favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Một người Ba Lan

08/06/2024 07:48

Vừa xuất hiện, Pietro Citati đã gây ra một cơn địa chấn. Đây là Citati bình luận một nhân vật mới hẳn, sẽ mở ra một hướng mới (với chúng ta). Đoạn dưới đây vẫn rút ra từ cuốn sách viết về tiểu thuyết (châu Âu) thế kỷ 19, Il Male assoluto (Cái Ác tuyệt đối), in năm 2000, dịch từ bản tiếng Pháp của Brigitte Pérol. 

 

Chân dung Potocki

- Pietro Citati

Sinh năm 1761, Jan Potocki là hậu duệ của một trong những gia đình cổ nhất và giàu nhất Ba Lan. Mẹ ông [mẹ vợ thì có lẽ đúng hơn] từng được Stanislas Auguste, vua Ba Lan, yêu: gia đình vợ ông, nhà Lubomirski, sở hữu đất đai tại vùng Silesia nằm ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, các xưởng làm thủy tinh, các nhà máy rượu, các bãi chăn nuôi và những khu rừng rộng lớn, một phần Palais-Royal cùng đảo Saint-Louis tại Paris. Mẹ vợ ông từng được đón tiếp với tư cách cousin hách dịch, trí tuệ và thích nói xấu người khác, bởi Marie-Thérèse, Louis XV và Louis XVI. Potocki sinh ra ở một lâu đài, tại Pikow, và cả đời ông sống, và được đón tiếp, ở các lâu đài đẹp nhất hoặc các cung điện châu Âu. Cung điện tại Láncut, thuộc về gia đình Lubomirski, là “một sự phi thường màu trắng và hồng”, baroque và rococo: phía trên nó có hai tòa tháp phủ mái đồng; và trong vườn, tại những parterre kiểu Pháp và trong các nhà kính, mọc lên những cây cùng hoa hiếm nhất của miền Nam. Các phòng thì đầy những món đồ Trung Quốc, đi văng Thổ, dàn vũ khí Ả Rập và Tác-ta, những bức tranh Ý và Pháp, sách gửi từ Paris và Amsterdam sang. Cả đời mình, Jan Potocki sống trong hương thơm cùng sự tiện nghi của sự giàu có, tiêu đi số tiền mà ông không biết nguồn gốc. Chỗ nào ông cũng cảm thấy đang được ở nhà mình: tại các triều đình và các khách thính Viên và Paris, Vacsava và London, Saint-Petersburg và Berlin. Ông trò chuyện với những nhà quý tộc và những philosophe, với Marat và de Maistre - như thể cuộc đời là một cuộc trò chuyện khả ái và đầy hiểu biết, mà chẳng gì có lúc nào ngắt ngang được.

 

­­Ông là ai, Jan Potocki, vào quãng thời gian tươi tắn của tuổi trẻ? Thật khó nói. Bạn bè ông khẳng định đó là một người sầu muộn, một người mang khí chất Thổ tinh, hay rơi vào những khoảnh khắc hân hoan và trầm uất dữ dội ngang nhau. Nhưng, như mọi con người sầu muộn, dường ông là sự nhân lên của nhiều con người. Ông vô cùng hiếu kỳ: hiếu kỳ về toàn bộ những gì tồn tại, dẫu có là ở đâu, hay về toàn bộ những gì thậm chí chỉ có khả năng tồn tại mơ hồ hơn cả. Đấy là một người mô phạm: và, cùng lúc, trí tưởng tượng của ông, vốn dĩ nồng nhiệt đến điên rồ, khiến ông chia sẻ được tất tật các dục vọng, tất tật các cảm tri. Ông thích lý lẽ hình học với sự cao ngạo của một người thời Ánh sáng; và ông bị thu hút mãnh liệt bởi bóng tối, những bí ẩn cùng các trò xảo đối nghịch với lý trí, ông nghịch với những bóng tối cùng bí ẩn đó. Có lẽ bạn bè ông không đặt được giả định rằng nhà quyền quý đáng mến mặc áo veste chẽn, đeo cà vạt và để tóc mai dài, mà cái bụng bắt đầu phệ ra, lại bị chế ngự bởi tinh thần ưa nhại [parodie] nhiều tính cách quỷ quái nhất, nó buộc ông phải biến tất tật mọi thứ thành trò đùa. Ông thích biển. Khi con tàu băng ngang Địa Trung Hải, Potocki nhìn chằm chằm vào các đợi sóng đập vào thành tàu và dấu vết lân tinh của vệt nước, và suy nghĩ của ông (cũng như rêverie [mơ mẩn] của ông) để cho rơi tõm đi tất tật các đối tượng được xác định, chỉ nom thấy những sắc thái cùng ảo tính, phiêu lưu trên biển đầy nguy cơ của vô tận.

