Pavese: Bãi biển III, IV
Tiếp tục ở kia. Quyển nhật ký của Pavese, Nghề sống, sẽ được gửi cho các độc giả đặt kỳ Thu trong hai tuần nữa.
Bãi biển
- Cesare Pavese
Chúng tôi xuống tàu, nhìn ra xung quanh và, trong khi Doro, vốn quen biết tất cả mọi người, bước vào Khách sạn Ga, tôi nán lại trên quảng trường đơn độc - đơn độc tới nỗi tôi phải xem đồng hồ đeo tay, hy vọng đã là giữa trưa. Vì còn chưa đến chín giờ, tôi chăm chú săm soi đá lát đường mới và các ngôi nhà thấp với những chớp cửa sổ màu lục cùng ban công nở đầy hoa đậu và phong lữ. Villa hồi xưa từng là nhà của Doro nằm phía bên ngoài vùng, tại mỏm của một thung lũng mở ra trên bình nguyên. Chúng tôi từng qua một đêm ở đó trong chuyến dạo chơi lừng lẫy của mình, trong một căn phòng cũ phía trên các cánh cửa trang trí hoa, sáng ra thì để mặc giường bừa bãi và chẳng nhọc công làm việc gì khác ngoài đóng cửa sắt lại. Thậm chí tôi đã không có cả thời gian để đi vài bước trong khu vườn bao quanh. Doro sinh ra tại ngôi nhà ấy - bố mẹ anh sống ở đó cả năm và đã chết ở đó - và, lúc lấy vợ, anh đã bán nó đi. Tôi tò mò muốn xem mặt anh sẽ thế nào khi ở trước cái cửa sắt ấy.
Nhưng lúc chúng tôi ra khỏi khách sạn để đi dạo, Doro tiến về một phía khác hẳn. Chúng tôi băng ngang đường tàu và đi xuôi theo dòng sông. Hiển nhiên là chúng tôi đang tìm một chỗ có bóng mát, giống, tại thành phố, người ta tới quán cà phê.
- Tôi đã nghĩ là chúng ta sẽ đến villa, tôi lầm bầm. Không phải để làm việc đó mà chúng ta tới đây à?
Doro dừng bước, nhìn tôi chằm chằm.
- Anh nghĩ gì thế? Rằng tôi muốn làm một chuyến về nguồn à? Điều quan trọng là tôi có nó ở ngay trong máu và chẳng ai có thể cướp được nó đi khỏi tôi. Tôi ở đây là để uống một chút rượu vang của tôi và thêm một lần hát với ai đó tôi cũng không rõ. Tôi tự cho mình được có một quãng nghỉ, chỉ vậy thôi.
Tôi những muốn bảo anh: "Điều đó không đúng!", nhưng dẫu sao thì tôi cũng giữ im lặng. Tôi đá một viên sỏi và rút cái tẩu từ túi áo ra. "Anh biết rõ là tôi không biết hát", tôi rít lên qua kẽ răng. Doro nhún vai.
Buổi sáng và buổi chiều, chúng tôi bình thản lang thang, trèo lên rồi leo xuống dọc theo các triền gò đồi. Hẳn có thể nói rằng Doro cố tình chọn những lối đi nhỏ, chúng chẳng dẫn đến đâu mà chạy tới để chết đi trong sự rậm rạp cây cối trên một cái bãi, đâm vào một hàng giậu hoặc trước một cửa sắt khóa chặt. Chúng tôi cũng leo lên trở lại đầu con đường lớn cắt ngang thung lũng, vào quãng tối, chừng mặt trời, đã xuống thấp phía trên bình nguyên, đổ đầy xuống nó một lớp bụi mỏng và đám cây keo khởi sự run lên trong làn gió. Tôi cảm thấy mình sống lại và chính Doro cũng trở nên lắm lời hơn. Anh nhắc đến một nông dân nào đó, người, vào thời của ông ta, từng nổi tiếng vì ông ta đuổi các chị em gái - ông ta có nhiều chị em gái - khỏi nhà mình và sau đó đi tới các trang trại nơi họ nương náu, tỏ ra rất tức tối và đòi một bữa ăn dàn hòa. "Ai mà biết ông ta có còn sống hay không?" Doro nói. Ông ta sống tại một trang trại có thể nhìn thấy phía xa kia. Đó là một người bé nhỏ khô khan ít nói, mà tất cả mọi người e ngại, nhưng ở ông ta có một điều: ông ta không muốn lấy vợ vì, ông ta bảo, ông ta sẽ phiền lắm nếu cũng phải đuổi vợ mình đi. Một trong các chị em gái của ông ta đã trốn đi mất luôn, trước sự sung sướng của toàn vùng.
- Đấy là ai? tôi hỏi. Một người nhiều sức đại diện à?
- Không, mà là một người được sinh ra cho một điều hoàn toàn khác, một kẻ lệch pha, một trong những kẻ học để trở nên ma lanh vì bọn họ có một cuộc đời không khiến bọn họ thỏa mãn.
- Thế thì chắc ai cũng phải ma lanh thôi.
- Đúng.
- Rốt cuộc thì ông ta lấy vợ chứ?
- Anh nghĩ gì vậy! Ông ta đã giữ lại một trong các bà em, người khỏe mạnh nhất, để đẻ con cho ông ta và chăm lo ruộng nho. Và họ hạnh phúc. Có lẽ họ vẫn đang hạnh phúc.
Doro nói với vẻ nhạo báng và, vừa nói, anh vừa đưa mắt dõi theo ngọn đồi.
- Anh đã bao giờ kể chuyện này cho Clelia chưa?
Doro không đáp; anh có vẻ mặt của người đang nghĩ tới một chuyện khác.
- Clelia hẳn sẽ thích câu chuyện này lắm, tôi nói tiếp. Nhất là khi cô ấy không phải là em gái anh.
Nhưng, tôi chỉ nhận được một nụ cười đáp lại. Doro, những lúc nào anh muốn, mỉm cười như một thằng bé con. Anh dừng lại và đặt tay lên vai tôi.
- Tôi đã kể cho anh chưa nhỉ, một năm nọ tôi đã đưa Clelia đến đây? anh hỏi.
