Henry James: Nathaniel Hawthorne
Nathaniel Hawthorne
- Henry James
Viết về tác phẩm của Nathaniel Hawthorne có lẽ là một ưu-thế, khi đời ông chẳng cho được mấy cơ hội để viết tiểu sử. Cuộc đời ấy chẳng đòi hỏi bao nhiêu ghi chép, đến mức trong một bài bình-thuật – thậm chí có ngắn như bài này – tác phẩm vẫn dễ hay chiếm lĩnh phần chủ yếu. Ông thuộc vào hạng văn sĩ may mắn có những cột mốc lớn trong đời đơn thuần là những ý tìm ra được hình thức mỹ mãn. Sinh ra tại Salem, Massachusetts, vào ngày 4 tháng Bảy năm 1804, trong một dòng dõi Thanh giáo bản địa lâu đời và, còn là một dòng đi biển hùng cường có tiếng, ông được giáo dưỡng tại chính nơi mình sinh ra và tại Trường Đại học Bowdoin, Maine, nơi có H. W. Longfellow làm bạn đồng-học trong một lớp. Còn một người bạn nữa là Franklin Pierce, sau này được bầu làm Tổng thống Mỹ vào năm 1852, và mối giao hảo nhiều chiều giữa Hawthorne với vị này sẽ dần nên một nguồn ảnh hưởng lớn trong đời ông. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1825, ông quay về Salem sinh sống, và đến năm 1828 cho xuất bản tại Boston một đoản thiên romance có tên “Fanshawe,” bối cảnh của nó, dù mang danh là một “truyện tình,” được đặt tại Bowdoin, lấy các giáo sư cùng sinh viên làm nhân vật nam chính.[1] Thử nghiệm ấy hiển nhiên là mờ nhạt, nhưng cái chạm tinh nhạy của tác giả đã bắt đầu tri cảm thấy lối của riêng nó. Năm 1837, sau mười hai năm sống biệt tịch, như chính ông sau này xác nhận, tại Salem, ông cho in tập đầu quyển “Twice-Told Tales,” tập hợp những đóng góp không hoặc ít được trả công trên các tạp chí và niên giám đương thời. Năm 1845 tập hai được xuất bản, và đến 1851, hai tập, với lời tựa hết sức duyên dáng và lay động, được tái bản; mà thực ra chẳng lúc nào ông duyên như lúc viết lời tựa. Năm 1851 và 1854 lần lượt ra mắt hai tập “The Snow Image” và “Mosses from an Old Manse,” hai tập đã hình thành nên, cùng với hai tập kia, ba chùm truyện ngắn chính của ông. Tôi bỏ qua, cho ngắn gọn và vì chúng dành cho thiếu nhi, “Grandfather’s Chair” và “The Wonderbook” (1851), cùng với “Tanglewood Tales” (1852). Những tập còn lại, có tập ra trước, có tập sau, đều xoay quanh năm 1850, năm quyển tiểu thuyết thứ hai của ông ra mắt, “The Scarlet Letter.”
Những tập này – những thử nghiệm với thể loại truyện ngắn – đã ngân lên bằng chính tinh diệu của chúng, từ nốt mở đầu mang sắc âm đặc trưng của Hawthorne, cảm tri về cái lãng mạn tiềm ẩn của New England, chính là cái tên khái quát và rốt ráo nhất, theo tôi, để gọi nguồn soi dẫn ông. Yếu tố này, điều mà thiên tư ông phát lộ rõ nhất khi đạt đến đỉnh cao, không dễ nhìn ra, nó cần phải được tìm; và Hawthorne đã tìm ra nó trong lúc lang thang và suy ngẫm, trong chuyển động mật của đức tin Thanh giáo: chữ mật ở đây tôi nhấn mạnh, bởi phần bề mặt và phần trông-có-vẻ-là của nó, khi đối diện với những công chuyện thường ngày và những hoàn cảnh vụn vặt (nếu tôi được phép gọi thế với không chút thành kiến nào về vẻ nghiêm khắc chung của chúng), hay dẫn đến các hình thức mà trí tưởng tượng uỷ mị thường không thể xử lý nổi. Trái lại, có khi trí tưởng tượng lại làm nên rất nhiều thứ, từ những méo mó tinh thần, những cái nhìn đen tối, từ cảm giác đã ăn sâu về tội lỗi, về cái ác và về trách nhiệm. Lịch sử cộng đồng quanh ông vốn nhiều phức tạp – người man dã từ đằng trong, binh lính từ đằng ngoài, khí hậu khắc nghiệt từ tứ hướng và, một khoản tiền gửi chẳng từ nơi đâu. Nhưng phức tạp lớn nhất chính là nỗi lo đạo đức luôn luôn đè nặng, là lương tâm cá nhân hoài khôn nguôi. Những điều này đã được phát triển với cái giá là rất nhiều điều