Mario Vargas Llosa: Cá gặp nước (tiếp)
truớc hết ở kia
Cùng phần đã đăng trên Văn Bản, đến đây là hết chương thứ nhất hồi ký của Mario Vargas Llosa.
Cá gặp nước
- Mario Vargas Llosa
- Mẹ không nói dối con đấy chứ?
- Con nghĩ là mẹ có thể nói dối một chuyện như thế à?
- Thật à, ông ấy còn sống?
- Thật.
- Con sẽ gặp ông ấy chứ? Con sẽ quen ông ấy chứ? Ông ấy ở đâu?
- Ở đây, tại Piura, và con sẽ quen ông ấy ngay bây giờ luôn.
Khi rốt cuộc chúng tôi đã có thể nói chuyện về toàn bộ những cái đó, nhiều năm về sau buổi chiều ấy, nhiều năm sau khi bố tôi đã chết, giọng mẹ tôi vẫn run rẩy và mắt thì vẫn đẫm nước trước kỷ niệm về sự đảo lộn của những ngày đó tại Arequipa lúc, trước sự im lặng hoàn toàn của chồng - không cú điện thoại nào, không bức điện nào, cũng không thư từ, chẳng hề có thông báo địa chỉ của ông ở Bolivia - bà nghĩ mình đã bị bỏ rơi và, nhìn vào tính cách dở tệ của ông, bà sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa, bà sẽ chẳng thể biết gì về ông. "Điều tồi tệ hơn cả, bà nói, là những lời đồn đại. Những gì mà người ta bịa ra, các tin đồn, những lời dối trá. Mẹ đã rất xấu hổ! Mẹ không dám thò mặt ra ngoài đường nữa. Những khi nhà có khách, mẹ liền chui vào phòng khóa kín cửa lại." Vẫn còn may vì ông Pedro, bà Carmen, Mamaé cùng tất tật các em trai của bà đã cư xử rất tốt đẹp, dịu dàng với bà, bảo vệ bà và khiến bà cảm thấy rằng, dẫu có mất chồng, thì lúc nào bà cũng sẽ có một tổ ấm và một gia đình.
Tại tầng ba ngôi nhà ở đại lộ Parra, nơi ông bà tôi sống, tôi đã được sinh ra vào rạng sáng ngày 28 tháng Ba năm 1936, sau một cuộc đau đẻ dài và đau đớn. Ông tôi đánh một bức điện cho bố tôi, gửi qua Panagra, để thông báo việc tôi chào đời. Bố tôi không đáp lại, không hơn so với bức thư của mẹ tôi thông báo với ông là tôi đã được đặt tên Mario. Vì không biết ông không trả lời vì ông không muốn làm điều đó, hay vì các tin tức không tới được với ông, ông bà tôi nhờ một người họ hàng sống ở Lima, bác sĩ Manuel Bustamante de la Fuente, đến Panagra tìm ông. Ông bác sĩ làm việc này tại sân bay nơi bố tôi đã quay về sau vài tháng đi Bolivia. Phản ứng của ông là đòi ly dị. Mẹ tôi đồng ý và nó đã được tuyên bố, theo lối hai bên cùng chịu lỗi, thông qua các luật sư, mà cặp vợ chồng cũ không cần gặp nhau trực tiếp.
Năm đầu tiên ấy, cái năm duy nhất tôi sống tại thành phố nơi tôi sinh ra, mà tôi không nhớ được gì, là một năm địa ngục đối với mẹ tôi cũng như ông bà tôi và phần còn lại của gia đình - một gia đình điển hình của giới bourgeois Arequipa, ở những gì mà mấy từ đó có ở phương diện bảo thủ hơn cả - những người chia sẻ nỗi xấu hổ của người con gái bị ruồng bỏ và, giờ đây, là mẹ của một đứa con trai không cha. Ở xã hội Arequipa, vốn dĩ chật hẹp và đầy định kiến, bí ẩn về những gì đã xảy đến với Dorita khơi lên các màn ngồi lê đôi mách. Mẹ tôi không còn ra khỏi nhà nữa, chỉ trừ để đi nhà thờ, và bà dành hết thời gian chăm sóc đứa trẻ sơ sinh, được giúp đỡ bởi bà tôi và Mamaé, họ biến đứa cháu đầu tiên trong gia đình trở thành người được chiều chuộng nhất trong nhà.
Một năm sau khi tôi sinh, ông tôi ký một bản hợp đồng mười năm với gia đình Said để đi làm việc ở những đất đai mà họ vừa mua bên Bolivia, gần Santa Cruz - hacienda Saipina - nhằm bắt đầu trồng bông ở đó, thứ mà ông đã thành công trong việc gieo trồng tại Camaná. Dẫu chẳng bao giờ có ai từng nói với tôi điều này, tôi không thể tự ngăn mình nghĩ rằng câu chuyện bất hạnh về con gái cả của họ, và nỗi phiền phức khủng khiếp gây ra bởi việc bà bị bỏ và vụ ly dị của bà, đã đẩy ông tôi đến chỗ chấp nhận công việc ấy, nó khiến gia đình bị đi đày khỏi Arequipa nơi nó sẽ không bao giờ quay về nữa. "Đối với mẹ thật là cả một sự nhẹ nhõm lớn lao khi được sang sống tại một nước khác, một thành phố khác, nơi người ta sẽ để mẹ yên", mẹ tôi nói về cuộc chuyển nhà đó.
Gia đình Llosa chuyển đến Cochabamba, hồi ấy là một thành phố dễ sống hơn so với cái trấn nhỏ xíu và biệt lập Santa Cruz, và sống trong một ngôi nhà rộng mênh mông trên phố Ladislao Cabrera, nơi toàn bộ tuổi thơ của tôi đã trôi qua. Tôi còn nhớ về nó như về một thiên đường. Nó có một sảnh trần cao vồng lên khiến các giọng nói vọng lại, cùng một patio trồng đầy cây nơi, cùng mấy em họ, Nancy và Gladys, rồi các bạn của tôi ở trường La Salle, chúng tôi đóng lại những bộ phim phiêu lưu và Tarzan mà Chủ nhật, sau lễ mi-xa ở trường, chúng tôi đi xem ở rạp Rex, buổi chiếu ban ngày. Quanh patio đầu tiên đó, có một hàng hiên giật nhiều cấp, vải bạt che nắng và những cái phô tơi đung đưa nơi Pedro ông tôi, những lúc nào không ở hacienda, thông thường ngủ trưa, vừa ngủ vừa đu đưa và ngáy to đến mức chúng tôi, mấy đứa em họ và tôi, chết cười. Có hai patio khác, một được lát đá và cái kia thì nền đất nện, nơi có khu giặt, các phòng cho người hầu cùng một cái sân gia cầm lúc nào cũng đầy gà và, thậm chí, một con dê nhỏ được đưa về từ Saipina, mà rốt cuộc bà tôi nhận nuôi. Một trong những nỗi kinh hoàng đầu tiên của tuổi thơ tôi là con dê cái ấy, nó, những lúc nào xổng khỏi dây buộc, lao bổ húc sừng vào mọi thứ gì nhúc nhích, gieo rắc cơn hoảng loạn khắp nhà. Vào một quãng khác, cũng có một con vẹt xanh rất ba hoa hay bắt chước những cơn điên giận hồi bé vốn dĩ thường xuyên và ồn ào của tôi, hét tướng lên giống hệt tôi: "Méméééeee, méméééeee!"