Ông biết tiếng Hebrew, tiếng Hy Lạp, tiếng Latin, tiếng Ả Rập và gần như tất tật các ngôn ngữ hiện đại. Ông có một hiểu biết cổ điển tuyệt hảo. Ông thuộc lòng Herodotus; ông không xa lạ với văn chương bí truyền, từ tân Platon luận cho đến những cuốn sách hũ nút, từ các ngụy thư của Cựu Ước cho tới chiêm tinh học cổ điển, từ Cabale đến Swedenborg, mà ông không biết. Ông biết tôn giáo Ba Tư và Islam. Ông nghiên cứu lịch sử tự nhiên, hình học, vật lý, toán học, địa chất học, kinh tế chính trị học, thuật hãm thành: dẫu là nhỏ nhặt đến đâu các tiểu thuyết, pamphlet, tạp chí, khảo luận, Bách khoa thư, được in tại những cơ sở giàu sức sản xuất của cuối thế kỷ 18, đều tới trên các bàn làm việc ở những lâu đài của ông cũng như, ba mươi năm sau, trên bàn làm việc của Pushkin. Với một trí năng của biên đạo múa, sử gia và nhà dân tộc học, ông nghiên cứu văn minh Ai Cập, trong đó ông thấy bà mẹ của tất tật các văn hóa, và nhất là văn hóa của những dân tộc Xlavơ. Từ 1789 đến 1792, ông cho in sáu tập Các tìm kiếm về vùng Sarmatie; năm 1793, Các chronicle, hồi ký và tìm kiếm để phục vụ Lịch sử của tất tật các dân tộc Xlavơ, hẳn lẽ ra chỉ là tập đầu cho một bộ sách gồm sáu mươi chín tập. Tiếp theo sau là nhiều tác phẩm về các chủ đề Xlavơ.

Toàn bộ những gì là giả thuyết, phiêu lưu, sự tình cờ thuộc trí năng đều thu hút ông một cách sâu sắc. Giống nhân vật tuyệt diệu nhất của ông, ông nghĩ tới việc ghi ra Lịch sử, tôn giáo và tự nhiên bằng các từ thuộc hình học, trong lúc vẫn tìm kiếm những luật về số và các kết hợp của tinh thần con người. Về phần Chúa, ông muốn đấy phải như là một Bản Sinh không thể nói thành lời, được phụng sự bởi vô vàn con quỷ; trừ phi là chẳng có bất kỳ Chúa nào, mà chỉ có vật chất, và vũ trụ thì sinh ra từ một thứ a xít gây sinh sôi. Giấc mơ đúng nghĩa của ông là giấc mơ của toàn bộ thế kỷ 18: Bách khoa thư, sự mênh mông của Thư viện. Giống một trong những nhân vật của ông, Hervas [trong câu chuyện về Avadoro, thuộc Bản thảo], người cố công tập hợp lại trong một trăm tập sách toàn bộ hiểu biết của con người (tập đầu tiên về ngữ pháp, tập thứ hai về lịch sử tự nhiên, tập thứ một trăm về phân tích toán, khoa học hoàn hảo hơn cả), cả ông cũng, hồi còn ở tuổi thiếu niên, từng mong muốn đọc chỉ trong vòng một mùa hè tất tật các sách về lịch sử tự nhiên, mà sau đó ông tìm được, xếp theo lối ma thuật trong trật tự ấy, tại một Viện của Bologna. Mãi ở tuổi ba mươi, ông vẫn vun trồng dự đồ về một khoa học bao trùm, được mọi văn hóa cộng tác - từ “các quan sát của Bà La Môn nhân và của pháp sư Ba Tư” cho đến khám phá của thiên văn học hiện đại. Vào một khoảnh khắc hân hoan, ông có cảm giác rằng toàn bộ đều có thể được giải thích - tức là được giải thích cho ông, Jan Potocki – và rằng hẳn ông sẽ trải qua những năm cuối cùng của đời mình “mà dạo chơi trong những khoa học” như trong một khu vườn, giữa các bông hoa và đám cỏ. Rồi ông hiểu ra rằng các khoa học của chúng ta được dựa trên sự trống rỗng. Chúng ta chỉ là những kẻ mù, “biết tên và chỗ mà vài phố dẫn tới” thuộc vũ trụ, nhưng chúng ta sẽ mãi không biết được “đồ án chung” của thành phố.

