favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Joseph Conrad: Gaspar Ruiz (phần tiếp theo)

23/07/2024 22:15

Tiếp tục Joseph Conrad và câu chuyện về người tù kỳ lạ, hay là việc cả một vũ trụ có thể sinh ra và chết đi trong lúc người ta ngủ trưa như thế nào. 

Gaspar Ruiz (tiếp theo)

- Joseph Conrad

Nhưng khi hai cái thùng được tìm thấy và được đổ đầy nước giếng, người ta mới phát hiện ra là không thể đưa chúng qua các chấn song được đặt quá sát nhau. Trước viễn cảnh được giải cơn khát, tiếng gầm rú của những kẻ bị chà đạp trong cuộc vật lộn để tiến lại gần cửa sổ trở nên quá thương tâm. Và khi đám lính đã nhấc thùng lên cửa sổ lại bất lực đặt xuống đất, thì tiếng gào thét thất vọng lại càng kinh khủng hơn.

Lính của quân đội Độc Lập không được trang bị bi đông. Một tách nhỏ bằng sắt tây được tìm thấy, nhưng việc nó tiến lại gần lỗ mở gây ra quá nhiều bạo động, quá nhiều tiếng gào thét phẫn nộ và đau đớn trong đống tứ chi mơ hồ đằng sau những bộ mặt căng thẳng tại cửa sổ, đến mức Trung úy Santierra phải vội vàng kêu lên, “Không, không - anh phải mở cửa ra, trung sĩ.”

Tên trung sĩ, sau khi nhún vai, giải thích hắn không được quyền mở cửa kể cả nếu có chìa khóa. Nhưng hắn không có chìa khóa. Sĩ quan trông giữ đồn binh mới là người giữ chìa khóa. Đám đó đang gây quá nhiều rắc rối không cần thiết, vì dù sao thì chúng cũng phải chết lúc mặt trời lặn. Hắn không thể hiểu nổi tại sao lại không bắn chúng ngay lập tức từ sáng sớm.

Trung úy Santierra cố tình quay lưng về phía cửa sổ. Chính nhờ những lời nài xin thiết tha của chàng mà Chỉ Huy đã hoãn cuộc hành hình lại. Chàng được hưởng ơn huệ này nhờ có một gia đình danh giá và nhờ vị trí cao của cha chàng giữa những thủ lĩnh của đảng Cộng Hòa. Trung úy Santierra tin rằng Tướng chỉ huy sẽ đến thăm pháo đài vào một lúc nào đó trong buổi chiều, và chàng thật lòng hy vọng sự can thiệp ngây thơ của mình sẽ khiến người đàn ông nghiêm khắc đó ít nhất là tha cho một số trong những tên phạm tội này. Sự can thiệp của chàng bây giờ lồ lộ ở đó như có tội và vô ích trong cảm giác khiếp sợ. Chàng thấy hình như rõ ràng là ông tướng sẽ không đời nào đồng ý lắng nghe lời cầu xin của mình. Chàng không bao giờ có thể cứu được những người kia và đã chỉ tự bắt mình phải gánh trách nhiệm cho những khổ sở thêm vào sự tàn nhẫn của số phận họ mà thôi.

“Thế thì đi gặp sĩ quan trông giữ để lấy chìa khóa ngay lập tức,” Trung úy Santierra nói.

Tên trung sĩ rụt rè mỉm cười lắc đầu, mắt hắn liếc nhìn mặt Gaspar Ruiz, bất động và lặng lẽ, đang chòng chọc ngó qua những thanh ngang dưới đáy một đống những bộ mặt phờ phạc, méo mó, đang la ré khác.

Sĩ quan trông giữ de Plaza tôn kính của hắn đang ngủ trưa, tên trung sĩ nói khẽ; và giả sử rằng hắn, trung sĩ, được phép vào gặp ông ấy, thì kết quả duy nhất mà hắn kỳ vọng sẽ là hồn bị quất mạnh cho lìa khỏi xác vì dám quấy rầy trong khi ngài ấy đang nghỉ ngơi. Hai bàn tay hắn phác một động tác nài nỉ, và hắn đứng không nhúc nhích, rụt rè nhìn xuống những ngón chân màu nâu của hắn.

