Philip Roth: Trò chuyện với Edna O’Brien
tiếp tục các trò chuyện của Philip Roth
Ngày 18 tháng Chín, 1984
Nhà văn Ireland Edna O’Brien, sau nhiều năm sống ở London, gần đây chuyển đến một đại lộ rộng lớn với những mặt tiền nguy nga từ thế kỷ XIX. Bà kể rằng vào những năm 1870, khi con phố này mới được xây dựng, nó nổi tiếng là nơi ở của những tình nhân và phụ nữ được chu cấp. Các đại lý bất động sản gọi góc phố ấy ở Maida Vale là “Belgravia của tương lai,” nhưng hiện tại, nó vẫn mang dáng dấp một công trường xây dựng với hàng loạt công trình đang cải tạo.
Miss O’Brien làm việc trong một căn phòng yên tĩnh, nhìn ra bãi cỏ xanh mướt của khu vườn riêng rộng lớn phía sau căn hộ, một khu vườn có lẽ còn rộng hơn cả ngôi làng nơi bà từng dự lễ nhà thờ khi còn nhỏ ở County Clare. Trong phòng có một cái bàn làm việc, một cây đàn piano, một cái ghế sofa, tấm thảm phương Đông màu hồng sẫm hơn cả sắc hồng vân đá của những bức tường và, qua cánh cửa kiểu Pháp mở ra khu vườn, hàng cây tiêu huyền mọc san sát đủ để tạo nên cả một công viên nhỏ.
Trên lò sưởi, ngoài các bức ảnh chụp hai người con trai của bà từ cuộc hôn nhân trước - “Tôi sống ở đây gần như một mình” - còn có bức ảnh nổi tiếng chụp nghiêng gương mặt thời trẻ của Virginia Woolf, nữ nhân vật chính trong vở kịch mới đây của bà. Bàn làm việc được đặt hướng về phía tháp chuông nhà thờ phía cuối khu vườn, trên đó đặt một tập sách tuyển tập các tác phẩm của J. M. Synge đang mở ở chương The Aran Islands; còn trên sofa là một tập thư của Flaubert lật đến phần trao đổi với George Sand. Trong lúc chờ tôi đến, bà vừa ký vào những trang sách trong ấn bản đặc biệt gồm 15.000 bản tuyển tập truyện ngắn của mình, vừa nghe những bản hợp xướng hào hùng từ các vở opera của Verdi để tiếp thêm năng lượng.
Vì mọi thứ bà mặc trong buổi phỏng vấn đều là màu đen nên dĩ nhiên, không thể không chú ý đến làn da trắng, đôi mắt xanh lục và mái tóc nâu ánh đỏ; những màu ấy mang đậm nét Ireland - cũng như chất giọng trầm bổng lôi cuốn.
Philip Roth: Trong Malone Dies, đồng hương của chị, Samuel Beckett, đã viết: “Hãy nói rõ trước khi tôi đi xa hơn rằng, tôi không tha thứ cho bất cứ kẻ nào. Tôi mong tất tật chúng có một cuộc đời khốn khổ trong ngọn lửa của địa ngục băng giá và cả trong những thế hệ đáng nguyền rủa mai sau.” Câu trích dẫn này được chị chọn làm lời đề từ cho Mother Ireland, cuốn hồi ký xuất bản năm 1976. Phải chăng chị muốn ngụ ý rằng các trang viết của mình về Ireland cũng không hoàn toàn thoát khỏi những cảm tri tương tự? Thành thật mà nói, tôi không cảm thấy sự khắc nghiệt ấy trong tác phẩm của chị.
O' Brien: Tôi chọn lời đề từ đó vì tôi, hoặc đã từng, đặc biệt vào thời điểm đó, không thể tha thứ cho nhiều thứ của cuộc đời mình nên tôi đã chọn một người có thể nói điều đó hùng hồn và dữ dội hơn tôi.
Philip Roth: Thực tế các tác phẩm hư cấu chị viết lại phản lại chính sự không thể tha thứ của chị.
O' Brien: Ở một mức độ thì đúng là vậy, nhưng đó là vì tự tôi là một sinh vật mâu thuẫn. Khi tôi chửi rủa ai đó, ngay lập tức tôi cảm thấy mình cần phải xoa dịu. Điều ấy xảy ra trong suốt cuộc đời tôi. Tôi không thể căm ghét ai triệt để, cũng như không thể yêu ai tuyệt đối, tức là tôi luôn luôn mâu thuẫn với chính mình và với những người khác!
