favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Xuân 2025
Next

Nghĩ chiến tranh, phần 1: Simone Weil

10/05/2025 07:32

Hiện tại, đã có thể theo dõi các chủ đề Văn Bản một cách hệ thống hơn: mỗi kỳ, chúng ta sẽ duy trì một nhật ký đọc (kỳ Đông 2024 và Xuân 2025). "Nghĩ chiến tranh" sẽ là một chủ đề dài, liên quan mật thiết với các suy nghĩ về sự trỗi dậy của con người nhân quần cùng nghệ thuật, tự do và lao động

Chiến tranh và cách mạng đặt ra một vấn đề lớn, thiết thân đối với thế hệ Simone Weil. Weil nhìn vào chiến tranh và thấy ở đó biểu hiện trần trụi và gay gắt nhất của các mâu thuẫn xã hội cùng rối loạn tinh thần, một cỗ máy khổng lồ không ngừng nuốt chửng con người, trong khi chẳng ai biết tay điều khiển nó nằm ở đâu, hay liệu có khả thể nào thay thế nó. Tình cảnh ấy được đọc trong một lịch sử dài của các hình thức nô lệ tinh thần và các nỗ lực đấu tranh chống lại nó - nối với Cách mạng Pháp, Cách mạng Nga, lịch sử Đế chế La Mã cùng toàn bộ văn minh châu Âu. 

Về hai tờ báo mà Simone Weil viết dưới đây: Tờ La Critique sociale là một tạp chí lý luận Marxist phi Stalinist, thành lập vào tháng 3 năm 1931. Georges Bataille, Raymond Queneau, Michel Leiris,... cũng viết cho tờ này.  Tờ Vigilance là cơ quan ngôn luận của Comité de vigilance des intellectuels antifascistes (CVIA) - thành lập vào tháng 3 năm 1934, sau các cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 2 năm 1934 do các liên đoàn cực hữu tổ chức, là một diễn đàn quan trọng của Mặt trận Bình dân (1936-1938) và tạo ra một truyền thống chính trị chống phát xít lâu dài, góp phần vào phong trào Kháng chiến Pháp.

 

Nghĩ chiến tranh (1933)

Bối cảnh hiện tại và tình trạng tinh thần mà nó khơi lên một lần nữa đưa vấn đề chiến tranh trở lại tầm quan trọng hàng đầu. Người ta đang sống trong trạng thái chờ đợi chiến tranh thường trực; mối nguy có thể là tưởng tượng, nhưng cảm giác về nguy hiểm thì thật, và chính nó tạo thành một yếu tố không thể xem nhẹ. Tuy vậy, hoàn toàn không thấy phản ứng nào ngoài hoảng loạn - không phải là sự hoảng loạn của lòng can đảm trước mối đe dọa của thảm sát, mà là sự hoảng loạn của tinh thần trước những vấn đề mà nó đặt ra. Không nơi nào sự rối loạn lại hiện rõ hơn trong phong trào công nhân. Nếu không thực hiện một nỗ lực phân tích nghiêm túc, có nguy cơ rằng một ngày nào đó - dù gần hay xa - chiến tranh sẽ ập đến khi ta đang bất lực, không chỉ trong hành động mà cả trong đánh giá. Và trước hết, cần phải làm một bản kiểm kê những truyền thống mà cho đến nay chúng ta vẫn sống, dù với ít hay nhiều ý thức.

Cho đến sau cuộc đại chiến vừa qua, phong trào cách mạng - ở các hình thức khác nhau của nó - chưa bao giờ có điểm chung nào với chủ nghĩa hòa bình. Các ý cách mạng về chiến tranh và hòa bình luôn được nuôi dưỡng từ ký ức về những năm 1792-93-94: cái nôi của toàn bộ chuyển động cách mạng thế kỷ XIX. Cuộc chiến năm 1792, trái ngược hoàn toàn với sự thật lịch sử, đã được hình dung như một cuộc khởi nghĩa chiến thắng, vừa chống lại các bạo chúa ngoại bang, vừa lật đổ sự thống trị của triều đình và bourgeois lớn để đưa đại diện của quần chúng lao động lên nắm quyền. Từ ký ức nhiều huyền thoại này - được lưu truyền qua lời ca La Marseillaise - đã nảy sinh quan niệm chiến tranh cách mạng, cả phòng thủ lẫn tấn công, không chỉ như là một hình thức đấu tranh mà còn là một trong những hình thức vinh quang nhất của cuộc đấu tranh của tầng lớp lao động chống lại kẻ áp bức. Đó là quan niệm được chia sẻ bởi tất cả người Marxist và hầu như mọi nhà cách mạng cho đến khoảng mười lăm năm gần đây. Ngược lại, trong việc đánh giá các cuộc chiến tranh khác, truyền thống xã hội chủ nghĩa không đưa ra một khái niệm nhất quán, mà là nhiều khái niệm mâu thuẫn với nhau - và những khái niệm này lại chưa bao giờ được đặt trong đối lập rõ ràng với nhau.

Ở nửa đầu thế kỷ XIX, chiến tranh tự thân nó dường như vẫn mang một sự uy nghi nhất định trong mắt những người cách mạng. Tại Pháp chẳng hạn, họ đã mạnh mẽ chỉ trích chính sách hòa bình của Louis-Philippe; Proudhon vào thời điểm đó đã viết một bài ca ngợi chiến tranh hùng hồn; và người ta mơ đến những cuộc chiến tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức cũng nhiều chẳng kém những cuộc khởi nghĩa. Cuộc chiến năm 1870 là lần đầu tiên buộc các tổ chức vô sản - cụ thể là Quốc tế Cộng sản - phải có một lập trường cụ thể về vấn đề chiến tranh; và Quốc tế, dưới ngòi bút của Marx, đã kêu gọi công nhân của cả hai nước tham chiến chống lại mọi mưu toan xâm lược, đồng thời phải tích cực tham gia vào việc bảo vệ tổ quốc mình trước sự tấn công của kẻ thù.

Chính nhân danh một quan niệm khác hẳn mà Engels, vào năm 1892, khi nhắc lại hùng hồn những ký ức về cuộc chiến nổ ra một trăm năm trước đó, đã kêu gọi những người xã hội dân chủ Đức dốc toàn lực vào một cuộc chiến mà nước Đức sẽ phải đối đầu với liên minh Pháp - Nga. Lúc này, vấn đề không còn là tấn công hay phòng thủ mà là bảo vệ - dù bằng thế thủ hay công - quốc gia nơi phong trào công nhân đang mạnh mẽ nhất, đồng thời đè bẹp quốc gia phản động nhất. Nói cách khác, theo quan niệm này - cũng được Plekhanov, Mehring và những người khác chia sẻ - để đánh giá một cuộc xung đột, cần phải xem xét kết cục nào sẽ có lợi nhất cho giai cấp vô sản quốc tế và từ đó xác định lập trường tương ứng.

