Những người châu Âu
Felix Young đi Mỹ có một đối xứng: Roderick Hudson sang châu Âu. Trong thế giới tiểu thuyết của Henry James, đây là một trong những đối xứng dễ thấy hơn cả, như thể James cần tìm được cho mình một sự cân bằng giữa hai chiều: vả lại, nếu không, sẽ có quá nhiều nhân vật từ Mỹ sang châu Âu. Roderick Hudson là điêu khắc gia, sau khi rất dễ dàng tạo ra những tác phẩm đầu tiên không ai biết tới thì, sang đến châu Âu, trở nên rối trí và thấy nặn tượng là công việc khó. Felix Young thì vẽ - chủ yếu là ký họa - không ngơi tay. Và cả hai đều là người đi cùng: Roderick đi theo một người khác, một dạng nhà bảo trợ nghệ thuật, người hứa hẹn cho anh một tương lai xán lạn, còn Felix đi cùng chị gái, Eugenia, một phụ nữ ba mươi ba tuổi, hết sức hấp dẫn chính vì không hề là một phụ nữ đẹp (tất nhiên, Eugenia có đối xứng của riêng mình: đó là Isabel Archer, trong Vẽ một phụ nữ, cô gái trẻ từ Mỹ đi sang châu Âu).
Dẫu tiểu thuyết của Henry James không bao giờ quá mức u tối (tất nhiên cần trừ ra các truyện ma: trong địa hạt ấy, James cũng có một vị trí khổng lồ, nhân vật của một trong những bước ngoặt quan trọng hơn cả của lịch sử truyện ma - nói cho đúng, truyện ma của James cũng không thực sự tối tăm: đọc truyện ma của James, người ta sợ vì đoán, chứ không phải vì thấy, vì gần như không thấy gì; chẳng hạn, đến đúng câu cuối cùng của The Turn of the Screw độc giả mới biết chuyện trầm trọng đến thế - nhưng về các truyện ma thì tốt nhất là không nói quá nhiều, vì rất dễ rơi vào spoiler, với các nhóm và cộng đồng người đọc ngày nay, đấy là cả một tội ác; cũng phải nói rằng các cộng đồng đọc hiện nay ngày càng giống những thẩm phán), Những người châu Âu vẫn đặc biệt sunny. Đông chuyển sang xuân rồi chuyển luôn sang hè, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, ở đoạn đầu của Những người châu Âu, tại Boston và vùng lân cận. Tất nhiên, độc giả của James biết Boston có vị trí như thế nào: chỉ cần nghĩ đến The Bostonians.
Những người châu Âu của Henry James (chị em Eugenia và Felix) không mấy kinh ngạc trước cuộc sống ở Mỹ; nếu có kinh ngạc thật thì họ cũng sẽ không tỏ ra: dễ kinh ngạc hiếm khi là phẩm chất của những người châu Âu, nhất là khi đó lại là một nghệ sĩ (Felix Young được miêu tả: “Năng lực vui của anh quá lớn, quá nồng nhiệt theo lối ngoài ý thức, đến mức có thể nói rằng nó luôn luôn đến trước sự bối rối và muộn phiền. Bản tính anh vui vẻ bẩm sinh, và sự mới lạ và sự thay đổi tự chúng với anh đã là niềm vui. Mà thay đổi và cái mới đến với anh rất thường xuyên, thành thử cuộc sống của anh dễ chịu hơn nhiều bề ngoài. Chưa từng có một bản tính nào may mắn hoàn hảo đến thế.” (Những người châu Âu, Phan Lương dịch, Khác & NXB Hội Nhà văn, tr.72) - một miêu tả rất nhiều tính chất Henry James) và một phụ nữ có tước hiệu quý tộc (một “Nữ Nam tước”). Vả lại, đến Mỹ, đối với họ, là để gặp họ hàng; một câu chuyện trong gia đình - en famille, như hẳn họ sẽ nói. Eugenia Young thấy gần như mọi thứ đều affreux nhưng luôn miệng khen ngợi.
Khi những người châu Âu nói chuyện với những người Mỹ (dẫu có là họ hàng), thì sẽ thế nào? Đoạn dưới đây giữa ông cậu và cô cháu gái cũng rất nhiều tính cách Henry James:
"“Ngôi nhà này rất xưa rồi,” ông Wentworth nhận xét. “Tướng Washington từng ở đây một tuần.”
“Ồ, cháu có nghe nói về ông Washington,” Nữ Nam tước kêu lên. “Cha cháu từng kể cháu nghe về ông ấy.”
Ông Wentworth im lặng một thoáng, và rồi, “Có vẻ ông ấy rất nổi tiếng ở châu Âu.”" (Những người châu Âu, tr.51)
Nếu sống vào một thời muộn hơn, Henry James hoàn toàn có thể trở thành biên kịch hoặc người chuyên viết đối thoại hết sức thành công ở Hollywood. (thêm một chi tiết: “ngôi nhà rất xưa” kia đã có được tám mươi năm)
Những người Mỹ có thể gây phấn khích (cho Felix Young, chẳng hạn), tạo sự khinh miệt (như cho Eugenia Young), nhưng không đặt ra bí ẩn: điều này rất khác so với khi Christopher Newman tiếp xúc với một gia đình Pháp tại Paris, trong Một người Mỹ. Người em út trong gia đình ấy, Valentin, có hé lộ cho Newman biết nhiều điều thì toàn thể đối với Newman vẫn vĩnh viễn có những điểm không thể hiểu nổi và không thể dò thấu.