Philip Roth: Ai là người không thể được tha thứ nhất trong trí tưởng tượng của chị?
O' Brien: Cho đến khi ông qua đời… một năm trước… thì người đó là cha tôi. Nhưng cái chết mang lại một sự biến hoá nội tâm. Kể từ khi ông mất tôi đã viết một vở kịch về ông, trong đó khắc họa tất tật tính cách của ông… giận dữ, đầy dục vọng, tham lam, v.v… và bây giờ tôi có cảm giác khác về ông. Tôi không muốn sống lại cuộc đời ở bên ông hay tái sinh làm con gái ông thêm lần nào nữa, nhưng tôi đã tha thứ cho ông. Mẹ tôi thì khác. Tôi yêu bà, thậm chí yêu một cách thái quá, nhưng bà cũng để lại cho tôi một di sản: mặc cảm tội lỗi bao trùm. Tôi vẫn luôn tri cảm thấy bóng dáng bà ở phía sau lưng tôi, đang phán xét.
Philip Roth: Bây giờ, với tư cách là một người phụ nữ từng trải, chị đang nói về chuyện tha thứ cho cha mẹ mình. Chị có nghĩ rằng nỗi trăn trở ấy phần lớn liên quan đến việc chị là một nhà văn không? Nếu không cầm bút, giả dụ nếu chị là một luật sư, một bác sĩ thì có lẽ chị đã không nghĩ nhiều về hai con người ấy đến thế.
O' Brien: Đúng vậy. Đó là cái giá của việc làm một nhà văn. Người ta luôn bị quá khứ đeo bám… nỗi đau, những mối tri cảm, những sự chối bỏ, tất tật. Tôi tin rằng sự bám víu vào quá khứ là một ham muốn sốt sắng, dù vô vọng, nhằm tái tạo để có thể thay đổi nó. Các bác sĩ, luật sư và nhiều công dân bình ổn khác không bị ám bởi ký ức dai dẳng. Theo cách riêng của họ, có thể họ cũng bất ổn như tôi hay anh, chỉ là họ không nhận ra. Họ không đào sâu.
Philip Roth: Nhưng đâu phải nhà văn nào cũng đào sâu tuổi thơ mình nhiều như chị.
O' Brien: Tôi là người dễ ám ảnh, cũng rất chăm chỉ. Hơn nữa, quãng thời gian mà con người giàu sức sống và tinh nhạy nhất cũng chính là lúc còn nhỏ, người ta luôn luôn cố gắng tìm lại sự tỉnh thức mãnh liệt ấy.
Philip Roth: Không phải từ góc độ của một người con hay một người phụ nữ mà với tư cách một nhà văn hư cấu, chị có cho rằng mình may mắn với xuất thân của mình không… sinh ra ở vùng Ireland hẻo lánh, lớn lên tại một trang trại cô độc dưới bóng người cha bạo lực và, được giáo dục bởi các nữ tu sau cánh cổng khép kín của một tu viện tỉnh lẻ? Là một nhà văn, chị chịu ơn… hoặc không chịu ơn… bao nhiêu phần đối với thế giới nông thôn nguyên sơ mà chị vẫn thường khắc họa trong các câu chuyện về Ireland thời thơ ấu?
O' Brien: Khó mà nói chắc được, thực sự. Nếu tôi lớn lên trên những vùng thảo nguyên của nước Nga hoặc ở Brooklyn… nơi cha mẹ tôi từng sống khi mới kết hôn… thì có lẽ chất liệu sáng tác của tôi sẽ khác song cách tôi tóm lấy cuộc đời thì vẫn vậy thôi. Tôi lớn lên ở một đất nước đẹp đến nghẹt thở, vì thế tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ và đất đai đã ăn sâu vào tôi từ nhỏ. Thứ hai, ở đó không hề có chỗ cho văn hóa hay văn chương nên ham mê viết lách của tôi bộc phát một cách tự nhiên, không chịu ảnh hưởng từ bất cứ ai cả. Trong nhà tôi chỉ có sách kinh, sách nấu ăn và các báo cáo về gia súc. Tôi hiểu tường tận thế giới xung quanh mình, biết rõ tiểu sử của từng con người, những chất liệu làm nên truyện ngắn và tiểu thuyết. Về mặt cá nhân, đó là một tuổi thơ khá khắc nghiệt. Và tất tật đã tạo nên con người tôi hôm nay.