Ngôi nhà rất rộng, bởi tất tật chúng tôi ở trong đó, người nào cũng có phòng riêng, ông bà, Mamaé, mẹ tôi và tôi, cậu Juan, cô Laura và hai con gái của họ, Nancy và Gladys, hai ông cậu, Lucho và Jorge, và cậu Pedro, đang đi học y bên Chilê nhưng vào kỳ nghỉ thì về ở với chúng tôi. Và còn thêm bà bếp cùng các cô hầu, không bao giờ ít hơn ba người.
Chính tại ngôi nhà ấy người ta bỏ qua tất tật thói thất thường của tôi, tới nỗi biến tôi thành một con quái vật nhỏ. Cần phải nói rằng tôi là đứa cháu đầu tiên của ông bà tôi và là thằng cháu thứ nhất của các cậu tôi, nhưng tôi cũng là con trai của Dorita khốn khổ, một đứa bé không cha. Việc không có bố, hay nói đúng hơn có một ông bố ở trên trời, chẳng hề khiến tôi đau đớn quá mức; ngược lại, chuyện này mang đến cho tôi một vị thế đặc quyền, và sự thiếu đi ông bố thật đã được bù trừ bằng nhiều thay thế: ông tôi, và các cậu tôi, Juan, Lucho, Jorge và Pedro.
Các trò quỷ của tôi dẫn mẹ tôi đến chỗ ghi tên cho tôi vào trường La Salle khi tôi lên năm, tức là sớm hơn một năm so với các cha cho phép. Tôi học đọc không lâu sau đó, tại lớp của cha Justiniano, và điều này, vốn dĩ là chuyện quan trọng nhất từng xảy tới với tôi cho đến cái buổi chiều tại đại lộ Eguiguren kia, phần nào làm dịu bớt những nồng nhiệt của tôi, bởi việc đọc mấy tờ báo trẻ con, Billiken, Peneca cùng tất tật các loại truyện tranh và sách phiêu lưu đối với tôi là một mối bận tâm gây nhiều say mê, nó làm cho tôi yên được suốt nhiều tiếng liền. Nhưng sự đọc không ngăn cản tôi thích các trò chơi và tôi có khả năng mời cả lớp tới nhà ăn uống, điều mà Carmen bà tôi và Mamaé (những người, nếu có Chúa và thiên đường, sẽ được thưởng hậu hĩnh, tôi hy vọng như vậy) chịu đựng mà không phản đối, nhanh nhẹn đi làm những cái bánh phết bơ, đồ ngọt và pnăm là một bữa tiệc. Có những cuộc dạo chơi tới Cala-Cala, ăn empanada trên quảng trường lớn vào những ngày có phường hát, rạp chiếu phim cùng các trò chơi ở nhà các bạn, nhưng nhất là có hai ngày lễ mang tới cho tôi hạnh phúc và cảm xúc: carnaval và Giáng sinh. Những quả bóng được đổ đầy nước vào từ trước để, khi đến ngày, mấy đứa em họ tôi và tôi oanh tạc những người đi qua dưới phố và chúng tôi rình xem, đầy choáng ngợp, các ông cậu bà cô mặc lên người những thứ quần áo huyền hoặc đi dự các buổi khiêu vũ hóa trang. Những chuẩn bị cho Giáng sinh hết sức tỉ mỉ. Bà tôi và Mamaé gieo hạt lúa mì vào những cái hộp nhỏ đặc biệt bằng sắt tây để làm máng cỏ, công việc xây dựng cần mẫn được làm cho sôi động với các tượng nhỏ mục đồng cùng lũ thú bằng thạch cao mà gia đình đã mang theo từ Arequipa (hoặc có lẽ được bà tôi mang từ Tacna). Việc chuẩn bị cây thông là một nghi lễ thần tiên. Nhưng không gì nhiều sức kích thích hơn so với việc viết cho Jesus Hài đồng - mà ông già Noel còn chưa gạt bỏ mất đi - các bức thư nhỏ với những món quà mà mỗi đứa muốn được mang cho vào ngày 24 tháng Chạp. Và lên giường nằm đêm hôm ấy, run lên vì lo âu, nhắm hờ mắt lại, vừa muốn vừa không muốn trông thấy hiện hình bí mật của Jesus Hài đồng cùng những món quà - sách, rất nhiều sách - sẽ được để dưới chân giường, mà hôm sau tôi sẽ phát hiện, tim đập dồn vì phần khích.
Toàn bộ quãng thời gian tôi ở Bolivia, cho đến cuối năm 1945, tôi đã tin vào các món đồ chơi của Jesus Hài đồng và vào lũ cò mang trẻ con từ trên trời xuống, và chưa từng bao giờ lướt qua tâm trí tôi dẫu chỉ một ý nghĩ thuộc vào số những gì mà các ông cha nghe thú tội gọi là xấu xa; sau đó chúng mới xuất hiện, lúc tôi đã ở Lima. Tôi nghịch ngợm và mau nước mắt, nhưng trong trắng như đứa trẻ vừa sinh ra. Và rất sùng đạo. Tôi còn nhớ ngày ban thánh thể lần đầu như một sự kiện sung sướng; giáo lý chiều nào cũng học, tại nhà nguyện, do cha Agustín, hiệu trưởng trường La Salle, dạy; nghi lễ gây cảm động - tôi vận áo lễ màu trắng và đủ cả gia đình - nơi tôi nhận bánh thánh từ tay đức giám mục Cochabamba, hình tượng bề thế trong cái áo dài màu tím hoa cà mà tôi vội hôn tay mỗi lần nào bắt gặp ngoài phố hay những khi ông hiện ra trong ngôi nhà ở phố Ladislao Cabrera (đấy cũng là lãnh sự quán của Peru, chức vụ mà ông tôi đảm trách ad honorem). Và rốt cuộc là bữa sáng, sô cô la nóng cùng những cái bánh ngọt nhỏ, mà người ta phục vụ cho những ai sắp được làm lễ và gia đình họ tại patio trồng nhiều cây.
