Czesław Miłosz: Vị trí của Simone Weil
Simone Weil đã hiện ra (tất nhiên trước đó đã loáng thoáng, chẳng hạn ở kia). Đây là Weil từ điểm nhìn của một người Ba Lan, Czeslaw Milosz, một người đã thấy rất sớm sự hèn nhát - vì dễ và vì mốt - của những thứ như hư vô chủ nghĩa. Milosz cũng từng bình luận Witold Gombrowicz (một người Ba Lan khác) trong The Land of Ulro, gọi đó là người vô thần đúng nghĩa rất hiếm hoi trên đời. Không có lời ngợi ca nào cao hơn, từ một người Ki-tô như Czesław Miłosz, so với sự nhìn nhận "vô thần" ấy. Với Simone Weil, Milosz cũng xoáy vào vấn đề vô thần ấy - không chỉ vô thần mà còn vô chính phủ, và vô chính phủ ở Weil, Milosz nói rất rõ, nghĩa là Phi Lai. Không bao giờ thuộc nhóm nào, lúc nào cũng neo mình ở đúng ngưỡng cửa. Bình luận của Milosz về Weil được đưa vào quyển sách có tên Phá Đảng phái (On the abolition of all political parties), tiểu luận dài của Simone Weil, được Simon Leys dịch sang tiếng Anh.
Vị trí của Simone Weil
- Czesław Miłosz
France dâng cho thế giới hiện tại một món quà hiếm, nơi con người Simone Weil. Hiện diện của một tác giả như thế trong thế kỷ hai mươi chống lại mọi quy luật của khả dĩ, nhưng những sự bất khả vẫn xảy ra như thế.
Cuộc đời Simone Weil ngắn. Sinh năm 1909 ở Paris, bà mất tại Anh năm 1943, ở tuổi ba tư. Các quyển sách của bà hoàn toàn không xuất hiện khi bà còn sống. Từ khi chiến tranh kết thúc, các bài báo rải rác cùng bản thảo - nhật ký và tiểu luận - của bà đã được xuất bản và dịch ra nhiều ngôn ngữ. Công trình của bà tìm được người ngưỡng mộ khắp thế giới, nhưng bởi sự khắc kỷ của nó, ở đâu số ngưỡng mộ ấy cũng chỉ là the happy few. Tôi hy vọng phần trình bày của mình sẽ có ích cho những ai chưa từng nghe về bà.
Có lẽ chúng ta sống trong một thời đại chỉ vô thần ở vẻ ngoài. Hàng triệu người đã bị giết trong Thế chiến thứ nhất, hàng triệu người bị giết hoặc bị tra tấn đến chết ở Nga trong hoặc sau cách mạng, rồi còn vô số nạn nhân của Phát xít cùng Thế chiến thứ hai. Tất cả những điều này không thể không hằn dấu lên tư tưởng Châu Âu. Và dường như tư tưởng Châu Âu cứ đi vòng quanh một vấn đề quá cũ, tới độ nhiều người xấu hổ không dám gọi tên nó. Đôi khi chuyện vẫn là như thế: những bí ẩn xưa cũ của nhân loại được giữ cho yên ngủ hoặc che kín suốt mấy thế hệ, để rồi hồi lại sức sống và được khuôn lại trong một ngôn ngữ mới. Vấn đề ở đây là như sau: ai có thể biện minh cho những chịu đựng thảm khốc của người vô tội? Albert Camus, trong The Plague, xoáy vào vấn đề này - vốn đã hiện ra trong Sách Job. Ta có nên trả lại tấm vé của mình, giống như Ivan Karamazov, vì chỉ nước mắt của một đứa trẻ là đủ để làm lệch cán cân? Ta có nên phản kháng? Mà phản kháng ai bây giờ? Liệu Chúa có thể tồn tại nếu quả thật Chúa chịu trách nhiệm cho tất cả những chuyện này, nếu Chúa cho phép xảy ra những việc mà các giá trị của chúng ta xếp vào việc quỷ? Camus đáp rằng không. Chúng ta một mình tồn tại trong vũ trụ; số phận con người của chúng ta là phải vĩnh viễn cự lại những lực mù, phi nhân, không được an ủi rằng ta có đồng minh ở nơi nào đó, không có bất kỳ điểm tựa siêu hình nào.
