favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
Hạ 2024
Next

Freya của bảy đảo

24/07/2024 00:03

Tiếp tục Joseph Conrad (kỳ mới nhất ở kia). Một trong những truyện rất charming của Conrad. 

Freya của bảy đảo

- Joseph Conrad 

I

Một ngày nọ – đã nhiều năm về trước – tôi nhận được một bức thư dài, tỉ tê của một người trong đám chiến hữu và bạn đường cũ ở vùng biển Đông. Anh ta vẫn còn ở đó, nhưng đã ổn định một chỗ, tuổi xế chiều; tôi mường tượng anh ta – phát tướng và quen thói quẩn quanh trong nhà, tóm lại, bị bắt kịp bởi số phận của phần đông ngoại trừ những kẻ, được thần linh đặc biệt chiếu cố, bị dộng vào đầu từ sớm. Bức thư thuộc vào dạng khơi gợi “cậu còn nhớ không” – một bức thư đầy tiếc nuối với cái nhìn hồi cố. Và, giữa nhiều thứ khác, “chắc chắn cậu còn nhớ Nelson già,” anh ta viết.

Nhớ Nelson già! Hẳn rồi. Và trước hết, tên ông ấy không phải Nelson. Người Anh ở vùng Quần đảo gọi ông là Nelson vì như thế tiện hơn, tôi nghĩ vậy, và ông chẳng bao giờ phản đối. Bắt bẻ chẳng để làm gì. Tên đúng của ông là Nielsen. Ông đã xuất hiện ở Biển Đông rất lâu trước khi có điện tín, phục vụ cho các hãng Anh, cưới một cô gái Anh, là một người của bọn chúng tôi trong nhiều năm, buôn bán và lênh đênh khắp Quần đảo phía Đông, xuyên qua và bao quanh, ngang, chéo, vòng bán nguyệt, dích dắc, quành số tám, hết năm này sang năm khác.

Không có ngóc ngách nào của vùng biển nhiệt đới này mà sự táo bạo của Nelson (hay Nielsen) già không xộc vào theo lối hết sức thản nhiên. Dấu vết của ông, nếu được vạch ra, hẳn phủ khắp bản đồ của Quần đảo như một mạng nhện – chỉ trừ Philippines. Ông không bao giờ đến gần đó, bởi nỗi sợ kỳ lạ người Tây Ban Nha hoặc, chính xác hơn, chính quyền Tây Ban Nha. Những gì ông tưởng tượng họ có thể làm với mình thì không nói rõ được. Có lẽ vào quãng nào đó trong đời, ông đã đọc được vài câu chuyện về Tòa án Dị giáo.

Nhưng nhìn chung ông sợ cái mà ông gọi là “chính quyền”; không phải chính quyền Anh, những người ông vốn tin tưởng và tôn trọng, mà là hai chính quyền còn lại của thế giới. Ông không quá khiếp người Hà Lan như người Tây Ban Nha nhưng ông nghi ngại họ hơn. Quả thật là cực kỳ nghi ngại. Người Hà Lan, trong cái nhìn của ông, có khả năng “chơi bất kỳ trò bịp xấu xa nào” với kẻ chẳng may làm phật lòng họ. Họ có luật và phép tắc của họ, nhưng không hề có quan niệm về công bằng khi áp dụng chúng. Thật đáng thương hại khi thấy sự thận trọng đầy lo âu trong các giao dịch của ông với một tay quan chức nào đó và hãy nhớ rằng người đàn ông này từng đi bộ đến một ngôi làng ăn thịt người ở New Guinea với vẻ bình thản, chẳng hề run sợ trong một cuộc đổi chác có lẽ chẳng đáng năm mươi bảng (và cần lưu ý rằng cả đời, lúc nào ông cũng béo, và là, nếu tôi có thể nói thế, một miếng rất ngon lành).