Đối lập trực tiếp với quan niệm đó là một quan niệm khác - quan niệm của những người Bolshevik và của nhóm Spartacus - theo đó, trong mọi cuộc chiến (trừ các cuộc chiến tranh dân tộc hoặc cách mạng theo quan điểm của Lenin và các cuộc chiến tranh cách mạng theo quan điểm của Rosa Luxembourg), giai cấp vô sản phải muốn chính đất nước mình bị đánh bại và phải phá hoại nỗ lực chiến tranh của nước mình. Quan niệm này, dựa trên ý rằng mọi cuộc chiến - trừ các ngoại lệ nêu trên - đều là chiến tranh đế quốc, và vì vậy có thể được so sánh với cuộc tranh chấp giữa những tên cướp giành giật chiến lợi phẩm, không phải là không gặp phải những khó khăn nghiêm trọng. Bởi lẽ, nó dường như làm tan vỡ sự thống nhất hành động của giai cấp vô sản quốc tế khi buộc công nhân mỗi nước phải thúc đẩy thất bại của chính quốc gia mình, và qua đó thực chất lại thúc đẩy chiến thắng của chủ nghĩa đế quốc bên kia - chiến thắng mà công nhân ở quốc gia đó lại phải nỗ lực ngăn chặn. Công thức nổi tiếng của Liebknecht: “Kẻ thù chính của chúng ta là ở ngay trong đất nước mình” đã cho thấy rõ khó khăn ấy, vì nó chỉ định cho các bộ phận quốc gia khác nhau của giai cấp vô sản các kẻ thù khác nhau và do đó - ít nhất là trên bề mặt - đặt họ vào thế đối lập nhau.

Rõ ràng là truyền thống Marxist, khi nói đến chiến tranh, không hề có sự thống nhất hay sáng rõ. Tuy nhiên, ít nhất cũng có một điểm chung trong tất cả các lý thuyết: đó là sự từ chối dứt khoát việc lên án chiến tranh như một thực thể tự thân. Những người Marxist - đặc biệt là Kautsky và Lenin - thường dẫn lại (theo lối diễn giải) công thức của Clausewitz, theo đó chiến tranh chẳng qua chỉ là sự tiếp nối của chính trị thời bình bằng những phương tiện khác, và từ đó họ rút ra kết luận rằng một cuộc chiến không nên được đánh giá dựa trên tính bạo lực của các phương tiện mà nó sử dụng, mà phải dựa trên các mục tiêu mà những phương tiện ấy nhằm đạt tới.

Thời kỳ hậu chiến đã đưa vào phong trào công nhân không phải một quan niệm khác - bởi không thể buộc tội các tổ chức công nhân hay các tổ chức tự nhận là như thế trong thời chúng ta là có quan niệm rõ ràng về bất kỳ vấn đề nào - mà là một bầu không khí đạo đức khác hẳn. Ngay từ năm 1918, đảng Bolshevik, dù hết sức mong muốn một cuộc chiến tranh cách mạng, đã buộc phải chấp nhận hòa bình - không phải vì học thuyết mà vì áp lực trực tiếp từ những người lính Nga; với những người này, tấm gương năm 1793 không gợi chút hào hứng nào, dù được nhắc đến bởi những người Bolshevik hay bởi Kérenski. Tương tự, ở các nước khác, ngay cả trên bình diện tuyên truyền, quần chúng chịu thương tổn bởi chiến tranh đã buộc các đảng tự nhận là đại diện cho giai cấp vô sản phải sử dụng một ngôn ngữ hoàn toàn hòa bình - thứ ngôn ngữ không ngăn cản một số người ca ngợi Hồng quân và những người khác bỏ phiếu ủng hộ ngân sách chiến tranh của chính nước mình. Tất nhiên, ngôn ngữ mới này chưa bao giờ được biện minh bằng những phân tích lý thuyết, thậm chí người ta cũng dường không nhận thấy rằng nó là điều gì mới. Nhưng thực tế là thay vì lên án chiến tranh với tư cách là một hiện tượng đế quốc, người ta bắt đầu lên án chủ nghĩa đế quốc như là thứ gây ra chiến tranh. Cái gọi là phong trào Amsterdam, trên danh nghĩa được lập ra để chống chiến tranh đế quốc, cuối cùng đã, để có thể được lắng nghe, buộc phải làm như thể nó chống lại chiến tranh nói chung. Trong tuyên truyền, các chủ trương hòa bình của Liên Xô được nhấn mạnh nhiều hơn cả tính vô sản (hay tự nhận là vô sản) của nó. Còn các luận điểm của các nhà lý thuyết lớn của chủ nghĩa xã hội về việc không thể lên án chiến tranh như một hiện tượng tự thân thì đã hoàn toàn bị lãng quên.

Sự thắng thế của Hitler tại Đức có thể nói đã khiến tất cả các quan niệm cũ trồi lên lần nữa, trong một sự rối rắm không thể gỡ nổi. Hòa bình trở nên kém quý giá hơn khi nó có thể bao hàm những nỗi kinh hoàng không sao diễn tả được, dưới sức nặng của chúng hàng ngàn công nhân đang rên xiết trong các trại tập trung ở Đức. Quan niệm mà Engels đã nêu trong bài viết năm 1892 lại xuất hiện. Kẻ thù chính của giai cấp vô sản quốc tế chẳng phải chính là chủ nghĩa phát xít Đức đó sao, cũng như khi xưa là chế độ Nga hoàng? Chủ nghĩa phát xít ấy, vốn đang lan rộng như dầu loang, chỉ có thể bị đè bẹp bằng vũ lực; và bởi vì giai cấp vô sản Đức đã bị tước vũ khí, có vẻ như chỉ còn các quốc gia vẫn còn dân chủ mới có thể thực hiện được nhiệm vụ này.

