Melville và James
tức là, tiếp tục cuộc đọc dài ở kia
"Chúng ta mang bên trong mình các kỳ quan mà chúng ta cứ đi tìm ở bên ngoài chúng ta; có toàn bộ châu Phi cùng những gì phi thường của nó trong chúng ta; chúng ta chính là tác phẩm đầy táo bạo và nhiều tính cách phiêu lưu của Tự nhiên; và người nào nghiên cứu nó một cách khôn ngoan thì sẽ học được, trong một bản tóm tắt ngắn, những gì mà các kẻ khác phải ra sức viết hàng đống sách, những tập dày bất tận, để tìm hiểu."
Đoạn trên đây là của Thomas Browne, nhân vật không hẳn được biết nhiều nhưng luôn luôn thu hút những tinh thần đặc biệt nhất: gần đây, Sebald vẫn còn bị Browne quyến rũ và, ở thời điểm của mình, Melville, nhờ đọc Browne mà được gợi ý rất nhiều.
Đấy là lúc Melville đã viết Typee và Omoo và trở nên vô cùng nổi tiếng, khi còn rất trẻ. Đột nhiên, như thể muốn phá đi danh tiếng vừa kiếm được, theo lối không hề dễ dàng, đối với một người chưa bao giờ thực sự được học hành, nhà văn Melville làm người ta nghi hoặc khi in Mardi: tất tật đều trông đợi những câu chuyện mới về "Biển Nam" (50 năm sau Melville, sẽ lại có một nhân vật văn chương kiệt xuất làm vùng biển ấy sáng lấp lánh lên: Robert Louis Stevenson): dễ đọc, dễ hiểu, nhiều "exotic".
Rất dễ bị rối trí với những gì các nhân vật trong Mardi làm và nói: người ta ngờ rằng Yillah, Yoomy, Babbalanja hay Mohi ở quần đảo Mardi muốn cho thấy những gì đó rất bí hiểm. Ngay cả nhân vật chính, người kể chuyện hay Jarl the Viking cũng khiến độc giả hồi cuốn sách mới in (các độc giả đầu tiên thường chuẩn xác nhất, hoặc bị đánh lừa nhiều nhất) cảm thấy không thể nắm bắt nổi.
Không ai hiểu nổi là Melville đang bắt đầu mấy năm kỳ diệu thuộc vào giai đoạn kỳ diệu hơn cả của không chỉ văn chương Mỹ mà còn của cả lịch sử văn chương thế giới. Năm 1849, Melville cho in Mardi và Redburn, sang đến 1850 thì Jacket Trắng và 1851, Moby Dick.
Chính với Mardi, bắt đầu từ đó, Melville có một chuyển hóa lớn, từ một chú cá nhỏ (dẫu có thể là cá mập) biến thành cá voi. Chuyển hóa ấy có kết quả là tạo ra, từ một sự ngây thơ nhiều phần hoang dã (như chính nước Mỹ vào thời kỳ ấy), một tác giả mà văn chương rộng lớn như biển và động như những khi có bão.
Herman Melville và Henry James là hai mặt tạo ra ý thức Mỹ của thế kỷ 19, với bên này là tự nhiên, còn bên kia là văn hóa. Đại dương của Melville có tương ứng, ở James, là lục địa châu Âu.
Dưới đây là ba chương của Jacket Trắng, bắt đầu từ việc Jacket Trắng bị buộc tội, ngay sau khi bị bắt phải chứng kiến hình phạt giáng xuống một người khác. Chinh ở đây, Melville đặt ra câu hỏi: luật là gì, tự nhiên là gì và luật tự nhiên thì có thể là gì?
Jacket Trắng
- Herman Melville
CHƯƠNG LXVII - JACKET TRẮNG BỊ BUỘC TỘI TẠI CỘT BUỒM CHÍNH
Khi cùng năm trăm người khác làm khán giả bắt buộc trận đánh đòn Rose-water tội nghiệp, tôi chẳng mấy có thể tưởng tượng điều gì Định Mệnh đã sắp xếp cho chính tôi vào ngày kế tiếp.
Gã con lai đáng thương! tôi nghĩ, một kẻ thuộc một sắc dân bị đè nén, người ta hạ thấp ngươi như một con chó. Ơn Chúa! tôi là một người da trắng. Tuy nhiên tôi đã thấy những người da trắng cũng bị phạt roi; bởi, đen hay trắng, tất tật bạn thuyền của tôi đều có thể phải chịu phạt đòn. Tuy vậy, có điều gì đó trong chúng ta, theo cách nào đó, mà ở tình cảnh bị hạ thấp nhất, chúng ta sẽ chộp lấy một dịp để đánh lừa chính mình bằng một thứ ưu trội tưởng tượng so với những người khác, những người ta cho là ở nấc thang thấp hơn mình.
Đáng thương thay Rose-water! tôi nghĩ; gã con lai tội nghiệp! Thiên đường sẽ ban cho ngươi một ân xá vì sự xỉ nhục ngươi phải chịu!
Để làm rõ sự thể sẽ có liên quan, cần nhắc lại điều đã đề cập ở đoạn nào đấy trước đây, rằng trong việc lèo lái con tàu thì mỗi hải nhân trên một chiến hạm đều có một vị trí được phân công cụ thể. Vị trí đó là gì, thì sẽ do viên Thượng úy cho biết; và khi lệnh truyền miệng để lái con tàu vào gió hay ra gió, mỗi hải nhân có bổn phận phải có mặt ở vị trí được giao. Nhưng giữa nhiều con số và vị trí khác nhau mà viên Trung úy thâm niên đưa cho tôi, khi tôi mới đặt chân lên khinh hạm này, thì anh ta đã bỏ mất thông báo vị trí cụ thể cho tôi vào những lúc như đã nói và, chính xác vào thời gian đang kể tới đây, tôi gần như không biết tôi lẽ ra phải ở vào cái chỗ đặc biệt nào nữa. Về những người khác, tôi thấy họ dường như sẽ nắm lấy sợi thừng đầu tiên được giao vào tay, như một hải nhân thương thuyền sẽ làm vào các tình huống tương tự. Thực ra, về sau tôi phát hiện, tình trạng của kỷ luật chính là như thế - ít nhất,trong một trường hợp cụ thể này - có rất ít thủy thủ có thể nói vị trí đúng của mình là ở đâu, khi lèo lái vào gió hay ra gió.
“Tất cả vào đổi hướng tàu, ahoy!” thông báo như vậy được người của quản tàu hô lên tại các cửa khoang vào buổi sáng sau hôm định mệnh cay đắng của Rose-water. Đấy là lúc tám tiếng chuông - buổi trưa, và nhảy vọt khỏi chỗ cái jacket trắng của tôi, mà tôi đã trải ra giữa các cỗ súng làm một chỗ nằm trên boong chính, tôi chạy tới chỗ thang, và, như thường khi, nắm lấy dây néo trục buồm chính, mà năm mươi gã đang bám theo lên phía trước. Khi có lệnh quay buồm đỉnh cột chính! vang lên qua cái loa đồng, tôi kéo sợi dây néo đó với toàn tâm và sức, đến độ hầu như đã tự tâng bốc mình về hiệu lực của mình trong việc khiến chiếc khinh hạm lượn lên hướng khác, xứng đáng với một diễn từ cảm ơn công khai, và một cái cúp bạc từ Quốc hội.
Nhưng có gì đó đã xảy đến ở giữa chừng trên cao khi các trục buồm chao đảo; một chút bối rối kéo theo; và, tức giận hằn trên trán, Thuyền trưởng Claret tiến ra để xem có chuyện gì. Không ai buông dây-gió của trục buồm chính! Đã vậy, sợi thừng lại còn bị thắt nút bởi một tay nào đấy, và các trục buồm không bị cản, quay lại.
Khi sợi thừng cuối được cuộn lại, đi khỏi đó, Thuyền trưởng muốn Thượng úy tìm xem ai đã ở vị trí dây gió chính (tức là mạn phải) đó. Với một bộ dạng bực bội viên Thượng úy sai một học viên đem Sổ Vị trí đến, liếc qua một cái, thì tên tôi được thấy ở vị trí có vấn đề đó.
Vào lúc ấy thì tôi đang ở boong súng bên dưới, và chẳng hay các sự thể đó; nhưng chỉ chốc lát sau, tôi nghe người của quản tàu hô tên tôi ở tất cả các cửa khoang, và dọc theo ba tầng boong. Đấy là lần đầu tiên tôi nghe tiếng ấy vang suốt tận những ngóc ngách xa nhất trong tàu, và biết rõ sự này báo hiệu một cách phổ biến điều gì cho các hải nhân, tim tôi nhảy lên họng tôi, và tôi vội vã hỏi Flute, thuộc hạ quản tàu tại cửa khoang trước, tôi bị gọi vì chuyện gì.
“Thuyền trưởng muốn gặp anh trên cột chính,” gã đáp. “Sẽ phạt đòn anh, tôi đoán vậy.”
“Vì cái gì?”
“Mắt tôi này! mặt anh có đánh dấu rồi, phải không?”
“Tôi bị gọi vì chuyện gì?” tôi lặp lại.
Nhưng ngay đó tên tôi lại vang lên như sấm từ một tay thuộc hạ khác của quản tàu, và Flute giục tôi đi mau, ra dấu rằng tôi sẽ biết ngay Thuyền trưởng đòi tôi về chuyện gì thôi.
Tôi cố nuốt tim mình xuống khi chạm tới boong lửng, cho một khoảnh khắc thôi cân bằng lại chính mình ở tư thế tốt nhất, và rồi, hoàn toàn mù tịt về những gì sẽ được cáo buộc chống tôi, tiến về phía cái tòa án đáng sợ của chiếc khinh hạm.
Khi tôi đi vào lối sảnh chính, đã thấy tiểu sĩ quan dựng khung lên; tay quản tàu với cái bao xanh đựng roi; sĩ quan nội vụ sẵn sàng giúp lột áo ai đó.
Tôi lại tuyệt vọng nuốt hết tâm hồn trong tôi, và thấy mình đang đứng trước Thuyền trưởng Claret. Bộ mặt đỏ ửng của ông ta hiển nhiên cho thấy không có gì vui vẻ. Trong đám sĩ quan đứng bên ông ta có viên Thượng úy, tay này, bởi tôi đến sau, nhìn tôi với một vẻ khiến tôi nhận thấy rõ ràng anh ta cực kỳ khó chịu tôi vì mang cái vẻ vô tội trước cách thức mà anh ta dùng để duy trì kỷ luật trên tàu này.
“Tại sao anh không ở vị trí của anh, sir?” Thuyền trưởng hỏi.
“Vị trí nào ông muốn nói đến, sir?” tôi nói.