Ông thích đi xa. Ông treo, trên những bức tường phòng ngủ của ông, các tranh khắc từ chuyến đi vòng quanh thế giới đầu tiên của thuyền trưởng Cook. Cuộc đời du mục quyến rũ ông; và chẳng gì khiến ông thích thú hơn so với bước xuống khỏi cỗ xe berline tráng lệ chăng nhung của mình, theo sau là các cỗ xe chở đám người hầu cùng hành lý, để cùng tên gia nhân Thổ của ông bước vào một quán cà phê Do Thái nhỏ bé, một quán rượu Cô dắc hay một hậu cung Ả Rập. Ông băng ngang châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Maroc, Nga, Caucase, Siberia, đến tận biên giới với Trung Quốc, nơi một dấu hiệu của Hoàng đế rất xa xôi chặn ông lại. Ông vô cùng thích thấy, chỉ thấy mà thôi, không cả các chương trình lẫn những điểm nhìn, như một nhà quan sát incognito, bị thu về chỉ còn là một cái nhìn thuần túy. Tỉnh, cụ thể, nét, tách, thờ ơ ở giữa các thảm họa của Lịch sử, với đầy lòng yêu đương ông nhìn những thứ nhỏ bé, lạnh lùng đo lường những thứ to lớn (theo ông, kim tự tháp Kheops gồm 62 309 600 mét khối), so sánh những văn minh xa xôi nhất với nhau.

Trong số các chuyến đi của ông, chuyến đi có cường độ cao nhất là chuyến ông thực hiện tại Caucase giữa 1797 và 1798. Nửa Tolstoi nửa [Georges] Dumézil, Potocki đi ngược lên tận bầu vú mẹ tăm tối của châu Âu và châu Á, lúc thì đi theo những người Hy Lạp ở Scythie, khi lại theo những người Mèdes, có những lúc lại theo các dân tộc vùng Sogdiane. Ông mang theo với mình quyển thứ tư trong Histoires của Herodotus, phần viết về người Scythe và cuộc chiến tranh của Darius: Herodotus nói chuyện với ông bằng ngôn ngữ của mình và ông cân nhắc từng từ một, vì e đánh mất dẫu chỉ một trong số đó, như thể, sau hăm hai thế kỷ, ông già Hy Lạp ở Ionie, đầy tinh thần tôn giáo và nhiều mỉa mai, và nhà dân tộc học trẻ tuổi người Ba Lan đã trở nên cùng một con người. Với niềm vui lớn ngần nào, với sự rung lên của cơ thể và cặp mắt - bản thân Tolstoi cũng sẽ không sung sướng được đến vậy - ông băng qua biển thảo nguyên, ngưỡng mộ đám cỏ cao và các bông hoa, băng những sông lớn, nhìn tận phía xa nhất các trong suốt xanh nhạt của Elbrouz, nơi Prometheus từng bị xiềng - trong khi tất tật các dân tộc kia mà những cuốn sách của ông từng nhắc đến, những người kế nghiệp của dân Scythe, của Darius và của Thành Cát Tư Hãn, trộn lẫn vào nhau và hoạt bát lên, với cả trăm ngôn ngữ cùng cả trăm tập tục khác nhau, trên các chợ sặc sỡ của bình nguyên!

Trong khoảng thời gian ấy châu Âu, châu Âu của các phòng khách, của các thư viện cùng các chuyến đi yên bình của ông, đã bị đảo lộn bởi Cách mạng. Từng có lúc Potocki tin vào nữ thần đẫm máu, thậm chí còn cất tiếng, tại Paris, ở chỗ diễn đàn của những người Jacobin. Ông mau chóng đánh mất mọi hy vọng vào phi lai. Một cuộc cách mạng, dẫu nó có là gì đi nữa, không thể mang lại ân hưởng chung quyết, cái thế kỷ vàng mà những nhà thơ và các chính trị gia từng nhắc tới, mà chỉ “một kết hợp khác của tốt và xấu”. Từ các kinh nghiệm chính trị của mình, Potocki rút ra được một câu rất đẹp, mà tôi những muốn tặng, như một món bùa, cho độc giả ngày nay: “Ta sẽ thấy ở khắp nơi nhiều xấu hơn tốt, nhưng chẳng ở đâu ta sẽ thấy cái xấu mà không có sự trộn lẫn nào đó của tốt, và chỉ điều đó hẳn đã đủ để an ủi nhà thông thái về cuộc đời.” Năm 1792, ông thông báo với vua Ba Lan là mình từ bỏ mọi hoạt động chính trị: “Tôi không còn muốn lo cho việc gì nữa.” Tương lai không quan hệ gì đến Jan Potocki. Kể từ nay, đối với ông, chỉ còn hiện tại là tồn tại: hiện tại thuần túy, nhiều biến dịch và bất động; sóng của sông Euphrate, lúc nào cũng thế, lúc nào cũng khác nơi, như Heraclite và Jafez từng nói, hẳn ông sẽ nhúng xuống một bàn tay lúc nào cũng khác. Trong khi làn sóng êm dịu trườn đi trên bàn tay ông, hẳn ông sẽ đọc sách, sẽ đi xa, sẽ vẽ, sẽ sống incognito, sẽ viết các văn bản khoa học - và một cuốn sách bí hiểm tột cùng.