Nhớ Nelson già! Tất nhiên rồi! Đúng là không ai thuộc thế hệ chúng tôi được biết ông trong giai đoạn còn hoạt động. Đến thời chúng tôi thì ông đã “nghỉ hưu”. Ông đã mua, hoặc thuê được, một phần hòn đảo từ Quốc vương của một cụm nhỏ gọi là Bảy Đảo, cách Banka không xa lắm về hướng bắc. Tôi cho rằng đó là một giao dịch hợp pháp, nhưng tôi cũng chẳng nghi ngờ việc nếu ông là người Anh thì người Hà Lan sẽ tìm được một cái cớ để sa thải ông ngay chẳng cần khách sáo. Trong giao thiệp này, dạng đúng của tên ông đã giúp ích rất nhiều. Trong vai một người Đan Mạch khiêm tốn, cách cư xử rất mực đúng đắn, ông đã được họ để yên. Đã dồn toàn bộ tiền vào việc canh tác, ông cẩn thận để không lộ ra dù chỉ cái bóng mờ sự gây hấn, và chủ yếu cũng vì những lý do thận trọng thuộc loại này mà ông không gây được thiện cảm cho Jasper Allen. Nhưng chuyện đó để sau. Đúng! Người ta còn nhớ rất rõ căn bungalow to lớn, hiếu khách của Nelson, dựng đứng trên mũi đất nhỏ, cái dáng đẫy đà của ông, thường khoác sơ mi trắng và quần dài (ông có thói quen kinh niên cởi phăng chiếc jacket lông lạc đà khi gặp phải cơn kích động nhỏ nhất), đôi mắt xanh tròn xoe, bộ ria mép trắng ngà lởm chởm chĩa ra tứ phía như lông một con nhím cáu kỉnh, thói quen đột ngột ngồi xuống và lấy mũ quạt phành phạch. Nhưng chẳng ích gì giấu đi sự thật rằng điều mà người ta thực sự nhớ đến là con gái của ông, lúc ấy đã đến sống với ông – Quý cô của các Đảo.

Freya Nelson (hay Nielsen) là kiểu thiếu nữ khiến người ta phải nhớ đến. Khuôn mặt trái xoan của nàng thật hoàn hảo; và trên cái khuôn quyến rũ ấy là những đường và nét rất mực hài hoà cùng nước da tuyệt diệu, tạo một ấn tượng lành mạnh, khoẻ khoắn, cùng điều mà tôi có thể gọi là lòng tự tín vô thức – một sự cương quyết đầy vui tươi và quả thật có phần kỳ dị. Tôi sẽ không so sánh mắt nàng với hoa violet vì sắc độ đích thực của màu mắt ấy rất đặc biệt, không quá sẫm và rực rỡ hơn. Chúng luôn mở to và nhìn ta thẳng thắn trong bất kể tâm trạng nào. Tôi chưa bao giờ thấy hàng mi dài, sẫm màu cụp xuống – tôi dám chắc Jasper Allen đã được chứng kiến điều đó – nhưng tôi không nghi ngờ gì rằng biểu hiện ấy hẳn phải yêu kiều theo một lối phức tạp vô cùng. Nàng có thể – Jasper bảo tôi trong nỗi hân hoan khờ dại thống thiết – ngồi lên mái tóc mình. Tôi dám chắc là thế, tôi dám chắc. Tôi không được chiêm ngưỡng những kỳ quan ấy; tôi đã đủ hài lòng khi chiêm ngưỡng cách nàng vấn mái tóc lên thật gọn và vừa đủ để không che đi hình dáng tuyệt đẹp của cái đầu. Và mái tóc thật dày ấy bóng mượt đến nỗi khi những tấm mành ở hàng hiên phía tây hạ xuống, tạo thành một cái bóng nhập nhoạng dễ chịu ở đó hoặc dưới bóng của lùm cây ăn quả gần ngôi nhà, nó dường tỏa ra một quầng vàng rực.