Nhưng có lẽ nếu không phải Chúa thì vẫn có một nữ thần đi qua những chiến trường và trại tập trung, xuyên vào các nhà tù, hứng từng giọt máu rơi, gom từng lời nguyền rủa? Nàng biết những kẻ kêu ca hoàn toàn không hiểu. Mọi thứ đều được tính, mọi thứ đều là một phần không thể tránh trong nỗi đau của sự sinh ra và sẽ được đền bù. Con người sẽ trở thành một Chúa cho người. Trên đường đi tới sự tựu thành chung quyết đó, hắn sẽ phải băng qua Calvary. Tên của nữ thần ấy được run rẩy gọi lên trong thời chúng ta: nàng là Lịch sử.
Leszek Kolakowski, một giáo sư triết học Marxist ở Warsaw, đã nói thẳng rằng tất cả các cấu trúc của triết học hiện đại, bao gồm triết học Marxist, đã được dựng ra từ thời Trung Cổ bởi các nhà thần học, và rằng một người quan sát chú tâm có thể nhìn ra những tranh luận cũ dưới những phát biểu mới. Ông chỉ ra rằng Lịch sử, chẳng hạn, đã được các triết gia Marxist thảo luận bằng ngôn ngữ biện thần luận - sự biện minh cho Chúa.
Irony ở đây sẽ là không đúng chỗ. Vấn đề Thiên hựu, hay không có Thiên hựu, cũng có thể được trình bày theo một cách khác. Liệu có một lực nội tại nào ngụ trong le devenir, trong cái vẫn đang trong trạng thái trở thành, một lực kéo nhân loại lên, về phía toàn thiện? Liệu có sự hồi ứng giữa con người và vũ trụ - một sự hồi ứng cứ không ngừng biến đổi? Phát biểu như thế, vấn đề sẽ liên quan đến sự phát hiện ra chiều lịch sử, một phát hiện khá gần đây, mà các xã hội bất động trong quá khứ hoàn toàn không biết đến. Lạ lùng là các nhà thần học Cơ-đốc cũng bất lực trước những vấn đề này. Họ xấu hổ với triết học Thiên hựu của Bossuet và các nhà truyền giáo khác, theo đó Chúa, một dạng đế tối cao, giúp những người cai trị tốt và trừng phạt những kẻ cai trị xấu. Kể cả nếu mệnh đề ấy đúng, và tất nhiên nó không đúng, thì bí ẩn của sự tận hiến ở mức cá nhân vẫn cứ là bí ẩn. Ít nhất một nhà thần học Pháp, Cha Fessard, đã phải công nhận rằng đây là điểm yếu trong tư tưởng Cơ-đốc nhân hiện đại. Ngay khi chạm vào các vấn đề lịch sử, họ liền phải quy phục các thói quen của triết học xa lạ với họ; họ trở thành, theo lối hữu thức hay vô thức, các triết gia Hegelian và Marxist. Điểm yếu của họ phản ánh một lỗ hổng trong học thuyết khởi từ Thomas Aquinas. Ở Thánh Aquinas, Cha Fessard nói, hoàn toàn không có dấu vết nào của chiều lịch sử. Người chỉ quan tâm đến trật tự của lý trí và trật tự của tự nhiên. “Nếu sử,” Cha Fessard nói, “có vai trò cốt yếu đối với Hegel, Marx và nhiều triết gia của tồn tại, thì trong nhận định của mọi quan tòa thấu đáo, nó dường như hoàn toàn vắng bóng trong học thuyết của Aquinas.” Vậy là một nhà biện chứng Cơ-đốc đành phải loay hoay tự chế ra các công cụ khái niệm cho mình.
Đến đây, tôi kết thúc phần giới thiệu và bước vào một số điểm cốt yếu trong chuyển động nghĩ của Simone Weil.