khác, đến nỗi hầu chẳng còn gì sót lại để giúp người nghệ sĩ tạo nên bức tranh. Trí tưởng tượng của người nghệ sĩ phải trang-sức cho chủ thể, phải work it up – như cách ta nói thời nay; và trí tưởng tượng của Hawthorne đã – dù nó đi những nét vô cùng tiết chế, thực vậy – đủ sức đảm phần việc ấy. Chính bằng cách đó mà nó đã được vận dụng ngay từ sơ khởi, vì bị buộc phải mặc định rằng xã hội quanh ông sống một cuộc sống có tinh thần phức tạp hơn rất nhiều so với những gì con mắt tục nhìn thấy. Đó là vấn đề của cái nhìn về sau và nhìn xuống dưới để tìm gợi-ý, động cơ nghệ thuật; tác động của toàn bộ quá trình ấy là một sự huấn luyện vô giá cho năng lực gợi và nâng. Tài khéo này ngày càng nhanh nhạy và khó ghìm hãm khi nó luồn lách để nhìn cho được đằng sau và lật lên mặt dưới của những diện mạo thường hằng: những luật lệ ngầm phạm phải, những xung lực ngầm cảm thấy, những dục vọng bị giấu, những cuộc đời kép, những góc tối, những phòng kín, những cỗ xương giấu trong tủ và trình tại bữa yến[2]. Nói tóm lại, nó đã tạo ra và trân quý, vì tưởng tượng, một sự huyền bí và một sự quyến rũ ở nơi vốn không sẵn có điều gì; cứ thế, rút cục nó sống trong một thế giới tuyền những thứ mang tính biểu tượng và phúng dụ, một sự trình hiện của các vật thể đổ, trong mọi trường hợp, ra xa đằng sau chúng một cái bóng còn nhiều kỳ khôi và lí thú hơn hình dạng ngoài bề. Thành thử bất cứ hình dạng nào cũng thoăn thoắt biến thành một biểu trưng trong tay ông, bất cứ câu chuyện nào cũng là một dụ ngôn, bất cứ diện mạo nào cũng mang một vỏ bọc: những thứ mà ông – nhẹ nhàng, dung dịu, khéo léo, bằng bàn tay khẽ nhất thế gian – chỉ cần xoay chúng là làm lộ ra dấu ấn kỳ dị nho nhỏ hoặc, dấu hiệu cho thấy chúng có giá trong con mắt nhà sưu tầm.
Những mẩu ông đã nhặt lại, nếu ta được phép gọi như vậy, có thể chia thành nhiều nhóm, song đều mang chung một con dấu biểu thị rằng chúng là những sản phẩm thuộc thời kỳ đầu của cái không khí khô khốc vùng New England. Một số là huyền thoại và bí ẩn của Massachusetts xưa – những đoạn văn ma-mị trong lịch sử thuộc địa. Chẳng hạn như “The Grey Champion,” “The Maypole of Merry Mount,” bốn “Legends of the Province House” tuyệt đẹp. Số khác, như “Chôn cất Roger Malvin,” “Con gái Rappaccini,” “Chàng Goodman Brown,” là những “thiên đạo đức” không giảng đạo lý, thực như vậy; những mẩu ngụ ngôn lạnh, sắc và đắt giá, đôi lúc được nhặt từ bên kia đại dương. Rồi có những chương chỉ tuyền là tưởng tượng vì chính tưởng tượng, hay những chương thuần đồng bóng, và lại có các chương mang những quan sát đơn thuần giải trí hoặc tiêu khiển; nhiều trang, trong số ấy, mang những suy tư dí dỏm thân thiện, mà ở Salem hay Boston, một người mơ dễ bắt trong những cuộc bộ của hắn. Từng chuyện Hawthorne bắt gặp, ông đều theo bản năng mà đem ra dệt lại, gia công nó bằng mũi kim tinh, chậm rãi và thêu lên những đóa hoa nhợt, phớt hồng hay trầm tối, tùy theo mỗi ca. Ta có một nắm đầy những thứ như thế trong “The Great Carbuncle” và “The Great Stone Face,” “The Seven Vagabonds,” “The Threefold Destiny,” “The Village Uncle,” “The Toll Gatherer’s Day,” “A Rill from the Town Pump,” và “Chippings with a Chisel.” Tính không đều trong các tác phẩm của ông không đáng kể, với riêng cảm nhận của tôi; và khi cần xác định, ta băn khoăn giữa chọn và bỏ.