Có lẽ vào năm 1797 Potocki bắt đầu viết, bằng tiếng Pháp, tác phẩm bí hiểm kia, Bản thảo tìm được ở Saragosse, nó đã biết đến một số phận văn bản tương tự với mẫu của nó, Nghìn lẻ một đêm. Các bản thảo viết tay chính chủ, các bản in với những sửa chữa chính tay và những bản in thử cho phép chúng ta dõi theo tiến trình chậm chạp của tác phẩm. Cuối năm 1803, Potocki đã viết được mười “ngày” trong đó, năm 1807, hăm hai, năm 1811, bốn mươi, năm 1812, năm mươi sáu. Rồi ông đâm ra nghi ngờ. Cỗ máy tự sự lớn không còn khiến ông thấy thích nữa: câu chuyện “nhiều ngăn kéo” làm ông buồn chán; và ông tách từ đó ra lấy hai cuốn sách, Avadoro, câu chuyện Tây Ban NhaMười ngày trong đời Alphonse Van Worden, mà ông cho in tại Paris vào năm 1813 và năm 1814, bằng cách ấy mà phá hủy đi nhất thể về tự sự của tác phẩm của ông. Ngay sau sự in kép đó cuốn sách bí hiểm lại bắt đầu ám ông: ông lại bắt tay vào viết; và trước lúc chết, ông có thể hoàn thành, dẫu hết sức vội vã, mười ngày khác cùng vĩ thanh. Từ phần cuối này, không còn lại bản thảo tiếng Pháp nào, mà chỉ là một bản dịch tiếng Ba Lan in vào năm 1847. Kể từ nay chúng ta sở hữu hai ấn bản của Bản thảo. Ấn bản mà Roger Caillois thực hiện vào năm 1958 chỉ bày ra một lựa chọn hẹp, nó làm biến đối một cách sâu sắc biểu nghĩa của cuốn sách. Có thể là, tại thư viện châu Âu nào đó, vẫn còn đang ẩn trốn văn bản tiếng Pháp của mười ngày cuối cùng, hay thậm chí bản viết tay chính chủ đầy đủ của Bản thảo, cũng bất khả xâm nhập và được phú cho khả năng toàn hiện như bản thảo của Nghìn lẻ một đêm. Nhưng, vào lúc này, độc giả nào muốn biết một trong những tiểu thuyết gia châu Âu lạ thường nhất và thiên tài nhất sẽ đọc ấn bản do René Radrizzani thực hiện. [kể từ khi Citati viết bài này, đã có những khám phá mới về Bản thảo]

Không bao giờ có thể giải thích nổi bằng cách nào và tại sao một tác phẩm văn chương lại được sinh ra: ở đó ẩn trốn quá nhiều ham muốn cùng xung năng có ý thức và ngoài ý thức, các ham muốn của cả một cuộc đời, chúng bị vùi vào trong sự phức tạp không thể xuyên thấu của văn bản. Nhưng, nếu tôi có thể có một giả thuyết, thì tôi nghĩ rằng Jan Potocki đã viết Bản thảo không phải để bắt chước, mà nhằm vượt qua Nghìn lẻ một đêm. Bên dưới sự thanh lịch đại lãnh chúa đáng mến của ông, ông từng lúc nào cũng thích các thách thức cực điểm của tinh thần. Từ hai bàn tay chính xác nhà dân tộc học của mình, ông muốn tặng cho châu Âu một ví dụ về cái tuyệt diệu-quỷ quái Tây phương, có khả năng ngang hàng được với cái tuyệt diệu Ả Rập, với những con quỷ của nó, những biến hóa của nó cùng những hiện hình của nó. Hẳn ông sẵn sàng làm mọi điều, ở mức lớn hơn. Nếu Nghìn lẻ một đêm chỉ có một nữ nhân kể chuyện chính, Scheherazad, thì ông sẽ tưởng tượng ra tận hai người kể chuyện, Alfonso và Avadoro. Nếu Nghìn lẻ một đêm có nhiều người kể chuyện thứ yếu, thì ông sẽ nhân họ lên nhiều lần, ông, tận đến mức bày ra tận năm hoặc sáu người, người này trong giọng của người khác, bằng cách ấy mà tạo ra một hiệu ứng về lệch điểm. Tất tật các chủ đề Đông phương, như sự nhắc và sự lặp mô típ hay hình ảnh kép, bằng cách đó biết đến một tỏa rộng gớm ghê, và sự thêu thùa thanh lịch Ả Rập, nhẹ và trong suốt giống những thứ vải trên các cơ thể phụ nữ ở những hậu cung, trở nên một thứ máy đồ sộ, con gái của một thời đại gần như quá đắm đuối với các thứ máy.

