favorites
Shopping Cart
Search
Vitanova
Prev
qua màn hình
Next

Hồi nhỏ tập làm văn có bài yêu cầu tả con gà, thế là cả lớp tôi lọ mọ đi tìm gà để tả - chuyện không khó vì nhiều nhà vẫn còn nuôi gà, nhất là Tết, nhà tôi thường nuôi trước khi cần xử lý cả tuần, trên sân thượng. Một con gà ngon chẳng cần chế biến gì nhiều - chỉ luộc. Có thế mới giữ và cảm nhận được hết phẩm chất của thịt gà. 

Ở nơi tôi sống, đi siêu thị chẳng thể tìm thấy con gà nào. Chỉ có các bộ phận gà - cánh, đùi, lườn - được làm sạch sẵn và đóng gói. Tên của cái đó là “gà công nghiệp” - những con gà được vỗ béo và xử lý như một vật liệu không sống, có lẽ cả đời không một lần nhìn thấy ánh mặt trời. Gà ấy có luộc cũng không ăn nổi, và những thứ thịt công nghiệp ấy càng ngày càng có vị na ná nhàn nhạt như nhau, dù mang nhãn là “cánh” hay “lườn”. 

Hẳn sẽ đến ngày chúng ta có thịt không  làm từ thịt, giống như đã có vải không làm từ vải, gỗ không làm từ gỗ, giấy không làm từ giấy. Và rất sớm thôi, chuyện sẽ thành đương nhiên, chẳng ai còn hình dung được giấy, vải, gỗ, thịt authentic là thế nào - cũng chẳng thấy chuyện đó có gì quan trọng nữa. 

(một tường thuật về quá trình ấy trong ngành vải, cách đây hơn thế kỷ)

Tôi cũng không biết chuyện đó có quan trọng hay không. Chính tôi cũng rất bỡ ngỡ khi lần đầu được chỉ cho rằng những thứ mà tôi vẫn gọi là giấy thực ra có hàm lượng giấy rất thấp, và do đó phải qua đủ công đoạn xử lý hoá chất, giống như gà công nghiệp không thể luộc mà phải qua đủ thứ quy trình để đắp vị, đắp hương lên. 

Tôi không biết, bởi vì gần như toàn bộ sách của tôi vẫn làm từ giấy không phải giấy, cũng như tủ quần áo toàn vải không phải vải, và ngày ngày tôi vẫn ăn những thứ thịt không vị thịt. Tất cả đều như thế: càng lúc càng virtual. 

Tôi biết, với nhiều người thế hệ mình, quyển sách giấy đã trở thành một vật xứng đáng cho vào bảo tàng: gần như chẳng còn biết phải đi đứng nằm ngồi với nó thế nào, chứ đừng nói là có quan hệ ở một trật tự cao hơn với nó. Cả với tôi, làm việc nhiều với văn bản, quyển sách giấy cũng là một vật gây nhiều sợ hãi và choáng ngợp - một văn minh mà tôi chẳng bao giờ dám nhận là mình thông thạo. Nhưng tôi thích nhìn nó, ở thời điểm có lẽ là hoàng hôn của nó, của những thực tại mất vật chất và đi vào pha của virtuality. 

Mọi thứ đã tiếp tục và sẽ tiếp tục. Tôi chẳng tin là có thể đảo ngược bất cứ điều gì. Nhưng vẫn thật kỳ lạ khi những người còn chẳng biết giấy là gì như tôi được chứng kiến những vật như sót lại từ một loài người đã biến mất. Tôi nhìn hai bìa sách này: cùng một thiết kế trên hai vật liệu - một là giấy đúng là giấy, hai là thứ thường được gọi là giấy nhưng rất ít giấy - thứ giấy chúng ta quen. 

đúng là may

Qua màn hình, tôi vẫn biết chúng khác nhau. Một bên rõ ràng có cảm giác vật liệu hơn, còn một bên thì là một thứ màn hình - giống như những áo quần không-phải-vải của tôi chỉ là bề mặt cho các nội dung, các màu và đường không ngừng thay đổi. 

