Khép, khép cái chân vào
Michel Houellebecq, một nhà văn mà tôi rất hâm mộ, từng miêu tả hết sức châm biếm việc đi máy bay, trong một cuốn tiểu thuyết. Về cơ bản, tuy là phương tiện giao thông hiện đại nhất, đắt nhất và an toàn nhất - tất nhiên những máy bay rơi vào năm ngoái đã bắt đầu làm lung lay niềm tin của chúng ta về điều này - nhưng trên máy bay không bao giờ ta thực sự có đủ chỗ để ngồi.
Một đặc điểm nữa, gỡ gạc lại cho những chỗ ngồi lúc nào cũng quá chật trên máy bay, là di chuyển bằng đường hàng không cũng đồng nghĩa với việc ta luôn luôn có các tiếp viên ở bên cạnh. Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi nhìn thấy bức ảnh chụp hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên trên máy bay là tại sao không một tiếp viên nào ý tứ kéo chăn che cho một hành khách đang ngủ say và rơi vào một tư thế hớ hênh. Tiếp theo, tôi thấy mừng vì hoa hậu Kỳ Duyên đã không mặc váy.
Một bức ảnh gây quá nhiều dư luận như vậy không còn để cho ta quá nhiều điều để nói. Tất nhiên, không thể nào ra lệnh cho ai đó đang ngủ phải tạo hình thật nền nã, chưa tính đến một số yếu tố nhỏ hơn như âm thanh phát ra trong khi ngủ và một loại chất lỏng có thể xuất hiện ở khu vực quanh miệng. Lẽ dĩ nhiên ta càng không thể bắt các hoa hậu không được ngủ trên máy bay.
Thật ra, những gì xảy ra trên máy bay (nhất là máy bay Việt Nam) vô cùng phong phú, và rất nhiều chuyện buồn cười hơn nhiều. Tôi tin là nếu lấy khoang hành khách máy bay làm bối cảnh rồi làm một bộ phim sitcom, nếu tìm được một người viết kịch bản cứng tay và hài hước, không khó gì để tạo ra một bộ phim truyền hình trên 2.000 tập, tập nào cũng hấp dẫn.
Là người đã trưởng thành, ta cũng biết rằng ai thì trong đời cũng đều từng trải qua những sự việc trớ trêu. Có một câu trong Kiều đã nói lên một cách tuyệt đối chính xác tâm trạng con người sau khi xảy ra một số sự việc khó xử: "Ăn làm sao nói làm sao bây giờ". Thời của cô Kiều đã thế rồi, thời nay chắc chắn càng nhiều chuyện trớ trêu hơn, khi mà khoang hành khách của máy bay thì quá nhỏ, mà lại có quá nhiều cặp mắt và bất kỳ ai cũng có ít nhất một cái điện thoại có thể chụp ảnh trong vòng hai nốt nhạc.
Vậy cho nên, các cô gái trẻ (không cứ là hoa hậu), nhất là những cô gái đẹp, hẳn là nên có một số "biện pháp phòng ngừa" để khỏi rơi vào những tình huống trớ trêu. Chắc điều này sẽ trái ngược với sự trông đợi của nhiều người, nhưng tôi nghĩ các cô gái trẻ và đẹp nên đọc sách. Sách dạy cho ta nhiều hơn so với phim ảnh và những tờ tạp chí xanh đỏ lòe loẹt.
Đọc sách để biết người ta có thể đi máy bay mấy tiếng đồng hồ mà không cảm thấy lãng phí thời gian. Đặc biệt, quyển sách mang theo có thể trở thành một thứ vật dụng hữu hiệu để che chắn. Ví dụ, nếu có quyển sách, các cô gái có thể dùng nó để chèn lên mép chăn, để nó đừng bị bung ra. Tất nhiên, đọc sách cũng giúp các cô gái biết cư xử và nói năng tốt hơn nhiều, ăn mặc đẹp hơn, để đừng gào toáng lên ở chỗ đông người, đừng xô đẩy chen lấn, đừng xức quá nhiều nước hoa, nhất là những lúc đi máy bay.
Tôi nghĩ bức ảnh vừa rồi chỉ là một tai nạn nho nhỏ đối với cá nhân hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Nhưng lại là một câu chuyện không nhỏ nếu soi chiếu vào thái độ và phát ngôn của không ít người. Theo dõi một chút câu chuyện, tôi muốn bật cười khi nhận ra: có rất nhiều người tỏ vẻ hả hê, sung sướng rất kỳ lạ trước câu chuyện không có lý gì để vui thú này.
Dường như đó là một quy luật: đàn ông trước một số sự việc có cách cư xử rất khác, nhất là họ thường chẳng mấy khi bêu riếu phụ nữ. Trước đây, cũng chính là một người đàn bà làm thơ vẽ cảnh đàn bà ngủ ngày: "Yếm đào trễ xuống dưới nương long" (nhà thơ Hồ Xuân Hương).
Người ta cứ nói chỉ phụ nữ mới làm phụ nữ hạnh phúc, nhưng hình như không phải: đàn bà rất thích làm khổ đàn bà khác. Và cả cái phần đàn bà ở trong một số người đàn ông nữa.
(2015, Zing, in lại trong Một dấu hiệu của tình yêu)