Cũng chẳng còn mấy ai bận tâm đó là chiến tranh phòng vệ hay “chiến tranh phòng ngừa”; thậm chí người ta cho rằng một cuộc chiến tranh phòng ngừa còn tốt hơn. Marx và Engels chẳng đã từng, vào một thời điểm nào đó, tìm cách thúc cho Anh tấn công Nga đó sao? Một cuộc chiến tranh như vậy, người ta nghĩ, sẽ không còn là xung đột giữa hai chủ nghĩa đế quốc đối đầu, mà là giữa hai chế độ chính trị. Và, hệt như Engels già năm 1892 hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra một trăm năm trước đó, người ta tự nhủ rằng một cuộc chiến sẽ buộc nhà nước phải nhượng bộ nghiêm túc trước giai cấp vô sản - nhất là cuộc chiến sắp tới: chắc chắn sẽ xảy ra xung đột giữa nhà nước và tư sản, và rất có thể sẽ có những biện pháp xã hội được thúc đẩy đến một mức sâu rộng. Ai mà biết được, liệu chiến tranh có thể tự động đưa các đại diện của giai cấp vô sản lên nắm quyền hay không? Tất cả những suy tính ấy đã và đang tạo nên, ngay lúc này, trong các giới chính trị tự nhận là đại diện cho giai cấp vô sản, một dòng ý kiến ít nhiều rõ ràng ủng hộ sự tham gia tích cực của giai cấp vô sản vào một cuộc chiến chống lại nước Đức. Dòng ý kiến này tuy vẫn còn yếu nhưng hoàn toàn có thể lan rộng. Một số người khác thì vẫn dựa vào sự phân biệt giữa chiến tranh xâm lược và phòng vệ quốc gia; số khác nữa bám theo quan niệm của Lenin; và cuối cùng, vẫn còn nhiều người duy trì lập trường hòa bình, nhưng phần lớn là do thói quen hơn là vì một lý do thực sự nào khác. Không thể hình dung nổi một sự rối loạn nào tệ hại hơn.

Bấy nhiêu sự bất định và mù mờ có thể gây kinh ngạc và xấu hổ nếu ta nghĩ rằng đây là một hiện tượng mà với cả chuỗi những chuẩn bị, bồi thường, rồi lại chuẩn bị mới, dường như - xét đến mọi hậu quả đạo đức và vật chất mà nó kéo theo - đang chi phối thời đại của chúng ta và cấu thành đặc trưng của nó. Thật ra sẽ rất đáng ngạc nhiên nếu người ta có thể đạt được điều gì tốt đẹp hơn khi xuất phát từ một truyền thống hoàn toàn huyền thoại và ảo tưởng - truyền thống của năm 1793 - và áp dụng một phương pháp sai lạc nhất có thể: phương pháp cho rằng cần đánh giá từng cuộc chiến tranh theo mục đích mà nó theo đuổi, chứ không phải theo bản tính các phương tiện mà nó sử dụng. Không phải là nên lên án chung chung việc sử dụng bạo lực, như các nhà hòa bình chủ nghĩa vẫn làm; bởi chiến tranh, ở mỗi thời, là một dạng bạo lực được xác định rõ ràng, và cần phải nghiên cứu cơ chế của nó trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào. Phương pháp vật chất luận, trước hết và trên hết, là phải khảo sát bất kỳ hiện tượng con người nào bằng cách chú trọng không phải vào những mục đích được theo đuổi, mà là vào những hệ quả tất yếu phát sinh từ chính cơ chế của các phương tiện được dùng. Không thể giải quyết, thậm chí không thể đặt ra một cách đúng đắn bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chiến tranh nếu chưa tách rời cơ chế của xung đột quân sự - tức là nếu chưa phân tích những quan hệ xã hội mà nó kéo theo trong các điều kiện kỹ thuật, kinh tế, và xã hội nhất định.

Không thể nói đến “chiến tranh” một cách chung chung mà không rơi vào trừu tượng; chiến tranh hiện đại hoàn toàn khác tất cả những gì được gọi bằng cái tên ấy dưới các chế độ cũ. Một mặt, chiến tranh ngày nay chỉ là sự tiếp nối của một cuộc chiến khác mang tên cạnh tranh, vốn đã biến toàn bộ quá trình sản xuất thành một hình thức đơn giản của đấu tranh giành quyền thống trị; mặt khác, toàn bộ đời sống kinh tế hiện tại đều được tổ chức xoay quanh một cuộc chiến sắp tới. Trong hòa trộn không thể tách gỡ giữa quân sự và kinh tế - nơi vũ khí được đặt vào phục vụ cạnh tranh còn sản xuất thì phụng sự chiến tranh - chiến tranh không làm gì khác hơn là tái hiện các quan hệ xã hội cấu thành chính cấu trúc của chế độ hiện hành, nhưng ở một mức độ gay gắt hơn nhiều. Marx đã chỉ rõ rằng hình thức sản xuất hiện đại được xác định bằng sự lệ thuộc của người lao động vào công cụ lao động - các công cụ vốn nằm trong tay kẻ không lao động, và rằng cạnh tranh, vốn chỉ biết vũ khí duy nhất là bóc lột người lao động, rốt cuộc trở thành cuộc đấu tranh của từng ông chủ chống lại công nhân của chính mình và, sau cùng, của toàn bộ chủ chống lại toàn bộ người làm. Tương tự, chiến tranh ngày nay được xác định bằng sự lệ thuộc của người lính vào các công cụ chiến đấu; và vũ khí - những anh hùng thực thụ của các cuộc chiến hiện đại - cũng như con người bị hiến cho việc vận hành chúng, đều được điều khiển bởi những kẻ không trực tiếp tham chiến. Và vì bộ máy chỉ huy không có phương tiện nào để đánh bại kẻ thù ngoài việc cưỡng bức chính binh sĩ của mình ra trận và chết nên cuộc chiến giữa một nhà nước và một nhà nước khác lập tức biến thành cuộc chiến giữa bộ máy nhà nước và quân đội của chính nó; và chiến tranh, sau cùng, hiện ra như một cuộc chiến của toàn bộ bộ máy nhà nước và tham mưu chống lại toàn bộ những người khỏe mạnh đủ tuổi cầm vũ khí. Chỉ khác là, trong khi máy móc chỉ tước đoạt ở người lao động sức lao động của họ, trong khi các ông chủ chỉ có công cụ trừng phạt là sa thải - một công cụ bị cùn đi bởi việc người lao động có thể lựa chọn giữa các ông chủ khác nhau - thì người lính bị buộc phải hy sinh cả mạng sống của mình để phục vụ thiết bị quân sự, và anh ta bị cưỡng bức bằng mối đe dọa thường trực về cái chết không cần xét xử mà nhà nước luôn treo lơ lửng trên đầu. Theo đó, việc một cuộc chiến là phòng vệ hay tấn công, mang tính đế quốc hay quốc gia chủ nghĩa, đều trở nên vô nghĩa: bất kỳ quốc gia nào tham chiến cũng buộc phải sử dụng phương thức ấy, chỉ cần đối phương cũng sử dụng nó. Sai lầm lớn của hầu như mọi phân tích về chiến tranh mà nhất là các nhà xã hội chủ nghĩa hay mắc phải là xem chiến tranh như một giai đoạn của chính trị đối ngoại, trong khi trên hết nó là một hiện tượng của chính trị nội bộ và là hiện tượng tàn bạo nhất. Điều này không liên quan đến những cảm xúc mơ hồ hay đến sự tôn kính mê tín dành cho sinh mạng con người mà là nhận xét hết sức đơn giản rằng giết là hình thức triệt để nhất của áp bức. Những người lính không “liều mạng” bị gửi đến chỗ bị giết. Cũng giống như một bộ máy áp bức, một khi đã được thiết lập thì sẽ tồn tại cho đến khi bị phá vỡ, bất kỳ cuộc chiến nào áp đặt một bộ máy áp đặt các chỉ huy “chiến lược” lên quần chúng bị cưỡng ép đều phải được xem, ngay cả khi do những người cách mạng tiến hành, là một yếu tố phản động. Về mặt đối ngoại, hiệu lực của một cuộc chiến như vậy được quyết định bởi các quan hệ chính trị được thiết lập ở bên trong; vũ khí nằm trong tay một bộ máy nhà nước có chủ quyền sẽ không thể đem lại tự do cho bất kỳ ai.