Ở tư cách nhà bác học, ông đã mơ đến một Bách khoa thư tập hợp tất tật những khoa học và tất tật những suy nghĩ của con người. Dẫu giấc mơ nhà khoa học nơi ông đã thất bại, ông vẫn có thể tìm cách hiện thực hóa nó trong tư cách nhà văn, bằng cách tập hợp trong một cuốn sách gồm các câu chuyện, dài sáu mươi sáu ngày (con số của Tam Vị), tất tật những chủ đề khả dĩ cho các câu chuyện. Ông không hề định viết ra một cuốn sách gồm những câu chuyện đen, mà một Bách khoa thư về truyện, có thể so sánh được với hai cuốn sách rất đẹp của cuối thế kỷ 20, Cuộc sống cách sử dụng của Georges Perec và Nếu một đêm đông người lữ khách của Italo Calvino. Ông có một trí tưởng tượng ở độ thứ hai chứ không phải ở độ thứ nhất - một trí tưởng tượng của phê bình, chứ không phải của tiểu thuyết gia; ông luôn luôn khởi đi từ một xung động bác học. Vậy là ông bắt đầu cướp phá thư viện của vũ trụ: ông nhớ lại các câu chuyện cũ và mới mà ông từng đọc; và ông viết những truyện trong tất tật các thể loại văn chương đang tồn tại, những truyện lúc nào cũng “theo cách thức của”, các bắt chước đầy thiên tài của những câu chuyện từng được viết, hoặc lẽ ra đã có thể được viết. Có lẽ ông biết rằng ngôn ngữ của ông rất hiển nhiên: một thứ tiếng Pháp không cả cường độ lẫn sự tự nhiên, giống biết bao người nước ngoài có học vào thời đó. Nhưng tài năng của ông khác. Thiên bẩm về tích tụ; thiên tài về kiến trúc, về cơ chế văn chương được chuẩn bị với một sự chăm chút kỹ lưỡng, và là thứ hẳn sẽ đánh thức nơi các độc giả của ông một sự chóng mặt giống với sự chóng mặt lúc nào cũng nắm chặt lấy ông.

Hẳn tôi sẽ không thể liệt kê được hết tất tật những “thể loại” tự sự được chứa đựng trong Bản thảo tìm được ở Saragosse. Trước hết, những câu chuyện Ý: một nước Ý theo kiểu Salvator Rosa, nó sẵn sàng trở nên lãng mạn, với các tên cướp, những mê tín, những trả thù - một trong các phần dễ hơn cả của cuốn sách. Những truyện Tây Ban Nha phong phú và phức tạp hơn rất nhiều: sự hoang vu của Sierra Morena, thứ lãng mạn Moor, tiểu thuyết picaresque, những người Gitan, Lesage, Người thợ cạo ở Sevilla; sự mộ đạo, danh dự, sự trầm trọng. Rồi những truyện erotic: lúc thì mờ ám và gây điêu đứng cho sự hiểu, theo kiểu Casanova, khi lại trong ngần một cách giả dối; các câu chuyện hài rất hay, chúng chao đảo giữa opéra bouffe và sự thêu thùa trừu tượng; và nhà thấu thị mầu nhiệm của các truyện thuộc truyền thống Cabale; và rồi những truyện đen, các câu chuyện ma, những người Do Thái lang thang, những câu chuyện đầy dục vọng, khó tin và đậm tính cách tiểu thuyết, mà Alexandre Dumas hẳn sẽ rất thích. Phần đẹp hơn cả của Bản thảo, có khả năng ấy là những truyện có tính cách triết học, chúng có một sự dạn dĩ trí năng, một thiên bẩm về chơi, một vẻ duyên dáng cùng một sự tinh tế, những thứ đặt chúng ở ngang hàng với các truyện lớn nhất của thế kỷ 18.