Về Cochabamba tôi còn nhớ những cái bánh empanada rất ngon và những bữa trưa ngày Chủ nhật, nơi cả gia đình đều có mặt - hồi ấy cậu Lucho đã lấy cô Olga, tôi nghĩ thế, còn cậu Jorge thì đã lấy cô Gaby - xung quanh bàn ăn gia đình to lớn, nơi mọi người luôn luôn nhắc tới Peru - hoặc có lẽ tôi phải nói là Arequipa - và nơi chúng tôi sốt ruột đợi món đét xe với những cái guargüero và sopaipilla, bánh của Tacna và Moquegua mà bà tôi và Mamaé làm bằng những bàn tay ma thuật của mình. Tôi còn nhớ mấy bể bơi, Urioste và Beverley, nơi cậu Lucho tôi dẫn tôi đến và nơi tôi học bơi, môn thể thao mà tôi thích nhất và là môn duy nhất tôi có được chút thành công. Tôi cũng còn nhớ, và thật êm ái làm sao, những truyện tranh cùng những quyển sách mà tôi đọc trong một sự tập trung và một sự quên đầy thần bí, hoàn toàn đắm chìm trong ảo tưởng - các câu chuyện về Geneviève xứ Brabant, về Wilhelm Tell, về vua Arthur và về Cagliostro, về Robin Lục lâm hoặc Lagardère Gù lưng, về Sandokan hay về thuyền trưởng Nemo, và nhất là loạt truyện về Guillermo, một thằng bé nghịch ngợm cùng tuổi với tôi, mà mỗi tập lại kể một cuộc phiêu lưu sau đó tôi tìm cách bắt chước trong vườn nhà. Và tôi còn nhớ các nguệch ngoạc đầu tiên làm người kể chuyện của mình, hoặc những bài thơ nhỏ, hoặc phần tiếp theo đã được xem lại và sửa chữa cho những câu chuyện mà tôi đọc, chúng rất được cả nhà tôi ngưỡng mộ. Ông tôi ham thơ - cụ tôi, Belisario, nhà thơ, thậm chí từng cho in một cuốn tiểu thuyết - và ông dạy tôi học thuộc những câu thơ của Campoamor hoặc Rubén Darío và, cả mẹ tôi (vốn dĩ lúc nào cũng có trên bàn đầu giường một quyển Hai mươi bài thơ tình và một khúc ca tuyệt vọng của Pablo Neruda) lẫn ông vỗ tay hoan hô những sự táo bạo tiền văn chương kia.
Dẫu còn rất trẻ, mẹ tôi không có - hay không muốn có - những người cầu hôn. Không lâu sau khi tới Cochabamba, bà bắt đầu làm kế toán cho Casa Grace, và toàn bộ cuộc sống của bà được đổ đầy bởi công việc ấy và bởi tôi. Lời giải thích nằm ở chỗ thậm chí bà không thể nghĩ đến việc lấy chồng lần nữa bởi vì bà đã được tổ chức đám cưới trước Chúa, và trong mắt bà đó là đám cưới duy nhất quan trọng; chắc hẳn bà tin đinh ninh vào điều đó, bởi đấy là người Công giáo nhiều tính Công giáo nhất của cái gia đình Llosa toàn người Công giáo ấy - giờ vẫn vậy, tôi nghĩ thế. Nhưng lý do sâu sắc hơn cho việc vẫn cứ, sau cuộc ly dị của mình, thờ ơ với những ai lại gần bà, đấy là mặc cho những gì đã xảy ra, bà vẫn yêu say đắm bố tôi, với một niềm say mê hoàn toàn và không thể lay chuyển, mà bà giấu khỏi tất tật những ai ở quanh bà, cho tới khi, vào lúc gia đình quay về Peru, Ernesto J. Vargas, kẻ mất tích, lại quay trở vào, giống một xoáy lốc, trong cuộc đời bà và cuộc đời tôi.
- Bố con đang ở đây, Piura, à?
Thật giống một trong những huyễn tưởng ở các cuốn sách của tôi, quyến rũ và gây nhiều cảm động đến mức chúng có vẻ chắc chắn, nhưng chỉ trong khoảng thời gian đọc. Có phải nó cũng sẽ tan biến mất, như khi người ta khép quyển sách lại?
- Khách sạn Du khách, ông ấy đang ở đó.
- Khi nào thì con gặp ông ấy?
- Ngay bây giờ. Nhưng đừng nói gì với ông bà nhé. Ông bà không biết ông ấy đã về đâu.
Với khoảng cách, ngay cả những kỷ niệm tệ hại hơn cả về Cochabamba cũng dường thật tốt đẹp. Có hai kỷ niệm như thế: vụ cắt a mi đan và con chó Đan Mạch to tại ga ra của một người Đức, ông Beckmann, nằm ngay đối diện với ngôi nhà trên phố Ladislao Cabrera. Người ta đưa tôi, với các mưu mẹo của người da đỏ Sioux, đến chỗ bác sĩ Sáenz Peña, như thể cho một lần đi khám thông thường vì tôi bị sốt và đau họng, và ở đó họ đặt tôi ngồi vào lòng một ông y tá, ông ta dùng hai cánh tay giữ lấy tôi thật chặt, trong khi bác sĩ Sáenz Peña vạch miệng tôi ra để xịt vào đó một ít ê-te bằng cái bình xịt trông giống cái mà các cậu tôi vẫn mang theo đến carnaval. Sau đó, trong đoạn lành bệnh của tôi, giữa những chiều chuộng của Carmen bà tôi và Mamaé, người ta cho phép tôi ăn rất nhiều kem. (Có vẻ như là, trong cuộc phẫu thuật sử dụng gây tê tại chỗ đó, tôi đã la hét và vùng vẫy tới nỗi gây phiền cho công việc của bác sĩ, ông đã dùng con dao mổ của mình vụng đến mức vẫn để lại nhiều mẩu a mi đan. Chúng đã mọc lại tốt tới nỗi giờ đây tôi lại có a mi đan mới.)
Con chó Đan Mạch to của ông Beckmann quyến rũ tôi và gây kinh hoàng cho tôi. Người ta buộc nó vào một chỗ và những tiếng sủa của nó vang rền trong các cơn ác mộng của tôi. Trong một quãng thời gian, Jorge, ông cậu trẻ nhất của tôi, ban đêm đỗ xe ở ga ra đó và tôi đi cùng ông, ve vuốt cái ý về chuyện những gì sẽ xảy ra nếu con chó Đan Mạch to của ông Beckmann xổng. Một tối nọ nó lao vào chúng tôi. Và chúng tôi bỏ chạy. Con chó đuổi theo chúng tôi, đuổi kịp ở ngay giữa phố và tôi bị nó đớp rách đũng quần. Vết cắn rất nông, nhưng nỗi phấn khích cùng các phiên bản đầy kịch tính mà tôi dùng để thuật cho đám bạn cùng trường kéo dài suốt nhiều tuần liền.