Simone Weil sinh ra trong một gia đình trí thức gốc Do Thái. Gia đình cha bà gốc gác ở Alsace, gia đình mẹ bà di cư đến Pháp từ Nga. Bà lớn lên giữa những người tôn trọng việc học hơn hết và bà giữ cả đời mối quan tâm sống động dành cho vật lý và toán học hiện đại. Bà sớm nắm được nhiều ngoại ngữ: bên cạnh Latin và tiếng Hy Lạp được dạy trong các trường Pháp (hiểu biết tiếng Hy Lạp có vai trò quyết định cho tiến hóa sau này của bà), còn có tiếng Đức và tiếng Anh. Bà không được nuôi dạy theo giáo phái nào, và cả tuổi trẻ của bà không dính gì đến các vấn đề tôn giáo. Sau khi xong đại học ở trường École Normale Supérieure (một trong các bạn đồng học của bà là Simone de Beauvoir, lúc ấy còn là người Công giáo), Simone Weil bắt đầu quãng ngắn ngủi làm giáo viên tiếng Hy Lạp và triết học. Bà dạy giỏi, nhưng thường gặp khó với các nhà chức trách bởi sự lập dị của bà. Bà giữ một irony lịch thiệp đối với môi trường bourgeois của mình và về phe những người mà giới trung lưu Pháp khiếp hãi: các chiến sĩ tranh đấu cho công đoàn và công nhân thất nghiệp. Ấy là những năm khủng hoảng kinh tế. Bà từ chối chính quyền kiếm tiền của mình nếu những người khác phải đói, chỉ giữ lại một phần nhỏ lương, đưa toàn bộ phần còn lại cho các quỹ công đoàn và các báo của công nhân. Về mặt chính trị, bà theo Tả, nhưng chưa bao giờ bà dính gì với Đảng Cộng sản Pháp. Bà gần nhất với một nhóm nhỏ, La Révolution Prolétarienne, những người theo truyền thống công đoàn Pháp. Các bài viết chính trị của bà về nỗi nhọc nhằn của công nhân ở Pháp, về chính sách kinh tế, về nguồn gốc của Phát xít ở Đức cũng như các nghiên cứu của bà về cơ chế xã hội và lịch sử Châu Âu gần đây đã được gom lại vào mấy quyển sách. Chỉ một vài trong số (rất nhiều) ấy được in khi bà còn sống, trong những tạp chí ít người biết.
Khao khát chia sẻ phần số với những người bị áp bức dẫn bà tới một quyết định bước ngoặt. Mặc cho thể trạng yếu ớt, bà vẫn làm việc một năm (1934-35) - làm công nhân bình thường - ở các nhà máy luyện kim Pháp và bằng cách ấy thu nhận được hiểu biết thực tế về lao động chân tay. Các tiểu luận của bà về chủ đề này (tập hợp trong quyển sách nhan đề La condition ouvrière) là bản cáo trạng đanh thép về sự khắc nghiệt tàn tệ và nỗi khốn cùng tinh thần lẫn thể chất. Bà thú nhận rằng một năm ấy đã tàn phá tuổi trẻ của bà, đóng một cái dấu nô lệ vĩnh viễn lên bà (“giống như những cái dấu đóng lên trán các nô lệ La Mã cổ đại”).
Khi nội chiến Tây Ban Nha nổ ra, Simone Weil lên đường đi Barcelona (năm 1936), xin vào chiến đấu ở Colonna Durutti, một lữ đoàn vô chính phủ. Tôi nhấn mạnh sự vô chính phủ - bà chọn như thế bởi lý tưởng của người vô chính phủ là phi lai. Nhưng bởi tai nạn và đau ốm, thời gian bà lưu lại Tây Ban Nha rất ngắn.
Năm 1938, Simone Weil, dùng lời của bà, “bị Christ tóm lấy.” Không ai có quyền trình bày tiểu sử của bà như một câu chuyện cải đạo thuần thành. Chúng ta biết mẫu của câu chuyện ấy: cuộc xoay chuyển càng dữ dội, sự chối bỏ cái cũ càng hoàn toàn thì càng tốt cho mục đích giáo dục. Trường hợp của bà không nên dùng từ “cải đạo”. Bà nói trước đây chưa bao giờ bà tin rằng một việc như thế, sự giao tiếp cá nhân với Chúa, là khả dĩ. Nhưng bà cũng nói rằng suốt cuộc đời có ý thức của mình, tư thế của bà vẫn luôn là tư thế Cơ đốc nhân. Tôi trích lời bà ở đây: “Người ta chỉ có thể vâng theo Chúa nếu nhận được mệnh lệnh. Làm sao tôi có thể nhận được mệnh lệnh ở buổi đầu tuổi trẻ nếu tôi tuyên bố vô thần?” Một đoạn khác: “Tôn giáo, trong chừng mực nó là nguồn an ủi, lại ngăn ta đến được lòng tin đích thực: theo nghĩa ấy, vô thần là sự thanh tẩy. Tôi phải vô thần với phần con người tôi không dành cho Chúa. Với những người mà phần siêu nhiên còn chưa được đánh thức, vô thần là đúng, tin là sai.”
