Henry James đọc Middlemarch
Henry James được gợi hứng rất nhiều từ Middlemarch. Có lòng ngưỡng mộ dành cho một tượng đài, nhưng quan trọng hơn là sự nhận ra một giới hạn phải vượt qua bằng mọi giá. Đó có lẽ là điều tốt đẹp nhất mà các tượng đài có thể đem lại: cung cấp một mục tiêu bắn phá xứng đáng cho thế hệ sau. Nếu không hiểu ra là phải đoạn tuyệt, mọi sự formaTION chỉ là vờ vĩnh.
X năm sau cuộc gặp choáng váng với Mary Ann Evans, tức George Eliot thần thánh (mà Henry James tuổi trẻ tả với ông bố là "xấu huy hoàng," and yet "I ended in falling in love with her"), Henry James khởi sự Vẽ một phụ nữ, tìm cách viết lại Middlemarch, mở ra một con đường khác hẳn.
Tiểu luận sau đăng trên Galaxy XV (1873).
Middlemarch vừa là một trong những tác phẩm mạnh nhất vừa là một trong những tác phẩm yếu nhất của tiểu thuyết Anh. Đọc Middlemarch, ta hẳn nhớ rõ những lúc phải tự hỏi mình rằng câu chuyện rồi sẽ nhận lấy hình hài ra sao - một bố cục chặt chẽ, hài hòa hay một chuỗi chắp nối các tình tiết, dài ngắn lộn xộn, không theo dự đồ tổng quát nào. Đó là một kho báu các chi tiết, nhưng lại là một tổng thể rời rạc.
Những đầu óc vĩ đại luôn có những khiếm khuyết tương ứng với phẩm chất riêng của chúng, và với một đầu óc thiên về suy ngẫm và phân tích như George Eliot, chẳng có gì lạ khi phong cách của bà không chịu khuôn theo một dự đồ quá chặt; điều đó hẳn sẽ tước đi của chúng ta nhiều miêu tả thiên tài - những bà con hau háu chầu chực bên giường bệnh Peter Featherstone, các đối thủ muôn hình vạn trạng của bác sĩ Lydgate, gia đình vui nhộn của Mary Garth. Tác giả muốn làm một nhà sử học của nông thôn Anh, và sự dồi dào chi tiết này, sinh ra từ một trí nhớ hết sức cụ thể, là một trong những nét quyến rũ lớn nhất của Middlemarch. Ký ức như đầy ắp những người muôn năm cũ mà bà nhất định bà phải tìm cách cho xuất hiện. Tiểu thuyết của bà là một bức paranoma rộng lớn, tràn trề, sống động với nét vẽ bậc thầy.
Trên danh nghĩa, Middlemarch có một chủ đề cụ thể, được chỉ rõ trong lời dạo hùng hồn: một cô gái trẻ được phú bẩm nhiệt tâm tràn trề, sinh ra cho một đời sống đạo đức lớn hơn hoàn cảnh thông thường cho phép, khao khát dâng mình cho một nỗ lực vĩ đại để rồi bỏ phí đời mình cho những sai lầm dường như là tất yếu. Dorothea Brooke là một sáng tạo xuất chúng, nhất là khi xét tới chất liệu quá tinh tế mà nàng được dựng nên. Các nữ anh hùng của George Eliot luôn sở hữu một sự cao cả bất khả thuyết của tâm hồn, và trong nghệ thuật trình hiện điều đó, bà đã đạt được vị trí không ai sánh kịp trong văn chương Anh. Độc giả như được nhìn thẳng vào đôi mắt khôn dò của tâm hồn Dorothea Brooke. Nàng tỏa ngát hương thơm của sự thánh thiện, và ta tin nàng như tin một phụ nữ ta có thể may mắn gặp được đúng lúc ta thấy mình nghi ngờ về sự bất tử của tâm hồn.