Và một hôm José Luis, ông trẻ tôi, đại sứ Peru tại La Paz và họ hàng của Pedro ông tôi, được bầu làm tổng thống Cộng hòa, ở đất nước xa xôi của chúng tôi. Cái tin làm cả nhà sôi lên sùng sục, tại đây ông trẻ José Luis được thờ kính như một nhân vật nổi tiếng. Ông từng đến Cochabamba và ở nhà chúng tôi nhiều lần, và tôi chia sẻ niềm ngưỡng mộ của tất tật đối với người họ hàng quan trọng ấy, một người nói rất hay, với cái nơ con bướm của ông, cái mũ thêu viền của ông, và bước đi hai chân cách rất xa nhau theo kiểu Charlot, vì mỗi lần tới ông đều nhét một đồng tiền vào túi tôi, lúc đi khỏi.
Ngay khi vừa nhậm chức, ông trẻ José Luis của chúng tôi, tổng thống, đề nghị ông tôi làm lãnh sự Peru ở Arica hoặc tỉnh trưởng Piura. Ông tôi - mà bản hợp đồng với nhà Said sắp kết thúc - chọn Piura. Gần như ngay lập tức ông đi khỏi và để lại cho phần còn lại của gia đình việc lo chuyển nhà. Chúng tôi còn ở lại đó cho tới cuối năm 1945, để hai em họ tôi, Nancy và Gladys, cũng như tôi có đủ thời gian thi hết năm. Tôi có một hình ảnh rất mờ về những tháng cuối cùng tại Bolivia đó, về chuỗi tiếp nối bất tận những người khách đến chào tạm biệt gia đình Llosa, xét về nhiều mặt chúng tôi đã thuộc về Cochabamba: cậu Lucho đã lấy cô Olga, vốn dĩ là người gốc Chilê, là người Bolivia theo gia đình và theo trái tim, còn cậu Jorge thì lấy cô Gaby, một phụ nữ Bolivia thuần chủng. Và rồi gia đình đã lớn lên ở Cochabamba. Người ta kể rằng khi con gái đầu lòng của cậu Lucho và cô Olga, Wanda, sinh ra tại ngôi nhà trên phố Ladislao Cabrera, tôi tìm cách nhìn nó sinh ra bằng cách trèo lên rình trên một cây cao thuộc patio thứ nhất, từ đó cậu Lucho bắt tôi xuống, bẹo tai tôi. Nhưng điều này toàn toàn không chắc bởi tôi chẳng hề còn nhớ gì, hoặc nếu đúng là vậy, thì! chắc tôi đã không xem được gì nhiều, bởi, như đã nói, tôi rời Bolivia mà vẫn tin chắc rằng bọn trẻ con được đặt hàng trên trời và do lũ cò chuyển tới. Với đứa con gái thứ hai của cậu Lucho và cô Olga, Patricia em họ tôi, tôi đã không thể lặp lại chiến công đó, bởi nó sinh ra ở bệnh viện - gia đình chịu nhẫn nhục trước sự hiện đại - khoảng bốn mươi hôm sau khi bộ lạc quay trở về Peru.
Tôi còn giữ một kỷ niệm rất sống động về nhà ga Cochabamba vào buổi sáng chúng tôi chuẩn bị lên tàu. Có đông người đến chào chúng tôi, và họ khóc. Tất tật trừ tôi cùng các bạn của tôi từ trường La Salle, đến để ôm hôn nhau lần cuối: Romero, Ballivián, Artero, Gumucio, và người bạn thân nhất, con trai ông thợ chụp ảnh của thành phố, Mario Zapata. Chúng tôi là đàn ông - lúc này chúng tôi lên chín hoặc mười tuổi - và đàn ông thì không khóc. Nhưng bà Carlota và các bà khác khóc, cũng như bà bếp và mấy cô hầu, và cả, bíu chặt lấy Carmen bà tôi, ông thợ làm vườn Saturnino, một ông già Anh điêng, mặc poncho và đi xăng đan, mà giờ tôi vẫn nhìn thấy chạy ở gần cửa tàu hỏa và vẫy tay lúc tàu lăn bánh.
Cả gia đình quay về Peru, nhưng cậu Jorge và cô Gaby cũng như cậu Juan và cô Laura ở lại Lima, đối với tôi đây là một nỗi thất vọng lớn, bởi điều này đồng nghĩa với việc tôi phải rời xa khỏi Nancy và Gladys, hai cô em họ đã cùng tôi lớn lên. Chúng giống em gái tôi và sự vắng mặt của chúng khiến những tháng đầu tiên tại Piura còn trở nên nặng nề hơn.
Nhưng trong chuyến đi ấy - hành trình dài, không thể quên và rất nhiều kiểu, bằng tàu hỏa, tàu thủy, ô tô và máy bay - từ Cochabamba đến Piura, chỉ có bà tôi, Mamaé, mẹ tôi, tôi và hai thành viên được thêm vào cho gia đình do lòng tốt của Carmen bà tôi: Joaquín và Orlando. Người thứ nhất là một cậu bé lớn hơn tôi một chút, mà Pedro ông tôi đã tìm được ở hacienda tại Saipina, không cả bố mẹ lẫn giấy tờ. Đầy cảm thông, ông đã đưa anh tới Cochabamba nơi cậu bé chia sẻ cuộc sống với những người hầu và lớn lên cùng chúng tôi; bà tôi không nỡ bỏ anh lại, thành thử anh thuộc vào đội hình gia đình. Orlando, nhỏ hơn một chút, là con trai một bà bếp tại Santa Cruz tên là Clemencia, mà giờ đây tôi vẫn còn nhìn thấy, cao lớn, lắm mồm và tóc tai rối bù. Một hôm bà có chửa, chẳng ai biết là với người nào. Sau khi đẻ bà biến mất, để lại ở nhà chúng tôi đứa trẻ sơ sinh và không thể tìm được bà. Carmen bà tôi, đâm ra quyến luyến đứa bé kia, dẫn nó theo cùng sang Peru.
Trong suốt chuyến đi, băng ngang Altiplano bằng tàu hỏa, hay hồ Titicaca bằng tàu hơi nước từ Huaqui đến Puno, tôi cứ không ngừng nghĩ: "Mình sắp nhìn thấy Peru, mình sắp biết Peru." Ở Arequipa - nơi trước đó tôi từng tới một lần, cùng mẹ và bà tôi, để dự hội nghị tôn giáo vào năm 1940 - chúng tôi ở nhà ông trẻ Eduardo, và bà bếp Inocencia của ông làm lại cho tôi những cái bánh tôm màu đỏ rất cay - các chape - khiến tôi sướng vô cùng. Nhưng khoảnh khắc lớn của chuyến đi là sự khám phá biển, ở cuối "bờ đầu lâu", khi người ta trông thấy những bãi biển của Camaná. Nỗi phấn khích của tôi lớn đến nỗi người tài xế chở chúng tôi tới Lima dừng xe lại để tôi có thể vục đầu xuống Thái Bình Dương một cái. (Kinh nghiệm thảm họa: tôi bị một con cua cắp vào chân.)