Đó chính là điều mà Robespierre đã hiểu, và cũng là điều mà cuộc chiến năm 1792 - cuộc chiến đã khai sinh quốc gia chiến tranh cách mạng - đã chứng thực rực rỡ. Kỹ thuật quân sự lúc đó vẫn còn xa mới đạt được mức độ tập trung hóa như ngày nay; tuy nhiên, kể từ thời Friedrich II, sự lệ thuộc của binh lính thực thi chiến dịch vào bộ chỉ huy tối cao điều phối toàn cục đã vô cùng nghiêm ngặt. Vào thời điểm Cách mạng bùng nổ, một cuộc chiến sẽ buộc toàn nước Pháp, như Barère từng nói, biến thành một trại lính khổng lồ và như thế sẽ trao cho bộ máy nhà nước quyền lực tuyệt đối - vốn là đặc điểm cốt yếu của quyền uy quân sự. Đó chính là phép tính mà triều đình và phe Girondins đã thực hiện vào năm 1792. Bởi cuộc chiến này - vốn thường được mô tả, bởi một truyền thuyết quá dễ được các nhà xã hội chủ nghĩa tiếp nhận, như một cuộc nổi dậy tự phát của nhân dân chống lại đồng thời những kẻ áp bức trong nước và các bạo chúa ngoại bang - trên thực tế là một sự khiêu khích được dàn dựng bởi triều đình và bourgeois lớn, cùng nhau âm mưu chống lại tự do của nhân dân. Bề ngoài thì họ có vẻ như đã lầm, vì chiến tranh, thay vì mang lại sự đoàn kết thiêng liêng mà họ kỳ vọng, lại làm cho mâu thuẫn thêm gay gắt, đẩy nhà vua rồi đến phe Girondins lên đoạn đầu đài và đặt quyền lực độc đoán vào tay phe Montagne. Nhưng điều đó không thay đổi sự thật rằng ngày 20 tháng Tư năm 1792 - ngày tuyên chiến - đã đánh dấu sự sụp đổ không thể cứu vãn của mọi hy vọng dân chủ; và ngày 2 tháng Sáu nối tiếp ngay sau đó là ngày 9 Thermidor, mà những hệ quả của nó, đến lượt mình, chẳng mấy chốc đã dẫn đến ngày 18 Brumaire. Nhưng quyền lực mà Robespierre và những đồng chí của ông nắm giữ trước ngày 9 Thermidor có ích gì? Mục đích tồn tại của họ không phải là giành quyền lực, mà là thiết lập một nền dân chủ thực sự - vừa dân chủ, vừa xã hội. Thế nhưng, bởi một mỉa mai đẫm máu của lịch sử, chính chiến tranh đã buộc họ phải để bản Hiến pháp 1793 nằm chết trên giấy, phải xây dựng một bộ máy tập trung hóa, phải thực thi một cuộc khủng bố đẫm máu mà họ thậm chí không thể nhắm vào người giàu, phải triệt tiêu mọi tự do, và cuối cùng, phải trở thành những kẻ dọn đường cho chuyên chế quân sự-hành chính-bourgeois của Napoléon. Ít nhất thì họ vẫn luôn giữ được sự tỉnh táo. Trước ngày bị hành quyết, Saint-Just viết một câu mạnh và gọn: “Chỉ những kẻ có mặt trong trận chiến mới là người chiến thắng, và chỉ những kẻ có quyền lực mới là kẻ hưởng lợi từ chiến thắng.” Còn Robespierre, ngay khi vấn đề được đặt ra, đã hiểu rằng một cuộc chiến tranh không thể giải phóng bất kỳ dân tộc nào khác (“người ta không mang lại tự do bằng mũi lê”), mà chỉ có thể dâng nộp dân tộc Pháp cho guồng máy của quyền lực nhà nước - một thứ quyền lực không thể nào bị làm suy yếu nữa, bởi vì cần đến nó để chống lại kẻ thù bên ngoài. “Chiến tranh là điều tốt cho sĩ quan quân đội, cho những kẻ tham vọng, cho bọn đầu cơ tài chính… cho chính quyền hành pháp… Phe này được miễn khỏi mọi trách nhiệm khác, người ta được coi là đã làm tròn bổn phận với nhân dân khi đem lại cho họ chiến tranh.” Robespierre đã sớm nhìn thấy chủ nghĩa chuyên chế quân sự và không ngừng cảnh báo về nó, bất chấp những thắng lợi bề ngoài của Cách mạng; ông vẫn còn cảnh báo về nó ngay trước ngày bị xử tử, trong bài diễn văn cuối cùng của mình, và để lại tiên đoán ấy như một lời di chúc - một di chúc mà đáng tiếc là những người vẫn tự nhận là thừa kế của ông đã không hề nghe.