Philip Roth: Nhưng chị có ngạc nhiên khi mình đã sống sót qua những năm tháng ở trang trại cô độc, dưới bóng người cha bạo lực và trong tu viện tỉnh lẻ, mà vẫn giữ được tâm trí tự do để viết hay không?
O' Brien: Tôi ngạc nhiên trước sự kiên cường của chính mình… đúng vậy; nhưng tôi không phải là không mang theo vết sẹo nào. Tôi rất nhiều khi thấy mình như một kẻ tàn tật. Cơ thể thiêng liêng giống một nhà tạm và tất tật đều có thể trở thành cám dỗ dẫn đến tội lỗi. Giờ nghĩ lại thật buồn cười, nhưng cũng không hẳn… vì cơ thể cũng chứa đựng câu chuyện cuộc đời chẳng khác nào khối óc. Tôi tự an ủi mình bằng cái ý rằng, nếu một phần nào đó bị hủy hoại thì một phần khác sẽ vươn lên mạnh mẽ.
Philip Roth: Gia đình chị có đủ tiền để trang trải suốt quãng thời gian chị lớn lên không?
O' Brien: Không… nhưng từng! Cha tôi thích ngựa và cũng thích sự nhàn rỗi. Ông thừa kế một vùng đất rộng lớn và một ngôi nhà đá tuyệt đẹp nhưng lại hoang phí, để rồi đất đai dần bị cho đi hoặc tiêu tán theo đúng kiểu Ireland điển hình. Những người anh em họ từ Mỹ mang theo quần áo cho chúng tôi khi họ trở về và, tôi thừa hưởng từ mẹ niềm hân hoan thơ trẻ trước những món quà ấy. Điều làm chúng tôi háo hức nhất là các chuyến thăm với những món đồ lặt vặt, chúng là tín hiệu từ một vùng bên ngoài, một thế giới rộng lớn, thế giới tôi luôn khao khát được bước vào.
Philip Roth: Điều khiến tôi ấn tượng, đặc biệt trong những câu chuyện về vùng nông thôn Ireland thời chiến, là ký ức rộng lớn và sắc nét đáng kinh ngạc của chị. Chị dường nhớ từng đường nét, chất liệu, màu sắc, kích thước của mọi thứ mà ánh mắt chị từng lướt qua… chưa kể đến dấu ấn của con người in hằn lên toàn bộ những gì chị đã thấy, nghe, ngửi, nếm và chạm. Kết quả là một lối văn xuôi tinh tế như tấm lưới dệt tỉ mỉ, nơi từng mối tri cảm được quan sát hoàn hảo, giúp chị bao bọc trọn vẹn nỗi khát khao cùng đau đớn và hối tiếc dâng lên trong những trang văn. Tôi muốn hỏi chị lý giải thế nào về khả năng tái hiện thế giới Ireland ấy với độ chuẩn xác như vậy mặc dù đã xa mảnh đất đó hàng chục năm? Làm sao mà ký ức của chị vẫn giữ nó sống động đến thế và, vì sao cái thế giới đã biến mất này không chịu buông tha cho chị?
O' Brien: Có những lúc tôi bị cuốn ngược trở lại thế giới ban đầu ấy và hiện tại dần lùi xa. Ký ức, hay bất cứ thứ gì tương tự, tràn lấn tâm trí tôi. Nó không phải thứ mà tôi có thể tự gọi tới; nó đơn giản tự xuất hiện và tôi phải phục tùng. Tay tôi cứ thế viết và tôi chẳng cần nghĩ; thực ra, nếu tôi nghĩ thì dòng chảy ấy sẽ lập tức ngưng lại. Nó như thể một con đập trong não bất đồ vỡ tung.
Philip Roth: Chị có trở về Ireland để khơi lại những ký ức này không?
O' Brien: Mỗi khi trở về Ireland, tôi luôn thầm hy vọng điều gì đó sẽ khơi lên thế giới ẩn giấu và những câu chuyện đang chờ được giải phóng, nhưng mọi chuyện không diễn ra như vậy! Như anh cũng biết, ký ức trỗi dậy theo những cách rắc rối hơn nhiều, qua giấc mơ, qua những tình cờ và, trong trường hợp của tôi, qua cơn cuộn trào cảm xúc được khuấy lên bởi một mối tình và những dư ba của nó.