Trung úy Santierra phẫn nộ nhìn trừng trừng, nhưng vẫn do dự. Khuôn mặt trái xoan đẹp trai của chàng, mịn màng như con gái, đỏ lên xấu hổ trước nỗi lúng túng của mình. Chàng cảm thấy mình bị nhục mạ một cách sâu sắc. Bờ môi trên chưa mọc ria của chàng run rẩy; dường như chàng sắp nổi cơn lôi đình hay bật khóc vì mất nhuệ khí.

Năm mươi năm sau, Tướng Santierra, di tích đáng tôn kính của thời cách mạng, vẫn còn nhớ rõ cảm xúc của chàng trung úy trẻ. Vì đã bỏ hẳn cưỡi ngựa, và thấy khó mà đi dạo ra khỏi khu vườn của mình, niềm vui lớn nhất của ông tướng là tiếp đãi tại nhà ông những sĩ quan thủy quân nước ngoài đến thăm cảng. Ông thích người Anh nhất, đấy là bạn đồng ngũ xưa kia của ông. Lính thủy người Anh thuộc mọi cấp bậc nhận lòng hiếu khách của ông với nỗi tò mò, vì ông từng quen Huân Tước Cochrane và đã dự phần, trên boong liên đội tàu yêu nước được chỉ huy bởi người thủy thủ phi thường đó, vào việc chia cắt và phong tỏa các hoạt động trước Callao1 - một thời kỳ vinh quang thuần khiết trong những cuộc chiến tranh giành Độc Lập và vinh dự bất tận trong truyền thống chinh chiến của người Anh. Người sống sót cổ xưa này của các đội Giải Phóng quân là một người đẹp lão biết nhiều thứ tiếng. Chiêu vuốt bộ râu bạc dài những khi không chắc về một chữ tiếng Pháp hoặc tiếng Anh truyền một vẻ phẩm giá nhàn nhã cho tinh thần chung nơi các hồi tưởng của ông.

III

“Phải, các bạn tôi ạ,” ông thường nói với khách, “tôi biết làm gì đây? Một chàng trai trẻ mười bảy mùa hè, chưa từng trải, và chỉ có được cấp bậc của mình nhờ lòng yêu nước vẻ vang của cha tôi, cầu Chúa cho linh hồn ông được yên nghỉ, tôi đã đau khổ vì bị làm nhục nặng nề, không phải vì sự không tuân lệnh của tên cấp dưới, kẻ suy cho cùng phải chịu trách nhiệm cho tù binh; mà tôi đau khổ vì, lúc đó tôi mới chỉ là một cậu bé, chính tôi cũng sợ đi gặp gã sĩ quan trông giữ để lấy chìa khóa. Tôi cảm thấy trước cái lưỡi thô bạo và cay độc của gã. Vốn dĩ là một tay tầm thường, không có phẩm chất gì ngoài lòng can đảm man rợ, gã đã khiến tôi cảm thấy sự khinh bỉ và nỗi ác cảm của gã từ ngày đầu tiên tôi gia nhập tiểu đoàn trong đồn binh tại pháo đài. Mới hai tuần trước đó thôi! Tôi dám đương đầu với gã khi kiếm cầm tay, nhưng chùn bước trước kiểu cười nhạo giễu cợt thú vật của gã.

“Tôi không nhớ trước đó hay từ đó trong đời tôi có bao giờ khốn khổ đến thế hay không. Tri giác của tôi thấy đau khổ quá, đến mức tôi đã mong tên trung sĩ gục xuống chết dưới hai bàn chân mình và đám lính ngu ngốc chòng chọc nhìn tôi bị biến thành xác chết; thậm chí cả những người bất hạnh mà những lời cầu khẩn của tôi đã giúp được hoãn thi hành án tôi cũng mong cho chết đi, vì tôi không thể đối diện với họ mà không thấy xấu hổ. Sức nóng độc hại như một luồng khí từ địa ngục thổi ra từ cái nơi tăm tối đang nhốt họ. Những người ở bên cửa sổ đã nghe thấy chuyện đang xảy ra chế giễu tôi, đầy tuyệt vọng; một trong những gã này, không còn nghi ngờ gì nữa, đã phát điên, cứ liến thoắng thúc giục tôi ra lệnh cho lính bắn qua cửa sổ. Sự lắm lời điên loạn của gã làm tim tôi chao đi. Và hai bàn chân tôi nặng như chì. Tôi chẳng thể thỉnh cầu sĩ quan cao cấp hơn nào. Tinh thần tôi thiếu vững chãi đến mức chỉ bỏ đi thôi tôi cũng không làm nổi.