Lịch sử Cách mạng Nga cung cấp chính xác những bài học tương tự: một sự tương đồng gây ấn tượng mạnh. Hiến pháp Xô viết đã chịu chung số phận như Hiến pháp 1793: Lenin đã từ bỏ các học thuyết dân chủ để thiết lập chuyên chế của một bộ máy nhà nước tập trung, hệt như Robespierre, và trên thực tế đó là tiền thân của Stalin, cũng như Robespierre là tiền thân của Bonaparte. Khác ở chỗ: Lênin - vốn từ lâu đã chuẩn bị cho sự thống trị của bộ máy nhà nước bằng cách xây dựng một đảng có tính tập trung cao độ - về sau đã bóp méo chính các học thuyết của mình để thích ứng với nhu cầu của thời cuộc; vì thế ông ta không bị đưa lên máy chém, thậm chí còn trở thành thần tượng trong một tôn giáo quốc gia mới. Lịch sử Cách mạng Nga càng gây ấn tượng mạnh bởi vì trong suốt tiến trình của nó, chiến tranh luôn là vấn đề trung tâm. Cách mạng đã được dấy lên nhằm chống lại chiến tranh: những người lính nhận thấy bộ máy chính quyền và quân sự đang mục rữa trên đầu họ, và họ đã vội vã vùng lên để lật đổ một ách thống trị không thể chịu đựng nổi. Kérenski, khi kêu gọi chiến tranh với sự chân thành xuất phát từ sự ngu dốt của mình, đã viện dẫn những ký ức về năm 1792 với cùng lý do mà trước đó phe Girondins từng nêu. Trotsky đã phân tích rất sắc bén cách giới bourgeois, với ý định sử dụng chiến tranh để hoãn lại các vấn đề chính trị nội bộ và đưa nhân dân trở lại dưới ách thống trị của bộ máy nhà nước, tìm cách biến “chiến tranh cho đến khi kẻ thù kiệt quệ” thành một “cuộc chiến nhằm làm kiệt quệ Cách mạng”. Lúc ấy, những người Bolshevik kêu gọi đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc; nhưng trên thực tế, vấn đề được đặt ra không phải là chủ nghĩa đế quốc, mà chính là chiến tranh, và họ nhận ra điều đó ngay khi lên nắm quyền: họ đã buộc phải ký hòa ước Brest-Litovsk. Lúc đó quân đội cũ đã tan rã và Lenin lặp lại theo Marx rằng chuyên chính vô sản không thể có quân đội thường trực, cảnh sát thường trực hay bộ máy quan liêu thường trực. Thế nhưng các đội quân Bạch vệ và nỗi sợ sự can thiệp từ bên ngoài đã nhanh chóng đẩy toàn nước Nga vào tình trạng báo động toàn diện. Quân đội được tái lập, quyền bầu chọn sĩ quan bị bãi bỏ, ba mươi nghìn sĩ quan từ chế độ cũ được tái biên chế, án tử hình và kỷ luật cũ được khôi phục, bộ máy tập trung lại được tái thiết; song song đó là sự phục hồi của bộ máy quan liêu và cảnh sát. Và ngày nay ta biết rõ bộ máy quân sự, hành chính và công an ấy đã làm gì với nhân dân Nga về sau.

Chiến tranh cách mạng là nấm mồ của cách mạng, và sẽ mãi như vậy chừng nào người ta còn chưa trao cho chính những người lính - hay đúng hơn, những công dân có vũ trang - phương cách để tiến hành chiến tranh mà không cần đến bộ máy chỉ huy, không có áp lực từ cảnh sát, không có các cơ quan tài phán đặc biệt, không có án phạt cho những người đào ngũ. Trong toàn bộ lịch sử hiện đại, chỉ duy nhất một lần chiến tranh được tiến hành theo cách ấy: đó là dưới thời Công xã Paris, và ai cũng biết kết cục của nó ra sao. Có vẻ như một cuộc cách mạng, một khi đã lún sâu vào chiến tranh, chỉ còn hai khả năng để chọn: hoặc là gục ngã dưới những đòn chí mạng của phản cách mạng, hoặc là tự biến mình thành phản cách mạng thông qua chính cơ chế của đấu tranh quân sự. Triển vọng cho cách mạng vì thế hết sức hẹp; bởi liệu một cuộc cách mạng có thể tránh được chiến tranh hay không? Thế nhưng, chính vào cơ may mong manh đó mà ta buộc phải đặt cược - nếu không thì phải từ bỏ mọi hy vọng. Ví dụ nước Nga là minh chứng rõ ràng nhất. Một quốc gia tiên tiến sẽ không gặp phải, trong trường hợp xảy ra cách mạng, những khó khăn vốn trong nước Nga lạc hậu đã trở thành nền tảng cho chế độ man rợ của Stalin; nhưng một cuộc chiến tranh quy mô sẽ khiến nó gặp những khó khăn khác ít nhất cũng nghiêm trọng tương đương.

Lại càng rõ ràng hơn chuyện một cuộc chiến tranh do một nhà nước bourgeois tiến hành không thể dẫn đến điều gì ngoài biến quyền lực thành chuyên chế và biến nô dịch thành tàn sát. Nếu chiến tranh đôi khi hiện ra như một thành tố cách mạng thì đó chỉ là vì nó tạo thành một thử thách không gì sánh được đối với cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước. Khi tiếp xúc với chiến tranh, một bộ máy tổ chức kém sẽ bị phân rã; nhưng nếu chiến tranh không kết thúc ngay lập tức và dứt khoát, hoặc nếu sự phân rã ấy không diễn ra đủ sâu sắc, thì kết quả duy nhất là một trong những cuộc cách mạng “hoàn thiện bộ máy nhà nước thay vì phá vỡ nó,” nói theo Marx. Đó là điều đã luôn xảy ra cho đến nay. Trong thời đại chúng ta, khó khăn mà chiến tranh đẩy tới đỉnh điểm là mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa bộ máy nhà nước và hệ thống tư bản chủ nghĩa; vụ Briey trong cuộc chiến vừa qua là một ví dụ điển hình.[1] Cuộc chiến ấy đã trao cho các bộ máy nhà nước quyền kiểm soát nhất định đối với kinh tế, và điều này đã làm sinh ra một thuật ngữ hoàn toàn sai: “chủ nghĩa xã hội thời chiến.” Sau đó, hệ thống tư bản đã gần như trở lại hoạt động bình thường, bất chấp các rào cản thuế quan, việc phân phối định mức và sự chia cắt tiền tệ. Trong một cuộc chiến sắp tới, mọi thứ chắc chắn sẽ đi xa hơn nhiều, và như ta biết, lượng có thể chuyển hóa thành chất. Theo nghĩa ấy, chiến tranh ngày nay có thể là một yếu tố cách mạng, nhưng chỉ nếu ta hiểu chữ “cách mạng” theo nghĩa mà quốc xã dùng. Giống như khủng hoảng kinh tế, chiến tranh sẽ khơi dậy một làn sóng thù hận mãnh liệt đối với giới tư bản, và làn sóng ấy, được che đậy bởi liên minh thiêng liêng (union sacrée), sẽ chỉ phục vụ cho bộ máy nhà nước chứ không cho người lao động. Thật ra, để nhận ra mối liên hệ sâu xa giữa hiện tượng chiến tranh và chủ nghĩa phát xít, chỉ cần đọc các văn bản của chủ nghĩa phát xít, vốn la liệt “tinh thần chiến binh” và “chủ nghĩa xã hội nơi tiền tuyến.” Trong cả hai trường hợp, cốt lõi đều là sự xóa bỏ hoàn toàn cá nhân trước bộ máy hành chính nhà nước, được thúc đẩy bởi một thứ cuồng tín tột độ. Nếu hệ thống tư bản có bị suy yếu phần nào trong quá trình này thì điều đó cũng chỉ diễn ra với cái giá là sự hủy hoại các giá trị nhân bản và giai cấp vô sản - dù trong một vài trường hợp, mị dân có thể được đẩy lên rất xa.