Đấy là tiếp xúc đầu tiên của tôi với phong cảnh bờ biển của Peru, với các khoảng sa mạc trắng vô tận, màu xám, xanh nhạt hoặc đỏ nhạt, tùy thuộc vào vị trí của mặt trời, với những bãi biển đơn độc, có các dãy đá màu nâu sẫm và xám của dãy núi trồi lên và biến mất đi giữa những đụn cát. Một phong cảnh về sau sẽ đi cùng tôi ra nước ngoài như là hình ảnh sống động nhất về Peru.
Chúng tôi ở Lima dăm ba tuần, ở nhà ông trẻ Alejandro và bà Jesus, và về kỳ lưu trú ấy tôi chỉ còn nhớ các ngõ rợp bóng mát của Miraflores cùng những đợt sóng lừng ồn ào của La Herradura, nơi mấy ông chú, Pepe và Hernán, dẫn tôi tới.
Chúng tôi đi máy bay lên phía Bắc, đến Talara, bởi đang là mùa hè và ông tôi, với tư cách tỉnh trưởng, có tại đó một cái nhà nhỏ được International Petroleum Company giao cho ông trong kỳ nghỉ. Ông tôi đến đón chúng tôi tại sân bay Talara và chìa cho tôi một tấm bưu thiếp có hình mặt tiền trường Salesian ở Piura nơi ông đã ghi tên cho tôi vào học lớp năm bậc tiểu học. Từ kỳ nghỉ đó tôi còn nhớ Juan Toboada dễ mến, maître d'hôtel tại câu lạc bộ của International Petroleum và là lãnh đạo công đoàn, leader của đảng APRA. Ông phục vụ ở nhà ông tôi và đâm ra quyến luyến tôi; ông đưa tôi đi xem các trận đá bóng và, những lúc người ta chiếu các bộ phim cho trẻ con, tới một rạp chiếu phim ngoài trời mà màn hình là bức tường trắng của nhà thờ giáo xứ. Cả mùa hè tôi lặn ngụp ở bể bơi của International Petroleum, đọc truyện tranh, leo lên những vách đá xung quanh và ngây ngất rình xem sự dịch chuyển huyền bí của lũ cua trên bãi biển. Nhưng, sự thật là, tôi cảm thấy đơn độc và buồn bã, ở xa mấy đứa em họ, Nancy và Gladys, cũng như đám bạn ở Cochabamba, mà tôi tiếc biết bao. Tại Talara, ngày 28 tháng Ba năm 1946, tôi tròn mười tuổi.
Cuộc gặp đầu tiên của tôi với trường Salesian và các bạn cùng lớp mới hoàn toàn không ra gì. Tất tật đều hơn tôi một hay hai tuổi, nhưng trông chúng dường còn lớn hơn do những từ bậy bạ cùng các thứ con tườu mà chúng nói, đấy là những điều mà chúng tôi, ở trường La Salle tại Cochabamba, chúng tôi hoàn toàn không hay biết. Chiều nào tôi cũng quay về tòa nhà văn phòng tỉnh và than thở với cậu Lucho, hoảng sợ trước những điều thô thiển mà tôi nghe thấy và thịnh nộ vì đám bạn chế giễu giọng điệu nhà quê của tôi cùng bộ răng giống răng thỏ của tôi. Nhưng dần dà tôi có bạn - Manolo và Ricardo Artadi, Garcés mặt rỗ, Javier Silva tròn lẳn, Chapirito Seminario - và nhờ chúng mà thích ứng được với các thói quen và những con người của cái thành phố rồi sẽ có dấu ấn rất lớn lên cuộc đời tôi ấy.
Không lâu sau khi tôi nhập trường, hai anh em Artadi cùng Jorge Salmón, vào một hôm chúng tôi đi bơi trong thứ nước đã xuống thấp của Piura - khi đó sông đang có lũ - nói cho tôi biết nguồn gốc đúng của bọn trẻ con sơ sinh và cái từ không thể nói ra nổi: xxx, nghĩa là gì. Sự hé lộ gây sang chấn tâm lý, tuy tôi chắc chắn, lần này, là mình đã im lặng nghiền ngẫm, chứ không đi kể cho cậu Lucho, sự kinh tởm mà tôi cảm thấy khi tưởng tượng ra đám đàn ông thú vật kia, dương vật cứng ngắc, leo lên những người phụ nữ khốn khổ sẽ phải chịu đựng các đợt a la xô của bọn họ. Việc mẹ tôi đã phải trải qua điều đó để tôi chào đời được làm cho tôi thấy kinh tởm quá; tôi cảm thấy thật bẩn thỉu lúc biết điều này, tôi đã vấy bẩn mối quan hệ với mẹ tôi và vấy bẩn, theo một cách thức nhất định, cuộc đời tôi. Cả thế giới trở nên nhơ nhớp trong mắt tôi. Những lời giải thích của ông linh mục nghe tôi thú tội, người duy nhất tôi dám hỏi ý kiến về chủ đề gây khiếp sợ đó, hẳn không khiến tôi bình tâm mấy bởi việc ấy hành hạ tôi suốt ngày đêm; đã phải có nhiều thời gian thì tôi mới nhẫn nhục được mà chấp nhận những trò con tườu đó giữa đàn ông và phụ nữ, cái động từ xxx kia, cách thức gớm ghiếc nhằm duy trì giống người và làm cho chính tôi sinh ra ấy.
Chức tỉnh trưởng Piura là vị trí ổn định cuối cùng mà Pedro ông tôi giữ. Tôi nghĩ rằng tất tật những năm ông sống ở đó, cho đến vụ đảo chính quân sự của tướng Odría năm 1948 lật đổ José Luis Bustamante y Rivero, gia đình chúng tôi khá sung sướng. Lương của ông tôi chắc rất thấp, bởi để giúp tiền chi dụng trong nhà cần phải có cậu Lucho, làm việc tại Casa Romero, và mẹ tôi, đã tìm được một chỗ ở chi nhánh tại Piura của Casa Grace. Văn phòng tỉnh có hai patio và những cái trần giả ẩm ướt nơi lũ dơi làm tổ. Đám bạn tôi và tôi trườn đi khám phá chúng, hy vọng bắt được một trong số những con chuột biết bay kia và bắt nó hút thuốc, bởi người ta cho rằng nếu nhét một điếu thuốc lá vào miệng dơi thì nó sẽ nhả ra các luồng khói thật to như một người hút thuốc thành thạo.