Nàng thường mặc một chiếc áo dài màu trắng cùng một chiếc váy có độ dài vừa phải để khi bước đi lộ ra đôi ủng màu nâu, gọn, có dây buộc. Nếu có bất kỳ màu sắc nào trong trang phục của nàng thì có lẽ chỉ là một chút xanh lam. Dường như không sự cố sức nào làm nhọc nàng. Tôi đã nhìn thấy nàng cập bến từ một chiếc xuồng nhỏ sau một chuyến dài dưới nắng (nàng tự chèo phần lớn) mà chẳng hề thở gấp và không một sợi tóc lệch khỏi chỗ. Vào cái buổi sáng nàng đứng trên hiên để lần đầu tiên nhìn ra biển, về hướng tây, lối Sumatra, nàng trông tươi tắn và long lanh như một giọt sương. Nhưng một giọt sương thì chóng tàn, mà ở Freya chẳng có gì là chóng tàn cả. Tôi nhớ cánh tay chắc nịch, tròn lẳn với cổ tay thanh mảnh, và bàn tay rộng, hoạt bát với các ngón tay thon thon của nàng.

Tôi không biết nàng có thực sự được sinh ra trên biển hay không, nhưng tôi biết rằng cho đến năm mười hai tuổi, nàng đã ra khơi cùng bố mẹ trên nhiều tàu khác nhau. Sau khi Nelson già mất đi người vợ, ông chỉ còn băn khoăn về việc phải làm gì với cô con gái. Một phụ nữ tốt bụng ở Singapore, cảm động trước nỗi đau buồn câm lặng và sự lúng túng đáng thương của ông, đã đề nghị chịu trách nhiệm chăm nom Freya. Sự thu xếp này ổn thỏa chừng sáu năm, trong thời gian đó Nelson (hay Nielsen) già “nghỉ hưu” và thích nghi trên chính hòn đảo của ông, và rồi chuyện được sắp đặt (khi người phụ nữ tốt bụng đi châu Âu) rằng con gái ông sẽ đến sống cùng ông.

Sự chuẩn bị trước tiên và quan trọng nhất cho sự kiện đó là ông già đặt mua từ chi nhánh ở Singapore một cỗ “dương cầm đứng” của hãng Steyn và Ebhart. Khi ấy tôi đang chỉ huy một tàu hơi nước nhỏ cho việc giao thương với hòn đảo, và trách nhiệm giao nó cho ông rơi vào tay tôi, thành thử tôi biết đôi điều về cỗ “dương cầm đứng” của Freya. Hết sức nhọc nhằn, chúng tôi hạ kiện hàng khổng lồ xuống một tảng đá phẳng giữa đám bụi rậm, gần như đánh văng phần đáy một trong những chiếc thuyền của tôi trong quá trình thực hiện cuộc giao dịch trên biển ấy. Tất tật thủy thủ đoàn của tôi đều tham gia hỗ trợ, cả các kỹ sư và lính cứu hỏa, bằng các thao tác khéo léo cẩn trọng nhất, và bằng những trục lăn, đòn bẩy, pa lăng, mặt phẳng nghiêng ghép bởi những tấm ván tẩm xà phòng, làm việc cật lực dưới mặt trời như người Ai Cập cổ đại xây dựng kim tự tháp, chúng tôi đưa nó đến tận ngôi nhà và nâng lên đến rìa hàng hiên phía tây – nơi thực ra là phòng khách của căn bungalow. Ở đó, thùng hàng được xé ra hết sức cẩn thận, con quái vật tuyệt đẹp làm từ gỗ hồng rốt cuộc cũng lộ diện. Trong niềm phấn khích kính cẩn, chúng tôi dỗ nó lùi vào sát tường rồi hít vào hơi thở tự do đầu tiên trong ngày. Nó chắc chắn là vật nặng nhất từng được di chuyển trên hòn đảo nhỏ ấy từ khi thế giới được tạo ra. Âm lượng nó phát ra trong căn bungalow (có vai trò như một bảng cộng hưởng) thực sự đáng kinh ngạc. Sấm rền ngọt ngào ngay trên biển. Jasper Allen kể với tôi rằng một sáng còn rất sớm trên boong tàu Bonito (chiếc tàu hai buồm đẹp và chạy nhanh phi thường của anh), anh có thể nghe thấy rất rõ Freya chơi các gam. Nhưng anh luôn thả neo rất dại gần mũi đất, có lần tôi đã bảo thẳng anh như vậy. Đương nhiên, những vùng biển này hầu như đều yên ổn, và cụm Bảy Đảo là một là một khu vực thường đặc biệt yên tĩnh, không mây. Tuy vậy, thỉnh thoảng một cơn dông chiều thổi qua Banka hoặc một trong những đợt gió mạnh hiểm ác thổi đến từ bờ biển Sumatra xa xôi sẽ thình lình ập đến, phủ lên nó những cơn lốc và bóng tối đen kịt của một điềm báo cực kỳ nham hiểm trong vài giờ.  Sau đó, khi những màn mây sà xuống thật thấp nổ ầm ầm trong gió và căn bungalow rung lên từng ngóc ngách, Freya sẽ ngồi xuống bên cây đàn và chơi bản Wagner khốc liệt trong bập bùng những lóe chớp, với tiếng sét vang dội khắp xung quanh, đủ khiến tóc người ta dựng đứng; và Jasper sẽ đứng đờ trên hiên, sùng kính ngắm từ đằng sau dáng hình lắc lư mềm mại của nàng, vẻ rực rỡ huyền diệu của mái đầu đẹp, bàn tay thoăn thoắt lướt trên phím, cái gáy trắng ngần trên cổ – trong khi cái tàu hai buồm ngay phía dưới bị quăng quật vào đám dây neo giữa một bãi lổn nhổn những mỏm đá đen sáng loáng, kéo dài chừng trăm thước. Khiếp!

