Patrick Modiano: Nữ vũ công
Cuốn sách mới nhất của Patrick Modiano (in vào mùa thu năm 2023) mang nhan đề La Danseuse (Nữ vũ công). Đó là một câu chuyện rất ngắn, nhưng ở đây dường như văn chương Modiano đã lấy lại được sức mạnh vốn dĩ của nó - một sức mạnh được duy trì rất lâu, nhất là hồi Modiano còn chưa thực sự nổi tiếng - nhưng suy yếu nhiều trong loạt tiểu thuyết in những năm gần đây, cụ thể là từ Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier.
Dưới đây là một đoạn trích từ Nữ vũ công, nó cho thấy không ít về cái mà ta có thể gọi là "modianesque".
Nữ vũ công
- Patrick Modiano
Vậy là từ mấy hôm nay đã quay trở lại với tôi, theo các mẩu nhỏ, những hình ảnh của một quãng cuộc đời tôi rất xa xôi. Cho đến lúc này, chúng bị một lớp băng phủ lên. Dẫu thế tôi vẫn có dự cảm mơ hồ, vào một số giây phút, rằng chuyện sẽ không kéo dài mãi. Đấy là định mệnh, việc rồi một ngày kia băng sẽ tan và những hình ảnh ấy xuất hiện trở lại, giống những người chết đuối nổi lên mặt nước sông Seine. Và tại sao điều đó lại xảy ra, ngày hôm nay, tại một thành phố đã thay đổi tới nỗi chẳng còn gợi cho tôi bất kỳ kỷ niệm nào nữa? Một thành phố xa lạ. Nó thật giống một công viên giải trí lớn hoặc khu "duty-free" của một sân bay. Rất nhiều người ngoài phố, như tôi chưa từng bao giờ thấy trước đó. Những người bộ hành bước đi theo các nhóm chừng một chục người, kéo những cái va li có bánh xe và phần lớn đeo ba lô. Từ đâu mà ra hàng trăm nghìn khách du lịch kia, người ta đâm tự hỏi hay là kể từ nay chỉ có họ lấp đầy các phố của Paris? Tôi đợi đèn đỏ để đi ngang qua đại lộ Raspail và một người đàn ông đang đứng trên vỉa hè đối diện. Ngay lập tức tôi nhận ra đấy là Verzini. Và tôi cảm thấy một nỗi khó ở đầy đột ngột, nỗi khó ở khi hiện diện một ai đó mà tôi tưởng đâu đã chết từ lâu.
Có lẽ đây là một cơn ác mộng. Hay một nhầm lẫn của tôi. Thế nhưng, tôi nhận ra khối tóc kia, vẫn rất cứng, không còn có màu đen nữa mà là màu trắng như tuyết, cùng khuôn mặt với những nét nặng nề.
Tôi chờ ông ta đi qua đại lộ. Lúc ông ta đến chỗ tôi, ở rìa vỉa hè, tôi quay sang ông ta.
- Ông là Serge Verzini phải không?
Ông ta nhìn tôi, cùng ánh mắt của xưa kia, vừa thấu suốt vừa cứng rắn.
- Không. Anh nhầm rồi.
Vẫn là cái giọng trầm ấy, mà tôi thấy dường hơi rè.
Ông ta đứng yên, nhìn chằm chằm vào mặt tôi.
- Đúng vậy đấy à? Chúng ta có quen nhau?
Tôi do dự không đáp lại ông ta ngay. Tôi phải nói với ông ta những cái tên và một cái năm cụ thể. Nhưng mọi điều rối tinh lên trong óc tôi. Tôi muốn để mặc ông ta lại đó, nhưng rốt cuộc tôi bảo ông ta:
- Phải, chúng ta từng biết nhau, từ hồi xửa xưa rồi.
Ông ta nhíu mày và ánh mắt rắn đanh lại.
- Nghĩa là gì thế: từ hồi xửa xưa?
Đột nhiên ông ta có vẻ đề phòng.
- Xin lỗi... tôi đã tưởng ông là Serge Verzini.
Giọng tôi cố tỏ ra bình thản, thậm chí tôi còn nhún vai.