Tôi cũng dừng lại. Tôi không nói gì, chỉ đợi xem. Doro nói tiếp:
- Tôi cứ tưởng đã kể với anh rồi. Chính cô ấy đòi tôi làm vậy. Chúng tôi đã đi bằng xe ô tô, cùng vài người bạn. Hồi đó, chúng tôi đi chơi suốt.
Anh nhìn tôi và nhìn ngọn đồi phía sau lưng tôi. Anh dợm bước tiếp. Tôi cũng bắt đầu đi.
- Không, tôi thì thào, anh đã không kể chuyện ấy cho tôi. Đó là lúc nào?
- Cách đây còn chưa lâu, Doro đáp. Năm ngoái.
- Cô ấy đòi anh làm vậy à?
Doro gật đầu.
- Nhưng anh đã đánh mất quá nhiều thời gian, tôi nói. Lẽ ra anh phải đưa cô ấy đến đây từ trước đó. Tại sao năm nay anh lại để cô ấy lại ở bờ biển?
Nhưng Doro đã mỉm cười theo lối riêng của anh. Anh đưa mắt chỉ cho tôi cái triền dốc ngược của ngọn đồi cao nhất và không đáp lại. Chúng tôi leo lên, im lìm, chừng nào trời vẫn còn sáng và, lên tới phía trên cao, chúng tôi dừng chân để ngắm nhìn xuống bình nguyên, nơi dường chúng tôi thấy được trong vực thẳm đầy bụi mỏng cái vệt nhỏ bé sẫm màu của villa đã bị cấm cửa.
Khi trời đã tối, tại khách sạn, những khuôn mặt thân thiện bắt đầu xuất hiện. Có một bàn bi-a và người ta chơi. Những người cùng thời với Doro - các nhân viên cùng một phụ hồ lấm vôi đầy người - nhận ra anh và chào mừng anh. Sau đó có thêm một ông già, ông ta có một dây chuyền vàng ở áo gi-lê và bảo mình rất sung sướng được làm quen với tôi. Trong lúc Doro chơi và nói đùa, ông già kia gọi một tách cà phê pha với rượu grappa và, đầy vẻ tâm tình, cúi xuống cái bàn tròn guéridon, hỏi về các việc của Doro và kể cho tôi toàn bộ câu chuyện về villa, nó đã được một tay tên là Matteo mua khi nó chỉ là một vựa lúa, với tất tật đất vây xung quanh, và cái tay Matteo kia là một ông cố của Doro, nhưng, sau đó, ông của Doro đã khởi sự đầu cơ, bán đất đi theo từng khoảnh để xây ngôi nhà và, rốt cuộc, đã chỉ còn lại mỗi cái villa lớn ấy mà không có chút đất nào nữa, và ông ta đã tiên đoán điều đó với bạn của mình, tức là bố của Doro, rằng một ngày đẹp trời các con ông sẽ bán nốt nhà, bỏ mặc ông ở nghĩa địa như một tên ma cà bông. Ông ta nói một thứ tiếng Ý hồn hậu giặm đẫm thổ ngữ và, chẳng biết tại sao, tôi nảy ra cái ý rằng ông ta là chưởng khế. Rồi các chai rượu tới, và Doro đứng mà uống, dựa vào cây gậy bi-a của anh, nháy mắt với người này người kia. Đến một lúc, chỉ còn lại viên phụ hồ, tên Ginio, hai chúng tôi và một kẻ to béo, đeo cà vạt đỏ, mà Doro mới gặp lần đầu. Chúng tôi ra khỏi khách sạn để đi vài bước và ánh trăng soi đường cho chúng tôi. Dưới ánh trăng, tất tật chúng tôi trở nên giống tay thợ hồ mà những vệt vôi khiến cho ăn vận hệt Pierrot. Doro nói thổ ngữ với anh ta; tôi hiểu họ nhưng không thể nào thoải mái đáp lại được, điều này khiến chúng tôi cười rộ. Trăng phủ lên mọi thứ, cho đến tận các ngọn đồi lớn, bằng một làn hơi nước trong suốt chăng màn và xóa đi mọi kỷ niệm ban ngày. Sương khói của rượu vang mà chúng tôi đã uống làm nốt phần còn lại: tôi không còn tự hỏi Doro có thể có gì trong óc và cứ thế bước đi bên cạnh anh, ngạc nhiên và sung sướng vì chúng tôi đã tìm lại được bí mật của ngần ấy năm.
Tay phụ hồ dẫn chúng tôi tới bên dưới nhà anh ta. Anh ta bảo chúng tôi thật khẽ khàng để khỏi đánh thức đám phụ nữ cùng bố anh ta; để chúng tôi lại bên cạnh nhà trước những cái lỗ to tối sẫm của vựa lúa, trong dải bóng tối của một đống rơm, không lâu sau đó anh ta xuất hiện trở lại, chân trần, hai cái chai màu đen kẹp dưới nách, cười như một thằng đần. Chúng tôi lén lút đi ra đồng cỏ nằm sau nhà, dắt theo con chó, và chúng tôi ngồi xuống bên rìa một cái hố. Phải uống thẳng từ chai, điều này khiến tay thanh niên đeo cà vạt đỏ không thích, nhưng Ginio vừa cười vừa nói:
- Kẻ nào không uống là đồ chó, và tất tật chúng tôi uống.
- Ở đây hát được đấy, Ginio nói, hắng giọng. Anh ta cất tiếng solo và giọng anh ta đầy ngập thung lũng; con chó không muốn ở yên một chỗ nữa; những con chó khác đáp lại, từ khắp gần xa, và thế là, con chó của chúng tôi cũng khởi sự sủa. Doro cười, anh cười bằng giọng sung sướng thô thiển, và rồi anh uống thêm một ngụm và hòa giọng hát cùng Ginio. Khi có hai người, họ sớm làm lũ chó câm họng, ít nhất là đủ lâu để tôi nhận ra rằng bài hát của họ thật sầu muộn, với các đoạn nghỉ dài trên những nốt trầm nhất và lời thì êm dịu lạ thường đối với thứ thổ ngữ cứng cỏi đó. Lẽ dĩ nhiên, có thể trăng và rượu đã góp phần làm cho nó thành ra như vậy trong kỷ niệm của tôi. Nhưng điều mà tôi chắc chắn được, ấy là niềm vui, nỗi ngây dại đột nhiên mà tôi cảm thấy khi chìa tay ra lướt nhẹ qua vai Doro. Làm vậy, tôi thấy hụt hơi và, đột ngột, tôi thấy hết sức trìu mến anh vì sau ngần đó thời gian, chúng tôi lại được ở cùng nhau.