Philip Roth: Tôi tự hỏi có phải chị đã chọn cách sống một mình để tránh bất cứ cảm xúc quá mãnh liệt nào có thể tách chị ra khỏi quá khứ đó hay không?
O' Brien: Chắc chắn là có. Tôi oán giận nỗi cô đơn của mình nhưng nó cũng thân thuộc với tôi chẳng kém gì cái ý gắn bó với một người đàn ông. Tôi vẫn thường nói rằng tôi muốn chia cuộc đời mình thành hai giai đoạn luân phiên giữa sám hối, vui thú và viết, nhưng như anh thấy đó, điều này không phù hợp với một cuộc hôn nhân theo lối thông thường.
Philip Roth: Hầu hết các nhà văn Mỹ tôi biết sẽ cảm thấy vô cùng bất an trước viễn cảnh phải sống xa quê hương, nơi vừa là đề tài sáng tác, vừa là nguồn cội ngôn ngữ và những ám ảnh văn chương của họ. Nhiều nhà văn Đông Âu mà tôi quen vẫn chọn ở lại sau Bức màn Sắt, bởi lẽ đối với một nhà văn, sự khắc nghiệt của chế độ toàn trị đôi khi còn dễ chịu hơn hiểm họa của kiếp lưu vong. Nếu từng có một minh chứng thuyết phục cho việc nhà văn nên sống trong tầm nghe ngóng của quê hương, thì đó chính là hai tác giả Mỹ thế kỷ 20: Faulkner, người sau một thời gian ngắn ở nước ngoài đã quay về định cư ở Mississippi, và Bellow, người sau những năm tháng phiêu bạt cũng trở lại Chicago để sống và giảng dạy. Giờ đây ai cũng biết rằng một khi đã bắt đầu thử nghiệm với di sản Ireland của mình, cả Beckett lẫn Joyce dường không còn muốn hay cần một chỗ đứng cố định ở quê nhà… nhưng chị có bao giờ cảm thấy việc đi khỏi Ireland khi còn rất trẻ để đến London lập nghiệp đã khiến chị đánh mất điều gì trong tư cách một nhà văn không? Ngoài Ireland của tuổi trẻ, liệu còn một Ireland nào khác mà chị có thể khai thác cho sáng tác của mình?
O' Brien: Việc gắn mình với một nơi chốn cụ thể và biến nó thành bối cảnh sáng tác vừa là một thế mạnh đối với nhà văn, vừa là cột mốc định hướng cho độc giả. Nhưng anh buộc phải đi khỏi nếu anh thấy cội rễ của mình trở nên quá đè nặng, quá xâm lấn. Joyce từng ví Ireland với con lợn nái ăn thịt con… ông muốn ám chỉ thái độ của người Ireland đối với các nhà văn của mình, rằng họ xâu xé những người cầm bút. Không phải ngẫu nhiên mà hai nhân vật vĩ đại nhất của chúng ta… chính ông ấy và Beckett… đều bỏ đi và không quay lại, dù họ chưa bao giờ đánh mất ý thức sâu sắc về bản sắc Ireland của mình. Về phần tôi, tôi không nghĩ mình có thể viết được gì nếu vẫn ở lại. Tôi sẽ có cảm giác mình luôn bị nhìn, bị phán xét (thậm chí còn hơn thế!), và sẽ đánh mất thứ quý giá nhất của một nhà văn là sự tự do. Nhà văn lúc nào cũng trong trạng thái trốn chạy và tôi đã trốn chạy nhiều thứ. Đúng, tôi đã tự tước đoạt khỏi mình điều gì đó và tôi chắc chắn rằng tôi đã đánh mất một phần, đánh mất sự tiếp nối, đánh mất nhịp thường ngày của thực tại. Tuy nhiên, so với các nhà văn Đông Âu, tôi vẫn có lợi thế khi tôi luôn luôn có thể quay về. Còn với họ điều này hẳn vô cùng khủng khiếp, một sự đứt lìa vĩnh viễn, một cuộc lưu đày tuyệt đối, như linh hồn bị cấm cửa khỏi thiên đường.
Philip Roth: Chị sẽ quay về chứ?