Và điều này, nếu bạn muốn biết, chẳng có lý do nào ngoài việc khi anh ta lên tàu vào ban đêm và ngả đầu lên gối, anh ta sẽ cảm thấy mình đang ở gần nhất có thể để thuận tiện đến bên Freya say ngủ trong bungalow. Gớm chưa! Và, cứ yên trí rằng, chiếc tàu hai buồm này đã là nhà – ngôi nhà của họ – thiên đường dập dềnh mà anh ta dần dần biến thành một chiếc du thuyền để lái cuộc đời mình theo cách đầy sung sướng, cùng với Freya. Rõ ngẫn! Nhưng gã này lúc nào mà chẳng liều.

Một hôm, tôi nhớ mình đã cùng Freya đứng trên hiên quan sát chiếc tàu đến gần mũi đất từ phía bắc. Tôi cho rằng Jasper đã dụ cô gái ra ngoài bằng cái ống nhòm dài của mình. Anh ta làm gì? Thay vì cứ thế đi tiếp một dặm rưỡi nữa dọc theo bãi cạn rồi thả neo mẫu mực đúng như một thủy thủ giỏi, anh ta phát hiện một khoảng trống giữa hai rặng đá ngầm lởm chởm già nua đến phát kinh, đột ngột buông bánh lái, và lao tàu vào, với tất tật những cột buồm lạch cạch rung lên, đến mức chúng tôi có thể nghe thấy từ trên hiên tiếng huyên náo om sòm. Tôi rít qua kẽ răng, có thể nói như vậy, và Freya chửi thề. Đúng thế! Nàng siết chặt hai nắm tay hoạt bát của mình và giậm đôi ủng nâu, kêu lên “Khốn kiếp!” Rồi, nhìn tôi với vẻ mặt đã hơi bốc hỏa – tuy không quá tệ – nàng nhận xét, “tôi quên mất anh ở đây,” và cười lớn. Chắc chắn là vậy, chắc chắn. Khi trông thấy Jasper nàng dường như chẳng nhớ rằng trong thế giới này lại còn có ai khác. Vì lo ngại về trò bịp điên khùng này, tôi không thể không kêu gọi sự đồng tình nơi ý thức về lẽ thường của nàng.