Người còn lại, tên là Biagio, chốc chốc lại hú lên một nốt, một câu, và rồi, lại cúi đầu xuống, anh ta tiếp tục với tôi một cuộc trò chuyện ngắt quãng. Tôi giải thích với anh ta là tôi không ở Genova và công việc của tôi phụ thuộc vào Nhà nước và vào một thứ bằng cấp cũ mà tôi đã thi qua hồi còn trẻ. Thế là, anh ta bảo mình muốn lấy vợ nhưng muốn cuộc hôn nhân của mình phải được thành công, và nữa, để nó thành công được, cần phải có sự may mắn của Doro, người, tại Genova, đã tìm được cả một người vợ lẫn một vị thế. Cái từ "vị thế" ấy làm tôi phát cáu và, mất kiên nhẫn, tôi nói rất sẵng: "Anh quen cô ấy à, vợ của Doro?... Thế thì, nếu không quen cô ấy, thì anh im đi."
Chính những khi đối xử với người khác như vậy tôi nhận ra là mình đã hơn ba mươi tuổi. Tôi nghĩ một hồi đến điều này, đêm hôm đó, trong lúc Doro cùng tay phụ hồ bắt đầu nhắc lại các kỷ niệm ở trung đoàn. Cái chai mà Ginio trắng toát dùng mu bàn tay chùi đi trước khi đưa sang cho tôi, tới chỗ tôi và cái ngụm mà tôi uống thật dài, nhằm hòa vào rượu những cảm giác mà tôi không thể hòa được vào tiếng hát.
- Vâng, thưa ông, xin thứ lỗi, Ginio vừa nhận lại cái chai vừa bảo tôi, nhưng nếu một năm khác anh quay lại đây, thì tôi đã lấy vợ rồi và chính tại nhà mình mà tôi sẽ mở một chai cho anh.
- Cậu vẫn để cho bố cậu đè đầu cưỡi cổ à? Doro hỏi.
- Không phải là tôi để cho mình bị đè đầu cưỡi cổ, mà là ông ấy cứ đè đầu cưỡi cổ tôi.
- Ba mươi năm nay ông ấy làm thế rồi. Ông ấy vẫn còn chưa gãy lưng à?
- Chắc ông ấy đập gãy lưng cậu ta thì còn dễ hơn, anh chàng đeo cà vạt nói, cười nức lên.
- Thế ông ấy nói gì về Orsolina? Ông ấy để cậu lấy cô ta chứ?
- Còn chưa biết được, Ginio đáp và, rút chân lên khỏi cái hố, anh ta nhảy vọt lên trên cỏ, trông giống một con lươn. Nếu ông ấy không để tôi lấy cô ấy, thì sẽ lại càng tốt hơn! anh ta gầm gừ, cách chúng tôi vài bước chân. Cái con người bé nhỏ trắng toát như một chủ hiệu bánh mì ấy, đang nhảy nhót và xưng hô thân mật với Doro, tôi nhớ tới anh ta mọi lần nào nhìn thấy trăng. Sau đó tôi làm cho Clelia cười rất dữ, những khi miêu tả anh ta với cô. Cô cưới với dáng vẻ ngây ra vốn hay thấy ở cô và nói: "Sao mà Doro trẻ con thế nhỉ. Anh ấy sẽ chẳng bao giờ thay đổi."
Nhưng tôi không kể cho Clelia đoạn tiếp theo. Ginio và Doro hát rống lên một bài mới và, lần này, cả bốn chúng tôi cùng gào, thành thử, từ trang trại, rốt cuộc một giọng nói điên giận gào lên bảo chúng tôi im đi. Trong sự im lìm đột ngột, Biagio hú lên một câu hỗn xược và, đầy khiêu khích, lại tiếp tục hát. Doro cũng đang khởi sự hát thì Ginio nhảy vọt dậy. "Không, anh ta ấp úng, ông ấy nhận ra tôi rồi. Bố tôi đấy." Nhưng cái tay Biagio trời đánh kia lờ tịt đi và Ginio cùng Doro phải nhảy xổ vào bịt miệng anh ta lại. Bước đi lảo đảo và liên tục trượt chân trên cỏ, chúng tôi chỉ vừa đi xa khỏi đó một chút thì Doro nảy ra một ý. "Các chị em nhà Murette! anh nói với Ginio. Ở đây thì không hát được, nhưng họ, hồi xưa, hay hát lắm. Đến nhà Rosa đi." Và hẳn anh đã đến thẳng đó không chờ đợi gì nữa, nhưng tay trẻ tuổi tóm lấy cánh tay tôi và thì thào, đầy hoang mang: "Phải cẩn thận! Trưởng cảnh binh ngủ ở đó đấy." Tôi không biết lắm mình phải làm gì, nhưng tôi bước lại gần Doro và khó khăn lắm mới túm được bắp tay anh. "Đừng trộn lộn rượu với đàn bà, tôi khẩn thiết hét lên với anh. Anh hãy nhớ rằng chúng ta là người có vị trí rồi."
Nhưng đúng lúc ấy Ginio vọt tới, đầy cả quyết, và anh ta công nhận ba cô gái bé nhỏ kia đã béo lên, nhưng chúng tôi không đến đó vì chuyện ấy, mà chỉ để hát cho thỏa thích, và ngay cả nếu giờ đây họ đã béo ị, thì cũng có sao đâu? phụ nữ thì phải tròn trĩnh chứ; và, vừa loay hoay kéo theo Doro, anh ta vừa nói: "Cậu sẽ thấy rằng Rosa còn nhớ..." Chúng tôi đang ở trên đường lớn, dưới ánh trăng, chộn rộn lên quanh Doro, đột nhiên anh trở nên thiếu kiên quyết.