Reference của những người châu Âu muốn tỏ ra mình biết về nước Mỹ là tướng Washington, như ở trên đã thấy; ngược lại, reference về châu Âu đối với một phụ nữ Mỹ trẻ tuổi như Gertrude Wentworth là gì? Đây là câu trả lời của James: “Nàng chưa từng biết điều gì thú vị như thế kể từ lần đọc Nicholas Nickleby” (Những người châu Âu, tr.93). Một cô gái Mỹ đọc Charles Dickens để tự tạo cho mình huyễn tưởng về châu Âu, về London.
Những người châu Âu sẽ có một thời gian sống ngay gần những người Mỹ, tận hưởng hospitality thôn quê Mỹ: hai bên ở cách nhau chỉ một con đường. Hai bản tính khác nhau (dường như trong Những người châu Âu, James đặc biệt đơn giản trong dẫn dắt câu chuyện) dẫn tới những kết quả khác nhau: sự nông nổi của Felix khiến anh thực sự hiểu được những người họ hàng, trong khi Eugenia, một sophisticated lady đúng nghĩa, lại như thể không cách nào xâm nhập sự đơn giản. Eugenia Young bị hố nặng ở lần gặp Bà Acton, một scène đặt tính nữ ngây thơ Mỹ đối mặt với tính nữ châu Âu lắt léo và tinh vi.
Những người châu Âu có một đặc điểm khiến nó khác phần lớn những cuốn tiểu thuyết Henry James khác: tuy Eugenia có vẻ xôi hỏng bỏng không - nhưng xét cho cùng ta không bao giờ chắc được về ý định của cô; vả lại cô vẫn ở trong một cuộc hôn nhân, cho dù là “quý tiện”, với bên đối tác là cả một gia đình Prince tại châu Âu - nhưng Felix Young thì không như vậy. Tức là, rất hiếm khi, ta thấy cuối một cuốn tiểu thuyết của James có đám cưới, thậm chí không chỉ một đám cưới. Đọc Washington Square, ta chỉ mong Catherine Sloper lấy được chồng: xét cho cùng, người phữ nào cũng xứng đáng có một người chồng; thế nhưng Catherine đã rất bất hạnh.
Henry James thích nói về hôn nhân (thêm nữa, vào thời của James, đấy là một chuyện tuyệt đối quan trọng), nhưng lại cũng rất thích gây khó dễ cho các cuộc hôn nhân: những nhân vật của ông hiếm khi được suôn sẻ trong việc đó. Irony nằm ở chỗ, cả đời mình Henry James sống độc thân.
Dường như phải mãi về sau người ta mới lờ mờ phát hiện được khuynh hướng tình dục của James. Nhưng ngay cả ở chuyện này, cũng không nên sa vào spoiler.
Nhân “James đến”: tức là văn chương Henry James thực sự xuất hiện ở Việt Nam (trong tiếng Việt), ta có thể xem hiện diện của James như thế nào, trong lịch sử. Đấy là một hiện diện rất mờ, một sự gần như vắng mặt.
Điều kỳ lạ là ba nhân vật mà chúng ta đang đặc biệt quan tâm, vào lúc này: Herman Melville, Henry James và cả Gertrude Stein, từng được dịch cùng một lúc, trong một bộ sách.
Bộ sách ấy là Đoản thiên Mỹ, gồm hai tập (to), in năm 1963 và 1964 ở Sài Gòn. Đây là sản phẩm của “Trung-tâm Nghiên-cứu Việt-Nam”, mà ta có thể hiểu là một cơ quan có mục đích tuyên truyền cho văn hóa và văn chương Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa. Bộ sách được thực hiện theo tác phẩm gốc của Blackmur: ngày nay người ta không còn mấy biết đến Blackmur nữa, nhưng đó từng là một giáo sư văn chương nổi tiếng, một trong những ông thầy của George Steiner.
Billy Budd của Melville và “Melanctha” của Stein xuất hiện trong tập đầu của bộ Đoản thiên Mỹ.
Trong tiếng Việt, còn có một bản dịch Billy Budd khác, mang tên Nếp sống hải hồ, nhưng đây là một bản rút gọn. “Melanctha” là một trong ba (và là truyện nằm giữa) truyện thuộc Three Lives của Gertrude Stein.
Trong tập thứ nhất của Đoản thiên Mỹ, ngoài Billy Budd và “Melanctha” còn có tác phẩm của Elinor Wylie và Mark Twain.
Washington Square (nhan đề được dịch là Công-trường Hoa-Thạnh-Đốn) nằm ở tập thứ hai của bộ Đoản thiên Mỹ, cùng tác phẩm của William Carlos Williams và của Stephen Crane.
Cách trình bày của bộ sách khiến ta không thực sự biết chính xác ai dịch tác phẩm nào, dẫu có biết tên những người tham gia làm ra bộ sách.
Đó là các dấu vết tuy mờ nhưng chẳng phải là không có ý nghĩa trong sự tìm kiếm lịch sử và dấu vết của những cuốn sách.
Cao Việt Dũng