“The Scarlet Letter,” xuất hiện năm 1850, ngay lập tức mang về cho ông tên tuổi, và có lẽ vẫn giữ vị trí không những là tiểu thuyết độc đáo nhất của ông mà còn là tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất từng nảy sinh ở đất Mỹ. Ông từng nhận một vị trí nhỏ trong sở thuế quan Boston vào năm 1839, một công việc vừa nhạt vừa khô, và rời bỏ đi trong sự mỏn sức dễ hiểu. Ông sống qua vài tháng ở gần Roxbury, Massachusetts vào năm 1841, trong hợp tác xã Brook Farm, một thử nghiệm xã hội chủ nghĩa vắn số. Ông kết hôn ngay năm sau đó và đến sống tại tòa Manse cũ ở Concord, nơi ông ngụ lại cho đến năm 1846, và với một chức vụ tài chính mới, ông về lại quê nhà mình. Chính trong quãng thời gian làm việc tại sở thuế quan Salem mà “The Scarlet Letter” được viết. Quyển sách đã đạt đến vận mệnh của nhóm nhỏ các tiểu thuyết chí cao: nó đã treo một hình tượng không thể xóa nhòa vào phòng chân dung, gian phòng lưu trữ thâm nghiêm nhất, của văn chương. Hester Prynne không phải kiểu nhân vật hư cấu mà ta dễ đem ra so sánh với người thực: nàng vượt lên trên - nàng trang hoàng viện bảo tàng theo một lối dường cấm chúng ta tùy tiện làm việc ấy. Hawthorne đã tận dụng, vì sử tích của nàng, giai thoại nổi bật nhất mà sử biên niên Thanh giáo buổi đầu có thể trao cho ông – theo cách đã được trình bày trong phần Dạo hay Dẫn nhập dài lê thê - một áng tưởng niệm tuyệt mỹ về nỗi chán chường êm đềm trong nhiệm kỳ làm việc tại sở thuế quan, nơi ông giả tưởng mình đã phát hiện từ chiếc hòm giấy tờ cũ món di vật phai màu cùng những tài liệu ẩm mốc, thứ đã là gợi-ý cho ông về nhan đề cũng như chủ đề.
Câu chuyện ấy cũ như tập tục hôn nhân vậy – chuyện về người chồng, người vợ và người tình; nhưng được tắm trong quầng sáng mịt mịt tựa ánh trăng và, bỏ qua tất tật những nguồn cơn cảm xúc thông thường. Người vợ, với đứa con khả ái do tội lỗi mình sinh ra, đã phải đứng dưới luật thẩm giáo hà khắc, trong giàn bêu đầu thị chúng của tội ngoại tình; trong khi người tình, một mục sư trẻ thánh khiết, không bị phát giác hay bội phản, đã trong cơn thống khổ vì sự hèn nhát của mình, để mặc nàng gánh chịu toàn bộ hình phạt. Người chồng, một học giả già, một kẻ có sở học uyên áo theo đường tà đạo, đã tìm thấy thời cơ trả thù, bằng cách quỷ quyệt làm thân với vị mục sư trẻ và ngầm nung dưỡng nỗi ân hận, cơn cực hình nội hướng, thứ lão làm mọi cách để khơi dậy nhưng giả đò mình chẳng có gì phải lo. Diễn tiến của drama nằm gần như chủ yếu trong áp lực hiểm độc mà Chillingworth dồn lên Dimmesdale; một ảnh hưởng cuối cùng chạm tới cực điểm bằng cơn sám hối phi thường của chủ thể, người giữa đêm tối đương khi cả trấn đang ngủ, tự lên giàn treo cổ mà vài năm trước người đồng phạm lỗi với chàng đã đứng chịu nỗi khổ không thể xóa. Trong tình cảnh đó chàng gọi đến Hester Prynne cùng con nàng, vừa đang trên đường về sau công việc phục sự nhân từ mà Hester đã tận hiến đời mình cho, tình cờ đi ngang qua trong bóng tối, lọt vào tầm mắt chàng; và họ đáp lại lời chàng gọi bằng cách bước lên chốn chuộc tội kia lần thứ hai rồi cùng chàng đứng đó dưới màn đêm trùm phủ. Xen ấy chẳng hoàn tất, dĩ nhiên, cho đến khi Chillingworth xuất hiện để hưởng màn diễn và thắng lợi của lão. Đoạn này đã nhận được vô số lời khen tất yếu và, không một trang nào của Hawthorne lại cho thấy độ mạnh của trí tưởng tượng nhiều hơn thế; song thành tựu chính của quyển sách lại không nằm ở chính-đề của nó – bức vẽ về mối quan hệ giữa hai người đàn ông. Họ được họa nên quá sức nhạt nhoà – nhất là người chồng – dẫu vẫn rất công phu. “The Scarlet Letter” sống, mặc cho đầy rẫy những concetto[3] lạnh tanh – mối nguy thường trực của Hawthorne – nhờ điều gì đó tôn quý và chân thật trong hình tượng người mẹ bị thích dấu và đứa con xinh đẹp. Cũng thật lạ lùng khi cặp nhân vật này gần như đứng ngoài action; song chính họ lại bảo toàn tác phẩm và truyền sinh khí cho nó.