Ông ta có vẻ suy nghĩ trong vòng vài giây. Và rồi:
- Anh muốn chúng ta uống với nhau một cốc không, ở đằng kia?
Và ông ta chỉ cho tôi quán cà phê nằm ở góc của đại lộ giao với phố Cherche-Midi.
*
Chúng tôi ngồi xuống bên một cái bàn, đối diện với nhau, trong gian phòng chỉ có chúng tôi, điều này khiến tôi thấy ngạc nhiên. Từ lâu rồi, các quán cà phê và quán ăn tại Paris đông đặc người. Trước phần lớn trong số chúng, thậm chí còn có những dòng người xếp hàng đợi.
Một quãng im lặng giữa chúng tôi. Ông ta có vẻ bối rối. Chắc hẳn, tôi phải là người lên tiếng trước.
- Ông vẫn điều hành Hộp Ảo Thuật chứ?
Một quán ăn nơi người ta tổ chức, vào thứ Bảy, một dạng "bữa tối-biểu diễn". Tiếp nối nhau, các tiết mục lạ thường, được diễn theo một nhịp điệu rất nhanh bởi những người biểu diễn không kém phần lạ thường. Nhưng chúng tôi hay tới đó những ngày trong tuần hơn và được yên tĩnh. Quán đó nằm trên một phố nhỏ, không xa cửa ô Champerret, nơi nữ vũ công và Pierre sống. Nhưng những cái đó thuộc vào một quá khứ xa xăm lắm rồi...
Ông ta nặn một nụ cười. Và ánh mắt ông ta đã dịu đi. Thậm chí tôi nghĩ giờ đây ông ta nhìn tôi với chút đồng cảm nhất định.
- Hộp Ảo Thuật? Không, cái tên đó không nhắc cho tôi điều gì. Nhưng từ hồi xưa hồi xưa, như anh nói, tôi từng biết một người tên là Serge Verzini. Có lẽ anh đã gặp tôi cùng ông ấy và lẫn lộn chúng tôi với nhau.
Người ta mang nước lựu ra cho chúng tôi. Ông ta uống một ngụm dài rồi chậm rãi đặt cái cốc xuống bàn.
- Tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng cái tay Verzini ấy. Nhớ được mỗi tên thôi.
Tôi quan sát khuôn mặt ông ta. Tôi thấy dường nó bớt cục cằn hơn so với khuôn mặt vốn dĩ của ông ta vào cái thời tôi từng quen. Hai má đã hõm vào, mũi thì mảnh đi, cặp mắt có vẻ nhỏ hơn và cắm sâu hơn vào hốc, trán thì rộng hơn dưới mái tóc bạc.
- Xin lỗi, ông ta nói với tôi, tôi không nhớ được tí chút nào về anh.
- Thế thì, có lẽ ông còn nhớ người phụ nữ mà chúng ta hay gọi là nữ vũ công và con trai cô ấy, thằng bé Pierre?
- Không hề.
Tôi có cảm giác ông ta đang né tránh những câu hỏi của tôi. Tôi muốn hét vào mặt ông ta những cái tên khác và dồn ông ta đến cùng, nhưng đã trôi qua gần nửa thế kỷ và vậy là đủ để quên đi mọi điều. Và thậm chí để trở thành một người khác tại một thành phố nơi ta không còn tìm lại được các dấu vết xưa kia của mình nữa.
Đằng sau ô kính cửa sổ, tôi nhìn các nhóm khách du lịch quen thuộc từ vài tháng nay đi ngang qua, đeo ba lô và kéo va li có bánh xe. Phần lớn mặc quần soóc, áo T-shirt và đội mũ cát két vải bạt có lưỡi trai. Không ai trong số bọn họ bước vào quán cà phê nơi chúng tôi đang ngồi, như thể cái quán vẫn còn thuộc về một thời khác, cái thời giúp nó tránh thoát được đám đông đó. Từ hai phía của đại lộ, tất tật tiến về phía Sèvres-Babylone, theo những hàng sát cánh nhau.