Piura hồi đó nhỏ xíu và vui tươi, gồm các chủ trang trại giàu có và hoạt bát - nhà Seminario, Checa, Hilbck, Romero Artázar, García - ông bà tôi và các cậu tôi kết với họ những tình bạn sẽ kéo dài cả đời. Người ta đi dạo trên bãi biển Yacila thật đẹp, hoặc ở Paita, nơi lúc nào người ta cũng có nguy cơ giẫm phải một con cá đuối (tôi còn nhớ một bữa trưa ở nhà Artadi nơi ông tôi và cậu Lucho đi bơi vào lúc thủy triều xuống đã bị chích và được chăm sóc ngay trên bãi biển nhờ tay một phụ nữ da đen to béo, bà ta sưởi ấm chân của họ trên brasero của mình và vắt chanh lên vết thương), hoặc tại Colán, khi đó là một nhúm lán trại gỗ dựng trên cột trong sự mênh mông của bãi cát tuyệt vời ấy, bị xâm chiếm bởi lũ chim cắt cùng mòng biển.
Ở hacienda Yapatera, nhà Checa, lần đầu tiên tôi được cưỡi ngựa và nghe nhắc đến nước Anh theo lối khá là huyền thoại, bởi bố của James McDonald bạn tôi là người Anh, và cả ông lẫn vợ - Pepita Checa - sùng kính đất nước đó, mà theo cách nào đó họ đã tái tạo trong sự khô cằn các ngọn núi của Piura (ở nhà họ người ta dùng five o'clock tea và nói tiếng Anh).
Vẫn còn lại trong ký ức của tôi, như một puzzle, về cái năm ở Piura ấy, nó sẽ kết thúc tại đại lộ Eguiguren với sự hé lộ về tồn tại của bố tôi: các hình ảnh không dây kết nối, sống động và gây cảm động. Viên cảnh binh trẻ măng canh giữ cửa sau của văn phòng tỉnh và theo đuổi Domitila, một trong những cô hầu trong nhà, bằng cách hát cho cô nghe bằng giọng ướt rượt Muñequita linda, và những chuyến đi chơi đông người tới lòng sông cạn và các mỏ cát của Castilla và Catacaos để quan sát lũ nhông tiền sử hay, trốn vào giữa bụi minh quyết, nhìn bọn lừa giao cấu với nhau. Những lần đi bơi ở bể bơi của câu lạc bộ Grau, những mưu mẹo của chúng tôi nhằm đi xem các bộ phim cấm trẻ vị thành niên tại Variedades và Municipal cùng các chuyến do thám, chúng khiến chúng tôi phấn khích vô cùng và đầy ma mãnh, để rình trong bóng tối ngôi nhà màu lục kia, được dựng giữa đồng không mông quạnh giữa Castilla và Catacaos, về nó lan truyền các tin đồn tục tĩu. Từ gái điếm khiến tôi ngập tràn kinh hoàng và ngây ngất. Việc đến núp ở gần cái nhà kia, rình các phụ nữ có cuộc đời buông tuồng sống ở đó cùng các khách thăm khuya khoắt của họ, đối với tôi là một cám dỗ không thể cưỡng, dẫu vẫn biết rằng mình đang phạm một tội lỗi chết người mà sau đó tôi sẽ phải đi thú tội. [Vargas Llosa sẽ viết một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng về chủ đề này, nhan đề Nhà Lục]
Và những con tem mà tôi bắt đầu thu thập, được thúc đẩy bởi bộ sưu tập mà Pedro ông tôi lưu giữ - những con tem hiếm, hình tam giác, nhiều màu, bằng các ngôn ngữ và từ những đất nước xa thẳm được cụ tôi Belisario tập hợp lại thành hai quyển, một trong các kho báu mà gia đình Llosa đưa đi khắp thế giới - mà tôi được mở ra xem những lúc nào ngoan. Ông cha xứ ở quảng trường Merino, cha García, một linh mục Tây Ban Nha và hay cáu bẳn, cũng là nhà sưu tầm và tôi có thói quen đến đổi với ông những con tem thừa của mình, trong một cuộc mặc cả đôi khi kết thúc với một vụ bùng nổ giận dữ của ông, thứ mà chúng tôi, các bạn tôi và tôi, rất thích khơi lên. Thánh tích khác của gia đình là Sách Opera, mà Carmen bà tôi được thừa hưởng từ bố mẹ của bà: một quyển sách đẹp đóng bìa màu đỏ và mạ vàng, với nhiều hình minh họa, trong đó được tóm tắt lại tất tật các vở opera Ý lớn cùng những khúc aria chính của chúng, mà tôi đọc đi đọc lại suốt nhiều tiếng đồng hồ.
Những cơn bão của cuộc sống chính trị tại Piura - nơi các đảng cân bằng với nhau hơn so với ở phần còn lại của đất nước - đến với tôi theo đường lối mù mờ. Đám người độc ác là những người thuộc đảng APRA, những kẻ đã phản bội ông trẻ José Luis bằng cách biến cuộc đời ông trở nên không thể chịu nổi tại Lima, mà leader, Víctor Raúl Haya de la Torre, đã tấn công ông tôi trong một bài diễn văn, ở đây, trên quảng trường chính, buộc tội ông là một tỉnh trưởng chống APRA. (Tôi có mặt ở buổi biểu dương lực lượng đó của APRA, mặc cho lệnh cấm của gia đình, và tôi phát hiện tại đó Javier Silva Ruete bạn tôi, mà ông bố là một chiến sĩ hăng hái, cầm một tờ áp phích to hơn người viết: "Thưa bậc thầy, giới trẻ hoan hô thầy.") Nhưng mặc cho toàn bộ sự độc ác hiện thân bởi APRA, ở Piura có một số thành viên của đảng rất đứng đắn, bạn của ông bà và các cậu tôi, như bố của Javier, bác sĩ Máximo Silva, bác sĩ Guillermo Gulman, hay bác sĩ Iparraguirre, nha sĩ của gia đình, tôi hay cùng con trai ông tổ chức các buổi tối diễn kịch trong sảnh nhà của họ.