“Tê liệt vì hối hận, tôi đứng quay lưng về phía cửa sổ. Nhưng các bạn đừng cho rằng tất tật những chuyện này kéo dài lâu. Có thể là bao lâu nhỉ? Một phút? Nếu dùng sự đau khổ tinh thần làm thước đo thì chẳng khác nào trăm năm, dài hơn toàn bộ đời tôi cho đến lúc đó. Không, chắc chắn thậm chí còn chưa đến một phút. Tiếng gào thét khô khốc của những kẻ bất hạnh khốn khổ chết dần trong những cái họng khô, và rồi bất thình lình một giọng nói, một giọng nói sâu thẳm bình tĩnh cất lên. Nó làm tôi phải quay lại.

“Giọng nói ấy, senores2, phát ra từ miệng Gaspar Ruiz. Tôi không thể thấy người anh ta. Một số bạn tù của anh đã trèo lên lưng anh. Anh đang nâng họ lên. Đôi mắt anh nháy mà không nhìn tôi. Điều đó và chuyển động của đôi môi anh dường như là tất cả những gì anh có thể làm trong tình trạng bị chất quá tải. Và khi tôi quay lại thì cái đầu kia, dường như to quá khổ con người, đang tựa cằm dưới vô số cái đầu khác, hỏi tôi có thực sự muốn giải cơn khát cho những người đang bị giam cầm không.

“Tôi nói, ‘Có, có!’ một cách hăng hái, và tiến lại rất gần cửa sổ. Tôi giống như đứa trẻ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi nóng lòng muốn được an ủi trong bất lực và hối hận.

“‘Senor teniente, ngài có thẩm quyền cởi trói cho hai cổ tay tôi không?’ Gaspar Ruiz hỏi tôi.

Trông anh không có vẻ lo lắng cũng không có vẻ hy vọng; cặp mí nặng nề nháy trên đôi mắt anh nhìn xuyên qua tôi, vào thẳng trong sân.

“Tựa hồ đang trong một cơn ác mộng tệ hại, tôi lắp bắp: ‘Ý anh là sao? Và làm sao tôi có thể với tới hai cổ tay bị trói của anh được?’

“‘Tôi sẽ thử xem tôi có thể làm gì,’ anh ta đáp; và rồi cuối cùng cái đầu lớn nhìn chòng chọc đó cũng di chuyển, và tất tật những bộ mặt hoang dã chen chúc trong ô cửa sổ rơi biến mất. Anh ta hất văng gánh nặng của mình chỉ bằng một động tác, anh ta rất khỏe.

“Và anh không chỉ hất văng họ đi, mà còn thoát khỏi đám người đó và tôi không trông thấy anh nữa. Một lát, không hề thấy ai trong ô cửa sổ. Anh đi quanh, húc đầu và hất vai, dọn một không gian cho mình bằng cách duy nhất có thể với hai bàn tay bị trói sau lưng.

“Cuối cùng, quay lưng về phía lỗ mở, anh chìa hai cổ tay bị trói nhiều vòng dây thừng của mình ra cho tôi giữa những chấn song. Hai bàn tay ấy, sưng to, nổi gồ mạch máu, nom có vẻ to lớn và vụng về. Tôi thấy cái lưng khom của anh. Rất rộng. Giọng anh như giọng một con bò đực.

“‘Cắt, senor teniente! Cắt!’

