favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Andersen
Next
Hans Christian Andersen, Cao An Vũ dịch
Hans Christian Andersen, Cao An Vũ dịch

Một câu chuyện từ những đụn cát

Một câu chuyện từ những đụn cát
54.000 đ

128 trang
13,5 x 20 cm

Ai cũng đã từng đọc Andersen, nhưng đây là những câu chuyện lần đầu tiên xuất hiện. Đặt trong một phối cảnh khác, chúng làm hiện ra một Andersen khác hẳn những gì chúng ta quen thuộc. Đó không phải là những câu chuyện trẻ con, ít nhất thì không phải truyện trẻ con theo nghĩa thường được hiểu. Ngược với người ta thường nghĩ, thế giới một đứa trẻ có thể nhìn thấy phức tạp và chắc chắn ít nghèo nàn hơn thế giới người lớn nhiều. Trẻ con - bởi chưa bị nhiễu bởi tạp âm, bởi vẫn còn nói chuyện được với các con vật và những bông hoa - không bao giờ nhầm lẫn về một số điều cốt yếu. Không phải là bởi chúng là thiên thần. Chúng có thể rất thánh thiện, cũng có thể rất độc ác (và chẳng ai nói được như Andersen, như trong câu chuyện về cây thông non, về sự tàn nhẫn của trẻ con). Một đứa trẻ khóc về sự độc ác của thế giới - người ta đã giật lấy con búp bê của nó treo tít lên cây. Cũng đứa trẻ ấy cười nhạo con vịt khập khiễng có lớp da đỏ ở chân, và nó biết như thế là tội lỗi - chắc chắn là tội lỗi, không cách nào quanh co được. Không giống người lớn, đứa trẻ chưa biết vin vào những thành trì định kiến để ru ngủ tiếng nói bên trong. Nếu băn khoăn, nó chỉ cần hỏi con búp bê, "Bạn có cười các con thú không?" và thế là chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

Andersen (cũng giống một nhân vật khác sẽ sớm xuất hiện, Proust) cũng nói được tường minh một sự thật: mỗi người và mỗi thứ đều có vị trí của mình. Vấn đề của cuộc đời không phải là thay đổi vị trí, là tiến lên (một cây hoa gai thì làm sao có thể tiến từ ngoài hàng giậu vào trong vườn, tại sao lại có thể ảo tưởng như thế?), mà là ở đúng chỗ của mình. "Người nào, vật nào chỗ nấy."

Marcel Proust cũng vậy. Thế giới của Tìm thời gian đã mất là thế giới của trật tự. Người nào có chức phận riêng của người ấy, và nó sẽ trở nên rất châm biếm, mỉa mai khi bắt gặp những sự nhầm chỗ (Madame Verdurin là một quý bà mới nổi, chỉ lòe bịp được lũ người dự các buổi tiếp tân qua mục "Thế giới thượng lưu" trên tờ Le Figaro, chứ đâu có thể sánh được với gia đình Guermantes). Có thế giới quý tộc, ở đó có các quy củ riêng đã được ấn định từ bao thế hệ và bao nhiêu cuộc hôn nhân. Có thế giới của giới trưởng giả, của giới bình dân, lại có thế giới của những người hầu kẻ hạ, đánh xe, tài xế vân vân và vân vân. Vấn đề không phải là làm xáo tung thế giới, mà phải cố sao làm cho thế giới được nguyên trạng.

Nhưng có ngoại lệ: nếu có tài năng thì người ta di chuyển được giữa các thế giới. Marcel không thuộc giới quý tộc nhưng có thể giao du với giới ấy là vì Marcel có tài văn chương, hoặc Morel tiện dân có thể biểu diễn ở nhà Madame Verdurin hay thậm chí ở nhà công tước và hoàng thân de Guermantes là vì đó là một tài năng âm nhạc. Sự kỳ diệu là dùng để di chuyển.

Andersen cũng không nói điều gì khác: trong một câu chuyện ít bi thảm hiếm có, "Con trai người gác cổng", đứa con trai con nhà tiện dân đã lên được mọi tầng gác cao và lấy được cô tiểu thư làm vợ là bởi có tài năng hội họa, vẽ những lâu đài sau này sẽ phải được xây dựng. Còn nếu như không có, làm ơn ở yên chỗ của mình.

Nếu không làm được như thế - chuyện rất thường xảy ra - thì sẽ thế nào? Ta sẽ thấy xuất hiện những "con rồ" (trích lời Lý-dật trong Tục-ca-lệ). Ta cũng sẽ có các yêu quái, như trong câu kinh điển sau đây của Gil Blas: "Nghề làm thằng hầu thì nặng nề, tôi xin thú nhận, đối với một thằng đần; nhưng nghề ấy chỉ tuyền là những duyên dáng đối với một kẻ trí lự. Một thiên tài cao cấp mà ở vào hoàn cảnh đó thì không hùng hục mà làm lụng như một tên ngẫn. Anh ta bước vào một ngôi nhà là để chỉ huy chứ không phải để phục vụ. Mới thoạt tiên anh ta cứu thực về ông chủ anh ta. Anh ta ngả theo các khiếm khuyết của ông chủ, chiếm lấy lòng tin của ông chủ, rồi sau đó thì dắt mũi ông luôn."

 

Andersen này đi thành một cặp với Andersen kia, như đã được tả ở đó

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công