Theo lệ thường với hải nhân chiến hạm phải kính cẩn chạm tay lên mũ đứng trả lời với mỗi câu nói với Thuyền trưởng. Nhưng bởi điều đó không bắt buộc đối với tôi theo Luật Thời chiến, tôi không làm như vậy ở trường hợp này, và cả trước đó, tôi chưa bao giờ có cái vinh dự nguy hiểm được nói chuyện tay đôi với Thuyền trưởng Claret.
Ông ta mau chóng nhận ra tôi bỏ qua sự tôn vinh thường lệ ông ta vẫn nhận được, và bản năng bảo tôi, rằng ở một chừng mực nhất định, điều đó quay trái tim ông ta chống lại tôi.
“Vị trí nào, sir, ngài nói tới?” tôi nói.
“Anh giả ngơ à,” ông ta đáp; “không giúp gì cho anh đâu, sir.”
Liếc nhìn Thuyền trưởng, viên Thượng úy giở Sổ Vị trí, và đọc tên tôi gắn với chỗ trên dây gió chính mạn phải.
“Thuyền trưởng Claret,” tôi nói, “đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy rằng tôi được giao cho vị trí đó.”
“Thế này là sao, Mr. Bridewell?” ông ta nói, quay sang viên Thượng úy, với một biểu hiện bắt lỗi.
“Không thể như vậy, sir,” viên sĩ quan nói, cố giấu sự bực mình, “nhưng người này phải đã biết về vị trí của anh ta.”
“Tôi chưa từng biết điều đó trước thời khắc này đây, Thuyền trưởng Claret,” tôi nói.
“Anh mâu thuẫn với sĩ quan của tôi à?” ông ta quay lại. “Tôi sẽ phạt roi anh.”
Tôi đã ở tàu này hơn một năm, và vẫn còn chưa bị phạt roi; con tàu đang trên đường về nhà, và trong vài tuần nữa, là cùng, tôi sẽ là một người tự do. Và giờ đây, sau khi tự ẩn mình về một vài chuyện, để tránh khả năng bị phạt đòn, thì cái sự đó đang treo trên đầu tôi ở đây vì một điều hoàn toàn không thể đoán trước, về một tội mà tôi hoàn toàn vô can. Nhưng tất cả là vô ích. Tôi đã thấy ca của mình vô vọng rồi; lời bác bỏ nghiêm trang của tôi bị khiển trách, và gã thuộc hạ quản tàu đứng đó cuộn cây roi con mèo vào các ngón tay của gã.
Có những lúc mà các ý nghĩ hoang dại nhập vào trái tim một người, khi anh ta dường như hầu vô trách nhiệm đối với hành vi của mình và xử trí của mình. Thuyền trưởng đứng về bên mạn gió của boong. Phía bên cạnh ông ta, trên một đường thẳng không có vật cản nào tới ông ta, là phía dưới gió của lối sàn chính, nơi các thang treo thả xuống ở cảng. Không có gì ngoài một thoáng của thứ hóa tội lỗi để đi vào khoảng mở đó, cái khoảng bị cắt ngay dưới tầm chân của Thuyền trưởng, bày ra mặt biển xa tắp. Tôi đứng phía trên gió một chút so với ông ta và, dẫu ông ta to bè, đầy sức mạnh, chắc chắn một cú xô bất ngờ vào y, theo chiều nghiêng mặt boong, sẽ đẩy tung ông ta không gì cản nổi lao đầu xuống đại dương, cho dù người đẩy ông ta cũng lao theo vượt qua cả ông ta. Máu tôi tựa hồ vón cục trong huyết quản; tôi cảm thấy lạnh giá ở đầu những ngón tay, và một mờ tối giăng trước mắt tôi. Nhưng qua cái mờ mịt đó gã thuộc hạ quản tàu, roi trong tay, trương lên như một gã khổng lồ, và Thuyền trưởng Claret, và biển xanh qua khoảng mở trên lối sàn chính, bày ra một vẻ sống động kinh khủng. Tôi không thể hiểu được trái tim mình, dù lúc ấy nó vẫn nguyên ở bên trong tôi. Nhưng cái điều xô đẩy tôi về phía mục đích của tôi hoàn toàn không phải ý nghĩ rằng Thuyền trưởng Claret sắp hạ phẩm giá tôi, và rằng tôi đã thề với tâm hồn tôi ông ta sẽ không làm được. Không, mà là tôi cảm nhận tính người của tôi từ rất sâu bên trong mình, mà không lời lẽ, không cú đánh, không đòn roi nào của Thuyền trưởng Claret có thể cắt vào tôi đủ sâu tới đó. Tôi chỉ bừng bừng với một bản năng trong mình - cái bản năng lan tràn xuyên suốt tất cả những sinh thể tự nhiên, cùng cái xui khiến ngay cả một con giun oằn lên dưới gót người. Buộc chặt tâm hồn tôi vào tâm hồn của ông ta, tôi dự định sẽ lôi Thuyền trưởng Claret từ cái tòa án trần gian này của ông ta đến tòa án của Đấng Jehovah và để cho Ngài phán quyết giữa chúng tôi. Không có cách nào khác tôi có thể thoát ra trận đòn này.
Tự nhiên không gieo bất kỳ sức mạnh nào trong con người mà không để thi triển ra lúc này lúc khác, dẫu quá thường xuyên các quyền năng đó bị lạm dụng. Cái ưu quyền, bẩm phú và không thể chuyển giao, mà mỗi người đều có trong việc tự làm chết mình, và gây cái chết cho người khác, đã không được ban cho chúng ta mà không có một mục đích. Đấy là những nguồn lực cuối cùng của một tồn tại bị lăng nhục và không thể chịu đựng nữa.
“Đến khung, sir!” Thuyền trưởng Claret nói; “anh có nghe không đấy?”
Mắt tôi đang ước lượng khoảng cách giữa y với biển.
“Thuyền trưởng Claret,” một giọng cất lên từ trong đám đông. Tôi quay nhìn xem đó có thể là ai, mà táo gan can thiệp vào một cảnh huống như lúc này. Đó chính là tay cai thủy binh đáng chú ý, đẹp trai và lịch sự, Colbrook, mà tôi đã nói qua trong một chương trước về việc giết thời gian trên một chiến hạm.
“Tôi biết người này,” Colbrook nói, chạm tay lên mũ, và nói bằng một giọng nhẹ nhàng, cứng rắn, nhưng hết sức kính trọng; “và tôi biết rằng anh ta không bị thấy vắng mặt ở vị trí của anh ta, nếu anh ta đã biết nó ở đâu.”
Loại phát biểu này hầu như chưa từng thấy. Hiếm hoi hoặc chưa bao giờ trước đây một thủy binh dám nói với Thuyền trưởng của một khinh hạm thay mặt cho một hải nhân trước cột buồm chính. Nhưng có gì đó rất thẩm quyền theo lối không hợm mình trong phong thái điềm tĩnh của tay đàn ông này, thành thử Thuyền trưởng, dù kinh ngạc, đã không cách gì khiển trách anh ta. Chính sự can thiệp rất không bình thường của Colbrook dường như là sự che chở cho chính anh ta.
Được cổ vũ, có lẽ, với tấm gương của Colbrook, Jack Chase can thiệp, và bằng một cung cách đường hoàng nhưng cẩn trọng tôn kính, lặp lại nhận xét của viên cai thủy binh, nói thêm rằng ông chưa bao giờ thấy vắng mặt tôi trên đỉnh.
Thuyền trưởng nhìn từ Chase qua Colbrook, và từ Colbrook qua Chase - một người hàng đầu trong đám hải nhân, người kia là hàng đầu trong đám binh sĩ - rồi nhìn quanh một lượt toàn thủy thủ đoàn túm tụm và nín lặng và, như thể một nô lệ của Định Mệnh, dẫu là Thuyển trưởng tối cao ở một tàu khinh hạm, ông ta quay sang viên Thượng úy, đưa ra nhận xét bâng quơ gì đó, và bảo tôi anh được phép đi, rồi quay lưng thong thả đi vào ca bin ông ta; trong khi tôi, kẻ, trong nỗi tuyệt vọng của tâm hồn mình, chỉ còn cách làm một kẻ giết người và tự sát để thoát ra, hầu như òa ra khóc nỗi biết ơn ngay nơi tôi đã kháng cự.
CHƯƠNG LXVIII - VÒI NƯỚC TRÊN MỘT CHIẾN HẠM, VÀ NHỮNG THỨ KHÁC
Ta hãy quên vụ phạt roi trên lối sàn chính trong một lát, và mau chóng lục lọi trong ký ức nhằm lôi ra vài thứ lặt vặt thuộc vào thế giới chiến hạm của chúng tôi. Tôi không để bất cứ gì lọt khỏi ghi nhận, dù là nhỏ; và cảm thấy mình được thúc đẩy bởi cùng cái động cơ đã thúc đẩy nhiều nhà ký sự sáng giá thời cổ, để mà ghi lại những vật có liên can tầm thường nhất bị định phận sẽ hoàn toàn biến mất khỏi thế gian, và là những thứ, nếu không được lưu tồn bằng vết khắc của thời gian, sẽ không tránh khỏi tiêu vong ngoài trí nhớ con người. Ai biết được rằng trình thuật khiêm nhường này về đời sau lại không chứng thực cái lịch sử của một lề lối man dã không còn nữa? Ai mà biết, khi các chiến hạm không còn nữa, Jacket Trắng lại không được trích dẫn để cho dân của Thiên niên kỷ biết được một chiến hạm là cái gì? Chúa thúc thời gian! Kìa! đoàn lũ những năm, hãy kéo nhau tới đây, và ban phước cho con mắt chúng ta trước khi chúng ta chết.
Không có khoảng nào trên một khinh hạm nơi ta sẽ gặp nhiều hơn những người lạ đến và đi, và nghe hóng được nhiều hơn những chào hỏi và chuyện vãn của những người quen biết, cho bằng cái khoảng ngay xung quanh cái thùng nước uống, ở ngay phía trước cửa xuống khoang chính, trên boong pháo.
Thùng nước uống là một cái thùng được sơn, tròn, chắc chắn, dựng trên một đầu, và đầu kia mở, bày ra một cái giá chạy vòng quanh, hẹp, nơi để một số cốc sắt tây cho người uống tiện dùng. Ở giữa bên trong thùng nước này, thẳng lên một vòi bơm bằng sắt, thứ, nối xuống các bể chứa lớn dưới hầm tàu, cấp lên một nguồn cung không dứt thứ Bia Nhợt, trước tiên được ủ trong các khe lạch của vườn Eden, và được đóng dấu nhãn hiệu của cha già Adam, người chưa bao giờ biết vang nho là cái gì. Chúng ta nợ ông bán rượu già Noah về chuyện đó. Thùng nước uống này là cái vòi nước duy nhất trên tàu; và đây là nơi duy nhất ta có thể uống, ngoài ở bữa ăn. Suốt ngày đêm một lính cảnh vệ vũ trang đi đi lại lại trước cái thùng này, lưỡi lê cầm tay, trông nom không để chút nước nào bị lấy đi, trừ khi theo luật định. Tôi tự hỏi sao họ không đặt cảnh vệ tại các cửa sổ tròn bên mạn, để canh không cho chút không khí nào được hít, trừ phi theo quy định của Hải quân.