Tuy nhiên, câu chuyện Dorothea chỉ là một phần cuốn sách và rõ ràng không phải là trung tâm duy nhất. Dẫu được xây dựng tuyệt vời, nàng đáng tiếc lại có vai trò hẹp hơn những gì mà trí tưởng tượng của độc giả đòi hỏi. Cuộc hôn nhân của nàng với người mà nàng tưởng lầm là một học giả vĩ đại không được khai thác hết khả năng. Đúng là nó được phân tích với sự sâu sắc phi thường, nhưng, cũng như hầu hết các tình huống trong cuốn sách, nó được xử lý quá tinh tế, quá hẹp. Nó cứ xoay mãi trên cùng một trục, làm hiện ra nhiều sắc thái nhưng lại thiếu chiaroscuro kịch tính. Cái chết của ông Casaubon xảy ra vào khoảng giữa câu chuyện, và từ đó cho đến khi kết thúc, mối quan tâm của ta đối với Dorothea chỉ giới hạn ở câu hỏi: liệu nàng có kết hôn với Will Ladislaw hay không? Câu hỏi này phải nói là vặt vãnh và cuộc đấu tranh tinh thần có không ít lên gân - sự nghiêm túc chi li trong tường thuật ở hai quyển cuối thái quá tới gần như lố bịch. Dòng điện kịch tính bị đình trệ, chạy luẩn quẩn giữa nam và nữ anh hùng. Sự bất mãn của ta ở đây chủ yếu là bởi chân dung của nhân vật nam quá mơ hồ, không thực. Will Ladislaw là một sáng tạo có nhiều phẩm chất nhưng về tổng thể là thất bại. Đó là thất bại nổi bật duy nhất trong cuốn sách, và do đó những khiếm khuyết của nó càng nổi bật hơn. Đường viền của nó thiếu độ sắc, màu sắc thiếu độ sâu; ta không thấy mình tin vào Ladislaw như tin vào Dorothea, Mary Garth, Rosamond, Lydgate, ông Brooke hay ông Casaubon. Đó là một bản tính nhẹ (nhưng vẫn có khả năng làm những việc nặng nề nghiêm túc vì cuối cùng anh ta cũng vào Nghị viện), và một bản tính nhẹ chắc chắn không nên được vẽ bằng các nét quá đậm đà. Tác giả rõ ràng rất yêu quý anh và đã tìm thấy đây đó nơi anh những nét duyên dáng hùng hồn, nhưng cuối cùng anh vẫn có vẻ mơ hồ, không thực.
Một bằng chứng về độ rộng của bức tranh là việc tác giả đã dựng nên không chỉ một mà hai anh hùng trung tâm - Dorothea và Lydgate - với những mối quan tâm khác hẳn nhau, như hai mặt trời thuộc những thái dương hệ tách biệt nhau. Lydgate được xây dựng như một nam tính đầy thuyết phục - mạnh mẽ, tham vọng, khôn ngoan, kiêu hãnh, quyết liệt, hào phóng, với không ít thiếu sót và tuyệt đối con người. Một tác phẩm rộng như Middlemarch chứa đựng vô số hàm ý nghệ thuật, một số trong đó chỉ hiện rõ khi ta đã gấp sách lại, trong dư vị của chiêm nghiệm, chẳng hạn sự tương phản rất cân bằng giữa hai lịch sử riêng biệt của Lydgate và Dorothea. Cả hai đều là chuyện bất hạnh hôn nhân nhưng khác nhau tới độ mỗi lần đi từ câu chuyện này sang câu chuyện kia, độc giả không khỏi phải choáng ngợp về sự rộng lớn và đa dạng của cuộc sống con người dưới vẻ ngoài giống nhau - điều mà chỉ những tiểu thuyết vĩ đại nhất mới tạo ra được. Những đoạn thành công nhất trong cuốn sách có lẽ là những cảnh đau đớn bên lò sưởi giữa Lydgate và người vợ bé nhỏ của anh. Không có gì thực hơn thế trong toàn bộ văn chương Anh, và chắc chắn không có gì trí tuệ hơn. Ấn tượng mà chúng tạo ra càng sâu sắc chính bởi nguyên nhân tầm thường của chúng: đây là một bi kịch lạ lùng - dạng bi kịch sinh ra từ tiền thịt heo mua chịu. Tác giả tuân theo tiêu chuẩn về cái thực một cách khắt khe và kiên trì rọi ánh sáng lên những thực tế phổ biến của số phần con người.