Rosa chiến thắng, vì tay thanh niên cáu kỉnh đáp: "Vậy là cậu không hiểu rằng họ không muốn cậu vì người cậu lấm đầy vôi à?" và hắn phải lĩnh vào giữa mặt một cú táng, nó làm hắn văng ra cách ba bước chân và khạc nhổ xuống đất. Thế là, hắn lẩn đi như có phép thần thông và, tới một lúc, chúng tôi nghe thấy hắn hét lên trong sự im lặng của trăng:
- Cám ơn rất nhiều, ingegnere! Tôi sẽ kể cho bố của Ginio.
Doro và Ginio đã bắt đầu đi, và tôi cùng họ. Tôi không biết phải nói gì, bởi cả tôi cũng do dự. Nếu tôi thấy có gì tiếc nuối, thì đấy chỉ là chuyện tên khốn phụ hồ kia đánh bại tôi trong mắt của Doro trong những gì liên quan tới các kỷ niệm chung đáng nhớ, những kỷ niệm mà họ sôi nổi nhắc về trong lúc bước đi về phía xa. Họ nói năng xộc xệch, và thứ thổ ngữ cứng cỏi ấy là đủ để mang lại cho Doro hương vị chân thực của cuộc đời anh, của rượu, của da thịt và của niềm vui trong đó anh đã được sinh ra. Tôi có cảm giác mình là một kẻ xâm nhập lén lút, chẳng có khả năng gì. Cầm lấy cánh tay của Doro, tôi dấn về phía trước và thốt ra một tiếng càu nhàu. Xét cho cùng, trong người tôi cũng có cùng thứ rượu.
Điều mà chúng tôi làm bên dưới những cửa sổ kia thật láo lếu. Do nghi ngại việc cái tay Biagio đang núp vào một góc trên quảng trường nhỏ, tôi bảo Doro phải cẩn thận nhưng anh không nghe tôi. Thoạt tiên, Ginio là người, vừa cười với bộ dạng một thằng đần vừa đập vào cánh cửa nhỏ mọt ruỗng, được trăng chiếu sáng. Chúng tôi thì thào với nhau, đầy vui sướng và sốt ruột. Nhưng không ai đáp lại và các cửa sổ vẫn đóng chặt. Thế là Doro bèn ho, và rồi Ginio, nhặt những viên sỏi, ném lên phía trên cao, và rồi chúng tôi cãi nhau vì tôi bảo anh ta làm vỡ kính mất, và rốt cuộc, Doro, vứt bỏ mọi sự chừng mực, hú lên một tiếng kinh khiếp, đầy thú vật, nhiều ngân nga giống những tiếng hú mà đám người say xỉn ở nông thôn vẫn phát ra sau các loạt đồng ca của bọn họ. Tất tật những sự im lìm của trăng dường run rẩy cả lên. Nhiều con chó, ở phía xa, đáp lại chúng tôi, đầy điên giận, từ các sân trang trại nào có Chúa mới biết.
Những cánh cửa mở bật ra và những cửa sổ kêu lên ken két. Ginio cũng bắt đầu rống lên một cái gì đó như là bài hát lúc vừa nãy, nhưng, ngay lập tức, giọng của Doro, hòa vào với giọng của anh ta, át nó đi. Ai đó nói, từ phía bên kia quảng trường, một ngọn đèn sáng bừng lên ở cửa sổ; chúng tôi im bặt và, chúng tôi chỉ vừa có thời gian nghe một tràng chửi rủa và đe dọa thì tay phụ hồ đã lao người vào cánh cửa nhỏ, đạp và đấm liên hồi vào đó. Doro, tóm lấy vai tôi, kéo tôi vào dải bóng tối của ngôi nhà bên cạnh.
- Ta sẽ thấy họ có đổ bô vệ sinh lên đầu cậu ta không, anh thì thào, giọng khàn, vừa nói vừa cười. Tôi muốn thấy cậu ta ướt như chuột lột.
Một con chó sủa từ ngay gần, tôi bắt đầu không cảm thấy kiêu hãnh lắm nữa. Chúng tôi im: ngay cả Ginio, vốn dĩ đang dùng tay ôm lấy một trong hai bàn chân trần và nhảy tưng tưng trên lớp đá lát. Vì chúng tôi im lặng, các giọng nói vẳng xuống từ những cửa sổ hiếm hoi cũng im; ánh sáng biến mất; chỉ còn tiếp tục, thảng hoặc, các tiếng chó sủa. Chính vào lúc đó chúng tôi nghe thấy tiếng chớp cửa sổ thận trọng cọt kẹt.
Ginio nằm rạp xuống trong bóng tối, giữa chúng tôi.
- Bọn họ mở rồi, anh ta gào vào mặt chúng tôi. Tôi đẩy anh ta vì nhớ ra là người anh ta phủ đầy vôi.
- Nào, thò mặt ra đi, Doro sẵng giọng bảo anh ta.
Từ trong bóng tối, Ginio cất tiếng gọi, ngẩng mặt nhìn lên trên. Tôi cảm thấy dưới bàn tay mình cái cổ lạnh lẽo và sần sùi của anh ta.
- Chúng ta hát nào, anh ta nói với Doro.
Doro, không nghe anh ta nói, kín đáo huýt sáo giống những khi người ta gọi một con chó. Phía trên kia, người ta nói loạn xạ.
- Nào, Doro nói, thò mặt ra cho bọn họ thấy đi, và đẩy mạnh, khiến anh ta lao bắn ra chỗ có ánh trăng.
Ginio, lảo đảo bước ra dưới ánh trăng, vẫn cười và giơ cùi chỏ lên để tự bảo vệ trước một cú ném tưởng tượng. Ở cửa sổ, mọi sự im bặt. Một bên chân anh ta giẫm phải quần, suýt ngã. Anh ta bị vấp và ngồi xuống đất.
- Rosina, ô, Rosina! anh ta hét lên, miệng ngoạc ra tận mang tai, nhưng lại giảm âm lượng giọng nói đi. Cô có biết ai đây không?
Từ trên cao, vẳng xuống một tiếng cười cố kìm nén, nó ngừng lại ngay lập tức.
