Leopardi: Nghĩ, III, VIII, XIII
Khi Leopardi nghĩ, điều đó sẽ tạo thành Pensieri, tập sách nhỏ được người bạn thân Antonio Ranieri in, vào năm 1845, tám năm sau khi Leopardi chết.
Nghĩ
- Leopardi
III
Người ta có thể ước lượng sự khôn ngoan về kinh tế của thế kỷ này dựa trên cái thứ thời thượng, in sách dạng "compact", nơi người ta tiết kiệm được nhiều giấy, nhưng rất ít tiết kiệm thị giác. Mặc cho nỗ lực nhằm bớt giấy ở các quyển sách, người ta thấy rõ rằng mốt hiện tại là in thật nhiều và không đọc gì. Cũng chính do mốt này mà mới có chuyện chúng ta từ bỏ các ký tự tròn, xưa kia được sử dụng khắp châu Âu, thay vào đó là những ký tự dài. Nếu thêm vào đó độ sáng của giấy, thì đấy là những quyển sách dễ chịu để nhìn cũng ngang mức với gây hại cho mắt của độc giả; điều này, thêm nữa, hoàn toàn phù hợp với một thời đại nơi các quyển sách được làm ra để ngắm, chứ không phải để được đọc.
VIII
Một trong những nhầm lẫn trầm trọng nhất ngày nào con người cũng phạm phải, ấy là nghĩ rằng những bí mật của họ sẽ không bao giờ bị phát tán, không chỉ các bí mật được hé lộ qua tâm sự, mà cả toàn bộ những gì mà người nào cũng có thể biết hoặc để ý thấy về kẻ khác, dẫu không chủ ý hoặc dẫu không hề hay biết, mà hẳn người đó thích không biết hơn. Thế nên, khi mi biết rằng một khía cạnh trong cuộc sống cá nhân của mi bị một người khác biết, thì đừng tự tạo các ảo tưởng và hãy coi là chắc chắn, chuyện tất cả mọi người đều biết cả, dẫu đối với mi điều đó có thể gây nhục nhã hay tổn hại đến mức nào. Phải rất khó nhọc và vì lợi ích cá nhân thì những con người mới kìm giữ được mà không kể ra các bí mật của riêng họ; nhưng chừng chuyện là người khác, thì chẳng ai im đâu. Để tin vào điều này, chỉ cần mi quay trở lại với chính mình và thấy bao nhiêu lần mi từng tự cấm mi phát tán những gì mà mi biết về kẻ khác nhằm tránh gây khó chịu, làm nhục hay gây hại, là đủ; và tôi sẽ nói thêm rằng lao mình vào những tọc mạch ấy trên quảng trường hay ở bên người bạn thân nhất của mình, thì chuyện vẫn y nguyên. Trong xã hội, nhu cầu về đặt điều thắng thế tất tật các nhu cầu khác, bởi đấy là phương tiện chính yếu để qua được thời gian, và qua thời gian là một trong những điều cần thiết vượt trội của cuộc đời. Sự đặt điều nói xấu được tìm kiếm nhiều hơn cả, cái sự đặt điều kích thích nỗi hiếu kỳ và xua đi nỗi buồn chán, đấy luôn luôn là sự hé lộ thật tươi mới một bí ẩn nào đó. Vậy nên hãy nhất quyết chọn lấy quy tắc sau: nếu không muốn người ta biết những gì mà mi làm, không nói gì về cái đó vẫn còn chưa đủ, còn cần phải nhịn làm điều đó đi; và nếu mi không thể không hành động, hãy chắc chắn rằng rồi một ngày mọi sự sẽ bị biết, dẫu thậm chí mi còn chẳng bao giờ để ý thấy điều này.
XIII
Thật là một ảo tưởng đẹp và êm đềm, ảo tưởng về các ngày kỷ niệm: trong khi trên thực tế sự kiện được ăn mừng không có gì chung với ngày hôm ấy hơn so với bất kỳ một ngày nào khác, dường được thiết lập giữa chúng một quan hệ đầy đặc quyền, như thể cái bóng của quá khứ năm nào cũng quay trở lại ám lấy cùng ngày đó. Sự ăn mừng ấy gỡ gạc một phần cho cái ý kinh khiếp về sự hư vô hóa, làm trái tim chúng ta nguôi dịu khỏi nỗi đau đớn từ biết bao nhiêu kỳ để tang và mang đến cho chúng ta ấn tượng rằng quá khứ, vốn dĩ không thể quay trở lại, tuy vậy đã không bị mất đi theo lối chung quyết. Cũng vậy, những lúc chúng ta đi thăm các địa điểm được lịch sử đánh dấu hoặc làm sống động trở lại những kỷ niệm cá nhân, chúng ta nói: chính tại đây chuyện đã xảy ra và, trong lúc nói thế, đối với chúng ta quá khứ dường gần chúng ta hơn so với ở bất kỳ chỗ nào khác; tương tự, những khi nào chúng ta tưởng nhớ một sự kiện, đối với chúng ta nó dường hiện diện hơn hoặc ít đã qua hơn so với các hôm khác. Ý này bắt rễ vào con người sâu tới nỗi anh ta khó lòng mà chấp nhận được rằng ngày kỷ niệm chỉ là, trong tương quan với những gì không còn nữa, một ngày như những ngày khác: chính vì thế sự ăn mừng hằng năm các kỷ niệm quan trọng trong địa hạt tôn giáo hay chính trị, công cộng hay riêng tư, hoàn toàn giống trò ăn mừng sự sinh ra hay chết đi của những người yêu quý, là chung đối với tất tật các dân chúng sở hữu một ký ức và một quyển lịch. Và tôi đã có thể ghi nhận được rằng những người nhạy cảm, vốn dĩ quen với nỗi cô đơn hoặc với độc thoại bên trong, hết sức chu đáo mà ăn mừng các ngày kỷ niệm và có thể nói là sống nhờ những kỷ niệm thuộc dạng ấy, ngày nào trôi đi cũng nhắc họ về một hoàn cảnh nào đó trong quá khứ của riêng họ.
XVIII
Tôi từng thấy tại Florence, nơi như vậy chỉ là một cảnh tượng tầm thường, một người bị thắng như một con vật chuyên làm việc nặng vào một xe kéo chất đầy ắp. Kéo hai càng xe, người đó đi, vẻ cao ngạo và kiêu hãnh, vừa đi vừa hét thật to đòi người ta nhường đường. Tôi tìm thấy lại được, ở đó, hình ảnh tất tật những kẻ kiêu ngạo kia, chúng giễu võ giương oai, miệng chực sẵn câu chửi, vì một lý do hoàn toàn tương tự như lý do của người kéo xe của tôi, tức là kéo một cái xe.
Cao Việt Dũng dịch
Leopardi: Nghĩ
Baudelaire: Spleen