Tính phi lý của một cuộc đấu tranh chống phát xít sử dụng chiến tranh làm phương tiện hành động vì thế hiện ra khá rõ ràng. Không chỉ bởi điều đó có nghĩa là chống lại một sự áp bức man rợ bằng cách đè bẹp các dân tộc dưới sức nặng của một cuộc tàn sát còn man rợ hơn, mà còn bởi nó đồng thời mở rộng - dưới một hình thức khác - chính chế độ mà người ta muốn tiêu diệt. Thật ấu trĩ khi cho rằng một bộ máy nhà nước được củng cố quyền lực nhờ chiến thắng sẽ làm nhẹ đi sự áp bức mà bộ máy nhà nước thù địch đang áp đặt lên dân tộc mình; còn ngây thơ hơn nữa là tin rằng nó sẽ để cho một cuộc cách mạng vô sản bùng nổ trong dân tộc đó nhờ thất bại của chính nó, mà không lập tức dìm cách mạng ấy trong biển máu. Còn đối với nền dân chủ bourgeois đã bị chủ nghĩa phát xít tiêu diệt, chiến tranh không xóa bỏ mà chỉ làm gia tăng và lan rộng các nguyên nhân vốn đã khiến nó trở nên bất khả trong hiện tại. Dường như, nói chung, lịch sử ngày càng buộc mọi hành động chính trị phải lựa chọn giữa hai con đường: hoặc là chấp nhận sự gia tăng của hình thức áp bức không thể chịu nổi mà các bộ máy nhà nước đang thực thi, hoặc là tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, nhắm trực diện vào các bộ máy đó để phá vỡ chúng. Chắc chắn, những khó khăn - có thể là không thể vượt qua - xuất hiện trong thời đại này có thể biện minh cho việc từ bỏ hoàn toàn cuộc đấu tranh. Nhưng nếu người ta không muốn từ bỏ hành động thì phải hiểu rằng không thể chiến đấu chống lại một bộ máy nhà nước nếu không từ bên trong. Và đặc biệt là trong thời chiến, người ta phải chọn giữa việc làm gián đoạn hoạt động của cỗ máy quân sự mà chính mình là một bánh răng và việc tiếp tay cho cỗ máy ấy nghiền nát mù quáng các sinh mạng con người. Câu nói nổi tiếng của Liebknecht: “Kẻ thù chính ở ngay trong nước chúng ta” như vậy mới thực sự mang đầy đủ ý nghĩa và đúng cho mọi cuộc chiến nơi người lính bị biến thành vật chất thụ động trong tay một bộ máy quân sự và hành chính - tức là, chừng nào kỹ thuật hiện tại còn tồn tại, thì điều đó đúng với mọi cuộc chiến, theo nghĩa tuyệt đối. Và hiện nay, người ta cũng không thể hình dung ra sự xuất hiện của một kỹ thuật khác. Trong sản xuất cũng như trong chiến tranh, hình thức ngày càng tập thể của việc tiêu hao sức lực không làm thay đổi tính chất về cốt yếu là cá nhân của chức năng ra quyết định và điều hành; nó chỉ khiến cho đôi tay hay sinh mạng của quần chúng ngày càng nằm trọn trong tay các bộ máy chỉ huy.

Chừng nào ta còn chưa nhận ra được làm thế nào để tránh, ngay trong hành động sản xuất hoặc chiến đấu, sự thống trị của các bộ máy lên quần chúng, thì mọi nỗ lực cách mạng đều sẽ mang dáng dấp của tuyệt vọng; bởi nếu ta biết rất rõ hệ thống sản xuất và chiến tranh nào mà ta khao khát tận diệt bằng cả linh hồn, thì lại không biết hệ thống nào khả dĩ có thể thay thế nó một cách chấp nhận được. Mặt khác, mọi nỗ lực cải cách cũng trở nên ấu trĩ khi đặt bên cạnh những tất yếu mù quáng được tạo ra bởi chuyển động của cỗ máy khổng lồ này. Xã hội hiện tại giống như một cỗ máy khổng lồ không ngừng nuốt chửng con người, trong khi chẳng ai biết tay điều khiển nó nằm ở đâu; và những ai hy sinh bản thân vì tiến bộ xã hội thì giống như những người bám lấy các bánh răng và dây curoa để cố dừng cỗ máy lại, để rồi cũng bị nó nghiền nát như những kẻ khác. Tuy nhiên, sự bất lực vào một thời điểm nhất định - một sự bất lực không bao giờ nên bị xem là vĩnh viễn - không thể là lý do để phản bội chính mình, cũng không thể là cái cớ để đầu hàng trước kẻ thù, bất kể bộ mặt mà nó mang. Dưới mọi tên gọi mà nó có thể khoác lên mình - phát xít, dân chủ, hay chuyên chính vô sản - kẻ thù thật sự vẫn luôn là bộ máy hành chính, cảnh sát, và quân đội; không phải là bộ máy bên kia chiến tuyến, vốn chỉ là kẻ thù của ta chừng nào nó còn là kẻ thù của anh em ta, mà là chính bộ máy tự xưng là người bảo vệ ta và biến ta thành nô lệ của nó. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự phản bội tồi tệ nhất luôn là chấp nhận bị lệ thuộc vào bộ máy ấy và chà đạp lên mọi giá trị nhân bản - trong chính mình và trong người khác - chỉ để phục vụ cho nó.