O' Brien: Thỉnh thoảng. Ireland giờ đã đổi khác, một đất nước thế tục hơn nhiều, nơi mà trớ trêu thay, cả niềm say mê lẫn sự chối bỏ văn chương đều tàn lụi dần. Ireland đang trượt vào lối sống thực dụng và nông cạn như phần còn lại của thế giới. Câu thơ của Yeats - “Romantic Ireland’s dead and gone” [Ireland lãng mạn đã chết và lùi xa] - bây giờ đã ứng nghiệm.
Philip Roth: Trong lời tựa tôi viết cho cuốn sách mới của chị, A Fanatic Heart, tôi có trích dẫn nhận xét của Frank Tuohy trong một bài tiểu luận về James Joyce, trong đó ông so sánh hai người: nếu như Joyce, qua Dubliners và A Portrait of the Artist as a Young Man, là nhà văn Công giáo Ireland đầu tiên biến kinh nghiệm và thế giới xung quanh mình hiển lộ, “thì thế giới của Nora Barnacle (cô hầu phòng sau này trở thành vợ Joyce) phải đợi đến văn chương của Edna O’Brien.” Chị có thể chia sẻ Joyce quan trọng với chị như thế nào không? Một truyện ngắn của chị như Tough Men kể về một gã lừa đảo lang bạt chơi khăm tay chủ tiệm ranh mãnh khiến tôi có liên tưởng như một xen bước ra từ Dubliners nơi thôn quê; thế nhưng chị dường không bị cuốn vào những ám ảnh ngôn ngữ và huyền thoại như Joyce. Ông ấy có ý nghĩa thế nào đối với chị, chị đã tiếp thu hay học được điều gì từ ông ấy và, chị có ngợp không trong tư cách một nhà văn Ireland có bậc tiền bối là một gã khổng lồ ngôn từ đã nhai gần như mọi thứ thuộc về Ireland trong tầm mắt?
O' Brien: Trong chòm sao của những thiên tài, ông ấy là một ngọn sáng chói lòa, là bậc cha chú của tất cả chúng ta. (Tôi không tính Shakespeare bởi chẳng mỹ từ nào của con người là đủ.) Lần đầu tiên tôi đọc Joyce, đó là một cuốn sách nhỏ do T. S. Eliot biên tập mà tôi mua ở bến cảng Dublin, sách cũ, giá bốn xu. Trước đó, tôi đọc rất ít sách mà phần lớn đều sướt mướt và lạ lùng. Khi ấy, tôi chỉ là một thực tập sinh ngành dược ôm giấc mộng viết lách. Rồi tôi đọc The Dead và một đoạn trích từ A Portrait of the Artist as a Young Man, chúng khiến tôi choáng váng không chỉ bởi lối văn mê hoặc mà còn vì độ chân thực, chúng chính là đời sống. Sau đó, hay đúng hơn là về sau này, tôi mới đọc Ulysses, nhưng khi còn trẻ tôi đã chùn bước bởi tác phẩm ấy thực sự quá sức với tôi, quá khó nắm bắt và quá nam tính, ngoại trừ đoạn nổi tiếng viết về Molly Bloom. Bây giờ tôi cho rằng Ulysses là cuốn sách thú vị, rực rỡ, tinh vi và không bao giờ gây nhàm chán nhất mà tôi từng đọc. Bất cứ lúc nào cầm nó lên, đọc vài trang, tôi đều có cảm giác như vừa được thay một bộ óc mới. Còn nói đến chuyện ông ấy khiến người ta e dè, điều đó không tồn tại… ông ấy đơn giản ở một cõi khác, vượt xa tất cả chúng ta, như “quần đảo Azores xa xôi,” ông ấy hẳn sẽ ví von như vậy.
Philip Roth: Hãy quay lại với thế giới của Nora Barnacle, với cách mà thế giới hiện lên trong mắt những Nora Barnacle, những người ở lại Ireland và những người đi khỏi. Hầu hết các câu chuyện của chị có nhân vật trung tâm là một người phụ nữ, thường đơn độc, một mình vật lộn với cô đơn và lạc lõng, kiếm tìm tình yêu hoặc chùn bước trước những bất ngờ trên hành trình phiêu lưu trong thế giới giữa những người đàn ông. Chị viết về thế giới mà không bị chi phối bởi ý thức hệ, hay, cũng chẳng bận tâm đến việc nên đứng ở lập trường nào cho đúng, ít nhất là theo những gì tôi nhận thấy.