Về các nhân vật phụ, ông Casaubon là một sáng tạo xuất sắc; không thể hình dung một nhân vật được xây dựng tinh tế, sâu sắc hơn với tư cách là bóng tối đối lập với người vợ ánh sáng của mình. Quả thật, có một điều gì đó rất cao thượng trong cách tác giả hình dung ông. Phải là một nhà đạo đức xuất chúng và một người kể chuyện bậc thầy mới có thể miêu tả sự tự phụ rỗng tuếch và ích kỷ giáo điều với ít mỉa mai hẹp hòi và nhiều cảm thông có tính cách triết học đến thế. Toàn bộ chân dung ông Casaubon giữ một tông xám được duy trì rất vững, không bao giờ đen hẳn như thường thấy ở những họa sĩ kém hơn. Từng nét vẽ đều góp phần tạo nên hình dung u ám bất lực của ông, dẫu đây đó (chẳng hạn trong lối nói năng) có thể có ít nhiều cường điệu. Ông Brooke và ông Garth cũng là những sáng tạo sống động, được vẽ bằng nét cọ của một Dickens chỉn chu và trí tuệ hơn. Bà Cadwallader, về phần mình, có thể sánh ngang với bà Poyser, và Celia Brooke cũng là một người đẹp ngốc nghếch không kém gì các tiểu thư trong tiểu thuyết Jane Austen. Ông Farebrother và gia đình phụ nữ của ông là một trong những chùm nhân vật độc đáo bắn ra từ bản năng sáng tạo dồi dào của tác giả. Đôi khi họ có vẻ chiếm sân khấu quá lâu, nhưng về cơ bản hiện diện của họ củng cố ấn tượng nơi người đọc rằng mình đang đi trên những con đường Middlemarch, giữa những giọng người Middlemarch.
Tất cả những nhân vật ấy - đậm nhạt mờ rõ khác nhau - hợp thành một thế giới nhỏ rất con người, và công lớn của cuốn sách nằm ở việc nó bày ra rất cụ thể, rất thực những hình ảnh đã lùi vào dĩ vãng. Dũng cảm biết bao khi dựng lên một thế giới rộng và sâu nhường ấy - một không khí dày đặc toan tính và dục vọng, tình yêu và hận thù, tham vọng và thất bại trong những kiểu người muôn hình vạn trạng mà độc giả phải tự mình khám phá. Dường như chưa có nhà văn nào khai thác được một kho ký ức phong phú hơn - những ký ức đã được ngâm đủ lâu và được tinh thần triết học làm cho mềm lại. Tác giả khép mình vào một thực tại luận nghiêm ngặt, dù khuynh hướng tự nhiên của bà là lý tưởng luận, và kết quả là một hỗn hợp xuất chúng. Hiện diện thường trực của suy nghĩ, của khái quát hóa đằng sau quan sát tỉ mỉ nâng những quan sát này và phong cách của bà lên một độ cao vượt trội. Nó thể hiện một trí óc nơi tưởng tượng được soi sáng bởi những khả năng hiếm khi đi cùng óc tưởng tượng quá dồi dào. Về độ rộng của viễn kiến ôm được cả sự nghiêm túc sử gia và những tưởng tượng vô độ nhất, George Eliot đứng một mình một bậc trong các nhà lãng mạn Anh. Fielding gần được nhưng không bằng bà: Fielding vẫn giáo điều, còn tác giả của Middlemarch thì thực sự suy tư triết học. Những phẩm chất tuyệt vời này đi kèm những hiểm nguy tương xứng. Trước hết là sự thiếu chân phương. Tác giả muốn nói quá nhiều và nói quá lưu loát, như thể cho một độc giả khoa học chứ không phải độc giả văn chương. Nhưng bất chấp những khuyết điểm này, đây vẫn là một tác phẩm sáng chói. Chúng tôi cho rằng nó đã xác định giới hạn cho khả năng phát triển của tiểu thuyết Anh kiểu cũ. Sự tràn bờ của nó khiến nó quá nặng cho một liều văn chương thuần. Nếu viết tiểu thuyết đã vậy thì ta sẽ viết sử ra sao? Nhưng nói gì đi nữa, đây vẫn là một đóng góp quan trọng bậc nhất đối với văn chương hư cấu.
Henry James, Galaxy XV (1873), Anh Hoa dịch
Khi viết bài này, James 30 tuổi,
và khi đã gần bằng tuổi - hay là hơn nhỉ? - GE hồi viết Middlemarch