Bởi năm trăm con người đến uống nước tại cái thùng này; bởi nó thường bị đám hầu cận của các sĩ quan xúm quanh lấy nước cho chủ mình rửa; bởi các tay bếp nối nhau, tới đây để đổ đầy những bình cà phê; và bởi các tay bếp của các đám trên tàu đến lấy nước cho những món nấu của mình, cái thùng nước uống này có thể gọi là vòi bơm nước của thành phố-con tàu. Và nếu người cùng xứ sở tài giỏi của tôi, Hawthorne ở Salem, có từng phục vụ trên một chiến hạm vào thời của ông, thì hẳn ông đã cho chúng ta đọc về một “khe suối” từ cái thùng nước uống.
*
* *
Cũng như tại tất cả các thiết chế phổ biến - tu viện, xưởng quân giới, trường cao học, kho bạc, bưu điện thành phố lớn, và những nhà dòng - có nhiều phòng ngách nhỏ ấm cúng, trong đó một số nhất định những viên chức hưu trí quá già được dung dưỡng; và, đặc biệt hơn, như trong hầu hết các cơ sở của giáo hội, có những phòng riêng dành cho các giáo sĩ hưu trí được lựa chọn, trần thiết đủ các tủ chạn và giá treo; cũng vậy, trên một chiến hạm, có nhiều chỗ nhỏ tương tự đủ loại để dung dưỡng những thủy thủ già mất sức hoặc đau xương đau khớp. Đứng đầu trong đám ấy là phòng của người giữ dây lèo buồm.
Có một đường ray chắc chắn trên boong, tại vùng chân của mỗi cột buồm, chỗ cho một số những dây néo, dây nâng, và dây lèo giữa buồm được giữ vào các cọc chốt. Bổn phận duy nhất của người giữ dây lèo là trông nom cho các dây dợ này luôn luôn sạch, để bảo đảm nơi làm việc của anh ta ở vào tình trạng gọn ghẽ dễ dùng nhất có thể, và mỗi sáng Chủ nhật anh ta lại cuộn các dây này thành những cuộn kiểu Flemish chặt chẽ.
Người giữ lèo buồm chính của tàu Neversink là một hải nhân lão thành, người xứng với chỗ ngủ tiện nghi của ông. Ông ta đã hơn nửa thế kỷ phục vụ tích cực và, xuyên suốt, đã chứng tỏ mình là một người tốt và đáng tin. Ông ta cho thấy một thí dụ hiếm có về một thủy thủ đã già vẫn trẻ; bởi, với phần lớn thủy thủ, tuổi già đến trong lúc còn trẻ, và Cực nhọc cùng Tật xấu đưa họ sớm lên một cái cáng ra mộ.
Khi ở vào hoàng hôn của đời mình, và vào một buổi cuối ngày, ông lão Abraham ngồi trên bậc cửa lều, chờ tới lúc của mình để chết, người giữ lèo buồm của chúng tôi cũng ngồi như vậy trên lớp vải sơn bọc chân cột buồm, đưa mắt nhìn quanh với vẻ nhân từ cha chú. Và thể hiện êm đềm đó của ông ta trưng ra một cách rất lạ lùng một bộ mặt đã bị rám đến gần như đen bởi thiêu đốt của nắng từ năm mươi năm qua - một bộ mặt bị xẻ với ba đường cắt bởi gươm. Ta gần như sẽ nghĩ ông già coi thừng này đã ngã lăn từ đỉnh Vesuvius, nếu chỉ nhìn vào ba vết sẹo của ông ta, đen kịt trên trán, cằm, và hai bên má. Nhưng hãy nhìn vào mắt ông ta, và dẫu tất cả tuyết của Thời gian hết lớp này lớp khác chất cao trên lông mày, thì sâu trong mắt ông, ta nhìn thấy cái nhìn trong trẻo không tội nợ, như một đứa bé con, cùng cái nhìn đã đáp lại cái nhìn của bà mẹ ông lão khi lần đầu bà khóc thấy thằng bé được đặt nằm bên mình.
*
* *
Các Lord Nelson ở biển, dù chỉ là các Nam tước trong triều, thường xuyên chứng tỏ hùng mạnh hơn chủ nhân hoàng gia của bọn họ; và tại những bối cảnh như Trafalgar - hạ bệ Hoàng đế này và vãn hồi triều đó - họ thực thi trên đại dương cái công việc trên đất liền của Richard Neville hùng mạnh, vị Bá tước “Buôn Vua”. Và như Richard Neville ngồi vững trong cái lâu đài chiến hạm cũ của mình với hào sâu bao bọc ở Warwick, cái pháo đài có bên dưới lòng đất của nó những hầm vòm xuyên qua, đục đẽo vào đá rắn, và chằng chịt như những khe răng của những cái chìa khóa cũ của Calais giao nộp cho Edward III; cũng giống như thế các ông Đề đốc Đế vương này ở trong những khinh hạm có đại bác canh gác, có nước xung quanh, đào vào gỗ sồi, boong chồng lên boong, như xà lim này dưới xà lim kia.
Và như những người lính canh thời Trung Cổ của Warwick, hằng đêm khi lệnh giới nghiêm, tuần tra các vị trí chiến đấu, và xuống các vòm ngầm xem các đèn đóm đã tắt hết chưa, cũng thế, người của nội vụ và những viên cai ở một khinh hạm dạo qua hết các boong chiến hạm, thổi tắt hết những cây đèn nến còn cháy sáng không đúng luật ở các lồng đèn vách. Đúng là, trong những việc này, dù hầu hết là sĩ quan bậc thấp nhất trên tàu, nếu họ bắt gặp viên Niên trưởng Trung úy thức khuya trong phòng lớn của anh ta, đọc sách giáo khoa hàng hải của Bowditch, hay Về thuốc súng và súng tay của d’Anton, họ sẽ không ngần ngại thổi tắt ngay ngọn nến dưới mũi anh ta; ngay cả Đại Tể tướng cũng không dám nổi giận với sự mất mặt đó.
Nhưng, vô tình, tôi đã đề cao, bởi phép so sánh lịch sử lớn, một gã thuộc hạ của nội vụ, dân do thám Ái Nhĩ Lan, hay cãi vặt, tọc mạch.
Quý vị hẳn từng thấy tay quản gia mỏng người, đi giày ngủ, vào lúc giữa đêm lọ mọ đi trong một tòa nhà cũ vùng quê, giật mình vì những phù thủy và con ma tưởng tượng, nhưng quyết trông thấy mọi cánh cửa đã cài then, mọi ánh ngún đỏ âm ỉ trong các bếp lò đã tắt, mọi kẻ lang thang trong nhà đã vào giường, và mọi cây đèn đã tối om. Đấy là viên nội vụ đi tuần đêm trên một khinh hạm.
*
* *
Có thể ai đó nghĩ, ít thấy ông Đề đốc trong các chương này, và rằng, bởi ông ta hiếm khi xuất hiện trên sân khấu, nên hẳn ông ta không thể là một nhân vật quan trọng đến thế, nói cho cùng. Nhưng những bậc quân chủ quyền lực nhất phần lớn thời gian giấu mình sau rèm. Quý vị có thể lưu lại ở Constantinople một tháng mà chẳng khi nào thoáng thấy được vị Sultan. Vị đại Lạt ma của Tây Tạng, theo vài tường thuật, không bao giờ hiện diện trước dân chúng. Nhưng bất cứ ai ngờ vực oai nghi của một ông Đề đốc, thì hãy biết rằng, theo chương XLII của Luật Thời chiến, ông ta được trao cho một ưu quyền, nó, theo các luật gia quân chủ, là không thể tách rời với ngôi vua - quyền ân xá trọn vẹn. Ông ta có quyền tha thứ tất cả những vi phạm phạm phải trong hạm đội dưới quyền mình.
Nhưng ưu quyền đó chỉ là của ông ta lúc ở ngoài biển, hoặc ở một cảng ngoại quốc. Một ý nghĩa đặc biệt thực tế về khác biệt lớn giữa toàn quyền về phương diện thể chế của một ông Đề đốc ngự trên boong đuôi của ông ta trong một cảng hải ngoại, với một ông Đề đốc không ngù vai ngả mình thư giãn trên một chiếc ghế êm trong gia đình mình ở nhà mình.
*
* *
Người ta đọc được, trong các biên niên sử của những đất nước có lịch sử lớn, chuyện đám hầu mồm tại triều đình phải làm cái việc phòng ngừa những thứ đồ thuốc độc. Tên hầu mồm có trách vụ nếm tất tật các món của vua trước khi ông vua dùng bữa. Trên những con tàu hiện đại, chuyện là ngược lại. Mỗi ngày, khi có tiếng chuông thứ bảy của phiên gác sáng (tức là 11 giờ rưỡi), đầu bếp tàu Neversink chậm rãi hiện ra từ cửa boong lớn, mang theo một cái nồi to bằng sắt tây trong đó có một miếng thịt bò muối hoặc thịt lợn, tùy trường hợp, được nấu cho cà mèn đám hải nhân. Một con dao cùng một cái dĩa được cắm thật thẳng vào thứ thịt bốc khói kia. Đầu bếp tiến lại gần cột buồm lớn, đặt cái nồi của mình lên đống dây dợ và, sau một cái chào long trọng, đợi niềm khoái thú của viên sĩ quan trực. Nghi lễ này thu hút mọi ánh mắt, bởi các thủy thủ trên một tàu chiến, còn hơn so với bất kỳ ai khác, hết sức nôn nóng về giờ ăn tối; và sự xuất hiện không suy suyển của Cà phê Cũ cầm theo cái nối, vào lúc có tiếng chuông thứ bảy, luôn luôn được thủy thủ đoàn đón tiếp với nỗi hài lòng sâu sắc nhất. Trong mắt tôi, viên đầu bếp đáng giá hơn nhiều một cái đồng hồ quả lắc. Và còn xa ông ta mới không biết về phẩm giá cùng tầm quan trọng của cái nghi thức mà ông ta dự phần sáng chói. Hành xử của ông ta đứng đắn cực điểm; và chừng tới “ngày pút đinh”, thì ông ta nâng cái khay của mình rất cao phía trên đầu, trưng ra một cái bánh nhợt nhạt và tròn nằm trên đỉnh miếng thịt bò ròng máu - có chút gợi lên, như vậy, nhân vật đao phủ thủ mà người ta hay thấy trên các bức tranh cổ, bày cái đầu của thánh John Tẩy giả đặt trên một cái khay to.