Vị trí độc nhất của Simone Weil trong thế giới hiện đại nằm ở sự tiếp nối hoàn hảo trong suy nghĩ của bà. Khác hẳn những ai phải đoạn tuyệt quá khứ khi trở thành Cơ-đốc nhân, bà còn phát triển các ý đã có từ trước năm 1938 hơn, đưa chúng vào một trật tự chặt chẽ hơn nhờ luồng sáng mới. Những ý ấy xoay quanh xã hội, lịch sử, Marxism và khoa học.
Simone Weil thành thật tin rằng Giáo hội La Mã là bậc hướng đạo chính danh duy nhất của sự thật hé lộ bởi hiện thân Chúa. Bà tin sâu sắc vào hiện diện, thực chứ không phải biểu tượng, của Christ trong Tiệc thánh. Bà coi việc được thuộc về giáo hội là một hạnh phúc vô vàn. Vậy nhưng bà cự tuyệt hạnh phúc ấy cho mình. Trong quyết định không báp-têm, tin Christ nhưng ở bên ngoài Giáo hội của Christ, ta phải thấy hai động cơ. Thứ nhất, cảm giác của bà về việc của mình, rằng bà vâng theo Chúa và Chúa muốn bà cả đời phải neo mình ở “đúng ngưỡng cửa”, cùng với tất cả những người ngoại giáo. Thứ hai: sự kháng cự của bà đối với sự trừng phạt của Giáo hội đối với những người dị giáo.
Sau thất bại của nước Pháp, bà sống ở Marseille một thời gian, năm 1942 thì đáp thuyền sang Casablanca rồi từ đó đi New York, hy vọng được tham dự Uỷ ban Người Pháp Tự do ở London. Ý định của bà là phục vụ cho chính nghĩa của nước Pháp trong chiến đấu, nếu có thể. Sau vài tháng ở New York, bà đến London. Năm 1943, bà mất trong một dưỡng đường ở Ashford, nguyên nhân bên ngoài là thiếu dinh dưỡng, vì bà tự cắt khẩu phần của mình bằng đúng mức nước Đức áp cho người Pháp.
Đó là cuộc đời Simone Weil. Một cuộc đời chủ ý ngu ngốc. Trong một lá thư viết cho gia đình, bình luận về vai trò của những kẻ ngu ngốc trong kịch Shakespeare, bà nói: “Chỉ trong thế giới ấy, con người mới bị đẩy đến mức thấp nhất của tủi nhục, thấp hơn nhiều sự ăn xin, không chỉ, không chỉ không có ví trí xã hội nào mà còn bị tất cả những kẻ khác coi là thiếu phẩm cách cơ bản của con người, là lý trí - chỉ những kẻ như thế mới có khả năng nói được sự thật. Tất cả những kẻ khác chỉ nói dối.” Và về mình: “Những tán tụng về trí tuệ của tôi chỉ có mục đích là vòng tránh câu hỏi này: Cô ta có nói sự thật hay không? Cái nhãn bị áp lên tôi - một “người trí tuệ” - cũng đâu khác gì cái nhãn “ngu ngốc” được dán lên những kẻ thiểu năng. Tôi thích cái nhãn kia hơn nhiều!”
Không chút nương nhẹ khi viết, hoàn toàn hờ hững với mốt và kiểu, bà cứ thể đi thẳng tới cốt lõi vấn đề đang ám bao nhiêu người ngày nay. “Một người bà cả gia đình chết vì bị tra tấn, và chính mình cũng bị tra tấn rất lâu trong trại tập trung. Hay một người Anh-điêng thế kỷ mười sáu, kẻ duy nhất sót lại sau cuộc thanh trừng dòng giống hắn. Những người như thế, nếu từng tin vào sự xót thương của Chúa thì hoặc sẽ không tin nữa, hoặc sẽ nhìn lòng tin ấy khác hẳn.” Nhìn như thế nào? Câu trả lời mà Simone Weil đề xuất sẽ không hợp ý những ai tôn thờ nữ thần Lịch sử; nhưng cả đối với học thuyết Thomas Aquinas, nó cũng có thể bị coi là dị giáo.
(còn nữa)
Anh Hoa dịch
tôi từng cầu nguyện rất nhiều nhưng giờ thì không thể nữa