“The House of the Seven Gables,” được viết trong quãng hai năm cư trú tại Lenox, Massachusetts, xuất bản vào năm 1851. Nếu dễ chừng không có bốn quyển nào của một tác giả lại khiến người đọc ngập ngừng lâu đến thế nếu phải chọn một quyển yêu thích nhất, như giữa bốn truyện dài của Hawthorne thì, dù thế nào với nhiều người, quyển này vẫn lớn và quy mô nhất. Vốn phủ trong làn sương thu dễ chịu, song nó vẫn quét sát hơn các bạn nó vào bộ mặt của đời sống Mỹ và, tiến gần hơn đến chỗ một tiểu thuyết phong tục. Những phong tục mà nó cho ta thấy quả thực đều nhuốm nhuần tông màu đặc trưng của tác giả, được nhìn nghiêng nghiêng trong ánh chiều hôm; nhưng chi tiết và minh họa lại khá dồi dào; về phần mình, tôi có chiều muốn tuyên bố rằng quyển sách, xét toàn diện đề tài và cách xử lý, và dù “The Scarlet Letter” có một địa vị kinh điển vững chắc hơn, thì đây chính là bước tiếp cận gần nhất đến một tác phẩm hư cấu lớn mà chúng ta hoài nài kêu có thể mang lại cho chúng ta theo diện quốc gia nhiều vinh dự và lợi lộc nhất. Chủ đề xét về cốt lõi, quả thực, chưa lý giải trọn vẹn những thứ có mặt trong bức tranh. Những gì nằm ngoài nó mới là nét duyên phi thường, sinh ra từ biểu hiện, từ cảm năng, từ cái hài, cái chạm. Câu chuyện là về sự lụn bại không tránh khỏi của một dòng họ từng hiển đạt, về cơn co rút cuối của dòng trâm anh đói khổ và ánh chập chờn của ách tuyệt tự chậm đến. Trong thế giới bị ám của trí tưởng tượng Hawthorne, ngôi nhà cổ của họ Pyncheon, dưới bóng cây du trên một con phố nhỏ ở Salem, là nơi các hồn ma ngụ cư nhiều nhất. Ngay cả người ngụ tại đó cũng chẳng khác gì ma, nữ trinh già Hepzibah với khăn vấn đầu, mày cau, khớp xương răng rắc và tấm bản đồ bà chỉ ra vùng đại lãnh thổ về phía đông thuộc về gia tộc bà – nay chỉ còn bấy nhiêu phẩm với giá, phải đi bán những món đồ lặt vặt không lời không lãi sau một ngăn quầy; và ông già không vợ Clifford, được thả khỏi hai mươi năm tù oan như một quý tộc ngơ ngác quật ra từ ngục cổ Bastile,. Ta gặp ở mọi ngã rẽ, cùng Hawthorne, cái tưởng tượng ông ưa thích nhất, về những nỗi đau truyền thừa và sự chuộc tội tất yếu. Cuộc đời là một kinh nghiệm mà khi ở trong nó ta phải chuộc tội của người khác cùng lúc chuộc tội của chính mình. Tai ách nặng nề nhất giáng lên họ Pyncheon héo hon là món nợ họ mắc từ việc làm-ác của một người tổ có trái tim sắt đá thiêu phù thủy. Vị tổ này được tái sinh thành một người mạnh mẽ trong xác của người hậu duệ độc thành đạt và tráng kiện – một “món trang sức trên ghế quan tòa” bạc, cứng, phô, nông, một kẻ đạo đức giả và ưa nhục dục, để rồi cuối cùng, dù quả thực là hơi quá muộn, phải trả giá và hóa giải lời nguyền. Ý tưởng của câu chuyện có vẻ mỏng và rõ ràng – rằng những dòng họ và cá nhân chỉ có thể chết vì phẩm giá và di sản, và rằng họ cần một luồng gió mới và cuộc thanh tẩy từ bên ngoài để lại được thở như gương mờ được lau. Nhưng nghệ thuật của tác phẩm thì tinh diệu, sức hấp dẫn thì không sao cưỡng lại và, nét đặc sắc thì toàn vẹn. “The House of the Seven Gables,” tôi cũng phải nói thêm, chứa trong bức chân dung Judge Pyncheon đậm nét một nhân vật được ám gợi rắn chắc hơn – có lẽ chỉ trừ Zenobia trong “The Blithedale Romance” – so với bất kỳ hình tượng nhân vật nào khác của tác giả.