O' Brien: Lập trường đúng nhất chính là viết ra sự thật, viết những gì mình cảm nhận mà không bị chi phối bởi dư luận hay phe phái. Tôi tin một nghệ sĩ thì không bao giờ chọn phe vì toan tính hay vì phẫn uất. Các nghệ sĩ luôn luôn hoài nghi và chán ghét những lập trường cố định, bởi họ hiểu một khi đã buộc mình vào vị trí nào đó thì ngay tức khắc họ không còn là nghệ sĩ nữa, họ sẽ trở thành nhà báo hay chính trị gia. Điều tôi tìm kiếm là một chút phép mầu và tôi không muốn viết những bản tuyên ngôn, cũng không muốn đọc chúng. Tôi đã khắc họa những người phụ nữ trong cảnh cô đơn, tuyệt vọng, lắm khi bị sỉ nhục, thường xuyên trở thành trò cười của đàn ông, và gần như luôn đắm chìm trong hành trình tìm kiếm một sự giải tỏa cảm xúc mà rốt cuộc chẳng bao giờ đến. Đây là địa hạt của tôi và là nơi tôi thấu rõ bằng chính kinh nghiệm đắt giá của mình. Nếu hỏi tôi đâu là nút thắt sâu xa nhất trong nỗi tuyệt vọng của phụ nữ, thì tôi nghĩ thế này: trong thần thoại Hy Lạp về Oedipus và trong tâm phân học của Freud, ham muốn của đứa con trai dành cho mẹ được thừa nhận; song đứa con gái sơ sinh cũng ham muốn người mẹ, thế mà điều đó lại nằm ngoài ý nghĩ, dù trong thần thoại, trong tưởng tượng hay trong thực tế, rằng ham muốn ấy cũng có thể thành hiện thực.
Philip Roth: Tuy nhiên chị không thể không nhận ra những thay đổi trong nhận thức mà phong trào nữ quyền đã tạo ra.
O' Brien: Đúng vậy, một số thứ đã thay đổi theo hướng tích cực, phụ nữ không còn là tài sản, họ khẳng định quyền được kiếm tiền như đàn ông, được tôn trọng, không còn là “Giới thứ hai,” tuy nhiên trong chuyện tình cảm thì mọi thứ vẫn thế. Sự thu hút và tình yêu nhục dục không phải do nhận thức mà do bản năng cùng dục vọng, và ở điểm này, đàn ông và phụ nữ có sự khác biệt rõ rệt. Người đàn ông vẫn ở thế thượng phong. Điều này thuộc về yếu tố sinh học. Số phận của phụ nữ là tiếp nhận tinh trùng và giữ lại nó, còn của đàn ông là cho đi và khi cho đi, anh ta tiêu tốn bản thân rồi sau đó rút lui. Trong khi cô ta được nuôi dưỡng theo một nghĩa nào đó, thì anh ta bị vắt kiệt, và để phục hồi thì anh ta cần tạm thời đi khỏi. Kết quả là, người phụ nữ oán vì bị bỏ rơi, dù chỉ trong chốc lát, còn người đàn ông cảm thấy tội lỗi khi ra đi và, trên hết, kích hoạt bản năng tự vệ để tái tạo chính mình và khẳng định lại bản thân. Vì vậy sự gần gũi luôn luôn chỉ là tương đối. Một người đàn ông có thể giúp rửa bát hay làm vài việc khác, nhưng cam kết của anh ta lại mơ hồ hơn và ánh mắt thì thường ngó nghiêng.
Philip Roth: Chẳng lẽ không có phụ nữ phóng túng sao?
O' Brien: Đôi khi cũng có, nhưng nó không mang lại cho họ cảm giác thành tựu tương đương. Một người phụ nữ, tôi dám nói, có khả năng yêu sâu sắc và bền bỉ hơn. Tôi cũng có thể nói thêm rằng họ sợ bị bỏ lại hơn. Điều này chưa bao giờ thay đổi. Cứ thử bước vào căng-tin dành cho phụ nữ, quầy thời trang, tiệm làm tóc hay phòng gym, và anh sẽ thấy đầy rẫy nỗi bất an cùng sự ganh đua. Người ta hô hào nhiều khẩu hiệu nhưng rốt cuộc chúng cũng chỉ là khẩu hiệu mà thôi, và chính những gì ta cảm nhận cùng cách ta hành động mới định hình con người ta. Phụ nữ chưa bao giờ cảm thấy vững vàng hơn trong cảm xúc so với trước đây. Họ chỉ giỏi hơn trong việc chấp nhận và đối diện với nó. Cách duy nhất để thực sự an toàn là quay lưng với đàn ông, buông bỏ mọi ràng buộc, nhưng làm vậy chẳng khác nào chết đi một phần… ít nhất, với tôi là vậy.