(La Critique sociale, số 10, tháng 11 năm 1933)

 

Trả lời một câu hỏi của Alain (1936)

Tôi sẽ chỉ trả lời câu hỏi cuối cùng của Alain. Tôi cho rằng đó là một câu hỏi rất quan trọng. Nhưng tôi tin rằng cần phải đặt nó trong một phạm vi rộng lớn hơn. Ngày nay, những từ như “phẩm giá” và “danh dự” có lẽ là những từ nguy hiểm nhất trong toàn bộ tự vị. Rất khó để biết chính xác nhân dân Pháp đã phản ứng như thế nào trước những biến cố gần đây. Nhưng tôi đã quá thường xuyên nhận thấy rằng, trong đủ mọi tầng lớp xã hội, lời kêu gọi phẩm giá và danh dự trong các vấn đề quốc tế vẫn tiếp tục gây xúc động mạnh. Cụm từ “hòa bình trong phẩm giá” hoặc “hòa bình trong danh dự” - một công thức gợi ký ức u ám, vì dưới ngòi bút của Poincaré, nó đã lập tức mở màn cho cuộc thảm sát - vẫn còn được dùng phổ biến[2]. Không có gì bảo đảm rằng những người dám lên tiếng ủng hộ hòa bình ngay cả khi không có danh dự sẽ được đón nhận ở bất cứ đâu. Điều đó thật nghiêm trọng.

“Phẩm giá” là một từ mơ hồ. Nó có thể có nghĩa là lòng tự trọng; và trong trường hợp đó, không ai dám phủ nhận rằng phẩm giá đáng quý hơn sự sống, bởi vì chọn sự sống thay vì phẩm giá thì chẳng khác nào “vì muốn sống mà mất lý do để sống”. Nhưng lòng tự trọng hoàn toàn phụ thuộc vào hành động mà ta tự mình thực hiện sau khi đã tự do quyết định. Một người bị xúc phạm có thể cần phải chiến đấu để giành lại lòng tự trọng của mình; điều này chỉ xảy ra nếu người đó thấy rằng mình không thể nào chịu đựng sự xúc phạm một cách thụ động mà không tự xem mình là hèn nhát. Rõ ràng, trong những vấn đề như thế, mỗi người là quan tòa, và là quan tòa duy nhất. Không thể hình dung được rằng một người lại có thể ủy thác cho kẻ khác quyền xét xem liệu việc gìn giữ lòng tự trọng của anh ta có đòi hỏi anh ta phải đánh đổi mạng sống hay không. Càng rõ ràng hơn nữa rằng việc bảo vệ phẩm giá theo nghĩa đó không thể nào bị áp đặt bằng cưỡng chế, bởi một khi có sự cưỡng ép can thiệp thì không còn có thể đặt ra vấn đề tự trọng hay không nữa. Ở một khía cạnh khác, cái khiến con người thoát khỏi nỗi nhục không phải là sự trả thù mà là sự dấn thân vào hiểm nguy. Chẳng hạn, giết một kẻ xúc phạm bằng mưu mẹo và không gặp chút nguy hiểm nào không bao giờ là cách để giữ gìn lòng tự trọng của mình.

Cần phải rút ra kết luận rằng chiến tranh không bao giờ là một phương cách để tránh phải khinh bỉ chính mình. Nó không thể là một phương cách cho những người không trực tiếp chiến đấu, bởi vì họ không chịu hiểm nguy, hoặc chỉ chịu một phần rất nhỏ; chiến tranh không thể thay đổi quan điểm mà họ có về lòng can đảm của chính họ. Chiến tranh cũng không thể là một phương cách cho những người lính chiến, bởi vì họ bị cưỡng ép. Phần lớn ra trận vì bị ép buộc, và ngay cả những người tình nguyện cũng ở lại vì bị ép buộc. Quyền khai chiến hay đình chiến hoàn toàn nằm trong tay những kẻ không chiến đấu. Lựa chọn tự do dấn thân vào hiểm nguy là linh hồn của danh dự; và danh dự không thể hiện diện ở nơi mà những người ra quyết định không hề gặp nguy hiểm, còn những người khác thì chết để thi hành các quyết định đó. Và nếu chiến tranh không thể là sự bảo vệ danh dự cho bất kỳ ai, thì cũng cần phải rút ra kết luận rằng không có nền hòa bình nào là ô nhục, bất kể các điều khoản của nó ra sao.

Trên thực tế, khi được áp dụng vào các quan hệ quốc tế, từ “phẩm giá” không còn chỉ lòng tự trọng - vốn không thể bị đặt thành vấn đề trong trường hợp này; nó không đối lập với sự khinh bỉ bản thân, mà đối lập với sự nhục nhã. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau; có một khác biệt lớn giữa việc đánh mất lòng tự trọng và việc bị người khác đối xử thiếu tôn trọng. Epictète, bị chủ nhân sử dụng như một món đồ chơi, hay Chúa Giê-su, bị tát vào mặt và đội vương miện gai, không hề bị giảm phẩm giá trong mắt chính mình. Chọn cái chết thay vì đánh mất lòng tự trọng là nền tảng của bất kỳ đạo đức nào; còn chọn cái chết thay vì chịu nhục lại là một điều hoàn toàn khác - đó đơn giản là tinh thần danh dự phong kiến. Người ta có thể ngưỡng mộ tinh thần danh dự phong kiến ấy, cũng có thể - và không phải không có lý - từ chối coi nó là quy tắc sống. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ đó. Cần phải nhìn xem ai là người bị đem đi chết để bảo vệ cái gọi là danh dự ấy trong các xung đột quốc tế.