Mỏn sức vì Lenox, Hawthorne dành vài tháng của năm 1852 để sống tại West Newton gần Boston, nơi “The Blithedale Romance” được sinh ra. Ông đã tận dụng tối đa những gì sẵn có trong tay mình để làm thức nuôi dưỡng tưởng tượng – may thay là ông có một khẩu vị nếm ra mùi yến ngay trong những cháo bẹ rau măng. Cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông là một tiếng vọng, được thi-hóa đầy thú vị, từ quãng ông cư nghiệp tại Brook Farm. “Siêu việt luận” thuở ấy tràn ngập bầu không New England; và lời giải thích dễ hiểu nhất về những ai từng tham gia cuộc thử nghiệm kỳ quặc này dường được cho là các Nhà Siêu việt. Nói cách dễ hiểu, họ là những người trẻ, những người cấp tiến khảng khái, những nhà cải cách, những nhà từ tâm. Việc cuốn tiểu thuyết nảy sinh – dù chẳng có ý đồ gì – từ sự quan sát về một thời đoạn đã biết, cũng đã cho “The Blithedale Romance” một giá trị nhất định của một bức tranh phong tục; dẫu vậy, nơi được phác họa khéo nhanh chóng mở ra một cõi-mơ bồng bềnh và nhàn rỗi. Ta hiểu rằng Hawthorne đã mơ hơn là làm; ông đã lần lại thái độ của mình đầy khoái thú trong thái độ của Coverdale chập chờn và mỉa mai, đó cũng chính là người khiến ta tự hỏi tại sao anh ta lại chịu khó chung đụng nhiều đến thế.[4] Ta hình dung anh ta đang lim dim ngủ trên một triền đồi với chiếc mũ kéo sụp ngang mắt, và tiếng rì rầm của cải cách cách cứ vẳng đi vẳng lại trong tai như khúc điệp của một khúc ca xưa. Có một điều chắc chắn: rằng nếu anh ta không được lòng các bạn lữ với tư cách một người làm nông, thì đó chỉ có thể là anh đã liên tưởng họ với một kiểu thành công khác.
Ta thấy, dẫu vậy, rằng ông đã khá nương tay với họ, khi ta nghĩ về mấy nhân vật kỳ lạ cùng những phương hướng quái đản đã hoành hành khắp đất nước khi ấy, những thứ mà nét trào phúng nhẹ của ông – dù còn bị chê trách – chẳng đủ lực để làm nhuyễn ra cơm ra cháo. Cái ý mà ông trình bày rõ nhất là về con đường vô thức mà cuộc tìm thiện ích chung đi có thể che đậy hàng trăm thôi thúc tư lợi và động lực tư-riêng; và gợi ý rằng một cộng đồng như thế chỉ có gắn kết với nhau phần đa là bằng ảo tưởng, sự nghi kỵ lẫn nhau và va chạm, chứ chẳng bằng một sự buông bỏ thành công cái ngã nào. Quyển sách chứa đựng hai hình tượng đáng mộ phục mang chủ ý lớn: thứ nhất là Hollingsworth, người cấp tiến nặng tay, ích kỷ và chí thành, chẳng có chút cảm giác nào với nô giỡn, hình thức hay sắc thái; thứ hai là Zenobia, người phụ nữ của “đồng cảm,” nữ bảo trợ đầy dục vọng cho “trượng nghĩa,” cứ như chơi đùa với cách mạng mà rốt cuộc chỉ chạm mặt tuyền những sự lúng túng. Zenobia là hình tượng duyên nhất trong số chân dung những người cường-trí cùng giới với nàng; lại càng thêm duyên khi số phận đã không để nàng sống đến lúc già nua lẩy bẩy và, lại càng làm ta cảm động chẳng ít bởi cái vẻ dõi tìm, với trí tưởng tượng tốt đẹp của nàng, những phiêu lưu hiếm, vì nhiều hoàn cảnh, khi gặp được. Có lẽ ta đang vẽ thêm vào hình tượng ấy, và thậm chí trao cho khải tượng đó nhiều hơn những gì Hawthorne chủ ý viết.
