Gặp Linda Lê ở Paris
Chúng tôi đến nhà Linda Lê để thực hiện buổi phỏng vấn vào một ngày thu, Paris lạnh đặc biệt. Paris những ngày cuối thu thời tiết rất thất thường, ít nhất là đối với những người từ xứ sở nhiệt đới đến đây, như chúng tôi. Cái lạnh có thể đến bất cứ lúc nào, từ những cơn gió, từ trong buốt giá của sương dù đã được ánh mặt trời xua đi gần hết vào giữa buổi sáng, và từ những cơn mưa bất chợt mà có một người sống lâu năm ở Paris bảo với chúng tôi đó là giboulée (mưa bóng mây). Để chuẩn bị chống cái lạnh và những cơn mưa, chúng tôi có áo khoác ấm, khăn ấm, mũ và tất nhiên là cả những cái ô nữa. Nhưng khi bước vào căn hộ nhỏ của Linda Lê, ngay lập tức, chúng tôi hiểu ra, tất cả những sự chuẩn bị đó là quá cồng kềnh cho một không gian như thế.
Đối với một nhà văn, hay đối với bất cứ ai, đồng ý trả lời phỏng vấn và cuộc phỏng vấn lại diễn ra ở trong chính nhà của mình cũng đồng nghĩa với việc bạn cần phải chuẩn bị cho một cuộc xâm chiếm của những người khác vào thế giới rất riêng của bạn. Với một nhà văn, ý thức về một thế giới riêng đó càng thiêng liêng và rõ rệt.
Căn hộ của Linda Lê nằm trên tầng cao nhất của một khu nhà cổ, cổ đến nỗi các bậc cầu thang gỗ đều đã mòn vẹt. Chúng tôi đi loanh quanh trên những con đường nhỏ, có một phố mang cái tên rất nữ tính, đài các dẫn thẳng vào một cánh cổng gỗ to. Thật ra thì có đến ba con đường tương tự như phố ấy cùng chạy thẳng đến một cánh cổng gỗ to. Bạn có thể sẽ bị nhầm lẫn nếu không đọc tên đường và số nhà. 10 giờ hơn một chút, chúng tôi có mặt dưới cổng nhà Linda Lê và bấm chuông, bà nhấn nút mở cổng cho chúng tôi từ trên căn hộ nhỏ của bà. Chúng tôi leo ba tầng gác trên những bậc thang gỗ đã mòn vẹt, sau đó đi bộ ngang qua một cái hành lang có cửa sổ đặt một chậu xương rồng để đến một cái cầu thang khác hẹp hơn và leo tiếp hai tầng gác nữa. Căn hộ của Linda Lê nằm ở tầng trên cùng, hành lang dẫn vào căn hộ của bà khởi đầu ở chỗ cuối của bậc cầu thang, theo một cách thức bất ngờ hết sức đối với một người không quen leo gác và đang thở dốc hổn hển như tôi. Tôi không nhớ rõ nó thực sự được cấu tạo như thế nào, cái cầu thang nối với hành lang dẫn vào căn hộ ấy, mà chỉ nhớ về mặt hình ảnh, nó nằm ở mãi tít sau phía hành lang chật đặc biệt, và tối, nối bậc cầu thang cuối cùng với một khung cửa nhỏ ngập đầy ánh sáng. Khuôn mặt Linda Lê lấp loáng trong ánh sáng ấy. Tôi sững một vài giây và thấy ngộp thở vì gương mặt ấy.
Tôi chưa gặp Linda Lê bao giờ, có đôi lần tôi thấy ảnh của bà trên bìa các cuốn sách, trên Internet, chụp từ các buổi nói chuyện. Trong hình dung của tôi, những hình ảnh qua sách báo đó là một hình ảnh an toàn và đúng với một người đàn bà viết văn. Là người hay để ý đến trang phục, đầu tóc của các nhà văn và những người của công chúng, tôi biết Linda Lê hay mặc đồ màu đen và để một kiểu tóc (tóc dài và để mái che lông mày, sát xuống mắt) trong nhiều năm. Sáng nay bà gặp chúng tôi cũng trong một bộ đồ đen và kiểu tóc như vậy. Để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn này, chúng tôi đã trao đổi qua e-mail với bà rất chi tiết, kể cả chuyện bà sẽ mặc màu đen để tiếp đón chúng tôi.
Khoảnh khắc đầu tiên khi gặp mặt thật là khó khăn, khó khăn đối với Linda Lê, tất nhiên, vì bà vừa để cho những kẻ lạ mặt vượt qua lằn ranh để xâm nhập vào thế giới của bà. Khó khăn cho chúng tôi, vì ngay lập tức, tôi hiểu không gian bên trong thế giới ấy đang trở nên chật chội. Mỗi chúng tôi, ngay lập tức, cố gắng tìm cách xoay xở để có thể, thật nhanh chóng, không gây thêm một sự xáo trộn nào trong cái thế giới ấy. Khăn, áo khoác, mũ, ô, túi xách, sổ tay ghi chép, máy quay, máy ảnh và những con người chúng tôi loay hoay tìm chỗ. Còn Linda Lê, bà im lặng và sẵn sàng im lặng rất lâu, lâu cho đến khi nào mỗi đồ vật và con người đang xâm lăng vào thế giới của bà kia tạm yên ổn. Bà hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ, nhưng tôi biết bà không hẳn là đang nhìn ra những thứ bên ngoài cửa sổ, mà chỉ là vì không gian bên trong lúc này chật hẹp đến độ không đủ cho cả một ánh nhìn.