“Hắn đúng là một thằng rồ phải không?” Tôi nói, đầy kích động.

“Tuyệt đối ngốc,” nàng nhiệt tình đồng ý, nhìn thẳng vào tôi với đôi mắt mở to, tha thiết và lúm đồng tiền của nụ cười hằn lên má nàng.

“Và làm thế,” tôi chỉ cho nàng thấy, “chỉ để có thêm khoảng hai mươi phút gặp cô.”

Chúng tôi nghe thấy tiếng mỏ neo rơi xuống, và rồi nàng trở nên cương quyết và hăm dọa.

“Chờ một chút. Tôi sẽ dạy hắn.”

Nàng quay vào phòng riêng và đóng cửa, bỏ lại tôi một mình trên hàng hiên cùng vài chỉ dẫn. Từ lâu trước khi các buồm của con tàu được thu lại, Jasper đã lao tới ba bước một, quên khuấy không hỏi dạo này sao rồi, và hăm hở nhìn khắp xung quanh.

“Freya đâu? Nàng vừa ở đây cơ mà?”

Khi tôi giải thích rằng anh ta sẽ bị tước đi sự hiện diện của Miss Freya trong suốt một tiếng, “để dạy cho hắn biết,” anh ta liền khăng khăng rằng tôi đã xúi nàng làm thế, rõ ràng, và e rằng một ngày nào đó sẽ phải bắn bỏ tôi. Nàng và tôi đang trở nên quá thân mật. Rồi anh quẳng mình xuống một cái ghế và cố kể với tôi về chuyến đi. Nhưng điều buồn cười là anh chàng đang thực sự khốn khổ. Tôi có thể thấy rõ. Giọng nói bạt đi không thành lời và anh ta ngồi đờ, nhìn vào cánh cửa với vẻ mặt của một người đang đau thốn ruột. Thật thế… Và điều buồn cười tiếp nữa là cô gái bình thản bước ra khỏi phòng chỉ sau chưa đầy mười phút. Tôi liền bỏ đi. Ý tôi muốn nói là tôi đi tìm Nelson (hay Nielsen) già ở hiên sau, đó là xó riêng của ông trong sự phân chia của ngôi nhà, với mục đích tử tế là lôi kéo ông vào trò chuyện kẻo ông sẽ khởi sự đi loanh quanh và vô tình xộc vào chỗ mà vừa mới đây ông không muốn.

