favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Thu 2024
Next

Henry James và Edith Wharton

06/10/2024 20:30

"Nghệ thuật của cuộc đời nằm ở chỗ nó vượt qua các tạo vật của nó cũng như các phế tích của nó."
(Edith Wharton, "The Spark", in Old New York)

 

Trong một novella ("False Dawn", một trong những câu chuyện tàn khốc nhất về tính cách philistin của thế giới bourgeois, cụ thể là ở cái nhìn vào nghệ thuật - hẳn có thể coi nó sánh được với một tác phẩm như "Pierre Grassou" của Balzac, nhân vật mà Wharton từng học hỏi rất nhiều), Edith Wharton - một dạng Jane Austen của văn chương Mỹ? - kể về một cô thiếu nữ con nhà bourgeois ở New York đã trốn bố mẹ sang giúp đỡ những người nghèo sống ở gần đó. Đối tượng cho sự giúp đỡ giấu giếm và gây nhiều cảm động ấy là vợ chồng Edgar Poe; khi đó, Poe vừa lấy vợ, cô thiếu nữ Virginia, cousin của mình.

Có thể coi đó là cái nhìn của Edith Wharton vào một tiền bối văn chương đồng bào. Một lần khác, trong "The Spark" (cũng như "False Dawn", đây là một trong những câu chuyện cấu thành nên Old New York), Walt Whitman xuất hiện theo một cách thức hết sức đáng nhớ.

Những mối quan hệ ấy là một cái gì đó từ xa; ngược lại, với một nhân vật khác, Henry James, thì Edith Wharton quen biết trực tiếp và lâu dài.

James hơn Wharton gần tròn hai mươi tuổi, và người này tìm được ở người kia một người bạn lý tưởng, không chỉ tâm đầu ý hợp mà còn có thể tin tưởng được, trên nhiều phương diện. Tất nhiên, Wharton học được từ James vô cùng nhiều điều - gần như có thể chắc chắn, việc Edith Wharton bắt đầu viết về cuộc sống New York (địa hạt sẽ làm cho nhà văn nữ trở thành một nhân vật văn chương lớn) có tác động từ James. Ngược lại, một người ưa đời sống xã giao (nhưng là một sự xã giao cao cấp, nhiều học vấn và văn hóa, cộng thêm sự tinh xảo ở nhiều mặt khác) như James khó có thể có một người bạn nữ trí tuệ nhưng đồng thời lại trung thành hơn so với Wharton.

Hai nhân vật ấy đã tạo ra một tình bạn hiếm có. Henry James có không chỉ một phụ nữ (thêm nữa, một nhà văn nữ) là bạn (hoàn toàn có thể nói là bạn thân thiết, hết sức gần gũi): một nhân vật như người cháu gọi Cooper là ông (trẻ), chẳng hạn. Đó là Constance Fenimore Woolson, grandniece của James Fenimore Cooper. Đã có không ít nhà viết tiểu sử tìm cách chứng minh giữa họ từng có một love affair. Rất tiếc (và cũng rất may) là không có đủ bằng chứng cho điều đó.

James và Edith Wharton: cả một câu chuyện không hề nhỏ và có thể từ đó rút ra vô cùng nhiều điều. Chỉ cần nhìn vào tập thư của Edith Wharton do R. W. B. Lewis và Nancy Lewis biên soạn là có thể thấy. Trong hồi ký của mình, A Backward Glance (1934), Wharton cũng rất nhiều lần nhắc đến James. Ở đây sẽ chỉ có một câu chuyện.

Henry James chưa bao giờ (hoặc nếu có thì cũng rất hãn hữu) thành công về thương mại. Tuy rốt cuộc thì cũng có thể tự chủ về tài chính (theo nghĩa không còn phải phụ thuộc vào gia đình nữa) nhưng đó lúc nào cũng là một người không dư dả về tiền bạc. Ngược lại. Edith Wharton đã xuất thân nhà không nghèo lại còn là một tác giả đặc biệt thành công (chỉ riêng điều này thôi đã khiến người ta hiểu, họ khó chơi với nhau đến mức nào). Một ví dụ nhỏ: chỉ riêng mấy novella làm nên tập Old New York (in năm 1924; trong đó có "False Dawn" và "The Spark" đã nhắc tới ở trên) đã mang về cho Edith Wharton vô cùng nhiều tiền. Nhìn chung, các khoản tác quyền mà Edith Wharton nhận được thường xuyên là những con số khổng lồ.

Năm 1912, đột nhiên Henry James nhận được từ Charles Scribner, editor của mình tại New York (người trước đó đã in "toàn tập Henry James" gồm 24 quyển, một thất bại thương mại khổng lồ đồng thời cũng là một đòn giáng mạnh vào lòng kiêu hãnh của James; tuy nhiên, cũng chính nhờ bộ sách mà James có thể đưa vào nhiều "preface" hết sức quan trọng), một bức thư trong đó, ngoài nhiều điều khác, đề nghị được in cuốn tiểu thuyết mà James sắp viết. Đó sẽ là The Ivory Tower, một trong những tác phẩm cuối cùng của James.

Điều khó hiểu nằm ở chỗ, Scribner đề nghị sẽ trả cho Henry James một khoản tiền lớn bất thường: 8.000 đô la, theo điều kiện hết sức rộng rãi (một nửa vào lúc James bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết, nửa còn lại khi James đưa bản thảo). Đây là khoản tiền tác quyền lớn nhất mà James từng nhận được đề xuất trong đời, từ các nhà xuất bản (James làm việc với không ít nhà xuất bản, cả ở Mỹ lẫn bên châu Âu). James đã đồng ý, tuy tỏ ra hết sức ngờ vực - điều này là dễ hiểu, vì nhà xuất bản của Scribner trước đó không lâu đã chịu tổn thất từ việc in bộ toàn tập đã nói.

Henry James sẽ không bao giờ biết, sở dĩ có offer hậu hĩnh như vậy là vì Edith Wharton đã ngầm thỏa thuận với Scribner để chuyển tiền từ royalties của mình sang cho James. Wharton lo lắng về sự thiếu thốn của người bạn lớn, và biết người bạn ấy sẽ không chịu nhận các khoản tiền đưa một cách trực tiếp, nên đã nghĩ ra cách thức như trên. Mặc dù rất ngần ngại, cuối cùng Scribner cũng đồng ý làm như Wharton muốn, đồng thời đòi Wharton không được để lộ chuyện. Trong hồi ký của mình, Edith Wharton không hề nhắc tới chuyện này.

Lòng ngưỡng mộ mà Wharton dành cho Henry James còn được thể hiện ở nhiều chỗ khác: nhân vật chính (Newland Archer) của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất mà Edith Wharton từng viết (The Age of Innocence) mang cùng họ với nhân vật (nữ) chính (Isabel Archer) trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Henry James (Vẽ một phụ nữ).

Cao Việt Dũng

James &

James và Stevenson

James và Turgenev

James và Melville

James và Flaubert

James và George Eliot

James và Edith Wharton

James và James

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công