“Tôi rút gươm ra, thanh gươm mới chưa cùn, chưa dùng lần nào của tôi, và cắt nhiều vòng dây da. Tôi làm việc này mà không biết lý do và duyên cớ của hành động, như thể bị lòng tin vào người đàn ông ấy ép buộc phải làm. Tên trung sĩ làm như thể sắp kêu lên, nhưng nỗi kinh hãi đã cướp mất giọng nói của hắn, và hắn cứ đứng với cái mồm há ra như thể đã đột ngột trở nên đần độn.

“Tôi tra gươm vào vỏ và đối mặt với đám lính. Một vẻ trông chờ kinh sợ đã thay thế sự thờ ơ lờ phờ thường lệ của họ. Tôi nghe giọng Gaspar Ruiz hét lên bên trong, nhưng những lời nói thì tôi không thể nghe rõ. Tôi cho rằng việc thấy anh với hai cánh tay tự do làm tăng hiệu ứng từ sức mạnh của anh: ý tôi là, hiệu ứng tinh thần do một cường độ thể xác khác thường gây ra với những người dốt nát. Trên thực tế, người ta không cần phải sợ anh hơn trước, vì hai cánh tay và bàn tay anh bị tê liệt một lúc lâu.

“Tên trung sĩ đã phục hồi được giọng nói. ‘Nhân danh tất cả các thánh!’ hắn kêu lên, ‘chúng ta sẽ phải gọi một k binh cầm dây thòng lọng đi bắt lại hắn, nếu còn muốn dẫn hắn đến nơi hành hình. Chỉ có một enlazador giỏi trên một con ngựa tốt mới có thể khuất phục được hắn. Ngài đã vui lòng mà trình diễn một việc rất điên đấy ạ.’

“Tôi không có gì để nói. Chính tôi cũng ngạc nhiên, và cảm thấy một nỗi tò mò trẻ con muốn thấy chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng tên trung sĩ đang nghĩ đến khó khăn của việc điều khiển Gaspar Ruiz khi đến lúc làm gương.

“‘Hay có lẽ,’ tên trung sĩ khó chịu đeo đẳng, ‘chúng ta sẽ buộc phải bắn gục hắn lúc hắn lao ra khi cửa đã mở.’ Hắn định tiếp tục tuôn ra những nỗi lo ngại của mình về cách thi hành bản án đúng đắn; nhưng hắn tự ngắt lời mình bằng một tiếng cảm thán đột ngột, chộp lấy khẩu súng hỏa mai của một người lính, và đứng đầy cảnh giác với đôi mắt nhìn không rời khỏi cửa sổ.”

IV

“Gaspar Ruiz trèo lên bệ cửa sổ và ngồi xuống đó với hai bàn chân trên chiều dày của bức tường và hai đầu gối hơi gập lại. Cửa sổ không đủ rộng cho hai cẳng chân dài của anh. Nhận thức suy sụp của tôi thấy hình như anh có ý định giành lấy toàn bộ ô cửa sổ cho riêng mình. Dường như anh đang chiếm một vị trí thoải mái. Giờ không ai ở bên trong dám lại gần anh, khi anh đã có thể dùng hai bàn tay để đánh đấm.

“‘Por Dios3!’ Tôi nghe tên trung sĩ lẩm bẩm bên khuỷu tay mình, ‘bây giờ tôi sẽ bắn xuyên đầu hắn, và tống khứ thứ rắc rối đó đi. Hắn là kẻ đã bị kết án.’

“Tôi tức giận nhìn hắn khi nghe nói thế. ‘Tướng quân chưa phê chuẩn bản án,’ tôi nói - dẫu biết rõ trong lòng rằng đây chỉ là những lời vô nghĩa. Bản án không cần phải phê chuẩn. ‘Anh không có quyền bắn anh ta trừ phi anh ta cố gắng trốn,’ tôi kiên quyết nói thêm.

“‘Nhưng sangre de Dios4!’ tên trung sĩ ré lên, vừa đưa khẩu súng hỏa mai của hắn lên vai, ‘bây giờ hắn đang trốn đấy thôi. Nhìn kìa!’