Ông biết con tàu hai buồm đã đến, dù không biết rằng Jasper đang ở cùng cô con gái. Tôi cho rằng lúc ấy ông không nghĩ điều đó có thể xảy ra. Một ông bố đương nhiên sẽ không nghĩ vậy. Ông ngờ rằng Allen có cảm tình với cô gái; chim trên trời và cá dưới biển, hầu hết những người buôn bán ở Quần đảo và tất tật đàn ông thuộc mọi loại và tầng lớp trong thị trấn của Singapore đều nhận thấy điều đó. Nhưng ông không có khả năng đánh giá được cô gái đã tiến xa đến mức nào với anh chàng. Ông vẫn nghĩ rằng Freya quá khôn ngoan để có thể đổ nhào trước bất kỳ ai – ý tôi là tới mức không còn tự chủ. Không; đó chẳng phải điều khiến ông ngồi ở hiên sau và tự làm nhọc óc mình với cái lối khiêm tốn ấy trong những lần Jasper ghé thăm. Điều ông lo là “chính quyền” người Hà Lan. Vì có một sự thật là người Hà Lan tỏ ra nghi ngờ trước những việc Jasper Allen, chủ sở hữu và người chỉ huy tàu Bonito, làm. Họ cho rằng anh ta quá bạo trong việc kinh doanh. Tôi không biết anh ta đã từng làm gì phi pháp chưa, nhưng tôi biết sự hoạt động rộng khắp của anh ta có vẻ thật gớm ghiếc đối với vẻ lãnh đạm và những cách thức chậm rề của họ. Dẫu sao, theo nhận định của Nelson già, thuyền trưởng tàu Bonito là một thủy thủ thông minh và một chàng trai tử tế nhưng nhìn chung chẳng phải là một người quen đáng mong muốn. Có chút gì ám muội, bạn hiểu đấy. Mặt khác, ông không muốn bảo thẳng Jasper tránh xa. Nelson già tội nghiệp là một người tử tế. Tôi tin là ông sẽ tránh làm tổn thương cảm xúc của cả một tên ăn thịt người đầu tóc rũ rượi, trừ phi bị kích động quá mạnh. Ý tôi là về cảm xúc, không phải thể xác. Trong khoản đối phó với giáo, dao, rìu, dùi cui, hay tên, Nelson già đã chứng tỏ mình hoàn toàn biết phải làm gì. Còn trong những chuyện khác, tâm hồn ông lại rất rụt rè. Thành thử ông ngồi ở hiên sau với vẻ lo âu, và bất cứ lúc nào giọng nói con gái ông và Jasper Allen chạm đến, ông sẽ phồng má và để hơi thoát ra với một âm thanh ảm đạm, giống như một người đã bị thử thách quá nhiều.

Đương nhiên tôi hay chế báng những lo ngại mà ông, không nhiều thì ít, giãi bày với tôi. Phần nào đó ông cũng quan tâm đến sự xét đoán của tôi, và phần nào đó cũng tôn trọng nó, nhưng không phải vì phẩm chất đạo đức của tôi mà bởi tôi được trông cậy sẽ làm việc với “chính quyền” người Hà Lan. Tôi biết một sự thật rằng mối lo sợ lớn nhất của ông, Thống đốc Banka – một chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu, duyên dáng, nóng nảy, nồng nhiệt – có cảm tình đặc biệt với ông. Lời đảm bảo đầy an ủi ấy tôi vẫn thường đưa ra, khiến Nelson (hay Nielsen) già tươi tỉnh lên trong giây lát; nhưng rốt cuộc ông vẫn lắc đầu nghi ngại, như thể muốn nói rằng mọi chuyện đều rất ổn, nhưng có những vực thẳm trong bản chất người Hà Lan mà chẳng ai ngoại trừ ông hiểu thấu. Hết sức nực cười.

Vào cái lần tôi đang kể đây, Nelson già thậm chí còn cáu kỉnh; vì trong khi tôi đang cố giải trí cho ông bằng một chuyện phiêu lưu rất buồn cười và có phần tai tiếng đã xảy ra với một người quen của chúng tôi ở Sài Gòn, đột nhiên ông kêu lên:

“Anh ta muốn làm cái quỷ gì ở đây thế!”

Rõ là ông chẳng hề nghe một lời nào của giai thoại kia. Và chuyện này làm tôi khó chịu, vì giai thoại ấy hay vô cùng. Tôi chằm chằm nhìn ông.

“Nào nào!” Tôi kêu lên. “Ông không biết Jasper Allen tới đây để làm gì sao?”

Đây là lời ám chỉ công khai đầu tiên tôi xổ ra về tình trạng đúng của cuộc tình giữa Jasper và con gái ông. Ông đón nhận rất bình thản.

“Ô, Freya là một con bé khôn ngoan!” ông lơ đãng lầm bầm, tâm trí ông rõ là đã gắn chặt vào “chính quyền.” Không; Freya chẳng ngốc. Ông không lo về chuyện đó. Ông chẳng hề bận tâm. Anh chàng đó chỉ là khách của cô gái; anh ta giúp cô tiêu khiển; không hơn.