Ginio bắt đầu uốn éo như con lươn, lần này thì trên đất cứng. Đặt hai bàn tay chống ra đằng sau, anh ta liên tục quăng mình, nhờ làm vậy mà quay về phía dải bóng tối. Doro đã đứng dậy, sẵn sàng đá cho anh ta một cú. Nhưng, bằng một cú nhảy, Ginio nhanh nhẹn đứng dậy trở lại, và vừa nhảy, anh ta vừa hét:
- Doro đang ở đây, Doro ở Ca' Rosse, và anh ấy đã từ Genova tới gặp các cô đấy.
Dường như anh ta phát điên.
Phía trên kia, có xao động và tiếng lay cửa kính loảng xoảng; rồi một tiếng ồn sượng đục và nặng nề ở cánh cửa, nó mở ra, cắt đôi màu trắng ánh trăng đang đổ đầy lên nó. Ginio, bị đóng đinh tại chỗ ngay chính giữa điệu nhảy của anh ta, ở cách bậu cửa hai bước chân. Trên đó vừa xuất hiện một người đàn ông vận mỗi áo sơ mi, lực lưỡng.
Đúng vào lúc ấy, từ cuối quảng trường, một cái giọng the thé và đầy hỗn láo cất lên - giọng của tay Biagio kia - thành tiếng hú: "Marina, đừng mở, bọn họ đang say ngật ngưỡng đấy." Từ cửa sổ, vang đến những tiếng la hét và tiếng bước chân; tôi mơ hồ thoáng thấy các cánh tay huơ lên.
Nhưng, trên thềm nhà trước cửa, người đàn ông và Ginio đã tóm lấy nhau và vừa gầm gừ vừa vật lộn, dịch chuyển và thở phì phò như hai con chó dại. Người đàn ông kia mặc một cái quần dài màu đen sọc đỏ. Doro, đang nắm lấy vai tôi, đột nhiên thả tôi ra và nhảy vào hai cơ thể đang quấn lấy nhau. Xoay vòng vòng quanh họ và tìm cách luồn vào giữa, anh đá bừa phứa vài cú. Rồi, tách ra xa, anh đi đến bên dưới cửa sổ. "Cô là ai? Rosina hay Marina?" anh vừa hỏi vừa nhìn lên. Và, vì không có ai đáp lại: "Ai đấy? Rosina hay Marina?" anh hú lên, một chân đặt trên bậu cửa.
Thế là có tiếng loảng xoảng đinh tai vang lên, một cái gì đó vừa rơi xuống: một bình hoa, như sau đó người ta sẽ biết. Doro nhảy vội ra sau, vẫn không ngừng nhìn lên trên nơi, giờ đây, đang có ít nhất hai phụ nữ chộn rộn lên.
- Bọn em không cố tình đâu, một giọng nói chớt quớt cất lên, một giọng phụ nữ đang trong cơn giận dữ. Anh có bị đau không?
- Ai đang nói đấy? Doro rống lên.
- Marina đây, một giọng nói mềm hơn, nhiều khẩn khoản, đáp. Anh có bị đau không?
Thế là, tôi cũng đi khỏi bóng tối, để nói lời của mình. Ginio và người kia đã rời nhau và đi vòng vòng quanh nhau, giáng những cú đánh đầy điên giận, không ngớt gầm gừ. Nhưng ngay tức thì tay lính, bằng hai bước chân, quay lại chỗ cửa và, đẩy Doro ra, hất anh ra đằng sau. Phía trên cao, đám phụ nữ la hét.
Khắp xung quanh quảng trường nhỏ, các cửa sổ lại bắt đầu mở rộng, và những giọng nói bực bội cùng những giọng nói điên giận giao với nhau. Kẻ kia đã đóng cửa lại và nghe rõ tiếng ông ta vội vã cài cái then gỗ. Phía trên đầu chúng tôi, cả một loạt chửi rủa, phàn nàn tuôn ra, bị chế ngự dưới cái giọng rất nồng của người phụ nữ thứ nhất. Tôi nghe thấy - điều này làm tôi tỉnh rượu hoàn toàn - tên của Doro chạy từ cửa sổ này sang cửa sổ khác. Ginio lại bấn lên tấn công vào cánh cửa, vừa làm vậy vừa hét to, nhưng chẳng được gì. Từ các cửa sổ, băng ngang quảng trường, bắt đầu rơi ào ào lên chúng tôi những quả táo cùng những thứ nặng - hạt đào - và rồi, khi Doro đã tóm lấy Ginio và kéo anh ta theo, ở cửa sổ kia có một lóe sáng cùng một tiếng nổ lớn làm tất cả mọi người im bặt đi.
III
Buổi tối đầu tiên nơi chúng tôi cùng nhau đi dạo dọc bờ biển, tôi kể cho Clelia những gì mà tôi có thể kể từ chuyến đi của Doro, tức là gần như không có gì. Tuy nhiên, sự kệch cỡm của câu chuyện khiến cô mỉm cười, vẻ hờn dỗi.
- Mấy anh thật ích kỷ, cô nói. Còn tôi thì đã phải buồn chán ở đây. Tại sao các anh không dẫn tôi đi theo cùng?