Ông ta đã đặt bàn tay trái áp lòng xuống mặt bàn và tôi nhận thấy nơi ngón trỏ của ông ta một cái nhẫn, trên mặt đá của nó khắc hai chữ viết tắt SV, chính xác là cái nhẫn mà Verzini hay đeo vào lúc tôi quen biết ông ta.
Rốt cuộc tôi chỉ vào cái nhẫn, nói với ông ta:
- Vẫn là cùng những chữ viết tắt ấy?
- Nhất định là, người ta chẳng thể giấu anh điều gì.
Ông ta nhún vai. Rồi ông ta rút từ túi trong cái áo veste của mình ra một quyển sổ agenda nhỏ bìa da, xé lấy một trang. Trên đó, ông ta viết gì đó bằng cái bút tí hon đi cùng quyển sổ.
- Nếu anh muốn gặp lại tôi, thì tôi cho anh địa chỉ của tôi, số điện thoại di động và cả số cố định luôn.
Ông ta chìa cho tôi tờ giấy trên đó viết:
06.580.015.283
Số cố định: Opéra 81.60
9, rue Godot-de-Mauroy (quận 9)
- Tốt nhất là gọi vào số cố định cho tôi nhé.
Bên ngoài, chúng tôi bị dòng sóng khách du lịch xô đẩy. Họ tiến lên thành những nhóm dày đặc và chặn đường chúng tôi lại.
- Có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ nói tiếp câu chuyện. Toàn bộ những cái đó đã xa quá rồi... Nhưng dẫu sao tôi cũng sẽ thử nhớ lại...
Ông ta vừa kịp giơ tay chào tôi thì bị kéo đi và mất hút vào đội quân tháo chạy đang chất ứ lấy đại lộ kia.
Đôi khi người ta tìm lại được trong các giấc mơ ánh sáng của quãng thời gian ấy, đúng như nó từng, vào một số khoảnh khắc cụ thể trong ngày.
Nữ vũ công đến, vào buổi sáng, lúc bảy giờ bốn mươi lăm phút, ga Bắc. Sau đó đi tàu điện ngầm tới quảng trường Clichy. Tòa nhà của studio rất xập xệ. Ở tầng trệt, có khoảng một chục cây đàn piano đồ cũ, để lộn xộn như trong một nhà kho. Trên tầng, một dạng căng tin với một quầy bar cùng các studio múa. Cô học với Boris Kniaseff, một người Nga được người ta coi là một trong những ông thầy giỏi nhất... Một mùi đặc biệt của gỗ cũ, oải hương và mồ hôi. Cô ở bên các vũ công thuộc đủ mọi loại: các vũ công của Opéra hoặc của music-hall, Jean-Pierre Bonnefous, Marpessa Dawn... những người khác nữa mà tôi đã quên tên.
Những khi nào học chiều, cô đi ra vào quãng bảy giờ tối. Tại sao studio Wacker lại được nối chặt vào với những tháng mùa thu và chớm đông, sáng sớm vào lúc trời vẫn còn tối, và cuối buổi chiều lúc bóng tối đã buông?
Vào những giờ ấy, ta có cảm giác mình tan ra trong thành phố. Ta bước đi và ta chỉ là một hạt bụi giữa các hạt bụi những phố. Rất sớm, cô không còn cần đi chuyến tàu buổi tối, tại ga Bắc, để về một ngoại ô xa xôi. Căn phòng mà cô thuê ở phố Coustou nằm ngay gần studio Wacker. Chỉ cần đi dọc mặt tiền của trường trung học Jules-Ferry rồi đi theo đại lộ cho đến quảng trường Blanche. Ngay cả vào đầu mùa đông, cũng có một sự êm dịu nhất định trong không khí. Và chừng trời lạnh, các ánh đèn trên đại lộ còn mạnh mẽ và thân thiện hơn. Trên dải đất trống dãy lán trại hội chợ mọc lên và nằm đó cho tới trước Giáng sinh. Và các thuật ngữ múa quay trở lại trong ký ức tôi, mà ngày hôm nay tôi không thể nào nói được nghĩa chính xác nữa.
Huỳnh Bất Thức dịch