Zenobia, cũng như chính Coverdale, là một chủ thể của những mơ mộng không tìm được hình thức ở Roxbury; nhưng Coverdale có nhiều nguồn lực khác, còn nàng thì chẳng có chi ngoài sự thất bại chung cuộc. Hawthorne không chỉ ra khía cạnh nào quan yếu hơn trong vấn đề ngoài nỗ lực bị ngăn trở của nàng: biến Hollingsworth thành anh hùng, người hóa ra lại, bất hạnh thay cho nàng, quá thiếu độ mềm dẻo để đưa mình vào cái vai ấy. Thảy những điều này, hôm nay khi đọc lại, đều mang một nét quyến rũ mềm, e thẹn, phảng phất chút thơ của những thứ xa xưa. Không một tác phẩm nào của vị tác giả thể hiện sinh động hơn nữa cái tôi vừa gọi là cảm giác về cái lãng mạn của New England.
Năm 1853 Franklin Pierce, khi ấy đã là Tổng thống, bổ nhiệm ông làm lãnh sự tại Liverpool, mở đầu cho quãng lưu trú trên dưới bảy năm ở Anh và Ý, quãng ta có được “The Marble Faun” và “Our Old Home.” Chất liệu cho quyển sau được thu thập trước; nhưng “The Marble Faun,” bắt đầu viết ở Rome năm 1858 và hoàn thành vào đợt quay lại Anh sau đó, lại xuất hiện trước. Đây là drama dài duy nhất của ông lấy bối cảnh ngoại quốc. Nhưng nguồn soi dẫn và nhân vật của nó vẫn xuất phát từ khí hậu riêng của ông. Hawthorne mang theo mình đến Ý, như khi trước đến Anh, nguyên vẹn ý thức Thanh giáo xưa, hơn là bỏ lại. Quyển sách đã được phong như một cẩm nang về những cái nhìn và ấn tượng La Mã, được đặt lại cùng nhau, quả thực, dưới ánh sáng của một sự đồng cảm luôn luôn có khoảng cách và thường rụt rè; và giá trị của nó cũng chẳng hao hụt bao nhiêu khi liên tục nhắc đến một trật tự mà ở hiện tại, những người hành hương mòn mỏi – trước một bàn tiệc hầu đã vơi hết – chỉ có thể nhặt nhạnh mảnh vụn sót thừa. Cái huyền ảo, cái thần thoại trong “The Marble Faun” chơi trốn tìm với cái thực nhiều hơn bao giờ hết. Tưởng tượng của tác giả về những tương ứng kỳ khôi đã có dịp tung hoành, qua những nét tương đồng giữa Donaatello với pho tượng duyên dáng trong điện Capitol. Cái ông mang đến cho chúng ta là câu chuyện về một nhân vật hồn nhiên đến ngây thơ, bừng thức trước tuổi trưởng thành qua một lần vô tình, gần như là vô thức, phạm tội. Đối với cậu chàng tươi vui ấy, trước lúc hành động ấy xảy ra – hành động toàn thành sơ khởi của đời anh – không có câu hỏi nào là không có lời đáp; nhưng sau đó anh lại thấy mình phải đứng trước đủ loại câu hỏi mỏi mệt của thế gian. Hành động ấy là giải thoát một kẻ hành hạ mơ hồ - sự mơ hồ này phần nhiều là một sai lầm - người phụ nữ anh yêu, một phụ nữ lớn tuổi hơn, khôn khéo hơn và rành đời hơn anh rất nhiều. Việc nhân hóa, luân lý hóa con dương nhân này lại một lần nữa là conceit khéo léo; nhưng kết quả khiến cho chủ thể của quá trình đó – và đây là trường hợp độc nhất trong các tác phẩm của Hawthorne – trở thành một trong những sáng tạo văn chương tạo ra cái tên cho một kiểu người. Có một kiểu trai trẻ ngày nay mà ta chỉ cần gọi là một Donatello đã đủ để nhận diện họ. Một phần trong dự đồ truyện là nhằm mở rộng sự vỡ lòng buồn thương ấy đến cho một bản tính còn khác hơn anh ta. Một thiếu nữ từ bên kia Đại Tây Dương, một người chép tranh dịu dàng trong các phòng tranh La Mã chép những bức còn dịu dàng hơn của Guido và Guercino[5], tình cờ bắt gặp, vào đúng khắc then chốt, bí mật tăm tối đã hiệp lại Donatello và Miriam. Đối với này, đây là cây của sự biết nhẫn đắng, có trái khiến nàng nếm ghê tởm và buồn đau. Gánh nặng đó quá sức nàng, và một trong những đoạn hay nhất của quyển sách miêu tả cách nàng, vào cuối một mùa hè, trong cô tịch oi bức, sau rốt dừng chân trước một tòa giải tội ở Thánh đường thánh Phê-rô và, mặc cho bản thân là một người Kháng Cách gốc Thanh giáo, khuất phục mà khụy gối xuống nơi ấy để giải thoát mình khỏi nỗi ám ảnh. Các thiếu nữ của Hawthorne ai nấy đều tuyệt mỹ; Hilda cũng thế; người chị em hạnh phúc với Phoebe trong “The House of Seven Gables” cùng Priscilla trong “The Blithedale Romance.”