Philip Roth: Tại sao chị lại viết nhiều về tình yêu đến vậy? Liệu đó có phải vì tầm quan trọng của chủ đề, hay vì khi trưởng thành, đi khỏi Ireland và chọn cuộc sống cô độc của một nhà văn, tình yêu nhục dục trở thành kinh nghiệm mãnh liệt nhất mà chị vẫn còn có thể chạm tới?
O' Brien: Trước hết, tôi nghĩ tình yêu đã thay thế tôn giáo trong cảm tri nhiệt thành của tôi. Khi bắt đầu tìm kiếm tình yêu trần tục (tức là tình dục), tôi cảm thấy như đang cắt đứt mối liên hệ với Chúa. Khi gắn với tôn giáo, tình dục trở nên hệ trọng một cách thái quá. Nó trở thành trọng tâm trong cuộc sống tôi, là mục tiêu. Tôi rất dễ bị cuốn vào kiểu người như Heathcliff, Mr. Rochester và đến giờ vẫn vậy. Sự hưng phấn tình dục gắn liền với nỗi đau và chia ly. Cuộc sống tình dục đối với tôi rất quan trọng và tôi nghĩ điều đó cũng đúng với mọi người. Nó chiếm nhiều thời gian, cả trong suy nghĩ lẫn hành động, và thường thì suy nghĩ chiếm ưu thế. Đối với tôi, trước hết, nó là điều bí ẩn và chứa đựng yếu tố huyền nhiệm cùng sự cưỡng đoạt. Cuộc sống hằng ngày và đời sống tình dục của tôi không hòa làm một… chúng tách biệt. Đó là một phần di sản Ireland của tôi!
Philip Roth: Đâu là điều khó khăn nhất khi vừa là một phụ nữ và vừa là một nhà văn? Chị có nghĩ rằng có những khó khăn khi viết với tư cách một phụ nữ mà tôi… một người đàn ông… sẽ không gặp phải không? Và liệu chị có nghĩ rằng tôi cũng có những khó khăn mà chị không gặp phải?
O' Brien: Tôi nghĩ việc là đàn ông hay phụ nữ thật khác nhau rất nhiều, thực sự rất khác. Tôi nghĩ, với tư cách là đàn ông, anh luôn luôn có sẵn một “đoàn tùy tùng” phụ nữ… những người vợ tiềm năng, tình nhân, cảm hứng sáng tạo, hay những người chăm sóc. Các nhà văn nữ thì không có đặc quyền ấy. Có rất nhiều ví dụ như chị em nhà Brontë, Jane Austen, Carson McCullers, Flannery O'Connor, Emily Dickinson, Marina Tsvetayeva. Tôi nghĩ chính Dashiell Hammett từng nói rằng ông không muốn sống với một người phụ nữ có nhiều vấn đề hơn mình. Tôi cũng nghĩ những tín hiệu mà đàn ông nhận được từ tôi làm họ thấy e ngại.
Philip Roth: Chị cần phải tìm một Leonard Woolf.
O' Brien: Tôi không muốn Leonard Woolf. Tôi muốn một sự kết hợp giữa Lord Byron và Leonard Woolf.
Philip Roth: Nhưng công việc này liệu có phải đối mặt với những khó khăn cơ bản giống nhau, bất kể giới tính không?
O' Brien: Dĩ nhiên rồi. Không khác nhau; anh, giống như tôi, đều đang cố gắng tạo ra điều gì đó từ hư vô và nỗi lo âu thì đều ở mức cực độ. Mô tả của Flaubert về căn phòng vang vọng những lời nguyền rủa và tiếng rên rỉ tuyệt vọng có thể là căn phòng của bất cứ nhà văn nào. Thế nhưng, tôi nghi ngờ việc chúng ta mong mỏi một cuộc sống khác, có điều gì đó thật kiên cường khi cứ tiếp tục chiến đấu một mình.
Thanh Nghi dịch
Philip Roth
Trò chuyện với Isaac Bashevis Singer về Bruno Schulz