Khi thấy chúng tôi tới, buổi chiều tiếp theo chuyến đi chơi kia, Clelia đã không hề tỏ ra ngạc nhiên. Đã hơn hai năm tôi không gặp cô. Chúng tôi thấy cô, tóc hạt dẻ và da rám nắng, mặc quần soóc, trên bậc tam cấp của villa. Cô chìa tay cho tôi, kèm một nụ cười đầy tự tin, và cặp mắt cô, bên dưới sự rám nắng, nét hơn và cứng rắn hơn so với trong quá khứ. Và cô đã ngay tắp lự khởi sự nói về những gì chúng tôi sẽ làm vào hôm sau. Cô trì hoãn, để mừng việc tôi đến, khoảnh khắc đi xuống bãi biển. Tôi vừa đùa vừa giao Doro cho cô, anh đang buồn ngủ, và để cho họ giải thích riêng với nhau. Buổi chiều tối đầu tiên ấy, tôi đi tìm một căn phòng và tìm được nó trên một ngõ nhỏ hẻo lánh, một căn phòng với cửa sổ nhìn ra một cây ô liu to lớn vặn vẹo mọc lên theo lối không thể giải thích ngay giữa đường. Về sau rất nhiều lần, những khi về nhà một mình, tôi tư lự ngắm nó, đến mức có lẽ đó là thứ mà giờ đây tôi thấy lại được rõ nhất từ cả mùa hè đó. Nhìn từ bên dưới, nó thật nhiều mấu và gầy guộc; nhưng từ phòng tôi, những lúc tôi đứng gần cửa sổ, ấy là một khối đặc điểm bạc của các lá nhỏ khô và co quắp. Nó mang lại cho tôi cảm tri rằng tôi đang ở nông thôn, tại một vùng nông thôn xa lạ, và thường tôi hít ngửi để xem nó có bốc mùi muối hay chăng. Tôi từng luôn luôn thấy lạ thường, cái chuyện, ở rìa ngoài cùng của một bờ biển, giữa đất và biển, lại mọc lên những cái cây cùng hoa và có thứ nước uống được. Có thể lên phòng tôi bằng một cầu thang bên ngoài bằng đá, dốc và nhiều góc cạnh. Bên dưới tôi, ở tầng trệt, trong khi tôi cạo râu và rửa ráy, đôi khi vang lên tiếng ồn ào của các giọng thiếu hòa hợp, mà người ta không hiểu được thật rõ, chúng vui tươi hay điên giận, và trong đó một số là giọng của phụ nữ. Đi xuống, tôi nhìn qua các chấn song cửa sổ, nhưng hoàng hôn nhấn những căn phòng sâu vào bóng tối. Mãi lúc tôi đã đi xa rồi thì một giọng mới chế ngự được các giọng khác, như là solo, một cái giọng trẻ trung và mạnh mẽ mà tôi không có khả năng đặt tên cho, nhưng nó thì tôi từng nghe thấy. Tự hỏi mình về điều này, tôi đã sắp quay ngược lại, thì chợt nảy ra cái ý rằng, rốt cuộc, chúng tôi là hàng xóm và người ta luôn luôn làm quen với một hàng xóm quá sớm.
- Doro đang ở trong rừng, Clelia nói, vào buổi tối nơi chúng tôi đi dọc bãi biển. Anh ấy vẽ biển. Vừa bước đi, cô vừa ngoái đầu ngắm biển: Nó xứng đáng được vẽ. Anh cũng nhìn đi chứ.
Chúng tôi nhìn biển, và rồi tôi bảo cô rằng tôi không hiểu tại sao cô lại buồn chán.
- Kể cho tôi thêm về cái người bé nhỏ dưới ánh trăng ấy đi, Clelia vừa cười vừa nói với tôi. Ông ta đã la hét như thế nào? Cả tôi nữa, đêm hôm trước, tôi cũng đã ngắm trăng.
- Có khả năng nó đã nhăn nhó. Cần phải có hơn bốn tên say rượu thì mới làm nó cười được.
- Các anh đã say à?
- Dĩ nhiên rồi.
- Sao mà trẻ con thế! Clelia nói.
Đối với hai chúng tôi, cái đêm có Ginio trở nên giống một thứ mật khẩu, và tôi chỉ cần ám chỉ đến cái tay bé nhỏ trắng toát cùng các nhảy nhót của anh ta là đủ để Clelia sướng rơn và trở nên vui vẻ. Nhưng khi tôi giải thích với cô, tối hôm đó, rằng Ginio không phải là một tên già hói đầu mà là một người trạc tuổi Doro, cô nhăn mặt vẻ hoang mang.
- Tại sao anh lại nói với tôi điều đó? Như thế, anh đã làm hỏng mọi chuyện. Đó là một nông dân?
- Thợ nề, nếu muốn chính xác.
Clelia thở dài.
- Xét cho cùng, tôi bảo cô, quê của Doro thì cô cũng đã thấy rồi. Cô có thể tự tưởng tượng ra anh ta. Nếu Doro sinh ra cách nhà anh ấy hai cánh cửa, thì vào giờ nay, có lẽ cô đã là vợ của Ginio.
- Khủng khiếp quá, Clelia mỉm cười.
Đêm hôm đó, sau khi chúng tôi đã ăn tối ngoài hàng hiên, trong lúc Doro hút thuốc chẳng nói năng gì, ngồi rũ ra trên cái ghế của anh, còn Clelia thì đã đi mặc quần áo cho buổi tối, những gì chúng tôi vừa nói một lúc trước đó từ chối đi ra khỏi tâm trí tôi. Chúng tôi đã nhắc tới một người tên là Guido, đồng nghiệp trạc tứ tuần của Doro và là người độc thân, mà tôi từng làm quen ở Genova và gặp lại trên bãi biển trong vòng giao du của Clelia - đó là một trong đám bạn của cô - và té ra chính là với ông ta mà, trong chuyến dạo chơi bằng ô tô kia, họ đã tới vùng quê của Doro. Clelia, bị thúc đẩy bởi một kỷ niệm ma mãnh đột nhiên, không đợi được mời thì đã kể lại toàn bộ câu chuyện chuyến đi ấy và, trong lúc nói, cô có vẻ đáp lại một câu hỏi mà tôi không đặt ra. Họ vừa quay về từ một chuyến dã ngoại ở vùng núi nào đó; Guido người bạn của họ đang cầm vô lăng và Doro đã nói: "Hai người có biết là chính ở vùng đồi kia tôi đã sinh ra cách đây ba mươi năm không?" Và thế là tất tật, Clelia là người đầu tiên, đã dồn ép Guido tới nỗi ông ta đồng ý đi tiếp đến đó. Đấy là một cơn điên, bởi cần phải báo về sự chậm trễ này cho cái xe đi sau họ, và nó không hề tới và họ đã đợi nó hơn một tiếng đồng hồ tại ngã tư; lúc rốt cuộc nó cũng tới, bóng tối đã dần buông, và thành thử, sau khi ăn tối chớp nhoáng ở làng, họ đã phải leo lên theo các con đường nhỏ bí hiểm chẳng hề có biển chỉ đường và băng ngang cả một đống đồi, và chừng họ lại ở trên con đường đi Genova, thì đã gần rạng đông. Doro lên ngồi cạnh Guido để nhận đường và không ai ngủ được. Một cơn điên đúng nghĩa.