“Nhưng tôi, như thể đã bị Gaspar Ruiz yểm bùa, hất khẩu súng hỏa mai lên trời, làm viên đạn bay qua các mái nhà trúng vào đâu đó. Tên trung sĩ chống cánh tay xuống đất và nhìn chòng chọc. Hắn có thể ra lệnh cho lính bắn, nhưng không làm thế. Và nếu đã làm thế thì hắn cũng không được tuân lệnh ngay lúc đó, tôi nghĩ vậy.

“Với hai bàn chân ở trên chiều dày bức tường và hai bàn tay lông lá bám chặt lấy thanh sắt, Gaspar ngồi im. Đó là một tư thế. Một lúc lâu không có gì xảy ra. Rồi bất thình lình chúng tôi bắt đầu thấy anh thẳng tấm lưng khom và gồng hai cánh tay. Đôi môi anh méo mó phát ra tiếng gầm gừ. Tiếp theo chúng tôi thấy chấn song bằng sắt rèn từ từ cong vào vì bị anh kéo mạnh. Mặt trời chiếu thẳng xuống hình dáng bị gò bó, không run rẩy ấy. Trán anh lấm tấm mồ hôi. Nhìn thanh sắt đang cong vào, tôi thấy một ít máu chảy ra từ dưới những móng tay anh. Rồi anh buông nó ra. Trong khoảnh khắc anh hoàn toàn chỉ là một đống lộn xộn, với cái đầu lủng lẳng, thẫn thờ nhìn hai lòng bàn tay to lớn ngửa lên. Quả thật anh dường như đã lơ mơ ngủ. Bất thình lình anh nhảy lùi lại trên ngưỡng cửa sổ, và sau khi đạp hai lòng bàn chân trần vào một thanh ngang ở giữa khác, anh làm cho nó cong oằn đi, nhưng theo chiều đối diện với thanh đầu tiên.

“Đó là sức mạnh của anh ta, trong trường hợp này đã làm khuây khỏa những cảm xúc đau đớn của tôi. Thế mà người đàn ông ấy lại có vẻ như chưa làm gì cả. Ngoài sự thay đổi vị trí để dùng chân, hai bàn chân làm tất cả chúng tôi phải giật mình vì nhanh nhẹn, trí nhớ của tôi chỉ còn ghi lại được sự bất động của anh. Vậy nhưng đúng là anh đã bẻ cong các thanh chấn song, làm chúng tách hẳn nhau và giờ có thể chui ra ngoài nếu thích; song anh lại co hai chân vào và nhìn qua vai vẫy tay ra hiệu với đám lính. ‘Đưa nước lên đây,’ anh nói. ‘Tôi sẽ cho tất cả bọn họ uống một ngụm.’

“Anh ta được nghe lời. Trong khoảnh khắc tôi chờ đợi người đàn ông và cái thùng biến mất, bị chôn vùi bởi cuộc xông đến đầy háo hức; tôi nghĩ họ sẽ dùng răng lôi anh xuống. Đã có một cuộc xông đến, nhưng vừa ôm cái thùng vào lòng, anh vừa đẩy lùi trận tấn công của những kẻ bất hạnh ấy chỉ bằng cách đá hai bàn chân. Họ nhảy lùi lại trước mỗi cú đá, ré lên đau đớn; và đám lính cười, nhìn chằm chằm vào ô cửa sổ.