Đến đúng thời điểm, sĩ quan trực tiến lên vài bước và đứng khuỳnh đó, hai chân giạng rộng, để thanh soát. Cầm lấy con dao và cái dĩa, anh ta cắt lấy một miếng rõ ngon rồi vừa nhanh chóng nhai vừa nhìn chẳm chằm thẳng vào mắt đầu bếp; nếu thấy ngon, anh ta sẽ một lần nữa cắm dao dĩa vào thịt và kêu lên: “Tốt lắm; ông có thể phục vụ.” Vậy nên, người ta có thể bảo, trên một chiến hạm, các lãnh chúa là đám hầu mồm cho lũ tiện nhân.
Lẽ sống chính thức của nghi lễ này nằm ở chỗ nó cho phép sĩ quan trực chắc chắn được về việc viên đầu bếp trên boong đã nấu thịt của ông ta ổn thỏa. Nhưng vì tổng thể thịt không được kiểm tra, và đầu bếp có thể chọn bất kỳ miếng nào cho tra soát, cú test thật ra lỏng lẻo. Một chút lườn trắng bốp chọn khéo rồi thái nhỏ ra thì đâu có thể nào tạo dựng được một mẫu đặc trưng của một con ngỗng thịt dai ngoách.
CHƯƠNG LXIX - NHỮNG NGƯỜI CẦU NGUYỆN BÊN SÚNG
Những ngày huấn luyện, hay lệnh tập hợp toàn bộ, thỉnh thoảng lại diễn ra trên khinh hạm của chúng tôi, đã được mô tả rồi, cũng vậy các lễ Chủ bhật trên boong lửng; nhưng còn chưa nói gì về các lễ buổi sáng và buổi chiều hằng ngày ở các khu vực trên tàu, khi mọi người đứng im tại các cỗ súng của họ, và cha tuyên úy đơn giản là dâng lời cầu nguyện.
Ta hãy mở rộng về chủ đề này. Chúng tôi đang có nhiều thời gian; tình thế mời gọi; vì trông kìa! Neversink trên dường về nhà lướt đi trên một biển vui sướng.
Sau bữa sáng một lát tiếng trống báo hiệu đến các khu vực; và giữa năm trăm con người, rải ra trên cả ba boong, vào việc trong đủ mọi cách thức, tiếng trống quân hành đột ngột này lăn đi một điều kỳ diệu như âm thanh hướng dẫn theo đó mọi Dân Hồi ngoan đạo vào lúc mặt trời lặn sẽ quỳ sụp xuống đất bất kể đang làm gì, và trên khắp xứ Thổ Nhĩ Kỳ, dân chúng quỳ xuống đều tăm tắp cùng nhau hướng về Mecca thần thánh.
Thủy thủ chạy ngược chạy xuôi - số thì lên các cầu thang các boong, số thì chạy xuống - để tới những vị trí được giao trong thời gian ngắn nhất có thể. Trong ba phút tất cả đã đâu vào đó. Từng người, các viên sĩ quan nắm các khu vực khác nhau trên tàu lần lượt theo nhau về chỗ viên Thượng úy trên boong chính, và báo cáo tình hình và nhân sự khu vực của mình. Đáng tò mò khi nhìn sắc diện của họ lúc này. Một bầu im lặng sâu xa ngự trị; và, trồi lên từ cửa khoang chính, từ một trong những tầng boong sâu nhất, một viên sĩ quan trẻ mỏng mình xuất hiện, giữ thanh gươm bên đùi, và tiến tới dọc theo lối qua các cỗ súng với thủy thủ ứng trực, ánh mắt nghiêm nghị của y suốt trong lúc này chỉ gắn vào ánh mắt viên Thượng úy - sao bắc đẩu của y. Thỉnh thoảng y thử một bước đi theo nghi thức chào, một bước thẳng chân và tư thế bồng súng, và có vẻ tràn đầy một tầm quan trọng quốc gia ở cái y sắp thông truyền.
Nhưng khi rốt cuộc y tới đích của y, ta ngạc nhiên nhận thấy tất cả những gì y phải nói được truyền đạt bằng một cú chào kiểu Tam điểm chạm tay lên mũ, và một cú cúi mình. Rồi y quay đi và biến về phía khu vực của mình, có lẽ ngang qua nhiều viên Trung úy đồng sự, tất cả buộc phải làm cùng cái việc nhỏ mà chính y vừa làm xong. Suốt trong khoảng năm phút những sĩ quan này cứ đến rồi đi, mang tới thông tin nóng sốt từ tất cả các khu vực của tàu; được tiếp nhận một cách lãnh đạm nhất, tuy vậy, bởi viên Thượng úy. Đứng giạng chân, sao cho đủ bề thế với vị trí cao thượng hơn của phẩm giá anh ta, quý ông này đứng cứng nhắc như một cây thương trên sàn chính. Một tay giữ cây gươm ngắn - một vật đính kèm hoàn toàn chẳng cần thiết lúc đó; và cây gươm đó anh ta thu vào, chúc về phía sau, bên dưới cánh tay, giống như một cây dù vào một ngày nắng nỏ. Tay kia anh ta liên tục đưa lên hạ xuống mặt da phía trước mũ lưỡi trai của mình, đáp lễ các động tác chào và báo cáo của những người dưới quyền, với họ anh ta không hề chiếu cố ban cho lấy một tiếng, chỉ ra hiệu chấp nhận tin báo của họ, không hạ một lời cảm ơn cho nỗi khổ sở của đám ấy.
Cái hành vi liên tục thường xuyên chạm tay lên mũ giữa các sĩ quan trên một chiến hạm là lý do cho điều ta luôn để ý thấy rằng mặt trán của mũ bọn họ trông sờn, không sáng bóng, và xơ ra; thỉnh thoảng còn hơi nhờn bóng - dù, ở các mặt khác, cái mũ có thể vẫn còn mới và sạch. Nhưng về phần viên Thượng úy, anh ta cần có phần tiền lương phụ trội cho phép anh ta trả khoản trội vượt vì mặt trước của cái mũ; bởi anh ta là người mà bọn họ, suốt ngày, báo cáo không ngừng về đủ thứ việc do các Trung úy trẻ thực hiện; và không lượt báo cáo nào, dù chuyện vặt đến đâu, lại không có chạm tay lên mũ. Hiển nhiên các hành vi chào về mặt cá nhân phải nhân lên nhiều lần và cộng dồn lên với Trung úy Niên trưởng, người phải đáp lại tất cả chúng. Thực thì, khi một sĩ quan bậc dưới lần đầu được thăng lên phẩm cấp này, nhìn chung anh ta sẽ kêu ca về cùng cái sự mệt mỏi cho vai và khuỷu tay mà La Fayette đã than phiền, khi, đến thăm nước Mỹ, ông ta ít làm được việc gì ngoài việc lắc các bàn tay rắn chắc của những chủ trại ái quốc suốt từ sáng đến tối.
Các sĩ quan từ các khu khác nhau đã trình sự kính trọng, và đã quay về vị trí của mình, viên Thượng úy quay đi, và, đi về phía đuôi tàu, cố lọt vào cái nhìn của Thuyền trưởng, để chạm tay lên mũ với nhân vật này, và theo đó, không phải thêm một lời giải thích, cho biết tất cả nhân lực đã ở cỗ súng của họ. Anh ta là một kiểu bình chưng cất, hay người nhận tổng hợp, tập trung tất tật thông tin được trao vào anh ta, và xả nó lên cấp trên anh ta bằng một cú chạm tay lên mũ mình.
Nhưng có những khi Thuyền trưởng gặp lúc khó chịu, hoặc nổi cơn ác độc, hoặc thất thường thế nào đó, hoặc chợt hứng bày ra uy quyền toàn năng tối cao của mình; hoặc, có lẽ, rất vô tình mà viên Thượng úy đã, thế nào đó, chọc giận hay xúc phạm ông ta, và ông ta không sẵn lòng cho thấy một biểu hiện yếu của quyền thống trị của ông ta trên người kia, thậm chí là trước mắt tất cả hải nhân; ở tất cả các trường hợp, chỉ cần là bởi một trong các tình huống giả định được tính đến, thường xuyên Thuyền trưởng Claret sẽ cứ chỉ dạo bước qua lại trên boong đuôi, cố ý tránh ánh mắt mình khỏi viên Thượng úy, kẻ sẽ đứng ở bên dưới, hết sức bối rối, lo lắng chờ đợi cú liếc mắt đến từ thượng cấp của y.
“Nào ta có ông ta rồi!” viên sĩ quan này hẳn đã tự bảo, khi ông Thuyền trưởng bước quay lại phía y; “nào, lúc của mình đây!” và sẽ đưa tay lên mũ; nhưng, giời ạ! Ông Thuyền trưởng lại quay đi; và hải nhân ở các cỗ pháo sẽ ném cho nhau những cái nháy mắt ranh mãnh khi mà viên Thượng úy mím chặt môi kìm nén nỗi bực bội.
Ở một vài trường hợp cái cảnh ấy sẽ lặp lại nhiều lần, cho tới lúc rốt cuộc Thuyền trưởng Claret, hẳn nghĩ rằng trong mắt toàn bộ hải nhân, phẩm giá của ông ta lần này đã được gia cường chút ít rồi, bèn sải bước về phía tay thuộc hạ kia, nhìn thẳng anh ta; ngay đó người kia đưa tay lên mặt trước mũ y, và Thuyền trưởng, gật đầu chấp nhận báo cáo đó, rồi từ sân cao của mình hạ cố xuống boong chính.
Vào lúc này ông Đề đốc mới từ ca bin mình trồi ra, và bước tới đứng tựa vào lan can bằng đồng của cửa chính khoang sau. Khi đi ngang qua ông này, Thuyền trưởng làm một cú chào trịnh trọng, mà bề trên của ông ta đáp lễ, ra dấu rằng Thuyền trưởng hoàn toàn tự do tiến hành các nghi thức vào giờ đó.
Tiếp tục đi tới, Thuyền trưởng Claret cuối cùng dừng lại gần cột buồm chính, ở hàng đầu của một nhóm các sĩ quan của phòng sĩ quan, và bên cạnh sĩ quan Tuyên úy. Theo một dấu hiệu từ ngón tay Thuyền trưởng, ban kèn đồng khởi bài quốc ca Bồ Đào Nha. Lễ tiết này xong, từ ông Đề đốc đến cậu bồi phòng, tất cả mọi người trên tàu đều bỏ mũ xuống, và Thuyền trưởng Claret đọc một bài cầu nguyện. Khi lời nguyện hết, trống đánh báo hiệu giải tán, và nhân lực của tàu biến khỏi các cỗ súng. Ở trên biển hay trong cảng, nghi lễ này lặp lại mỗi buổi sáng và buổi chiều tối.