Sau khi mỗi người chúng tôi đã tìm cho mình một vị trí yên ổn và cố gắng hết sức để giảm thiểu mọi chuyển động trong không gian ấy, thì cuộc phỏng vấn được bắt đầu. Linda Lê rõ ràng cũng đã chuẩn bị rất cẩn thận cho một buổi phỏng vấn có tính chất xâm nhập vào thế giới riêng này của mình. Bà nói chuyện với chúng tôi bằng một lúc vài ba chất giọng, có giọng ở âm vực sâu như vang lên từ đáy giếng, có giọng như tiếng chim hót ở tầng cao nào đó trên không vọng xuống, có giọng lại xào xạc như tiếng lá trong một cánh rừng mùa thu.
Một phần ba thời lượng đầu tiên của buổi phỏng vấn, tôi nhận thấy bà có chút hồi hộp và đề phòng. Mỗi lần tôi đổi tư thế ngồi (vì mỏi) bà đều liếc rất nhanh về phía sau tôi, như thể cái co duỗi chân của tôi đang lấn tới một chút vào không gian riêng tư của bà. Bà trả lời thẳng vào câu hỏi, không ngần ngừ với bất cứ một câu hỏi khó nào (về những người thân đã mất, những mối quan hệ không còn, văn chương trong mối tương quan với các giải thưởng, kể cả về giai đoạn bà suy sụp tinh thần sau khi viết xong một cuốn tiểu thuyết lớn, sau này sẽ vô cùng nổi tiếng). Càng nói chuyện, vẻ mặt bà càng dần dần lấy lại được vẻ tự tại vốn có: như thể có một lớp sương giá mỏng dần dần lan ra trên bề mặt vững chắc mà trước đó sự hốt hoảng làm cho có sự xáo trộn từ bên trong, khiến xuất hiện những vết rạn trên bề mặt của cái tôi; khi ấy, bản thể bên trong của bà có nguy cơ bị rạn vỡ.
Giữa cuộc nói chuyện, có vài lần chuông nhà thờ vang đến chỗ chúng tôi. Khu vực này rất gần nhà thờ Saint-Sulpice, một "thánh địa" của giới văn chương Paris, nơi Georges Perec từng ngồi nhiều ngày ở một quán cà phê để ghi chép từng hoạt động nhỏ nhặt nhất của người qua đường rồi sau đó viết một tác phẩm lừng danh. Mỗi lần như vậy chỉ có chúng tôi nhìn ra cửa sổ, về phía gác chuông nhà thờ, còn Linda Lê thì vẫn tiếp tục nói như thể tiếng chuông nhà thờ cũng thuộc một phần vào thế giới của bà.
Chúng tôi đặt câu hỏi, chúng tôi đọc cho bà nghe những trích đoạn được chuẩn bị trước, chúng tôi đã ở đó, bên trong thế giới của Linda Lê. Đã có nhiều câu hỏi được hỏi. Nhưng cũng đã có những câu hỏi tôi đã không nói ra. Giữa chúng tôi là những khoảng lặng lơ lửng trong bầu không gian chật chội. Tôi đã không hỏi bà về những chồng sách chỉ chực đổ xuống, không hỏi về cách bà đối xử với những quyển sách ở dưới cùng khác với những quyển sách ở trên ra sao; nhiều quyển nằm ở bên trong tủ sách có lưới mắt cáo thay vì kính: phải chăng là bà muốn để cho chúng được thở, về những cái ống khói lô nhô ngoài cửa sổ như một lũ chim sẻ đậu bất động trên bờ tường; hằng ngày nhìn ra ngoài thấy sự bất động ấy, bà có cảm thấy an tâm hơn trong thế giới của mình, và thật ra chúng thuộc thế giới bên trong hay bên ngoài kia?
4 giờ chiều, cuộc phỏng vấn kết thúc. Chúng tôi ra về, leo xuống những bậc thang gỗ mòn vẹt, đi qua khung cửa gỗ, quay ngược trở lại phố mang cái tên nữ tính và đài các. Paris chiều thứ Sáu có vẻ vội vã hơn thường lệ. Ai cũng muốn đi về nhà cho nhanh trước khi trời sập tối, trước khi có thể có một cơn mưa ập đến. Bên kia đường có tiếng gót giày khua vội trên đường, một người đàn ông quàng khăn đạp xe ngang qua, khăn bay tung ở góc phố. Tôi kéo khăn sát vào cổ hơn. Mỗi nhà văn phải biết cách lựa chọn giữ gì và vứt bỏ gì để duy trì một thế giới bên trong mình. Nó có thể chật hẹp với những kẻ ở ngoài bước vào, nhưng không giới hạn với chính bản thân nhà văn đó.
Nguyễn Thu Thủy