Drama trong “The Marble Faun” có hiệu ứng không trọn vẹn, tôi nghĩ, bằng hiệu ứng của một yếu tố khác hầu lớn hơn mà tôi chỉ có thể tạm gọi là phong cảnh và tinh thần. Không gì gây ấn tượng mạnh hơn cái duyên vụng khi tác giả bật ra, dù không hoàn toàn thuận theo – bởi ông đầy thiên kiến và phản đối nửa mềm nửa giận – thông điệp, điều huyền nhiệm của môi trường nơi các nhân vật của ông chuyển động. Miriam cùng tên cướp kín mặt dần tan biến, và chúng ta cũng đâm chút hoài nghi và thậm chí là e sợ về Kenyon và những tác phẩm điêu khắc Mỹ của anh; nhưng hơi thở của La Mã xưa, cảm giác về nước Ý cũ, vẫn cứ phả ra từ mỗi trang, và quyển sách sẽ còn lâu nữa mới thôi ló ra khỏi túi áo của những ai đang trên cuộc hành trình tình cảm lớn.
Ông trở về Mỹ vào năm 1860, lại một lần nữa an cư tại Concord và mất tại Plymouth, New Hampshire, trong vòng tay Franklin Pierce, vào năm 1864. Tại quê nhà, nhờ trợ giúp của của muôn vàn ký ức lẫn những trang nhật ký sau này được cho công bố bởi vợ cùng các con, ông lần lượt cho ra đời, lần lượt, các chương sách về sau được gom lại dưới nhan đề “Our Old Home.” Bộ “Sổ” Mỹ, đến Anh, và Pháp - Ý, được gửi đến tay thế giới sau khi ông mất – vào năm 1868, 1870 và 1871; và nếu tôi cộng thêm vào đó “chiến dịch”[6] nho nhỏ “Life of Franklin Pierce” (1852), hai mảnh di cảo “Septimius Felton” và “The Dolliver Romance,” cùng những vụn và miếng được vơ vét đến kiệt trong ngăn bàn viết ông, thì toàn bộ tác phẩm của ông –không hề đồ sộ - coi bộ cũng đã trọn vẹn.
Món quan trọng nhất trong phần di cảo này là chùm cô đúc, chín mọng, những bài do chính ông biên soạn, ghi lại những ấn tượng của ông về nước Anh. Những trang đáng mộ này, với cũng cùng khá nhiều sức quyến rũ, cũng mang cùng một chút gì đó của nốt âm bất hòa của một người từng buông mình vào cái duyên nước Ý; hỗn hợp của tình cảm và miễn cưỡng, của xuôi và nghịch, cuộc giằng co giữa cảm giác về cái đẹp và cảm giác bị lưu đày. Ông đến Cựu Thế giới khá muộn – dù suốt bao năm trước đó vẫn thường đắm mình, thực vậy, trong những giả tưởng về thời gian, và đến với những dè dặt, nghi kỵ, và kháng nghịch tất yếu. Điều khiến tôi sững sờ, tuy vậy, không phải là những gì ông bỏ sót mà là những gì ông đã phát hiện ra theo một lối quá đỗi tài tình và sinh động. Nếu ông đã, trong đường tưởng tượng, từng già vào thời trẻ, thì ông lại trẻ khi đến tuổi già; và rốt cục, chúng ta nợ ông, xét như một phần trong cuộc đối thoại bất tận tự buổi thiên cổ giữa đất mẹ và đứa con gái, chỉ những trang viết về công cuộc ấy mới có thể xem là thuộc về văn chương thuần túy. Ông viết được “The Marble Faun,” vậy mà vẫn có thể khẳng định, trong một lá thư gửi đi từ Rome, rằng ông ghét cay ghét đắng nơi ấy và sẽ hân hoan xiết kể nếu được từ biệt nó mãi mãi. Cũng như thế, ông tìm được ở sắc diện Anh một niềm hân hoan mà đến cả Washington Irving cũng chưa từng thấy ở đâu trên đó, vậy mà vẫn cứ khăng khăng, với cái vẻ ngang ngược vừa cười nơi miệng vừa cau nơi mày, rằng bọn họ chỉ khiến ông thấy chướng tai gai mắt. Ở quê nhà, ông chạm tay vào toàn những thứ mốc meo, nhưng khi ra nước ngoài ông dường khát sự tươi mới. Kỳ thực, với nhiều người, dấu hiệu lớn, dấu hiệu gây cảm động nhiều nhất nơi ông chính là sự tách biệt, dù ông có đang ở nơi đâu. Ông ở