Cùng lúc với Cái Toàn Thể, chủ đề khác chiếm hữu trí tưởng tượng của Potocki là chủ đề về Kép. Trang nào, trong Bản thảo, cũng đều kép. Có hai người kể chuyện chính, trong đó người này là mặt bên kia của người còn lại: Alfonso ngây thơ, cứng nhắc, bị cầm tù trong ý thức về danh dự bao nhiêu, thì Avadoro mềm dẻo, nhiều mưu mẹo, ưa phiêu lưu, có xu hướng về phía các biến hóa bấy nhiêu. Và rồi, các nhân vật lúc nào cũng lên giường với hai phụ nữ - điều này rất khó mà có thể hé lộ cho chúng ta điều gì đó về những thói quen erotic của Potocki (nhưng truyền thuyết Ba Lan dạn dĩ hơn nhiều, nó gán cho ông một sự loạn luân kép, với mẹ ông và em gái ông, và một sự gần như loạn luân thứ ba nữa, với mẹ vợ ông), bởi trước mọi sự đó là một nguyên tắc thuộc kiến trúc. Tính cách kép này xâm chiếm từng hình ảnh, từng từ của cuốn sách. Mọi điều đều đúng và sai, nghiêm túc và đầy tính cách nhại; cũng vậy, những con quỷ cùng hồn ma chiếm đóng các đêm của Alfonso và của biết bao nhiêu nhân vật khác của Bản thảo, và cũng vậy những giấc mơ có tính cách hình học của Vélasquez, các tham vọng bách khoa thư của Hervas, tính cách của Alfonso. Thế thì còn chưa đủ: bản thân cấu trúc của cuốn sách bị nhại ngay ở bên trong cuốn sách. Như chúng ta biết, đó là một “câu chuyện nhiều ngăn kéo”, được kể bởi nhiều nhân vật khác nhau; nhưng một trong số họ, nhà hình học, phản đối và chế nhạo xảo thuật ấy (trong khi, trong cuốn sách, và ở bên ngoài cuốn sách, Jan Potocki cười cái nhân vật đó và thứ hình học của ông ta, thứ vốn dĩ chính là hình học của ông).

Tôi còn chưa nói tới cái mà cho đến nay người ta vẫn con là chủ đề trung tâm của Bản thảo: truyện “đen”, hay các hồn ma. Ấn bản mới hé lộ đến mức nào trí năng tự sự của Potocki thiện xảo hơn so với những truyện Anh và Pháp nơi ông lấy được cảm hứng cho mình. Ông tìm được chủ đề cho mình trong văn hóa cổ điển và Ả Rập: những con quỷ, yêu tinh và nữ quái, vốn dĩ háu máu và thịt người, vốn dĩ hay mang một cơ thể phụ nữ. Có vẻ như là đi theo các chỉ dẫn của sự ngẫu nhiên, Alfonso Van Worden tới Venta Quemada: một quán trọ bị bỏ không và bị yểm bùa nơi toàn bộ sự quỷ quái trên đời dường được tập hợp lại. Anh gặp một phụ nữ da đen, hai thiếu nữ Ả Rập, họ bảo mình là các chị em họ của anh; ban đêm, anh ngủ với họ; và, sáng ra, anh tỉnh dậy dưới một mặt trời nóng bỏng, dưới chân một giá treo cổ, giữa hai cái xác nằm kề bên. Với vài dị bản, các nhân vật khác biết đến cùng kinh nghiệm, sự lặp của những câu chuyện cũ và mới. Giống Alfonso, chúng ta tự hỏi không biết những gì chúng ta đang đọc là sự thật hay ảo tưởng: chúng ta tự hỏi hay thế giới chỉ là một cuộc diễu của các con ma; sự lặp đầy ám ảnh của chủ đề, mà Potocki biến đổi đi với một maestria lớn, khiến chúng ta tưởng tượng rằng sự hội tụ của cái erotic, những bóng ma, trò ma cà rồng và cái chết tạo nên trái tim của vũ trụ.

Khi chúng ta đến được ngày thứ sáu mươi sáu của Bản thảo, thì xảy tới điều bất ngờ, mà nhiều manh mối để cho thấy được. Các thiếu nữ Ả Rập không phải là ma cà rồng, mà là những phụ nữ thực. Alfonso đã yêu cơ thể họ, chứ không phải các nữ quái hay xác chết; và cuộc phiêu lưu ma quái-quỷ quyệt là một dàn cảnh sân khấu choáng lộn, được hình dung bởi một hội kín hùng manh, nhằm đặt lòng can đảm của Alfonso Van Worden vào thử thách. Những truyện mà chúng ta đã nghe trong vòng ngần ấy ngày, để thuyết phục chúng ta về bản tính ma cà rồng của vũ trụ, là gỉả, là những lời nói dối, các trò đánh lừa được nghiền ngẫm từ trước. Toàn bộ những cái đó không được khiến cho chúng ta nghĩ rằng Potocki muốn giải thiêng, như ngày nay người ta hay nói, các thức phi lý trí của thời ông. Ngay cả nếu ông là một chuyên gia nhại rất lớn (nghiêm trang, như mọi chuyên gia nhại đích thực), thì ông không hề định giải thiêng gì hết. Ông viết những truyện (hay nói đúng hơn, làm giả những truyện tồn tại sẵn): ông chơi với cái quỷ quái; và chơi với cái quỷ quái là trò chơi phù phiếm nhất và gây lo lắng nhất trong số các trò chơi, bởi nhắc lại rằng cái quỷ quái chỉ tồn tại trong tự sự và trong lời dối trá, ấy là cùng lúc gợi lên thực tại khủng khiếp và có tính cách cổ mẫu của nó.

