa Braque, xưởng của ông, những bản vẽ của ông? Không hề. Ngược lại, chúng ta chỉ mới vừa tiến về phía đó; và có lẽ chỉ vừa mới đây thôi.
Khi một người bước vào xưởng của Braque, tin tôi đi, nó có một chút giống như khi họ gặp một thợ máy ở một thị trấn nhỏ, một người mà nhiều tay lái xe đã từng tiếp xúc và nói chung là cảm thấy hài lòng.
Một số xe cộ đã đứng sẵn ở đằng sau, vẫn đang bất động. Người đàn ông cẩn thận đi xem từng cái một, theo mức độ khẩn cấp và tính hiệu quả trong việc sử dụng thời gian của mình.
Khá rõ ràng, điều này chẳng liên quan gì tới tài khéo hay sự thích thú. Nó chỉ đơn thuần là việc đặt chúng [những cái xe] về một trật tự hoạt động với những phương tiện có sẵn, thường là rất hạn chế.
Đó chính là lúc một trí óc sáng chế hé lộ bản thân nó, nhiều sáng tạo nhưng chẳng kém phần cuồng loạn và không có khẩu vị với hệ thống. Đó luôn luôn là một trường hợp tự thân. Và tất nhiên, mọi thứ đều bắt đầu với một cảm xúc. Nhưng ngay lập tức, Braque nói (rất sớm, từ năm 1917), "Tôi yêu những quy tắc có thể điều chỉnh cảm xúc." Và những quy tắc này là gì nếu chúng không khớp với nhau thành các phần và thành sự phục tùng của những phần ấy trước cái toàn thể? Bởi, rõ ràng, cái toàn thể mới là toàn bộ những gì đáng nói, và nó hoạt động. Nhưng để đạt được điều ấy, các phần có cần hy sinh không? Rõ là không, vì cái toàn thể được tạo thành từ các phần, và sẽ luôn luôn là từ một vài phần mà quy tắc bị phá vỡ. Người đàn ông của chúng ta rèn ra một mảnh khi cần thiết, giũa một vài chi tiết, xoắn một đoạn kim loại, sáng tạo ra những khớp nối. Nhưng không bao giờ, với bất kỳ nguyên cớ nào, mà ta nghe được ông nói Eureka! Chẳng bao giờ ông nảy ra cái ý mình sẽ dừng lại trước một trong những khám phá này, đi đăng ký bằng sáng chế hay khai thác nó như một hệ thống. Bởi vì vẫn còn nhiều xe cộ đợi ở đó và cái hệ thống này hẳn sẽ không thể áp dụng được.
Vậy thì, mọi thứ bắt đầu bằng một cảm xúc, và tuy nhiên quy tắc xen vào. Nhưng ông nghĩ gì về các quy tắc? Chà, ông yêu chúng. Và đó cũng là một cảm xúc.
Và thế là ở đây có một người đàn ông nơi mọi thứ đều đến theo lối bất chợt: cảm xúc, quy tắc điều chỉnh cảm xúc ấy, và ngay sau đó, tình yêu cho quy tắc ấy. Chẳng có gì bất ngờ khi ông vẽ được những bức tranh đẹp như thế.
Tuy nhiên, đôi khi một vài khúc mắc nhỏ xuất hiện và yêu cầu thêm suy ngẫm. Suy ngẫm không hẳn là từ đúng ở đây. Hãy xem nào; lấy một vài tờ giấy. Sau đó ta thấy nghệ nhân bỏ lại lò rèn, giá vẽ và bảng màu của ông và tiến tới bàn làm việc, nơi ông dọn ra một khoảng trống. Ông lấy cây bút chì cài sau tai, một mẩu giấy vụn, đặt vấn đề của mình lên đó, phác họa bức tranh của mình và tìm ra giải pháp ở đó.
Ở đây ta sẽ thấy rõ hơn bất kỳ nơi nào khác, sự gần gũi của hai từ: dessein (dự đồ) và dessin (bản vẽ, hay hình họa)8.
Dessein, dessin, design... ba hình thức của một từ, xưa kia độc nhất.
Braque vẽ cái gì? Các dự đồ của ông. Cùng lúc, vừa chính xác vừa chưa chính xác. Chúng chỉ là những bản vẽ. Chỉ là các ghi chú, tỉ mỉ (nhưng chưa trau chuốt). Những đề xuất không kèm sự tự mãn và khoe khoang, đơn thuần là thử nghiệm, một cách cẩn trọng, nhưng nếu cần thì sẽ được rút lại. Một chuỗi các thử nghiệm - của sự bình tĩnh vượt qua sai sót - được điều chỉnh. Chúng có thái độ và sắc thái của tìm hiểu và nghiên cứu, không bao giờ là của lòng tin thái quá hay một khám phá... Nhưng sự khám phá luôn ở đó, trong mỗi khoảnh khắc.
Và sau đó, quay lại với bức tranh; những bản vẽ ngồi yên trên bàn làm việc.
Đây chính là cách mà tranh của Braque nên được hiểu và được yêu, nếu mọi người để tâm mà tin những gì tôi nói.
Khi mọi thứ đã ngã ngũ, người thợ cơ khí chỉ là một hình ảnh. Chúng ta không hề nói tới xe cộ ở đây.
Đối với Braque, cả thế giới này đang trong tình trạng cần sửa chữa, cần được tân trang. Nó rùng mình một cái, rồi gần như bất chợt bắt đầu lại mọi thứ. Nó vang dội. Sự hòa giải đã diễn ra. Chúng ta đang "đồng điệu với tự nhiên". Với thời gian. Với cái "hiện tại" liên tục. "Sự vĩnh viễn và thanh âm nguyên bản của nó".
"Chúng ta sẽ không bao giờ ngơi nghỉ." Chắc là không. Nhưng chúng ta đang bước cùng thời gian, được cứu chữa.
Yên Hành dịch
1 Braque, Dessins, Paris, Braun, 1950; tái bản trong cuốn Le Grand Recueil (vol. I) - ngày nay hay nằm trong cuốn L'Atelier contemporain. "Bản vẽ" ở đây còn có thể được hiểu là "hình họa".
2 Vở ba lê "Parade" ra mắt tại Paris năm 1917 do đoàn ba lê Nga (Ballets Russes) biểu diễn.
3 Exposition des arts décoratifs.
4 Phô trương, cầu kỳ, hoa mỹ theo phong cách Baroque (1600-1750).
5 Ponge dùng từ "braquer", có hình thức giống tên của "Braque".
6 Chiến tranh Ý-Ethiopia (Abyssinia là tên cũ của Ethiopia) vào 1935-1936, cuộc chiến do nước Ý của Mussolini phát động nhằm xâm lược Ethiopia.
7 Tên một thị trấn nhỏ ở Tây Ban Nha, nơi vào năm 1937 trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha bị phe đồng minh phát xít Tây Ban Nha là Đức và Ý ném bom phá hủy.
8 Ponge đặc biệt thích sử dụng các từ trông hao hao nhau.