Khi ông già minh mẫn ngừng lẩm bẩm, ngôi nhà trở nên im lìm. Hai người kia đang vui đùa hết sức lặng lẽ, và rõ ràng đang rất vui. Họ còn tìm thấy được trò giải trí nào hấp dẫn hơn và ít ồn ào hơn là lên kế hoạch cho tương lai? Vai kề vai trên hiên nhà họ hẳn đang nhìn về phía con tàu, bên thứ ba trong trò chơi say sưa ấy. Không có nàng thì cũng chẳng có tương lai. Nàng là cơ đồ và mái ấm, và thế giới tự do rộng lớn dành riêng cho họ. Kẻ nào đã ví con tàu như một nhà tù? Cứ treo tôi lên mũi tàu theo lối nhục nhã nhất nếu như đó là sự thật. Những buồm trắng của con tàu ấy là đôi cánh trắng – đôi cánh chim trắng, tôi tin, thì thi vị hơn – được rồi, đôi cánh chim trắng, của tình yêu vút lên cao. Vút lên là chuyện của Jasper. Freya, thân là phụ nữ, giữ chặt hơn những liên hệ trần tục của cuộc tình này.

Nhưng Jasper đã được nâng lên cao theo đúng nghĩa của từ này kể từ cái ngày, sau khi họ nhìn chằm chằm con tàu trong một trong những quãng im lặng mang tính quyết định, chỉ riêng nó mới thiết lập được một mối thông cảm trọn vẹn giữa những sinh vật được ban cho lời nói, anh đề nghị nàng nên chia sẻ quyền sở hữu báu vật đó với mình. Quả thực, anh dâng cho nàng toàn bộ con tàu. Trái tim anh đã ở trong con tàu kể từ ngày mua được nó ở Manilla từ một tay Peru trung niên nào đó, vận bộ com lê nhã nhặn may bằng hàng len đen, bí ẩn và đạo mạo, kẻ, theo tất cả những gì tôi biết, có thể đã đánh cắp nó ở vùng biển Nam Mỹ, mà gã lại bảo rằng đã đến Philippines “vì lý do gia đình.” Cái “lý do gia đình” này rõ là tốt đẹp. Không caballero[1] đích thực nào lại nghĩ đến chuyện dò hỏi thêm sau một lời tuyên bố như vậy.

Quả thực, Jasper đúng là một caballero. Bản thân con tàu lúc ấy toàn màu đen, đầy bí ẩn và rất bẩn; một viên ngọc hoen ố của biển hoặc, đúng hơn, một tác phẩm nghệ thuật lem luốc. Vì ấy hẳn phải là một nghệ sĩ, cái tay đóng tàu vô danh đã ghép các phần cơ thể của ả lại với nhau thành những đường nét dễ thương từ loại gỗ nhiệt đới rắn nhất được buộc chặt bằng thứ dây đồng thuần chất nhất. Có trời mới biết ả được dựng lên ở nơi nào của thế giới. Chính Jasper cũng không thể xác định được phần lớn lịch sử của ả từ tay người Peru đạo mạo, lầm lì – nếu đó đúng là một người Peru chứ không phải quỷ sứ đội lốt, như Jasper bỡn cợt tin. Theo ý tôi thì ả đủ già để từng là một trong những tàu hải tặc cuối cùng, có lẽ là tàu buôn nô lệ hoặc giả tàu chở thuốc phiện thời kỳ đầu, nếu không muốn nói là tàu buôn lậu.