Giờ đây khi Clelia không còn ở đó, tôi hỏi Doro họ đã làm lành với nhau chưa. Vừa nói, tôi vừa tự nhủ: "Cái mà họ cần hẳn là một đứa con", nhưng đó là dạng lời lẽ mà tôi chưa từng bao giờ dùng với Doro, nếu chẳng phải là để đùa. Và Doro đáp: "Để làm lành thì trước đó phải có chiến sự đã. Nhưng cho đến giờ anh đã thấy tôi gây chiến sự chưa?" Lúc này, tôi giữ im lặng. Clelia, mặc cho toàn bộ sự thân tình giữa chúng tôi, là một chủ đề mà chúng tôi, Doro và tôi, chưa bao giờ bàn tới. Tôi đã suýt bảo anh rằng người ta có hể gây chiến sự chẳng hạn bằng cách nhảy lên một đoàn tàu bỏ trốn, nhưng tôi do dự, và đúng lúc đó, Clelia gọi tôi.
- Tâm trạng Doro đang như thế nào? cô hỏi tôi qua cánh cửa mở hé phòng ngủ của cô.
- Tốt, tôi ấp úng, không bước vào.
- Anh chắc chứ?
Clelia đi ra ngưỡng cửa, vừa đi vừa chỉnh lại mái tóc. Cô đưa mắt tìm tôi trong bóng tối lờ mờ nơi tôi đang đứng.
- Thế nào kia, hai anh là bạn với nhau, thế mà anh không biết rằng, những khi nào Doro để mặc cho mọi chuyện xảy ra không đáp lại gì, thì có nghĩa là anh ấy đang bực dọc và cáu kỉnh à?
Khi ấy tôi bèn thử với cô:
- Hai người vẫn chưa làm lành với nhau à?
Clelia rút lui, không nói gì. Rồi cô xuất hiện trở lại, đã sẵn sàng, và nói:
- Tại sao anh không bật đèn?
Cô khoác tay tôi và cứ như thế chúng tôi băng ngang căn phòng trong bóng tối lờ mờ. Lúc chúng tôi sắp bước ra ngoài thềm sáng sủa, Clelia siết mạnh lấy cánh tay tôi và thì thầm: "Tôi tuyệt vọng lắm. Tôi những muốn Doro gặp anh thật nhiều, bởi các anh là bạn của nhau. Tôi biết rằng anh làm điều tốt cho anh ấy và anh ấy được khuây khỏa..."
Tôi thử dừng lại và thử nói.
- ... Không, Clelia hăng hái nói, chúng tôi đã không cãi nhau. Và anh ấy cũng không ghen. Và anh ấy cũng không ghét tôi. Chỉ có điều, anh ấy không còn giống như trước nữa. Chúng tôi không thể làm lành với nhau, vì chúng tôi chưa bao giờ cãi nhau. Anh hiểu chứ? Nhưng đừng nói gì nhé.
Đêm hôm ấy, bằng một con đường cứ rẽ liên tục và đông nhung nhúc những người tắm biển, rốt cuộc chúng tôi, với cái ô tô của Guido quen thuộc, tới một hộp đêm nằm rất cao phía trên biển. Có một dàn nhạc nhỏ và người ta nhảy. Nhưng sự dễ chịu của chốn đó chủ yếu nằm ở những cái bàn nhỏ với các ngọn đèn có chụp, đặt rải rác trong các hốc đá nhìn thẳng xuống biển. Một mùi hương của những thứ cây đậm vị và nở hoa hòa vào với gió từ ngoài khơi, và chừng cúi người xuống, người ta thoáng trông thấy ở bên dưới, bị thu nhỏ lại, các dãy đèn của bờ biển.
Tôi cố công được ở một mình với Clelia, nhưng không được. Ở đó khi thì có Doro, lúc lại là Guido và, thảng hoặc, một trong những người bạn gái của Clelia - những con người cô lẻ và bập bềnh, với họ người ta chẳng thể nào trò chuyện được vì họ chuyển từ điệu nhảy này sang điệu nhảy khác; về phần Clelia, lúc nào cô cũng bị xí cho điệu nhảy sắp tới. Rồi đến cái lúc nơi, trước sự ngây độn vui tươi của cô, tôi bảo cô: "Tôi cũng muốn nhảy" và, túm lấy cô, tôi dẫn cô ra bên dưới các cây thông, bên ngoài sàn dancing.
- Chúng ta ngồi xuống nhé, tôi nói, và cô sẽ giải thích cho tôi câu chuyện này.
Tôi thử hỏi tại sao cô không cãi nhau với Doro. Cần phải khơi ra một cuộc khủng hoảng, tôi bảo cô, giống người ta lắc một cái đồng hồ đeo tay nhằm làm cho nó chạy trở lại, và tôi từ chối tin vào việc một phụ nữ như cô lại không có khả năng, chỉ cần bằng cái tông mà cô trao cho giọng nói của mình, ép buộc phải thành thực một người đàn ông, người, xét cho cùng, hẳn sẽ vẫn lao mình vào những trò trẻ con.
- Nhưng Doro thành thực mà, Clelia nói. Thậm chí anh ấy đã kể cho tôi về bản serenade mà hai anh đã tặng cho Rosina. Hai người đã vui vẻ chứ?
Tôi nghĩ là mình đỏ lựng mặt lên, nhưng đấy là vì chưng hửng thì nhiều hơn vì bối rối.
- Và tôi cũng thành thực, Clelia mỉm cười nói tiếp. Cô lấy giọng ủ dột: Thậm chí Guido bạn tôi còn bảo khiếm khuyết của tôi là thành thực với tất cả mọi người và không trao cho ai ảo tưởng rằng tôi có một điều bí mật cho riêng mình anh ta. Tất tật các anh đều thật quyến rũ! Nhưng tôi được cấu tạo như thế đấy. Và chính vì vậy mà tôi đã yêu Doro...
Nói đến đó, cô ngừng lại và lén nhìn tôi: "Anh thấy là tôi không đứng đắn à?"