ngoài mọi sự và, là một kẻ ngoại giới ở khắp nơi. Ông là một kẻ cô độc trong thẩm mỹ. Trí tưởng tượng đẹp, nhẹ của ông là đôi cánh vào buổi tà thu chợt quét qua ô cửa tối. Thay cho khao khát lao bừa xuống thăm dò những vực thẳm con người để rồi ngoi lên báo cáo, đây có một năng lực đã mang lại cho ông cảm giác khủng khiếp còn nhiều hơn cả thế trước những vực sâu đó. Trên bề mặt – bề mặt của tâm hồn và ở mé vực của bi kịch – ông chọn ở lại trên đó. Ông nán lại, để dệt tấm lưới của mình, trong bầu khí mỏng ngoài rìa. Đây chính là một biểu hiện đôi phần của thói quen đã nên đặc tính của ông: nhúng vào, lặn xuống, chỉ như một cuộc chơi, thế giới luân lý mà chẳng nên nhà luân lý dù chỉ một mảy may. Ông chẳng hề có nhiệt khí hay sự giáo điều của kiểu nhân vật ấy; chẳng hề có sự xấc láo, thứ ông hẳn sẽ xem là trơ tráo, của một chút can thiệp nào. Ông chẳng bao giờ can thiệp; ông chỉ chiêm ngắm cách vui thú và khôn ngoan thường đậu lại bất cứ nơi đâu, giữa những sắc diện thường bình, dường có điều gì đó gợi lên một cảm giác về những gì vi tế. Nhưng trong bao kẻ hoài nghi thì ông là người tươi sáng nhất và nhân từ nhất, và những tơ vi tế ông xe cũng chỉ là những sợi lụa dùng để xâu thành tràng hạt bóng loáng. Bộ sưu tập những huyền nhiệm luân lý của ông chính là tàng các của một tay ngoạn vật.
Gia Hải dịch
[1] Ngôi trường trong cuốn tiểu thuyết trên có tên là Harley, ở đây James có ý rằng dù đã đổi tên, nhưng bối cảnh và các chuyện được kể vẫn khiến người đọc nhận ra đó không đâu khác ngoài trường Bowdoin mà Hawthorne học.
[2] Nguyên văn: the skeletons in the cupboard and at the feast. Hai thành ngữ: the skeletons in the cupboard chỉ cho những bí mật xấu trong quá khứ bị giấu, còn the skeleton at the feast chỉ cho người hoặc sự việc đem sự buồn đến chốn vui. Trên thực tế, Hawthorne đã thể hiện theo đúng mặt chữ “bộ xương tại bữa yến” trong truyện Bữa yến Giáng sinh.
[3] Nguyên văn: concetti. Chỉ cho câu văn nệ cầu kỳ, hoa mỹ.
[4] Tức, tuy Coverdale là một người mơ, tách biệt khỏi cộng đồng, mọi thứ liên quan đến cải cách, song lại là người có mặt trong tất cả mọi sự, quan sát và chiêm nghiệm chúng. Điều này phản ánh chính Hawthorne, sẽ được James nhắc ngay bên dưới.
[5] Tức Guido Reni và Giovanni Francesco Barbieri.
[6] Tức chiến dịch vận động tranh cử.
Henry James
Bi kịch từ lỗi, Chi Quân dịch (1864, lúc này James hai mốt tuổi)
Richard khốn khổ, Nguyễn Hoài dịch (1867)
Câu chuyện về một kiệt tác, Thanh Nghi dịch (1868)
De Grey: Một chuyện tình, Hoàng Trang dịch (1868)
Một ca vô cùng lạ, Thanh Nghi dịch (1868)
Bốn cuộc gặp, Công Hiện dịch (1877)
Những người châu Âu, Phan Lương dịch (1878)
Daisy Miller & Di sản Aspern, Phan Lương & Anh Hoa dịch (1878 - 1888)
Đám cưới của Longstaff, Bùi Gia Bin dịch (1881)
Vẽ một phụ nữ, Anh Hoa dịch (1881)
Một vấn đề, Công Hiện dịch (1891)
Hình tượng trên tấm thảm, Anh Hoa dịch (1896)
Con quái vật trong rừng & Ban thờ người chết, Anh Hoa dịch (1903)
James đọc
đọc Balzac
đọc Joseph Conrad, Edith Wharton, Arnold Bennett
đọc James
về James
James, Conrad, và Stevenson (CH)
Henry James và Edith Wharton (CVD)
Daisy (AH)
James và Stevenson (CVD)
James và Turgenev (CVD)
Sống tiếp (AH)
Tại sao Isabel khóc? (AH)
Những người châu Âu (CVD)
Henry James và sự vui lớn (PL)