Dù sao thì ả vẫn chắc nịch như ngày đầu tiên xuống nước, lướt đi như một mụ phù thủy, rẽ nước như con tàu nhỏ gọn nhất và, giống như những phụ nữ xinh đẹp có cuộc đời phiêu lưu vang danh trong lịch sử, dường mang bí quyết tươi trẻ vĩnh viễn, thành thử chẳng có gì bất thường khi Jasper Allen xem ả như tình nhân. Và cách đối đãi ấy đã khôi phục lại vẻ đẹp rạng ngời của ả. Anh phục sức cho ả với nhiều lớp áo choàng bằng loại sơn trắng tốt nhất được khoác lên theo cách hết sức khéo léo, tinh tế, cẩn thận và giữ sạch bởi cả đoàn thủy thủ nhộn nhạo những người Mã Lai được tuyển chọn của anh. Chẳng loại nước men đắt tiền nào mà thợ kim hoàn sử dụng cho công việc của họ có thể tuyệt hơn và cho cảm giác nhẵn nhụi hơn khi chạm vào. Một đường viền mạ vàng mỏng xác lập vẻ thanh lịch tuyệt đối của ả khi ở trên mặt nước, dễ dàng che mờ vẻ đẹp nhà nghề của bất kỳ du thuyền giải trí nào từng đến Biển Đông thời ấy. Về phần mình, thú thật tôi thích một đường viền màu đỏ sẫm trên thân tàu trắng hơn. Nó nổi bật hơn, thêm nữa lại tốn ít hơn; và tôi đã bảo Jasper như vậy. Nhưng không, không được kém hơn hiệu ứng mà những lá vàng tuyệt hảo có thể tạo ra, bởi vì chẳng có sự trang trí nào khác đủ lộng lẫy cho chỗ ở tương lai của Freya thần thánh.

Tình cảm anh dành cho con tàu và cho cô gái hòa lẫn không thể tách rời trong tim anh giống như khi bạn nung chảy hai thanh kim loại quý cùng trong một nồi. Và ngọn lửa nóng ghê gớm, tôi đảm bảo với bạn. Nó gây ra bên trong anh một sự bồn chồn mãnh liệt của cả hoạt động lẫn ham muốn. Khuôn mặt quá đẹp, bên trên là mái tóc màu hạt dẻ gợn sóng, thanh đạm, cao lớn, tia háo hức phát ra từ ánh nhìn sắt đá và các động tác nhanh, thô bạo, anh khiến tôi đôi khi liên tưởng đến lưỡi kiếm sáng loáng không lúc nào ngừng chồm ra khỏi bao kiếm. Chỉ khi ở gần cô gái, khi anh có nàng ở đó để nhìn, tư thế căng thẳng đặc biệt này mới nhường chỗ cho một sự chú ý nghiêm túc đầy thành kính trước những cử động hay lời nói nhỏ nhất của nàng. Sự tự chủ lạnh lùng, cương quyết, gai góc và vui tươi của nàng dường như làm anh yên lòng. Phải chăng ma thuật nơi khuôn mặt nàng, giọng nàng, ánh mắt nàng đã khiến anh điềm tĩnh đến vậy? Dẫu sao đó chính là những điều mà ta phải tin rằng đã làm trí tưởng tượng của anh cháy rực – nếu như tình yêu bắt đầu từ tưởng tượng. Nhưng tôi chẳng phải kẻ có thể bàn luận về những điều bí ẩn như thế, và tôi giật mình nhận ra rằng chúng ta đã bỏ mặc Nelson già tội nghiệp đang phồng má thổi phì phì trong trạng thái lo lắng ở hàng hiên sau nhà.

Tôi chỉ ra cho ông thấy rằng, sau rốt, Jasper không phải là một vị khách quá thường xuyên. Anh ta và con tàu của mình làm việc cật lực khắp Quần đảo. Nhưng tất cả những gì Nelson già nói, một cách bực dọc, là:

“Tôi hi vọng rằng Heemskirk sẽ không xuất hiện trong khi con tàu ấy lởn vởn ở đây.”

Giờ này mà lại đi lo về Heemskirk! Heemskirk!... Thực sự, chẳng làm sao mà kiên nhẫn nổi với ông già...

 

[1] Gentleman Tây Ban Nha

Công Hiện dịch

(còn nữa)

Joseph Conrad

Gaspar Ruiz

Freya của bảy đảo

cùng mạch

James

Melville

Stevenson

Thoreau

Hawthorne

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công