Ngày thứ sáu mươi sáu của Bản thảo hé lộ câu đố bí hiểm khác của cuốn sách. Giữa những ngọn núi hoang vắng, đôi khi điểm xuyết bởi những cánh rừng cùng các cái hồ lạ thường, của miền Nam Tây Ban Nha, chúng ta đã gặp hội kín Gomelez: một dạng tam điểm Ả Rập. Giống tất tật các hội kín, nó chui sâu xuống đất: giữa các khe núi, các mê cung cùng những cầu thang ngầm nơi ẩn trốn, như trong trí tưởng tượng của Méphistophélès, những mỏ vàng. Mục đích mà nó theo đuổi không rõ ràng lắm (điều này là có chủ ý): tái khẳng định sự vượt trội si-it trong thế giới Islam, cải những người Ki-tô giáo sang Islam, hay thậm chí lập ra một nền quân chủ phổ quát mới, bên trên các tôn giáo? Như trong Meister của Goethe, tất tật những nhân vật mà Alfonso gặp đều được nối vào với hội kín ấy. Bản thảo là một hệ thống duy nhất gồm các đồng lõa cùng mối quan hệ họ hàng, một bức thêu với các sợi chỉ được đan cài đầy khôn khéo. Ở phần vĩ thanh, chúng ta khám phá được sự thật tối hậu. Âm mưu của tam điểm Ả Rập thất bại; hay nói đúng hơn, nó biến mất đi vào hư vô - như mọi tác phẩm của con người, chúng ta có thể thêm vào khi nghĩ tới các suy tư của Potocki, và nhất là giống mọi cuộc cách mạng, mọi công trình có tính cách phi lai. Nhưng thất bại đó thì có quan trọng gì? Tất tật những kẻ âm mưu đều đã tập hợp lại quanh Alfonso Van Worden trung thực, ngây thơ, lố bịch, và đã là các nhân vật kể chuyện, kẻ nói dối, ngoạn mục, đầy trí tưởng tượng và dồi dào y như người chị em xa xôi Scheherazad của họ, những người đưa chúng ta đến cuối cuốn sách. Nếu lịch sử thất bại, thì truyện chiến thắng trên thất bại của tất tật những điều thuộc con người, và tạo thành thực tại duy nhất của vũ trụ.

Với câu hỏi cuối cùng mà hẳn chúng ta muốn đặt cho Jan Potocki, vĩ thanh của Bản thảo không mang lại lời đáp nào, ngay cả khi chính ông biết rất rõ câu hỏi ấy. Kể chuyện nghĩa là gì? Kể - hẳn nhà dân tộc học già sẽ nói - không phải là một cái gì tuyến tính. Nếu muốn kể chuyện, chúng ta phải ngắt ngang câu chuyện của chúng ta: dỏng tai mà nghe giọng nói thứ hai, giọng nói thứ ba, giọng nói thứ tư, giọng nói thứ năm, ở bên trong giọng hư cấu của chúng ta; chúng ta liên tục ngắt ngang, vì người Do Thái lang thang, hoặc giả cabaliste (những kẻ nói dối vĩ đại đó), muốn được lắng nghe; và đan cài mỗi sợi dây vào với các sợi dây khác của thế giới. Chẳng hoạt động nào của con người không bất tận.

 

Trong những năm cuối cùng của mình, Jan Potocki đã chủ yếu sống tại lâu đài Uladowka, ở miền Nam Ba Lan. Sau chuyến đi Trung Quốc, ông đã quyết định từ bỏ hoạt động khoa học, thứ, với các chuyến đi, những sự đọc cùng những giả thuyết, đã làm đầy cuộc đời ông trong vòng biết bao nhiêu năm. Ông không còn muốn tìm kiếm các sự thật “liên quan đến lịch sử của con người và của tự nhiên” nữa; và, từ một dự đồ to lớn tối hậu được nói cho một người bạn - Dân tộc học hay hiểu biết về các dân tộc nhìn nhận dưới tương quan của những ngôn ngữ, dòng giống và gia đình - thậm chí không còn lại cho chúng ta lấy một trang. Ông đã đánh mất mọi thứ: lòng tin chính trị, lòng tin vào khoa học, chức vụ của ông ở Saint-Petersburg. Ông đã ly hôn với người vợ thứ hai của mình. Ông nợ đầm đìa. Ông sống gần như một mình với cuốn sách lớn của ông, có lẽ kể từ bấy nó làm ông thấy sợ. Ông không còn xuất hiện nữa tại các phòng khách châu Âu, với ái áo veste chẽn thật đẹp của ông, cái cà vạt phồng thắt cao của ông, bộ ngực gắn đầy huy chương của ông, cặp mắt sáng bừng và nổng nhiệt của ông, để mà trò chuyện với các dame, nói về Lịch sử, về văn chương cùng đủ thứ ngồi lê đôi mách. Kể từ nay ông ăn vận như một nông dân Ba Lan, mang sukmana, áo dài nhiều màu, với cái khăn dày quấn quanh người. Ông mắc chứng sốt Malte, bị gút, đau thần kinh; nỗi sầu muộn hé lộ cho ông những vực thẳm hắc ám của ông; và một cái tật lạ thường tra tấn ông, mà ông chỉ có thể chế ngự bằng cách tự nhốt mình vào một nỗi đờ đẫn tuyệt đối hơn cả. Khi ấy ông rơi vào nỗi buồn chán, giống Hervas, nhân vật của Bản thảo, sau khi đã kết thúc tập thứ một trăm thuộc Cuốn Sách của ông.