Nhưng tôi không thể chạm được vào vật liệu ấy qua màn hình. Cả bạn cũng không. Và cả khi cầm nó trên tay, tôi cũng không chắc mình có thể cầm nó đọc dễ dàng như đọc những quyển sách virtual. Tôi phải nhờ một người quen thuộc với giấy và sách giấy (cũng như những con gà không công nghiệp) hơn tôi tả lại những gì trực giác vật chất tê liệt của mình đã không còn có thể cảm nhận, giống như một người mù cố gắng hình dung một thế giới mình chẳng thể thấy từ lời kể, vẽ ra trong khối bồng bềnh chẳng bám vào đâu của mình một cái gì là thật.

Quyển sách này, cũng như một vài quyển nữa trong 11 quyển kỳ thu, được làm bìa bằng loại giấy Ý mà chúng tôi mới dùng một lần - cho quyển thơ mùa hè: loại giấy có nhiều phẩm chất: dai, dày mình nhưng xốp nhẹ. Một tấm bìa như thế chẳng khiến quyển sách nhẹ đi bao nhiêu nhưng tạo ra cho nó một cảm giác khác hẳn - sự nhẹ nhõm của tinh thần

Có những tấm bìa ấy là một sự không định trước. Cách đây mấy tháng, trong khi dịch từ một trong các quyển sách cho Văn Bản kỳ thu, tôi bỗng - như thể lần đầu - nhận ra rằng quyển sách tôi đang dịch, một tác giả Ý nhưng nhà xuất bản Pháp - có chất liệu bìa đẹp quá. Bìa sách tuyền màu xanh và chỉ toàn chữ, không minh họa, nhưng bởi chất liệu ấy mà nó đẹp, giống như - đúng thế - giống như gà luộc ngon. Tôi đã giữ quyển sách ấy khá lâu, đã cầm nó đọc vài chương nhưng lúc ấy tôi bỗng thấy thật xúc động.

Những con chữ như nổi lên trên mặt giấy - chính là sự “ấn” trong in ấn: ấn xuống và để lại vết thì gọi là in. Còn ấn tượng thì là chuyện của tinh thần. Những gì không thể xoá. 

Bao nhiêu văn minh để tạo ra một vật này. Và tôi biết - lúc ấy - rằng dù đã mất phần nhiều trực giác cần có để cảm nhận được đầy đủ sự đẹp của nó, vẫn có ý nghĩa nào đó trong việc tạo ra những quyển sách khiến người ta bỗng hiểu ra, dù chỉ là lờ mờ dự cảm, quyển sách là gì. 

(sẽ thêm ảnh sau)

Nguyễn Tuân có truyện ngắn về một loại giấy mà khi sờ vào, người ta cảm thấy được sống là một điều sung sướng. Mùa nực nó mát, mùa đông nó ấm như có sinh khí, nó đượm hơi sống của cây cỏ và nó khiến người ta kính trọng. Đó là vật chất của tinh thần. 

Một văn bản có thể tồn tại ở vô vàn hình thức khác nhau. Tôi vẫn tin rằng giữa những người cầm chúng trên tay, có những người vẫn chưa bị tê liệt trực giác vật chất như tôi, những người khi mở nó ra và gấp nó lại sau cuộc đọc dài sẽ thấy rằng một quyển sách chỉ tồn tại đầy đủ nhất ở hình thức giấy, khi giấy đúng là giấy, và in đúng là “ấn” - khắc vào tinh thần, vào vật chất những dấu hiệu không thể xoá mờ. 

Một vật tồn tại giữa các vật trong đời - được nhận ra, được thêm vô vàn các tầng bởi những người đã thấy ở đó những điều mà người đã cho nó khởi đầu không thể thấy: một vật đẹp.

Huỳnh Bất Thức

favorites
Thêm vào giỏ hàng thành công