Người ta đưa quần chúng nhân dân - chính những người vì không sở hữu tài sản mà thông thường chẳng được hưởng bất kỳ sự tôn trọng nào - đi chết. Chúng ta đang sống trong nền Cộng hòa, đúng thế; nhưng điều đó không ngăn được sự nhục nhã vẫn là bánh ăn hằng ngày của tất cả những kẻ yếu thế. Họ vẫn sống, và để người khác sống. Một người cấp dưới bị cấp trên miệt thị mà không có quyền phản biện; một công nhân bị đuổi việc mà không được giải thích, và khi hỏi thì cấp trên trả lời: “Tôi không có nghĩa vụ phải báo cáo với anh”; những người thất nghiệp được triệu tập đến văn phòng tuyển dụng, phải chờ cả tiếng đồng hồ rồi được báo rằng không có gì cho họ; một bà chủ địa chủ ở làng sai bảo một nông dân nghèo và trả cho ông ta năm xu cho hai giờ bị điều đi; một lính canh đánh đập và lăng mạ một tù nhân; một thẩm phán đùa giễu giữa phiên tòa trên lưng một bị cáo hay thậm chí một nạn nhân - thế nhưng máu sẽ không đổ. Tuy vậy, chính người công nhân ấy, những người thất nghiệp ấy, và những kẻ khác như họ luôn luôn có thể bị buộc phải giết và chết, bởi vì một quốc gia nước ngoài đã không đối xử với đất nước của họ hay với các đại diện của đất nước ấy bằng tất cả sự tôn trọng mong muốn. Nếu họ bắt đầu rửa nhục bằng máu vì bản thân họ, theo cùng một cách mà người ta khuyến khích họ làm vì danh dự của đất nước thì mỗi ngày trong thời bình sẽ là một cuộc thảm sát! Trong số tất cả những kẻ có quyền lực - dù lớn hay nhỏ - có lẽ chỉ rất ít người sống sót; chắc chắn nhiều sĩ quan quân đội sẽ là những người đầu tiên thiệt mạng.

Bởi nghịch lý sâu xa nhất của đời sống hiện đại là ở chỗ: người ta chà đạp phẩm giá cá nhân của những kẻ mà một ngày nào đó sẽ bị đưa đi chết vì phẩm giá quốc gia; thậm chí ngay vào lúc mạng sống của họ bị hy sinh để bảo vệ danh dự chung, họ lại bị phơi trước những sự nhục mạ còn cay nghiệt hơn trước kia. Những sự xúc phạm giữa quốc gia với quốc gia - vốn được xem là lý do để gây chiến - có nghĩa lý gì so với những gì một sĩ quan có thể trừng phạt một người lính mà không bị trừng phạt? Sĩ quan có thể xúc phạm anh ta và người lính không được phép đáp trả, có thể đá anh ta - một tác giả hồi ký chiến tranh đã từng tự hào khoe rằng mình đã làm vậy. Sĩ quan có thể ra bất kỳ mệnh lệnh nào, với súng lục chĩa vào đầu, kể cả lệnh bắn vào một đồng đội. Sĩ quan có thể áp đặt những hình phạt nhỏ nhen nhất. Họ có thể làm hầu như bất cứ điều gì, và mọi hành vi bất tuân đều bị trừng phạt bằng cái chết, hoặc ít nhất có thể bị trừng phạt như thế. Những người lính, nơi hậu phương được ca tụng lối đạo đức giả như những anh hùng, thì trên thực tế lại bị đối xử như nô lệ. Và những ai trong số họ sống sót trở về mà vẫn còn nghèo khổ thì từ ách nô lệ quân sự lại rơi vào ách nô lệ dân sự: nhiều người trong số họ phải chịu đựng sự ngạo mạn của những kẻ đã làm giàu mà chẳng cần chịu bất cứ hiểm nguy nào.

Sự làm nhục thường xuyên và gần như có hệ thống là một yếu tố thiết yếu trong tổ chức xã hội của chúng ta, cả trong thời bình lẫn thời chiến - nhưng trong chiến tranh thì ở mức độ cao hơn. Nguyên tắc cho rằng cần phải kháng cự sự làm nhục ngay cả khi phải đánh đổi bằng mạng sống, nếu được áp dụng trong nội bộ quốc gia, sẽ làm lung lay toàn bộ trật tự xã hội, đặc biệt là kỷ luật vốn được cho là thiết yếu để tiến hành chiến tranh. Việc người ta dám, trong những điều kiện như thế này, biến nguyên tắc ấy thành một quy tắc của chính sách đối ngoại, thực sự là đỉnh cao của sự quáng lòa ý thức. Có một công thức nổi tiếng rằng: người ta có thể, trong chừng mực nào đó, chấp nhận việc có nô lệ, nhưng không thể chấp nhận việc gọi họ là công dân. Còn gọi họ là lính thì lại càng không thể chấp nhận nổi. Dĩ nhiên, chiến tranh xưa nay vẫn có, nhưng chuyện những cuộc chiến được tiến hành bởi những người nô lệ thì là đặc trưng của thời đại chúng ta, lại còn là những cuộc chiến mà những người nô lệ được kêu gọi phải chết nhân danh một phẩm giá mà họ chưa bao giờ được ban cho: chính những cuộc chiến ấy là mắt xích chủ chốt trong cơ chế của áp bức. Mỗi khi người ta khảo sát một cách cụ thể và nghiêm túc những phương tiện để thực sự làm giảm bớt áp bức và bất bình đẳng thì luôn luôn người ta đụng phải chiến tranh - hậu quả của chiến tranh và những điều tất yếu được áp đặt bởi sự chuẩn bị cho chiến tranh. Nút thắt này không thể được gỡ bỏ - nó phải bị chém đứt, nếu điều đó còn có thể.

(“Questionnaire d'Alain”, Vigilance số 34, 20 tháng Ba, 1936)

Anh Hoa dịch 


[1] Briey-Longwy là vùng then chốt trong ngành công nghiệp luyện kim của Pháp. Khi chiến tranh bùng nổ, vùng này bị quân Đức chiếm đóng ngay từ đầu (năm 1914). Điều gây tranh cãi là Chính phủ Pháp đã không cố gắng giành lại vùng này bằng quân sự, dù biết nó đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất vũ khí. Một số chính trị gia và nhà công nghiệp Pháp (bao gồm những người có cổ phần trong ngành thép) bị nghi ngờ đã cố tình không phản ứng, để bảo vệ lợi ích kinh tế - vì các mối quan hệ xuyên biên giới với các tập đoàn công nghiệp Đức (ND).

[2] Raymond Poincaré là Tổng thống Pháp thời kỳ Thế chiến thứ nhất. “La paix dans l'honneur” được dùng để biện minh cho việc không ký hòa ước, không nhân nhượng và tiếp tục chiến tranh.

 

nghĩ chiến tranh

 

Sự nghiêm cẩn trong Nghệ thuật

 

William Empson: Văn chương vô sản

Sự trỗi dậy của con người nhân quần

Giáo dục châu Âu

Hành khúc Radetzky

Hotel Savoy

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công