Nhưng những người đứng ở boong chính thì nghe được từng lời của Tuyên úy; còn khu vực pháo mà nhân số bằng một phần mười, nhiều người đứng dưới thấp, trên boong sàn tàu, thì chẳng nghe được lấy một chữ. Điều này dường như là một điều không may lớn; bởi tôi biết từ bản thân mình thật ơn phước và nhẹ nhõm ra sao được hai lần mỗi ngày hòa vào những tâm nguyện bình an này, cùng với Đề đốc, và Thuyền trưởng, và cậu giúp việc bé mọn nhất, liên họp lại trong sự nhìn nhận Chúa Toàn năng. Đó cũng là một cú chạm đến sự bình đẳng nhất thời do Giáo hội mang đến, mà một hải nhân chiến hạm như tôi quá đỗi mừng vui.
Cỗ pháo carronade của tôi tình cờ đối diện thẳng với chỗ lan can bằng đồng mà ông Đề đốc luôn luôn dựa vào mỗi buổi cầu nguyện. Lại gần nhau đến thế, hai lần mỗi ngày, trong hơn một năm, chúng tôi không thể không trở nên quen biết gương mặt của nhau. Chắc hẳn nhờ cảnh huống may mắn đó, nên đôi lần sau khi đã về nhà, chúng tôi vẫn có thể nhận ra nhau lúc tình cờ gặp ở Washington, tại một buổi vũ hội do ông Bộ trưởng người Nga, Nam tước de Bodisco, mời. Và dẫu, trong khi còn ở trên khinh hạm này, ông Đề đốc chưa bao giờ bằng bất cứ cách nào đề cập cá nhân đến tôi - mà tôi cũng không - tại cuộc vui công cộng của ông Bộ trưởng kia, chúng tôi đã chuyện trò rất thoải mái; tôi cũng không quên quan sát, trong cái đám đông những người danh giá ngoại quốc và những tai to mặt lớn từ khắp các khu vực của nước Mỹ, thì người bạn sáng giá của tôi xuất hiện không vẻ vang như khi tựa mình, đơn độc, vào lan can đồng trên boong chính tàu Neversink. Như nhiều quý ông khác, ông đã xuất hiện với ưu thế lớn nhất, và được cung kính nhất ở trong lòng ngôi nhà của ông, chiếc khinh hạm.
Buổi sáng và buổi chiều tối của chúng tôi ở các khu vực chiến hạm được đổi dạng sinh hoạt một cách ưng ý trong vài tuần bởi một tình cảnh đôi chút khác, thứ, đối với ít ra một số trong chúng tôi, luôn luôn có vẻ rất dễ chịu.
Lúc ở Callao, nửa căn ca bin của ông Đề đốc được dành một cách hiếu khách cho gia đình một ông lớn trông quý tộc, người sẽ là đại sứ của Peru ở Brazil, tại Rio. Nhân vật ngoại giao đáng kính này có bộ ria dài, uốn vểnh, gần như kéo rộng thêm cái miệng ông ta. Thủy thủ thì bảo ông này trông như một con chuột răng thò ra qua một búi xơ gai, hay là một con khỉ ở St. Jago nhòm qua một bụi lê dại.
Ông ta đi cùng bà vợ rất đẹp, và một đữa con gái còn xinh đẹp hơn, khoảng sáu tuổi. Giữa cô Di gan mắt đen bé tí này và vị tuyên úy của chúng tôi sớm nảy nở một mối gắn bó yêu quý gây ấn tượng tốt, đến nỗi họ hiếm khi tách nhau ra. Và mỗi khi trống gọi tập hợp, và thủy thủ vội vàng tới các vị trí của mình, quý cô bé tí này sẽ chạy nhanh hơn họ tới chiếm chỗ của mình tại bệ cột buồm, nơi con bé có thể đứng cạnh vị Tuyên úy, nắm tay anh ta, và nhìn chằm chằm lên mặt anh ta.
Đó là một cảnh nhẹ nhàng ngọt ngào trong cảnh kỷ luật nhà binh cứng rắn thống trị của chúng tôi - sự cứng rắn không chùng lại ngay cả vào lúc chúng tôi sùng kính trước ban thờ của đấng Chúa chung của cả ông đề đốc và cậu bé hầu phòng - khi nhìn đứa bé gái nhỏ đứng giữa những khẩu pháo cỡ ba-mươi-hai cân Anh, và thỉnh thoảng ném một cái nhìn dò hỏi, thương xót vào những hàng lớp thủy thủ khắc khổ xung quanh.
CHƯƠNG LXX - BUỔI TẬP HỢP HẰNG THÁNG QUANH TRỤ CỘT BUỒM CHÍNH
Ngoài việc diễn tập, và buổi cầu nguyện sớm và tối tập hợp người tất cả các khu vực trên tàu Neversink, vào ngày Chủ nhật đầu tiên mỗi tháng chúng tôi lại có cuộc “tập hợp quanh trụ cột buồm chính”, khi đó chúng tôi diễu hành nghiêm trước Thuyền trưởng và các sĩ quan, những người sẽ nhìn kỹ áo khoác và quần dài của chúng tôi, xem có phù hợp lề lối Hải quân không. Ở một số tàu, mọi nhân lực được yêu cầu mang theo cả túi và võng ra để kiểm tra.
Nghi thức này có cái vẻ nghiêm nghị nặng nề và, với một kẻ mới, thậm chí gây sợ, bởi việc viên thư ký của Thuyền trưởng đọc Luật Thời chiến trước toàn thể hải nhân của tàu, những người chứng tỏ sự tôn trọng bắt buộc của mình đối với luật ấy, đứng bỏ mũ cho tới khi câu cuối cùng được đọc xong.
Đối với một người đọc ngoài binh nghiệp thì việc xem kỹ các điều Luật Thời chiến này hẳn sẽ đem lại một vài cảm tưởng căng thẳng. Hãy hình dung, vậy, những cảm tưởng của tôi phải đến thế nào, khi mà, kính cẩn cầm mũ xuống tay, tôi đứng trước ông lãnh chúa và ông thầy của mình, Thuyền trưởng Claret, và nghe những điều Luật đó như luật và phúc âm, bất khả ngộ, bất khả kháng, theo đó tôi sống, hoạt động, và có được tồn tại của tôi trên tàu Neversink của Hợp chúng quốc. Trong số hai mươi vi phạm - bị xử phạt - mà hải nhân có thể phạm phải, và được cụ thể hóa trong luật này, thì mười ba vi phạm có thể bị xử chết.
“Sẽ bị tội chết!” Đấy là gánh nặng của gần như mọi điều Luật này mà thư ký của Thuyền trưởng đọc lên; bởi dường như y đã được chỉ dẫn để lược bớt những điều Luật dài hơn, và chỉ đọc những lời ngắn gọn và thẳng vào vấn đề.
“Sẽ bị tội chết!” Thông báo lặp đi lặp lại này rơi vào tai người ta như tiếng đại bác khai hỏa liên hồi. Sau khi đã nghe câu đó lặp đi lặp lại, ta sẽ chờ nghe người xướng ngôn kia bắt đầu một đoạn mới; ta nghe y đọc lời văn phức tạp, nhưng khúc chiết và hiểu được, kể ra chi tiết tất cả những vi phạm có thể, và ta nín thở chờ, xem liệu đoạn này có đi đến cũng cái tiếng súng kinh hoàng kia không. Khi mà, đó! nó lại nổ đùng bên tai ta - sẽ bị tội chết! Không chừa ra, không thể có bất ngờ gì nữa; không hứa hẹn xa xôi nhất nào về ân giảm hay ân xá; không một nét giảm tội nào trong câu; tất cả hy vọng và an ủi bị cấm ngặt - sẽ bị tội chết! đấy là sự thực đơn giản để ta hiểu cho nhanh; và đó là một miếng còn cứng hơn, hãy tin Jacket Trắng nói điều này, cứng hơn một quả đại bác cỡ bốn-mươi-hai-cân-Anh.
Nhưng có một le lói hy vọng về một sự thay thế đối với thủy thủ vi phạm Luật này. Một số điều kết thúc bằng: “Sẽ bị tội chết, hoặc hình phạt như một tòa án quân sự sẽ phán xử.” Nhưng đó phải chăng gợi ý một hình phạt còn nghiêm trọng hơn sao? Có lẽ ý nó là “chết, hoặc hình phạt tồi tệ hơn”.
Các quý ngài của Tòa Dị giáo Tây Ban Nha, Loyola và Torquemada! hãy làm ra, thưa các quý ông đáng kính, luật bí mật nhất của các vị, và khớp với những điều của Luật Thời chiến này, nếu các vị có thể. Jack Ketch, ngươi cũng từng kinh qua những điều này! Ngươi kẻ nhân từ nhất trong số những kẻ chết, ngươi đứng ngay bên chúng ta, và tròng dây vào cổ chúng ta, trong lúc cả thế gian này chống lại chúng ta - hãy bảo ta, kẻ hành phạt treo cổ, đâu là cái hình phạt, được gợi ý một cách kinh khủng là còn tệ hơn cái chết? Có phải đấy là, với cái bụng rỗng, mà đọc Luật Thời chiến mỗi buổi sáng, trong suốt quãng đời tự nhiên của con người ta? Hay là bị giam trong một xà lim, với tất cả các bức tường và trần dán đầy những bản in, chữ in nghiêng, các điều của Luật Thời chiến?
Nhưng không cần dài dòng về thứ tinh chất phập phồng của lòng tử tế con người, và bác ái Ki-tô hữu, và sự tha thứ những tổn thương tràn ngập cái tài liệu hấp dẫn này, vốn thấm nhuần đến thế, như một bộ luật Ki-tô giáo, cái tinh thần nhân từ của Bài giảng trên Núi. Song bởi nó là gần như giống nhau ở những quốc gia xa xôi nhất của Vương quốc Ki-tô, và nó được chính thức đặt ra bới những quốc gia đó, nó gián tiếp trở nên một chỉ báo về hoàn cảnh thật của nền văn minh thế giới hiện tại.
Bởi, hết tháng này qua tháng khác, tôi đứng đầu trần giữa những bạn thuyền của tôi, và nghe đọc cái tài liệu này, tôi đã tự nhủ, Này, này, Jacket Trắng, anh đang ở trong một cái hộp đáng buồn, thực đấy. Nhưng chọc vào tai ta, lại một tiếng súng khác. Nó nhắc nhở ta vui vẻ chấp nhận tất cả các đối xử tồi, và không bao giờ góp mặt vào bất kỳ cuộc tụ họp nào sẽ có thể có trên boong pháo cho một việc điều chỉnh những mối bất bình. Hãy nghe:
Mục XIII. “Nếu bất kỳ người nào trong hải quân sẽ làm ra, hoặc cố tình làm ra, một tập hợp nổi loạn nào, anh ta sẽ, căn cứ trên sự buộc tội theo đó của một tòa án quân sự, bị tội chết.”
Chúa ban phước ta, Jacket Trắng, anh có phải một khẩu súng lớn không đấy, mà anh giật lại mạnh thế, đến hết cỡ càng pháo của anh, trong phát khai hỏa đó?