Những kẻ thù bất cộng đái thiên của các thành viên APRA là những người theo UR thuộc Liên đoàn cách mạng, do Luis A. Flores người Piura lãnh đạo, mà thành trì là khu phố La Mangachería, lừng danh vì các cửa tiệm tối tăm cùng các quán rượu của nó cũng như vì những dàn nhạc nhỏ của nó. Truyền thuyết bịa ra rằng tướng Sánchez Cerro - độc tài, người sáng lập UR, bị một người theo APRA ám sát vào ngày 30 tháng Tư năm 1933 - sinh ra ở La Mangachería, điều này khiến cho tất tật cư dân La Mangachería đều là các thành viên của UR, và tất tật những cái nhà bằng đất và sậy của khu phố đó, với các phố phủ đầy bụi, đầy rẫy churre cùng piajeno (như người ta hãy gọi bọn nhóc con cùng lũ lừa bằng thứ biệt ngữ của Piura), treo trên các bức tường của mình bức tranh nào đó vẽ Sánchez Cerro. Ngoài các thành viên UR, còn có những người xã hội chủ nghĩa, mà leader, Luciano Castillo, cũng là người Piura. Các trận chiến ngoài phố giữa những người theo APRA, UR và xã hội chủ nghĩa rất hay xảy ra và tôi biết điều này vì những hôm đó - meeting luôn luôn suy thành ẩu đả - tôi không được phép ra khỏi nhà và cảnh sát tăng viện đứng đầy quanh văn phòng tỉnh, điều này không phải lúc nào cũng ngăn cản đám mặt giặc APRA, vào cuối cuộc biểu tình của họ, tiến lại đủ gần để ném đá vào các cửa sổ của chúng tôi.
Tôi cảm thấy hết sức hãnh diện vì là cháu của một người quan trọng như thế: ngài tỉnh trưởng. Tôi đi cùng ông tôi tới một số sự kiện công cộng - những buổi khánh thành, cuộc duyệt binh ngày quốc khánh, tập luyện tại trại lính Grau - và ngực tôi ưỡn lên khi thấy ông chủ trì những buổi lễ ấy, được các quân nhân chào, hoặc đọc diễn văn. Tất tật những tiệc tùng cùng tiếp tân đó cho thấy ở Pedro ông tôi sở thích thường trực đối với thơ, mà ông khích lệ nơi thằng cháu của ông. Ông viết thơ rất dễ dàng, về bất kỳ mô típ nào, và những khi phải cất lời, tại các bữa tiệc hay sự kiện trọng đại, ông rất hay đọc những câu thơ hợp cảnh. Về phần mình, nếu tôi luôn luôn say mê đọc, trong cái năm ở Piura đó, cũng như ở bên Bolivia, những cuốn sách phiêu lưu và nghuệch ngoạc các bài thơ hay các câu chuyện, thì những hoạt động đó bị tác động bởi một suy thoái nào đó do thời gian dành cho những người bạn mới của tôi và cho cuộc chinh phục thành phố ấy, nơi rất mau chóng tôi cảm thấy như ở nhà mình
Hai sự kiện sẽ quyết định cuộc đời tương lai của tôi và xảy ra vào năm 1946 đó, mãi ba mươi hay bốn mươi năm về sau tôi mới biết. Sự kiện thứ nhất, một bức thư mà một hôm mẹ tôi nhận được. Nó là của Orieli, chị dâu của bố tôi. Nhờ đọc báo bà biết ông tôi là tỉnh trưởng Piura và đặt giả định là Dorita sống ở gần ông. Mẹ tôi ra sao rồi? Có lấy chồng mới không? Và con trai của Ernesto khỏe không? Bà đã viết bức thư ấy theo chỉ thị của bố tôi, ông đã, một sáng nọ, trong khi lái xe đi làm, nghe radio biết việc bổ nhiệm don Pedro J. Llosa Bustamante làm tỉnh trưởng Piura.
Sự kiện thứ hai là một chuyến đi vài tuần đến Lima mà mẹ tôi đã thực hiện, vào tháng Tám, cho một ca phẫu thuật nhẹ. Bà đã gọi điện thoại cho Orieli và Orieli mời bà tới dùng trà. Bước vào villa ở Magdalena del Mar nơi bác César cùng vợ sống, bà nhìn thấy bố tôi trong phòng khách. Bà ngất xỉu. Người ta đã phải vực bà dậy, đặt bà ngồi vào một cái phô tơi, dùng muối làm bà tỉnh lại. Giây phút ấy là đủ để xóa đi khỏi ký ức bà ác mộng năm tháng rưỡi cuộc hôn nhân của bà, việc bà bị bỏ rơi cùng mười một năm im lặng của Ernesto J. Vargas.
Không ai trong gia đình biết gì về cả cuộc gặp ấy lẫn sự hòa giải bí mật và âm mưu qua thư suốt nhiều tháng ròng, tạo nên cú rình rập đã được tiến hành vào buổi chiều hôm đó, trên đại lộ Eguiguren, dưới mặt trời rạng ngời của mùa hè đang bắt đầu. Tại sao mẹ tôi không nói với bố mẹ và các em trai của bà là bà đã gặp bố tôi? Tại sao bà không nói với họ những gì mà bà sắp làm? Vì bà biết rằng hẳn họ sẽ tìm cách thuyết phục bà đừng làm như vậy và dự đoán cho bà về những gì đang đợi bà.
Nhảy vọt lên vì vui mừng, không quá mức dám tin vào những gì vừa biết được, gần như tôi không nghe thấy mẹ tôi nhắc đi nhắc lại, trên đường đến khách sạn Du khách, là trong trường hợp chúng tôi gặp phải ông bà, Mamaé, cậu Lucho hay cô Olga, tôi không được hở lời nào về điều mà bà vừa hé lộ cho tôi. Trong sự náo động của mình, thậm chí tôi còn không nghĩ đến chuyện hỏi bà tại sao việc bố tôi còn sống, việc ông đang ở Piura và vài phút nữa tôi sẽ biết ông lại phải là một bí mật. Ông là ai? Ông như thế nào?
Chúng tôi bước vào khách sạn và, ngay khi bước qua ngưỡng một phòng khách nhỏ nằm bên trái, một người đàn ông vận com lê màu be và đeo cà vạt lục có nhiều chấm trắng đứng dậy và đi về phía chúng tôi. "Đây là con trai của anh à?" tôi nghe thấy ông nói. Ông cúi xuống, ôm lấy tôi và hôn tôi. Tôi bị rối trí và không biết phải làm gì. Tôi nặn ra một nụ cười giả đò và đông cứng. Bởi ông thật khác, cái ông bố bằng xương bằng thịt đó, với hai bên thái dương điểm bạc và tóc lơ thơ, so với chàng thanh niên đẹp trai mặc đồ lính thủy mà ảnh chụp dùng để trang trí cho bàn đầu giường của tôi. Tôi ngây ra: ông bố này không giống với cái người mà tôi tưởng là đã chết.
Nhưng tôi không có thời gian nghĩ đến điều đó, bởi người đàn ông kia đề nghị với chúng tôi đi một vòng Piura bằng ô tô. Ông nói với mẹ tôi bằng một sự thân tình khiến tôi cảm thấy khó ở và làm tôi có chút ghen. Chúng tôi đa ra theo quảng trường chính, đang sôi sục nắng và nhiều người, giống Chủ nhật nơi có phường hát, và lên một chiếc Ford màu xanh, mẹ tôi ngồi trước cùng ông, còn tôi thì đằng sau. Đúng lúc đó, một bạn học cùng lớp, tóc nâu và dong dỏng cao, Espinoza, đi ngang qua trên vỉa hè và hờ hững tiến lại gần cái xe, thì bố tôi nổ máy phóng đi; tôi chỉ vừa kịp đưa tay vẫy cậu ta.