Tôi không đáp. Tôi thấy bực tức. Clelia giữ im lặng một lúc và rồi cô nói tiếp:
- Anh thấy là tôi đúng. Nhưng phải, tôi thiếu đứng đắn lắm. Tôi thiếu đứng đắn như Doro ấy. Chính vì thế mà chúng tôi yêu nhau.
- Vậy thì, làm lành với nhau đi, tôi bảo cô. Tất tật những chuyện này nghĩa là gì?
Thế là Clelia rên lên, theo cách thức con nít của cô.
- Ừ thì, cả anh cũng giống những người khác. Như vậy tức là anh không hiểu rằng chúng tôi không thể cãi nhau à? Chúng tôi yêu nhau. Nếu có thể căm ghét anh ấy giống tôi tự căm ghét bản thân, thì, phải, hẳn tôi đã làm anh ấy phải điêu đứng. Nhưng chẳng ai trong số hai chúng tôi xứng phải chịu điều đó. Anh hiểu chứ?
- Không.
Clelia câm lặng và chúng tôi lắng nghe tiếng sỏi lạo xạo, dàn nhạc ngừng chơi và ai đó hát.
- Guido bạn cô đã khuyên cô điều gì? tôi nói tiếp bằng cùng giọng với lúc trước.
Clelia nhún vai.
- Những lời khuyên vương lợi ích. Ông ấy đang tán tôi.
- Chẳng hạn: có một bí mật với Doro?
- Làm cho anh ấy ghen, Clelia đáp, vẻ ủ rũ. Đồ đần! Ông ta không hiểu được rằng Doro để mặc cho tôi làm gì thì làm và chịu đau đớn trong im lặng.
Lúc đó, một cô bạn nào đó trong nhóm tới tìm Clelia, cười to gọi cô: tôi còn lại một mình, ngồi trên băng ghế. Tôi cảm thấy khoái lạc hung hăng của mình, được ở tách biệt khỏi những người khác, biết rõ rằng, chỉ cách đó vài bước chân, bên ngoài bóng tối kia, đồng loại của tôi đang chộn rộn, cười và nhảy. Và các chủ đề cho suy nghĩ thì tôi không thiếu. Tôi châm tẩu và hút hết sạch. Rồi, nhúc nhích khỏi đó, tôi đi vơ vẩn giữa các bàn của khu dancing cho tới lúc gặp Doro.
- Ta đến quầy bar uống một cốc chứ? tôi hỏi anh.
- Chỉ để biết xem tôi phải cư xử như thế nào thôi, tôi bắt đầu nói khi chỉ còn lại chúng tôi, tôi có thể kể cho vợ anh rằng, để tránh phải nhận một trận đòn, sáng hôm sau chúng ta đã phải nhổ rễ khỏi đó, không?
Chúng tôi đang cười cùng nhau thì Doro đáp, thoáng cười khẩy:
- Có phải cô ấy hỏi anh như vậy không?
- Không, tôi mới là người hỏi.
- Nhưng xem kìa! Cứ kể cho ấy những gì mà anh muốn thôi.
- Như vậy tức là hai người đang không lạnh nhạt với nhau?
Doro nâng cốc của mình lên, tư lự nhìn tôi.
- Không, anh bình thản đáp.
- Vậy thì tại sao, tôi nói, cứ chốc chốc Clelia lại dùng cặp mắt hoảng sợ tìm anh, như một con chó? Cô ấy hoàn toàn có dáng vẻ của một phụ nữ bị đánh đập. Anh đã đánh cô ấy à?
Đúng lúc đó, giọng của Clelia, đang lướt đi trên sàn nhảy với một người đàn ông, hét lên với chúng tôi: "Bọn say rượu!" và chúng tôi nhìn thấy cô vẫy tay với chúng tôi. Doro đưa mắt dõi theo cô, ra dấu với cô rằng đúng thế, với vẻ đầy chú tâm, cho tới giây phút cô biến mất đằng sau lưng người nhảy cùng.
- Như anh thấy đấy, cô ấy sung sướng, anh hạ giọng nói. Tại sao tôi lại phải đánh cô ấy cơ chứ? Chúng tôi sống chung với nhau ổn thỏa hơn rất nhiều người khác. Cô ấy chưa bao giờ nói một lời thô thiển nào. Chúng tôi sống chung ổn thỏa kể cả ở những gì liên quan tới các trò giải trí và cái đó thì mới là điều khó hơn cả.
- Tôi biết, rằng cô ấy sống chung rất ổn thỏa với anh. Tôi ngắt ngang.
Doro không nói gì. Anh nhìn cái cốc của mình vẻ tức tối, anh nhìn nó, đầu cúi, cầm nó giơ ra cách một quãng, và rồi anh mau chóng uống cạn nó, hơi quay đầu đi giống những khi nào người ta hắng giọng ở chỗ đông người.
- Điều bất hạnh, anh nói bằng tông giọng mà người ta hay dùng để kết luận, trong lúc đi xa khỏi quầy bar, điều bất hạnh nằm ở chỗ người ta có quá nhiều tin tưởng. Người ta nói một số điều chỉ để làm người kia thấy sung sướng.
Clelia và Guido tiến lại gần chúng tôi, giữa những cái bàn.
- Anh đang nói cho tôi đấy à?
- Cho cả anh nữa, Doro lầm bầm.
IV
Tôi đã e ngại, khi đến bờ biển, sẽ phải quay những ngày đầy đặc những người xa lạ, phải bắt các bàn tay, phải cảm ơn và bước vào những cuộc trò chuyện với cái giá là một công việc theo dạng Sisyphe. Thay vì đó, bên ngoài các buổi tối đông người không thể tránh, Clelia và Doro sống trong một sự bình yên nhất định. Chẳng hạn, tối nào tôi cũng ăn tối tại villa và bạn bè họ mãi đêm mới đến. Bộ ba chúng tôi không thiếu sự thân tình và, dẫu ai cũng giấu đi đằng sau một vầng trán thanh thản những ý nghĩ lo lắng, chúng tôi nói nhiều chuyện thẳng thắn.
Cao Việt Dũng dịch
để chào Pavese