Nhưng hãy lại dỏng tai. Một phát bắn nữa này. Nó gián tiếp răn ta tiếp nhận sự lăng nhục to lớn nhất, và phải đứng im chịu trận:
Mục XIV. “Không cá nhân nào trong hải quân được bất tuân các mệnh lệnh hợp pháp của sĩ quan cấp trên anh ta, hoặc đánh người đó, hoặc lôi kéo, hoặc đề nghị lôi kéo, hoặc giơ bất kỳ thứ vũ khí nào vào người đó, trong khi người đó đang thi hành các bổn phận của cương vị mình, nếu vi phạm sẽ bị tội chết.”
Đừng có trùng trình quanh chỗ những tấm vách mạn tàu, Jacket Trắng; lưu ý đó lại một lần nữa; bởi lại nghe một phát pháo nữa ở đây, mà răn rằng anh đừng bao giờ để bị bắt gặp ngủ ngày:
Một phần của Mục XX. “Nếu bất kỳ người nào trong hải quân mà ngủ trong ca gác của mình, anh ta sẽ bị tội chết.”
Nguy hiểm chết người! Nhưng này, trong thời bình, họ sẽ không thực thi các luật khát máu này chứ? Họ không hả, thật không? Những gì xảy đến cho ba thủy thủ trên một tàu chiến Mỹ vài năm trước, hoàn toàn còn trong trí nhớ của anh chứ, Jacket Trắng; ừ, trong lúc anh vẫn phục vụ trên chiến hạm này, chiếc Neversink? Cái gì xảy đến cho ba người Mỹ đó, Jacket Trắng - ba thủy thủ đó, cũng như anh, những người đó từng sống, nhưng nay thì chết rồi? “Bị tội chết!” là mấy chữ treo trên ba thủy thủ đó.
Thận trọng, vậy, thận trọng vào, kẻo anh sẽ có cái kết buồn, thậm chí là ở đầu một sợi thừng; kẻo, với một cái cổ đen-bầm-xanh, anh thành một thợ lặn câm dưới những cái vỏ sò; nằm vào giường vĩnh cửu, và quấn trong cái võng của anh, nơi đáy biển. Và anh nằm đó, Jacket Trắng, trong lúc những hải quân thù địch chơi bi-a bằng đạn đại bác trên mồ anh.
Bên cột buồm chính! thế rồi, trong một thời hòa bình bền vững, tôi phục tùng luật cắt cổ của thời chiến. Và trong khi anh trai tôi, người sống ở đất liền, và không phục vụ đất nước như tôi đang làm - thì tự do gọi điện thoại với tư cách cá nhân cho Tổng thống của Hợp chúng quốc, và trình bày việc anh không tán thành toàn bộ nền hành chính quốc gia, mà tôi ở đây, có thể bất cứ lúc nào sẽ bị lôi lên nhánh trục buồm, với một cái vòng trên cổ, không phải do thợ kim hoàn làm ra!
Một ca rất khó, thật đấy, Jacket Trắng; nhưng chẳng thể giúp được. Vâng; anh sống dưới cái luật nhà binh đó. Mọi thứ quanh anh chẳng gào vào tai anh cái thực tế ấy hay sao? Chẳng phải hai lần một ngày anh nhào đến vị trí của anh theo một hồi trống sao? Mỗi buổi sáng, ở cảng, chẳng phải anh cũng bị khua dậy khỏi võng mình bằng kẻng báo thức, và lại được đưa vào đó khi đêm xuống bằng tiếng kèn lính? Chẳng phải mỗi Chủ nhật anh được yêu cầu chỉ về việc bộ trang phục mà anh sẽ mặc suốt cả ngày được ban phước đó? Các bạn thuyền của anh có được uống thoải mái “hớp grog” của họ không? hơn thế, họ có thể uống chỉ một cốc nước ở chỗ cái vòi, mà không có một cảnh vệ vũ trang đứng trông chừng họ hay không? Chẳng phải mỗi sĩ quan đều mang gươm thay vì một cây can? Anh sống và hoạt động giữa những quả đạn hai-mươi-bốn-cân-Anh. Jacket Trắng; chính những quả đại bác này được coi như vật trang trí xung quanh anh, tô điểm cho các cửa khoang; và nếu anh sẽ chết ở ngoài biển, Jacket Trắng, vẫn còn hai quả đại bác làm bạn đồng hành, đảm bảo anh đến tận đáy sâu. Ờ, nhân danh tất cả các phương pháp, và các thiết bị, và các phát kiến, anh được, trong giây lát, nhắc nhở cái thực tế là anh đang sống trong Luật Thời chiến. Và chính do bởi những điều ấy, Jacket Trắng, mà, không một phiên điều trần và không một cuộc xét xử, anh có thể, theo một ánh mắt của Thuyền trưởng, bị kết tội đánh đòn.
Nếu quả là vậy thật, thì tôi muốn trốn đi luôn!
Không đâu, Jacket Trắng, chân trời không mặt đất kia sẽ khớp ngươi lại.
Cơn cuồng phong nào đấy, rồi thì, dâng cả biển kia lên chống lại chúng ta! những rạn và đá ngầm, nhô lên và đập các con tàu thành mảnh vụn! Ta không sinh ra là một nông nô, và sẽ không sống làm một nô lệ! Nhanh lên! những xoáy nước hoắm vào, nuốt chúng ta xuống! tận cùng của thế giới nhấn chìm chúng ta!
Không đâu, Jacket Trắng, dù cho chiếc khinh hạm này phơi thân tan nát của nó trên các bờ biển Nam Cực của Đất Palmer; dù cho không còn đến hai tấm ván nào dính vào nhau; dầu tất cả súng của nó đều bị cá kiếm chọc vào, và tại những cửa khoang mở hoác của nó bọn cá mập lượn lờ vào ra; nếu anh thoát được cơn đắm tàu và bò lên bờ biển, Luật Nhà binh này sẽ vẫn đón anh ở đó, và tóm lấy họng anh.
Nghe đây!
Mục XLII. Một phần của Phần 3. - “Trong tất cả các trường hợp khi thủy thủ đoàn của hạm tàu hay thuyền của Hợp chúng quốc bị chia tách khỏi tàu của họ sau khi tàu thuyền bị đắm, bị mất tích, hoặc bị phá hủy, tất cả các mệnh lệnh, quyền chỉ huy, và thẩm quyền đã được trao cho các sĩ quan của những tàu hay thuyền đó vẫn còn lại, và có đầy đủ hiệu lực, ngang với hiệu lực khi các tàu hoặc thuyền đó chưa bị đắm, bị mất tích, hay bị phá hủy.”
Anh nghe chưa, Jacket Trắng! bảo cho anh biết không có chuyện thoát khỏi đâu. Nổi hay chìm thì Luật Nhà binh đó cũng không buông lơi móng vuốt của nó. Và cho dù, bởi sự tự bảo toàn không đổi đó, vì vi phạm nào đó đã bị quy định, anh thực sự “bị tội chết”, thì rồi lúc đó Luật Nhà binh này có thể săn đuổi anh thẳng qua thế giới bên kia, và lại xuất hiện ở đầu bên kia của nó, bám theo anh suốt cả vĩnh hằng, như một sợi chỉ bất tận trên đường chạy không thể tránh khỏi của mục đích riêng nó, xuyên qua những chiếc kim không đánh số.
CHƯƠNG LXXI - PHẢ HỆ LUẬT THỜI CHIẾN
Bởi Luật Thời chiến tạo thành gốc gác và thể chế của luật phạt trong Hải quân Mỹ, nên với tất cả sự tỉnh táo và nghiêm túc cần có một cái nhìn qua xuất nguồn của chúng. Chúng từ đâu mà ra? Và làm thế nào một cánh tay của việc bảo vệ quốc gia của một nước Cộng hòa lại thành ra bị điều chỉnh bởi một bộ luật Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hầu như mọi phần, giống như các ống trong ổ quay của một khẩu súng ngắn, bắn không gì ngoài cái chết vào trái tim một người vi phạm? Sự thể là thế nào, mà bởi một luật được long trọng phê chuẩn bởi một Quốc hội của những người tự do, các đại biểu của người tự do, hàng ngàn người Mỹ phải phục tùng các tập quán chuyên quyền nhất và, từ các ụ tàu của một nền cộng hòa, chế độ quân chủ chuyên chế được hạ thủy, với “vinh quang của sao và vạch” trên một quân kỳ? Bởi sự dị thường vô song nào, bởi sự ghép quỷ quái nào ghép chuyên chế lên tự do mà những điều Luật Thời chiến này được nghe nhiều đến thế trong Hải quân Mỹ?
Chúng từ đâu đến? Chúng không thể là cái sinh sôi bản nguyên từ những thiết chế chính trị kia, những thứ dựa trên Tuyên ngôn Độc lập của nhà dân chủ vĩ đại Thomas Jefferson. Không; chúng là một thứ nhập khẩu từ ngoại quốc, ngay cả từ nước Anh, mà luật của nó người Mỹ chúng ta đã phế bỏ vì tính chất chuyên chế, tuy vậy sau đó đã lấy lại phần chuyên chế nhất trong tất cả.
Nhưng chúng ta không dừng ở đây; bởi những điều Luật Thời chiến này có xuất nguồn tương hợp của chúng ở một thời kỳ trong lịch sử nước Anh khi nền Cộng hòa Thanh giáo lui bước trước một sự vãn hồi nền quân chủ; khi một tay chuyên treo cổ người ta là Thẩm phán Jeffreys kết án một vị anh hùng của thế giới như Algernon Sidney phải lên bục xử giảo; khi một người của một dòng dõi mà một số coi là nguyền rủa Chúa - là một Stuart, ngồi trên ngai vàng; và một Stuart, cũng, ở vị trí đứng đầu Hải quân, với tư cách Lord Đại Đô đốc. Một người, con của một ông Vua bị chặt đầu vì lấn quyền của dân chúng, và người kia, anh trai ông ta, sau này làm vua, James II, bị hất khỏi ngai vàng vì tính bạo chúa của mình. Đó là chỗ xuất nguồn của Luật Thời chiến; và mang theo một mối dây không thể nhầm lẫn buộc vào với chế độ độc tài của chúng. [1]
Cũng không phải vô cớ mà người ở đó, trong thời nền dân chủ Cromwell, lần đầu tiên chứng tỏ cho các quốc gia sự cứng rắn của hạm tàu Anh và sự gan dạ của thủy thủ Anh - mà trong thời của Cromwell, các hạm đội của họ đã gieo kinh hoàng cho những tàu chiến Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Hà Lan, và đám cướp biển ở Algier và Cận Đông; trong thời Cromwell, khi Robert Blake quét khỏi Biển Hẹp tất cả những tàu keel của một Đô đốc Hà Lan ngông nghênh cắm một cây chổi ở cột buồm chính; không phải vô cớ mà, vào một thời kỳ hẳn là rất vinh quang đối với Hải quân Anh quốc, những điều Luật Thời chiến này chẳng ai biết đến.