Chúng tôi đi một vòng ở trung tâm và đột nhiên cái ông vốn dĩ là bố tôi kia đề nghị đi xem ở nông thôn, vùng phụ cận và, tại sao lại không, đi tận tới ki lô mét năm mươi, cái chỗ có quán nước nơi chúng tôi có thể giải khát. Tôi biết rất rõ đoạn đường này. Thói quen từ lâu, đi cùng đến đó những ai lên đường đi Lima. Với ông bà tôi, cậu Lucho và cô Olga, chúng tôi từng làm như vậy, vào ngày lễ quốc khánh, khi cậu Jorge, cô Gaby, cô Laura và hai đứa em họ tôi, Nancy và Gladys (cùng đứa em gái mới của chúng, Lucy), tới ở vài ngày nghỉ. (Cuộc gặp lại mấy đứa em họ đó là một bữa tiệc lớn; chúng tôi lại chơi nghịch rất nhiều, nhưng lần này ý thức được rằng tôi là một người đàn ông bé nhỏ còn chúng là các phụ nữ bé nhỏ, và không có chuyện, chẳng hạn, làm những gì mà chúng tôi hay làm, bên Bolivia, ngủ và tắm chung.) Những mỏ cát nằm xung quanh Piura ấy, với các đụn hay chuyển chỗ của chúng, các đám minh quyết dày cùng các đàn dê, ảo ảnh những cái ao và các dòng suối mà người ta nom thấy, vào lúc hoàng hôn, khi quả bóng tía mặt trời nơi chân trời nhuộm sắc cho cát trắng và mạ lên chúng một thứ ánh sáng như máu, đấy là một phong cảnh từng luôn luôn khiến tôi thấy xúc động, mà tôi đã chẳng bao giờ mệt mỏi nhìn ngắm. Sự chiêm ngưỡng đó tháo xích buộc cho trí tưởng tượng của tôi. Đấy là xen lý tưởng để đặt vào những chiến công anh hùng ca của các kỵ sĩ và những nhà phiêu lưu, các prince cứu những quý nương bị cầm tù hoặc những tên kẻ cướp chiến đấu như sư tử cho tận tới chỗ chiến thắng được lũ người độc ác. Mỗi lần nào chúng tôi đến để đi dạo hoặc chào tạm biệt ai đó trên con đường này, tôi lại buông mình vào giấc mơ trong lúc lướt qua bên ngoài cửa sổ cái phong cảnh bừng cháy và hoang vu kia. Nhưng tôi chắc chắn mình đã không nhìn thấy gì vào lần này, những gì xảy ra ở bên ngoài, vì đang treo cứng, bằng tất tật các giác quan, vào những gì ông kia và mẹ tôi nói với nhau, lúc nào cũng thì thầm, trao nhau những ánh mắt khiến tôi phẫn nộ. Họ đang suy tính điều gì bên dưới những lời lẽ mà tôi không nghe thấy? Họ đang thực hiện các lễ mi-xa kín. Nhưng tôi nhận ra chúng, tôi có ngốc đâu. Tôi nhận ra điều gì? Họ đang giấu tôi điều gì?
Đến ki lô mét năm mươi, sau khi ăn uống vài thứ, cái ông vốn dĩ là bố tôi kia nói rằng, bởi vì đã đến tận đây, chúng tôi có thể đi tiếp cho tới Chiclayo. Tôi có biết Chiclayo không? Không, tôi không biết. Thế thì, ta đi Chiclayo thôi, để Marito biết thành phố của món cơm vịt.
Cơn khó ở của tôi tăng thêm và tôi chịu đựng bốn hay năm tiếng trên con đường không rải nhựa đó, đầy ổ gà ổ voi với những hàng cam nhông dài trên dốc Olmos, gặm nhấm các lo lắng của mình, tin chắc rằng toàn bộ những điều này đã được lên kế hoạch từ trước, mà tôi không biết, với sự đồng lõa của mẹ tôi. Họ muốn phỉnh như thể tôi là một đứa bé, trong khi tôi nhận ra rất rõ trò lừa. Bóng tối đã buông, tôi nằm ra ghế, giả vờ ngủ. Nhưng tôi rất tỉnh, đang dùng tất tật các thớ sợi của mình bíu chặt vào những lời thì thào của họ.
Đến một khoảnh khắc trong đêm, tôi phản đối:
- Ông bà sẽ thấy lo vì không thấy chúng ta về, mẹ.
- Chúng ta sẽ gọi cho họ từ Chiclayo, cái ông vốn dĩ là bố tôi sốt sắng đáp.
Chúng tôi tới Chiclayo vào lúc rạng sáng; tại khách sạn không có gì ăn, nhưng chẳng quan trọng mấy, tôi không đói. Họ thì có, và họ mua bánh quy, mà tôi không động vào. Họ để tôi lại một mình trong một căn phòng và tự nhốt mình vào phòng bên cạnh. Đêm đến, tôi cứ mở mắt thao láo và lòng dạ thì quặn lên, tìm cách nghe thấy giọng nói nào đó, tiếng ồn nào đó từ phòng bên, ghen tuông đến chết mất và cảm thấy mình là nạn nhân của một trò lừa to lớn. Dạ dày quặn lên, đôi khi tôi lên cơn co thắt vì kinh tởm trước cái ý mẹ tôi có thể đang làm cùng cái ông kia những trò tườu mà đàn ông và phụ nữ hay làm để có những đứa con.
Hôm sau, ăn sáng xong, ngay khi chúng tôi lên chiếc Ford màu xanh trở lại, ông nói điều mà tôi biết rất rõ là ông sắp nói:
- Chúng ta đi Lima, Mario.
- Thế ông bà sẽ nói gì? tôi ấp úng. Mamaé, cậu Lucho nữa?
- Họ sẽ nói gì? ông đáp. Chẳng phải một đứa con trai thì phải ở cùng bố của nó à? Chẳng phải nó cần sống với bố nó à? Con nghĩ sao về việc này? Con nói gì nào, hử?
Ông nói điều đó bằng cái giọng rất thấp mà tôi nghe thấy ở ông lần đầu tiên, với cái tông cao vống, như đóng đinh ấy, rất sớm nó sẽ gây cho tôi nhiều hoảng sợ hơn so với các bài giảng về địa ngục mà cha Agustín đọc cho chúng tôi tại Cochabamba vào lúc chuẩn bị lễ ban thánh thể đầu tiên của chúng tôi.
Huỳnh Bất Thức dịch
Mario Vargas Llosa