Mùa thu năm 1814, trong khi Napoléon sống trên đảo Elbe như “một thẩm phán tỉnh lẻ nhỏ bé”, bá tước Edward Raczynski, một thanh niên hăm tám tuổi rất rành về Đông phương, đến gặp Potocki. Họ nói về chính trị và về những nghiên cứu của họ. Potocki nhắc đi nhắc lại với người bạn trẻ tuổi của mình rằng những người phàm thì chỉ tạo ra toàn những thứ phàm. Và rằng, thay vì để mặc cho mình bị nhốt trên đảo Elbe, tốt hơn hết là Napoléon tự sát, giống một trong những người anh hùng cổ đại mà Plutarque rất thích, mà đám triều thần lố bịch của ông ta từng hay lấy để so sánh. Ông ta không có can đảm. Kết cục đẹp nhất của một con người là kết cục theo chủ ý.

Trong những tháng tiếp theo - Bản thảo đã xong, âm mưu của nhà Gomelez đã thất bại, Alfonso Van Worden trị vì Saragosse nhân danh vua Tây Ban Nha - Potocki bắt đầu từ biệt cuộc đời: rất chậm rãi, như những người đã sống cuồng loạn vẫn hay làm. Ông tặng những tấm bản đồ Trung Quốc của mình cho thư viện của trường trung học Krzemieniec, tới thăm Saint-Petersburg một lần cuối cùng, viết lời bia mộ cho chính mình. Rồi - hết sức tự nhiên chúng ta có hai phiên bản về vụ tự sát của ông – ông cầm lấy một lọ đường lớn bằng bạc, kiểu baroque, từng thuộc về mẹ ông. Từ cái quai được uốn rất lạ của nó, ông lấy ra một viên bi, cho nấu chảy nó, hết sức cẩn thận giũa nó trong vòng nhiều tuần và có lẽ nhiều tháng, đưa cho ông thầy tu ở Uladowka để ban phước lên nó, và rốt cuộc trỏ khẩu súng vào thái dương mình [hòn bi đã trở thành viên đạn: sức công phá của nó rất lớn, tạo ra một hiện trường tự sát vô cùng thê thảm]. Đó là ngày 20 tháng Mười một hoặch 11 tháng Chạp năm 1815: Napoléon, cái con người không có can đảm ấy, đã bị nhốt lại theo lối chung quyết trên đảo Sainte-Hélène. Potocki, vốn dĩ ngưỡng mộ những người khắc kỷ, có can đảm; và, với một sự mỉa mai tối cao, ông muốn rằng cú tự sát của mình giống với cuốn sách của ông. Ông xây dựng cái chết của chính ông giống một kiệt tác của thợ thủ công, đầy tỉ mỉ, kỳ quặc, được chuẩn bị rất lâu: được bảo vệ, như Bản thảo chưa từng bao giờ được như vậy, bởi sự dịu dàng của người mẹ và của lòng tin Công giáo.

Số phận đã muốn rằng ngay cả cuộc đời sau khi chết của Potocki cũng nằm dưới dấu hiệu và trong cái bóng của Kép. Năm 1817, Edward Raczynski, chuyên gia trẻ tuổi về những điều Đông phương, lấy người vợ thứ hai của Potocki. Năm 1845, đã đến cùng cái tuổi với người bạn già của mình, ông cho nạp đạn một khẩu moóc-chê nhỏ trong sân lâu đài của ông tại Rugalin: ông thò đầu vào họng khẩu đại bác, và châm dây. Thế là nhân vật kép của Potocki cũng tự sát như Potocki - tuy nhiên với, như chuyện gần như lúc nào cũng xảy ra với các nhân vật kép, hơi kém thanh lịch hơn.

Cao Việt Dũng dịch

 Ba Lan

Czesław Miłosz

Witold Gombrowicz

Bruno Schulz

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công