Tuy nhiên, người ta cho rằng có luật nào đó để điều hành thủy thủ của Blake ở thời kỳ này; nhưng các luật đó hẳn phải ít hà khắc hơn nhiều so với các luật thành văn đã thay thế chúng, bởi vì, theo ông bố vợ của James II, Sử gia của Cuộc Bạo loạn, Hải quân Anh, trước khi có bộ luật mới đó, đầy những sĩ quan và thủy thủ, họ, trong tất cả chúng nhân, là những người cộng hòa nhất. Hơn nữa, cùng tác giả đó cho chúng ta biết rằng việc đầu tiên người con rể đáng kính của ông ta, sau là Quận Công xứ York, thực hiện khi nhận bổn phận Lord Đại Đô đốc, là làm một cuộc rửa tội lại to lớn cho hạm đội tàu chiến, các chiến hạm vẫn mang ở đằng lái những cái tên quá dân chủ đối với cái tai bảo thủ của ông ta.
Nhưng nếu những điều Luật Thời chiến này còn chưa được biết đến trong thời của Blake, và cũng trong thời kỳ rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Đô đốc Benbow, thì cần phải suy luận thế nào? Rằng những điều luật chuyên chế như thế là không nhất thiết - ngay cả trong thời chiến - để đạt được hiệu quả cao nhất có thể của một lực lượng hải quân.
CHƯƠNG LXXII
Ở đây là những luật lệnh tốt của biển, mà những người thông thái, những người đã giương buồm vòng quanh thế giới, trao cho tổ tiên chúng ta, và những điều lập nên sách khoa học về tập quán tốt.
Tập quán trên biển [2]
Các tập quán hiện hành của Hải quân Mỹ là thứ, dù không được chính thức ban hành hiệu lực, ở nhiều khía cạnh, các viên Tư lệnh của nó dường như được trao trên thực tế quyền để tuân thủ hoặc vi phạm, khi thấy phù hợp, nhiều điều của Luật Thời chiến.
Theo Mục XV, “Không cá nhân nào trong Hải quân sẽ gây gổ với bất kỳ một người khác trong Hải quân, cũng không dùng những lời, những cử chỉ, khích bác, sỉ nhục, hoặc hăm dọa, nếu vi phạm sẽ chịu hình phạt theo như một tòa án quân sự sẽ xét xử.”
“Những lời lẽ khích bác hay sỉ nhục!” Các sĩ quan của Hải quân, hãy trả lời cho tôi! Có phải nhiều người trong các anh đã không cả ngàn lần vi phạm luật này chứ, và đã không nói với những người, mà lưỡi đã bị trói chặt bởi chính Luật này, thứ lời lẽ mà không một dân đất liền nào nghe thấy mà không chặn họng lập tức kẻ lăng nhục mình? Tôi biết rằng những lời lẽ còn tệ hơn các anh quen dùng vẫn nghe thấy từ một thuyền trưởng tàu buôn nói với thủy thủ đoàn của y; nhưng thuyền trưởng tàu buôn thì không sống dưới Mục XV của Luật Thời chiến.
Không muốn nêu thành một ví dụ, cũng không để thỏa mãn một sự trả thù cá nhân nào, mà nhằm cung cấp một minh họa xác thực về những điều được khẳng định ở đây, tôi xin tuyên bố một cách thành thực rằng Thuyền trưởng Claret, của tàu Neversink, vi phạm lặp đi lặp lại với luật này trong tư cách cá nhân ông ấy.
Theo Mục III, không sĩ quan nào, hay một người nào khác trong Hải quân, sẽ phạm vào tội “ức hiếp, gian lận, chửi thề văng tục, say rượu, hoặc bất kỳ xử sự gây tai tiếng nào”.
Vậy hãy cho tôi lại hỏi các anh, những sĩ quan trong Hải quân, phải chăng nhiều người trong các anh đã không liên tiếp, và không chỉ trong một lần cụ thể nào, vi phạm luật này? Và ở đây, lần nữa, như một minh họa xác thực, tôi lại phải dẫn Thuyền trưởng Claret như một người vi phạm, đặc biệt về việc văng tục chửi thề. Tôi cũng phải dẫn chứng bốn viên trung úy, khoảng tám học viên sĩ quan, và gần như tất cả hải nhân trên tàu.
Tôi hoàn toàn có thể liệt kê những mục khác rất thường bị các sĩ quan vi phạm, trong khi gần như tất tật những điều nào chỉ quan hệ tới hải nhân thì lại được tôn trọng một cách chặt chẽ. Tuy nhiên những điều của Luật này, theo đó thủy thủ bị phạt đòn trên lối sàn chính, thì chẳng là luật hơn chút nào so với các điều khác cũng trong Luật này, ràng buộc về phần các sĩ quan, chúng đã thành ra bị bỏ phế do lỗi thời; trong lúc vẫn còn những điều khác trong Luật này chỉ nhằm vào các thủy thủ, chúng thì được tuân thủ hoặc không, tùy theo tính khí từng lúc của viên Thuyền trưởng. Vậy, nếu không nghiêm túc đến thế với sự xác đáng của hình phạt để ngăn ngừa vi phạm, thì sự coi thường đó thật quá nguy hiểm cho tất cả sự thượng tôn xứng hợp đối với những luật thành văn mà Quốc hội ban hành.
Chưa hết. Sự vi phạm này đối với luật, về phần các sĩ quan, trong nhiều trường hợp liên can đến sự ngược đãi đối với thủy thủ. Nhưng xuyên suốt toàn bộ luật hải quân, rất nhiều o ép cho thủy thủ bởi luật chồng lên luật, và trao cho Thuyền trưởng rất nhiều thẩm quyền quản trị điều hành và tài phán - trong hầu hết các trường hợp là hoàn toàn được tùy ý - thì không có lấy một mệnh đề nào, bằng cách nào đó, cung cấp phương tiện cho một hải nhân thấy rằng mình bị phương hại đạt được sự phục hồi. Thực ra, cả luật thành văn và bất thành văn của Hải quân Mỹ đều thiếu hẳn các đảm bảo cá nhân cho hải nhân thông thường ngang với Luật điển của Đế chế Nga chuyên chế.
Ai đã đặt cả một vực thẳm giữa Thuyền trưởng Mỹ vác các thủy thủ Mỹ? Thuyền trưởng có phải là một sinh linh với cùng các dục vọng như của chúng ta? Hay ông ta là một đại thiên thần bất khả ngộ không thể sai lầm, không thể rơi vào bóng tối của lầm lỗi? Hay là người thủy thủ không được đánh dấu là người, không có phẩm chất con người, mà, bị trói gô, anh ta bị ném xuống một khinh hạm Mỹ trong tình trạng các quyền và quyền tự vệ bị vặt sạch, trong cảnh sự vô thiên vô pháp khét tiếng của Người Chỉ huy, vốn đã thành một câu cửa miệng, quen thuộc với hải nhân chiến hạm, rằng luật không được làm ra cho Thuyền trưởng! Thực sự, gần như có thể nói rằng ông ta đã tạm đình chỉ con người công dân khi bước lên cầu chỉ huy của mình; và, gần như miễn trừ bản thân khỏi luật của đất liền, ông ta thi hành với những người khác một tài phán khắc nghiệt mà quốc gia trên đất liền không biết tới. Với Luật Thời chiến trong một tay, và con-mèo-chín-đuôi ở tay kia, ông ta nhại một cách bất xứng nhà tiên tri Mohammed thực thi đạo Hồi với thanh gươm và kinh Koran.
Các phần kết luận của Luật Thời chiến diễn giải về các tòa án binh hải quân mà các sĩ quan sẽ bị đưa ra trình diện vì những vi phạm nghiêm trọng cũng ngang như các hải nhân thường. Lời tuyên thệ làm việc cho các thành viên của các tòa án này - đôi khi đứng trước những vấn đề của sống và chết - chỉ dẫn minh xác rằng các thành viên sẽ không “ở bất kỳ thời điểm nào mà làm lộ phiếu bầu hay ý kiến của bất kỳ thành viên cụ thể nào của tòa án đó, trừ khi được yêu cầu làm như vậy trước một tòa công lý theo lộ trình của luật”.
Ở đây, vậy là, thật ra một Council of Ten và một Star Chamber! Nên nhớ, rằng dù sinh mạng thủy thủ đôi khi bị xét xử trước một tòa án kiểu như thế, không bao giờ có thủy thủ bạn của anh ta, các bạn thuyền đồng cấp của anh ta, trong thành phần của tòa án. Vậy nhưng một người cần được xét xử bởi những người ngang hàng với anh ta là nguyên tắc nền tảng của tất cả khoa luật học văn minh. Và không chỉ có việc xét xử bởi những người ngang hàng với anh ta, mà những người đó còn phải nhất trí đồng thuận khi đưa ra một phán quyết; trong khi, ở một tòa án binh, sự đồng thuận của một đa số những người có địa vị và cấp bậc cao hơn là tất cả những gì cần.
Trong Hải quân Anh, người ta nói, họ có một luật cho thủy thủ quyền kháng cáo, nếu anh ta lựa chọn, đối với quyết định của Thuyền trưởng - ngay cả trong một ca khá tầm thường - lên một cấp tòa án binh cao hơn. Chính một thủy thủ Anh cho tôi biết điều này. Khi tôi bảo một luật như vậy hẳn là một cản ngại then chốt với việc thực hành quyền trừng phạt của Thuyền trưởng, thì anh ta, trên các nét chính, kể cho tôi câu chuyện sau đây.
Một đỉnh nhân phạm vào tội say rượu bị đưa lên khung phạt đòn, và trận roi sắp bắt đầu, thì anh ta nhìn xung quanh và yêu cầu một tòa án binh. Thuyền trưởng cười, và lệnh cho hạ anh ta xuống đưa vào “xuồng” giam. Anh ta bị còng trong đó vài tuần, rồi, tuyệt vọng về chuyện được thả ra, anh ta đề nghị thỏa hiệp chịu hai lần mười hai roi. “Chán việc mặc cả của anh rồi, phải không?” viên Thuyền trưởng này bảo. “Không, không! anh đã yêu cầu một tòa án binh, và anh sẽ có một tòa án binh!” Cuối cùng bị xét xử trước dàn sĩ quan chính của tàu, anh ta bị buộc tội phải chịu hai trăm phát roi. Vì cái gì? vì anh ta say rượu chăng? Không! do anh ta cả gan kháng cáo một thẩm quyền, mà để duy trì thẩm quyền đó những người xét xử và kết tội anh ta đã có với nhau sự đồng cảm quyền lợi rất mạnh.
Dẫu câu chuyện này có thật hay không, hoặc liệu cái luật cụ thể liên đới vào đây có thật khống chế, hay từng khống chế thực tế đó, thì ở Hải quân Anh, sự việc này, tuy nhiên, minh họa cho các ý rằng hải nhân chiến hạm có thể tự mình đòi được phiên tòa theo yêu cầu.