“Tất cả bọn họ đều cười, ôm bụng cười, trừ tên trung sĩ, hắn có vẻ u ám và rầu rĩ. Hắn sợ tù binh sẽ nổi loạn và thoát ra - đó sẽ là một tấm gương xấu. Nhưng không cần phải sợ chuyện đó, và chính tôi rút gươm đứng trước cửa sổ. Khi đã đủ thuần hóa trước sức mạnh của Gaspar Ruiz, họ đến từng người một, vươn cổ áp mồm vào miệng cái thùng mà người đàn ông khỏe mạnh kia nhân từ nghiêng về phía họ từ hai đầu gối anh, hiền hậu và thương xót khác thường. Vẻ ngoài thương xót đó dĩ nhiên nằm ở việc anh lo sao cho nước không đổ ra ngoài và tư thế anh ngồi trên cửa sổ, vì nếu một người đàn ông cứ nán lại với cái mồm dán vào miệng thùng sau khi Gaspar Ruiz đã nói ‘Anh uống đủ rồi’ thì không có cả dịu dàng lẫn thương xót trong cú đạp bàn chân sẽ gửi hắn rên rỉ và xa gấp đôi vào bên trong cái nhà tù đó, nơi hắn sẽ hạ gục hai hoặc ba người khác trước khi chính mình cũng gục. Họ tiến lại gần anh hết lần này đến lần khác; nom như thể định uống khô cạn cả giếng nước trước khi đến với cái chết; nhưng đám lính thích cách làm có hệ thống của Gaspar Ruiz đến mức chính họ cũng vui vẻ xách nước đến cửa sổ.

“Khi gã sĩ quan trông giữ tiến ra sau giấc ngủ trưa, những la hét inh ỏi đã vang lên, tôi có thể đảm bảo với các bạn như vậy. Và điều tồi tệ nhất là ông tướng mà chúng tôi chờ mong hôm đó đã không đến lâu đài.”

Khách khứa của Tướng Santierra đồng lòng bày tỏ niềm nuối tiếc vì người đàn ông có sức mạnh và tính kiên nhẫn như thế mà không được cứu sống.

“Anh ta đã không được cứu nhờ sự can thiệp của tôi,” ông Tướng nói. “Đám tù binh bị dẫn đi hành quyết nửa giờ trước khi mặt trời lặn. Gaspar Ruiz, ngược lại với những nỗi lo âu của tên trung sĩ, đã không gây rắc rối gì. Không cần phải gọi một k binh cầm dây thòng lọng để khuất phục anh, tựa hồ anh là con bò đực hoang dã ngoài campo5. Tôi tin anh đã đi ra với hai cánh tay tự do giữa những người khác bị trói. Tôi không thấy. Tôi không có ở đó. Tôi bị bắt vì gây phiền phức cho đám lính gác tù binh. Khoảng lúc tối nhá nhem, trong khi rầu rĩ ngồi ở chỗ của tôi, tôi nghe tiếng ba loạt đạn bắn, và nghĩ mình sẽ không bao giờ còn được nghe nói về Gaspar Ruiz nữa. Anh đã bị bắn gục cùng với những người khác. Tuy vậy chúng ta vẫn sẽ được nghe nói thêm về anh, dẫu tên trung sĩ khoác lác rằng lúc anh nằm úp mặt đang hấp hối hay đã chết rồi trong đống những người bị bắn, hắn đã lấy gươm chém vào cổ anh. Hắn làm thế, hắn nói, để chắc chắn đã trừ khử cho thế giới khỏi một tên phản bội nguy hiểm.

“Tôi xin thú nhận, senores, rằng tôi đã nghĩ đến người đàn ông khỏe mạnh ấy với một dạng lòng biết ơn và chút khâm phục. Anh đã dùng sức mạnh của anh theo lối vô cùng danh dự. Linh hồn anh không có sự dữ dội tương ứng với sinh lực thể xác của anh.”

V

Gaspar Ruiz, người có thể dễ dàng bẻ cong các thanh chấn song sắt của nhà tù, đã bị dẫn ra với những người khác để hành hình cho gọn. “Phát đạn nào cũng có số phận,” như tục ngữ vẫn nói. Toàn bộ giá trị của các tục ngữ nằm ở chỗ thể hiện súc tích và gây ấn tượng mạnh. Trong nỗi kinh ngạc rối bời của tinh thần, ta tìm thấy tính thuyết phục của chúng. Nói cách khác, ta bị ấn tượng mạnh bị thuyết phục bởi cú sốc tinh thần.

(còn nữa)

1 Thành phố ở Peru - ND.

2 Thưa các ngài (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên văn) - ND.

3 Chúa ơi (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên văn) - ND.

4 Máu Chúa (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên văn) - ND.

5 Cánh đồng (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên văn) - ND.

Nguyễn Đặng Hồng Chương dịch

 

rất liên quan

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công