Có thể chờ đợi gì ở một tòa án mà ý chí được hoàn thành trong bóng tối của những phòng ẩn tu của Tòa dị giáo Tây Ban Nha? khi mà cái bóng tối ấy trầm trọng với một lời thề trên Kinh Thánh? khi một ông trùm mang ngù vai ngồi trên hàng ghế xét xử, và một đỉnh nhân vô sản, không có một bồi thẩm đoàn, trần trụi về pháp lý đứng trước vành móng ngựa?
Nhìn từ những việc này, và đặc biệt nhìn từ cái thực tế rằng, trong nhiều ca, mức độ án phạt thực thi trên hải nhân chiến hạm hoàn toàn tùy thuộc ý muốn của cái tòa án đó, các nhà lập pháp Mỹ nên tự thấy hổ thẹn, với sự thật hoàn hảo mà chúng ta có thể áp dụng cho toàn bộ lực lượng hải nhân chiến hạm Mỹ cái nguyên tắc không thể sai lầm của Sir Edward Coke: “Một trong những dấu hiệu hiển nhiên của chế độ nô dịch là luật bị che giấu hoặc không thể xác định.” Nhưng còn tốt hơn nếu chúng ta tán thành lời của Sir Matthew Hale trong cuốn sách của ông, Lịch sử của Luật Chung, nói rằng “Luật Nhà binh, không dựa trên các nguyên lý ổn định, là, trên thực tế và sự thật mà nói, vô luật, chỉ là thứ gì đó bị lạm dụng hơn là được cho phép với tư cách một luật.”
Tôi biết người ta có thể bảo về bản chất toàn bộ luật hải quân này nhằm đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp thời chiến của Hải quân. Nhưng gác lại vấn đề sinh tử có thể dấy lên mối liên quan đạo lý, bất công, tính pháp lý đầy đủ của luật nhân tạo này, ngay cả vào thời chiến; cần hỏi, tại sao nó vẫn hiệu lực ở một thời đại hòa bình? Hợp chúng quốc đã tồn tại như một quốc gia được hơn bảy mươi năm, và trong toàn bộ quãng thời gian ấy sự cần thiết được gán cho hoạt tác của luật hải quân này - trong những ca có vẻ quan trọng - chỉ kéo dài trong một thời kỳ hai hoặc ba năm là cùng.
Một số có thể nại cớ rằng các thực thi khắc nghiệt nhất của luật này sẽ ngầm hiểu là vô hiệu trong thời bình. Nhưng dẫu việc này là đúng về nhiều điều của Luật đó, tuy vào bất cứ lúc nào bất kỳ một điều nào hay tất cả những điều trong đó vẫn có thể được thi hành một cách hợp pháp. Cũng chẳng phải thiếu các thí dụ mới đây, minh họa cho tinh thần của bộ luật này, ngay cả ở các ca nơi từ ngữ trong bộ luật không được tuân thủ hoàn toàn. Vụ được biết rộng rãi về một buồng giam Mỹ cung cấp một thí dụ đáng nhớ, vụ việc bất kỳ lúc nào cũng có thể được lặp lại. Ba đàn ông, trong thời bình, bị treo cổ lên trục buồm, đơn giản là bởi, theo phán quyết của viên Thuyền trưởng, có sự cần thiết phải treo cổ mấy người đó. Cho đến này câu hỏi về tội đầy đủ của bọn họ vẫn được bàn cãi trên cộng đồng.
Chúng ta sẽ định tính cho một hành động như thế ra sao? Blackstone nói, “Nếu bất kỳ ai có sứ mạng do thẩm quyền quân sự cho anh ta, trong thời bình, thi hành án treo cổ, hoặc hành hình bất kỳ ai đó bởi lợi ích của luật nhà binh, thì đó là việc sát nhân; bởi nó chống lại Đại Hiến chương.” [3]
Đại Hiến chương! Những người hiện đại chúng ta, có thể là dân đất liền, có thể khoe khoang một cách chính đáng về các quyền miễn trừ dân sự mà cha ông chúng ta xưa kia không có được; nhưng các tiền nhân xa xôi của chúng ta mà tình cờ là những thủy thủ có thể trỗi dậy từ tro tàn của họ mà nghĩ rằng những nhà làm luật của họ thông thái và nhân đạo trong thời của họ hơn những nhà làm luật của chúng ta trong thời chúng ta. Cứ so sánh luật biển của Hải quân chúng ta với các sắc lệnh về hoạt động hải dương của người La Mã hay dân đảo Rhode; so sánh với Tập quán trên Biển; so sánh với Luật của Các Thành thị Hanse; so sánh với luật của thị trấn cổ xưa Wisbury. Điều cốt yếu ta thấy chúng là các nền dân chủ hải dương của các thời đại ấy. “Nếu anh ta đánh, anh ta phải nhận đòn đáp trả.” Luật Wisbury nói như vậy về một thuyền trưởng ở Gothland.
Để kết luận lại toàn bộ những gì đã nói ở các chương trước động chạm đến tính nghiêm trọng và không bình thường của luật trong Hải quân Mỹ, và thẩm quyền rộng lớn được trao cho các sĩ quan chỉ huy của nó, ở đây cần thấy, Jacket Trắng không phải không nhận ra cái thực tế, rằng trách nhiệm của một sĩ quan chỉ huy trên biển - dù là trên một thương thuyền hay trên hạm tàu hải quân quốc gia - là không thể so sánh với bất kỳ mối liên hệ nào khác mà con người có thể duy trì với con người. Cũng không phải anh ta không ý thức rõ cả khôn ngoan và nhân đạo đều khiến rằng, một sĩ quan chỉ huy trên biển cần được khoác cho một mức độ thẩm quyền và tự quyết vốn dĩ không thể chấp nhận ở bất kỳ ông chủ nào trên đất liền. Nhưng, đồng thời, các nguyên tắc này - được nhìn nhận bởi tất cả những người viết về luật hàng hải - đã cung cấp một cách không thể nghi ngờ sự đảm bảo trao cho những viên tư lệnh hiện đại trên biển và tòa án binh hải quân những quyền năng vượt quá những giới hạn phù hợp về mặt lý trí và tính cần thiết. Đây cũng không là trường hợp duy nhất nơi những nguyên tắc đúng và lành mạnh, hầu như không thể sai lầm và tự chứng tỏ ngay ở bản thân chúng, đã được đưa lên trong việc biện minh cho những điều, mà ngay bản thân chúng tự chứng tỏ là sai và nguy hại.
Ở đây, một lần cho tất cả, xin hiểu, rằng không phải do tình yêu tình cảm hay lý trí đối với thủy thủ bình thường; không phải do lòng tin lãng mạn vào tính hào phóng quảng đại và tâm hồn cao quý lạ thường mà các tiểu thuyết có khuynh hướng gán một cách hư cấu cho thủy thủ; và không do cái ham thích thời thượng đạt đến danh tiếng bằng việc là bạn của thủy thủ, không gì như thế đã khiến tôi nói lên như đã nói ở đây, trong bất cứ phần nào của tác phẩm này, về sự áp chế thô bạo dưới đó tôi biết các thủy thủ phải chịu đựng. Không vì chuyện ai có thể là các bên liên quan, tôi chỉ mong muốn thấy những điều sai được làm cho đúng, công lý được thực thi công bằng cho tất cả.
Cũng không, như ở chỗ nào đó đã được gợi ý, viện cớ sự dốt nát hay đồi bại của bất cứ dòng giống người nào làm một biện hộ cho việc thi hành chuyên chế đối với họ. Ngược lại, không thể cho phép một nghi ngờ hợp lý, trong bất cứ một tâm trí không thiên vị nào hiểu biết cuộc sống nội tại một chiến hạm, về việc phần lớn các hành xử xấu mà thủy thủ thực hiện ở đó đều gián tiếp quy được cho những hiệu quả xói mòn đạo đức của luật lệ bất công, chuyên quyền, hạ thấp con người mà thủy thủ chiến hạm phải sống theo.
[1] Bộ Luật Hải quân Thời chiến đầu tiên bằng tiếng Anh được thông qua vào năm thứ mười ba của triều vua Charles Đệ Nhị, dưới đầu đề “Một đạo luật cho việc thành lập các Luật và Lệnh vì sự điều chỉnh và Cai quản tốt hơn Hải quân, Tàu chiến, và Lực lượng trên Biển của Bệ hạ ngài.” Đạo luật này đã bị bãi bỏ, và, trong chừng mực liên quan đến các sĩ quan, một bản sửa đổi của nó được dùng thay thế, trong ha mươi năm trị vì của George Đệ Nhị, thời gian ngắn sau nền Hòa bình Aix la Chapelle, đúng một thế kỷ trước. Bộ luật cuối cùng này, như người ta tin, bao gồm, về thực chất, bộ Luật Chiến tranh ngày nay còn hiệu lực trong Hải quân Anh. Không đáng ngạc nhiên, cũng không phải không có ý nghĩa, việc cả hai bộ luật này đều không hiển nhiên cho một sĩ quan quyền hành phạt đánh đòn. Hầu như có vẻ là, trong trường hợp này, các nhà làm luật người Anh sẵn lòng bỏ một vết nhơ như thế ra khỏi một luật có tính hệ thống, và cho cái quyền phạt đòn có vẻ ít nghiêm trọng hơn, và có lẽ theo cách ít công khai hơn. Thực sự là, các luật cho phép rộng rãi dùng đòn roi trong trừng phạt của hải quân lúc ở biển sẽ chỉ thấy trong Luật điển Hợp chúng quốc và trong “Luật Biển” của chế độ quân chủ chuyên chế, Louis le Grand, của nước Pháp. (4.1)
Lấy bộ Luật Hải quân Anh đã đề cập ở trên làm cơ sở cho mình, sáp nhập vào đó luật tự quyết phạt roi, thứ mà người Anh đã không muốn nhìn nhận như luật điển cơ hữu, các nhà làm luật người Mỹ của chúng ta, vào năm 1800, đã đưa thành Luật Thời chiến nay đang điều hành Hải quân Mỹ. Chúng có thể được tìm thấy trong tập thứ hai của “Luật điển Chung Hợp chúng quốc”, trong chương xxxiii. - “Một đạo luật cho việc điều hành tốt hơn Hải quân của Hợp chúng quốc.”
(4.1) Về tham khảo cho phần sau đó (L’Od. de la Marine), xem của Curtis “Luận văn về các Quyền và Bổn phận của Hải nhân-Thương nhân, theo Luật Chung về Hàng hải”, Phần ii., c.i.
(chú thích của tác giả)
[2] Bình luận, quyển I, ch. XIII. (chú thích của tác giả)
[3] (Các chú giải, quyển I, ch. xiii) (chú thích của tác giả)
Hữu Phi dịch
Jacket Trắng thuộc đợt sách kỳ Xuân 2024. Để đăng ký nhận tin về các đợt xuất bản sách/ tạp chí của chúng tôi trong năm, xin điền link sau. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn qua email khi có ấn phẩm mới.